Níu những mùa xuân qua
Càng về sau này, nỗi mong chờ tết đến càng bớt đi, mỏng đi,
và nỗi nhớ nhung về những cái tết xa xôi thì dày thêm, tha thiết thêm. Rốt cuộc
thì, nếu như chẳng có gì để mong chờ sau mỗi một năm dài, thì khái niệm ngày
tháng sẽ càng mơ hồ.
Dường như đã qua lâu lắm rồi những cái tết ấy. Tôi đã để
chúng lại sau lưng, giống như để lại cả một tuổi thơ nghèo khó.
Có thời, thứ gì cũng hiếm. Tiền hiếm đã đành, có tiền cũng
chưa chắc đã mua được những thứ mình cần. Trong góc bếp nhà tôi có một cái que
hàn dép. Cái que bằng sắt, như cái đũa, dài chừng hai gang tay, một đầu đập bẹp.
Trẻ con đã biết tự hàn dép. Những đôi dép nhựa đứt quai, phải hàn, vá để dùng
tiếp. Vá khéo thì nhìn cũng tạm tạm, vá vụng thì miếng nọ chồng miếng kia, lắm
khi xanh đỏ tím vàng đủ cả, nhôm nhoam như đôi giày của mấy diễn viên hài. Và
vì thế, tết nào tôi cũng ngong ngóng để mẹ mua cho một đôi dép mới. Chúng tôi
đi dép như được “khoán”. Mỗi năm một đôi, rách thì tự hàn tự vá. Cứ phải đến tết
mới có dép mới.
Đời người, bao nhiêu tuổi là qua bấy nhiêu cái tết. Anh em
tôi thường lấy cái tết ra để tính tuổi. Tết này là em chín tuổi đấy anh ạ. Ừ,
chín tuổi là lớn rồi, không được hơi tí thì khóc nữa nhé. Anh cũng không được
trêu em nữa. Trêu cho vui mà. Anh không trêu thì chả buồn lắm à?... Tôi với anh
ngồi bên bờ ao, tôi giã cơm nguội trong bát bằng một cái chuôi dao, làm mồi cho
anh câu. Câu cá bé thôi. Chủ yếu là mấy con rô phi. Cá to để dành đến tết bố mẹ
tháo ao. Sau này tôi nghĩ, nếu những năm tháng nghèo khó ấy mà không có một cái
tết để mong ngóng, thì không biết cuộc sống sẽ buồn tẻ biết bao nhiêu. Cái tết
đối với con nhà nghèo nó tưng bừng, náo nhiệt, nó ẩn chứa bao nhiêu mơ ước. Những
bữa ăn ngon, không phải đi học, đi làm, lợn thì đã bán, cá cũng bán hết, nên
anh em tôi không phải đứa lo nấu cám lợn, đứa lo cắt cỏ cho cá ăn. Rong chơi suốt
bao nhiêu ngày.
Nhà tôi năm nào cũng vỗ một con lợn, để dành đến tết bán. Mẹ
tôi nói, nuôi lợn chẳng bao giờ có lãi, giống má, cám bã cộng vào lúc bán có
khi lỗ. Nhưng nhà nào cũng nuôi. Nuôi lợn giống như cách tích trữ những khoản
nho nhỏ hàng ngày để lúc bán có một khoản to to. Thương lái mua lợn thường là
người trên thị xã xuống. Sao mà người nào cũng giống người nào, dáng vóc nhỏ
thó, nói nhiều, chân tay thoăn thoắt, miệng tính tiền cũng liến thoắng ù tai.
Có hai cách bán, bán “quạ” và bán cân. “Quạ” tức là thương lái trả tù mù một mức
giá nào đấy, gọn cả con; cân là cứ thế cân lên, theo giá đã thỏa thuận mà nhân.
Mẹ tôi cẩn thận, chi li, nên lúc nào bà cũng chỉ chấp nhận bán cân. Bà nói, mua
bán là nghề của người ta, mình có khôn mấy cũng không lại. Nên chắc chắn là bán
“quạ” mình chỉ có thiệt thôi. Mà với bà, thiệt một lạng cũng khiến bà xót muốn
đứt ruột.
Chiều hôm trước tôi với mẹ đã tắm cho con lợn thật sạch. Tôi
múc nước từ ao đưa vào cho mẹ, mẹ đứng trong chuồng và dùng một cái chổi tre kì
cọ cho nó. Con lợn được tắm trắng tinh, sáng bóng, hồng hào. Mẹ tôi lẩm bẩm, nốt
hôm nay rồi mai người ta hóa kiếp cho mày. Kiếp sau đừng làm lợn nữa, nghe
chưa?! Mẹ tôi luôn dặn lũ lợn rằng kiếp sau đừng làm lợn nữa. Sung sướng chả được
mấy, lên mâm nhanh lắm.
Người mua đến. Nhìn thấy họ là tôi bỏ đi khỏi nhà. Tôi sang
nhà hàng xóm, cách nhà tôi một quả đồi. Tôi sợ nhìn thấy con lợn bị trói, sợ
nghe tiếng nó kêu gào như van xin khóc lóc. Tôi đã nhìn thấy nó từ lúc xinh xẻo
bé bỏng như một con chó con, thả vào chuồng lọt thỏm, cho đến lúc nó lớn, cao
to lừng lững và béo chút chít, mắt híp tịt, đến bữa chưa được ăn là kêu gào gầm
ĩ. Tôi đi, ngồi im ở hè nhà người ta, tiếng hét của con lợn vẫn vẳng tới, tôi
phải bịt tai lại. Bà hàng xóm nhìn thấy hỏi: Nhà bán lợn hả T? Vâng. Thế làm
sao cứ bán lợn thì mày lại phải chạy đi? Tôi im lặng. Bà ấy với mẹ tôi thân
nhau lắm, như chị em. Con gái bà hơn tôi năm sáu tuổi gì đấy, vừa đi lấy chồng.
Tết, bà bảo vắng cái Tuyết thật là buồn chết đi được. Cô Tuyết ấy, da trắng
đúng như tuyết. Môi cũng đỏ như máu và tóc đen như gỗ mun luôn.
Khi tôi về nhà, cái chuồng đã trống trơn. Trước cửa chuồng
còn sót lại sợi dây thừng, và cái cân thì vẫn dựng ở gốc cây hồng già nua. Mẹ
tôi đang ngồi bệt bên hè nhà, đếm tiền. Tôi không bao giờ quên được cái dáng mẹ
tôi ngồi gọn ghẽ và nhặt những đồng tiền cùng mệnh giá, xếp vào với nhau. Xếp
xong, chấm ngón tay lên miệng, đếm lại. Bà cứ đếm đi đếm lại chỗ tiền vừa bán
con lợn, như thể hi vọng là cái việc đếm đi đếm lại ấy sẽ khiến đồng tiền sinh
sôi nảy nở ra. Mẹ tôi đã tính toán hết, rằng với số tiền ấy thì sẽ chi dùng vào
việc gì. Một cái tết, mẹ phải đứt ruột chi ra bao nhiêu là tiền. Nhưng mà nếu
không có tết, thì rồi cả nhà, cả làng biết lấy gì mà làm niềm vui rộn ràng nhỉ?
Cũng có năm, gần đến ngày bán, đang ra sức vỗ béo thì con lợn
lăn đùng ra chết. Ôi, bao nhiêu ngày rộng tháng dài, lúc còn còm cõi ốm o nó chả
chết cho, đến lúc sắp bán, béo tròn béo trục, thì nó lại lăn ra chết. Lợn chết
thì chỉ có nước đem chôn. Cái con lợn mất nết, tối hôm trước còn vỗ máng bồm bộp,
sáng sớm hôm sau đã nằm cứng đơ góc chuồng. Mẹ tôi đứng như trời trồng bên cái
chuồng, nhìn con lợn không chớp mắt. Chắc có lẽ bà ước gì đấy chỉ là một giấc
mơ do quá lo âu mà thôi.
Mẹ tôi thì buồn thế, chứ anh em tôi chì cũng chỉ bận tâm vừa
vừa. Tôi đâu có biết rằng, sau sự kiện con lợn lăn đùng ra đột tử, để xoay sở một
cái tết cho cả nhà mẹ tôi phải tính toán đến mất cả ngủ. Đêm, lục sục trong
chăn, anh tôi vẫn thò cổ ra gọi với: T, tết em thích nhất cái gì? Tôi nghe hỏi
thế thì phấn khích ngồi hẳn dậy, kéo chăn trùm lên người: Em thích một đôi dép
mới anh ạ. Một đôi dép có quai hậu, màu đỏ. Anh thì thích gì? Anh thích một
bánh pháo Bình Đà, thích một cái mũ lưỡi trai, thích một cái áo khoác có bốn
túi, thích một quả bóng nữa. Bóng đá được hẳn hoi ấy. Anh còn thích…
Anh tôi đang nói dở, đầy hào hứng thì mẹ tôi từ dưới bếp đi
lên, e hèm: Ngủ đi. Mai còn đi lấy cho mẹ mấy bó củi về mẹ nấu nốt mấy nồi rượu.
Mẹ thở dài đánh thượt một cái: Lợn thì toi rồi, bỗng rượu để làm gì đây?
Rốt cuộc thì chúng tôi vẫn có một cái tết tinh tươm, không hiểu
mẹ xoay bằng cách nào. Bánh chưng to thật là to, nhân đầy đỗ xanh và những miếng
thịt ba chỉ nhừ tơi béo mẫm; nem rán đầy một rổ; một nồi thịt đông; và cả một
cây giò thủ bố tôi tự gói. Tôi vẫn có đôi dép mới. Tôi quẳng ngay đôi dép hàn
chi chít vào góc bếp, chỗ dựng cái que hàn. Dép đấy lại để dành, lấy nhựa mà vá
cho đôi dép đang đi khi nó rách. Anh tôi vẫn có pháo để đốt, áo để mặc, riêng
quả bóng thì mẹ tôi bảo phí phạm, không mua. Thì thôi, dùng bưởi non làm bóng
cũng được.
Chúng tôi đã đi qua những cái tết được ăn no, ăn ngon, được
chơi bời thỏa thích, không phải đụng chân đụng tay vào việc gì, và thi thoảng
nhận vài đồng mừng tuổi từ người lớn, bỏ chung vào con lợn nhựa, đợi có dịp gì
quan trọng mới moi ra. Càng về sau này, nỗi mong chờ tết đến càng bớt đi, mỏng
đi, và nỗi nhớ nhung về những cái tết xa xôi thì dày thêm, tha thiết thêm. Rốt
cuộc thì, nếu như chẳng có gì để mong chờ sau mỗi một năm dài, thì khái niệm
ngày tháng sẽ càng mơ hồ.
Đời người, có những thứ muốn níu cũng không níu được, là như
thế đấy…
Đỗ Bích Thúy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét