Mùa xuân là nguồn cảm hứng vô tận của thơ, ca, nhạc, họa. Mùa
xuân này, nhà thơ Văn Công bước vào tuổi đại thọ 90, với 70 năm trải đời trải đạn,
trải lòng với đất Phú Yên, quê hương thứ hai nghĩa nặng tình sâu mà ông gắn bó đến
trọn đời.
Giáo sư Phong Lê - Viện trưởng Viện Văn học thăm
nhà thơ Văn Công tại nhà riêng ở Tuy Hòa tháng 6/1998
Từ chiến sĩ của đoàn quân Nam tiến sau Cách mạng Tháng Tám,
ông bám rễ với Phú Yên suốt hai cuộc chiến tranh và xây dựng hòa bình, ông như
một biên niên sử sống của mảnh đất này.
Là kẻ hậu sinh, tôi may mắn có cơ duyên được giúp việc cho
ông 7 năm - thời ông đảm nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch thường trực, Quyền Chủ tịch
UBND tỉnh Phú Khánh. Người cách mạng - nhà thơ bám sâu vào quần chúng hòa quyện
với cốt cách của dòng dõi danh gia vọng tộc Cao Xuân đất Nghệ An đã tạo nên hồn
cốt đặc trưng nhà chính trị Cao Xuân Thiêm - nhà thơ Văn Công, đọng lại trong
tôi dấu ấn và sự ngưỡng mộ kính yêu nồng ấm qua chất chồng năm tháng.
Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, có hàng vạn bài thơ xuân
lung linh đa sắc màu. Trong dòng cảm xúc của các nhà thơ trước vẻ đẹp thanh tân
bất diệt của mùa xuân, có nét đằm thắm vẻ đẹp nguyên sơ trong trẻo của thơ Văn
Công chào những mùa xuân cuộc đời.
38 năm trước, khi ngồi trên giảng đường khoa Văn Đại học Huế,
lớp sinh viên chúng tôi được Giáo sư Hồ Tấn Trai (Phạm Văn Sĩ) - tác giả công trình
nghiên cứu “Văn học giải phóng miền Nam” say sưa bình giảng bài thơ “Người Cộng
sản” của Văn Công sáng tác (được dịch ra tiếng Pháp, xuất bản ở Paris năm 1969)
trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam bị kẻ thù “đặt cộng sản ra
ngoài vòng pháp luật” trong chiến dịch “tố cộng”.
Văn Công tham gia chiến dịch giải phóng
Tây Nguyên tháng 3/1975 - Ảnh: MINH KÝ
Bằng giọng Huế trầm hùng hào sảng, vị ân sư Hồ Tấn Trai ngâm
bài thơ bằng cả hai thứ tiếng Việt và Pháp xao động cả chiều xuân:
Người Cộng sản không phải từ trên trời rơi xuống
Hay từ dưới đất mọc lên.
Không! Không phải! cũng đầu đen máu đỏ
Từ khổ đau họ đã vùng lên
Áo rách chân không thân trần lam lũ
Tháng năm dầu dãi gió sương…
Lúc ấy, Văn Công cà răng, căng tai đóng khố, ba cùng (cùng
ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con các dân tộc ở Thồ Lồ, thắp lên ngọn lửa của
lòng tin cách mạng trong những tháng ngày tăm tối nhất:
Lòng trùng dương bốn phương trời mở rộng
Hiến dâng đời cho Tổ quốc yên vui
Mở toang cửa đón tình yêu không biên giới
Dù gian lao vẫn bước tới không lùi
Hai bài thơ xuân “Tuy Hòa mến yêu”, “Cảm xuân 1959” được Văn
Công sáng tác từ lúc tôi chưa ra đời có sức lan tỏa và lay động qua hơn nửa thế
kỷ:
Tuy Hòa ơi ngày mai sẽ đến
Bụi mù tan, chim bướm nhởn nhơ bay
Đỉnh Nhạn Tháp ánh trăng lồng ánh điện
Cửa sông Đà buồm giăng cánh về đây
Đường thơ Núi Nhạn trong những đêm thơ xuân Nguyên tiêu mầu
nhiệm thời đổi mới và hội nhập hôm nay có căn duyên từ những rung động của Văn
Công hơn nửa thế kỷ trước.
Mùa xuân 1964, trên cương vị Trưởng ban Kinh tài Tỉnh ủy, nhà
thơ Văn Công về Tuy Hòa mở cửa khẩu Bến Đá, Suối Phẩn (được mệnh danh là Hồng
Kông, chợ Lớn của Phú Yên ở vùng giáp ranh thời kháng chiến chống Mỹ), đã viết
những vần thơ mộc mạc được nhiều cán bộ, chiến sĩ ngâm nga và nhớ mãi cho
đến bây giờ:
… Mặt trăng rằm mủm mỉm đón ai đây
Mừng đất nước một mùa xuân tươi đẹp
Tuy Hòa ơi! trước mắt anh biển triều sôi ánh thép
Sau lưng anh rừng núi rộng bao la
Mỗi ngọn đồi một khúc nhạc hùng ca
Một khe suối một lâu đài thiên tạo…
Ảnh: MINH KÝ
Chiến tranh qua đi, để lại biết bao điều trăn trở vương vấn về
tình đời, tình người, Văn Công đón mùa xuân Nhâm Tuất 1982 trong tâm trạng ấy:
Nâng cốc đầu xuân tôi với anh
Mùa vui hoa trái ngọt xây cành
Khen ai khéo hẹn về đây nhỉ
Chập chững làm quen chốn thị thành
Nâng cốc mừng nhau nhớ những ngày
Sắn lùi, môn vóc, võng treo cây…
Đón xuân Kỷ Mão 1999, Văn Công dành cảm xúc sâu lắng nhất nhớ
về người Anh - đồng đội Trần Suyền, bậc đại thụ của Phú Yên trong kháng chiến
chống Mỹ vừa đi xa vào cõi vĩnh hằng:
Đất ủ nồng vết thương chiến tích
Ngực nở hoa trong máu lửa tiến công
Hạt giống gieo giữa mùa mưa bão
Hạnh phúc nhen ánh lửa rực hồng
Vẫn mạch cảm xúc ấy, Văn Công đón xuân Canh Thìn 2000 - năm
cuối cùng của thế kỷ XX với cả tâm tình sâu lắng về vùng đất Phú Yên:
Quê hương tôi là bếp lửa hồng
Lửa truyền hơi ấm sưởi đêm đông
Lửa nhen câu chuyện vui già trẻ
Lửa nhóm tâm tình trọn thủy chung.
Văn Công trải lòng đón thiên niên kỷ mới với niềm tin bất diệt
vào thế nước, vận nước trỗi dậy sức sống vững bền thời đổi mới và hội nhập:
Ly rượu mừng xuân đón thiên niên kỷ mới
Việt Nam ơi! Đất nước rực cờ hoa
Ta đang đi giữa dòng đời cuộn chảy
Xứ sở anh hùng thấm đẫm phù sa
Mùa xuân Ất Mùi 2015, bước vào tuổi đại thọ 90, trải qua 90
mùa xuân cuộc đời, Văn Công thanh thản giữ lại hồn thơ trong trẻo, niềm vui lớn
lao của đời ông là đã chắt kiệt tâm sức cho đời, để lại nhiều cảm khái trong
lòng khách yêu thơ:
Cuộc đời giông gió đã đi qua
Còn lại thời gian tính phận già
Chai sạn bàn chân chồn gối mỏi
Xin đừng vương vấn giấc mơ hoa
Tất cả sẽ trở thành quá khứ
Tôi như con sóng vỗ xa bờ
Vỗ suốt ngày đêm trên đất Phú
Cuối cùng chỉ đọng lại hồn thơ
Xin nâng ly rượu xuân, kính chúc nhà thơ Văn Công trường thọ.
20/2/2015
THANH BÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét