Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Bước đầu tìm hiểu quan niệm văn chương của Cao Bá Quát

Bước đầu tìm hiểu 
quan niệm văn chương của Cao Bá Quát
Cao Bá Quát là một phong cách lớn của văn chương Việt Nam thời Trung đại. Tư duy nghệ thuật cởi mở, khoáng đạt nhờ biết tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các bậc tiền bối, biết thâu nhận một cách chủ động tinh thần canh tân của thời đại làm nên sự khác biệt căn bản giữa ông với nhiều tác gia cùng thời, cũng làm nên sự đóng góp vô giá của ông vào tiến trình vận động của văn chương dân tộc. Một người tạo lập được phong cách lớn không thể không đồng thời là một nhà tư tưởng lớn, trước hết là trên lĩnh vực tư tưởng mỹ học. Vậy Cao Bá Quát đã nghĩ như thế nào về văn chương, nghệ thuật?
1. Văn chương là “vật báu lớn” ở đời
Cuộc đời Cao Bá Quát không dài mà nhục nhiều hơn vinh, buồn nhiều hơn vui, đúng như ý thơ sau của ông: Bình sinh bách sự bất do tâm (Ở đời, trăm việc đều chẳng theo ý muốn của mình). Do vậy, với văn chương, không phải lúc nào Cao Bá Quát cũng chỉ mang một cái nhìn sáng sủa, đầy kỳ vọng, và một thái độ phấn chấn, giàu tin tưởng. Có thể giải thích được tâm sự thành thật của ông trong câu thơ viết khi đã sang tuổi xế chiều: Lão khứ văn chương bất tự mưu (Về già, văn chương không mưu tính được việc gì cho mình). Ý nghĩ trong cảnh phiền muộn ở nơi đất khách quê người trong câu thơ này cũng rất cần được sẻ chia: Thùy nhân bút nghiễn độ niên thoa (Có ai chỉ dùng nghiên bút mà sống qua năm tháng thoi đưa).
Dẫu thế nào cũng nên coi những câu thơ ẩn chứa ít nhiều những hạt nhân hợp tình hợp lý trên như là những áng mây trôi nhanh qua tâm trạng và suy nghĩ nhất thời của Cao Bá Quát. Về đại thể, văn chương là thứ vật báu lớn (lời của Cao Bá Quát) vô giá, gần như ôm trọn cuộc đời ông. Sự hạ thấp hay xem thường văn chương dân tộc, với ông là không có thể, mà cũng không được phép. Lý lẽ Cao Bá Quát đưa ra chứa chan tình nghĩa, tình lớn và nghĩa sâu: Ôi! Người xưa đã đem tâm chí đúc chuốt thành lời hay ý đẹp, cốt để chắp lông nối cánh cho văn chương của ta, mà lại coi thường được sao? (1.tr.350). Lần khác, trong bài Đông Pha Xích Bích du, lý lẽ của ông lại bám chắc vào tư tưởng nhân bản, mang tính phổ quát rộng rãi. Ông viết: Thi tửu phá nhàn sầu (Thơ và rượu đánh tan nỗi buồn vẩn vơ). Văn chương là việc lớn để sửa đời (lời Lê Quý Đôn), góp phần nâng con người dậy, hướng con người về phía trước là vì thế. Vậy nên Cao Bá Quát không ngần ngại kết thúc bài thơ bằng một ý tưởng táo bạo: Ngâm lưu khởi sa châu (Tiếng ngâm thơ còn lại làm bãi cát nhổm dậy). Tác động của thơ hay tuyệt nhiên không hề có giới hạn.
Cũng rất nhân bản khi các nhà thơ xưa đi tới đâu, gặp thắng cảnh nào cũng đều dễ sinh tình mà thành thơ. Nhờ vậy mà: Đề thi diên lộ ký xuyên tung (Đề thơ dọc đường ghi dấu thành sông). Thơ thành thứ nhật ký đường trường, có cảnh, có vật, có người, lại chan chứa tình ý riêng của người làm thơ. Trong bài thơ nổi tiếng Đề sát viện Bùi Công Yên đài anh ngữ khúc hậu, Cao Bá Quát bộc lộ rõ điều đó bằng những lời khẳng định:
Vì ai mà kẻ ở quanh cái võng ba thước này,
Lại được thấy cảnh sông núi trùng trùng điệp điệp?
Trong ấy có vô số các bậc thánh hiền, hào kiệt,
Cùng đi lại với ta và thành bạn tri kỷ cả.
(1.tr.67)
Ông còn diễn tả sinh động tác dụng kỳ lạ của văn chương tới người đọc qua trải nghiệm của chính bản thân mình:
Khi ốm chợt nằm rồi chợt dậy
Nhắm hai mắt lại và bịt hai tai
Ngưng đọng tinh thần, gột rửa tư lự để lặng lẽ giong chơi
Như thân ta từng qua, chân ta từng bước
(2.tr.69)
Ấy là khi gặp cảnh đẹp hữu tình, người làm thơ không thể dửng dưng, đến mức: Túi gấm (đựng vần thơ, tứ thơ) dốc bừa chén vàng rót (Bài “Hiểu biệt, phục họa Phương Đình thứ vận”). Ngay cả khi Hảo hoa hàn vị phát (Trời lạnh nên loài hoa đẹp chưa nở) thì Cao sĩ hứng tần thôi (Hứng thú của bậc cao sĩ luôn luôn giục giã). Tính tích cực của chủ thể sáng tạo luôn được đề cao. Yêu cái đẹp, chờ đón, nâng niu cái đẹp vốn là bản tính của người nghệ sĩ. Ở đâu, lúc nào bản tính ấy cũng tự nhiên có nhu cầu phát lộ. Cho nên ta có thể hoàn toàn hiểu được ý muốn sau của Cao Bá Quát:
Múa không được như Tô Địch, vẫn cầm lấy thanh kiếm
Thơ tuy kém Trường Canh, song ngâm lên cũng có thể làm rụng sao
(1.tr.303)
Trường Canh đây chính là đại thi hào Lý Bạch đời Đường, người tương truyền đã viết nên câu thơ bất hủ: Dạ tĩnh bất khan đề tuyệt cú / Khủng kinh tinh đẩu lạc giang hàn (Đêm thanh không muốn đề câu thơ hay/ E rằng các vì sao trên trời sẽ rơi xuống sông rét mướt!). Đã rõ là sự gắn bó giữa Cao Bá Quát với thơ văn bền chặt, sâu nặng đến mức nào!
2. Cái hay của văn chương ở đâu?
Văn chương được Cao Bá Quát đề cao hẳn nhiên là thứ mỹ văn theo cách ông quan niệm. Bao giờ đây cũng là vấn đề thiết cốt nếu không muốn nói là vấn đề sống còn của một đời văn ở mọi thời đại. Cao Bá Quát nghĩ gì? Ông xác định rành rọt, dứt khoát: Bàn về thơ, tuy có phải trọng về quy cách, nhưng làm thơ thì phải gốc ở tính tình (1.tr.354). Bàn về văn chương nghệ thuật mà chú trọng tới quy cách là phải nhẽ. Có điều, cái gốc của thơ quyết không thể ở quy cách, mà ở  tính tình, ở  tấc lòng (từ dùng của Đỗ Phủ), nghĩa là ở tư  tưởng, tình cảm người làm thơ nói như cách nói ngày nay. Cao Bá Quát nhiều lần nhấn mạnh điều mà bản thân ông cho là cốt tử này. Trong Thiên cư thuyết, ông viết: Đã đành rằng ồn hay tĩnh là tùy từng nơi, khổ hay vui là tùy từng cảnh, song trông thấy vật mà cảm đến việc, rồi lặng lẽ mà ngậm ngùi cho cái đã qua, âu cũng bởi chữ tình xui nên như thế! (1.tr.346). Đây cũng là định hướng chính giúp ông phán xét có sức thuyết phục mọi hiện tượng văn chương lớn nhỏ ở đời. Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự là một ví dụ. Ông viết trong Hoa tiên truyện tự: Xưa nay nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó của đời không gì bằng sự gặp gỡ. Đem cái đó mà giải thích ra, theo loại mà suy rộng ra, thì cái lý trong thiên hạ đã biết được quá nửa rồi. Ta đối với truyện Hoa tiên có một mối cảm là vì thế.
Để làm rõ điều mình tin, Cao Bá Quát khéo léo liên hệ chuyện văn chương với chuyện đánh giá con người nhằm kết bạn tâm giao: Kén bạn không nên chuộng khí/ Chuộng khí sẽ không thấy được đức tính của người (1.tr.305). Hoàn toàn giống như chuyện uống chè ấy, ý thích của Cao Bá Quát thật rõ ràng:  Uống chè không nên ướp hoa/ Ướp hoa sẽ mất chân vị của chè (1.tr.305). Ông coi trọng cái thực, không muốn để các mùi thơm khác làm mấy bản chất đích thực của chè, không vì một nắm của hiếm, mà bắt mũi mình phải xem mãi những thứ không thực (1.tr.305). Từ đó, Cao Bá Quát đi tới một kết luận trở nên nhất quán trong suy nghĩ về văn chương của đời mình:
Áo lòe loẹt không làm cho dáng người mạnh mẽ
Âm điệu rườm ra làm mất thể thơ đại nhã.
Coi trọng chữ tình trong sáng tạo văn chương vào thời Cao Bá Quát có thể chưa hẳn là mới. Đáng quý là sự chọn lựa cái đúng để gửi trọn niềm tin của mình. Nên nhớ là vào thời ông mọi chuyện về văn chương còn bao điều ngổn ngang. Đúng là minh thời nên phương hiếu văn. Nhưng cái văn kia cũng có ba bảy đường quan niệm. Cao Bá Quát thẳng thừng chỉ ra ba loại nhà thơ mà ông cho là đã nhuốm phải cái thói ủy mị yếu ớt, do  cái học khoa cử in sâu, làm cho tiếng vang của Phong, Nhã hầu như đã tắt hẳn. Một là, người kém thì khổ vễ nỗi nhân tuần, dễ dãi; hai là, người có hào khí thì mắc vào bệnh nuốt sống ăn tươi; ba là, còn những người sức học gọi là dồi dào, hí hửng tự đắc, thì chỉ muốn vơ vét trăm nhà, thâu tóm mọi thể, thành ra mô phỏng quá nhiều mà phong cốt chưa cao, tô điểm có khéo, nhưng tinh thần còn thấp (1.tr.351). Cao Bá Quát đặc biệt lứu ý tới căn bệnh sau cùng. Ông dẫn ra câu nói thấu lý của Khang Tây Minh, một học giả nổi tiếng đời Thanh là thói quen của những người say đắm vào thi thoại của các nhà, ăn món ăn của cổ nhân mà không tiêu hóa được, để chế nhạo những kẻ việc nào cũng bắt chước cũ, câu nào cũng học theo người (1.tr.351). Phân tích kỹ, đó là những kẻ không nhận thấy lẽ biến thông của tạo hóa. Lai vãng dữ hóa dĩ (Bài Biệt lưu Bộ chư cử nhân). Nhân viết lời Bạt đề cuối tập thơ Rừng chuối, ông nói rõ thêm ý này: Cái bản chất của cây chuối luôn luôn làm cho bẹ mới, nõn mới. Có cái mới mà làm cho nó mới lên, đó là nghĩa vậy (3.tr.829). Muốn được thế, văn chương phải cọ sát với thực tế, từ đó cái nhìn của người viết mới có cơ mở rộng, để không rơi vào cái cảnh đóng cửa mà gọt giũa câu văn, lải nhải nhai lại từng câu chữ. Điều đó khác chi con sâu đo muốn đo cả đất trời (1.tr.167). Đây là những lời tự phê phán thẳng thừng của Cao Bá Quát, thể hiện chí khí mới mẻ được hun đúc từ thực tế:
Từ khi vượt bể qua đất Ba Sơn,
Mới cảm thấy vũ trụ là bao la
Chuyện văn chương trước đầy thực là trẻ con!
Tự chỉ trích được vậy chính là đã mở ra cho mình một hướng đi mới, đúng hơn, vì vậy sẽ thành đạt hơn.
3. Cái hay của văn chương do đâu?
Cái hay của văn chương đích thực, văn chương đỉnh cao trước sau được Cao Bá Quát nhìn nhận như trên. Từ đó, ông đưa ra những yêu cầu xác đáng về phía chủ thể sáng tạo. Ông lật đi lật lại nhiều vấn đề trong nhận thức văn chương, kể cả những vấn đề được đúc kết thành những định thức quen thuộc, tồn tại từ bao đời nay, tưởng chẳng cần phải bàn cãi gì thêm nữa. Ví như mệnh đề Người cùng thơ mới hay. Bao danh sĩ như Âu Dương Tu đã từng nghĩ như vậy. Cao Bá Quát không ngần ngại hạ bút viết: Ôi! Đúng như vậy chăng! Cùng đâu phải hết thảy đều hay. Đạt chưa thường là dở (3.tr.829). Ở đây, ông không hoàn toàn phủ nhận quan niệm thơ, cùng rồi sau mới hay như một vài người ngộ nhận. Trong một bài thơ làm ở quê nhà sau thời gian xuất dương hiệu lực, Cao Bá Quát từng viết: Văn chương đạo tiểu lại cùng tôn (Văn chương là đạo nhỏ, nhưng cũng nhờ lúc cùng mà nâng cao). Ông chẳng qua chỉ yêu cầu xem xét đến tận cùng cho thấu nhẽ, để vừa biết cái hay dễ thấy của cùng, lại vừa biết cái hay khó thấy của đạt, nhằm tự định đoạt cho khéo với mong mỏi thuyết phục người đời.
Vậy là cái chính ở đây tùy thuộc ở người làm thơ làm văn như  Cao Bá Quát viết: Xem người thì có thể biết thơ. Cúc được họ Đào để mắt tới, nên cúc trở thành ẩn sĩ trong hoa; Sen được họ Chu để mắt tới, nên sen đã trở thành bậc quân tử của hoa; Chuối được họ Hủ để mắt tới, nên chuối đã trở thành rừng của thơ (3.tr.829-830). Nói thì dễ, chả phải bàn cãi gì nhiều, nhưng nhận thức cho sâu, hành động cho thấu lại không hề đơn giản. Cao Bá Quát nhắc nhở người đời một lẽ thường không phải ai cũng có thể rút ra, lại càng không phải ai cũng có điều kiện thấm nhuần rằng: Nghĩ lại, người ta sống ở trên đời, dài ngắn có hạn, mà tính chất của sự vật thì có lâu có chóng, có đi có lại, cứ nối tiếp không cùng; đem cái có hạn, ứng phó với cái không cùng, lòng với cảnh gặp nhau, tình cảm tự nhiên vất vít (1.tr.346). Con người, dẫu là thiên tài, cũng là nhỏ nhoi, là hữu hạn so với cái lớn lao của đất trời, cái vô tận của vũ trụ. Người khôn ngoan chính là người biết tận dụng cái mà đời cho anh, bồi đắp cái vốn có của mình, đừng so đo, tính toán hơn thiệt, để làm cho nó lớn lên, giúp cho nó thành chất thành hình, thế là đã đạt rồi. Người làm văn chương cũng vậy. Bàn tới cái hữu hạn có thể có của người cầm bút, Cao Bá Quát nói tới ba điều kiện. Một là, đi nhiều, vết chân đã in khắp  trên non sông muôn dặm (1.tr.167). Cũng có nghĩa là trải đời nhiều để kim cổ sự đa tu thức định (việc kim cổ có nhiều, cần phải nhận định vững chắc -1.tr.142). Hai là, đọc nhiều, trong bụng chứa đầy sách vở (1.tr.167). Cũng có nghĩa là biết thâu thái, chắt lọc để giúp cho sức nghĩ của bản thân: khán thư song nhãn vạn niên đăng (xem sách, đôi mắt như ngọn đèn muôn năm-Bài Bệnh trung). Ba là, biết sáng tạo theo đặc trưng của nghệ thuật, lời nói bi tráng, văn viết thì trầm hùng, những cái đó khác nào như bụi bặm, cám bã mà đã đem hun đúc thành gạch ngói (1.tr.350). Và bốn là (điểm này thật là sáng suốt) rất cần sự cảm thông, chia sẻ  của người sáng tạo. Cao Bá Quát biểu lộ điều này trong bài thơ nổi tiếng lấy tên từ một câu trong kinh Dịch: Đồng tâm chi ngôn kỳ khứu như lan (Lời nói đồng tâm thơm tựa hoa lan). Mở đầu bài thơ, Cao Bá Quát viết:
Ngã đắc đồng nhân đạo
Bằng lai dự hạp  trâm
Nghĩa là:
Ta được đạo của quẻ đồng nhân
Bạn đến vui vầy há chẳng khuyên bảo
Đồng nhân là một quẻ trong kinh Dịch, nói về lợi ích của sự hòa đồng đối với mọi người. Bằng lai dự nghĩa là bạn đến vui vầy, lại là quẻ khác, quẻ Dự cũng trong kinh Dịch. Tất thảy đều nói về sự cảm thông thật sự khiến thăm nhau chớ cốt chiều lòng nên nói cười đều từ gan ruột. Có thể nói, yêu cầu này làm cho quan niệm văn chương của Cao Bá Quát rất gần với cái nhìn của chúng ta ngày này. Ta hiểu vì lẽ gì mà khi tự coi mình là kẻ đa tình, ông lại mong mỏi: Bách niên tâm sự cộng thùy khai (Tâm sự trăm năm biết cùng ai bày to - Bài Bạc xuân giản Nguyễn Chính Tự).
Như vậy, chưa thể nói quan niệm chung về văn chương của Cao Bá Quát đã thật toàn diện và nhất quán. Tuy nhiên, từ những gì được trình bày ở trên, ta có điều kiện hiểu thêm những nhân tố mang ý nghĩa chi phối, làm nên thành tựu độc đáo của thơ văn thánh Quát với tư cách là một đại gia.
Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, Nxb Văn học, Hà Nội, 1976.
Đỗ Văn Hỷ - Người xưa bàn về văn chương (Tập1), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 16, Nxb KHXH, Hà Nội, 2000.
Đà Lạt, Xuân 2003
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹ ơi

Mẹ ơi... XUÂN VỀ NHỚ MẸ TÔI XA… Câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”… Còn tôi, mỗi lần Tết đến Xuân ...