Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

Những mùa xuân đến trong đời

Những mùa xuân đến trong đời
Thiên nhiên kỳ diệu nhất ở chỗ, đã luôn sắp đặt những khoảng không gian, thời gian, mùa, thời tiết đan xen rất hài hòa.
Trong thang máy tòa nhà tôi ở, tôi hay gặp một viên phi công người Âu, có hỏi rồi nhưng chẳng nhớ quốc tịch, vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều. Ông ta cao lớn, tóc nâu, râu quai nón, rất dễ nhận ra nhờ trang phục sơ mi trắng, quần tím than, cầu vai với phù hiệu hàng không.
Trong lúc chờ cửa thang máy mở ra, hoặc vài phút đi lên đi xuống, chúng tôi hay trao đổi vài điều. Tôi hỏi ông ta tại sao chọn Việt Nam để làm việc? Ông ta hỏi tôi tại sao muốn làm một nhà văn? Tôi hỏi ông ta có thích tết Việt không? Ông ta lại hỏi tôi thích điều gì nhất ở Hà Nội? Toàn những chuyện chả đâu vào đâu, nhưng một trong những lần đó, tôi buột miệng: Tôi thích nhất Hà Nội ở chỗ nó có bốn mùa. 
Quả thực, tôi thích Hà Nội, đồng bằng Bắc Bộ, núi cao của tôi với bốn mùa mỗi năm.
Sự trở lại của mỗi mùa trong năm, đôi khi, nó gợi ra những liên tưởng kì lạ về một phần đời nào đó đã trôi qua sau lưng.   
Tôi tin rằng, thời tiết có khả năng chi phối tâm trạng con người. Nóng nực quá khiến người ta hay cáu kỉnh; rét mướt quá khiến người ta thấy uể oải, lười nhác. Tôi sợ mùa đông nhất, vì tôi luôn cảm thấy là tôi mặc bao nhiêu cũng không đủ ấm. Cái lạnh ngấm vào tận xương.
Thật thế. Nó có thể ngấm vào tận xương. Những ngón tay tê buốt không gõ nổi máy tính. Má lạnh cứng, mất cảm giác. Tóc dựng lên. Chân không biết có còn ở trong giày hay không. Da khô tới nỗi chỉ rình nứt toác ra như vỏ một củ khoai luộc…
Mùa hè thì sao? Tất cả đều ngược lại. Người phình nở ra. Mồ hôi như tắm. Uống nước liên tục mà không hết khát. Những mảng da cháy nắng tối thui. Trời không một ngọn gió, và ve thì kêu nhức nhối muốn nhũn cả não…
Thời tiết cực đoan thế, mà vẫn bảo thích bốn mùa thì chẳng phải là phi lý hay sao? Không phi lý, bởi vì mỗi khi ở giữa mùa hè, thường thì người ta sẽ nhớ mùa đông lắm. Ðối phó với mùa đông, chỉ cần nhiều áo quần thôi. Và người ta nhớ nhung cái lạnh lẽo buốt giá ấy đến tha thiết.
Cả một ngày cảm thấy sự nhễ nhại nó bủa vây mình, trùm phủ lấy mình, tự dưng nghĩ tới cơn gió lạnh thổi qua mặt và mình bất giác phải so vai, rụt cổ lại, giấu mặt trong một chiếc khăn len rất to, rất mềm, rất ấm, rất thơm. Thật là dễ chịu.
Xét cho cùng, việc chúng ta sống mỗi ngày, dù vui vẻ háo hức hay ủ ê ngán ngẩm, đều là tiến dần hơn tới nghĩa trang mà thôi. Ðơn giản cực kỳ. Ði qua một ngày là bước thêm một bước, là rút ngắn lại cái khoảng cách tới nơi mà cả loài người trên thế gian này đều gặp nhau.
Có thể không phải lần đầu tiên, nhưng là lần cuối cùng, và là mãi mãi. Ðiều đó chẳng có gì tệ hại. Con gái tôi, khi nó mới bốn tuổi, đang ăn một bữa cơm tự dưng thấy con dừng ăn, tôi hỏi tại sao. Con bé nói: Con không ăn nữa đâu. Từ nay con sẽ ăn rất ít. Tại sao chứ? Con không muốn lớn đâu. Khi con lớn thì mẹ sẽ già đi. Mẹ già thì mẹ sẽ chết.
Con buồn lắm. Nói xong thì nước mắt đã chảy ra lã chã. Ðấy là lập luận của một bé gái bốn tuổi. Trong khi người này lớn lên thì người kia già đi. Hay nói cách khác là, tôi già đi là để con cái lớn lên. Và tư duy bốn tuổi chỉ có thể dừng ở chỗ: Nếu con không lớn lên thì mẹ sẽ không già đi. Con sẽ dừng thời gian này lại.
Sau này, khi gặp những chuyện khó khăn, rất khó khăn, tôi đã ngã nhoài ra rồi lại đứng dậy. Tôi có thể cứ nằm ở đấy, ở cái nơi mà tôi đã nhoài ra thẳng đuỗn và cạn kiệt ấy, nếu như tôi không cảm thấy là trên đời này đang còn có những người rất cần mình. Cần mình khỏe khoắn, vững chãi, an yên như một cái cây to. Ý nghĩ ấy khiến tôi bò dậy.
Bò dậy và đi qua hết những mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông tiếp theo.
Thiên nhiên kỳ diệu nhất ở chỗ, đã luôn sắp đặt những khoảng không gian, thời gian, mùa, thời tiết đan xen rất hài hòa. Khi chúng ta đã quá mệt mỏi với mùa đông, cạn kiệt sinh lực vì phải chống chọi với giá rét ghê người thì mùa xuân ngọt lịm, căng nhức, phơi phới tràn tới. Khi ta phình nở hết mức, những tế bào mỡ trương ra và bít kín các lỗ chân lông, sắp vỡ bung bét, thì mùa thu hiển hiện ngay trước mặt.
Vươn tay là chạm tới. Sẽ thế nào, cả thể chất và tư duy, nếu như quanh năm ngày tháng, suốt đời, chỉ ở trong một kiểu thời tiết mặc định như phần cứng của máy tính, không hề suy suyển? Tôi có cảm giác, kiểu thời tiết như thế sẽ khiến cho cảm xúc của con người ta cùn mòn đi, trở nên ì trệ, chai lì. Tất nhiên, có thể thực tế chẳng phải thế. Là do tôi tưởng tượng mà thôi.
Nhưng rõ ràng, có những sự thay đổi theo chu kỳ, và rồi lặp lại y như năm trước, mùa trước, là lý do khiến tôi cảm thấy những gì cũ xưa khó mất đi hơn. Giống như facebook, một trong những tính năng thú vị nhất của nó là “Ngày này năm xưa”. Nó khiến cho người ta dù có đãng trí đến đâu cũng “tự dưng” nhớ ra ngày này một năm trước, năm bảy năm trước, mình đang làm gì, ở đâu, với ai, cảm xúc lúc đó thế nào…
Sự trở lại của mỗi mùa trong năm, đôi khi, nó gợi ra những liên tưởng kỳ lạ về một phần đời nào đó đã trôi qua sau lưng.
Mùa đông ở miền núi thường đến sớm. Cái khoảng giữa của mùa hè và mùa đông, tức là mùa thu ấy, thường rất hẹp. Cảm giác như sự hiện diện của mùa thu có khi chỉ kéo dài khoảng mười ngày, hoặc nửa tháng.
Những cơn gió heo may ùa tới từ cuối tháng chín, đầu tháng mười, sau khi bọn trẻ vào năm học mới chưa lâu. Tôi luôn nhớ những ngày ấy. Ðêm bắt đầu cảm thấy hơi khó ngủ bởi tấm chăn dường như mỏng đi. Mẹ tôi sẽ nói giữa những cơn gió đang lạt sạt bên ngoài hiên nhà, rằng nếu ngày mai có nắng thì sẽ phải mang mấy cái chăn ra phơi.
Thuở ấy, mùa đông thì chỉ có chăn bông. Là những cái lõi bông mà vào cuối mùa hè vài ông thợ bật bông từ miền xuôi lên rong ruổi khắp làng và hỏi xem nhà nào cần bật lại thì sẽ bật cho đầy đặn lên. Bông bay lả tả, bám cả lên tường.
Không phải năm nào cũng bật, vài năm mới một lần. Và để cho những cái lõi bông ấy phồng lên thì mẹ mang ra phơi. Chỉ phơi thôi. Không ai giặt lõi chăn bông bao giờ. Nước mà ngấm vào, sức người nào vắt nổi, hong đến bao giờ cho khô?
Nắng lên, mẹ giăng đủ ba bốn cái lõi chăn bông lên dây phơi, lên hàng rào. Chỉ cần một ngày nắng to, khô ráo, thì những cái lõi bông ấy thơm tho vô cùng. Cái mùi thơm của lõi chăn bông được nắng ấy, giờ tôi vẫn nhớ. Tối mẹ sẽ lồng những cái lõi vào vỏ. Vỏ thì đã được giặt từ trước đó. Tôi chờ mong những cơn gió về, mong nó mạnh hơn, tôi sẽ mở cửa sổ ra. Phải đủ lạnh thì đắp chăn bông mới thật là tuyệt.
Ðêm lạnh trước, tiếp sau cái lạnh sẽ lan tới ban ngày. Không còn mặc áo mỏng được nữa. Phải mặc thêm áo. Hai áo, ba áo. Sau rốt là mặc những tấm áo dày, thật dày. Những tấm áo cất trong tủ từ mùa đông năm trước.
Những tấm áo của mùa đông năm trước.
Khi tôi viết đến đây, trái tim tôi đập những nhịp bất thường. Tôi đã từng ví việc gặp lại một điều đặc biệt trong đời, ở vào cái lúc mà tôi không thể ngờ tới, kỳ diệu thay, lại giống như việc lấy từ trong tủ ra một chiếc áo mà mẹ tôi đã cất từ mùa đông năm ngoái. Phơi phóng thơm tho, mềm mại, ấm áp, quen thuộc và vừa vặn.
Thật là vừa vặn. Tôi mặc tấm áo ấy vào, và cảm thấy tôi đang là chính tôi đây. Cái áo này cũng chính là nó đây. Nó là của mẹ dành cho tôi, của cuộc đời dành cho tôi, với tất cả những tha thiết, ấm áp, dịu ngọt, bao dung, hào phóng.
Khi chúng ta đã quá mệt mỏi với mùa đông, cạn kiệt sinh lực vì phải chống chọi với giá rét ghê người thì mùa xuân ngọt lịm, căng nhức, phơi phới tràn tới.   
Tất nhiên, hết mùa đông thì mẹ tôi lại phơi phóng thật kỹ những tấm chăn, cất đi. Nhưng tấm áo này thì tôi không muốn cất đi nữa. Tôi đã cất nó đi quá lâu, quá kỹ, ở tận góc trong cùng của cái tủ gỗ màu cánh gián, với hai tay nắm đã mòn đi vì thời gian. Tôi thậm chí đã xin mẹ một viên băng phiến, nhét xuống dưới đáy.
Thời gian, rốt cuộc cũng làm được những điều mà nếu như ta quên đi việc đang tiến tới cái đích cuối cùng, thì nó thật tuyệt diệu. Ðôi khi, thật khó tin. Ðôi khi, vượt ra ngoài giới hạn của sự tưởng tượng.
Và Hà Nội, miền Bắc, hay là vùng núi cao của tôi ấy, lòng người luôn xôn xao khi mùa xuân về. Có người hỏi tôi, giờ còn hay trở về vùng núi không? Tôi nói, lòng tôi luôn về, và chân tôi vì thế cũng luôn đi. Vùng núi ấy, xa xôi biết bao nhiêu, nhưng lòng người thì như cánh chim, chỉ cần muốn thì sẽ về được thôi.
Tôi nhớ mùa xuân, khi nó đặt những cái hôn ngọt ngào lên ô cửa sổ. Vài con nhện treo cái mạng ở đó và đi kiếm chỗ ngủ suốt mùa đông, bỗng dưng thấy cái mạng rung lên khe khẽ. Mọi loài vật đều nhạy cảm hơn con người trước sự thay đổi của thời tiết.
Tôi nhớ những cành cây chiều hôm trước còn gầy guộc ủ ê buồn rầu trong tiết trời xám ngắt, gió lạnh lẽo cuồn cuộn luồn qua, sáng ra đã bật lên những chồi xanh thật là xanh. Run rẩy, non tơ, yếu ớt, nhưng rạng rỡ và đầy khát khao.
Tôi nhớ tiếng con suối. Nắng ấm lên một chút, sương tan đi một chút, con suối không còn mơ màng tĩnh lặng ngấm ngầm chảy dưới những tảng đá màu nâu sẫm, mà rộn rã reo vui.
Những mùa xuân ấy, dù cho vật đổi sao dời, năm này qua năm khác nó vẫn cứ tự đến. Nó tự mang nó đến, trao tặng cho con người, như là một món quà. Lòng người, tự dưng trở nên ấm áp, tự dưng muốn nói cười, tự dưng muốn trao đi những điều gì tốt đẹp.
Mẹ tôi, trong sáng mùa xuân ấy, mẹ xỏ đôi ủng cao su và đi ra vườn. Mẹ múc một thùng nước, tưới những luống bắp cải đã bị chặt bắp đi, giờ đang lên ngồng. Cây bắp cải, lần thứ hai trong đời, đợi mùa xuân để trổ ngồng. Mỗi mùa xuân đến trong cuộc đời đều luôn cất lên những giai điệu dịu ngọt như thế đấy.
Xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân. Mỗi mùa, với những vui buồn may rủi mà nó mang đến, đều khiến muôn loài trỗi mình dậy để thích nghi, để vừa vặn, để đón chào, và tiễn biệt.
6/2/2019
Ðỗ Bích Thúy
Theo https://tinnhanhchungkhoan.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...