Cây nhà lá
vườn 1
CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC
Lời nhà xuất bản
Võ Quang Yến, tiến sĩ Khoa học ngành Hóa hữu cơ Đại học Sorbonne, tham gia giảng dạy tại trường Quốc gia Cao đẳng Hóa học Paris ENSCP và là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp CNRS.
Là một nhà khoa học sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế, ông gắn mình vào nơi chôn nhau cắt rốn không chỉ qua những tâm tư sâu lắng:
Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm lòng ai
Khói lên nghi ngút âm thầm lòng ai
Mà còn minh chứng bằng những việc làm cụ thể: Hội trưởng Hội Người yêu Huế (1984 - 1990), cùng nhiều sáng tác da diết hồn quê: Tượng đài sông Hương, Gửi thương về Huế, Sông Hương ngoài biên giới và đặc biệt là công trình nghiên cứu "Cây nhà lá vườn" của ông.
Chỉ riêng tựa đề tập sách "Cây nhà lá vườn", một tác phẩm chuyển tải nội dung khoa học thuộc dạng "Cây thuốc Việt Nam" này đã thấy một Võ Quang Yến thiết tha, nặng nợ với quê nhà đến dường nào!
Với hơn 50 loại cây lá mộc mạc, quê kiểng có thể tìm thấy quanh vườn nhà, giúp bạn phát hiện ra vô vàn những vị thuốc trị bệnh quí giá. Tác giả kết hợp một cách nhuần nhuyễn kiến thức giữa Đông & Tây y, giữa Cổ truyền & Hiện đại nên công trình càng có tính thuyết phục, uyên bác.
Trong tiểu mục "Rau thập toàn", tác giả đã chứng minh công dụng trị bệnh của mười loại rau xanh: cải cúc, dâu tằm, rau lang, lá lốt, lá sưng, mồng tơi, rau má, rau ngót, rau sam, vông nem, và chúng ta lại được thưởng thức một bát canh rau đậm đà y nghĩa "nhân văn":
Thà rằng ăn bát canh rau
Còn hơn thịt cá nói nhau nặng lời
(ca dao)
Còn hơn thịt cá nói nhau nặng lời
(ca dao)
Càng đọc, càng đi sâu tìm hiểu từng loại cây lá trong tập sách này ta càng phát hiện thêm nhiều điều bổ ích, nhiều hương vị độc đáo...
Tập sách còn như một lời tâm tình, nhắn gửi của người con xa quê Võ Quang Yến!
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG
Vài lời giải thích
Năm 1986, về thăm quê hương lần thứ nhất sau 37 năm xa cách, nhận thấy nền khoa học đất nước cần phải phát triển và phát triển mạnh mới mong rút kịp các nước láng diềng đang hùng hổ trở thành những rồng con, tôi cảm thấy mình lâu năm đi học ở nước ngoài, không thể dửng dưng đứng nhìn như người ngoài cuộc. Hôm chia tay, bà Nguyễn Đình Chi, một nhân vật ở Huế, nắm chặt tay tôi, dặn đi dặn lại: Huế tội nghiệp lắm, phải làm một cái chi cho Huế nhé! Làm sao quên được mấy lời tâm huyết đó. Nhưng suốt đời đi làm khảo cứu khoa học thuần túy, trừ chuyện dạy học, tôi có biết làm gì ngoài phòng thí nghiệm! Hồi ấy ở Huế cũng như ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, đi đâu cũng nghe nói đến rong câu chỉ vàng, chiết xuất agar. Không phải là một kỹ nghệ hoàn toàn hóa học là nghề làm ăn của tôi, có lẽ đây là một lối ra có khả năng giúp Huế. Về lại Pháp, tôi chạy vạy kiếm và tìm ra được một phòng thí nghiệm chuyên về rong rau. Hơn nữa, nhà khảo cứu đã học hỏi về rong câu chỉ vàng lại đang mở ra một công ty chiết xuất agar. Nghĩ là dịp hiếm có, gặp đúng lúc, một cơ hội cần phải nắm lấy, tôi điều đình để anh giam dôc đồng ý về Việt Nam với tôi xem xét tại chỗ. Sau nhiều lần tiếp xúc với Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, công ty của anh ta ở Pháp và các viện đại học, các xí nghiệp nuôi trồng rong câu, chế biến agar ở trong nước thấy có khả năng đi đến một cuộc hợp tác có lợi cho đôi bên. Sau chuyến qua Pháp thực tập của những giáo viên Huế, tôi mừng thầm thấy đồ án có hy vọng thành công. Nhưng đáng buồn thay, chuyện không thành, có lẽ thời cơ chưa đến, mục tiêu không rõ, hay nơi làm không chọn đúng.
Năm năm sau, viện Biển ở Nha Trang đưa ra đề tài lấy máu sam làm thuốc thử nội độc tố. Cũng chẳng phải là một đề tài hóa học, tôi lại chạy kiếm và may mắn như lần trước tìm ra được một công ty ở Pháp chịu đưa hai anh tổng giám đốc và giám đốc kỹ thuật về Nha Trang với tôi xem xét điều kiện khả thi. Về nhân lực, phòng thí nghiệm ở viện Biển thấy có đủ khả năng thi hành công tác. Bây giờ công ty Pháp chỉ còn đem về máy móc và kỹ thuật là có thể dựng lên đơn vị chiết rút máu sam. Điều kiện còn lại cần thiết là một phòng thí nghiệm vô trùng, xây dựng có phần tốn kém. Chúng tôi liền ra Hà Nội tiếp xúc viện Khoa học, được viện ưng thuận ủng hộ xây phòng và luôn tiện đở đầu dự án. Mọi việc trong bước đầu rất khả quan và khi lên máy bay trở về lại Pháp, hai nhà kỹ nghệ lạc quan hứa hẹn tiếp tục. Thế nhưng sau nhiều tháng thư từ qua lại, có những trở ngại gì đây, họ cho tôi biết khó lòng làm việc ở Việt Nam. Vẫn biết thuốc thử nội độc tố là một chất thuốc chiến lược, hiện nay còn nằm trọn vẹn trong tay Hoa Kỳ, nước ta hồi ấy lại đang còn bị cấm vận, khó khăn có thể từ đấy mà ra. Đằng khác, như với dự án rong câu chỉ vàng, một công ty cở nhỏ hay vừa không có quyền thất bại, nghĩa là họ chỉ dám bắt tay vào khi chắc chắn thành công. Tôi rất tiếc ta không nắm ngay cơ hội, nhất là tôi chỉ tìm ra được một công ty độc nhất ấy chịu nhận ý nghĩ chuyện làm thuốc ở Việt Nam. Đứng làm trung gian trong một chuyện xây dựng kỹ nghệ ở nước ta thấy ra không dễ!
Tôi đã từng đắn đo: mình không phải là nhà kinh doanh, nếu từ Pháp đưa được kỹ nghệ gia về Việt Nam xây dựng công ty, nhà máy trên những nguyên liệu có sẵn trong nước là việc làm đúng với tình hình đất nước và nằm trong vòng khả năng của mình. Về dạy học cũng là việc có thể làm trong khuôn khổ đóng góp chất xám, nhưng trong nước đâu có thiếu giáo sư : người ta thường bảo Việt Nam là một trong những nước đang phát triển có nhiều bằng cấp đại học nhất. Mặc dầu hai thí nghiệm kỹ nghệ không đưa đến kết quả hoàn toàn mong muốn, tôi không nản lòng nhưng cũng không dám tiến thêm một bước, nhất là không tìm ra được đề tài trong lãnh vực của mình. Về nước thấy Đông y đang chuyển mình nhưng trong dân gian còn đang dùng nhiều cây lá đem sắc uống như ông cha ta đã từng làm từ xưa. Khi sắc thuốc tức là chiết xuất mọi hoạt chất trong cây lá, chất thuốc có mà chất độc cũng nhiều. Trong Tây dược trái lại, mỗi một cây thuốc được đem phân tích tìm cho ra hoạt chất có tính chất dược liệu, khảo cứu về mặt sinh học trước khi đem thử trên sinh vật, con người, sau đó mới tính chuyện cho ra thành thuốc. Nhiều nhà khảo cứu bên nhà đã ý thức vấn đề nầy và tôi nhận lời đi tìm tài liệu cây thuốc cho họ. Âu cũng là một cách đóng góp chất xám nằm trong tầm tay của mình.
Công việc tôi muốn giúp tương đối không khó cho một người đã từng làm khảo cứu ở Pháp. Tôi biết ở thư viện nào có sách báo hóa học, có thì giờ ngồi tìm đọc, có khả năng hiểu những bài báo, có chí tiêu hóa những tài liệu lượm lặt được để đúc kết thành những bài mà tôi gọi là tổng luận, loại review hay mise au point quốc tế, miễn là có thiện chí muốn làm. Lúc đầu, tôi chỉ sao chụp những bài báo và gởi cho những nhà khảo cứu nhưng nhiều lần về nước thấy những bài báo được sắp trong các ngăn kéo, không mấy ai đọc được, nên y nghĩ đến với tôi là chịu khó viết và cho đăng những bài tổng luận ấy lên báo cho mọi người được hưởng. Tuy phải chịu khó và bỏ công vào, vượt qua những chướng ngại danh từ, thuật ngữ, đặc biệt cho một kẻ sống tha hương hơn một nửa thế kỷ, vận dụng hàng ngày toàn ngoại ngữ, viết bài khoa học bằng tiếng Việt đối với tôi không phải là một chuyện khó. Tôi nhớ lại từ những năm 60 đã từng viết những bài khoa học phổ thông đăng trong các báo Bách Khoa, Phổ Thông bên nhà : các bạn tôi khen tôi đã có công thầm kín kích thích tinh thần khoa học trong số các bạn đọc trẻ, một bước đầu có khả năng ảnh hưởng lên nền giáo dục nếu được áp dụng đại trà. Bây giờ đây, hướng về những khảo cứu viên, bài tổng luận cần phải được bàn bạc sâu rộng hơn với đầy đủ tài liệu, nghĩa là với một tinh thần khác các bài phổ thông.
Cái khó sau khi viết bài là tìm cho ra tờ báo chịu đăng. Bên nhà hiện có nhiều báo phổ thông khoa học, giá trị không đồng đều, nhưng đều không đáp ứng nhu cầu của tôi. May về Huế, tôi gặp anh Lê Phước Thúy, nay đã mất, hồi ấy làm Tổng biên tập tờ Thông tin Khoa học và Công nghệ của sở Khoa học Công nghệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh Thúy khuyến khích tôi viết và hứa đăng toàn vẹn, không sửa đổi, không cắt xén, dù bản tài liệu tham khảo dài dòng vì, theo anh, cái quý là số tài liệu. Trong tinh thần ấy, tôi đã dẫn không những tên tác giả, tên báo, số báo, trang báo mà còn cả tựa đề bài báo để độc giả có ngay một ý niệm. Tôi đã dựa nhiều lên tập Chemicals Abstracts qua các bản báo cáo hóa học, sinh vật học, các văn bằng sáng chế để kiếm những tài liệu ấy. Thắc mắc của tôi là nếu đi thẳng vào khoa học, kê khai thành phần cấu tạo cây lá rồi bước qua tính chất dược liệu, ứng dụng thuốc men sợ được xem như là một danh mục, một loại catalogue, thì ai mà chịu mó tới. Tìm kiếm mãi đoạn vào đầu, tôi đạt đến những chuyện cổ tích, lịch sử mà tôi tin là hấp dẫn, sử dụng như ly nước giúp nuốt viên thuốc cứng, đồng thời góp phần vào ngành dân tộc thảo mộc học. Nếu có những bạn đọc không quen khoa học, chỉ muốn có một ý niệm sơ sài về cây thuốc và vị thuốc, tôi mời đọc đoạn đầu, đoạn cuối và lướt qua đoạn giữa mới xem thấy như khô khan. Nhưng tưởng các bạn cũng nên cần thêm vào một chút cố gắng như khi bạn có trước mắt một bài viết về triết lý, thiên văn hay ngôn ngữ, kinh tế với những danh từ ít thấy trong đời sống hằng ngày, có vẻ rắc rối, hoang dã không kém gì những tên hóa chất.
Lúc ban đầu tôi hy vọng viết và cho đăng được mươi bài, dần dần con số vượt quá sức mong đợi : 20, rồi 30, nay lên quá 40 ! Có những bạn, nhất là ở nước ngoài, than phiền tờ Thông tin Khoa học và Công nghệ, nay đổi thành Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, không phổ biến rộng rãi nên ngoài những bản sao tôi gởi tặng, họ không biết tìm đọc ở đâu. Vì vậy ý nghĩ gom góp các bài cho in thành sách gieo mầm trong trí óc tôi và nay có cuốn Cây nhà lá vườn nầy. Hè vừa qua, nhân gặp ban Biên tập Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, tôi được biết phần tài liệu được cho là dài. Vì vậy trong cuốn sách nầy, tôi đã rút ngắn số tài liệu lại, thường chỉ giới hạn trong phần ứng dụng, đồng thời bổ túc thêm tài liệu mới. Những sách tham khảo quen thuộc, tôi cũng rút ra khỏi phần tài liệu mỗi bài mà xếp lại trong một mục. Tuy nước ta sử dụng tiếng Việt khoa học từ lâu, thấy như danh từ và danh pháp chưa được hoàn toàn thống nhất, nhất là với những bài viết gởi từ nước ngoài về. Thêm nữa, một số danh từ đã được thông dụng nhưng tưởng như cần phải được xét lại. Trong lúc chờ đợi kết quả của một Viện Hàn Lâm gồm có các nhà văn học, ngôn ngữ học cũng như khoa học đủ các ngành, tôi tạm dựa lên danh từ và danh pháp quốc tế. Tên cây thuốc lắm lúc cũng cần được xác định. Tôi tin tưởng ở công tác của viện Khoa học nước ta.
Trong cuốn tái bản nầy, mục lục được sắp đặt lại thành 5 tập vị thuốc đại khái tùy theo xuất phát từ cây hoa, cây trái, cây lá, cây gỗ hay trong bài có dính dáng đến động vật.
Hắc Ký Ni Sơn 1995
Xô thành 2014
Xô thành 2014
Vài sách tham khảo đại cương:
- ACCT: Agence de Coopération Culturelle et Technique, Les plantes médicinales au Vietnam, Paris 1991-1993
- BKT: Bùi Kim Tùng, Món ăn bài thuốc, Sở Khoa học và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 1995-1997
- ĐTL: Đỗ Tất Lợi, Nh"ng cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội 1986
- HTKC: Hoàng Thị Kim Cúc, Nghệ thuật nấu ăn món ăn Huế, nxb Đà Nẵng tái bản 1996
- LTĐ: Lê Trần Đức, Cây thuốc Việt Nam, nxb Nông Nghiệp, Hà Nội 1997
- LQL, TNĐ: Lê Quý Lưu, Trần Như Đức, Thuốc trị bệnh từ cây cỏ hoang dại, nxb Thuận Hóa 1995
- PHH: Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam, Mekong Printing, Santa Ana, 1991
- TH: Trần Hợp, Cây cảnh, hoa Việt Nam, nxb Nông Nghiệp, Hà Nội, TpHồChíMinh 1993
- VDL, Viện dược liệu: Cây thuốc Việt Nam, nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội 1990.
- VVC: Võ Văn Chi, Những cây thuốc thông thường, nxb Đồng Tháp 1998.
Tập 1: Cây hoa
1- Chè nhãn lòng bọc hột sen
Trong sách sử Phật giáo, đức Phật từ cõi trần Đâu suất Tusita chọn lựa thời buổi để giáng sinh một lần chót, hoàn toàn tự giác khi đầu thai vào lòng mẹ Ma ha Ma da Mahamaya, rồi ra đời dưới vòm cây vô ưu trong vườn Lâm tỳ ni Lubini, được bốn thiên thần thận trọng nâng đón trong lúc chín con rồng trên trời rưới nước mát xuống tắm cả mẹ lẫn con. Xong, tự một mình, Ngài đứng thẳng dậy, bước đi bảy bước về hướng bắc, lần lượt nhìn bốn phương trời rồi dõng dạc lên tiếng: "Ta là đỉnh cao toàn cầu, đàn anh của thế giới, người tốt nhất nhân loại. Ta hạ trần lần cuối, sẽ không trở lại một lần khác nữa ... Ở trên trời và dưới đất, ta là vị đại đức độc nhất, ta muốn cứu những sinh mạng ra khỏi vòng sinh, già, bệnh, tử..." (1) Có sách viết là Ngài không phải nhìn bốn phương trời mà bước bảy bước ở mỗi hướng, dưới chân mỗi bước hiện ra một đóa hoa sen (2). Hoa sen đã gặp trong tiền thân đức Phật, sau nầy còntrở lại nhiều lần.
Liên hoa trong trắng
Theo truyền thuyết Tây Tạng, trong thời tiền thân, đức Phật là con một con hươu cái nhân uống nước suối có tinh dịch của Ca Diếp Kasyapa mà thụ thai. Khôi ngô, tuấn tú, vì có một cái sừng nhỏ, Ngài được gọi là Kỳ Lân. Vào thời ấy, vua Kashya trị vì ở thành phố Kashi, chỉ có một mụn con gái tên là Nalini hay Liên Viên (vườn sen), bèn gả cho Kỳ Lân, sau nầy lên nối ngôi. Liên Viên là tiền thân của Da du đà la Yasodhara, trong một kiếp sau là vợ của hoàng tử Tất đạt đa Siddhartha (3a). Một chuyện tương tự đã xảy ra với vua Brahmadatta trị vì ở thành phố Kapila. Lần nầy tiền thân của Yasodhara là con gái cũng một con hươu cái thụ thai vì uống nước có tinh dịch của Kasyapa. Khi nàng sinh ra, đi mỗi bước là một đóa hoa sen nở ra ở dấu chân. Làm thứ phi, nàng bị mấy bà hoàng kia ghen tuông và kiếm cách đuổi đi nhưng sau cũng được nhà vua tìm đem về Kapila. Trong thời gian xa vua vì thiếu hạnh phúc, hoa sen cũng hết nở trên dấu chân nàng. Khi đức Phật kể chuyện nẩy, Ngài giải thích nàng đã phải đền tội quá khứ của mình (3b).
Hoa sen có mặt nhiều nơi trong đời sống đức Phật nên cũng dễ hiểu trong số các bộ kinh của Đại thừa, kinh Diệu pháp liên hoa tức Liên kinh Saddharmapundarika là một trong những bộ quan trọng nhất. Những tu sĩ Việt Nam cho Liên kinh có một liên quan chặt chẽ với tông thiền, cho nên những thiền sư thường dùng hoa sen trong ý nghĩa từ ngữ ẩn dụ "hoa ở trong lò nhưng luôn vẫn tươi", tương xứng với câu "sen mọc trong bùn nhưng không tanh mùi bùn". Liên kinh chia làm hai phần văn xuôi và văn thơ, gồm có bảy bộ, sắp thành hai mươi tám chương. Trong số những chương tiêu biểu nhất, gần gũi, quen thuộc nhất có lẽ là chương 25 (Quán thế âm bồ tát phổ môn) được xem như là một bộ kinh độc lập, được tụng hằng ngày không những ở nước ta mà khắp Viễn Đông, phổ biến lòng từ bi rộng lớn, thông cảm với nổi khổ của chúng sinh, đồng thời lại có quyền năng vô hạn, thần lực vô biên để cứu chúng sinh ra khỏi mọi khổ nạn (4a). Vì "tâm thần con người tốt nhất không có vết,... sen mọc từ bùn mà không dính vào bùn" (Lalitavistara), "trái tim con người là như búp sen : khi những đức hạnh của đức Phật khai triển trong lòng thì hoa mở ra, vì vậy Ngài thường tọa lạc trên một đóa hoa sen nở rộng" (Tajima Ryojun).
Sách sử Phật giáo thường nói đến những màu sắc của hoa sen. Hoa màu trắng (pundarika) tượng trưng cho thiên nhiên, hòa bình, chính giác, thường có 8 cánh tiêu biểu cho Bát chánh đạo : nó là hoa sen của đức Phật. Hoa màu đỏ (kamala) tượng trưng cho nhiệt huyết, hành động, tình yêu và bản chất cùng những đức tính của trái tim : nó là hoa sen của đức Quan Âm. Hoa màu xanh (utpala, nilotpala) được hình dung dưới dạng búp trong tay đức Văn Thù, tượng trưng cho khôn ngoan, thông minh, tri thức, là một trong những tiêu biểu của Bát nhã Ba la mật đa (Prajnaparamita). Hoa màu hồng (padma) là đóa hoa tuyệt đỉnh, thường được dành cho những thần thánh tối cao, có khi lẫn lộn với hoa màu trắng: nó là hoa của đức Phật hiện thân. Hoa màu đỏ tía, có tính chất thần bí, chỉ thấy trong một vài phái bí truyền. Hoa có thể có một cuống đơn hay ba (tượng trưng ba nhánh của Thai tạng giới Gharbhadhatu) hay năm (tượng trưng cho năm nhận thức của Kim cương giới Vajradhatu) (5).
Theo các kinh sách của pháp môn Tịnh độ, đức Phật vãng sinh ở cõi Cực lạc phương Tây của Phật A Di Đà, được sinh ra không phải từ bụng mẹ, mà là từ trong hoa sen. Hoa sen có ba tầng : thượng, trung, hạ. Mỗi tầng như vậy lại chia làm ba cấp, tổng cộng có chín tầng sen. Tùy theo công phu tu hành mà người vãng sinh sẽ sinh ra một trong chín tầng sen (4b). Trên sáu cánh cửa torana công trình Sanci (thế kỷ I) ở Madhya Pradesh, cây hoa sen pundarika được trình bày với bảy cây tượng trưng khác tương ứng với bảy vị Phật và đức Di Lặc ở các hình chạm nổi thấp (6).
Nhị sen cầm máu
Còn được gọi liên, quỳ, sen có tên khoa học thông dụng là Nelumbo nucifera Gaertn., thuộc họ Sen Nelumbonaceae hay Numphacaceae, có khi viết Nelumbium nuciferum hay đổi ra N. nelumbo (L.) Druce thêm vào N. specium Wild, N. nucifer Gaertn. Cánh hoa sen màu hồng, nhưng cũng có sen cánh màu trắng ( sen trắng N. alba Hort), màu vàng (sen vàng N. lutea Pers.). Có loại sen gốc Mỹ mang tên Nelumbo pentapetala. Nhật có những tên ohga hasu, genshi hasu, shimnyoren. Ngoài ra, còn có loại sen thấp (sen sẻ Nelumbium nelumbo Druce var. nanum Horst), sen lá to (sen hoàng hậu Victoria regia Lindl. var. amazonia (Poep.) Klotzoch, sen cạn (địa liên Tropaelum majus Linn.). Hoa sen thơm nhờ những chất dễ bốc hơi, 75% là hydrocarbon, đặc biệt dimethoxybenzen. Lá sen cũng thơm nhờ nhiều hóa chất mà nhiều nhất là hexenol (40%). Một số hóa chất quan trọng trong sen tuy số lượng không nhiều là những alcaloid, đặc biệt nuciferin, neferin, tìm ra được trong lá, hột, mầm, phôi, và những flavonoid như norciferin, lirimidin tìm ra được trong lá. Ngoài ra, lá sen chứa đựng nhiều acid như ascorbic acid (vitamin C), những acid béo, những chất đường. Cùng những sterol, đường cũng đã được phát hiện trong hột như khi đem thủy phân ologosaccharid trong rễ sen.
Đông y từ lâu đã dùng sen làm thuốc. Ngó sen (liên ngẫu, phần rễ ở dưới nước), gương sen (liên phòng), lá sen (liên diệp hay hà diệp), hoa sen (liên hoa), cuống sen, vỏ hột, nhị sen (liên tu) là những vị thuốc cầm máu (đi ngoài, tiểu tiện, nôn ra máu) nhờ tính chất cầm máu của những flavonoid. Thật vậy, chất isoquercitrin (hay isoquercitrin glycosid) chiết xuất từ sen làm đông máu như vitamin K khi đem thử lên thú vật (10). Hoa sen, nhị sen, hột sen, tâm sen (liên tâm), củ sen (phần rễ cắm sâu dưới bùn) là những vị thuốc bổ dưỡng, an thần. Ngoài ra, lá sen có tính mát, chữa tiêu chảy; hột sen có tính bổ tâm tỳ, ích khí, thanh nhiệt, giải độc; nhị sen có tác dụng thanh tâm, thông thận, chữa di mộng tinh; tâm sen, củ sen trị tim đập mạnh, khó ngủ, nằm mơ, thường người ta đem sắc chiết, trừ gương sen thì đốt cháy, tán bột, cho vào nước uống (ĐTL). Báo chí đã đăng một số các tác dụng dược lý của các chất chiết xuất từ sen. Những alcaloid nuciferin, roemerin, nornuciferin chiết xuất từ lá có tính chất chống co giật (7), neferin từ mầm hột chống cao huyết áp (12), nhừa loạn nhịp tim (14), oxoushinsusin từ đế hoa ức chế hoạt động khối u, chống ung thư biểu bì mủi hầu và nước sắc có khả năng chống tác dụng của nấm độc (9). Nhờ có chỉ số glycemic và C-peptid thấp, hột sen được xem là một trong những thức ăn ưu tiên cho các bệnh nhân tiểu đường (16). Hột sen có tính chất kháng oxi hóa (17) từ đấy có khả năng bảo vệ gan chống CCl4 hay aflatoxin B1(18). Trong số các alcaloid, đem thử trên thú vật, asimilobin và lirinidin chiết xuất từ lá ức chế sự co ngắn của động mạch chủ thỏ (13), norarmepavin từ lá và cành giảm đau, hạ nhịp tim, giản con ngươi chuột (8), những phần chiết chứa đựng alcaloid ức chế hoạt động ATP (adenosin tri phosphatase) (11). Lipid chiết xuất từ sen có tác dụng sát trùng chống vài vi khuẩn Gram âm, Gram dương và nấm men, đặc biệt chống sâu Spodoptera littoralis phá hoại cây bông (15).
Ở Huế có một món chè rất ngon mà người Huế nào cũng thèm là chè nhãn lồng bọc hột sen. Vẫn biết nhãn ăn một mình đã ngon, hột sen nấu chè một mình cũng vô cùng hấp dẫn, nhưng khi hột sen được bọc trong trái nhãn thì hương vị chè lại càng đậm đà gấp bội. Thường chè nầy chỉ nấu trong gia đình, ở quán ăn ít thấy, vì vậy người lạ chưa được mời ăn ở nhà thì khó có dịp nếm chè nhãn lồng bọc hột sen. Thuộc họ Bồ hòn Sapindaceae, nhãn thường mang tên khoa học Euphoria longana Lam., có khi E. longan Lamarck hay (Lour.) Steud, hay E. longean. Cũng thấy vài ba tên khác: Nephelium longanum hay N. longana, Dimocarpus longan Lour., D. longan ssp malesianus Leenth cho trái kucing bên Mã Lai. Đông y thường gọi long nhãn hay á lệ chi (BKT). Còn có tên lệ chi nô, mạy ngận hay mác nhan (Tày), lạy nghịn điẳng (Dao) (VDL, ACCT). Phần lớn những công tác khảo cứu được thực hiện lên các nhãn mọc ở châu Á, từ Nhật Bản qua Trung Quốc. Những hóa chất được chú trọng đến trước nhất là tannnin ở vỏ trái, vỏ thân cây, catechol tannin ở hoa. Đem thủy phân tannin thì nhận được acetonylgeranilin bên cạnh corilagin, các gallic và chebulagic acid. Từ vỏ thân còn tươi, đã chiết xuất được epicatechin, procyanidin B2 và C1.
Long nhãn an thần
Trái nhãn khi chín hái và đem trữ thì ascorbic acid, có nhiều nhất lúc trái chín, dần dần bị hủy. Các acid khác như succinic, malic, citric acid cũng có theo tỷ lệ 10/5/1. Các phenol đã tìm ra được trong lá với những phân tử khá dài từ C50 đến C75. 13 chất được xác định trong hoa, 2 phenolcarboxylic acid (brevifolincarboxylic, coumaric acid), 5 flavonoid (luteolin, kaempferol, chrysoeriol, quercetin, hyperin), 6 tanin (brevifolincarboxyl gluco pyranose, corilagin, repandusinic acid, phyllanthusin, furosin, geraniin). Trong lá, ngoài quercetin và quercitrin, còn có sitosrerol, epifriedelinol, hentriacontanol. Stigmasterol thì tìm ra được trong hoa bên cạnh fucosterol, saponin trong hột. Về mặt protein, cũng như xoài, khế, trái còn tươi chứa 0,4-2,7 g/100g mà thành phần lớn nhất là những aspartic, glutamic acid, alanin, glycin, serin, hydroprolin, prolin. Áo hột cũng như cùi hột, ngoài protein, còn chứa những chất đường glucose, saccharose và các vitamin A, B. Trong hột có nhiều loại acetylenic amino acid như amino methyl hexynoic, amino hydroxy heptynoic acid có tánh chất chống trùng Salmonella typhimurium (19).Trong số những chất dễ bốc hơi đem lại hương vị trái nhãn, các hóa sư Đài Loan xác định được 59 chất mà nhiều nhất là linalool, linalool oxid, epoxy linalool, nonanal, terpineol, viridiflorol torreyol, carophyllen. Các nhà khảo cứu Mã Lai xác định được trong trái ester và terpinoid mà chiếm phần lớn là ethyl acetat và ocimen.
Ở nước ta, nhãn được dùng làm thuốc bồi bổ sức khỏe, an thần, chữa chứng hay quên, trí nhớ sụt kém, mất ngủ, thần kinh suy nhược (VDL, ACCT). Người ta dùng cùi nhãn khô (nhãn nhục) nấu chín nhừ với hột sen thành chè (BKT) hay sắc uống 9-10g mỗi ngày (ACCT). Hột nhãn (á lệ chi hạch) thì được đem tán bột để trị đau nhức ở bụng và bụng dưới (BKT), chữa nhọt chốc lở (ACCT). Đông y có quy tỳ thang (tế sinh phương) gồm có nhãn nhục, đương quy Angelica sinensis, nhân sâm Panax ginseng, bạch phục linh Poria cocos, hoàng kỳ Astragalus membranaceus, bạch truật Atractylodis macrocephala, toan táo nhân Zizyphus jujuba, cam thảo Glycyrrhiza uralensis, mộc hương Sausurea lappa, viễn chí Polygala glomerata, để trị ưu tư thương tỳ, huyết hư, phát nhiệt, ăn ít, thân thể mệt mỏi, hồi hộp, ít ngủ, ra mồ hôi, tay chân đau nhức, đại tiện không đều, kinh nguyệt phụ nữ không đúng kỳ (BKT). Về mặt khảo cứu dược liệu, trái nhãn được dùng trong thuốc giảm mệt (27), những polysaccharid trong các liều thuốc bổ dưỡng (25), corilagin chống cao huyết áp (23), furan chiết xuất từ áo hột có tính chất chống co giật (28), adenosin có tác dụng giảm đau (24), uridin ức chế sự kết tụ những tiểu cầu (16). Hai văn bằng sáng chế Nhật Bản đã dùng vỏ hột trộn với đậu nành cùng nhiều vật liệu kết dính khác để làm dầu thuốc (20) và trong một công thức dầu bồi dưỡng tóc (22). Cũng nên biết là có thể giữ trái chín tươi trên dưới hai tháng nếu cho vào túi chất dẻo và sử dụng hóa chất benomyl (500 ppm) với khí sulfur dioxyd ở 52° trong vòng hai phút, trước khi bảo quản ở 5° trong môi trường độ ẩm 90-95% (21).
Hồi tôi còn nhỏ, bên làng Mỹ Xuyên kế cạnh có ông Cửu Triêm rất giàu có. Tôi hay thỏ thẻ với chị tôi: sau nầy em ao ước có ngày được giàu như ông ấy... để mặc sức ăn chè! Vài năm gần đây, nhân đi chơi vùng đồng bằng sông Cửu Long, viếng thăm ông Đạo Dừa, cô cháu con chị tôi tinh nghịch tặng tôi biệt hiệt ông Đạo Chè. Thật ra, người Huế nào không bị cấm đồ ngọt lại không thích chè. Hai món chè độc đáo nhất quê tôi là chè bột lọc bọc thịt quay, ít người vùng khác ưa thích, và chè nhãn lồng bọc hột sen, ai cũng mê mệt. Sau nầy, tôi lại thích thú đọc thấy chè hột sen cùng nhiều loại chè khác lại là những món ăn có chất thuốc. Người Pháp có câu khuyên: "kết hợp bổ ích với thích thú" thật là đúng vậy.
Thông tin Khoa học và Công nghệ 2 1997, khoahoc.net 08.2007
Tham khảo
1- Véronique Crombé, Le Bouddha, nxb Desclée de Brouwer, Paris (2000) 44-5
2- Léon Wieger S.J., Les vies chinoises du Buddha, nxb Dharma, Collection Fenêtres (1913, tái bản 2002), 23
3- Kshemendra, La liane magique, dịch từ tiếng Tây Tạng, nxb Padmakara, Périgueux (2001) a)395-8 ; b)411-5
4- Thích Minh Châu, Minh Chi, Tự điển Phật học Việt Nam, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội (1991) a)556-7 ; b) 597
5- Louis Frédéric, Les dieux bouddhiques, nxb Flammarion Paris (1992) 59-60
6- J. Marshall, A. Fouscher, N.G. Majumdar, The Monuments of Sanci, Calcuta-Dehli, 1940, 199-200 ; A.K. Coomaraswamy, La sculpture de Bharhut, Paris, Vanoest, Annales du Musée Guimet, Bibliothèque d’art, Nouvelle Série, VI (1956) 65-6
Nelumbo nucifera
7- T. Masao, Alkaloids of Nelumbo nucifera, Japan 17,984 (1960) 5 tr.
8- S.M. Kupchan, B. Dasgupta, E. Fujita, M.L King, Alkaloids of America lotus, Nelumbo lutea, Tetrahedron 19 (1963) 227-32
9- T.H. Yang, C.M. Chen, C.S. Lu, C.L. Liao, Alkaloids of lotus receptacle, J. Chin. Chem. Soc. (Taipei) (3) 19 (1972) 143-7
10- Bê Thị Thuần, Hoàng Kim Thanh, Nguyễn Thi Thìn, Flavonoids in the lotus plant (Nelumbo nucifera Gaertn), Tạp chí Dược học (6) (1980) 19-20
11- Nguyễn Xuân Thăng, Nguyễn Thị Hằng, Đặng Hạnh Phúc, Inhibitory effect of some traditional hypnotic drugs on adenosietriphosphatase of rat brain membranes, Rev. Pharm. (1983) 82-9
12- S. Nishibe, H. Tsukamoto, H. Kinoshita, S. Kitagawa, A. Sakushima, Alkaloids from embryo of the seed of Nelumbo nucifera, J. Nat. Prod. (3) 49 (1986) 548-
13- N. Shoji, A. Umeyama, N. Saito, A. Iuchi, T. Takemoto, Asimilobine and lirinidine serotonergic receptor antagonists from Nelumbo nucifera, J. Nat. Prod. (4) 50 (1987) 773-4
14- G.R. Li, F.H. Lu, J.O. Qian, Effects of neferine on physiologic properties and the dose-effect response to isoprenaline and calcium in guinea pig atria, Yaoxue Xuebao (4) 23 (1988) 241-5
15- A. Saeed, E. Omer, A. Hashem, Investigation of lipids and biological activity of Nymphaea hybrida Tach. V. and Nelumbo nucifera, Bull. Fac. Pharm. (Cairo Uni.) (3) 31 (1993) 347-51
16- X. Wu, Z. He, B. Yu, The responses of plasma glucose and serum C-peptide to five starchy foods, Yingyang Xuebao (2) 16 (1994) 174-9
17- B.K. Liou, H.Y. Chen, G.C. Yen, Antioxydative activity of the methanolic extracts from various traditionally edible plants, Zhongguo Nongye Huaxue Huizhi (1) 37 (1999) 105-16
18- D.H. Sohn, Y.C. Kim , S.H. Oh, E.J. Park, X. Li, B.H. Lee, Hepatoprotective and free radical scavenging effects of Nelumbo nucifera, Int. J. Phytother. Phytopharm.(6-7) 10 (2003) 165-9
Euphoria longana
19- H. Minakata, H. Komura, S.Y. Tamura, Y. Ohfune, K. Nakanishi, T. Kada, Antimutagenic unusual amino acids from plants, Experientia (12) 41 (1985) 1622-3
20- M. Sawaguchi, Ointment containing melanolidins as pharmaceutical stabilizers, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 63 05,032 (1988) 5 tr.
21- O. Wara-Aswapati, D. Srilok, S. Gomolmanee, P. Boon-Long Effect of benomyl and sulfur dioxide on storage life of fresh longan, ASEAN Food J. (2) 4 (1988) 73-5
22- S. Musui, K. Yoshihama, Y. Yokoyama, K. Matsumoto, H. Kuroda, M. Suzuki , Hair growth-promoting preparations containing vitamins and other substances, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 06 100,421 (1994) 5 tr.
23- J.T. Cheng, T.C. Lin, F.L. Hsu, Antihypertensive effect of corilagin in the rat, Canadian J. Physiol. Pharmacol. (10) 73 (1995) 1425-9
24- E. Okuyama, H. Ebihara, H. Takeuchi, M. Yamazaki, Adenosine, the anxiolytic-like princiople of the arillus of Euphoria longana, Planta Med. (2) 65 (1999) 115-9
25- S. Huang, Z. Chen, Health-care solution of polysaccharide of Euphoria longana and Lycium barbarum, its preparation and application, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 200330625 ((2003) 10 tr.
26- D.H. Kim, M.C. Song, J.M. Choi, S.H. Kim, D.K. Kim, I.S. Chung, M.H. Park, B.M. Kwon, N.I. Beak, Development of biologically active compounds from edible plant sources. VIII. Isolation of platelet aggregation inhibitory compounds from the arils of Euphoria longana L., Han’guk Eungyong Sangmyong Hwakakhoeji (1) 47 (2004) 130-4
27- C.C. Lin, Nutritional compositions containing androgen-herb extracts for alleviating fatigue, U.S. Pat. Appl. Publ. US 2004076684 (2004) 3 tr.
28- D.H. Kim, D.W. Kim, S.Y. Choi, C.H. Park, N.I. Baek, 5-(hydroxymethyl)-2-furfuraldehyde, anticonvulsant furan from the arils of Euphoria longana L., Agric. Chem. Biotech.(1) 48 (2005) 32-4.
2- Chùm hoa lãng mạn Ti gôn
Trách ai mang cánh "ti gôn" ấy
Mà viết tìm em được ích gì?
T.T. Kh (Bài thơ cuối cùng)
Mà viết tìm em được ích gì?
T.T. Kh (Bài thơ cuối cùng)
Vào khoảng giữa năm 1937, tạp chí "Tiểu thuyết thứ bảy" ở Hà Nội có đăng một truyện ngắn "Hoa Ti-gôn" của ký giả Thanh Châu. Đây là một chuyện tình bi đát của chàng họa sĩ Lê Chất. Vừa mới ra trường, trên đuờng đi tìm phong cảnh làng quê để vẽ, anh thấy một cô gái đẹp đang víu một cành hoa ti gôn màu đỏ trước một biệt thự ven Hà Nội. Mấy ngày liền, anh mê mẩn trở lại nhìn cô ta nhưng đến một hôm thì hết còn thấy. Chín năm sau, công thành danh toại, anh vẫn không quên cô gái đẹp thời xưa. Một hôm, trong một buổi dạ vũ ở toà lãnh sự Pháp ở Vân Nam bên Trung Quốc, anh gặp lại cô gái, nay đã có chồng, một viên chức cao cấp, mà cô ta không hề yêu thương. Sau kỳ tái ngộ đó, họ tâm sự và quyết định trốn qua Nhật cùng sống với nhau. Nhưng cuối cùng, cô gái từ chối ra đi và gởi cho Lê Chất một lá thư kèm một chùm hoa ti gôn. Bốn năm sau, anh nhận được một lá thư của chồng cô gái báo tin nàng đã mất. Từ đó cho đến suốt cuộc đời, cứ đến mùa hoa ti gôn nở, buồn đau, anh không quên mua một chùm hoa trang hoàng phòng làm việc để nhớ đến người yêu xa xưa.
Mấy ngày sau truyện ngắn trữ tình nầy được đăng báo, một thiếu phụ khoảng 20 tuổi, dáng dấp thùy mị, mang lại toà báo một bài thơ tựa đề "Hai sắc hoa ti gôn" ký tên T.T.Kh., đề ngày 30.10.1937. Bài thơ nghe nói bị tòa soạn vứt vào sọt rác, may có người lấy ra lại được, lột tả những đau xót của một ngưòi con gái phải xa người yêu đi lấy chồng và suốt đời ray rức như mình là người phụ bạc, càng não nùng qua giọng ngâm của người tốt giọng như Hoàng Oanh.
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buốn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ ngưòi đến với yêu đương.
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buốn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ ngưòi đến với yêu đương.
Sau bài thơ lời lẽ mộc mạc nầy đã gây xôn xao trong giới yêu văn thơ, tòa soạn nhận được qua bưu điện một bài thơ khác tựa đề "Bài thơ thứ nhất" cùng tác giả, lời lẽ tương tự, mô tả kỹ lưỡng hơn mối tình dang dở. Giới văn nghệ lại càng bàn tán xôn xao. Trong bầu không khí xao động, tờ "Phụ nữ thời đàm" ở Hà Nội nhận được, cũng qua bưu điện, bài thơ "Đan áo cho chồng" cùng tác giả, cùng giọng điệu, than vãn, oán trách thân phận mình. Bài báo nầy vừa ra mắt thi tờ "Tiểu thuyết thứ bảy" lại nhận thêm một bài thơ nữa kỳ nầy có tựa đề "Bài thơ cuối cùng" (1938) cùng tác giả, ý tứ có phần khác ba bài thơ trước và, như tác giả đã báo truớc, không còn một bài thơ nào khác ký tên T.T .Kh để độc giả hoang mang không biết nàng là ai.
Năm lại năm qua cứ muốn yên
Mà phương ngoài gió chẳng làm quên
Và người vỡ lỡ duyên thầm kín
Lại chính là anh, anh của em.
Mà phương ngoài gió chẳng làm quên
Và người vỡ lỡ duyên thầm kín
Lại chính là anh, anh của em.
Trong suốt bốn bài thơ luôn có nói đến hoa dáng tim vỡ, nhưng, ngoài tên bài "Hai sắc hoa ti gôn", chỉ trong "Bài thơ cuối cùng" là có chỉ định hoa ti gôn: Trách ai mang cánh "ti gôn" ấy. Tuy nhiên nội dung ngây thơ của người con gái lúc đầu gặp gỡ người yêu dưới giàn hoa rồi luôn buồn tưởng tới nhà nghệ sĩ trong cuộc sống lạnh lẽo bên người chồng,... những dữ kiện hoà hợp rất khắng khít với cốt truyện "Hoa Ti-gôn". Rất dễ hiểu ký giả Thanh Châu khẳng định tác giả các bài thơ là người yêu của ông. Nhưng ông không phải là người độc nhất. Nhà thơ Nguyễn Bính, vì cũng đã sống một cuộc tình duyên dang dở tương tự, cũng cho T.T Kh là người tình vườn xanh xưa cũ của mình: Và tiễn người đi bến cát xa, Ở lại vườn Thanh có một mình. Bên phần thi sĩ Thanh Tâm (Nguyễn Tuấn Trình) thì dẫn cớ T.T. là những chữ cái của bút hiệu mình, còn Kh là hai chữ đầu tên cô Trần Thị Khánh, một nữ sinh ở phố Sinh Từ, Hà Nội, được biết là không cho cưới người yêu mà phải lấy một ông chồng nhiều tuổi hơn: Khánh ơi, còn hỏi gì anh, Ái tình đã vỡ, ái tình lại nguyên (1940). Trong những bài thơ viết tặng T.T.Kh. có bài "Mẩu máu Tigôn". Theo nhà thơ lão thành Lương Trúc (1985) có gặp bà Trần Thị Khánh thì chuyện nầy có thật. Tuy nhiên, sau nầy (1994), qua nhà văn Thế Nhật, có giả thuyết chữ T đầu là họ nữ sĩ Trần Thị Văn Chung, kết hôn với luật sư Lê Ngọc Chấn, hiện còn sống ở miền nam nước Pháp; chữ T thứ hai là Thanh, tên ký giả Thanh Châu, tác giả truyện ngắn; còn Kh là... khóc, khóc cho mối tình dở dang!
Rút cuộc, với vẻn vẹn độc nhất bốn bài thơ não lòng, T.T.Kh. đã gây xốn xao dư luận cả một thời và đến nay chưa ai biết chắc chắn tung tích tác giả. Theo thi sĩ Nguyễn Vỹ, cô Khánh không biết làm thơ, những bài ký tên T.T.Kh. là do Thanh Tâm làm, còn Nhà văn Vũ Hạnh thì cho tác giả những bài thơ nấy là thi sĩ Jean Leiba ! Nhưng cần chăng biết nàng là ai, và như tác giả một bài sưu tầm tỉ mỉ (1) đã kết luận, chúng ta cần gì phải thắc mắc, nàng là ai cũng thế mà thôi, dù nàng là cô Trần Thị Khánh ở Hà Nội hay là cô Trần Thị Chung ở Thanh Hóa. Điều quan trọng mà chúng ta biết rất rõ, những bài thơ của T.T.Kh. là những bài thơ rất hay, sẽ mãi mãi bất tử trong thi đàn Việt Nam. Tuy vậy, cũng nên tìm biết ti gôn là hoa gì, không lý chỉ có trong trí tưởng tưởng của nhà văn lãng mạn, nhà thi sĩ đa tình ! Thưa không: gần đây tôi may mắn được đọc thơ cûa một cô "em gái "
Vườn có những hàng cây yên ả
Mùa Ti gôn chưa trổ hoa
Nắng nhìn nghiêng lá trổ màu lục
Đôi khi đợi chờ là hạnh phúc
Mùa Ti gôn chưa trổ hoa
Nắng nhìn nghiêng lá trổ màu lục
Đôi khi đợi chờ là hạnh phúc
Hồ Đắc Thiếu Anh (Có một mùa Ti gôn)
Thật ra, ti gôn là một loại hoa nguồn gốc ngoại lai mà trong Nam nuớc ta thường nôm na gọi là hoa nho hay nho kiểng, còn ở ngoài Trung và Bắc thông thái phiên âm rút gọn danh từ Tây phương antigon hay antigone.
Trong thần thoại Hy Lạp có một bà tên Antigone, con vua Oedipe thành quốc Thèbes (nay là Thiba) bên nước Hy Lạp và hoàng hậu Jocaste. Vì là con của một cặp loạn luân, bà đã phải chịu sống một cuộc đời đau khổ, không chồng, không con và sau cùng bị kết án giam lỏng trong mồ gia đình. Ngay lúc mới sinh, Oedipe bị cha là Laios đem bỏ vào rừng cho chết đi vì ông tin một lời nguyền rủa bảo con ông sẽ giết cha và lấy mẹ làm vợ. Oedipe không chết, được nuôi lớn lên ở vương triều Corinthe như một đứa con mồ côi. Một ngày trên đuờng đi, vì một chuyện xích mích, Oedipe giết Laios mà không biết ông ta là cha mình. Trả lời là "con người" đúng câu hỏi của quái vật Sphinx, thân phụ nữ mình sư tử, ai ban sáng đi bốn chân, trưa đi hai chân, chiều đi ba chân, sau khi quái vật đập đầu vào đá chết đi, Oedipe được dân chúng đón tiếp như một người hùng và tôn xưng lên ngôi vua. Sau đấy ông cưới hoàng hậu Jocaste làm vợ mà không dè bà là mẹ mình, vô tình thực hiện lời nguyền rủa. Vào lúc ấy có bệnh dịch hoành hành và thánh nhân đòi tìm cho ra người đã ám sát Laios may ra cứu được toàn dân Thèbes. Khám phá ra mình đã giết cha, Oedipe vô cùng đau đớn, nhổ mắt thành mù, được Antigone dẫn ra khỏi Thèbes làm người ăn xin trước khi chết ở Colone. Còn Jocaste thì treo cổ tự tử. Ngoài hai con gái, Antigone và Ismène, Oedipe và Jocaste có hai con trai, Polynice và Etéocle. Hai anh em thỏa thuận luân phiên nhau thế cha lên ngôi trị vì mỗi người một năm. Etéocle bắt đầu lên ngôi nhưng một năm sau không chịu nhường ngôi lại cho Polynice. Trong cuộc chiến huynh đệ tranh ngôi cả hai đều tử trận. Em của Jocaste là Créon lên nối ngôi, truyền lệnh khâm niệm Etéocle theo nghi lễ một nhà vua nhưng cấm không được chôn cất Polynice xem như là kẻ phản bội. Antigone không chịu tuân lời cậu, lại rải một ít đất lên thi hài anh gọi là lễ tang tối thiểu để linh hồn anh yên giấc ngàn thu, vậy mà Créon lên án giam cháu. Không chịu sống giam cầm suốt đời, Antigone treo cổ tự tử. Hémon, con của Créon, người yêu của Antigone, tự sát ngay trên thi hài Antigone và tiếp theo đó, vợ Créon cũng chết theo con. Rút cuộc người còn sống trong đau khổ là Créon cùng một lúc mất con, góa vợ, chỉ vì một xử lý thiếu suy nghĩ của mình. Lời nguyền rủa thấy như còn tiếp tục lâu dài....
Trong bối cảnh một thế giới đảo điên, con giết cha, anh em giết nhau, cậu giết cháu, Oedipe không chủ ý phạm tội loạn luân, một hiện tượng sau nầy được nhiều triết gia biện luận và nhiều soạn giả viết thành bi kịch..., Antigone tỏ ra là một người con có hiếu vì đã chịu chăm sóc người cha mù cho đến lúc ông chết, lại là một người em mang một tình thương anh vô tận nên mới đơn thương độc mã bất tuân lệnh của ông vua cậu. Nhiều học giả đã thấy qua nàng một bi kịch của những đối lập : một bên là tình thương chị em, mệnh lệnh thần thánh, sự tận tâm tận tụy, bên kia là ý chí nhà vua, luân lý thành quốc, sự mù quáng của tuổi già. Lòng hiếu thảo, tình thương của nàng phải chăn được thể hiện qua một cây leo luôn quấn quít trên những cành cứng, những bụi rậm như cây antigone thường thấy ở Nam Mỹ, phát xuất từ Mexicô, mọc hoang nhiều ở các tiểu bang California, Arizona bên Hoa Kỳ, ở tỉnh Phan Thiết bên ta. Mang tên khoa học Antigona leptopus Hook. et Arn. (5,7) (có khi viết Linn. (8,9)) thuộc họ Răm Polygonaceae, cây ti gôn còn được gọi hiếu nữ, Coral vine, Mountain Rose, Queen’s Wreath hay Love’s chain. Dây leo đa niên nhờ có củ to, thân mảnh, lá có phiến không lông, hình tim, xanh tươi, dúng. Chùm có vòi, to, ở chót nhánh, hoa hườnghay trắng (var. alba Horst) (PHH) cho nên T.T.Kh. mới có tựa bài "Hai sắc hoa ti gôn". Hoa có 5 tai đỏ, ngoài 3 trong 2, tiểu nhị dính nhau ở đáy, noãn sào 3 cánh, 3 vòi, nhụy bế quả. Ưa chịu nóng mùa hè và thích nhiều nước. Vào mùa đông lá rụng nhiều, chỉ ngọn cây chết nhưng chóng phục hồi (2).
Là một loại hoa đẹp, lại được mệnh danh là hoa lòng, hoa máu, hoa ti gôn đã được nhiều nhà khảo cứu chú ý, nhất là về mặt chất sắc. Nhóm Minocha ở viện Đại học Allahabad bên Ấn Độ dùng methanol-HCl (1%) chiết xuất được hai anthocyanin pelargonin và malvin (4). Thay đổi dung dịch, dùng ethanol, họ đạt được hentriacontan và trimethoxy propanoyl anthraquinon (5), quercetin, rhamnetin, quercetin glucopyranosid và hydroxy methyl anthraquinon arabinofuranosyl glucopyranosid (3). Nhóm Valsakumari ở Trường kỷ sư Tiruchirapalli cũng ở Ấn Độ thì tìm ra được trong hoa quercetin rhamnosyl rhamnoside (7). Nhóm Kawasaki ở viện Đại học Shinshu bên Nhật bản phát hiện trong lá 28 cây thuộc họ Răm 33 flavonoid. Quercetin glycosid có mặt trong hầu hết các lá, nhiều nhất là rhamnodid và glucuronid, còn myrcetin thì hiếm hơn (6). Những nhà khảo cứu ở viện Đại học Michigan bên Hoa Kỳ dùng methanol thì chiết xuất được từ tất cả các bộ phận khí sinh của cây, kể cả hoa, hentriacontan, ferulic acid, hydroxy cinnamic acid, quercetin rhamnosid, kaempherol glucosid đồng thời với bêta-sitosterol, bêta-sitosterol glucosid và mannitol (16). Trong một cuộc khảo cứu về các acid béo trên 15 cây đủ loại mọc ở Rajasthan trong ấy có Antigonon leptopus, tinh dầu hột cống hiến dimethyl oxazolin (10).
Cây ti gôn không chỉ phô trương sắc đẹp. Người ta đã tìm ra được trong những phần chiết methanol các bộ phận khí sinh của cây có tính chất ức chế lipid peroxi hóa (89%), cycloxygenase (50,4-72,5 %) với 250 microgam/mL (16), phản thrombin (80%) (13). Ở viện Đại học Victoria bên Canada, một cuộc khảo cứu đã được thực hiện trên các cây dùng để chữa các chứng thuộc đường niệu cùng bệnh đái đuờng ở Trinidad và Tobago trong ấy có ti gôn (15). Một văn bằng sáng chế Trung Quốc đề nghị dùng Antigonon leptopus cùng nhiều cây khác như kha tử Terminalia chebula, mã tiền Strychnos nux-vomica, đàn hương Santalum album, thảo đậu khấu Alpinia katsumadai, nhục đậu khấu Myristica fragrans, đinh hương Eugenia caryophyllata, ngũ linh chi Facces trogopterpri… nhờ những tính chất chống đau, chống viêm, chống siêu trùng, bài niệu, giải độc, để chữa một loạt bệnh viêm: viêm thận, viêm gan, viêm kết tràng,... (14). Ti gôn đã được dùng làm thức uống (16). Cũng cần biết thêm nhóm Krishna ở viện Đại học Andhra bên Ấn Độ đã khảo cứu cách đường hóa và lên men cùng lúc sinh khối ti gôn để sản xuất ethanol với các chủng Trichoderma reesei và Saccharomyces cerevisiae (8,11) hỗn hợp với Kluyveromyces fragilis (l2), bêta-glucosidase (9).
Hoa ti gôn không thơm tùy loại có hai màu: màu trắng tượng trưng cho lòng trinh bạch (Và phương trời thẳm mờ sương cát, Tay vít giây hoa trắng chạnhlòng ), màu hồng hay đỏ chỉ sự đau khổ trong đời. (Nhưng hồng, tựa trái tim tan vỡ, Và đỏ như như màu máu thắm phai). Chỉ với hai màu, T.T.Kh đã trưng bày đủ đời mình, kết liễu với một nỗi nhớ tiếc không nguôi, ví mình như một loài hoa vỡ, một trái tim phai:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.
Theo kết quả của những tìm kiếm, rất có thể T.T.Kh hiện còn sống. Một con người, với một cuộc đời như vậy, có hảnh diện không khi thấy những bài thơ mộc mạc nhưng chân thành của mình đã gây náo động khắp nước, cả một thời, không những ở quốc nội hồi thơ mới được đăng báo, mà còn bây giờ, gần bảy mươi năm sau, khắp thế giới, bất kỳ ở nơi nào có người Việt, còn người yêu thơ?.
Nghiên cúu và phát triển 2 (79) 2010, vietsciences 02.2011.
Tham khảo
1- Lưu An, TTKh và những khám phá về thân thế tác giả, khoahocphothong.net/forum/archiv/index.php/t-8504.html
2- Lê Văn Lân, Mùa thu và hoa tim vỡ, khoahoc.net 20.09.2007.
3- K.P. Tiwari, P.K. Minocha, Chemical constituents of the flowers of Antigonon leptopus, Indian J. Chem.section B (5) 19B (1980) 431-2
4- K.P. Tiwari, P.K. Minocha, Study of anthocyanins from flowers of Antigone leptopus, Vijnana Parishad Anusandhan Patrika (4) 23 (1980) 305-7
5- P.K. Minocha, M. Masood, K.P. Tiwari, 1,6,8-Trimethoxy-3-propanoylanthraquinone, a new pigment from the flowers of Antigonon leptopus Hook and Arn, Indian J. Chem.section B (3) 20B (1981) 251-2
6- M. Kawasaki, T. Komata, K. Yoshitama, Flavonoids in the leaves of twenty-eight polygonaceous plants, Bot. Mag.(Tokyo) (1053) 99 (1986) 63-74
7- M.K. Valsakumari, N. Sulochana, Phytochemical investigation on the flowers of Antigonon leptopus Hook and Arn, J. Inst.Chem.(India) (1) 64 (1992) 38
8- S.H. Krishna, Y. Prabhakar, R.J. Rao, Saccharification studies of lignocellulosic biomass from Antigonon leptopus Linn, Indian J; Pharm. Sci .(1) 59 (1997) 39-42
9- S.H. Krishna, G.V. Chowdary, D.S. Reddy, C. Ayyanna, Simultaneous saccharification and fermentation of pretreated Antigonon leptopus Linn leaves to ethanol, J. Chem. Tech. Biotech. (11) 74 (1999) 1055-60
10- M.M. Azam, M.R.K. Sherwani, Chemical investigation of some seed oils from arid zone of Rajasthan, Oriental J. Chem. (2) 15 (1999) 295-300
11- S.H. Krishna, G.V. Chowdary, Optimization of simultaneous saccharification and fermentation for the production of ethanol from lignocellulosic biomass, J. Agri. Food Chem.(5) 48 (2000) 1971-6
l2- S.H. Krishna, D.S. Reddy, T. Janardhan, G.V. Chowdary, Simultaneous saccharification and fermentation of lignocellulosic wastes to ethanol using a thermotolerant yeast, Biores. Tech. (2) 77 (2001) 193-6
13- N. Chistokhodova, Nguyen Chi, T. Calvino, I. Kachirskaia, G. Cunningham, M.D. Howard, Antithrombin activity of medicinal plants from central Florida, J.Ethnopharm. (2) 81 (2002) 277-80
14- J. Wu, Manufacture of traditional Chinese medicine with antiviral, anti-inflammatory, and detoxicating effects, Faming Zhuanli Shanqing Gongkai Shuomingshu CN 1840147 (2006) 6 tr.
15- C.A. Lans, Ethnomedicines used in Trinidad and Tobago for urany problems and diabetes mellitus, J.Ethnobio. Ethnomed. 2 (2006) 45
16- M. Vanisree, R.L. Alexander-Lindo, D.L. De Witt, M.G. Nair, Functional food components of Antigonon leptopus tea, Food Chem. (2) 106 (2008) 487-92.
3- Đỗ quyên hoa thắm
Anh về đọc lại dòng thơ cũ
Thoáng nét bên đời hoa Đỗ Quyên
Gặp em bụi phấn vương trên áo
Năm tháng theo về anh có quên!
Võ Văn Hoa
Thoáng nét bên đời hoa Đỗ Quyên
Gặp em bụi phấn vương trên áo
Năm tháng theo về anh có quên!
Võ Văn Hoa
"Thuở
ấy, có hai vợ chồng trẻ sống dưới động Truồi. Họ rất yêu nhau. Thế rồi tự nhiên
chàng trai trở bệnh, thuốc thang không khỏi mà ngày càng nặng thêm. Có người
mách bảo lên động Bạch Mã tìm loại cây thuốc giống như cây kim giao toàn thân
màu trắng, uống vào sẽ cải tử hoàn sinh. Người vợ đã lên đường tìm linh dược
cho chồng nhưng qua mấy ngày lặn lội trong rừng, cô chẳng tìm ra thuốc. Đói
lạnh làm cô kiệt sức, cô ngã xuống bên một dòng suối, đầu va vào tảng đá. Máu
cô hòa vào dòng suối, chảy đến đâu liền xuất hiện đến đó một loài cây cỏ thân
gầy guộc, có màu hoa đỏ như máu gọi là đỗ quyên. Loại hoa này chỉ sống trọn vẹn
trong mùa xuân, vươn mình lên kẽ đá và soi mình đỏ rực xuống dòng
suối...." (1)
Thật ra, hoa đỗ quyên Rhododendron,
còn có tên đỗ quyên ấn, hồng thụ ấn (TH), thạch nam (LTĐ), thuộc họ cùng tên Đỗ
quyên Ericaceae, ngày nay với kỹ thuật hợp lai phổ biến rộng rãi,
không chỉ toàn một màu đỏ thắm mà tùy nơi còn mang nhiều sắc trắng, tím, tía,
son qua hồng nhiệt, đỏ thẫm, đỏ gạch, đỏ hồng, đỏ xanh, đỏ cam, đỏ vàng, ....
Nguồn gốc núi cao châu Á nhiệt đới (Nhật Bản, Myanmar, Nepal) ngày nay nó mọc
hoang và được trồng khắp nơi, ở châu Á (Nhật Bản, Myanmar, Nepal), cũng như ở
châu Âu, châu Mỹ. Là một cây trang trí rất được ưa thích, nó đã được pha giống
thành hằng trăm loại đủ cở lớn, nhỏ, đủ màu sắc lộng lẫy. Hoa R.
simsii Planch. (tức R. indicum Sweet var. simsii Maxim,
hay var. ignescens Sweet, hay Azalea indica Sims.
non Linn) màu đỏ hồng, R. kaempferi Planch. màu đỏ cam
tươi, R. obtusum Planch. màu trắng, đỏ gạch, đỏ tía, đều thuộc
chủng của R. indicum Sweet (TH).
Môn cuộc phân tích hóa học giúp ta
biết được nguyên do màu đỏ ở hoa đỗ quyên là các chất sắc anthocyanin. Hai chất
chính cyanidin glucosid và cyanidin diglucosid thường gặp bên cạnh peonidin
diglucosid. Hoa màu tía chứa đựng malvidin diglucosid, màu tím là do myricetin
methyl ether mà ra, còn quercetin, azaleatin, methoxy kaempferol chuyển màu đỏ
xanh. Lượng các cyanidin hay flavonol, mà nhiều nhất là azaleatin rhamnosyl
gucosid, làm thay đổi màu hoa từ đỏ thẫm, đỏ xanh qua hồng nhiệt, đỏ cam, đỏ
vàng. Càng ít cyanidin glucosid, màu đỏ càng chuyển qua xanh. Cyanidin còn hiện
ra dưới các thể galactosid, arabinosid, galactosid glucosid, araginosid. Trong
số các flavon khác, đã xác định được những pelargonidin, delphinidin,
petunidin, còn flavonol glycosid thì có quercetin galactosid, rhamnosid,
azaleatin galactosid, malvidin glucosid, delphinidin glucosid. Hai chất sau nầy
nhuộm hoa màu tía (3), còn caroten hiến màu vàng trong
hoa R. japonicum f. flavum(21).
Song song với hoa, thân, lá , rễ cây đỗ
quyên R. simsii cũng được khảo cứu. Rễ cây chứa đựng những
flavon như quercetin, kaempferol, hyperin cùng sitosterol. Bên cạnh amin acid,
những kim loại Zn, Fe, Cu, Co, Se, Mn và Cr đã được xác định (mg/100g) trong
thân cây : 7,09, 21,37, 1,14, 0,31, 0,03, 6,62, 0,02 và trong rễ cây :
7,42, 28,69, 1,29, 0,32, 0,01, 0,99, 0,02. Trong lá cây, cùng với triterpen,
flavonon glycosid và chất phản oxy hóa "matteucinol", những flavonoid
aglycon như quercetin, kaempferol đã được trích chiết làm rượu thuốc Jinjuan (2).
Về mặt ứng dụng, lá cây đỗ quyên chứa
đựng vitamin C. Lượng sinh tố có nhiều về mùa hè so với mùa đông, có nhiều ở
chỗ nóng so với trong bóng râm, tăng lên trước khi mặt trời mọc rồi giảm
dần (7,8). Phần chiết chứa đựng nhiều flavonoid ở liều lưọng
300 mg/kg chữa bệnh viêm phế quản mạn tính rất hiệu nghiệm (4).
Nước chiết từ cây cống hiến một chất thuốc có khả năng ức chế trùng
VSH-II (6). Những flavon glucosid ở lá cây R.
anthopogonoid, cấu chất của anthorhododendrin, có tác dụng long đờm trên
chuột. Đằng khác, nó gây co thắt các mạch máu ở chân ếch và tai thỏ đồng
thời làm duỗi khí quản heo cùng các bắp thịt cánh chậu trơn nhẵn. Nó rất hiệu
nghiệm trong cuộc trị liệu viêm phế quản nhưng nên ghi nhận LD50 ở
chuột là 0,40 g/kg (12). Phần chiết nhiều cây đỗ quyên khác
cũng có tính chất long đờm (5) nhờ những chất farrerol,
astragalin, kaempferol, scopoletin, hay ngừa ho nhờ hyperin và quercetin (13).
Chất quercetin nầy còn có khả năng ức chế những hoại tử khối u ở đại thực
bào (20). Dầu lá cây R. dauricum chứa đựng
flavon được dùng chữa ho hen và bệnh suyễn (15). Dùng methanol
chiết lá thì được một chất thuốc làm giảm đau, hiệu nghiệm 40% với 50 mg/kg
nhưng cũng trở nên độc trên 150 mg/kg (14). Chiết với ethanol
95%, cây R. cephaluntum cống hiến một chất chromen có khả năng
ức chế hoạt động của 5-lipoxygenase và được dùng chống viêm, dị ứng, hen
suyễn (19).
Ở vùng núi miền Hắc hải bên Turkey cũng
như ở Nhật Bản, Nepal, Brazyl, và ngay ở châu Âu và châu Mỹ, các loại hoa đỗ
quyên R. ponticum, R.luteum chứa một chất độc, grayantoxin, được
ong hút về cùng nhựa hoa làm mật, ăn vào có thể bị nôn mửa, hôn mê, vú
nứt (22) hay huyết áp giảm xuống, nhịp chim chậm lại (11,16,17).
Chất độc này tác động lên cuộc gián phân bạch huyết bào con người (18). Mang tên andromedotoxin, được phát hiện ở R. hunnewellianum (9) hay acetylandromedol (11) ở R. chrysanthum, R. campylocarpum và các hoa đỗ quyên khác cùng họ Đỗ quyên Ericaceae, đồng thời tác dụng lên tim, nó còn kích thích da cùng các màng nhầy (10). Trong Đông y, đỗ quyên vị đắng tính bình, hơi độc vào can thận, có tác dụng dưỡng thận khí, bổ thận khu phong, trị âm suy liệt dương, chân yếu lưng mỏi, di tinh, phối hợp với các vị khác. Chữa tiết tinh, lạnh tinh, liệt dương: lá thạch nam, ba kích, nhục thung dung, tỏa dương, sơn thù, mỗi vị 12-20g, sắc uống, hòa thêm 10 g cao ban long càng tốt. Chữa can thận hư, phong hàn thấp, chân tê yếu: thạch nam, tật lê, hà thủ ô, ba kích, ngũ gia bì, thỏ ty tử (quả hạt tơ hồng), uy linh tiên, mỗi vị 12-20 g, sắc uống (LTĐ).
Chất độc này tác động lên cuộc gián phân bạch huyết bào con người (18). Mang tên andromedotoxin, được phát hiện ở R. hunnewellianum (9) hay acetylandromedol (11) ở R. chrysanthum, R. campylocarpum và các hoa đỗ quyên khác cùng họ Đỗ quyên Ericaceae, đồng thời tác dụng lên tim, nó còn kích thích da cùng các màng nhầy (10). Trong Đông y, đỗ quyên vị đắng tính bình, hơi độc vào can thận, có tác dụng dưỡng thận khí, bổ thận khu phong, trị âm suy liệt dương, chân yếu lưng mỏi, di tinh, phối hợp với các vị khác. Chữa tiết tinh, lạnh tinh, liệt dương: lá thạch nam, ba kích, nhục thung dung, tỏa dương, sơn thù, mỗi vị 12-20g, sắc uống, hòa thêm 10 g cao ban long càng tốt. Chữa can thận hư, phong hàn thấp, chân tê yếu: thạch nam, tật lê, hà thủ ô, ba kích, ngũ gia bì, thỏ ty tử (quả hạt tơ hồng), uy linh tiên, mỗi vị 12-20 g, sắc uống (LTĐ).
Tôi đã có dịp lên Bạch Mã nhưng
không may mắn gặp được mùa đỗ quyên trỗ hoa. Nghe nói đẹp lắm. "Khi mặt
trời rọi những tia nắng ấm xuống Bạch Mã, dòng suối đã mang hết nước về xuôi,
hoa đỗ quyên rực rỡ một vùng. Sắc đỗ quyên đỏ thắm như máu, nồng nàn như mời
gọi mà không rực rỡ, xót xa như phượng vĩ" (1). Tuy nhiên,
tôi lại được đi dạo ở miền núi Alpes bên Pháp, một chiều đầu hè, mặt trời tuy
cao nhưng hết còn nóng, gió nhẹ thổi vương chút nắng tàn, hoa đỗ quyên cũng đỏ
thắm huy hoàng cả một triền núi xanh thấp thoáng dưới bầu trời lửng lơ mây
trắng... Tôi cảm thấy khoan khoái, dễ chịu do khí trời mát mẻ, không khí trong
sạch đã đành, mà cũng có lẽ vì nhẹ bước giữa những khóm đỏ quyên tươi thắm như
hân hoan đón rước kẻ đi dạo rừng. Khó mà so sánh với Bạch Mã, tuy ở đây
cũng có chim nhưng không phải chim đỗ quyên, cũng có thác nhưng không phải thác
Đỗ Quyên. Thôi thì tạm vui nơi phong cảnh xứ người, có khi may mắn được nghe
giọng hát ví von của ca sĩ Đỗ Quyên khuây khỏa thời gian chờ đợi về tắm ao ta.
Nghiên cứu và Phát
triển 2 (45) 2004, vietsciences 12.2009
Tham khảo
1- Nguyễn Hương, Bạch Mã, mùa
hoa đỗ quyên nở, Nhớ Huế - Huế mùa xuân, nxb Trẻ, TP
HồChíMinh (2000) 42-45, Rhododendron simsii, R. indicum, Azalea
indica
2- R. De Loose, Qualitative
investigation on the flower pigments of Belgian hybrids of Rhododendron simsii, Meded.
Vlaam. Chem. Ver. 30(4) (1968) 99-123
3- R. De Loose, Azalea indica
flower color as related to the parameters pH, anthocyanins and flavonol
co-pigments, Sci. Hortic. (Amsterdam)9(3) (1978) 285-90
4- Y.F. Zhang, J.X. Tan, Y.F.
Zhou, Change of action potentials in vagus nerve (efferent) of chronic
bronchitic rats and the effect of treatment with flavonols of Rhododendron
simsii, Yao Hsueh Tung Pao 16(5) (1981) 4-6
5- J. Xie, L. Wang, C. Liu, D. Ge, Synthesis
of expectorant principle of natural flavanone, "matteucinol", Zhongguo
Yixue Kexueyuan Xuebao8(2) (1986) 84-7
6- M.S. Zheng, An experimental
study of the anti-HSV-II action of 500 herbal drugs, J. Trad. Chin.
Med. 9(2) (1989) 113-6, Rhododendron spp
7- R. Wasicky, Vitamin C cycle
in the plant, Anais fac.farm.e odontol.univ.,Sao Paulo 15 (1958)
87-109
8- R. Wasicky, Extraction of
vitamin C from the above ground portions of plants by the rain, Sci.
Pharm. Brazyl26 (1958) 100-3
9- H.P. Chu, G.K. How, The toxic
principle (andromedotoxin) from Nao-Yang-Hua, Rhododendron hunnewellianum. I.
The effect on circulation and respiration, Chinese J. Physiol. 5 (1962)
115-24
10- H. Schindler, Acetylandromedol
(andromedotoxin) in various Ericaceae species, especially in Rhododendron, and
ist approximate determination, Planta Med. 10 (1962)
232-7
11- F. Zymalkpwski, P. Pachaly, S. Auf
dem Keller, Determination of acetylandromedol (grayanotoxin I) in
Rhododendron ponticum extracts, Planta Med. 17(1)
(1969) 8-13
12- Lanchow Med. Coll., Pharmacologic
action and toxicity of anthorhododendrin, Chung-Hua Hsueh Tsa Chih 54 (5)
(1974) 279-83
13- Lab. Med. Plants, Correlation
between phylogeny, chemical constituents and pharmaceutical aspects of plants
and their applications in drug research, Chih Wu Hsueh Pao 19(4)
(1977) 257-62
14- H. Tamura, H. Kuwahara, T. Inui, S.
Terada, M. Yokota, A. Hasebe, Use of Rhododendron. I. Drugs and
perfumes, Shizuoka-ken Kogyo Gijutsu Senta Kenkyu Hokoku (33)
(1988) 61-5
15- F. Cong, F. Xiao, Z. Jiang, H. Yan,
L. Meng, L. Cheng, Rhododendron dauricum leaf extracts containing
flavones for treatment of cough and asthma, Faming Zhuanli Shenqing
Gongkai Shuomingshu CN 86108317 (1988) 4 tr.
16- F. Onat, B.C. Yegen, R. Lawrance, A.
Oktay, S. Oktay, Site of action of grayanotoxins in mad honey in rats, J.
Appl. Toxic. 11(3) (1991) 199-201
17- F. Onat, B.C. Yegen, R. Lawrance, A.
Oktay, S. Oktay, Mad honey poisoning in man and rat, Rev.
Envir. Healt9(1) (1991) 3-9
18- M. Ascioglu, N. Cucer, A.
Ekecik, Effect of grayanotoxin II on in vitro mitotic activity of human
lymphocytes, J. Inter. Med. Res. 26(3) (1998) 140-3
19- A. Tokuta, T. Kawanabe, K. Tokuta,
Y. Toue, A. Satoshi, The new chromene derivatives as 5-lipoxygenase
inhibitors, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 10251246 (1998) 5
tr.
20- K.R. Manjeet, B. Ghosh, Quercetin
inhibits LPS-induced nitric oxide and tumor necrosis factor-alpha production in
murine macrophages, Int. J. Immunopharm. 21(7)
(1999) 435-43
21- I. Miyajima, K. Ureshino, N.
Kobayashi, M. Akabane, Flower color and pigments of intersubgeneric
hybrid between white-flowered evergreen and yellow-flowered deciduous azaleas, J.
Jap. Soc. Hort. Sci. 69(3) (2000) 280-282
22- B. Puschner, D.M. Holstege, N.
Lamberski, T. Le, Grayanotoxin poisoning in the three goats, J.Amer.
Vet. Med. Ass. 219 (4) (2001) 573-5.
4- Hoa cau vườn trầu
Bóng một giàn hoa một lá trầu,
Ngày xanh lui lại nhớ hàng cau.
Ngày xanh lui lại nhớ hàng cau.
Thái Ngộ Khê
Sau mấy chục năm tha
hương, về nước dự đám cưới một người cháu, tôi ngạc nhiên thấy nhà trai còn đem
cau trầu làm sính lễ lại đón cô dâu như thời trước. Tôi mừng thầm, sau hai cuộc
chiến tranh dài dăng dẳng, thảm thê, truyền thống vẫn còn giữ và dân tộc không
quên chuyện truyền thuyết tình cảm, sâu xa của hai anh em Cao Tân, Cao Lang và
cô gái họ Lưu tên Liên thời Hùng Vương kể lại trong Lĩnh
Nam chích quái. Thật ra, Việt Nam ta không phải là nước độc nhất dùng
cau trầu trong dịp cưới hỏi. Suốt vùng châu Á, phía đông bao trùm Thái Bình
Dương đến các đảo cạnh Úc châu, phía tây vượt quá Ấn Độ đến bờ biển Phi châu,
phía bắc lấn tràn Miến Điện và miền nam Trung Quốc, phía nam chiếm toàn Đông
Nam Á với quần đảo Nam Dương, ở đâu đất đai và khí hậu cho mọc cau, trầu
là nơi đó có tục lệ cau trầu.
Bên Java, khi một chàng trai hỏi ý một
cô gái, cô gởi trả một miếng trầu bọc hai lá: nếu úp cùng chiều là cô ta ưng
ý. Cô vợ Arakan bên Myanmar thì đem lá trầu xé làm hai đưa cho chồng một nửa :
nếu anh quấn làm miếng trầu ăn tức là anh đồng ý để vợ ra đi. Không phải
tình cờ mà người Mã Lai lấy tên cây cau, pinang, đặt tên meminang cho
cuộc dạm hỏi rồi pinangam cho đám hỏi, còn người ở đảo Bali
thì đặt tên cho một hòn núi Pinang Gunggam. Bên Ấn Độ, bất cứ
lễ sinh con hay lễ tế người chết đều phải có cau trầu. Người Borneo đặt cau
trầu quanh thi hài người quá cố cùng với những vật thường dùng hằng ngày. Người
Sumatra mang cau trầu đi biếu dân làng mình đến viếng cũng như lúc sắp từ
giả... Cưới hỏi, ly dị, kết nghĩa, chia ly,... rất nhiều quan hệ xã hội lúc
sống, khi chết, đã được diễn tả qua cau trầu.
Chuẩn bị ăn trầu là cả một nghệ
thuật truyền thống bên nước ta. Trước hết là phải biết cách cắt lá trầu, cắt
xéo sao cho dễ têm sau nầy. Cau thường dùng là một lát cau tươi, nếu là cau khô
thì phải ngâm trong nước cho mềm. Nếu răng không còn tốt mà cau quá cứng thì
cần phải có ống xoáy, bỏ vào khi đã đập dẹt. Quết vôi với cái chìa vôi cũng là
một nghệ thuật: phải dùng số lượng vừa phải, nhiều thì quá nồng, ít thì không
ngon. Trầu xanh, cau trắng, vôi nồng, Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với
duyên (Ca dao). Bình vôi mà bên ta thường tôn vinh Ông Bình Vôi, thật
ra chỉ là một cái hũ bằng đất nung, nhưng dùng lâu năm, vôi cứng đóng trong
lòng không dùng được nữa, thường không nhà nào dám vứt đi mà đặt nó lên bàn thờ
hay ở gốc đa, treo trên cây, trước chùa. Ông Bình Vôi là một nhân vật linh động: ông "đói" khi hết vôi, phải thêm vôi vào để cho ông
"ăn", ban tối ông cần "thở" thì phải rút cái chìa vôi
ra,... Về thăm quê hương năm ngoái, tôi còn thấy cây hương được thắp ngay
trong miệng bình vôi trên bàn thờ. Để thêm hương vị, bớt cay nồng, miếng trầu
cũng được ăn cùng với một vài loại rễ cây như cây chay, cây quách,... thường
gọi chung là cây rễ. Bên Miến Điện sạp bán trầu là cả một cái quầy đầy hũ lọ
đựng đủ thứ rễ, đủ loại ngũ cốc màu sắc rực rỡ có vẻ quyến rũ và người bán,
thường là đàn ông, têm đúng số lượng người mua đặt hàng. Sau cùng còn phải
khéo têm trầu, sắp đặt có mỹ thuật trong cơi trầu trước khi đem mời khách nhất
là khi mình làm con gái tiếp đón gia đình ông chồng tương lai có thể...
Sâu đậm hơn, cau trầu còn là mối liên
quan giữa người và thần linh. Nước miếng đỏ trong miệng người ăn trầu, rất
lạ mắt và có phần ghê tởm cho những người phương Tây, hình dung một sức
mạnh cốt tử trong mắt nhiều bộ lạc. Người Macassar ở Sulavesi dùng nước ăn trầu
thoa trán và thái dương trẻ con bị bệnh. Bên Philippines thì nước trầu được bôi
vào bụng con nít để tránh cảm lạnh. Ở nhiều chỗ khác, nước trầu còn có tính
chất bùa yêu mầu nhiệm. Ở Timor chẳng hạn, thầy phù thủy nhìn màu nước trầu
phết vào trán người chiến sĩ để suy đoán vũ lực và khả năng chiến đấu. Bên
Java, đường gân lá trầu chỉ định bản chất cơn bệnh, còn màu nước trầu thì biểu
lộ tính tình. Người Batak ở Sumatra cung hiến miếng trầu cho ma quỷ để chúng
khỏi rượt đuổi con người (1). Ở Bali, tôi chứng kiến được hằng
ngày các cô gái tân thời, áo cụt, quần jeans, tóc dài, da thắm, đẹp như tiên
nữ, tung tăn, tươi cười, hồn nhiên chạy đặt những khay trầu bằng lá tí hon
trước cửa nhà cũng như khắp các nẻo đường, theo một tục lệ có từ ngày xưa, bất
chấp chúng có tồn tại được lâu hay không.
Thật ra, ngoài chuyện ăn nhai vui
miệng, cau trầu không chỉ là một chuyện dị đoan. Nếu bây giờ miếng trầu qua các
tay phù thủy, thì trước kia những thầy thuốc như Sushruta ở Ấn Độ từ thế
kỷ I, những lương y Ả Rập như Rhazes, Avicienne qua thế kỷ X đã công nhận
những giá trị y học của cau trầu. Các sách xưa ghi miếng trầu kích thích
nhiệt huyết, đem hương vào miệng, củng cố cơ thể, nảy nở vẻ đẹp, tiêu tan bệnh
tật, giúp thêm điềm tĩnh,.... Nó còn có khả năng tăng sức tim, chữa đau răng,
củng cố nướu răng,... Theo một số sách khác, nó là một trong những thích
thú trong đời bên cạnh ăn uống, áo quần, hương hoa, phụ nữ. Ngày nay, miếng
trầu được xếp ngang hàng với guarana, kola,... những chất nhai chơi có khả
năng kích thích (9). Trái lại, các tu sĩ Miến Điện tin nhai
trầu cổ võ suy nghĩ, kích thích tịnh tâm (2).
Hoa cau rụng trắng
ngoài thềm
Tục lệ cau trầu chỉ được phổ biến ở Âu
châu từ những thế kỷ XVI, XVII, XVIII, bắt đầu với những người Bồ Đào Nha. Tiếp
xúc với người Ấn Độ và người Mã Lai, họ hấp thu hai danh từ vittilei và vetila để
chỉ trầu, dần dần đọc trạnh ra vettele, bettele, ....cho
đến ngày nay thành betle hay betel. Bên phía
cau thì hai danh từ akakeya (Ấn Độ) và adakka (Mã
Lai) đã đưọc biến ra thành arec (noix d’arec), aréquier. Những
người Anh quen dùng chữ betle chỉ định trầu, từ đấy cây
trầu betle vine, lá trầu betle leaf, miếng
trầu betle quid, và kỳ quái là cả ngay trái cau betle
nut cho nên lúc ban đầu hay có sự lẫn lộn.
Ở Ấn Độ, tiếng Sanskrit để chỉ trầu
là tâm bula, đổi thành tambuli, tambulam trong
tiếng Pali, tamboli, tambolam trong tiếng Prâkrit, tambul trong
tiếng Persan, al tambul trong tiếng Ả Rập. Phát xuất từ một
tiếng Sanskrit khác, parna, người Hindi ngày nay gọi trầu
là pân, cho nên những quầy quán bán trầu bên Ấn Độ, Myanmar mang
tên panshop. Trong ngôn ngữ Nam Á, chữ trầu thay đổi với các sắc
tộc : Khơme mluv, Bana bơlơu, Stieng mlu,
Kha blu, Kha blu, Thái Lan phlu, Môn jablu,
halang lamlu (1). Người Chăm một thời gồm có hai
thị tộc: Dừa và Cau. Thị tộc Cau chiếm giữ vùng Panduranga tức Phan Rang
ngày nay và tháp Pô Klaung Garai đã được vua Jaya Simhavarman III (ta gọi Chế
Mân) dựng lên trên núi Trầu (3) tức Bôn Hala. Lễ vật cúng
ở đây ngoài dê, gà, bánh rượu, lúc nào cũng có kèm theo cau trầu. Sách vở còn
kể nghệ nhân Chăm biết dùng vàng, bạc, đá quý tạo nên những hộp đựng cau, trầu,
vôi chạm trổ công phu. Trong đám quân binh tháp tùng nhà vua, luôn có những
người lính mang những hộp ấy và lễ vật cống hiến Trung Quốc không bao giờ thiếu
hộp cau trầu. Ở miền Nam nước ta còn có làng Trầu Phù Lưu, Thập bát Phù viên
tức Làng Trầu 18 thôn làm nên quê hương vườn trầu lý tưởng (4).
Ở Việt Nam ta, từ điển Alexandre Rhodes
viết blâu, đọc giầu ở miền Bắc thay vì trầu. Ngoài
vôi, cau trầu thường được ăn với vỏ cây chay. Cũng như ở các nước Đông Nam
Á khác, cau trầu có mặt trong tất cả các buổi lễ cúng, cưới hỏi, trang hoàng,
trong hoàng tộc cũng như ngoài dân gian. Nó "biểu tượng cho sự kính trọng,
cho lòng biết ơn, cho sự tạ lỗi - mỗi một khi nhà có việc, đều không thể thiếu
cơi trầu, bình vôi, người bạn đường chung thủy của trầu cau - là quyền lực
của người nội tướng trong gia đình..." (4a). Trong giao
tiếp, miếng trầu là đầu câu chuyện, thay vì điếu thuốc, chén
trà. Rồi khi quen nhau nhiều, không xa nhau lâu được: Láng diềng đã đỏ
đèn đâu, Chờ em chừng giập bã trầu em sang (Nguyễn Bính). Đêm đêm hẹn
nhau ân ái ngoài vườn: Quê em là đêm trăng tỏ, Hoa cau rụng trắng
ngoài thềm (Đỗ Trung Quân). Nhận một miếng trầu là gần như một
lời cam kết: Miếng trầu ăn nặng bằng chì, Ăn rồi em biết lấy
gì đền ơn. Sau nầy thành vợ thành chồng, có con cái, ru con ngủ
cũng còn lẩn vẩn với chuyện cau trầu: Mua vôi chợ Quán chợ Cầu, Mua
cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh...
Nhưng nếu bản thân cau trầu luôn còn là
bài thơ muôn thuở của con người (4) thì ngày nay khoa học
lại phân tích tìm kiếm trong các loại thảo mộc nầy những tính chất dược
lý có thể đem ra ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Mang tên khoa
học Pepper (hay Piper) betle
(hay betel) L., trầu, hay trầu không, thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae. Tên
khoa học của cau, còn được gọi bình lang, tân lang, là Areca catechu L.,
thuộc họ Cau Arecaceae. Trái cau thường được miêu tả trong
sách báo qua tên areca nut hay, vì lầm lẫn như đã thấy, betle
nut. Bên ta nhân dân dùng lá trầu giã nhỏ, cho thêm nước sôi vào dùng rửa
những vết loét, mẩn ngứa, viêm mạch bạch huyết. Nước pha lá trầu còn được dùng
làm thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc, chữa bệnh chàm mặt của trẻ em. Có nơi còn
giã lá trầu cho đắp lên ngực để chữa ho và hen, hoặc đắp lên vú cho sữa không
ra nữa. Trái cau thường được dùng làm thuốc lợi tiểu (gọi là đại phúc bì),
chữa giun sán cho người và súc vật, giúp sự tiêu hóa, chữa viêm ruột, lỵ, trẻ
con chốc đầu, hợp với thường sơn, thảo quả trong đơn thuốc "trường sơn
triệt ngược" chữa sốt rét (ĐTL).
Đôi ta nâng
mấy cơi trầu
Đem phân tích, lá trầu chứa đựng năm
propenylphenol có tính chất khử nấm, trừ giun: chavicol, chavibetol, allyl
pyrocatechol, chavibetol acetat, allylcatechol acetat. Những chất phenol khác
cũng đã được tìm ra: hydroxy chavicol, eugenol, methyl eugenol, isoeugenol,
flavon, quercetin, nhiều nhất là safrol trong hoa. Hydroxy chavicol, tác dụng
mạnh nhất, cùng eugenol và tocopherol là những chất kháng oxi hóa đã được chiết
xuất từ thân trầu. Những chất acetyl ursolic acid, ursolic acid và sitosterol
có tính chất chống viêm. Sitosterol cũng đã được xác định dưới dạng palmitat
trong rễ trầu cùng piperin, piperlonguminin trong thân và tritriacontan,
cepharadion, dotriacontanoic, stearic acid trong lá. Bên Ấn độ, một cuộc khảo
cứu các tinh dầu, phân biệt được các loại trầu trồng ở các vùng. Trầu Bangla
chứa nhiều eugenol (64%), đặc biệt chống nấm, trầu Desawari nhiều propenyl
benzodioxol (45%). Hai chất anethol và caryophyllen nổi trội trong trầu Meetha.
Trong năm loại trầu vùng Kapoori thì có cả một loạt hóa chất: thujen, ocimen,
cadinen,... Trầu Sanchi đặc biệt có steraldehyd không tìm ra trong các trầu
khác.
Tinh dầu trầu có tác dụng hạ huyết áp,
duỗi bắp cơ, trị giun sán, chữa dị ứng (22) như lá
trầu (23). Trầu hỗn hợp với những phần chiết tiêu lốt Piper
longum, thùn mùn Embelia ribes, cam thảo dây Abrus
precatorius, tinh dầu Polianthes tuberosa, natrium borat, làm
thành một thuốc ngừa thai dài hạn (11). Trầu có khả năng hủy bỏ
tác dụng đột biến của những chất gây ung thư nitrosonornicotin và methyl
nitrosoamino pyridyl butanon từ thuốc lá nhờ những eugenol, hydroxy chavicol,
chlorophyll, vitamin C cũng như chống dimethyl benzanthracen nhờ caroten. Trầu
chiết được dùng với bạc hà trong một hỗn hợp thuốc thơm để cho vào nước súc
miệng (21). Có hoạt kháng chống oxi hóa (24),
lá trầu lại hoãn chậm sự ô khét bơ dầu nhờ vậy giữ được lâu (25.
Như trong lá chè, trái cau chứa đựng
nhiều tannin gây ra mùi vị đặc biệt và được xem như là những chất gây ung thư.
Từ tannin nầy, đã được chiết xuất ra những catechin, epicatechin,
leucocyanidin, cùng những chất proanthocyanidin, di, tri, tetra và penta
procyanidin. Trong số các procyanidin, đặc biệt arecatannin B1 ức
chế hoạt động của trùng HIV-1-PR. Một số chất khác quan trọng trong trái cau là
những alcaloid (2,38 mg/g): (%) arecolin (0,30-0,63), arecaidin (0,31-0,66),
guvacolin (0,03-0,06), guvacin (0,19-0,72) và những dẫn xuất nitroso của chúng
rất độc hại cho gen, cho tế bào biểu mô miệng, niêm mạc mũi, có thể gây u tuyến
ở phổi. Những aflatoxin B1, B2, G1, G2 (3,5-26,2
microg/kg) trong cau bị nhiễm trùng Aspergillus flavus cũng có
tác dụng gây ung thư. Safrol có khả năng gây ung thư ở thực quản. Acrolein thì
rất độc hại cho gen nhưng lại làm giảm hạ đường trong máu thỏ đã bị alloxan gây
bệnh đái đường. Vôi Ca(OH)2 cho phát xuất những gốc hydroxy OH
có thể làm tổn thương những tế bào miệng. Người ta biết khi thay đổi pH, chẳng
hạn lúc tiếp xúc với vôi là một chất alcali, những alcaloid có khả năng thay
đổi màu, ví dụ nhuộm đỏ trong nước miếng người ăn trầu. Vôi có khả năng ức chế
methyl mercaptan phát tiết ra ngoài nên ăn trầu đở hôi miệng. Chính vôi cũng
đã thủy phân arecolin và guvacolin ra thành arecaidin và guvacin.
Cùng với hai chất này, đã được xác định những alcaloid khác: nicotin, methyl nicotinat, ethyl nicotinat cùng dimethyl piperidin carboxylat, ethl methyl tetrahydro pyridin carboxylat. Những polysaccharid trong vỏ trái có tính chất chống bổ thể, trình bày một số đường 48,2% (rhamnose, arabinose, mannose, galactose) cùng uronic acid, protein. Saccharin được xác định trong cau dưới dạng muối natri. Ngoài các acid mỡ (lauric, myristic, palmitic, stearic, phtalic acid) cau còn chứa đựng những amin acid: ít tryptophan, methionin, hơn 15% prolin, hơn 10% tyrosin, phenylalanin arginin.
Cùng với hai chất này, đã được xác định những alcaloid khác: nicotin, methyl nicotinat, ethyl nicotinat cùng dimethyl piperidin carboxylat, ethl methyl tetrahydro pyridin carboxylat. Những polysaccharid trong vỏ trái có tính chất chống bổ thể, trình bày một số đường 48,2% (rhamnose, arabinose, mannose, galactose) cùng uronic acid, protein. Saccharin được xác định trong cau dưới dạng muối natri. Ngoài các acid mỡ (lauric, myristic, palmitic, stearic, phtalic acid) cau còn chứa đựng những amin acid: ít tryptophan, methionin, hơn 15% prolin, hơn 10% tyrosin, phenylalanin arginin.
Trong một cuộc khảo cứu rộng lớn trên
100 thảo mộc ở Á Đông, hãng Coreana Cosmetics đã tìm ra cau cùng với riềng,
nghệ, cải, đinh hương, đơn bì, đại hoàng,... trong số những cây có thể dùng để
chiết xuất chất kháng oxi hóa. Một ứng dụng được thực hiện dựa lên tính chất
này là cho trộn cau với dương mai (28) hay với riềng Curcuma
longa, đinh hương Syzygium aromaticum, mộc hương Saussurea
lappa (có khả năng khử melanin) làm thuốc bảo vệ da (18).
Có mỹ phẩm dựa lên tính chất khử thải những gốc tự do của cau (27),
hỗn hợp vói vitamin C (29) hay cam thảo bắc Glycyrrhiza
glabra (30). Nhờ khả năng ức chế tác dụng 5’-nucleotidase,
glucotransferase trong Streptoccocus mutans của những chất
phenol, procyanidin và acid mỡ, cau được dùng để chữa sâu răng, trị viêm răng,
chống mảng răng (17). Bên ta trước kia đã thấy có thói dùng vỏ
trái cau chùi răng, một vật liệu vừa hữu hiệu vừa dễ kiếm cần phải được khuyến
khích. Những chất phenol, đặc biệt những ester, thức biệt thành NF-86I,
NF-86II, NPF-86IA, NPF-86IB, NPF-86IIA, NPF-86IIB, cau được đưa vào thuốc
trị u khối (13,14), chữa các chứng nhiễm virus (16).
Vì ức chế glycerophosphat deshydrogenase, chúng được cho vào thức ăn chống béo (20).
Cũng như trầu, tiêu Piper nigrum, rau ngót Sauropis
androgynus,... cau thuộc số ít thảo mộc ức chế rất mạnh giun
tròn Bursaphelenchus xylophilus, theo một bản báo cao Mã lai. Trong
cau có một phần tannin ức chế được enzym chuyển đổi angiotensin nên được xem
là chất chống huyết áp (12). Dùng dichloro methan chiết
xuất, cau cống hiến một chất thuốc chống trầm cảm (26).
Vườn em đất tốt trồng
cau
Một vấn đề khá quan trọng đã được nhiều
giới khoa học lưu ý, đặc biệt ở Ấn Độ là khả năng gây ung thư của miếng
trầu. Các bài tổng kiểm đã được sử dụng lượt kê gần 500 bản báo cáo đủ loại.
Kết luận đến nay chưa ngã ngũ rõ ràng. Công tác sâu rộng và đầy đủ nhất,
tuy hơi xưa (1985), được Tổ chức Quốc tế Khảo cứu về Ung thư thực hiện (5).
Theo bài nầy, có đủ chứng cớ để tin ăn trầu, thêm hút thuốc, dễ gây ung thư
trên con người nhưng không thể buộc tội miếng trầu một mình. Như vậy là nghĩa
là người vừa ăn trầu vừa hút thuốc có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư họng
nhưng không thể nói gì về người chỉ ăn trầu mà thôi. Hai mươi năm sau nầy,
nhiều bài tổng kiểm khác lại bổ túc. Theo Giáo sư Iwao Hirono (6),
dựa lên những khảo cứu về mặt dịch tể học ở đàn ông, đàn bà các nước Ấn
Độ, Mã Lai, Trung Quốc, thì ung thư chỉ do những yếu tố môi trường như cách
thức ăn trầu chỉ định chứ không dính dáng gì đến di truyền dân tộc. Ông đưa ra
mâu thuẫn lá trầu có khả năng ức chế gây ung thư benzopyren còn cau và vôi thì
có tác dụng ngược lại. Một công tác tương đối mới hơn (1989) (7) nhấn
mạnh vai trò của những alcaloid trong miếng trầu vì chúng tác dụng với vôi để
cấu tạo những gốc tự do phá hoại màng nhầy trong miệng, nơi mà vôi đã từng gây
viêm. Đằng khác, thuốc lá vừa gây phản ứng nitroso hóa các alcaloid kia vừa đem
thêm vào những nitrosamin độc hại của chính mình. Tuy nhiên các tác giả công
nhận là không có thuốc lá, miếng trầu chưa chắc đã gây ung thư. Thiếu vitamin
trong cơ thể, hoạt động vi khuẩn trong miệng và tác dụng gây kích
thích của vôi và cau là những tác nhân tiềm lực.
Theo Giáo sư P.C. Gupta (8),
người đã theo dõi lâu ngày lãnh vực nầy bên Ấn Độ, tuy khảo cứu dịch tể
học cũng như thực nghiệm không chứng minh được miếng trầu không thêm thuốc lá
đã đem lại ung thư, cau trong miệng đã gây những xơ dưới niêm mạc trong
miệng tức là một tổn thương tiền ung thư. Một người hút thuốc đã có sẵn những
xơ nầy tất nhiên dễ bị ung thư hơn những người khác. Ông lập chương trình
phòng ngừa: ngừng hút thuốc nếu ăn trầu và khám nghiệm kịp thời để phát
giác thời tiền ung thư. Sau cùng, một công tác khảo cứu tại viện Đại học Đài Loan (10) đặt
lại toàn thể vấn đề. Theo các tác giả bài báo nầy thì tính độc của polyphenol,
alcaloid và tannin trong cau chưa được chứng minh rõ ràng và cần phải được
xem lại. Phản ứng oxi hóa những polyphenol của cau trong nước miếng người ăn
trầu cho phát xuất những loại oxi có hoạt tính lớn là mấu chốt mọi khởi
xướng và phát triển ung thư miệng. Phản ứng nitro hoá những alcaloid cấu tạo
nên những nitroamin đặc thù của cau đã được chứng minh là những chất gây đột
biến, rất độc về mặt gen và có khả năng cho đột nhập u khối vào thú vật như
arecaidin và phần chiết từ cau. Nhiều thí nghiệm sẽ cần được thực hiện để nêu
rõ sự chuyển hóa của những thành phần cau và vai trò của chúng trong phản ứng
nhiều đợt gây ung thư hầu mong từ đấy tìm ra phương pháp phòng ngừa và chữa ung
thư miệng cũng như u xơ dưới niêm mạc miệng.
Song song với những khảo cứu y khoa kia,
kỹ nghệ cũng kiếm cách ứng dụng những tính chất của cau. Những phenol có
khả năng bảo vệ những nucleotid chống tác dụng phá hoại của những enzym nên
được dùng bảo vệ thức ăn như dưa chuột để giữ hương vị. Chúng ức chế urease chế
tạo ammoniac trong urea nên được dùng làm thuốc thơm trong vật liệu bảo
dưỡng mèo. Người ta đã làm thuốc nhuộm vải, lụa với phần chiết từ cau. Tannin
được trộn với natrium sulfat, natrium carbonat làm thuốc nhuộm tóc đen
xám (15). Nhờ chất proanthocyanidin, đặc biệt chất
epicatechin-catechin, cau được hòa với acetyl glutamin acetat, butylen glycol
glycerol trong ethanol và nước thành thuốc kích thích tóc mọc (19).
Một loại giấm giàu enzym và amin acid, xúc tiến sự tiêu hóa, gồm có một phần
hột cau, nước gừng, cải củ, khoai mài,...
Thân cây cau có nhiều lignin, ít hollocellulose, có tính chất cơ lý học tương đương với các gỗ cứng khác thường được dùng làm giấy. Vỏ trái cau đem xử lý với nấm đỏ Phanerochaete chrysosporium tăng số lượng protein lên quá 100%, còn nếu để nguyên cho ủ thì lignin hủy hoại đến 62% nhưng năng suất khí methan phát ra tăng lên 48%. Tôi rất ngạc nhiên chưa thấy một nước nào, nhất là các nước ít giàu, dùng vỏ trái cau làm bót đánh răng, vừa rẻ tiền, vừa vệ sinh.
Thân cây cau có nhiều lignin, ít hollocellulose, có tính chất cơ lý học tương đương với các gỗ cứng khác thường được dùng làm giấy. Vỏ trái cau đem xử lý với nấm đỏ Phanerochaete chrysosporium tăng số lượng protein lên quá 100%, còn nếu để nguyên cho ủ thì lignin hủy hoại đến 62% nhưng năng suất khí methan phát ra tăng lên 48%. Tôi rất ngạc nhiên chưa thấy một nước nào, nhất là các nước ít giàu, dùng vỏ trái cau làm bót đánh răng, vừa rẻ tiền, vừa vệ sinh.
Mỗi lần về quê, nhìn hàng cau trong
nắng, tôi nhớ đến Hàn Mặc Tử, nhớ qua thôn Vỹ, nhớ về Nam Phổ làng xưa. Trong
tai tôi bên phương trời Tây luôn còn văng vẳng giọng hát ngọt ngào của Thu Hiền:
Nhà anh có một vườn cau,
Nhà em có một vườn trầu,...
Nhà em có một vườn trầu,...
Thông
tin Khoa học và Công nghệ 2 (28) 2000, khoahoc.net 1. 2006, vietsciences 3.2006, chimviet.free.fr 2.2006.
Tham khảo:
1- Solange Thierry, Le
bétel trong Catalogues du Musée de l’Homme, I. Inde
et Asie du Sud-Est, 14-20
2- Dawn F. Rooney, Betel
Chewing. Traditions in South-East Asie trong Images of Asia (1993)
1-15
3- Ngô Văn Doanh, Tháp cổ
Chămpa. Sự thật và huyền thoại, nxb Văn hóa – Thông tin (1994)
Hà Nội 175-186
4- Nguyễn Ngọc Chương, Trầu cau
Việt điện thư, nxb Hồ Chí Minh (1990/1997) 18 ; 4a- Trần Ngọc Thêm, Lời
giới thiệu
5- International Agency for Research on
Cancer, IARC Monographs on the evaluation of the carcinogenic risknof
chemicals to humains, Vol. 37, IARC (1985) Lyon 141-202
6- I. Hirono, Naturally occuring
carcinogens of plant origin, trong Bioactive molecules,
nxb Kodansha-Elsevier (1987) Tokyo-Oxford-New York 167-181
7- S. Sen, G. Takukder, A. Sharma, Betel
cytotoxicity, J. Ethnopharm. 26 (1989) 217-46
8- P.C. Gupta, Betel quid and
oral cancer: prospects for prevention, Tobacco Smoke and
Mycotoxins, IARC (1991) Lyon 466-470
9- J.F. Morton, Widespread
tannin intake via stimulants and masticatories, especially guarana, kola nut,
betle vine, and accessories, Basic Life Sci. 59 (1992)
739-65
10- J.H. Jeng, M.C. Chang, L.J.
Hahn, Role of areca nut in betel quid-associated chemical
carcinogenesis: current awareness and future perspectives, Oral
Oncology 37(6) (2000) 477-92
11- P.C. Das, Oral contraceptive
(long-acting), Brit. 1,445,599 (1976) 11tr.
12- J. Inokuchi, H. Okabe, T. Yamauchi,
A. Nagamatsu, G. Nonaka, I. Nishioka, Antihypertensive substance in
seeds of Areca catechu L., Life Sci. 38(15) (1986)
1375-82
13- K. Uchino, T. Matsuo, M.
Iwamoto, New 5’-nucleotidase inhibitors, NPF-86IA, NPF-86IB, NPF-86IIA,
and NPF-86IIB from Areca catechu. Part I. Isolation and biological properties, Planta
Med. 54(5) (1988) 419-22
14- T. Matsuo, M. Iwamoto, Y ? Tonosaki,
A. Fukuchi, Novel antitumor substances from betel nut, Jpn.
Kokai Tokkyo Koho JP 63,307,892 (1988) 24tr.
15- K. Mizumaki, Hair dyes
extracted from plants, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP
02,138,114 (1990) 7tr.
16- A. Fukuchi, M. Iwamoto, K. Uchino,
H. Ogawara, H. Hideki, N. Yamamoto, Virucide extraction from betel nuts
for treating human immunodeficiency virus infection, Jpn. Kokai
Tokkyo Koho JP 02,196,725 (1990) 22tr.
17- M. Iwamoto, K. Ugino, Y. Toukairin,
K. Kawaguchi, T. Tatebayashi, H. Ogawara, Y. Tonosaki, The growth
inhibition of Streptococcus mutans by 5’-nucleotidase inhibitors from Areca
catechu L., Chem. Phar. Bull. 39(5) (1991) 1323-4
18- S. Shirota, K. Myazaki, M. Ichioka,
T. Yokokura, Skin-lightening cosmetics containing melanin inhibitors
from plants, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 06,227,960 (1994)
54tr.
19- T. Takahashi, Y. Kobayashi, M.
Kawamura, Y. Yokoo, T. Kamiya, T. Tamaoki, Hair growth stimulant, PCT
Int. Appl. WO 96 00, 561 (1966) 22 tr.
20- T. Wada, T. Mizumo, K. Uchino,
Glycerophosphate dehydrogenase inhibitors, their use as food additives, and antiobesity foods containing them, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 09,286,734 (1997) 6tr.
Glycerophosphate dehydrogenase inhibitors, their use as food additives, and antiobesity foods containing them, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 09,286,734 (1997) 6tr.
21- Y. Yahamara, T. Aoki, K. Miyake, H.
Shioda, Agents and method for improvement of flagrances and flavors
using Piper betle extracts, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP
11130685 (1998) 8 tr.
22- Y. Yamahara, Anti-allergic
effects of Piper betle, Food Style 21 2(4) (1998)
66-8
23- J. Yamahara, Allergy
inhibitors containing extracts of Piper betel, Jpn. Kokai Tokkyo
Koho JP 11130685 (1999) 5 tr.
24- C.K. Wang, H.Y. Su, C.K. Lii, Chemical
composition and toxicity of Taiwanese betel quid extract, Food
Chem. Toxicol. 37(3-2) (1999) 135-44
25- L.P. Lean, S. Mohamed, Antioxidative
and antimycotic effects of tumeric, lemon-grass, betel leaves, clove, black
pepper leaves and Garcinia atriviridis on butter cakes, J. Sci.
Food Agric.79(13) (1999) 1817-22
26- A. Dar, S. Khatoon, Behavioral
and biochemical studies of dichloromethane fraction from the Areca catechu nut, Pharmarm.
Bochem. Behavior 65(1) (2000) 1-6
27- B.G. Cho, G.G. Lee, G.S. Lee, Composition
of free radical eliminating cosmetic material containing extract of Areca
catechu L., Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR
2001058419 (2001) không có số tr.
28- J.D. Choi, G.H. Kim, G.S. Kim, G.
Geon, Whitening and wrinkle improvement cosmetics composition
containing Areca catechu extract and arbutin, Repub. Korean Kongkae
Taeho Kongbo KR 20021205 (2002) không có số tr.
29- J.D. Choi, G.G. Lee, G.S. Lee, Cosmetic
compositions comprising vitamin C or derivatives thereof and Areca catechu
L. extract for preventing skin aging, Repub. Korean Kongkae
Taeho Kongbo KR 2003043471 (2003) không có số tr.
30- K.K. Lee, K.S. Lee, medicinal
cosmetical composition with Areca catechu seed extract, PCT Int.
Appl. WO 2004089327 (2004) không có số tr.
5- Hoa Quỳnh, nữ hoàng
trong đêm
Mấy o gái Huế lòng bền như cửu đỉnh
Đôi mắt cười sóng sánh nét quỳnh hoa
Đôi mắt cười sóng sánh nét quỳnh hoa
Hồ Đắc Thiếu Anh
Ngày xưa có một nàng công
chúa nhan sắc tuyệt vời, trong cung ngoài phố ai cũng ngưỡng mộ sắc đẹp của
nàng. Nhà vua anh nàng muốn cưới nàng làm vợ nhưng nàng không chịu vì theo
truyền thống Á Đông không có chuyện lấy nhau trong gia đình. Tức giận, nhà vua
đày nàng ra một hòn đảo ở ngoài Biển Đông. Nàng đành sống ở đó và không bao lâu
thì mất đi. Hồn nàng hóa kiếp trong thân một cây mà hoa nở ra hương sắc mặn mà,
tiếng vang đồn ra khắp nơi. Nhà vua tò mò một hôm cũng lấy thuyền ra đảo xem
hoa. Cập đảo vào ban tối, vua tự nhủ sáng mai lại xem cũng không muộn. Nhưng
nàng công chúa không muốn vua thấy nàng, dù ở hình thể một đóa hoa, nên chưa
đến sáng thì hoa tàn. Từ đây, hoa chỉ nở lúc đêm khuya.
Một huyền thoại khác cũng được lưu truyền.
Thời nhà Tùy bên Trung Quốc, tại Lạc Dương Thành, ở ngôi chùa cổ kính Dương Ly,
một tối khuya ngoài cửa chùa thình lình ánh sáng rực lên, hương thơm sực nức
làm dân chúng bàng hoàng, đổ xô lại xem. Gần giếng nước trong sân chùa mọc lên
một cây bông lạ, trên ngọn nở ra một đoá hoa tuyệt trần, cánh hoa trắng nõn,
nhụy hoa điểm vàng, mùi thơm ngào ngạt bay toả khắp nơi, lan xa ngàn dặm. Tin
đồn đến tai Tùy Dạng Đế lúc ấy trị vì ở Dương Châu. Là một ông vua hôn quân vô
đạo, chơi bời trác táng, ông cũng muốn đi thưởng ngoạn đoá hoa. Cần có đủ mặt
bá quan văn võ triều thần hộ giá, để tiện việc di chuyển, ông ban lệnh khai
kênh Vạn Hà từ Trường An đến Dương Châu, hao tốn hàng triệu ngày công lao động
và hàng vạn công nhân bỏ mình, gây ra nạn đói kém và dân chúng nỗi loạn khắp
nơi, bước đầu của cuộc suy sập nhà Tùy. Chính ngay trong số bá quan tháp tùng
có mặt Lý Uyên và con là Lý Thế Dân sau này lên ngôi lấy hiệu Đường Thái Tông.
Ngay tối hôm đến Lạc Dương Thành, Lý Thế Dân và bằng hữu vội đi xem hoa, sợ
ngày mai phải chen chúc với triều thần. Nhận ra chân mạng đế vương, hoa nhún
mình xuống ba lần để nghinh đón. Xong, một cơn mưa to làm rụng đóa hoa. Sáng
hôm sau, Tùy Dạng Đế chỉ còn thấy cuốn hoa úa rũ, tan tác, liền tức giận ra
lệnh nhổ cây vứt đi. Từ đây hoa chỉ nở vào đêm và đi vào truyền thuyết hoa
quỳnh (1).
Cách đây 250 năm, quỳnh đã được nói đến là
một cây mọc hoang ở Nam và Trung Mỹ, ở Mexicô, Cuba, Guatemala cũng nhưng ở
quần đảo Antilles. Cây thích mọc ở xứ khí hậu nóng, nhưng không ưa trực tiếp
chịu ánh nắng mặt trời. Mặc dầu có khi mắc trên một cây khác, quỳnh không phải
là một cây ký sinh như tầm gửi, cũng không phải là một cây cộng sinh như phong
lan, mà mọc trong đất loại đất mùn, không cần nhiều nước, miễn là thoáng khí.
Câu thơ của nhà thi hào Nguyễn Du trong cuốn Kim Vân Kiều Hài văn lần
bước dậm xanh, Một vùng như thể cây quỳnh cành giao tuy cành giao có
nghĩa ngọc quý như lá ngọc cành vàng, làm người ta thường lầm tưởng quỳnh và
giao (còn gọi cây san hô xanh hay xương khô, thập nhị (TH), ngọc thụ, quang côn
thụ (ĐTL), tên khoa học Euphorbia tirucalli )sống cộng sinh
với nhau hay hợp lại thành cây quỳnh giao, thật ra giao là một cây dễ trụi lá
và làm thành cột cứng để quỳnh vốn mềm mại dựa vào. Không phải tình cờ mà người
con đầu lòng của cụ Phạm Quỳnh, một người rất hâm mộ truyện Kiều, được đặt tên
Phạm Giao. Trồng quỳnh tương đối dễ. Thường có thể chỉ cắt một đoạn thân, có
thể dưới dạng lá, cho cắm vào đất; sau đó những thân, cành và hoa mọc ra trên
kẻ lá ấy. Các nhà khảo cứu Do Thái đã có thử cấy mô nhiều loại quỳnh (14).
Cho hoa nở ra là một chuyện khác. Thường phải đặt chậu hoa vào nơi có ánh sáng
nhưng đừng quá nóng, phải đợi nhiều năm và chăm nom cắt tỉa, đừng cho cành, lá
mọc quá rườm rà, tưới nước vừa phải. Có người khuyên nên dùng phân dành cho
xương rồng bán trên thương trường. Hoa có thể nở hai đợt, vào mùa xuân và vào
mùa thu. Tùy loại, nhất là các giống lai, hoa có nhiều màu sắc khác nhau, có số
lượng ít nhiều trên mỗi cây và thời gian nở dài hay ngắn, ngày hay đêm.
Tên tôn vinh bên nước ta "Nữ hoàng
trong đêm" tương đương với tên gọi Tây phương Queen of the Night,
Reine de la Nuit, Königen der Nacht, Regine della Note, Reina de la
Noche, Tên khoa học tương đối phức tạp hơn vì có nhiều loại trong cùng một
họ Xương Rồng Cactaceae. Vì Tây phương gọi cactus,
rất dễ hiểu có những tên Phyllocactus grandis, P.grandiflora. Lấy
gốc từ tên vị nữ thần mặt trăng Hy Lạp Selene, một mỹ nhân e lệ, tên chi Selenicereus đã
được đặt ra. Chi nầy gồm có ít nhất bốn chục loài mà loài được biết nhiều nhất
là S. grandiflorus Britt. et Rose(còn có tên Cactus
grandiflorus) đã được nhà thảo mộc Thụy Điển Carl von Linné nhận dạng từ
1753. Vì cây phát triển trên một thân dạng lá, nên còn có tên chi Epiphyllum dựa
lên các danh từ Hy Lạp epi (nghĩa là trên) và phyllum (nghĩa
là lá). Có khoảng một chục loài lai giống Epiphyllum khác nhau
ở màu sắc (trắng, vàng, hồng, cam, tím) và kích thước hoa (10-35 cm). Hai
tên E. oxypetallum Haw.và E. akermannnii Haw.
thường được dùng để chỉ định những hoa quỳnh ở Việt Nam, nở ban đêm. E.
oxypetallum (bên Nhật Bản được gọi gekkabijin (15),
còn mang tên Phyllocactus grandis) gốc thân hình trụ, phần trên và
cành dẹt như lá có gân giữa cứng, khoẻ, mép thân uốn lượn và có khía tròn, màu
xanh bóng, dày (TH), hoa mặt ngoài ửng hường, các phiến trong trắng, tiểu nhụy
nhiều, noãn sào hạ, vòi nhụy trắng (PHH). E. akermannnii (gọi
là quỳnh đỏ) thân dẹt màu xanh bóng có múi nhỏ và phân cành ngắn, hoa lớn nở ở
đầu cành, ngoài có lá bấc dạng vẩy, cánh hoa dài, mảnh màu đỏ tươi ở ngoài, màu
đỏ hồng ở trong, nhị nhiều, bầu có vòi màu đỏ nhạt (TH). Gần đây nghe nói ở Đà
lạt có một giống quỳnh Nhật màu vàng đỏ, nở ban ngày. Ngoài ra, tương tự trong
họ Xương rồng còn có E. truncatus là cây càng cua hay huỳnh
hoa, Hylocereus undatus là cây thanh long hay tường liên.
Một vài công tác khoa học cho ta biết thêm
ít nhiều về thành phần các cây quỳnh. Chất sắc xác định trong Phyllocactus
grandiflora là một bêta-xanthin gọi là portulaxanthin (7). Epiphyllum
sp. cũng như Hylocereus undatus chứa đựng những
sterol, nổi trội là sitosterol kèm theo stigmasterol (11).
Kinetin ở lá và đọt cây (6) và tyramin trong chương trình
tìm kiếm những chất amin có tính chất trợ tim (9) đã được
tìm ra trong Selenicereus grandiflorus. Ở Ấn Độ, chính đọt non cây
đã được dùng để thay thế chất digitalin từng có thành tích trên tim. Phần chiết
khô cây nầy với ethanol chứa đựng một lượng nhỏ isohamnetin (1-3,6%)(13) còn
phần chiết tươi cống hiến một alcaloid là hordenin trước kia được gọi
cactin (10). Tetrahydroso quinolin cùng nhiều alkaloid phức tạp
hơn dimethy hydroxy bêta-phenylethylamin tức hordenin đã được tìm ra trong
những cây trong họXương rồng (8). Các nghiên cứu về dược học
của Epiphyllum oxypetallum được thực hiện tại Đài Loan (2).
Người Nhật Bản khảo cứu tác dụng cây nầy lên các tế bào biểu bì để tìm cách
tăng gia độ ẩm nước da (15). Họ tìm ra được trong hoa chất thơm
benzyl salicylat (12). Hoa quỳnh được xem là có vị ngọt, tính
bình, có tác dụng chống viêm, chống sưng, cầm máu. Hoa được dùng để chữa ho ra
máu, sưng cổ họng, xuất huyết tử cung. Hoa cũng được nấu chung với thịt heo để
trị sưng phổi, ho hen, và các bệnh đường. Sắc và uống 3-5 hoa. Có thể giã nát,
đắp lên vết thương, sưng, đau, hay thoa bóp giảm đau thấp khớp. Thân có vị
chua, mặn, tính mát, có tác dụng chống sưng. Toàn cây có tác dụng thanh phế,
trị ho. Tác dụng cây nầy lên hệ thống thần kinh giao cảm, tốc độ bất thường
nhịp tim, hiện tượng chảy ngược van hai lá, sự suy nhược thần kinh qua những
triệu chứng của tim, đã được những nhà khảo cứu Hoa Kỳ tìm hiểu (3).
Đặc biệt, họ đem thử hột Cactus grandiflorus lên tim để xem những triệu chứng trong mục đích dùng nó làm thuôc chữa bệnh (5). Trong liệu pháp vi lượng đồng cân, ngoài cơn đau viêm họng, cây được dùng để chữa co giật, xuất huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu. Nước vắt từ cây đem uống chữa được những chứng thiếu kém hơi thở, nhiễm khuẩn bóng đái. Trong dân gian, cây nằm trong các liều thuốc cầm máu, ngưng khạc ra máu, kinh nguyệt khó khăn. Nó có thể dùng để chữa suy nhược và những chứng xúc cảm (13). Cây cũng được liệt vào các thuốc kích dục.
Đặc biệt, họ đem thử hột Cactus grandiflorus lên tim để xem những triệu chứng trong mục đích dùng nó làm thuôc chữa bệnh (5). Trong liệu pháp vi lượng đồng cân, ngoài cơn đau viêm họng, cây được dùng để chữa co giật, xuất huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu. Nước vắt từ cây đem uống chữa được những chứng thiếu kém hơi thở, nhiễm khuẩn bóng đái. Trong dân gian, cây nằm trong các liều thuốc cầm máu, ngưng khạc ra máu, kinh nguyệt khó khăn. Nó có thể dùng để chữa suy nhược và những chứng xúc cảm (13). Cây cũng được liệt vào các thuốc kích dục.
Trong thiên nhiên biết bao là cây hoa khoe
sắc tỏa hương, nhưng trong số những hoa nở ban tối, có lẽ chỉ có hoa quỳnh là
xứng nhất được mang danh "Nữ hoàng trong đêm". Thảo nào các cụ đời
xưa bên ta tổ chức ngắm hoa, tận hưởng một thú vui tao nhã theo phương cách Á
Đông. Thường các cụ mời bạn bè lại nhà rồi trong khi chờ đợi hoa nở, các cụ
cùng nhau thưởng thức một tuần trà đậm đà. Có khi một vài chén rượu trắng giúp
các cụ sáng tác những câu thơ mà các cụ vui thích cùng nhau ngâm nga. Tôi qua
bên Pháp quá lâu nên hết còn có dịp nếm cái tinh khiết của cuộc ngắm hoa của
các cụ thời xưa. Nhưng vừa rồi, sau hơn hai mươi năm chờ đợi, khá lâu có lẽ vì
không biết cách săn sóc cây trồng, sau một chuyến đi xa về khuya, tôi và nhà
tôi ngạc nhiên thú vị thấy cây quỳnh ở nhà mình trổ hoa ở Xô thành, miền nam
Paris, chưa đến sáng thì tàn. Đóa hoa quỳnh đầu tiên của chúng tôi trên đất
Pháp! Thì ra cây cũng như người, giống tốt miễn gặp đất lành là mặc sức mọc rễ,
đâm chồi, nở hoa. Không có thì giờ loan báo bạn bè, chúng tôi chỉ biết cùng
nhau hai đứa cụng nhau hai mái đầu bạc chia sẽ nỗi hân hoan. Chúng tôi ngây
ngất ngắm mãi không chán những cánh hoa nõn nà trong trắng như cô gái trinh
bạch, bao quanh từ lòng sâu một dãy nhụy hoa vàng lạt, đầu đỏ, mảnh khảnh yểu điệu
như những vũ nữ trên một chiếc thuyền rồng, dẫn trước là vòi nhụy trông như một
cái chong chóng nhiều cành. Riêng phần tôi tỉnh cơn mê, chiếu đèn chụp hình
ngang dọc, trong ngoài cho khỏi tiếc sau nầy, vì theo kinh nghiệm đã sống,
không biết bao giờ mới lại có hạnh phúc ngồi ngắm hoa quỳnh ở nhà mình. Sắc đẹp
phù du, vẻ đẹp chung thủy (4), làm sao nói lên toàn vẹn cảm xúc
của mình truớc một đóa hoa đẹp lộng lẫy như hoa quỳnh. Đỗ Phủ đã từng thốt
lên: Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân, hoa đẹp đến nỗi chỉ
một cánh hoa thôi rơi cũng đủ để làm giảm bớt cái đẹp của mùa xuân. Nhưng hoa
quỳnh may thay nở đến vài giờ, một cánh cũng không rụng, thời gian dù ngắn cũng
đủ cho ta mơ say, xao xuyến.
Em ơi, đêm thơm một đóa quỳnh
Cùng em hương vương không gian
Cho ta mơ say mộng ngát tình
Quyện màu sắc thắm môi em.
Cùng em hương vương không gian
Cho ta mơ say mộng ngát tình
Quyện màu sắc thắm môi em.
(Dạ quỳnh hương:
- Thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao
- Nhạc Phạm Anh Dũng)
- Thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao
- Nhạc Phạm Anh Dũng)
Nghiên cứu và Phát triển 4 (69)
2008, khoahoc.net 12.2009
Tham khảo
1- Phỏng theo Lý Lạc Long, Hương
sắc quỳnh hoa, Thu Quan vantuyen.net;
www.cinet.vnnews.com/suutam/quynh.htm
2-Trần Việt Hưng, Dược thảo bông
hoa, dẫn S.Y. Chow, C.F. Chen, S.M Chen, Pharmacological effects
of Epiphyllum oxypetallum, Taiwan Yi Xue Hui Za Zhi (Đài
Loan tạp chí) số 12.1977; vnthuquan.net
3-H.W. Keiter, Cactus
(Selenicereus spp.), The Electric materia medica, Pharmacology
and Therapeutics, 1992; henriettesherbal.com
4- Hải Đà - Vương Ngọc Long, Tản
mạn về hoa quỳnh, khoahoc@doisong 22.06.2006
; www.vuonghaida.com/HOAQUYNH/HQ.htm
5- J.S. Hepburn, G.W. Boericke, R.
Ricketts, E.D. Boone, Laboratory study of twenty drugs on normal human
beings, with comments on their symptomatology and therapeutic use, J.
Amer.Inst. Homeop.43 (1950) 130-34
6- L. Engelbrecht, K. Nogai, Action
of kinetin on the inhibition of metabolism by chloramphenicol, Flora
(Jena) (2) 154 (1964) 267-78
7- M. Piattelli, L. Minale, R.A.
Nicolaus, Further research on betaxanthins, Rendiconto
dell’Accademia delle Scienze Fisiche e Matematiche Naples 32 (1965)
55-6
8- S.D. Brown, J.L.Jr. Massingill, J.E.
Hodgkins, Cactus alkaloids, Phytochem. (11) 7 (1968)
2031-6
9- H. Wagner, J. Grevel, New
cardioactive drugs. II. Detection and isolation of cardiotonic amines with
ion-pair HPLC, Planta Medica (1) 44 (1982)
36-40
10- H. Petershofer-Halbmayer, O. Kubelka,
J. Jurenitsch, W. Kubelka, Isolation of hordenine ("cactine")
from Selenicereus grandiflorus Britt. + Rose and Selenicereus pteranthus (Link
+ Otto) Britt. + Rose, Scientia Pharmaceutica (1) 50 (1982)
29-34
11- T.A. Salt, J.E. Tocker, J.H.
Adler, Dominance of delta 5-sterols in eight species of the Cactaceae,
Phytochem .(3) 26 (1987) 731-3
12- N. Matsuura, The analysis of
the aroma ingredients of the flower of Queen of the Night (Epiphyllum oxypetalum
Haw.), Koryo 214 (2002) 129-33
13- S.S. Chatterjee, M. Noeldner, K.
Schoetz, Use of plant extracts containing rutin and isorhamnetin for
treating depressive states and depression and other emotional disorders,
PCT Int. Appl. WO 2004078189 (2004) 18 tr.
14- N. Tel-Zur, S. Abbo, D. Bar-Zvi, Y.
Mizrahi, Clone identification and genetic relationship among vine cacti
from the genera Hylocereus and Selenicereus based on RAPD analysis,
Scientia Hortic. (Amsterdam) (1-4) 100 (2004) 279-89
15- S. Suzaki, Moisturizing effect of
Gekkabijin (Epiphyllum oxypetalum Haw.) extract, Frag. J. (10) 33
(2005) 51-6.
6- Mai Ngũ Phúc, mai Vạn Hạnh
Đừng tưởng xuân tàn mai rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
Đêm qua sân trước một cành mai.
Thiền sư Mãn Giác
Ngô Tất Tố dịch
Ngô Tất Tố dịch
Trước nhà ba mẹ tôi ở làng Mỹ Cang, bên bờ sông Ô Lâu, có hai cây mai hoa vàng. Lúc nhỏ tôi rất phục thấy mai hằng năm đúng hẹn nở ngay vào dịp Tết, trừ những năm đầu chinh chiến 46-47 như mai đã hiểu thấu lòng người chẳng còn bụng dạ nào nữa để vui xuân, mừng năm mới. Thật vậy, như anh đào bên Nhật, hoa đào ngoài Bắc, bông mai là biểu tượng mùa xuân ở miền Trung. "Hoa nở trong sương mù, trong nắng ấm ban mai, trong giá rét mà sắc vẫn vàng như tơ lụa. Ôi sắc vàng của hoa mai là một kỳ tích của tạo hóa. Như nắng mà không phải là nắng, như gió mà không phải là gió, như sương mù mà cũng không phải là sương mù. Sắc vàng của hoa mai là tích số của trời và đất. Những chuyển biến của thái hư đã sinh thành nên một màu hoa lụa là" (4). Trong thơ văn, hoa mai xuất hiện từ lâu. Mai và hạc là bạn tri âm được danh sĩ Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) đề cao hình dáng, điệu bộ từ thế kỷ 14:
Dã mai cốt cách, nguyên: phi tục,
Hải hạc phong tư, tự: bất quần.
(Cái cốt cách của mai rừng vốn không thô tục, phong tư của loài hạc biển tự nó không thích họp bầy) (5).
Hải hạc phong tư, tự: bất quần.
(Cái cốt cách của mai rừng vốn không thô tục, phong tư của loài hạc biển tự nó không thích họp bầy) (5).
Qua thế kỷ sau, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) (2) ca ngợi hoa mai qua 6 bài thơ Cây mai, Cây mai già, Hoa mai đầu xuân, Bóng mai trong nước, Hoa mai vẽ, Lại vịnh hoa mai vẽ, trong đó có câu:
Trội cành Nam chiếm một chồi,
Tin xuân mãi mãi điểm cành mai.
Tin xuân mãi mãi điểm cành mai.
Nhà ngoại giao Hi Doãn Ngô Thời Nhiệm (1745-1803) cho mai vinh dự đón nhận những hột nước mắt của Huyền Trân :
Huyền Trân sái tận u sầu lệ
Hoa tác xuân mai dạ vũ thanh.
(Huyền Trân nhỏ hết nước mặt u sầu, hoá thành những tiếng mưa đêm trên cành mai mùa xuân).
Hoa tác xuân mai dạ vũ thanh.
(Huyền Trân nhỏ hết nước mặt u sầu, hoá thành những tiếng mưa đêm trên cành mai mùa xuân).
Đằng sau những cánh mai thanh thoát, mỹ miều còn ẩn chứa một ý nghĩa tâm linh, một niềm tin và khát khao thanh bình (3). Thảo nào nhà thi hào Tố Như Nguyễn Du (1765-1820) trong cảnh thiên nhiên rừng núi chỉ biết có mai và hạc:
Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ hạc là người quen.
Mai là bạn cũ hạc là người quen.
Trong những hòn non bộ, mai bị uống xoắn như được khổ luyện, lặng lẽ cam chịu những đau đớn và vất vả trước khi sinh thành cái đẹp bất tử (4). Có phải vì vậy mà một người cao ngạo như Chu Thần Cao Bá Quát (1809-1855) cũng chịu cúi đầu trước hoa mai:
Thập tải luận giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
(Mười năm giao du tìm thanh kiếm cổ, một đời chỉ biết cúi lạy hoa mai).
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
(Mười năm giao du tìm thanh kiếm cổ, một đời chỉ biết cúi lạy hoa mai).
Mùa thu năm 1868, nhà văn Đặng Huy Trứ (1825-1874) đã đặt làm một loạt đồ sứ để cúng tế tại nhà thờ. Hiện nay còn tồn tại 7 dĩa, tô, chén, bình hoa vẽ cá, nai, lên, hoa, đặc biệt dĩa bàn trà vẽ tích "Đạp tuyết tầm mai" ghi câu thơ:
Tuyết trung vị vấn điều canh sự
Tiên cú bách hoa đầu thượng khai.
(trong tuyết giá chưa hỏi đến việc nhà vua giao phó, câu đầu tiên để thưởng thức hoa mai nở trước trăm hoa) nói lên sự phấn khởi, hứng thú của thi nhân được thưởng thức hoa mai nở trước mọi hoa khác. Dĩa này hiện nằm trong bộ sưu tầm của nhà khảo cứu Trần Đình Sơn (2).
Tiên cú bách hoa đầu thượng khai.
(trong tuyết giá chưa hỏi đến việc nhà vua giao phó, câu đầu tiên để thưởng thức hoa mai nở trước trăm hoa) nói lên sự phấn khởi, hứng thú của thi nhân được thưởng thức hoa mai nở trước mọi hoa khác. Dĩa này hiện nằm trong bộ sưu tầm của nhà khảo cứu Trần Đình Sơn (2).
Hoa mai thưòng có năm cánh nhưng cũng có thể có ít hay nhiều hơn. "Các cụ xưa kia thích mai năm cánh vì đó mới là mai truyền thống. Năm cánh hướng về một tâm điểm tạo thành vòng tròn như mặt trời và các nhụy hoa giống như những tia nắng rực rỡ ban mai. Mai là thời điểm bắt đầu của một ngày mới, là bình minh, là hy vọng tốt lành. Ngày nay, bà con lại thích những cây mai, cành mai có hoa to rực rỡ, nhiều cánh, nở lâu tàn và coi đó là những cành mai ngũ phúc,với hy vọng năm mới sẽ phát tài, gia đình đại cát, đại lợi. Mai nhiều cánh tượng trưng cho kiết tường, cho kiết hạnh" (3). Đứng đầu trong tứ hữu mai lan cúc trúc, trong tứ thời mai lan cúc tùng, mai cũng là thành phần của tam ích hữu tùng mai trúc (trượng phu tùng, ngự sử mai, quân tử trúc) được thể hiện trong bài ngũ ngôn cổ phong 16 câu trên một ống tranh:
Tùng mai trúc kết nạp
Bút đoan miêu tam bằng.
Thể dị nại tuế hàn,
Tâm phù tiện cổ thu.
Lập nhân đường ngẫu đề, Ất Dậu niên chế 1765.
(Tùng cúc mai họp lại, lấy bút vẽ ba chàng, thể khác chung chịu rét, nếp xưa lòng cử hoài) (3). Lẽ tất nhiên những cây mai được miêu tả, kê dẫn trong thơ văn không phải cùng một loài và khác nhau tùy tác giả.
Bút đoan miêu tam bằng.
Thể dị nại tuế hàn,
Tâm phù tiện cổ thu.
Lập nhân đường ngẫu đề, Ất Dậu niên chế 1765.
(Tùng cúc mai họp lại, lấy bút vẽ ba chàng, thể khác chung chịu rét, nếp xưa lòng cử hoài) (3). Lẽ tất nhiên những cây mai được miêu tả, kê dẫn trong thơ văn không phải cùng một loài và khác nhau tùy tác giả.
Mai có nhiều loại. Về mặt cấu trúc, mai được chia ra mai sẻ, mai châu, mai liễu, mai chùm. Dựa vào màu sắc, mai được sắp thành hoàng mai, bạch mai, thanh mai, hồng mai (2). Trong sách Cây cảnh, hoa Việt Nam, ông Trần Hợp kê năm loài hoa mai thuộc ba họ (TH). Cây mai tứ quý tức mai đỏ Ochna atropurpurea DC, cây huỳnh mai tức mai vàng O. integerrima (Lour.) Merr. (còn có tên O. harmandii H. Lec) và cây mai vàng thơm Ouratea lobopetala Gagnep. thuộc họ Mai tức Lão mai Ochnaceae. Cây mai chấm thủy Wrightia religiosa (Teijeims. et Binn.) Hook.f., hoa màu trắng xoè rất thơm, chủng lá nhỏ trồng làm cảnh trong chậu gọi là cẩm mai, thuộc họ Trúc đào Apocynaceae. Còn cây mai gốc Nhật Prunus mume Sieb. et Zucc. (hay Armaniaca mume Sieb.) thì thuộc họ Hoa hồng Rosaceae. Cây nầy rất phổ biến ở Á Đông. Bên Nhật Bản gọi cây là ume, từ đấy có tên rượu umeshu, dưa umeboshi. Người Trung Quốc có tên mei tương tự mai của ta, và rễ cây yemeigen. Tên cây mai nầy bên Hàn Quốc là maesil. Anh Mỹ có danh từ Japanese apricot. Theo Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, ngoài ba cây mai vàng O. integerrima, mai đỏ O. atropurpurea và mai chấm thủy Wrightia religiosa, ở Việt Nam còn có bốn cây : mai cánh lõm Gomphia serrata (Gaertn.) Kanis, mai sọc G. striata (V. Tiegh.) C.F. Wie, mai mù u tức bạch mai Ochrocarpus siamensis var. odoratissimus Pierre và mao lai Bon Sinosideroxylon bonii Anbr. đều thuộc họ Mai Ochnaceae (PHH). Ở Huế, những cây thuộc họ Mai, ngành Thực vật có hoa Anthophyta, chỉ thu thập và định danh được ba loài mai vàng O.integerrima (với hai biến dạng : mao hồng diệp và mai trắng), mai tứ quý O. atropurpura và mai núi Indosinia involucrata (Gagnep.) Vid. (1).
Trong các loài mai, cây mai Nhật Prunus mume được khảo cứu nhiều nhất. Những nhà khảo cứu Hàn Quốc đã xác dịnh được 72 hóa chất mà những chất thơm nhiều nhất là benzaldehyd, terpineol, hexadecanoic acid. Cũng góp phần vào mùi hương là những chất dễ bốc hơi như acetaldehyd, ethanol, butanol, methyl acetat, ethyl acetat, ethyl butyrat, butyl butyrat tìm được trong trái. Khi trái bắt đầu chín, số lượng butyl acetat tăng gia nhưng chất thơm nổi trội lúc ấy lại là ethanol và ethyl acetat. Trong trái tươi, đã được xác định những citric, malic, oxalic, succinic, tartaric, fumaric acid bên cạnh vitamin C (24). Khi trái chín, những amin acid, arginin, serin, glutamic acid, glutamin, alanin, aspaeragin tăng lên nhiều. Những nhà khảo Cứu Nhật Bản đã chiết ra những chlorogenic, neochlorogenic, caffeoyl quinic acid. Dầu ép từ trái tươi chứa đựng một số aliphatic hydrocarbon C14-C24 cùng terpineol, guaiacol, cresol, eugenol, hexenol, linalool, linalool oxyd, furfural, methyl furfural, valeric, isovaleric, caproic acid. Từ hột, benzaldehyd, ethyl benzoat, sitosterol, amygdalin đã được chiết xuất cùng nhiều acid : valeric, isovaleric, caproic, caprylic, benzoic, lauric, palmitic, stearic, oleic, linoleic succinic, citric, oleanolic acid.
Thân cây khô đem chiết nước cống hiến những triterpenoid như ursolic, oleanolic acid. Dùng methanol chiết gỗ cây thì được những chất phenolic như epicatechin, genkwanin, leucoanthocyanin, với chút ít các chất đường như glucose, trehalose, mannitol (8), những flavonoid như prudomenin, dihydro prudomenin. Cũng dùng methanol chiết hoa thì được hai flavonol oligoglycosid: acetyl rutin và methyl rutin cùng những chất đưòng sucrose, prunose. Rễ cây (yemeigen) chứa đựng catechin, epicatechin. Những nhà khảo cứu Đài Loan xác định được 92 trong 181 hoá chất phát hiện qua phép sắc ký trên trái cây ướp muối làm dưa umeboshi. Dưa chứa đựng những chất thơm aldehyd, alcool cùng những monoterpen và những dẫn xuất của chúng, những chất đường, những malic, citric acid và amin acid như glutamic acid, glycin, alanin. Ở hãng kỹ nghệ Nhật Bản Masuda Perfumery Co, dưa đem chưng cho phát hiện 89 hoá chất mà 48 đã được xác định, nhiều nhất là những những ester : hexyl acetat, butyl hexanoat, hexyl butyrat, những decalacton bên cạnh những acid: acetic, hexanoic, methyl butyric acid cùng những chất carotenoid: ionon, trimethyl phenyl butenon. Trái cây còn non đem làm rượu umeshu đã được tích trữ rong bóng tối, trong máy lạnh và trong ánh huỳnh quang : ethyl carbamat tăng gia với ánh sáng và nhiệt độ. Đem bao với giấy cellophan thì số lượng ethyl carbamat có nhiều trong giấy xanh hơn là trong giấy đỏ hay vàng.
Cây mai Nhật chứa đựng nhiều chất có tính chất dược lý. Những chất hydroxy methyl furfural và hydroxy tetramethoxy flavon có hoạt động trừ giun sán loại Clonorchis sinensis (9). Những oleic, linoleic, linolenic acid chiết từ trái cây ức chế những tác nhân gây đột biến như furyl nitro furyl acrylamid, benzopyren và aflatoxin B1 trong những cuộc thử Ames với Salmonella typhimurium TA100 và TA98 (11). Chất rutin cũng chiết từ trái cây có hoạt động kháng oxi hóa (20). Những flavonol glycoside và prunose chiết từ hoa ức chế aldose reductase, riêng những prunose có khả năng cản trở sự kết tụ tiểu cầu do thrombin gây ra (26). Những catechin, epicatechin chiết từ rễ cây có tính chất lợi mật (21). Mai được dùng trong những liều thuốc gồm có nhiều cây khác điều trị bệnh lao phổi (40), chữa tinh dịch bị kháng thể gây vô sinh (16), xử lý ngoài da bệnh mồ hôi nặng mùi (22). Nó là thành phần môn thuốc Cangwu chống viêm, có tính chất ức chế cuộc xâm nhập những phản mao mạch và dị ứng (17), thuốc xử lý bệnh nghiện ma túy (6). Uống nước chứa đựng mai maesil bên Hàn Quốc đưa đến thành quả đào thải trong nước tiểu nhiều dimethyl amin, triethyl amin là những chất có khả năng kết hợp với những nitrat thành nitrosamin gây ung thư (23). Nhờ có tính chất loại bỏ những gốc oxi, hột mai được dùng trong dược liệu và mỹ phẩm chống già, kháng oxi hóa (50). Mai còn được dùng trong thuốc kích thích tóc mọc (27), làm thuốc viên nhỏ sủi bọt con trẻ (28) hay làm chất thơm cho thuốc lá (7). Bên Nhật Bản, hoa đuợc ngâm vào ruợu sake (24). Phấn hoa chứa đựng nhiều mỡ, vitamin C cùng khoáng chất có thể cho vào món ăn bổ ích sức khỏe (18). Trộn với chất ngọt isomalto oligosaccharid, mai được dùng làm bánh dòn crisp mei (13,21).
Cây mai vàng Ochna integerrina tương đối ít được khảo cứu hơn. Chất biflavonoid thường được nói đến nhiều là ochnaflavon có khả năng khử hoạt tính của những enzym như phospholidase A2 (12), arachidonate release đem lại tính chất chống viêm (15), có hoạt động ức chế những tế bào ung thư từ đấy được dùng để điều trị ung thư máu như bệnh bạch cầu và bạch huyết (14). Những biflavonoid khác đã được tìm ra là dihydro ochnaflavon, dihydro ochnaflavon methyl ether, hydroxy lophiron, hydroxy lophiron glucosid. Về glucosid còn có demethyl allyl taxifolin glucosid. Bên phần cây mai đỏ O. atropurpurea cũng cống hiến ochnaflavon từ lá tươi bên cạnh palmitoleic acid (25,6% tinh dầu hột). Nói chung, hầu hết các bản báo cáo cây mai gốc Nhật là của các nhà khảo cứu Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, những phòng thí nghiệm Thái Lan có vài nghiên cứu trên cây huỳnh mai và Ấn Độ trên cây mai tứ quý.
Thú chơi mai tao nhã, trồng mai cầu kỳ, tạo dáng nghệ thuật ngày nay vẫn còn. "Cạy cục ương hạt mai vàng trên đất phù sa, sau đó ông neo mai vào núi đá. Hai mươi tuổi, thân mai chỉ roi roi bằng ngón tay út người lớn. Ngày Tết chỉ nở chừng năm bảy cánh hoa. Vì sống trên đá nên cánh hoa mai cực mỏng như tờ giấy cuốn thuốc lá... Lão huynh Lê có những bí quyết riêng để làm cho hoa mai trên đá sống và ra hoa. Ông muốn chứng minh cho sự can trường của hoa mai. Hoa có thể sống chỉ với vài chiếc rễ bám vào đá núi. Kham khổ bần hàn là vậy mà xuân về vẫn nhớ lời hẹn ước, cố gắng nở những hoa vàng nhung mịn trên đá. Tôi nghĩ là những đóa mai trên đá của lão huynh Lê còn nói nhiều hơn những gì muốn nói. Đó là khát vọng sống mãnh liệt của con người gửi vào hoàng mai hoa ước muốn duy trì một cuộc sống thanh bạch, bình dị như cỏ cây vô danh trong khu vườn lớn của cuộc đời" (4).
Ở Pháp hiếm có hoa mai, nhưng phi mai bất thành xuân, Tết mà không có mai thì còn gì là Tết? Trừ phi đặt gởi từ bên nhà qua, người Việt ở trên đất khách nầy chạy kiếm một loại hoa gì tương tự để thay thế và họ đã tìm ra cây hoa forsythia tức cây liên kiều, còn gọi trúc căn, hoàng thọ đan, hạn liên tử, cao 2-4m, nở hoa vàng như mai vào đầu xuân, có khi cả cuối đông nếu trời ít lạnh. Nguồn gốc Nhật, Tàu, nay nó được trồng nhiều trong các vườn ở Pháp, nhiều nhất là hai loài Forsythia suspensa và F. viridissima, thuộc họ Lài Oleaceae (ĐTL). Cách đây hai năm, nhân lên viếng chùa Trúc Lâm ở làng Villebon, thầy Phước Đường biếu cho vợ chồng chúng tôi một chậu cây nhỏ mà thầy bảo là cây mai. Về nhà chăm sóc chu đáo, tưới nước nhiều, hai năm sau cây lớn lên chút ít và Tết vừa qua nở một bông hoa vàng độc nhất, đặc biệt bốn cánh.
Tôi chạy hỏi khắp nơi, mai thường năm cánh, sao mai nhà tôi lại chỉ có bốn cánh? Ai cũng lấy làm lạ. Khi hoa rụng, tôi cẩn thận ép nó vào giấy báo cho khô rồi nâng niu cho kẹp nó vào trang "Hoàng hoa mai" cuốn Phú Xuân hương sắc của Trụ Vũ, được anh Trần Đình Sơn gởi tặng. Tình cờ một cô cháu lật sách thấy: thì ra chỉ là hoa cây forsythia, cây mai hoa vàng trên đất Pháp, nhìn thấy từ lâu mà không để ý đến số cánh hoa. Cứ đến dịp Tết đồng thời với hoa forsythia trong vườn, hàng hoa chợ Tàu ở Paris cũng rực vàng hoa và thơm mùi xuân, nhắc nhở phần nào đứa con xa hương trong một mùa ngắn nhớ về cảnh tượng xứ sở thân yêu.
Tôi chạy hỏi khắp nơi, mai thường năm cánh, sao mai nhà tôi lại chỉ có bốn cánh? Ai cũng lấy làm lạ. Khi hoa rụng, tôi cẩn thận ép nó vào giấy báo cho khô rồi nâng niu cho kẹp nó vào trang "Hoàng hoa mai" cuốn Phú Xuân hương sắc của Trụ Vũ, được anh Trần Đình Sơn gởi tặng. Tình cờ một cô cháu lật sách thấy: thì ra chỉ là hoa cây forsythia, cây mai hoa vàng trên đất Pháp, nhìn thấy từ lâu mà không để ý đến số cánh hoa. Cứ đến dịp Tết đồng thời với hoa forsythia trong vườn, hàng hoa chợ Tàu ở Paris cũng rực vàng hoa và thơm mùi xuân, nhắc nhở phần nào đứa con xa hương trong một mùa ngắn nhớ về cảnh tượng xứ sở thân yêu.
Nghiên cứu và Phát triển 3 (51) 2005, khoahoc.net .3.2006
Tham khảo:
1- Mai Văn Phô, Các loại mai ở Huế, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ (1) (1995) 68-70
2- Trần Đình Sơn, Hoàng anh, Tản mạn Phú Xuân, nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh (2001) 28-31, 173-4, 217-21
3- Huỳnh Văn Nguyệt, Mai vàng, biểu tượng của mùa xuân, Nhớ Huế 12, nxb Trẻ , Tp Hồ Chí Minh (2002) 8-11
4- Nguyễn Xuân Hoàng, Thương nhớ ngàn mai, Nhớ Huế 16, (2003) 4-6 ; Nhớ Huế 20 (2004) 8-10
5- Phương Huy, Cốt cách một loài hoa, Nhớ Huế 20 (2004) 36-9
6- B.W. Wu, S.P. Lee, Anti-narcotic medicine, Brit GB 1096708 (1967) 3 tr.
7- H. Matsushita, M. Shinosaki, Tabacco flavorant containing Japanese plum extract, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 54062336 (1979) 8 tr.
8- Y. Takizawa, M. Saito, K. Okuhara, T. Mitsuhashi, Studies on the constituents of Prunus mume Sieb. and Zucc. form purpurea Mak; phenolic compounds and sugars, Tokyo Gakugei Daigaku Kiyo, Dai-4-bumon: Sugaku, Shizen Kagaku 31 (1979) 137-41
9- B.Z. Ahn, J.K. Rhee, Anthelmintic activity of natural products and their analogs against Clonorchis sinensis, Yakhak Hoechi 30 (5) (1986) 253-65
10- Z. Chen, S. Sun, Q. Xu, G.Liu, S.Hu, Z. Wu, Active choleretic principle in Yemeigen (root of Prunus mume), Zhongcaoyao17(11) (1986) 482-3
11- C. Dogasaki, H. Murakami, M. Nishijima, K. Yamamoto, T. Miyazaki, Antimutagenic activities of hexane extracts of the fruit extract and the kernels of Prunus mume Sieb. et Zucc. Yakugaku Zasshi J. Pharm. Soc. Jap. 112 (8) (1992) 577-84
12- H.W. Chang, S.H. Baek, K.W. Chung, K.H. Son, H.P. Kim, S.S. Kang, Inactivation of phospholipase A2 by naturally occuring biflavonoid, ochnaflavone, Biochem. Biophys. Res. Commun. 205 (1) (1994) 843-9
13- D.I. Tzen, D.S. Tzeng, A.O. Chen, Effects of packaging, light blanching and benzoic acid on the sanitation quality of Crisp Mei during storage, Shipin Kexue (Taipei) 22(5) (1995) 596-605
14- S.S. Kang,, H. Jang, K.H. Sonn, H.P. Kim, Anticancer agents of biflavonoids from Ginkgo biloba and Lonicera japonica, Rep. Korea KR 9609183 (1996)
15- S.J. Lee, K.H. Son, H.W. Chang, S.S. Kang, H.P. Kim, Inhibition of arachidonate release from rat peritoneal macrophage by biflavonoids, Arc. Pharm. Res. 20 (6) (1997) 533-8
16-Lingyuan Meng, Ruoyun Meng, Ruosong Men, Ruomo Meng, Granules for treating sperm antibody-induced infertility, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1161220 (1997) 5 tr.
17- D. Su, G. Li, F. Pu, Study on pharmacodynamics of Cangwu complex, Huaxi Yaoxue Zazhi 13 (4) (1998) 240-1
18- J.Q. Liu, Q.Q. Zhang, W.S. Wu, X.Q. Li, Analysis of nutritional components of the pollens of Prunus salicina and P. mume, Yingyang Xuebao 22 (1) (2000) 92-4
19- J. Ma, Compositions containing herbal madicines for pulmonary tuberculosis, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1265315 (2000) 4 tr.
20- J.T. Han, S.Y. Lee, K.N. Kim, N.I. Baek, Rutin, an antioxidant compound isolated from the fruit of Prunus mume, Hang’guk Nonghwa Hakhoechi 44 (1) (2001) 35-7
21- S.D. Lin, A.S.M. Ou, Manufacture of crisp mei by using isomaltooligosaccharides, Taiwan Nongye Huaxue Yu Shipin Kexue 39 (4) (2001) 312-21
22- J. Chen, Medicine for external use to treat sweaty feet with bromhidrosis, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1321481 (2001) 4 tr.
23- S.Y. Choi, M.J. Chung, N.J. Sung, Volatile N-nitrosamine inhibition after intake Korean green tea and Maesil (Prunus mume Sieb. et Zucc.) extracts with an amine-rich diet in subjects ingesting nitrate, Food Chem. Toxic. 40 (7) (2002) 949-957
24- Z. Chen, J. Lu, Simultaneous and direct determination of oxalic acid, tartaric acid, malic acid, vitamin C, citric acid, and succinic acid in Fructus mume by reversed-phase high-performance liquid chromatography, J. Chrom. Sci. 40 (1) (2002) 35-39
25- M. Tajima, M. Izume, T. Fukuhara, Singlet oxygen scavenger from Prunus mume seed for cosmetics and pharmaceuticals, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2002284633 (2002) 15 tr.
26- M. Yoshikawa, T. Murakami, T. Ishiwada, T. Morikawa, M. Kagawa, Y. Higashi, H. Matsuda, New flavonol oligoglycosides and polyacylated sucroses with inhibitory effects on aldose reductase and platelet aggregation from the flowers of Prunus mume, J. Nat. Prod. 65(8) (2002) 1151-5
27- S. Oka, Y. Osaki, M. Nakauchi, S. Ikemoto, H. Yamanishi, H. Taniguchi, O. Nakaguchi, T. Sokano, Hair growth stimulant composition, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2002284648 (2002) 7 tr.
28- F. Zeng, Y. Zhang, S. Chen, Effervescent product for children, Shipin Gongye Keji 23 (1) (2002) 41-3.
7- Sim tím đồi hoang
Đói lòng ăn nửa trái sim,
Uống lưng bát nước đi tìm người thương
Uống lưng bát nước đi tìm người thương
Ca dao
Bài thơ Màu tím hoa sim được phổthành nhạc của Hữu Loan, dù không được chọn lựa trong tuyển tập những bài thơ hay nhất của thế kỷ vừa qua, đã được đưa vào chương trình thơ lãng mạng bậc trung học, và nhất là làm náo động các giới văn nghệ sĩ: ở đâu có người yêu thơ yêu nhạc là có nghe ngâm bài thơ đó, nghe hát bản nhạc đó. Lời lẽ mộc mạc, không chút cầu kỳ mà lại làm rung động tim người nghe, bài thơ đặc biệt thể hiện chuyện thật trong đời tác giả. Nhà thơ Nguyễn Hữu Loan sinh năm 1916, người gốc Thanh Hóa, gia nhập quân đội những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, trước khi ra chiến trường, ông cưới cô vợ trẻ Đỗ Thị Ninh quen biết từ hồi cô còn bé, đến nay xem như là em nuôi. Đám cưới đơn giản (Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới, Tôi mặc đồ quân nhân, Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân) đầy tình thương, nhưng đôi uyên ương phải xa nhau ngay (Tôi ở đơn vị về, Cưới nhau xong là đi). Rủi ro hạnh phúc không lâu dài được bao lăm vì nàng đã xấu số chết đuối ở làng ba tháng sau, trong lúc chàng xông pha chiến trận (Nhưng không chết người trai khói lửa Mà chết người gái nhỏ hậu phương). Nhớ mãi ngày xưa nàng yêu hoa sim tím nên mỗi lần thầm lặng hành quân qua những đồi hoa sim hiu quạnh (Những đồi hoa sim, Những đồi hoa sim dài Trong chiều không hết Màu tím hoa sim Tím chiều hoang biền biệt) nhà thi sĩ luôn nhớ đến cô vợ trẻ, chỉ còn biết gởi lòng vào mấy câu thơ bất diệt mãi đeo đưổi anh mấy chục năm sau trong một cuộc sống đói nghèo triền miên (1). Anh đã lặng lẽ trút vào thơ nỗi đau đành đoạn, biến nỗi đau của mình thành nỗi đau chung của những người trai thời loạn (4). Bài thơ chép đi sao lại nhiều lần, bây giờ không biết bản nào là đúng. Sau nầy, nhà thơ còn thêm vào vài câu (2) nhưng không làm thay đổi chút nào nội dung và tình cảm một mối tình yêu đã làm mủi lòng hơn một độc-thính giả.
Ở Huế, màu tím từ thuở Chiêm Thành, châu Thuận châu Hóa, một thời là màu thời gian (Màu thời gian không xanh, Màu thời gian tím ngát - Đoàn Phú Tứ), màu của những cô nữ sinh Đồng Khánh, rồi ở Hà Nội cũng như sau nầy là màu của những cô học trò Gia Long ở Sài Gòn. Ai mà không nhớ những tà áo tím phất phới trên cầu Trường Tiền mỗi chiều chủ nhật khi các cô được đưa đi dạo sắp thành hai hàng, khúc khích núp bóng sau những chiếc nón bài thơ. Áo tím đã gây biết bao mộng mơ.
Màu áo tím đơn sơ
Bay dài mây núi Ngự
Giòng Hương giang ngẩn ngơ
Lượn mái bồng thi tử.
Đinh Hùng - Phong vị thần kinh.
Bay dài mây núi Ngự
Giòng Hương giang ngẩn ngơ
Lượn mái bồng thi tử.
Đinh Hùng - Phong vị thần kinh.
Áo tím đã được yêu thương, hẹn hò, thề thốt. Nhưng một ngày rồi cũng hoa trắng thôi cài trên áo tím và chàng trai chỉ còn biết ôm hận suốt đời
Em lên xe cưới về quê chồng,
Dù cách đò ngang cách mấy sông,
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím,
Nên tình thơ ủ kín trong lòng.
Kiên Giang Hà Huy Hà - Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Dù cách đò ngang cách mấy sông,
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím,
Nên tình thơ ủ kín trong lòng.
Kiên Giang Hà Huy Hà - Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Có nhiều loại chất sắc tím hoặc khoáng chất (tím cobalt, tím mangan, tím sắt), hoặc động vật (vỏ ốc), hoặc nhân tạo (tím methyl, tím benzyl, tím methylen), hoặc thiên nhiên (cây cỏ dùng trong đố ăn hay tan hòa trong dung dịch hữu cơ dùng làm vec ni, mực). Có những chất sắc tím đưọc gắn lên một mặt nền thường là khoáng chất như alumin, baryum sulfat như tím alizarin để làm sơn, sơn mài. Chất sắc tím cũng được dùng trong ngành dươc liệu như tím kết tinh, tím gentian để chữa giun kim hay bệnh ngoài da. Trong ánh sáng mặt trời, màu tím nằm ở ngoại biên ở đoạn "tia sáng thấy được" gồm có bảy màu trong cầu vòng: tím, chàm, xanh, lục, vàng, cam đỏ, vào mức độ dài làn sóng điện từ 400 nm, biên thùy với các tia tử ngoại UV cần tránh hay cần thiết để làm rám nước da. Trong ngũ sắc Huế, màu tím chiếm một địa vị chủ yếu. Họa sĩ Phạm Đăng Trí lọc ra trong pháp lam những gam màu chủ đạo khá phổ biến : vàng với xanh ẩn tím tức chàm, đỏ với bích ngọc tức lục ẩn xanh, xanh với hỏa hoàng tức vàng cam,... thay vì những cặp màu bổ túc vàng với tím, đỏ với lục, xanh với cam, da lang tức tím đỏ với lá mạ, ... theo nguyên tắc hợp sắc của dĩa sắc màu Chevreuil (nhà hoá học Pháp, 1786-1889). Màu tím và màu chàm chia nhau múi số 5 trong dĩa sắc màu Newton (nhà vật lý, thiên văn, toán học Anh, 1642-1727) bên cạnh bốn múi khác: số 1, nửa đỏ nửa cam; số 2, vàng; múi 3, lục; múi 4, xanh. Theo T. Young (bác sĩ Anh, 1773-1829), những tế bào non ở võng mô ta có khả năng thâu nhận và chuyển đi ba loại cảm giác theo ba lại sợi thần kinh; màu tím được loại luồng sóng ngắn thâu nhận, màu đỏ loại luồng sóng dài và màu lục loại luồng sóng trung; tuy vậy, vào một thời điểm, cả ba loại sợi thâu nhận những luồng sóng có tần số khác nhau nghĩa là đủ màu và nếu tác động lanh và cùng lúc thì tạo ra cảm giác trăng! Cũng theo ông, trong cặp màu tương phản đỏ - bích ngọc, nếu màu đỏ tác động lên sợi thần kinh đỏ, bích ngọc tác động mạnh vào hai loại thần kinh lục và tím (3).
Trong bài thơ nhạc của Hữu Loan, không chỉ có màu tím mà còn có hoa sim. Hoa sim màu hồng tím nên cây còn được gọi hồng sim, mọc đơn độc hoặc từng ba cái ở mỗi kẽ lá. Quả mọng cũng màu tím nhưng tím sẫm nên ngoài chợ, một rổ sim chín nổi bật lên giữa những mủng rau xanh, ớt đỏ, khế vàng. Cây sim mọc hoang ở đối núi khắp nước ta, ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, từ miền nam Trung Quốc xuống quần đảo Nam Dương, và ở Philipin thấy có trồng để lấy quả. Quả sim nhỏ bằng lóng tay, khi chín toát ra một mùi hương dễ chịu, ăn vào ngọt lịm, tương tự vị quả figue Ficus carica ở Pháp. Mang tên khoa học Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk, có khi Wight, hay Myrtus tomentosa Aiton (PHH), Myrtus canescens Lour., nó còn được gọi đương lê, sơn nhậm, nhậm tử, đào kim nương (ñTL), Anh Mỹ có tên Rose Myrtle, Downy Rosemyrtle (12). Cũng thuộc họ Sim Myrtaceae, còn có hai loại sim hoa trắng, một loại phì quả đen chói, mọc từ Hòn Gay đến Phú Quốc, gọi là tiểu sim, mang tên khoa học Rhodamnia dumetorum (Poir.) Merr, Anh Mỹ có tên Silver Back (PHH), một loại quả hình cầu, nhiều hạt, gọi là sim rừng lớn Rhodamnia trinervi Blume mà A. Pételot đã từng giới thiệu từ lâu (ñTL). Bên ta, ở đồng bằng cũng như ở đồi cao, một loại cây cũng cho nở hoa tím nên người ta thường lầm với hồng sim: đó là cây muôi, mang tên chung khoa học Melastoma, Anh Mỹ gọi shrub, thuộc họ Muôi Melastomataceae. Sách của Gs Phạm Hoàng Hộ kê đến 15 cây muôi: muôi thuờng M. normale D. Don ở Huế, muôi Eberhardi M. eberhardii Guill. ở Thừa Thiên, muôi Đông M. orientale Guill, muôi dằm M. palaceum Naudin ở Đà Nẵng... (PHH)
Những hóa chất trong cây sim được khảo cứu đầu tiên là chất sắc của nó với mục đích dùng trong thực phẩm. Các nhà hóa học Trung Quốc dùng ethanol 40% pha hydrochorid acid (0,05mol/L) chiết xuất ở 40° trong thời gian 8 giờ, lấy được 7,8% một hỗn hợp ổn định trong ánh sáng và sức nóng. Dùng nhựa xốp lọc sạch, tách rửa với ethanol 70% - 2% hydrochloric acid, chất sắc ròng nhuộm một màu đỏ tía, rất ổn định trong một khoảng dài môi trường acid (9,33). Đem phân tích, chất sắc gồm có pelargonidin biglucosid, cyanidin galactosid và delphinidin galactosid (7). Ellagi tannin (10) từ lá, những C-glycosid tannin từ lá và rễ cây, có thể thủy phân: tomentosin, pedunculagin, casuariin, castalagin, (8) đã được chiết xuất. Ellagin tannin kèm theo ba flavon glycosid: myricetin rhamnosid, myricetin furanoarabinosid, myricetin glocosid (10). Cùng với những flavonoid glycosid, đã được tìm ra trong trái sim những phenol, acid hữu cơ, amin acid, carbohydrat nhân một cuộc khảo cứu những liều thuốc chữa viêm gan (20). Một dẫn xuất hydroxy pentamethoxy flavon còn được gọi combretol đã được xem xét vế mặt cấu tạo tinh thể (13). Cây sim chứa đựng nhiều triterpenoid và steroid: lupeol, bêta-amyrin, bêta-amyrenonol, betulin, friedlin; alpha-amyrin, taraxerol cùng hopenediol và những oleananolid. Một loạt bảy polysaccharid tan hòa trong nước được chiết xuất để học hỏi về mặt cấu tạo: xylan, arabinogalactan, arabinigalactan-protein (19). Dùng ethyl acetat chiết xuất, lá sim cống hiến một chất kháng sinh: rhodomyrton, sườn cấu tạo là một xanthendion, có tác dụng chống những trùng Escherichia coli và Staphylococcus aureus (12). Cây sim chứa đựng một chất phản androgen (hormon nam), ức chế testosteron 5 alpha-reductase (31), được dùng trong mỹ phẩm chữa tóc (18). Phần chiết cây sim cũng có tính chất chống viêm, ức chế những enzym như hyaluronidase, hexosaminidase, elstase, phosphodiesterase, kích thích cuộc phát triển nguyên bào sợi nên được dùng trong mỹ phẩm làm trắng da, thức ăn làm đẹp da (32). Trái sim đã được dùng làm mứt, nước vắt làm thức uống; trái sim phơi khô cũng như nước vắt cô đặc, nghiền thành bột làm thành chất nhuộm thức ăn (11).
Ở Á châu, sim được dùng trong các thang thuốc chữa đủ thứ bệnh, ngày nay phần lớn đã được người Trung Quốc đăng ký văn bằng sáng chế. Cây sim, nhất là rễ cây (24,25,27), có tính chất giảm đau (22) được dùng hỗn hợp với nhiều cây khác nhiều nhất để chữa những chứng trong ngành phụ khoa (34). Chỉ riêng F. Wei ở hảng được liệu Hoa Hồng (35) bên tỉnh Quảng Tây đã là tác giả trong ba năm vừa qua hơn một chục văn bằng chữa khí hư, kinh nguyệt khó khăn, bất thường, viêm khung chậu, viêm nội mạc tử cung (17,26,28), thuốc trình bày dưới dạng bao (16,18). Ngoài ra, sim còn là thành phần những liều thuốc chữa viêm kết tràng (14), viêm vị tràng, biệt lỵ, thấp khớp, những chứng khó tiêu, chán ăn (5), thông máu, giãn gân, cũng cố tỳ lách, giảm hạ lo âu (36), tiết niệu nhiễm trùng (29), đau lưng mỏi chắc (21), đặc biệt lá sim dùng chữa nhức đầu (23), chứng tăng huyết áp (15). Thang thuốc Trang dương gồm có sim và khoảng ba chục thuốc khác như bị lệ lạc thạch đằng, cao băng long, tang phiêu tiêu, nhân sâm, hoàng tinh, đương quy, tắc kè, rết, nhau .... đề cao điều hòa máu, nuôi dưỡng thận, chống tóc rụng, nhuộm tóc đen, tăng cường mắt,... tăng thông minh, giảm lo âu, xúc tiến tinh thần,... chữa những chứng bạc lông, mất ngủ, hồi hộp, thiếu máu, đái dầm, bất lực, liệt dương, xơ cứng động mạch,... nói chung là một thang thuốc yên tinh thần, định hồn phách, tăng tuổi thọ (6). Bên ta, người ta dùng búp và lá sim non sắc uống chữa bệnh đi ỉa lỏng, đi lỵ, hoặc dùng để rửa vết thương, vế loét (ĐTL). Ở Phú Quốc, rượu sim được tin là có khả năng chữa trị nhứt khớp, đến nay mọc hoang, nghe nói đang được đem trồng trên đồi.
Ở Pháp, mỗi lần đi dạo mùa hè trên dảy Alpes, trong ánh nắng dịu ban chiều, nghĩ đến những đồi hoang của Hữu Loan, lững thững giữa những bụi đỗ quyên đỏ tím khắp sườn núi, tôi không sao tránh được nhớ lại những buổi chiều hè chạy theo các anh tôi đi bắn chim trên truông Phò Trạch cát trắng, băng qua những cánh đồi cũng tím đỏ hoa trái sim, đánh dấu một thuở hồn nhiên trong thời thơ ấu vô tư.
Nắng chiều tím cả cánh đồi
Gởi thương về Huế, thả sầu về đâu?
Đỗ quyên hoa thắm phất phơ
Ngắm hoa hoa nhắn mộng mơ sim nhà.
Võ Quang Yến
Gởi thương về Huế, thả sầu về đâu?
Đỗ quyên hoa thắm phất phơ
Ngắm hoa hoa nhắn mộng mơ sim nhà.
Võ Quang Yến
Nghiên cứu và phát triển 2 (73) 2009, khoahoc.net 9.2009
Tham khảo:
1- Violet, Vì sao có bài thơ "Màu tím hoa sim", vietcyber.net/forums/printthread.php?t= 18417
2- Điều ít biết về "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/ 2004/ 12/3 B9D9953
3- Phạm Đăng Trí, Quanh các pháp lam Huế, suy nghĩ về màu sắc, trong Huế luôn luôn mới, nxb Hội Văn nghệ thành phố Huế (1998) 67-80
4- Nguyễn Đức Hiệp, Hữu Loan và Màu tím hoa sim, Khoahoc@doisong 28.06.2007
5- Y. Wu, Chinese medicinal preparation for treating diseases of swine digestive tract, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1201688 (1998)
6- X. Wang, A chinese medicinal composition with antiaging and yang invigorating effects, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1203096 (1998)
7- L. He, Z. Lihua, T. Jianbao, H. Qui, Y. Su, Properties and extraction of pigment from Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk, Jingxi Huagong Bianjibu (6) 15 (1998) 27-9
8- Y. Liu, A. Hou, C. Ji, Y. Wu, Isolation and structure of hydrolysable tannins of Rhodomyrtus tomentosa, Tianran Chanwu Yanjiu Yu KaifaBianjibu (1) 10 (1998) 14-9
9- Y. Gao, X. Lai, X. Chen, Study on extraction and stability of Rhodomyrtus tomentosa pigment, Huaxue Shijie (6) 40 (1999) 303-5
10- A. Hou, Y. Wu, Y. Liu, Flavone glycosides and an ellagitannin from Downy Rosemyrte (Rhodomyrtus tomentosa), Zhongcaoyao (9) 30 (1999) 645-8
11- O. Ashitomi, Processed products from fruit of Rhodomyrtus tomentosa, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2001299262 (2001) 3 tr.
12- S. Dachriyanus, M.V. Sargent, B.W. Skelton, I. Soediro, M. Sutisma, A.H. White, E. Yulinah, Rhodomyrtone, an antibiotic from Rhodomyrtus tomentosa, Aust. J. Chem. (3) 55 (2002) 229-32
13- S. Dachriyanus, R. Fahmi, M.V. Sargent, B.W. Skelton, W. Brian, A.H. White, 5-Hydroxy-3,3’,4’,5’,7’-pentamethoxyflavone (combretol), Acta Cryst. (1) E60 (2004) 086-8
14- J. Zou, J. Meng, Preparation and quality control method of traditional chinese medicine for treating colitis, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1579518 (2005) 26 tr.
15- J. Huang, Process for preparation of chinese traditional medicine for treating hypertension, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1650979 (2005)
16- D. Wang, A soft capsule for treating gynecological infections and its preparation method, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1660147 (2005)
17- F. Wei, Pharmaceutical sustained-release tablets for treating chronic pelvic inflammatory disease, and its prepeartion method, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1698697 (2005) 11 tr.
18- J. Yao, Manufacture of a soft capsule treating gynecological diseases, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1730011 (2005) 8tr.
19- X. Qin, Y. Sui, E. Ning, Structure research on the polyssacharides of Rhodomyrtus tomentosa fruit (I), Shipin Kexue (Beijing) (26) 4 (2005) 79-82
20- H.Sr. Ruqiang, C.Sr. Yonglu, Study on the oxidation resistance of fructus rhodomyrti, Abs. Chem. Soc. 10-14 Sept.2006 (2006)
21- H. Gong, A chinese medicinal liquor for treating traumatic injury, lumbago and skelalgia, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1768832 (2006)
22- Q. Yang, L. Guo, Y. Pe,ng, Y. Sui, Pharmaceutical composition for treating menoxenia, and its preparation method, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1814009 (2006)
23- Y. Yang, Medicinal composition for treating migraine, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1824075 (2006) 13 tr.
24- W. Guo, Y. Zg, Z. Gao, X. Qi, Chinese al capsule for treating gynecological infections and preparation method thereof, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1830473 (2006) 12 tr.
25- F. Wei, Manufacture of oral liquid containing traditional chinese medicine extract for treating gynecopathy, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1846715 (2006)
26- F. Wei, Manufacture of Huahong dripping pills containing traditional Chinesremedicine for treating gynecopathy, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1846743 (2006) 12 tr.
27- F. Wei, Chinese medicinal micro-pellet for treaiting gynecologic diseases, and preparation method thereof, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1850187 (2006)
28- F. Wei, Chinese medicinal fluid extract for treating gynecological diseases, and preparation method thereof, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1850188 (2006)
29- F. Wei, Manufacture of traditional chinese medicine composition for treating urinary tract infection, , Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1853687 (2006)
30- Q. Ye, H. Huang, D. Huang, W. Su, C. Tan, A medicine for treating serious erosove trauma, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1883702 (2006) 9 tr.
31- Y; Miyake, The hair restor, the antiandrogen agent, testosterone alpha-reductase inhibitor, and hair cosmetics, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2006169133 (2006) 9 tr.
32- Y. Miyake, J. Nojima, Skin cosmetics and skin-beautifying foods containing Rhodomyrtus tomentosa extracts, , Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2006199678 (2006) 19 tr.
33- H. Ruqiang, D. Qian, L. Chunhong, Study on purification and stability of the pigment from fructus rhodomyrti, Abs. Chem. Soc.20-29 March.2007 (2007)
34- C. Zhu, A Chinese medicinal composition for treating gynecological infection, and its preparation method, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1965942 (2007)
35- S. Zhang, Y. Kan, Chinese al dripping pills containing extracts from Duchesnea and Oldenlandia and others for treating gynecologic inflammations, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1969995 (2007) 15 tr.
36- S. Ye, Herb tea spleen invigorating effect, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 101002590 (2007).
8- Thanh hao điều trị sốt
rét
Ai ơi chớ thấy nhỏ mà khinh
Châm chích vào ai cũng giật mình.
Trướng rũ màn che vô cũng lọt,
Năm canh to nhỏ biết bao tình.
Châm chích vào ai cũng giật mình.
Trướng rũ màn che vô cũng lọt,
Năm canh to nhỏ biết bao tình.
Thảo Am
Sốt rét là một trong
những chứng bệnh lan tràn nhất thế giới. Trung bình mỗi phút có hai con trẻ
chết vì nó. Tính ra mỗi năm, trên dưới một triệu người bị tử thần sốt rét kéo
đi. Từ châu Phi qua Nam Mỹ đến châu Á, hơn 2,2 tỷ người (nghĩa là gần phân nửa
nhân loại) luôn bị sốt rét đe dọa hằng ngày. Tất cả bệnh nhân đều không chết
hết nhưng khoảng 100 triệu người luôn sống vất vưởng, cơ thể kiệt quệ vì đau
lên sốt xuống. Là một trong những chứng bệnh ra đời từ thuở tạo thiên lập địa,
nó thường quấy nhiễu ở những vùng đất đai ẩm ướt, bùn lầy (palud) hay ở
những nơi rừng núi chướng khí (mal area) cho nên Âu Mỹ có những danh
từ paludisme, malaria để chỉ chứng bệnh.
Để trị bệnh sốt rét, năm 1630 Don
Francisco Lopez nghĩ tới dùng vỏ cây quinquina và phải đợi gần 200 năm sau
(1820) mới thấy hai nhà hóa học Pháp, Joseph Pelletier và Joseph Caventou chiết
xuất hoạt chất quinin từ vỏ cây ấy. Tục truyền có bà bá tước tên là Cinchon đã
sắc vỏ cây làm thuốc chữa trị thành công nhiều lần các cơn sốt, cho nên sau đó
người ta mới đặt tên Cinchona (họ Cà phê Rubiaceae) cho
cây, quinquina cho vỏ cây và quinin cho thuốc. Có ba loại cây: cây đỏ C.
succirubra Pavon chữa sốt, cây vàng C. calisaya Wedd.
hay C. ledgeriana Moens để chiết xuất alcaloid, cây xám C.
officinalis L. dùng chế rượu khai vị. Cùng với quinin, cây còn chứa
nhiều alcaloid (quinidin, cinchonin, cinchonidin,), nhiều phytosterol (cinchol,
cupreol, quebrachol), quinovin là một glucosic, những quinic, quinotannic acid.
Năm 1880, Alphonse Laveran, y sĩ quân đội Pháp, lại phát hiện ra huyết trùng
gây bệnh trong hồng huyết cầu, sau nầy mang tên hematozoaire de Laveran. Từ 50
năm nay, Tổ chức Sức khỏe Quốc tế OMS đặt mạnh chương trình bài trừ sốt rét
trên toàn thế giới, huy động nhiều lực lượng và phương tiện, nhưng đến nay chưa
diệt trừ được chứng bệnh khủng khiếp kia. Ở các nước ôn đới, bệnh đã thụt lùi
rõ ràng, nhưng nó vẫn còn hoành hành dữ dội ở các xứ nóng ấm, nhiều nhất là ở
các nước thiếu vệ sinh vì điều kiện kinh tế, xã hội trì trệ. Ở Việt Nam ta,
cuộc bài trừ sốt rét đã và đang được đặt ra, cần thiết, cấp bách.
Đối với con người, ký sinh sinh bệnh có
ba loại chính: nhiều nhất là Plasmodium vivax, nguy hiểm hơn
là Plasmodium falciparum, còn Plasmodium malariae thi
tương đối hiếm có. Những ký sinh nầy do muỗi chuyển qua cơ thể ta khi nó chích
đốt vào da thịt. Ký sinh chạy thẳng vào máu và sinh nở trong nhiều hệ thống, cơ
quan, đặt biệt ở gan. Một, hai tuần sau, nó xâm nhập hồng huyết cầu (lúc ấy
người ta gọi nó là schizont) và tiếp tục sinh nở cho đến lúc hồng
huyết cầu vỡ tan. Chính lúc ấy cơ thể thấy ớn lạnh, lên cơn sốt, toát mồ hôi.
Những ký sinh vừa sinh ra lại xông vào các huyết cầu khác và cứ mỗi chu kỳ hai,
ba ngày, tùy loại ký sinh, hồng huyết cầu lại bị vỡ và cơn sốt lại nổi dậy. Có
khi chu kỳ kéo dài ra, thấy như bệnh đã thuyên giảm, thật ra nó vẫn còn tiềm
tàng trong cơ thể. ký sinh trong hồng huyết cầu có thể biến hóa thành gametocyt
dưới hai thể đực và cái, không có tác dụng gì. Nhưng khi muỗi hút máu,
gametocyt từ máu chuyển qua muỗi, chạy thẳng vào dạ dày, biến thành gamet vừa
đực vừa cái, cùng nhau tạo ra trứng và ký sinh. Bắt đầu từ đây, muỗi có thể
truyền nhiễm.
Có khoảng 70 loài muỗi có khả năng
truyền bệnh, trong ấy nguy hiểm nhất là loài muỗi Anopheles. Trước
hết phải kể hai con A. gambiae và A. funestus bên
châu Phi. Ở châu Á, đặc biệt ở Đông Dương, con A. minimus là
một địch thủ vô cùng ghê gớm. Nó rất yên lặng nhưng đốt thì rất đau. Chỉ có
muỗi cái đốt và nó chỉ đốt ban đêm. Nếu muỗi đực chỉ biết thích hút ngụy hoa,
sống thảnh thơi với vài ba giọt nhựa thì muỗi cái cần có máu sinh vật vì nó
dùng protein máu đùm bọc ấp trứng. Ta có thể độ lượng với muỗi cái vì nó lo
chuyện bảo tồn nòi giống! Vòi của nó gồm có hai ống: khi vòi chích vào da thịt thì
một ống thảy nước miếng đầy ký sinh vào cơ thể con người trong khi ống kia hút
máu và hút luôn cả gametocyt nếu nạn nhân đã nhiễm bệnh.
Hồi nhỏ trẻ con nào cũng thường được
nghe kể sự tích con muỗi. Có một cặp vợ chồng rất thương yêu nhau nhưng một ngày
kia người vợ rủi ro từ trần. Người chồng đau đớn, đưa thây vợ lên một chiếc đò
chèo đi tìm thầy cứu chữa. Lên một ngọn núi nọ, anh may mắn gặp được Nam cực
tiên ông, thấy anh thật thà ngay thẳng liền cho anh biết cách cứu sống vợ: về
chích đầu ngón tay cho giỏ vào miệng vợ ba giọt tức thì vợ sẽ sống lại, và cũng
có khuyên nếu sau nầy vợ đối xử tàn tệ với anh thì đòi lại ba giọt máu ấy. Anh
về làm đúng lời tiên ông và vợ anh sống lại. Hai vợ chồng lại vui vẻ sống với
nhau nhưng không được bao lâu thì cô vợ trở nên không đứng đắn, bội bạc bỏ anh
đi theo một ông triệu phú. Một hôm, không giằng lòng được, anh đến gặp vợ đòi
lại ba giọt máu như tiên ông đã dặn. Cô vợ không còn biết tình nghĩa gì hết,
nhanh nhẩu trả lời: "Tưởng đòi gì chứ chỉ ba giọt máu thì đây này!". Nói xong cô vợ chích đầu ngón tay cho giỏ ra ba giọt máu, tức thì nằm xuống
chết ngay, biến thành một con muỗi ngày đêm bay theo anh chồng để lấy lại cho
được ba giọt máu kia!
Nếu người chồng kia chỉ bị một con muỗi
độc nhất bay theo, thường muỗi tấn công từng đoàn và việc làm cần thiết trước
tiên là phải kiếm cách diệt trừ chúng. Trong thập niên 50, chất diệt trùng DDT
(dichloro diphenyl trichloroethan) vừa mới được tìm ra, đem lại cho nhân loại
một mối hy vọng tràn trề. Người ta phun thuốc lên rừng núi, ao hồ, ngay cả vào
nhà cửa, vườn tược, làm ô nhiễm đất đai, ruộng nương không ít. Nhưng cũng nhờ
vậy nhiều triệu người đã được cứu vớt. Tuy nhiên khó khăn vẫn tồn tại: muỗi
khôn ngoan biết ngẫu biến để kháng cự lại chất thuốc diệt trùng. Mặt khác, muốn
tiêu diệt được nhiều muỗi cần phải huy động nhiều nguồn lực, tốn kém ngân quỷ
lớn mà như đã thấy, bệnh phát triển ở các xứ nghèo đói, thêm vào giặc giã,
thiên tai thì lại càng thiếu phương tiện chống đỡ.
Qua những năm 70, lại xuất hiện một
chướng ngại khác như thể ông trời muốn thách thử con người: những ký
sinh, P. falciparum, P. vivax, P. malariae, P. ovale đềukháng
cự lại được các thuốc thường được dùng nhiều nhất, loại amino quinolein, đứng
hàng đầu là chloroquin (tên thương mãi: Nivaquine). Thuốc nầy chỉ còn hiệu
nghiệm chống những ký sinh ở Bắc Phi, Trung Mỹ nhưng hoàn toàn vô hiệu ở châu
Phi, châu Á, Nam Mỹ (17). Ở những vùng muỗi chỉ kháng cự ít
chloroquin thì có thể dùng amodiaquin hay hỗn hợp sulfadoxin-pyrimethamin,
không thì phải bước qua các thuốc thế hệ hai như halofantrin hay mefloquin (tên
thương mãi Lariam). Được bắt đầu dùng từ 1984, đắt tiền, liệu thuốc còn hiệu
nghiệm được bao lâu nữa? Rút cuộc, còn lại môn thuốc cổ điển thời xưa: quinin.
Nó luôn vẫn còn là một vị thuốc mầu nhiệm, thường được dành cho những trường
hợp bệnh nặng.
Nhưng quinin cần phải được tiêm vào tĩnh mạch ở bệnh viện, mà đường sá xa xôi, lắm khi không có thì giờ chuyên chở bệnh nhân đến nơi. Đó là tình trạng ở các nước thế giới thứ ba. Vào những năm 1988-1989, bệnh sốt rét phát triển cực độ. Hoảng hốt trước tình thế nghiêm trọng, Cơ quan Quốc tế Sức khoẻ OMS triệu tập cấp tốc hai hội thảo năm 1991 ở Dakar và New Delhi, một cuộc gặp gỡ tháng tư năm sau ở Brazyl, và gần đây ở Amsterdam để cùng nhau phát họa một chương trình rộng lớn, hầu mong giới hạn phá phách của sốt rét, bảo vệ sức khỏe của hàng triệu nhân sinh.
Nhưng quinin cần phải được tiêm vào tĩnh mạch ở bệnh viện, mà đường sá xa xôi, lắm khi không có thì giờ chuyên chở bệnh nhân đến nơi. Đó là tình trạng ở các nước thế giới thứ ba. Vào những năm 1988-1989, bệnh sốt rét phát triển cực độ. Hoảng hốt trước tình thế nghiêm trọng, Cơ quan Quốc tế Sức khoẻ OMS triệu tập cấp tốc hai hội thảo năm 1991 ở Dakar và New Delhi, một cuộc gặp gỡ tháng tư năm sau ở Brazyl, và gần đây ở Amsterdam để cùng nhau phát họa một chương trình rộng lớn, hầu mong giới hạn phá phách của sốt rét, bảo vệ sức khỏe của hàng triệu nhân sinh.
Chuyên gia các nước đồng ý với nhau rằng
song song với cuộc tìm kiếm thuốc men mới, cần phải tổ chức những hệ thống giám
sát để kê khai những loại bệnh, xác định cơn dịch ngay từ lúc đầu. Ở mỗi một
địa điểm cần yếu phải có dụng cụ đặc biệt để chẩn đoán (xem xét hình thể schizont,
người ta có thể phân biệt được loại sốt rét) trước khi quyết định một cuộc trị
liệu cấp tốc và thích ứng. Một điều đáng chú ý là phải chẩn đoán trước khi cho
uống bất cứ thuốc gì vì thuốc tạm thời có thể làm biến mất schizont thì hết còn
chẩn đoán được. Ở các nước có gió mùa, cơn dịch thường bắt đầu vào mùa mưa, vậy
phải phòng ngừa dân cư vùng đó đúng lúc. Ở những nơi mà bệnh có thể xảy ra
thường xuyên, cần phải ngủ trong mùng, nếu có thể cho tẩm thuốc diệt muỗi như
pyrethre, một hoá chất không độc cho người. Bên Trung Quốc, nhờ kỹ luật khắt
khe, số bệnh nhân từ ba triệu người những năm 80 đã xuống dần 117.000 năm 1990,
mặc dầu một khó khăn khác lại xuất hiện: mùng không thể ngăn chận được
loài Anopheles culcifae hoành hành vào lúc trời chạn vạn, chưa
đến giờ đi ngủ!
Vấn đề môi sinh cũng rất quan trọng. Ở
các đồng ruộng, có nước tất có muỗi. Mà dân quê thì sống quanh đồng ruộng. Đã
thấy có đề nghị thả vi khuẩn hoặc nuôi cá ở đồng ruộng để chúng tiêu diệt ấu
trùng muỗi. Ở Sri Lanka có thí nghiệm tát khô đồng ruộng vài giờ mỗi ngày để ấu
trùng chết đi. Điểm yếu là công lao và thời giờ bỏ vào đó. Dù sao, những sáng
kiến loại nầy có tính cách địa phương và mỗi vùng, mỗi xứ phải kiếm cách chạy
chữa tùy theo khả năng của mình. Thành thử tường lũy cuối cùng chống cự sốt rét
vẫn là thuốc men. Thường thuốc chữa trị sốt rét gồm có hai loại: hủy schizont
hay diệt gametocyt. Quinin thuộc loại thứ nhất. Tác dụng của nó rất lanh nhưng
chỉ trong thời gian ngắn, cho nên người ta thường dùng amino-4 quinolein hơn.
Những chất tương tự amino-8 quinolein thuộc loại thứ nhì. Khi cơn sốt hạ xuống
thì phải kiếm cách chữa trị làm sao cho cơn bệnh khỏi tái phát. Thường người ta
trở lại loại thứ nhất hay trộn lẫn với loại thứ nhì. Nếu bệnh nhân vẫn còn ở
trong vùng nhiễm bệnh thì cần phải thường xuyên tiếp tục uống thuốc loại thứ
nhất. Ngay cả bệnh nhân dời đi ở vùng khác, an toàn hơn, cũng cần tiếp tục uống
thuốc phòng ngừa trong ít lâu nữa.
Trước sự thiếu thốn thuốc men mới lạ,
nhiều phòng thí nghiệm, nhiều cơ quan trên thế giới nỗ lực tìm kiếm một chất
thuốc vừa hiệu nghiệm, vừa rẻ tiền vì dễ chế biến. Thì đây, một vị thuốc mới
đang được nói đến nhiều những năm gần đây: mới vì cấu tạo khác với các thuốc
khác trước đây, từ đấy cơ chế tác động cũng khác. Đó là một chất chiết xuất từ
cây thanh cao, thanh cao hoa vàng (LTĐ), thanh hao, thanh hao hoa vàng, thanh
hảo (2) hay thanh thảo tức hoàng hoa cao (LTĐ),
còn gọi cây ngải (1), ngải hoa vàng (LTĐ) Artemisia
annua L, thuộc họ Cúc Asteraceae hay Compositae.
Người Trung Quốc đã có ghi chép cây nầy để dùng chữa bệnh trĩ lậu trong sách y
khoa từ năm 168 trước công nguyên. Sau đó, nó có mặt trong sách chữa bệnh cấp
biến Trửu hậu bị cấp phương xuất bản năm 340 sau công nguyên.
Tác giả, Cát Hồng, chỉ cách uống nước có ngâm lá cây thì làm thuyên giảm được
nhiệt độ trong cơ thể. Tuy vậy, cũng phải đợi hơn 1000 năm sau (1596) mới thấy
nhà chuyên môn về cỏ thuốc Lý Thời Trân xác định trong cuốn vật liệu y
khoa Bản thảo cương mục là cây Ginghao bài trừ được cơn nóng
lạnh (3). Năm 1798, trong cuốn Ôn bệnh điều biện bắt
đầu có đề nghị dùng cây Ginghao sắc uống chữa sốt rét. Ở Việt Nam cũng có cây
thanh hao, lúc trước từng được gọi cây nhân trầm hay chè nôi. Nó mọc hoang ở
các vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, thường được dùng để chữa các bệnh
ngoài da, khó tiêu hóa hay để giúp đàn bà ăn ngon khi mới nằm nơi dậy. Hồi
trước, tên thanh hao cũng còn chỉ vài cây khác cùng họ: thanh cao rồng A.
dracunculus L., thanh cao biển A. campestris L.
hay A. maritima L., thanh cao chỉ A. capillaris Thunb., thanh
cao ấm lầy A. palustris, thanh cao tay A.
subbdigitata Mattf. Đặc biệt một loại cỏ mọc hoang và được trồng nhiều
ở miền Bắc nước ta, được dùng để chữa bệnh mệt nhọc, kém ăn, thương hàn, sốt do
bệnh phổi, mồ hôi trộm là cũng được gọi cây thanh cao, thanh hao hay thảo cao Artemisia
apiacea Hance. Một cây thanh cao khác nữa khác họ là Baecka
frutescens L., mọc ở Phúc Yên, Thái Nguyên hay Nghệ Tĩnh, thường được
cho vào chum vại đựng đậu xanh hay quần áo để tránh sâu bọ cắn hại; trong dân
gian thân cây được dùng làm chỗi quét nhà nên nó được gọi cây chỗi xúi (ĐTL).
Thanh hao là một cây nhỏ, cao vài chục
phân, nhưng cũng có khi lên đến gần hai thước. Năm 1971, các nhà khảo cứu Trung
Quốc dùng ethyl ether chiết xuất từ thân và lá cây (không có trong rễ) một hóa
chất, đem thử thì thấy có tác dụng lên ký sinh sốt rét Plasmodium
berghen. Họ đặt tên cho chất thuốc là Ginghaosu (QHS)
tức là hoạt chất của cây Ginghao hay, có vẻ hóa học hơn, artemisinin là danh từ
nay được quốc tế dùng. Trong lúc tìm kiếm, họ đã khảo sát trên 30 loài
cây Artemisia khác mà chẳng thấy cây nào chứa đựng QHS. Những
nhà khảo cứu Hoa Kỳ cũng không tìm ra artesiminin trong các cây A.
dracunculus, A. ludoviciana, A. pontica, A. schmidviana, A. vulgaris (6).
Những nhà sinh y học Đức nghiên cứu trên ba loài A. annua, A.
apiacea, A. capillaris, quê gốc đủ nơi, kết quả chỉ thấy có cây A.
apiacea mọc ở Nhật Bản (bên ta có tên thảo cao hay thanh cao ngò) là
có hoạt động chống sốt rét. Bên Mexico, tuy không tìm ra được artemisinin trong
cây, những nhà vi trùng học cũng khám phá ra được phần chiết của A.
ludoviciana mexicana có tính chất hạ nhiệt, chống trùng Plasmodium
yoelii yoelii, với LD50 29,2 mg/kg (20).
Mặc dầu ít có chi tiết về cách thức chế biến từ các phòng thí nghiệm Trung
Quốc, ngày nay người ta biết bên cạnh các dung dịch có thể chiết xuất
artemisinin như rượu, chloroform, aceton, hai dung dịch tương đối dễ dùng và rẻ
tiền là hexan (10) và petrolatum (30-60 độ)(9).
Báo chí gần đây có đưa ra tên hai dung dịch propylenglycol và ethylenglycol,
chất sau nầy có thể độc cho cơ thể. Hóa chất thô được đưa vào cột sắc ký
silicagel, dùng hỗn hợp chloroform-ethylacetat kéo ra một hóa chất ròng
hơn (8). Lại cho vào cyclohexan hay hay rượu 50% thì
artemisinin kết tinh thành hình mũi kim trắng tinh. Năng suất chiết xuất theo
các tác giả Tây phương là 0,06% (7), trong khi các phòng thí
nghiệm Trung Quốc đưa ra con số từ 0,01 đến 0,5%. Thật ra năng suất nầy còn tùy
độ ròng của hóa chất vì artemisinin lẫn lộn trong cây với một số terpen và dẫn
xuất khác như artemisiten, arteannuin, arteannuic acid, và càng muốn một
artemisinin tinh khiết thì năng suất lại càng sụt xuống. Thấy năng suất thấp,
các nhà hóa học ở hãng Hoffmann la Roche đã kiếm cách tổng hợp QHS. Cuộc chế
biến nhân tạo nầy khá dài dòng (13 đợt phản ứng) với một năng suất tổng quát
tương đối lớn (5%) so với thành tích các hóa sư Trung Quốc (0,24%) (11-14).
Dù sao, cuộc nhân tạo tổng hợp này chưa đưa ra phát triển trong kỹ nghệ được. Ở
Viện Đại học Buenos Aires một phương cách trồng thanh hao và sinh học tổng hợp
artemisinin mới đã được thực hiện qua phương pháp cấy mô (18).
Cấu tạo của artemisinin là một
sesquiterpen lacton, đặc biệt có mang bên trong một cầu peroxid. Khảo cứu liên
quan cấu tạo - hoạt động, người ta nhận thấy chính cái cầu nầy đã là nòng cốt
cho tính chất chống sốt rét của artemisinin. Thật vậy, đem phá cái cầu ấy thành
deoxy artemisinin thì hoạt tính biến mất. Sau nầy, những dẫn xuất của
artemisinin như dihydro ether, ester, carbonat được chế biến luôn còn giữ cầu
peroxid thì đều là những thuốc chống sốt rét mãnh liệt hơn cả artemisinin thiên
nhiên. Nói chung, hoạt tính tăng theo thứ tự
artemisinin < dihydro artemisinin
< ester < ether < carbonat
Carbonat ít được dùng vì khó tổng hợp.
Các ester thì phải chế biến ra muối artesunat mới hòa tan được trong nước. Rút
cuộc hai ether được đem thử nhiều nhất là artemether tức methyl ether (Trung
Hoa) và arteether tức ethyl ether (chương trình Liên Hiệp Quốc UNDP). Dựa vào
tính chất hoạt động của cầu peroxid, có phòng thí nghiệm đã tổng hợp những hóa chất trioxan (nghĩa là một phân tử artemisinin không có vòng lacton trong ấy
cầu peroxid gồm có hai nguyên tử oxi vẫn còn nằm trong một vòng đã có mang một
oxi khác), nhưng kết quả là chỉ có một số nhỏ có ít nhiều hoạt tính chống sốt
rét (14,16).
Trong hầu hết các cuộc khảo cứu,
artemisinin và các dẫn xuất đều là thuốc thuộc loại thứ nhất nghĩa là hủy schizont.
Tuy vậy, cũng có công tác chứng minh QHS là một chất diệt gametocyt (5),
chống ký sinh Plasmodium cynomolgi B trong muỗi Anopheles
stephensi. So với chloroquin thì các chất artemisinin, artemether,
arteether có nửa liều gây chết LD50 tuơng đối lớn hơn. Các
thuốc này đã được đưa đem thử nghiệm lâm sàng đầu tiên bên Trung Quốc từ những
năm đầu thập niên 80, sau đó khắp Đông Nam Á: Miến Điện (1987), Ấn Độ (1989),
Thái Lan (1991). Theo bà Vũ Thị Phan trong một bản báo cáo năm 1990 của Chương
trình chống Sốt rét, thì Việt Nam đã chiết xuất artemisinin và chế tạo
artemisunat để chữa trị sự nhiễm trùng của P. falciparum và P.
vivax kết hợp với những thuốc kháng sinh như tetracyclin, hay
doxycyclin (26). Một tài liệu khác (1990) cho biết ở Bệnh viện
Chợ Quán, artemisinin đã được đem so sánh với quinin. Trong khi 30 bệnh nhân
uống quinin, 32 bệnh nhân khác được cho artemisinin đút vào hậu môn, vì qua
hình thức nầy thuốc dễ dùng và hiệu nghiệm hơn, ngoài ra ít thấy có tác dụng
phụ. Kết quả rất khả quan. Các bác sĩ cộng tác trong chương trình nầy còn xác
nhận nếu được cho dùng phòng ngừa hoặc ngay lúc bệnh vừa mới phát giác thì thế
nào cũng giảm hạ được bệnh trạng và số tử vong (15). Ba năm
sau, trong một thử nghiệm lâm sàng, với 638 bệnh nhân, dùng thuốc uống
artemisinin cho thấy trong vòng 24 tiếng 98% ký sinh trùng sốt rét biến mât.
Một thử nghiệm khác vào năm 1999 cho thấy kết quả tốt nhất là dùng artemisinin
và sau đó quinin trong 3 hay 5 ngày (2).
Những năm sau nầy, thanh hao còn được
khảo cứu sâu rộng hơn. Ngoài vấn đề chống sốt rét, thanh hao qua một phấn chiết
với ethylacetat và butyl alcool có tính chất sát trùng với qinghao acid, chống
viêm với scopoletin (17). Tinh dầu thanh hao gồm có (%) camphor
(44), germacren (16), pinocarveol (11), selinen (9), carophyllen (9), artemisia
ceton (3) có tính chất phản oxi hóa, chống những trùng Enterococcus
hirac (27), Schistosoma japonicum, Toxoplasma
gondii (21). Artemisinin cũng như deoxy artemisinin,
dihydro epideoxy arteannuin ức chế cuộc phát khởi u khối (25,28).
Artesunat, ngoài tính chất miễn dịch, được đề nghị dùng làm thuốc chống ung
thư (23,24). Đem thử trên chuột cho thấy artemether có khả năng
chống trùng Schistosoma mansoni, ngăn cản nó đột nhập vào da (22).
Những kết quả ban đầu nầy hé mở một tương lai rộng lớn của khả năng thanh hao.
Rồi đây những khảo cứu cấu tạo - hoạt động sẽ cống hiến nhiều hoạt chất khác
với những tính chất mới lạ. Những thành phần của cây absinthin, anabsinthin,
thujon đã được tìm ra là đồng thời những tính chất kháng sinh, kháng nấm, kháng
oxy hóa, chống độc tố, diệt giun ký sinh, kích thích tình dục, làm toát mồ hôi
ngoài việc điều chế các rượu absinthe, vermuth (1).
Mấy năm trước, về thăm Việt Nam, tôi có
được nghe nói nhiều đến chuyện sản xuất artemisinin. Nước ta cần thuốc để chữa
trị sốt rét thì sản xuất là chuyện tất nhiên. Muốn đem bán ra nước ngoài lại là
một vấn đề khác. Như đã thấy, cần phải có một chất thuốc thật ròng nghĩa là
phải bỏ nhiều công của, buộc phải tính lợi hại. Thêm vào đó phải kể đến những
văn bằng sáng chế quốc tế trong số ấy Trung Quốc chiếm phần lớn. Ngoài ra, cũng
phải nghĩ đến chuyện ngẫu biến của muỗi và không biết artemisinin sẽ công hiệu
đến ngày nào. Cần chăng nên chuẩn bị một chất thuốc khác, may ra ta có được
chút ưu tiên. Bên ta có cây trường sơn Dichroa febrifuga Lour.,
thuộc họ Thường sơn Saxifragaceae, mà hoạt chất dichroin hay
febrifugin có khả năng vượt quá quinin 100 lần! Và nhiều cây khác như dây ký
ninh Tinospora crispa (L.) Miers, cây sừng bò Streptocaulon
juventas (Lour.) Merr., cỏ vườn trầu Eleusine indica (L.)
Gaertn, những cây thăng ma Cimicifugae L.
Thông tin Khoa học và
Công nghê (3) 1995, khoahoc.net 08.2006
Tham khảo:
Tổng luận
(1) Chu Hữu Tín, Cây ngải
(Artemisia annua L.) , Khoahoc@doisong (13.07.2006)
(2) Nguyễn Đức Hiệp, Dược thảo
huyền diệu: Thanh hảo và bệnh sốt rét, Diễn Đàn 164 (7.2006)
23-4; dẫn Nguyen D.S., Dao B.H., Nguyen P.D., Nguyen V.H., Le N.B., Mai V.S.,
Meshnick S.R., Treatment of malaria in Vietnam with oral artemisinin, Am.
J. Trop. Med. Hyg.48 (1993) 852-3 ; Peter J. de Vries, Nguyen
Ngoc Bich, Huynh Van Thien, Le Ngo Hung, Trinh Kim Anh, Piet A. Kager, Siem H.
Heisterkamp, Combinations of artemisinin and quinine for uncomplicated
Falcium malaria: efficacity and pharmacodynamics, Antimicrobial
Agents and Chemotherapy (5) 44 (2000) 1302-8
Đại cương
3- D.L. Klayman, Qinghaosu
(artemisinin): an antimalarial drug from China, Science (4703) 228 (1985)
1049-55
4- X.D. Luo, C.C. Shen, The
chemistry, pharmacology, and clinical applications of qinghaosu (artemisinin)
and its derivatives, Med. Res. Rev. (1) 7 (1987)
29-52
5- G.P. Dutta, R. Bajpai, R.A.
Vishwakarma, Artemisinin (Qinghaosu) - a new gametocytocidal drug for
malaria, Chemother. 35 (1989) 200-7
6- P.I. Trigg, Qinghaosu
(artemisinin) as an antimalarial drug, Econ. Med. Plant Res. 3 (1989)
20-55
7- D.L. Klayman, A.J. Lin, N. Action,
J.P. Scovill, J.M. Hoch, W.K. Milhous, A.D. Theoharides, Isolation of
artemisinin (qinghaosu) from Artemisia annua growing in the United States,
J. Nat. Prod. (4) 47 (1984) 715-7
8- N. Action, D.L. Klayman, I.J.
Rollman, Isolation of artemisinin (qinghaosu) and its preparation from
artemisitene using the Ito miltilayer coil separator-extrector and isolation of
arteannuin B, J. Chrom. 355 (1986) 448-50
9- R.J. Roth, N. Action, The
isolation of sesquiterpens from Artemisia annua, J. Chem. Edu.(4) 66 (1989)
349-50
10- H.N. ElSohly, E.M. Croom Jr., F.S.
El-Feraly, M.M. El-Sherei, A large-scale extraction technique of
artemisinin from Artemisia annua, J. Nat. Prod. (6) 53 (1990)
1560-4
Nhân tạo tổng hợp
11- G. Schmid, W. Hofheinz, Total
synthesis of qinghaosu, J. Amer. Chem. Soc. 105 (1983)
624-5
12- X.X. Xu, J. Zhu, D.Z. Huang, W.S.
Wei, Total synthesis of arteannuin and deoxyarteannuin,
Tetrahedron (3) 42 (1986) 819-28
13- M.A. Avery, C.Jennings-White, W.K.M.
Chong, The total synthesis of (+)- artemisinin and
(+)-9-desmethylartemisinin, Tetr.Lett. (40) 28 (1987)
4629-32
14- S.S. Zaman, R.P. Sharma, Some
aspects of the chemistry and biological activity of artemisimin and related
antimalarials, Heterocycles (8) 32 (1991)
1593-638
Ứng dụng
15- A. Keith, Tran Tinh Hien, Nguyen
Tran Chinh, Nguyen Hoan Phu, Pham Phuong Mai, A randomized comparative
study of artemisinine (qinghaosu) suppositories and oral quinine in acute
falciparum malaria, Trans. Roy. Soc. Trop. Med. Hyg. 84 (1990)
499-502
16- W. Peters, B.L. Robinson, J.C.
Rossier, C.W. Jefford, The chemotherapy of rodent malaria. XLVIII. The
activities of some synthetic 1,2,4-trioxanes against chloroquine-sensitive and
chloroquine-resistant parasite. Part 1: Studies leading to the development of
novel cis-fused cyclopenteno derivatives, Ann. Trop. Med. Paras.(1) 87 (1993)
1-7
17- L. Huang, J.F. Liu , L.X. Liu, D.F.
Li, Y. Zhang, N.Z. Nui, H.Y. Song, C.Y. Zhang, Antipyretic and
anti-inflammatory effects of Artemisia annua L.,China J. Chinese materia
medica (1) 18 (1993) 44-8, 63-4
18- N.B. Paniego, A.E. Maligne, A.M.
Giulietti, Artemisia annua (qing-hao): in vitro culture and the
production of artemisinin, Biotech. Agric. Fores.24 (1993)
64-78
19- N.J. White, The treatment of
malaria, New Eng. J. Med.(11) 335 (1996) 800-6
20- F. Malagon, J. Vasquez, G. Delgado,
A. Ruiz, Antimalaric effect of an alcoholic extract of Artimisia
ludoviciana mexica in a rodent malaria model, Parasitologia (1) 39 (1997)
3-7
21- Y. Li, Y.L. Wu, How Chinese
scientists discovered qinghaosu (artemisinin) and developed its derivatives?
What are the future perspective?, Med. Trop.: revue du
Corpsde Santé colonial 58 (3 suppl.) (1998) 9-12
22- X. Shuhua, J. Chollet, N.A. Weiss,
R.N. Bergquist, M. Tanner, Preventive effect of artemether in
experimental animals infected with Schistomosa mansoni, Parasitol.
Inter. (1) 49 (2000) 19-24
23- Q. Wang, L.M. Wu, A.Y. Li, Y. Zhao,
N.P. Wang, Experimental studies of antitumor effect of artesunate on
liver cancer, China J. Chinese materia medica (10) 26 (2001)
707-8
24- T. Efferth, H. Dunstan, A.
Sauerbrey, H. Miyachi, C.R. Chitambar, The anti-malarial artesunate is
also active against cancer, Int. J. Oncol. (4) 18 (2001)
767-73
25- P.C. Dias, M.A. Foglio, A. Possenti,
D.C. Nogueira, J.E. de Carvalho, Antiulcerogenic activity of crude ethanol
extract and some fractions obtained from aerial parts of Artemisia annua L., Phytoth.Res.: PTR (8) 15 (2001) 670-5
26- Phan Vu Thi, Artemisinine
and artesunate in the treatment of malaria in Vietnam (1984-1999), Bull.
Soc. Path. exot.(1990) (2) 95 (2002) 86-8
27- F. Juteau, V. Masotti, J.M.
Bessiere, M. Dherbomez, J. Viano, Aintibacterial and antioxidant
activities of Artemisia annua essential oil, Fitoterapia (6) 73 (2002)
532-5
28- M.A. Foglio, P.C. Dias, M.A.
Antonio, A. Possenti, R.A.F. Rodrigues, E.F. da Silva, 26. Rehder, J.E. de
Carvalho, Antiulcerogenic activity of some sesquiterpene lactones
isolated from Artemisia annua, Planta medica (6) 68 (2002)
515-8.
Vườn ai nắng ấm chan hòa
Hồn tôi chợt nở nụ hoa bình thường
Chẳng trà mi chẳng hải đường
Nửa gần gũi lắm nửa đuờng rất xa.
Hồn tôi chợt nở nụ hoa bình thường
Chẳng trà mi chẳng hải đường
Nửa gần gũi lắm nửa đuờng rất xa.
Nguyễn Đăng Trình
Trà mi hay hải đường?
Nếu ở trong nhiều nhà, đặc biệt ngoài Bắc, trà mi và hải đường là hai cây hoàn
toàn khác nhau, ở nhiều nơi khác, hai cây nầy chưa được phân biệt rõ ràng. Nói
cho đúng, cây thường được trồng làm cây cảnh gọi trà mi là "một cây gỗ
nhỏ, dạng bùi, cành nhánh nhiều, dài, xum xê. Lá mọc cách, nhẵn bóng, màu xanh
đậm, mép có răng nhỏ. Hoa đơn độc hay 2-3 chiếc ở đầu cành. Cánh hoa chuyển
tiếp từ cánh đài đến cánh tràng, mềm, xếp sát nhau, từ màu trắng, hồng đến đỏ.
Nhị rất nhiều. Hoa nở vào dịp đầu xuân...." (TH). Lẫn lộn là tên các cây
nầy mặc dầu cánh hoa hải đường có phần dày mập hơn cánh hoa trà mi. Thắc mắc,
Giáo sư Vĩnh Sính (1), nay đã mất, ở viện Đại học Alberta bên
Canada, lục lọi những câu trong Truyện Kiều phân biệt được hải đường tức haitang của
Trung Quốc, kaido của Nhật Bản
Hải đường lả ngọn đông
lân
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà. (hàng 175-176)
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng. (hàng 1283-1284)
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà. (hàng 175-176)
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng. (hàng 1283-1284)
và trà mi tức shancha (sơn
trà) của Trung Quốc, tsutaki của Nhật Bản
Tiếc thay một đóa trà
mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về. (hàng 845-846)
Chim hôm thoi thót về rừng,
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành. (hàng 1091-1092)
Con ong đã tỏ đường đi lối về. (hàng 845-846)
Chim hôm thoi thót về rừng,
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành. (hàng 1091-1092)
Theo anh Sính, hoa trà mi của ta
là camellia/ camélia mà Tiên Điền tiên sinh mượn hình tượng
nhằm nói lên kiếp hồng nhan trước những thử thách quá ư nghiệt ngã của số phận
khi định mệnh đã đưa đẩy Kiều vào tay của Mã Giám Sinh và Sở Khanh - những kẻ
"thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương". Còn hoa hải đường qua
lời của Đường Minh Hoàng hỏi Dương Quý Phi: "Hải đường thụy vị túc da?"
(Hải đường ngủ chưa đủ sao?) tiên sinh mượn nhằm nói lên những nét yểu điệu gợi
cảm của nàng Kiều qua bóng dáng một Dương Quý Phi kiều diễm. Cũng theo anh, tên
khoa học của cây hải đường là Malus spectabilis, tiếng Anh gọi
là flowering cherry-apple (hay Chinese flowering apple,
hay Japanese flowering crab-apple và nhiều tên khác), tiếng
Pháp gọi là pommier sauvage. Gần đây những nhà khảo cứu Trung Quốc
đề nghị một số tên: Camellia sasanqua là Flowering
cherry, C. hiemalis là Small rose, C.
japonica là Autumn peony, và một giống mới từ C. sasanqua là Mosaic
peony.
Trong sách báo, tên cây hải đường có mặt
trong cuốn Cây cỏ miền Nam Việt Nam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ.
Có thể đã dựa theo pho Flore générale de l’Indochine, Giáo sư đã
gán tên khoa học Thea amplexicaulis Pitard cho hải đường,
nhưng trong bộ Cây cỏ Việt Nam, cũng cùng hình vẽ và mô tả gần
giống nhau, cây có tên khoa học Camellia amplexicaulis (Pit.)
Coh-Swart (gần đây danh từ Camellia thường được dùng thế Thea)
không mang tên hải đường nữa mà là trà hoa lá ôm và trong suốt bộ sách 6 cuốn
không còn tìm ra tên hải đường đâu nữa (PHH). Đằng khác, trong sách báo khoa
học thế giới mà tôi tìm đọc được, không thấy có khảo cứu ba cây Malus
spectabilis, Thea amplexicaulis và Camellia amplexicaulis.
Dù sao, chắc chắn một điều là trà mi phải mang tên chi khoa học Camellia như
Giáo sư Vĩnh Sính đã đề nghị. Nhà vạn vật học Thụy Điển Carl von Linné
(1707-1778) đặt tên nầy năm 1753 để tỏ lòng biết ơn vị giáo sĩ giòng Tên George
Joseph Kamel đã có công mang hột từ Trung Quốc về Âu châu cuối thế kỷ XVII.
Chi Camellia chắc chắn
rồi, bây giờ câu hỏi là loài Camellia nào? Về cây chè hay trà,
Giáo sư Đỗ Tất Lợi chỉ kể một vài Camellia thuộc họ Chè Theaceae: C.
sinensis O. Ktze (hay Thea chinensis Seem) tức cây
chè hay trà; C. sasanqua Thunb. (hay T. sasanqua (Thunb.)
Nois.) tức cây sở hay trà mai, trà mai hoa; C. oleosa (Lour)
Rehd (hay Thea oleosa Lour, C. drupifera Lour)
tức cây du trà, và một vài cây thuộc họ Hoa hồng Rosaceae: Crataegus
pinnatifida Bunge tức sơn trà hay bắc sơn trà; C.
cuneata Sieb.et Zucc., tức dã sơn trà hay nam sơn trà (ĐTL). Giáo sư
Phạm Hoàng Hộ kê đến ít nhất cũng 30 Camellia phần lớn mang
tên hoa trà (gân, gân có lông, sa, đồng, đuôi, dài, cám, nhụy ngắn, vàng, vàng
vàng, hoa vàng, lá ôm, trái mỏng, hấp trùng, san hô, Phamhoang, Nhật, Đông
Dương, Việt Nam,...) bên cạnh những C. sasanqua Thunb. tức
trà mai,C. oleifera C. Abel tức du trà còn gọi cây sở (PHH). Theo
Nguyễn Duy Chính (2) thì một phần các Camellia là
sơn trà: Nhật Bản sơn trà C. japonica, Vân Nam sơn trà C.
reticulata Lindl., tây nam sơn trà C. pitardii Cohen
Stuart, Nộ Giang sơn trà C. saluenensis Stapf ex Bean, Çông
hồng sơn trà C. hiemalis Nakai, ngoại trừ kim hoa trà C.
petelotii Sealy, cúc trà C. chrysantha Tuyama,Mông tự
liên nhị trà C. forestii Cohen Stuart. Không thấy nói đến trà
mi và hải đường. Danh từ trà mi chỉ được thấy trong cuốn Cây cảnh, hoa
Việt Nam của Trần Hợp (Công ty Phong lan Tp Hồ Chí Minh) với tên khoa
học C. japonica Nois (hay L.), thuộc họ Chè Theaceae. Theo
tác giả nầy, chủng có hoa đẹp hơn cả là var. flore-pleno Hort,
cánh hoa kép nhiều lớp xếp xoắn ốc. Người Nhật Bản gọi nó là tsubaki và
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ trà hoa Nhật.
Trong báo chí khoa học, một số cây Camellia đã
được khảo cứu. Từ hột cây C. japonica, dùng rượu chiết xuất được
saponin, prosaponin, sapogenol, thủy phân đem lại những chất đường arabinose,
galactose, glucose, cùng tiglic acid, camellin, những oligoglycosid có tính
chất chống hấp thu alcool. Các nhà dược lý học Nhật Bản còn trích từ hột cây 2
camelliin cùng 3 camelliatanin và từ lá cây 2 camelliatanin. Nhưng lại các nhà
khảo cứu Hàn QuÓc ở Khoa Tài nguyên Y học Á Đông khám phá ra camelliatanin H có
tính chất ức chế hoạt động của trùng HIV-1 PR với IC50: 0,9
microM. Lá cây còn chứa đựng nhiều catechol và ascorbic acid (mùa đông 127-211,
mùa hè 0,29 mg%). Dầu hột cây C. japonica chứa đựng nhiều
triterpen alcool trong ấy 19 chất đã được xác định. Một nhóm khảo cứu viên cũng
ở Trường Khoa học Công nghệ, Viện Đại học Tokyo, còn tìm ra được 27 triterpen
alcool trong dầu hột hai cây C. japonica và C.
sasanqua. Một số lớn các triperpen alcool nầy có tính chất kháng viêm (13).
Từ hoa cây C. japonica đã được xác định 3 flavonol, quercetin,
kaempferol, sexangularetin, 3 phenolic acid cùng spinasterol, stigmasterol, một
hỗn hợp 2 glucosid và một triterpen. Cánh hoa còn tươi chứa đựng 2 terpen
alcool, 2 sterol, 4 polyphenol, pectin, trisaccharid, flavandiol trong
cellulose, nhiều n-alcan, 2 tanin trong nụ hoa. Màu sắc trong C.
japonica cũng như trong C. sasanqua là từ những
anthocyanin mà lại, ít nhất cũng 14 chất. Một cây được sắp với C.
japonica vì mang tên Thea sinensis japonica đã được
khảo cứu từ lâu.
Như vừa thấy, cây trà mai, trà mai
hoa C. sasanqua, còn có tên cây sở, người Nhật gọi C.
sasanqua, cũng đã được khảo cứu nhiều. Lá cây chứa đựng một glycosid là
sasanquin bên cạnh eugenol, glucose, xylose, acscorbic acid cùng một số
carotenoid (20,15 mg/100g) mà 83,6 % đã được xác định. Hai dimeric tanin được
tìm ra trong nụ hoa, theanin trong đọt, rễ, lá, mầm cây, mất dần khi cây lớn
lên như ở C. japonica. Từ hột cây đã được chiết xuất 3 sapogenin, 2
sapogenol, 3 theasapogenil, barrigenol, hydroxyerythrodiol, sasanqua saponin có
tác dụng độc lên thỏ LD50: 0,25 ppm. Bên phần hột cây C.
oleosa mà Giáo sư Đỗ Tất Lợi gọi là du trà, thì được chiết xuất với
nhiều dung dịch để lấy saponin: hỗn hợp butanol-nước (14,7%) tốt hơn nước một
mình (7,7%). Còn cây C. druppifera mà Giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng
gọi du trà nhưng mang tên trà có nhân theo Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, thì được học
hỏi từ cuối thế chiến thứ nhất và kết quả đăng trong báo Kinh tế Đông Dương:
ép hột cây thành dầu trong, vàng, vị ngọt dễ chịu, chứa đựng acid béo (93,79%)
và oleic acid (1,36%), không có alcaloid và các chất cyanogen nhưng chút ít
glucosid saponin, có thể dùng làm xà phòng và, sau khi loại saponin, làm dầu ăn; cặn bả còn lại có thể làm phân bón và nhờ chứa đựng saponin, nó rất độc cho
ấu trùng sâu bọ (TH).
Về mặt dược liệu, sasanquol, một chất
triterpen lấy từ tinh dầu ra, có tính chất chống viêm (17).
Cũng thử trên chuột, sasanqua saponin có tính chất bảo vệ cơ tim bị thiếu máu
cục bộ nguyên do thiếu oxi-mô/tái oxi hóa (20) hay
isoproterenol (24) gây ra isoproterenol (24).
Nhiều tannin, đặc biệt camelliin, có khả năng ức chế hiệu ứng bệnh học tế bào
do trùng HIV gây ra (EC50: 4,8-11,8 microg/ml). Còn gemin thì
tỏ ra có hoạt động kháng VIH (EC50: 2,0 g/ml) (10).
Lá cây đã được nghiền thành bột, chiết xuất với nhiều dung dịch hữu cơ để dùng
làm thuốc khử mùi trong nhà. Dầu sasanqua được dùng làm thuốc tẩy (8) hay
trong các hỗn hợp bảo vệ da (7). Sasanqua saponin (25%) đem
trộn với nicotin (2%) thuốc lá thành hỗn hợp dùng để trừ rệp (LD50:
13,16 microg/ml; LD90: 62,25 microg/ml), hiệu nghiệm trên
85% (11). Saponin được dùng làm thuốc khử trùng (25).
Từ saponin nầy lại trích ra được camelliagenin dùng để loại cá bống trắng, cá
vây gai trong các ao nuôi tôm hay để đuổi ruồi cùng nhiều loại sâu bọ trong
nhà (15). Ở Việt Nam, hột cây đã được khảo cứu để tìm protein
và amin acid (5), acid béo trong hột cây hoang (6).
Lá cây bên ta cũng được xem như là một nguồn eugenol (95-97% tinh dầu), nhưng
kết quả khảo sát qua ba mùa thu, đông, xuân là số lượng khá nhỏ (0,0026%) và
eugenol không được tìm ra trong thời gian cây lớn lên, trái lại hoá chất chính
là linalool (37,12-48,82%) (I2).
Hai cây sơn trà không thuộc chi Camellia,
thường được gọi là hawthorn, cũng đã được khảo cứu: cây nam sơn
trà Crataegus cuneata Sieb. et Zucc., còn được gọi red
haws, thorn apple hay Japanese hawthorn, được
thấy nhiều hơn cây bắc sơn trà C. pinnatifada Bunge, còn được
gọi Chinese hawthorn trong các bản báo cáo. Lấy ether chiết
xuất C. cuneata thì được ursulic acid. Trái cây chứa đựng một
triterpenoid: cuneatol. Trong lá cây non có một glycosid loại prunasin. Ba
flavonoid (vitaxin, rutin, hyperosid) đã được xác định trong cả hai cây Crataegus bên
cạnh 4 acid hữu cơ: tartaric, malic, citric và succinic acid. Cả hai cây, nhất
là C. pinnatifada, nhờ vậy, được dùng để phòng ngừa và chữa
những chứng tim mạch. Một phương pháp phân tách dựa lên sắc phân với nhựa
Amberlite XAD-2 và một hệ thống dung dịch tách rửa ethanol-nước phát hiện đến
56 flavonoid. Cây C. cuneata giàu ascorbic acid lại chứa đựng
một enzym ức chế hoạt động khử oxi của acid ấy. Nó cũng là một cây thuốc rất
hiệu nghiệm: dùng nước nóng pha NaOH chiết xuất thì được một dung dịch nồng độ
lớn natri ascorbat rất độc cho ung thư biểu mô có vảy da tế bào khối u tuyến
nước bọt con người vì có khả năng phá hủy những superoxid anion và những gốc
hydroxyl. Môn học cổ truyền Trung Quốc còn dùng nó sắc uống chữa bệnh tăng
lipid huyết. Hai văn bằng sáng chế dùng trái cây trong một hỗn hợp đễ chữa bệnh
nghiện ma túy (4) hay để làm giấm (19).
Trái cây cũng đã được dùng làm chất lợi tiểu, làm tiêu hoá, chữa những chứng ở
ruột (18). Trong đời sống hằng ngày, C. cuneata được
dùng trong mỹ phẩm bảo vệ da (9,11,16,23), kích thích tóc
mọc (21,22) cũng như C. pinnatifida (26).
Cây bắc sơn trà nầy chứa đựng (%) flavon (3,12-3,43), ursulic acid
(0,470-0,563), đường (17,38-21,43) và (ppm) Cu (16,04), Na (11,54), Zn (12,01),
Fe (126,0) và P (695,2).
Bên ta, trong dân gian, cây sở hay trà
mai cũng có công dụng. Dầu sở được dùng làm thực phẩm, nấu xà phòng, thắp đèn,
chữa ghẻ lở. Khô sở dùng làm phân bón, thuốc trừ sán, trừ giun đất; không thể
dùng cho súc vật ăn đuợc vì có độc. Bó gảy xương: lá sở 50g, lá náng 50g, hai
thứ giã nhỏ, đắp và bó. Bên phần cây sơn trà (hoa, quả, lá) Tây y coi là một vị
thuốc chủ yếu tác dụng trên tuần hoàn (tim và mạch máu) và giảm đau an thần.
Đông y lại coi sơn trà là một vị thuốc chủ yếu trên bộ máy tiêu hóa. Theo tài
liệu cổ, sơn trà có vị chua, ngọt, tính ôn hòa vào ba vị kinh tỳ và can, tiêu
được các thứ thịt tích trong bụng, phá được hành khí, hành ứ hóa đờm rãi, giải
được độc cá, lở sơn, chữa tả lỵ, trị tích khối, huyết khối, giảm đau... Liều
dùng trong Đông y: ngày uống 3-10g dưới dạng thuốc sắc, uống một vị hoặc phối
hợp v§i các vị thuốc khác. Tây y dùng dưới dạng cao lỏng (ngày uống 2-4 lần
trước bửa ăn, mỗi lần 20-30 giọt) hoặc cồn thuốc (ngày uống 3-4 lần, mỗi lần
20-30 giọt) để chữa các bệnh về tim mạch, cao huyết áp và giảm đau (ĐTL). Thì
ra ông cha ta, tuy không khảo cứu khoa học tuờng tận, đã có nhiều kiến thức về
các cây thuốc này.
Ở Paris, mùa xuân năm nay, tôi đã cố ý
đi khắp các vườn hoa, công viên tìm xem các loại mà người Pháp gọi là camélia.
Hoa nở màu hồng, màu đỏ, màu trắng lẫn lộn, có nhụy vàng lớn hay nhỏ hay không
có nhụy, cánh hoa nhiều lớp xếp sát nhau hay xếp xoắn ốc. Một điều đáng chú ý
là các cánh hoa đều mỏng, đặc tính của hoa trà mi. Thành thử tôi không tìm ra
được một loại hoa có thể cho là hải đường. Về Huế thì không đúng mùa, tôi chỉ
được ngắm hoa hải đường còn búp. Sau nầy còn phải tìm biết cho được cây kim ty
hải đường, không biết hình dáng ra sao? Nếu bạn ghé Paris, có thể lên nghĩa địa
Montmartre thắp một nén hương trên mồ bà Alphonsine Plessis (1824-1847) đã từng
được nhà văn hào Alexandre Dumas fils (1824-1895) dùng làm mẫu cho người kỹ nữ
trong cuốn sách truyện La dame aux camélias (1848). Tác giả
giải thích đặt tên sách như vậy vì nhân vật bạc mệnh rất yêu hoa camélia,
ngay hôm gặp nhau lần đầu nàng Marguerite đã tặng chàng Armand một đóa và bắt
hứa ngày mai phải đem trả lại khi hoa tàn, nên một đóa hoa camélia trắng
đã được cài lên hình bà Alphonsine Plessis đính trước thành mộ, mong ký ức hồng
nhan được tồn tại đời đời.
Nghiên cứu và Phát
triển 2 (55) 2006, khoahoc.net 12.2007
1- Vïnh Sính, Hải đường là ngọn
đông lân, Diễn Đàn, Paris 133 (10) (2003) 45-6
2- Nguyễn Duy Chính, Sơn trà, Nghiên
cứu và Phát triển, Huế 4-5 (52-53) (2005) 100-12
3- Bouvelot, Contribution to the
chemical study of the fruit of Camellia drupifera, Bull. Econ.
Indochine 21 (1918) 232-4
4- B.W. Wu, S.P. Lee, Anti-narcotic
medicine, Brit GB 1096708 (1967) 3 tr.
5- Duong Tan Phuoc, H. Meier, W.
Wiesemueller, Protein and amino acid content in some extracted oilmeals
of the Vietnam Democratic Republic, Wissenschaftliche Zeitschrift
der Univ. Rostock, Math.-Naturw. Reihe 18(1/2) (Pt1) (1969)
151-3
6- Cl. Franzke, Duong Tan Phuoc, E.
Hollstein, Fatty acid composition of seeds of wild-growing oil plants
of Vietnam, Fette, Seifen, Anstrichmittel 73(10)
(1971) 639-42
7- M. Aizawa, K. Senoo, K. Uehara, Skin
preparation containing drying-semidrying oils, Jpn. Kokai Tokkyo
Koho JP 61207313 (1986) 8 tr.
8- J. Liu, et al., Household
synthetic detergent and its production, Faming Zhuanli Shenqing
Gongkai Shuomingshu CN 1048884 (1991) 6 tr.
9- C. Wananabe, T. Kondo, Skin
cosmetics containing kojic acid and plant extracts, Jpn. Kokai
Tokkyo Koho JP 03193712 (1991) 7 tr.
10- T. Hatano, L. Han, S. Taniguchi, T.
Chou, T. Shingu, H. Sakagami, M. Takeda, H. Nakashima, T. Murayama, et
al., Anti-HIV tannins from Camellia japonica and related plant species, Tennen
Yuki Kagobutsu Toronkai Koen Yoshishu 34 (1992) 510-7
11- A. Asano, A. Hayashi, S.
Kuribayashi, K. Kaizu, Skin-lightening cosmetics containing
N,N’-diacetylcystinedimethyl and plant extracts, Jpn. Kokai Tokkyo
Koho JP 06065045 (1994) 14 tr.
12- Nguyen Thi Tam, Nguyen Trong
Duong, Determination of eugenol from Camellia leaves collected in some
provinces of northern Vietnam, Tap chi Duoc hoc (5) (1994)
16-7
13- T. Akihisa, K. Yasukawa, Y. Kimura,
S.I. Takase, S. Yamanouchi, T. Tamura, Triterpene alcohols from
camellia and sasanqua oils and their anti-inflammatory effects, Chem.
Pharm. Bull. 45(12) (1997) 2016-23
14- S. Hu, W. Hu, K. Wang, Effectiveness
of using 27% sasanqua saponin nicotine soluble aquae concentrate as insecticide
to control aphids, Hunan Shifan Daxue Ziran Kexue Xuebao 20(1)
(1997) 63-7
15- X. Hou, Q. Sun, S. You, G. Wang, J.
Zhang, B. Su, S. Wang, Application of Camellia oleosa seeds saponin, Faming
Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1191069 (1998) 7 tr.
16- M. Hayase, Skin conditioners
containing urea, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 10152428 (1998)
4 tr.
17- T. Akihisa, K. Yasukawa, Y. Kimura,
S. Yamanouchi, T. Tamura, Sasanquol, a 3,4-seco-triterpene alcohol from
sasanqua oil, and its anti-inflammatory effect, Phytochem.48(2)
(1998) 301-5
18- T. Okamura, R. Akino, Y.
Ohfuka, Induction of callus from Crataegus cuneata stems, Mukogawa
Joshi Daigaku Kiyo, Shizen Kagaku-hen 47 (1999) 43-5
19- S. Wu, Wild haw vinegar and
ist making process, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai
Shuomingshu CN 1274749 (2000) 4 tr
20- P. Li, M. He, Q. Huang, W.
Peng, Protective effect of sasanquasaponin on anoxia/reoxygenation
injured rat myocardium and its mechanism of action, Zhoncaoyao 31(11)
(2000) 841-3
21- K. Suzuki, K. Imamura, T. Okajima,
F. Kimura, Hair growth stimulating compositions containing minoxidil
and plant extracts, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2000204022
(2000) 5 tr.
22- H. Nishizawa, T. Kono, Hair
tonics containing hair growth stimulants and plant extracts, Jpn.
Kokai Tokkyo Koho JP 20011089331 (2001) 15 tr
23- K. Hasegawa, K. Sato, O. Ifuku, I.
Yamamoto, Skin compositions having improved skin-whitening effects and
storage stability, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2001302525
(2001) 17 tr
24- Q. Huang, S. Cao, M. He, P. Li, W.
Peng, Protective effect and pharmacological ischemic preconditioning of
sasanqua saponin mediated by NO on intact rat heart, Zhoncaoyao 32(1)
(2001) 44-6
25- W. Cao, L. Wu, X. Shi, B. Xei, Extraction
and rafinement of Camellia oleosa saponin with ultrafiltration membrane, Zhongguo
Yopuzhi27(3) (2002) 55-7
26- H. Kurita, M. Nishito, H.
Shimogaki, Gray hair-preventive agents and screening method for
hair-active ingredients, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP
200277531 (2003) 21 tr.
10- Trinh nữ thẹn thùng
Sáng nay vô số lá vàng rơi
Người gái trinh kia đã chết rồi!
Người gái trinh kia đã chết rồi!
Nguyễn Bính
Ngày xưa có một cô tên
Trinh, con nhà nghèo khó, nhưng là một cô gái rất đẹp, vóc người mảnh mai, dáng
đi yểu điệu, đặc biệt có đôi mắt đen huyền ẩn sau đôi hàng lông mi vừa dài, vừa
sậm. Trong xóm có cậu công tử tên Xinh đem lòng yêu mến cô Trinh. Nhuốm bệnh
tương tư, một hôm thừa lúc vô ý, cậu chạy lại nắm tay cô. - Cậu đừng làm vậy mà
thất giáo. Tôi đây thà chết chớ không bao giờ để hoen ố. Ông bá hộ, cha của
cậu, thấy cậu đã lớn tuổi, tìm nơi môn đăng hộ đối để định gia thất cho
con. Sống với người vợ không vừa ý, cậu Xinh vô cùng phẩn chí, đi tới đi lui
như người không hồn. Sau một thời gian đi xa, cậu Xinh trở về làng cũ, thẩn thờ
ra sau vườn gần mé sông, hình ảnh cô Trinh vẫn còn ghi trong tâm trí của cậu.
"Bổng nhiên, từ trong bụi rậm, cô Trinh bước ra. Cậu đứng nhìn, kìa cô
Trinh cất giọng hát, giọng trong trẻo, mê ly lạ thường. Chợt thấy cậu, cô Trinh
run rẩy, quay người toan chạy trốn. Cậu Xinh vội nắm tay cô rồi ôm vóc ngọc vào
lòng. Rõ ràng là đôi mắt đen huyền đang khuất sau hai hàng mi dày sậm. Cậu cúi
mặt để hôn. Nhưng hởi ôi nàng đã tắt thở. Cậu giật mình, mới biết nảy giờ mình
đang cúi xuống đất mà hôn một đóa hoa màu hồng, xung quanh đầy lá nhỏ mịn, thứ
lá xếp lại như hàng mi khép khi có hơi gió hoặc hơi thở nào động tới. Hỏi ra
mới biết, vì có kẻ tham quan ô lại toan dùng quyền lực cưởng bức nên cô Trinh
đã tự tử từ hai năm nay. Cho hay, chữ trinh giá đáng nghìn vàng. Dẫu chết xuống
âm cảnh, người thiếu nữ vẫn giữ sự trong sạch của tâm hồn mình" (2).
Chuyện cô Trinh nhắc ta nhớ đến một sự
tích trong thần thoại Hy Lạp. Nữ thần Daphné, một tay thiện xạ, muốn sống độc
thân như cô trinh nữ Artémis, thần săn bắn. Một hôm, nhân từ chối những lời
ngon ngọt của thần Apollon và bị chàng si tình rượt đuổi trong rừng, nàng cầu
cứu vua cha, thần sông nước Pénée và được vua cha (hay Thượng đế Zeus) biến hóa
ra thành một cây hương mang lá không rụng, có hoa trắng thơm, cây thắng dapné
(theo tiếng Hy Lạp), tiếng Pháp gọi laurier, tiếng Anh laurel,
tên khoa học Laurus nobilis, thuộc họ Long não Lauraceae.
Apollon chỉ còn biết hái lá cây trang trí cho cây đàn lia và chiếc cung của mình,
nhưng đồng thời cũng tôn phong là cây thiêng liêng nên sau nầy thi sĩ, tướng tá
hay vua chúa thường hay mang vòng lá thắng (couronne de laurier). Đặc
biệt những nghệ sĩ hay nhà bác học thường được thưởng một vòng mang quả mọng
cây thắng (bacca laurea) nên sau nầy tiếng Pháp có danh từ baccalauréat để
chỉ bằng tú tài.
Đóa hoa màu hồng kia là hoa cây trinh nữ
còn gọi là cây thẹn, cây mắc cở, cây hỗ ngươi hay hàm tu thảo, ojigi so bên
Nhật, lajwanti bên Ấn Độ, lajjabati bên
Bangladesh, tức là cây sensitive của Anh, Pháp, mang tên khoa
học Mimosa pudica L. từ hai tiếng La Tinh mimus (điệu
bô) và pudicus (trong trắng, tiết hạnh) mà ra. Thuộc họ Trinh
nữ Mimosaceae, nó là một cây nhỏ, thường cao 30-40 cm hay cao hơn,
cũng có thể bò sát đất, mọc hoang khắp nơi trong nước ta, lóa xóa ở hàng rào,
ven đường cái, bải cỏ rộng, thân có gai hình móc. Lá kép chân vịt, cuống lá gầy
có nhiều lông, mang bốn nhánh lá chét hình lông chim, phiến lá chét nhỏ gồm
15-20 đôi gần như không cuống, khi ta đụng phải thì là cụp lại. Hoa màu
tím đỏ, tụ thành hình đầu trái xoan. Quả đậu có lông cứng ở mép và thu lại giữa
các hạt hình trái xoan (ĐTL, LTĐ).
Cây cỏ có rễ bám vào đất thì không di
chuyển từ chỗ nầy qua nơi khác được nhưng không phải vì vậy mà chúng luôn ở thể
tĩnh. Tính nhận cảm của chúng biểu lộ ở mỗi thay đổi khí hậu, ánh sáng, độ ẩm
cũng như sự hiện diện những hóa chất trong môi trường xung quanh. Thường cử
động của cây cỏ được sắp thành ba loại: loại tính hướng tropism (
cử động hướng theo tác nhân kích thích), loại tính ứng nasty (cử
động không có liên lạc với tác nhân kích thích) và loại tính theo taxis (
cử động hướng theo hay không tác nhân kích thích). Cây trinh nữ thuộc loại tính
ứng. Như ở nhiều loại cây đậu, đặc biệt ở các loại cây keo Acacia
karroo, cây me Oxalis strica, động tác là mở ban ngày,
khép ban đêm hay khi bị đụng tới ở cây trinh nữ đã được để ý đến trước cả công
nguyên. Hình như vào thời kỳ Đại đế Alexandre đã thấy có ghi chép hiện tượng
nầy. Chuyển động tuần hoàn tương đối chậm (khoảng 24 tiếng đồng hồ) của lá cây
gọi là tính ứng đêm nyctinastic, thao diễn như được một chiếc đồng
hồ sinh vật học điều khiển.
Thật vậy, khái niệm tính ứng đêm chỉ ra
đời sau khi khái niệm đồng hồ sinh vật học được nêu ra. Đầu thế kỷ 18, Du Fay,
một nhà hoá học kiêm vật lý học người Pháp, quản đốc ngự uyển, phát giác
ra tính ứng đêm (lá mở ngày khép đêm) luôn thao diễn dù ở trong bóng tối.
Hiện tượng lạ lùng khó giải thích này thúc đẩy các nhà khảo cứu, hóa học, nông
học cũng như sinh vật học, kiếm cách tìm hiểu cơ chế không những tinh ứng đêm
tức cử động chậm mà còn cả tính ứng tiếp xúc thigmonastic còn
gọi tính ứng chấn động seismonastic tức là phản ứng lanh của
cây cỏ. Năm 1882, nhà vạn vật học có tiếng Charles Darwin, tác giả cuốn sách
độc đáo "Nguồn gốc chủng loại", cùng với con trai Francis rút
kinh nghiệm khảo cứu trên hơn một trăm loại cây, cho xuất bản bộ sách quan
trọng "Khả năng vận động của cây cỏ" trong ấy tính
ứng đêm đã được đề cập đến. Những thí nghiệm khéo léo của hai ông về sự đổi màu
ngoài sáng đã đưa đến cuộc phát minh chất auxin là hormon cây cỏ đầu tiên trong
số sáu hormon được biết nhiều nhất: auxin ethylen, gibberillin, cytokinin,
abscisis acid và brassinolid. Ngày nay, người ta giải thích cử động của lá
cây là do các luồng ion, đặc biệt các ion K+, gây ra một cuộc di
chuyển nước trong hay quanh những tế bào sắp đặt trên và dưới các tổ chức mạch
trung tâm. Những tế bào nầy khi co thắt thì mất ion K+, khi phồng
trướng thì lấy lại các ion ấy, gây ra cuộc chuyển động (49).
Bên lề cơ chế, những nhà khảo cứu muốn
tìm cho ra những hoạt chất đã kích thích hoạt động của lá cây. Thoạt tiên, được
nghĩ đến trước tiên là những amin acid, đặc biệt glutamic acid, alanin hỗn hợp
với serin, hay glutamic acid với alanin, nhưng thực nghiệm không chứng minh
được rõ ràng. Sau đó, phương pháp điện sinh lý học dẫn đường đến chất
natri glutamat.
Cùng lúc, những chất như mimosin, tubulin, jasmonic acid, acetylcholin, indol acetic acic, hay một enzym, apyrase, cũng được đề nghị làm chất điều hòa chuyển động tuần hoàn trong lá. Năm 1983, Schildneckt và Binder ở Viện Đại học Heidelberg bên Đức chiết xuất và xác định được từ nhiều cây, đặc biệt từ cây trinh nữ, các loại cây keo, cây me, những chất turgorin gồm có trong phân tử nhóm acid SO3H, mà họ cho là một loại mới phytohormon chỉ đạo cuộc chuyển động kia. Sau cùng, Yamamura và Ueda, hai giáo sư ở Viện Đại học Keio tại Yokohama bên Nhật, khám ra một hỗn hợp gồm có ba chất: kali malat, magnê aconitat và dimethyl ammonium và theo hai ông chính là chất kích thích cây trinh nữ vì lá đã phản ứng với liều lượng 10-3-10-9 M. Đằng khác, hai tác giả nầy còn phân biệt: hỗn hợp ba chất kia chịu trách nhiệm tinh ứng lanh, còn cử động chậm tinh ứng đêm thì là do cặp hai chất kali glucopyranosyl gentisat (khép lá ban đêm) và mimopudin (19) (mở lá ban ngày) dao động thăng bằng với nhau mà nhờ thay đổi cách chiết xuất họ đã phân biệt được.
Cùng lúc, những chất như mimosin, tubulin, jasmonic acid, acetylcholin, indol acetic acic, hay một enzym, apyrase, cũng được đề nghị làm chất điều hòa chuyển động tuần hoàn trong lá. Năm 1983, Schildneckt và Binder ở Viện Đại học Heidelberg bên Đức chiết xuất và xác định được từ nhiều cây, đặc biệt từ cây trinh nữ, các loại cây keo, cây me, những chất turgorin gồm có trong phân tử nhóm acid SO3H, mà họ cho là một loại mới phytohormon chỉ đạo cuộc chuyển động kia. Sau cùng, Yamamura và Ueda, hai giáo sư ở Viện Đại học Keio tại Yokohama bên Nhật, khám ra một hỗn hợp gồm có ba chất: kali malat, magnê aconitat và dimethyl ammonium và theo hai ông chính là chất kích thích cây trinh nữ vì lá đã phản ứng với liều lượng 10-3-10-9 M. Đằng khác, hai tác giả nầy còn phân biệt: hỗn hợp ba chất kia chịu trách nhiệm tinh ứng lanh, còn cử động chậm tinh ứng đêm thì là do cặp hai chất kali glucopyranosyl gentisat (khép lá ban đêm) và mimopudin (19) (mở lá ban ngày) dao động thăng bằng với nhau mà nhờ thay đổi cách chiết xuất họ đã phân biệt được.
Thật ra, những crocetin glucosid với
Benerji, phenolic glycosid với Umrath, chính xác hơn những dihydroxy benzoic
acid - glucorinid hay - glucosid sulfat hay - glucosid disulfat hay
glucopyranosyl sulfat gallic acid cũng đã từng được Chamberland và nhất là
Schildneckt nói đến. Song song với cây trinh nữ, khảo cứu trên nhiều cây như
loại đơn châu Lespedeza cuneata, vọng giang nam Cassia
mimosoides, diệp hạ châu Phyllanthus urianata, Yamamura và
Ueda (19) nhận thấy một trong hai chất của cặp đôi
nầy luôn là một glucosid do một enzym là bêta-glucosidase hoạt hóa theo
chiếc đồng hồ sinh vật học trong những những điều kiện sinh lý học. Phân biệt
được hai tinh ứng, hai ông hy vọng kết thúc một cuộc tranh luận bắt đầu từ hơn
80 năm nay. Bên phần Phòng thí nghiệm Sinh lý Thực vật ở Viện Đại học Poitiers
bên Pháp thì khám phá ra được trong những tế bào vận động lá cây, hai protein
myosin và actin co bóp như ở các bắp thịt con người (1). Còn
cần phải giải thích quan hệ giữa các protein nầy với các hóa chất kích thích
trong một cơ chế phức tạp.
Bên cạnh những chất dính dáng đến động
tác của lá, nhiều hóa chất khác cũng đã được tìm ra trong cây trinh nữ. Mimosin
được nói đến nhiều nhất là một alcaloid (3,9) đã được
nhân tạo tổng hợp (5). Nó cũng được chiết xuất từ cây keo
giậu Leucaena leucocephala (còn gọi cây keo, bọ chét, bình
linh) và rất giống chất leucenol (hay leucenin) chiết xuất từ cây keo đậu L.glauca (còn
gọi cây muồng, táo nhân, bồ kết dại). Tổng số alcaloid chiết xuất được trong
cây là 0,4 mg/ml (7). Lá và hoa chứa đựng rutin (3,97 và
3,11 %) (14). Trong hột cây có acid, nhiều nhất là những (%)
linolenic (0,4), linoleic (51), oleic (31), palmitic (8,7) và stearic acid
(8,9) (4). Trong dầu hột cây, những acid nầy cũng được tìm ra
với 5,7% behenic acid (8). Ngoài ra cũng đã được phát giác
trong cây pinitol, norepinephrin, propyl tetracosanyl phenol trong lá, và một
số glycosidic flavonoid: mimosid (mimosin glucosid), cardenolid, bufadienolid
trong hột, rhamnosyl orientin hay isoorientin, hydroxy maysin, cassia occidentalin
là những glycosyl flavon trong phần cây ngoài trời. Để xác định selenium trong
cây trinh nữ cũng như trong nước, đất, thức ăn, những nhà hóa học Việt Nam
sử dụng trioxy azobenzen cho hỗn hợp với Se (17) và tìm ra
được selenium (mg/kg) trong thân cây (30,7-104,3), lá (40,5-201,4) và hoa
(80,0-153,5) trên những mẫu hái ở bốn vùng khác nhau (10).
Trong rễ cây trinh nữ còn có djenkolic
acid, một amin acid độc nhất không phải là một protein và chứa lưu huỳnh, được
một enzym là alkyl cystein lyase thủy phân thành pyruvat, ammoniac và nhất
là methylen thiol hay carbon disulfid CS2, đặc biệt khi rễ cây bị
tổn thương (12), có tính chất diệt nấm, diệt giun, diệt sâu,
kìm vi khuẩn (16), có khả năng ngăn cản sự sinh truởng những vi
khuẩn trong đất (155ng/ml) (11). Bột rễ cây đem thử lên chuột
cái Rattus norvegicus thấy ức chế được hoạt động estrogen,
ngăn chận tử cung phồng lớn khi cho tác dụng estradiol monobenzoat (21,25).
Phần rễ chiết với nước hay rượu thì ngăn cản được tác dụng của nọc rắn
mang bành Naja kaouthia (54). Tính chất khử vi
trùng của cây đã được chứng minh trên trùng Vibrio cholerae (13).
Nước chiết lá khô có tính chất chống suy nhược trên chuột nên được dùng để làm
thuyên giảm suy sút sinh lực (18), có thể là nhờ những
alcaloid (7). Phần chiết lá với rượu đem thử trên chuột thì có
tác dụng làm tăng máu (250mg/kg) (56). Mimosin còn có khả năng
ngăn cản tóc mọc (6). Trong kỷ nghệ, cây trinh nữ được dùng
trong mỹ phẩm, có tính chất cố định hương thơm, không làm hỏng da lại làm
láng tóc nên được trộn với sáp hoa cam và dung dịch hữu cơ thành thuốc phun
tóc (15), chữa những chứng ngoài da như bệnh cứng bì
(scleroderma), bệnh sẹo lồi (keloid) (22). Phần chiết cây cũng
được dùng để phòng ngừa hay chữa những bệnh do vi khuẩn hay độc trùng gây
ra ở các giống vật sống dưới nước như tôm hùm (26).
Trong Đông y, cây trinh nữ có vị ngọt
chát, tính mát, trấn tĩnh an thần. Nó được dùng trong nhân dân chữa suy nhược
thần kinh, mất ngủ. Chữa thần kinh suy nhược, nhức đầu, ù tai, khó
ngủ: lá cây trinh nữ, dây lạc tiên Passiflora foetida (còn
gọi nhãn lòng, mác mát), củ tóc tiên Ophiopogon japonicus (còn
gọi mạch môn, củ cỏ lan, cây lan tiên), hột muồng ngủ Cassia tora (còn
gọi muồng muồng, muồng lạc, đậu ma, thảo quyết minh, quyết minh tử), hoài
sơn Dioscorea persimilis (còn gọi củ mài, khoai mài, sơn
dược), mỗi vị 20g sắc uống. Chữa phong thấp nhức xương: rễ cây trinh nữ sao,
bưởi bung Acronychia pedunculata (còn gọi bái bài, bí bái cái)
sao, dây đau xương Tinospora sinensis (còn gọi khoan cân đằng,
tục cân đằng), kê huyết đằng Sargentodoxa cuneuta (còn gọi đại
huyết đằng, dây máu gà), mỗi vị 20g sắc uống hoặc ngâm rượu uống (ĐTL, LTĐ).
Viết xong bài báo, tôi muốn tìm chụp một
cái hình cây trinh nữ để minh họa. Nó là một cây xứ nóng, rất khó kiếm ở Pháp,
nhất là ở Paris. Người ta khuyên tôi nên đi tìm một nhà kính là nơi nhiệt độ
luôn giữ được cao. Nhà kính ở Jardin des Plantes không có trồng cây trinh nữ.
Tôi đuợc hướng về nhà kính Serres d’Auteuil. May quá, ở đây có trồng
cây nầy, mọc cao chứ không phải bò sát đất, vào đầu hè, hoa nở tím hồng thật
xinh. Thấy tôi mê mẩn ngắm bông hoa thời tuổi trẻ ở đồng quê của tôi, cô gái
phục vụ kéo tôi đi xem một cây khác, giống hệt cây trinh nữ nhưng lá không ghép
lại khi đụng tay vào, hoa lại vô cùng sực sỡ, hình dạng khác thường, hai màu
vàng, đỏ nổi bật trên nền lá xanh. Nó được gọi là cây mimosa có
gai, mang tên khoa học Acacia seyal Delille. Bất giác tôi thốt
ra: "Qu’elle est belle!" (Sao mà đẹp thế!) Elle có
thể hiểu là hoa cây hay hoa người, làm cô nàng đứng cạnh hoa, trong hướng mắt
của tôi, đỏ mặt thẹn thùng. May mắn thay, ở thời buổi nay, bên phương trời tây,
còn bắt gặp được một cô gái biết e lệ cúi đầu không khác gì cây trinh nữ
ghép lá ẩn mình!
Nghiên cứu và Phát
triển 4-5 (52-53) 2005, vietsciences 12 (2007)
Tham khảo:
1- Jean-Michel Le Corfec, Le
langage du corps du pudique mimosa, Sciences et Avenir 2
(1998) 54
2- Sơn Nam - Tô Nguyệt Đình, Cây
mắc cở trong Chuyện xưa tích cũ, nxb Phụ nữ,
Hà Nội - Tp Hồ Chí Minh (2001) 6-8
3- J. Renz, Mimosin, Z.
physiol. Chem. 244 (1936) 153-8
4- J.S. Aggarwal, D. Karimullah, Chemical
examination of the seeds of Mimosa pudica Linn. I- Analysis of fatty oil, J.
Sci. Ind. Res. (India) 4 (1945) 80-2
5- I.D. Spenser, A.D. Notation, A
synthesis of mimosine, Can. J. Chem. 40 (1962)
1374-9
6- R.G. Crounse, J.D. Maxwell, H.
Blank, Inhibition of growth of hair by mimosine, Nature 194 (1962)
694-5
7- Q. Abdul, M. Khondaker, H.
Quamrul, Study of the actions of the total alkaloid extract of Mimosa
pudica Linn. (Lajjabati) and atropine sulfate on the isolated duodenum of
rabbits, Bangladesh Veter. J.(1-4) 8 (1974)
27-32
8- R.C. Badami, K.B. Patil, S.C.
Shivamurthy, Minor seed oils. XIII- Examination of seed oils rich in
linoleic acid, J. Food Sci. Techn. (3) 14 (1977)
126-8
9- B. Tangendjaja, R.B.H. Wills, Analysis
of mimosine and 3-hydroxy-4(1H)-pyrolidone by high-performance liquid
chromatography, J. Chrom. (2) 202 (1980) 317-8
10- Dang Hong Thuy, Dam Trung Bao, Study
of selenium content in Mimosa pudica L., Rev. Pharm. (Hanoi,
Vietnam) (1984) 12-7
11- P.G. Hartel, B.L. Haines, Effects
of potential plant CS2 emissions on bacterial growth in the rhisosphere, Soil
Biol. Biochem. (3) 24 (1992) 219-24
12- P.G. Hartel, R.E. Reeder, Effects
of drought and root injury on plant-generated carbon disulfide emissions in
soil, Plant Soil (2) 148 (1993) 271-6
13- K.A. Akinsinde, D.K. Olukoya, Vibriocidal
activities of some local herbs, J. Diarrhoeal Diseases Res. 114-
G. Toker, S. Turkoz, B. Sener, The determination of rutin in some
plants by ultra violet spectroscopy, Fac. Phar. Gazi Univ. (Ankara,
Turk) (1) 14 1997) 51-4
14- G.Toker, S.Turkoz, B. Sener, The
determination of rutin in some plants by ultra violet spectroscopy, Fac.
Phar. Gazi Univ.(Ankara, Tirk) (1) 14 (1997) 51-4
15- T. Kripp, B. Krause, G. Lang, W.
Maurer, I. Toeche-Mittler, Cosmetic compositions containing flowwer wax, Ger.Offen.
DE 19641992(1998) 10 tr.
16- J. Piluk, P.G. Hartel, B.L. Haines, Production
of carbon disulfide (CS2) from L- djenkolic acid in th roots of Mimosa pudica L., Plant
Soil (1) 200 1998) 27-32
17- Thu Lam Ngoc, Tan Le Van, The
complex formation of Se(VI) with trioxyazobenzene and its a18- M. Molina,
C.M. Contreras, P. Tellez-Alcantara, Mimosa pudica may possess
antidepressant actions in the rat, Phytomed. (5) 6 (1999)
319-23
18- M. Molina, C.M/ Contreras, P.
Tellez-Alcantara, Mimosa pidica may process antidepressant actions in
the rat, Phytomed. (5) 6 (1999) 319-23
19- M. Ueda, S. Yamamura, Leaf-opening
substance of Mimosa pudica L.; chemical studies on the other leaf movement of
mimosa, Tetr. Lett. (2) 40 (1999) 353-6
20- Hai giáo sư Shosuke Yamamura, Minoru
Ueda và cộng tác viên, ngoài những bản báo cáo khảo cứu, còn có cho đăng một
loạt bài tổng kiểm lần lượt trình bày kết quả chung của đề tài. Sau đây chỉ xin
dẫn ba bài tiêu biểu nhất: The chemistry of leaf-movement in Mimosa
pudica L., Tetrahedron (36) 55 (1999)
10937-48; The diversity of chemical substances controlling the
nyctinastic leaf-movement in plants, Phytochem. (1) 53 (2000)
39-44 ; Chemistry and biology of plant leaf movement, Angew.
Chem. Int. Ed. (8) 39 (2000) 1400-14
21- S.V. Alsala, Estrogenic and
anti-estrogenic activities of Mimosa pudica on Rattus norvegicus, J.
Ecotox. Envir. Monitoring (1) 10 (2000) 25-9
22- J. Anderson, L. Declercq, D.F.
Collins, T. Mammone, H.A.L. Corstjens, Compositions containing mimosa
phenolic compoundsUSXXAM US 6290993 (2001) 4 tr.; PCT Int. Appl. WO 0107008 (2001) 13 tr.
23- M. Mahanta, A.K. Mukherjee, Neutralisation
of lethality, myotoxicity and toxic enzymes of Naja kaouthia venom by Mimosa
pudica root extracts, J. Ethnopharm. (1) 75 (2001)
55-60
24- T. Amalraj, S. Ignacimuthu, Hyperglycemic
effect of leaves of Mimosa pudica Linn., Fitoter. (4) 73 (2002)
351-2
25- S. Valsala, P.R.
Karpagaganapathy, Effect of Mimosa pudica root powder on oestrous cycle
and ovulation in cycling female albino rat, Rattus norvegicus,
Phytother. Res. (2) 16 (2002) 190-2
26- U.M. Desai, C.T. Achuthankutty, R.A.
Sreepada, Composition for treating wssv infected tiger shrimp, PCT
Int. Appl. WO 0272121 (2002).
11- Vông vang, hoa tình tuổi
trẻ
Em sắp xa thành phố
Vý lại đất hương tràm,
Hỏi em thích gì nhất
Em cười: hoa vông vang!
Vý lại đất hương tràm,
Hỏi em thích gì nhất
Em cười: hoa vông vang!
Thanh Trắc Nguyễn Văn
"Thôi thế cũng đủ làm Đẩu
sung sướng đến rưng rưng nước mắt. Tay vẫn cầm lá thư, lơ đãng, chàng lững
thững đưa bước ra phía đồi sau nhà. Trời mát! tóc thoảng nhẹ bay phất phơ trên
trán bâng khuâng vô tình đứng trông mấy bông vông vang phất phơ bên bụi cỏ
đương kín đáo cúp lại trong buổi mai... và man mác hy vọng" (1)
Trong những năm thập niên 40, hầu hết
các học sinh Việt Nam đều có đọc Hoa vông vang của Đỗ Tốn,
được giải Tự Lực Văn Đoàn, và ít nhiều đều có mơ mộng với mối tình đầu của
mình. Tác giả đã khéo tả tâm trạng của chàng thiếu niên yêu đương tha thiết mà
chẳng dám thổ lộ với người mình yêu, cho đến lúc nàng lên xe hoa về nhà
chồng. Truyện tác động vào trái tim tuổi trẻ khi đã một lần yêu trộm nhớ thầm!
Vậy mà hồi ấy tôi không biết và cũng không tìm hiểu bông vông vang thơm đẹp như
thế nào. Có lẽ vì ở Huế không có cây ấy. Gần đây thôi, hơn một nửa thế kỷ sau,
bên phương trời Tây, khi dọn nhà, nhân mân mê cuốn sách cũ trước khi sắp vào
kệ, tôi như bị lôi cuốn lần giở đọc lại những dòng xưa đã từng làm mình bâng
khuâng, hồi hộp thuở còn ngây thơ. Ừ nhỉ, vông vang là cây gì, hoa màu sắc,
hương thơm ra sao?.
Tìm tòi trong sách thì mới biết cây vông
vang có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng mọc hoang dại khá phổ biến ở vùng trung du,
trong vườn, trên nương rẫy, ven đường khắp nước ta (TH), gặp nhiều ở Tiền
Giang, Bến Tre, Hậu Giang,... (VVC), cũng còn thấy ở Mã Lai, Trung Quốc,
Philippin (ĐTL). Nó là cây thân cỏ cao khoảng 1m, phía gốc hơi thành gỗ, thân
hơi có lông, lá hình tim, hoa màu vàng, quả thuôn trên phủ đầy lông trắng nhạt,
trên mặt có những đường nhăn đồng tâm xung quanh rốn hạt. Đỗ Tốn còn
xác định thêm: "Hằng năm, cứ về dạo cuối xuân sang hạ, mà có
khi tới cả mùa thu, nếu bạn đi chơi về vùng quê, bạn có thấy những bông hoa lớn
bằng hoa râm bụt nở vàng tươi lẫn trong bờ cây bụi cỏ thì đúng là hoa vông vang
đó... Hoa vông vang rất đẹp, tuy nhiên cánh hoa cũng rất mỏng manh, chỉ một
làn gió mạnh cũng đủ làm cho cánh yếu rập nát bơ sờ".
Cây vông vang còn gọi bông vang, bụp
vang, bụp vàng, mang tên khoa học Hibiscus abelmoschus L.
hay Abelmoschus moschatus (hay moscheutos) Moench
hay (L.) Medic, thuộc họ Bụp hay Bông Malvaceae. Người Ấn Độ gọi nó
muskdana, Âu Mỹ thì có nhiều tên: Ketnie musquée, musk mallow, ambrette.
Cây chứa nhiều chất sterol: campesterol, sitosterol, stigmasterol,
ergosterol (11), farnesol (9). Sitosterol dưới
thể bêta tìm ra được cả trong lá, cánh hoa tươi lẫn trái khô (8),
myrcetin và dẫn xuất glucosid cùng cyanidinglucosid chỉ trong cánh hoa
tươi (6,8). Trong nhị và nhụy hoa đã được tìm ra những dẫn xuất
của flavon và aspartic acid bên cạnh sitosterol, ikshusterol, methy linolenat,
quercimeritrin, rutin (14). Hột cây được khảo cứu nhiều nhất.
Ngoài farnesol (5,15), sitosterol (3) đã thấy
trong các bộ phận khác của cây, hột còn chứa terpen, ambrettolid (5,12),
farnesylacetat, oxacyclononadecenon (12), ambrettolid acid
lacton (9), những phospholipid như cephalin, phosphadityl
serin, phosphadityl cholin plasmalogen (7), methinin
sulfoxyd (4), epoxyoleic acid, sterculic acid cùng những acid
dãy dài từ C10 đến C18 bên cạnh protein trong
tinh dầu (10) gần đây được khảo cứu tường tận (16).
Là cây mọc hoang, vông vang cũng được
trồng để dùng trong kỹ nghệ làm thuốc. Hột, còn gọi hột xạ, lấy ở trái chín vào
mùa hạ hay mùa thu, cho chiết xuất tinh dầu, màu vàng nhạt ở nhiệt độ thường,
mùi thơm có tác dụng làm dậy mùi và bền mùi, giá rất đắt. Đem phân tích,
hột chứa đựng (%) tinh dầu (19,5), protein (36) (10), sợi thô
(31,46), tinh bột (13,35), tro (5,3), độ ẩm (11,4) (2). Tinh
dầu có chỉ số khúc xạ nD20 1.4720, chỉ số xà phòng hóa 214 và
chỉ số iod 87,25, trong suốt nếu chiết xuất với ether dầu hỏa, đục hơn với
ether hoặc cồn (2). Dùng sắc ký khí/ phối ký GC/MS cùng phổ kế
13C-NMR phân tích, đã được tìm ra tetra, hexa, octa decenolid bên cạnh
farnesen, decyl và dodecyl acetat cùng những dẫn xuất của chúng (15,17,18).
Tinh dầu được dùng làm hương liệu, đặc biệt trong nước hoa hay thuốc tránh sâu
mọt. Người Ấn Độ chế tạo những bã thơm hương xạ (196g từ 10kg hột, 134g từ
700g dầu) (5). Người ta cũng dùng chất nhầy chiết từ rễ cây làm
hồ giấy hay tinh chế tinh bột.
Về mặt dược liệu, cả lá, rễ lẫn hột
cây đều có công dụng. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô, có vị nhạt,
nhiều nhớt, tính mát. Nó có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu độc, sát
trùng, hoạt thai, dùng trị táo bón, thủy thũng, thúc đẻ, tan ung độc. Trong lá
đã được chiết xuất một chất nhầy là một peptidoglycan, trọng lượng phân tử
khoảng 1.8000.000, có hoạt động giảm đường trong máu khi thử trên chuột (13).
Rễ có vị ngọt nhạt, cũng nhiều nhớt, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát trùng,
thư cân, giải cơ, trừ thấp, dùng trị nhức mỏi chân tay, các khớp sưng nóng đỏ
đau, co quắp, mụn nhọt, viêm dạ dày hành tá tràng (VVC), có khi được dùng làm
thuốc bổ, thuốc mát thay sâm bổ chính (ĐTL).
Hột cây có tính chất chống co thắt, kích
thích lợi tiểu, được dùng uống trị đái dầm, sắc uống làm thuốc kích thích
ruột và thận, cũng còn được dùng làm thuốc trấn kinh, chữa di tinh, thông tiểu,
dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Một tính chất quan trọng của hột nữa là trị
rắn cắn. Trong dân gian, người ta thường nhai nuốc nước, lấy bã đắp (VVC).
Người Mexico gọi hột vông vang là hột rắn. Hột không chứa đựng alcaloid ở thể
tự do hay ở thể glucosid, nhưng thí nghiệm cho thấy nó có khả năng hấp thu than
hoạt hóa. Nó có tác dụng tương tự như nhũ tương phân tán để giải thể tính độc
của nọc rắn mang bành (2). Có nơi khai thác một cây hơi giống
vông vang là sâm bổ chính Hibiscus sagittifolius Kurtz, mọc ở
Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, vùng Tây Bắc, hoa sắc đỏ. Riêng cây sâm
báo Thanh Hóa H. sagittifolius var. septentrionalis Gagnep,
cũng cùng họ Bông Malvaceae, thì lại có hoa màu vàng như hoa
vông vang (ĐTL).
Nếu hột vông vang được dùng thông dụng,
hoa vông vang chỉ nên để ngắm. Trong bản in lại, Đỗ Tốn có dặn thêm: "Nếu
bạn thấy hoa, bạn nên để mặc cho hoa phơ phất giữa cây cỏ thiên nhiên, như vậy
thì hoa rất đẹp, chứ vì mến hoa mà bạn vội hái để định đem về thì thực là
một điều đáng tiếc: hoa vông vang chỉ ưa cuộc sống giữa tự do và hoang dại -
điều mà tự đáy tâm hồn ai nấy chúng ta đều mơ ước - chứ nằm ở trong tay bạn
thì chỉ một giờ thôi cũng đủ cho cả hoa lá phải héo rũ "Một hôm,
nhân đi dạo trong rừng vùng núi lửa miền trung nước Pháp, tôi có gặp ở chỗ ẩm
ướt, dưới bóng cây, một loài hoa rất giống hoa vông vang mà tôi chỉ biết qua
sách vở, cũng màu vàng, cũng héo rũ nếu bị cắt hái. Hỏi thì được trả lời tên nó
là cây impatiens hay impatiente (hoa móc tai)
thuộc họ Móc tai Balsaminaceae, người Pháp thường gọi hoa
"đừng đụng tôi" (ne me touches pas), tương tự như cách gọi hoa
tai chuột myosotis, thuộc họ Vòi voi Boraginaceae, là
hoa "đừng quên tôi" (forget-me-not) mà một bài hát đã làm náo
động lòng thanh niên thiếu nữ cả một thời. Đi vào quần chúng cùng các loại hoa
nầy, vông vang thật là hoa tình tuổi trẻ với tất cả tư thế e lệ, tình cảm cao
nhã của thời niên thiếu, ngây thơ.
Nghiên cứu và Phát
triển 1(35) 2002,vietsciences 7.2010
Tham khảo:
1- Đỗ Tốn, Hoa vông vang trong Hoa
vông vang, nxb Đời Nay, Hà Nội (1942)77
2- V. Bachster, Notes on Mexican
drugs, plants, and foods. V. Viper seed, a drug used against snake bite, Ciencia (Mex.)
7 (1946) 307; Chem. Abs. 42 (1948) 3912a
3- G. Misra, V.N. Sharma, K.N.
Kaul, The constitution of ambrette seed, Soap, Perfumer and
Cosmetics 34 (1961) 761; Chemù. Abs. 55 (1961)
23939c
4- L. Peyron, Precursors of
certain sulfur compounds encountered with essential oils, Bull.
Soc. France Physiol. Vegetale 7 (1961) 46; Chem. Abs. 56 (1962)
12014b
5- G. Misra, V.N. Sharma, C.R. Mitra,
K.N. Kaul, Aromatic principles from Abelmoschus moschatus [Hibiscus
abelmoschus] seeds, Indian 72.408 ; Chem.
Abs. 58 (1963) 4384f
6- A.G.R. Nair, S. Nagarajan, S.
Subramanian, Flavonoids of the flowers of Hibiscus abelmoschus and
Althaea rosea, Current Sci. (India) 38 (14)
(1964) 431; Chem. Abs 61 (1964) 11005a
7- K.C. Srivastava, S.C. Rastogi, Phospholipids
from the seeds of Hibiscus abelmoschus, Planta Med. 17 (2)
(1969) 189; Chem. Abs.71 (1969) 27896z
8- G. Misra, S.K. Nigam, C.R.
Mitra, Chemical examination of Abelmoschus moschatus [Hibiscus
abelmoschus] leaf, flower, and fruit, Acta Phytother.18 (7)
(1971) 134; Chem. Abs. 76 (1972) 12000g.
9- C.A. Paredes, Aromatic plant
species of Ecuador, Politecnica 3 (1) (1971)
134; Chem. Abs. 84 (1976) 102302b
10- M. Hashmi, M. Khan, M.S. Ahmad, S.
Osman, Abelmoschus moschatus seed oils: a reinvestigation, J.
Oil Technol. Assoc. India 14 (2) (1982) 64; Chem.
Abs. 98 (1983) 86284d
11- U.K. Chauhan, Sterols of
some malvaceous plants with particular emphasis on cholesterol occurrence, Proc.
Natl. Acad. Sci., Ind. Sect. B 54 (3) (1984 236; Chem.Abs. 103 (1985)
157419m
12- T.Y. Nee, S. Cartt, M.R.
Pollard, Seed coat components of Hibiscus abelmoschus, Phytochem. 25 (9)
(1986) 2157; Chem. Abs. 105 (1986) 222739y
13- M. Tomoda, R. Gonda, N. Shimizu, S.
Nakanishi, H. Hikino, Plant mucilages. Part XLI. A mucilage from
Hibiscus abelmoschus leaves, Phytochem. 26 (8)
(1987) 2297; Chem. Abs. 107 (1987) 233080u
14 T. Ohmoto, K. Yamaguchi, K.
Ikeda, Constituents of Abelmoschus moscheutos L., Chem.
Phar. Bull. 36 (2) (1988) 578; Chem. Abs. 109 (1988)
20257m
15- Y. Tang, T. Zhou, J. Ding, H.
Sun, The chemical constituents of the essential oil from ambrette seeds, Yunnan
Zhiwu Yanjiu 12 (1) (1990) 113
16- L. Cravo, F. Perineau, J.M.
Bessiere, Study of the chemical composition of the essential oil,
oleoresin andnits volatile product obtained from ambrette (Abelmoschus
moscheutos Moench) seeds, Flavour Fragrance J. 7 (2)
(1992) 65
17- Nguyen Xuan Dung, Pham Van Khien, Do
Duc Nhuan, Tran Minh Hoi, Ninh Khac Ban, P.A. Leclercq, A. Museli, A. Bihelli,
J. Casanova, Composition of the seed oil of Hibiscus abelmoschus L.
(Malvaceae) growing in VietNam, J. Essent. Oil Res. 11 (4)
(1999) 447
18- P.K Rout, Y.R. Rao, K.S. Jena, D.
Sahoo, B.C. Mishra, Extraction and composition of the essential oil of
ambrette (Abelmoschus moschatus) seeds, J. Essent. Oil. Res. 16 (1)
(2004) 35.
Thành Xô mùa thu 2015
Bài và ảnh Võ Quang Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét