Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Tình sử Cleopatre 3

Tình sử Cleopatre 3

25.
Quintus Dellius, tên thuộc hạ gian nịnh mà Antoine đã sai đi mời Cléopâtre viếng Tarse ngày nọ, hiện đang ráo riết tâng công với Fulvie, mụ vợ cọp cái của Antoine. Gã ngầm báo cáo cho mụ những diễn biến giữa chàng và Cléopâtre. Gã tin rằng nếu mụ còn thương yêu chồng, những tin này sẽ làm mụ hài lòng; và một mai nếu mụ chiến thắng Octave, mụ sẽ không để gã mất phần.
Gã báo cáo về những cuộc truy hoan đồi trụy đến độ những người quen phóng đãng tại Alexandrie cũng phải giật mình. Gã cho biết Cléopâtre không lúc nào rời Antoine ngày cũng như đêm, tuy điều này không hẳn có nghĩa là hai người dan díu với nhau vì tiệc tùng thường kéo thâu đêm (trước mặt khách khứa làm ăn gì được). Còn ban ngày, trong khi Antoine ngủ vùi, vị Nữ Hoàng đáng ngại kia hội họp quần thần bàn việc triều chính hoặc chăm non việc dạy dỗ cậu bé Césarion. Chớ tới khi chàng tỉnh dậy, nàng mới đưa chàng đi săn bắn, câu cá, cưỡi lạc đà, hoặc bất cứ môn giải trí nào mà chàng muốn.
Cuộc sống trong Hoàng Cung giai đoạn này được mô tả là vui nhộn nhất. Người ta kể rằng có lần đi câu, Antoine ngồi trên thuyền đợi rất lâu mà vẫn chẳng có chú cá nào đớp mồi. Chàng bèn nảy ra một kế để biểu diễn chơi. Chàng sai một tên quân hầu lặn xuống nước mắc cá sống vào lưỡi câu của chàng. Mỗi lần giựt lên, chàng lại được một chú cá lớn đang quẫy mạnh trước sự thán phục của Cléopâtre và các bạn. Nhưng chẳng bao lâu, Cléopâtre nhận ra trò bịp bợm, bèn mời mọi người hôm sau lại tới dự khán tài câu cá của Antoine. Kế đó nàng sai người đi kiếm thứ cá khô đem từ Hắc Hải về để sửa soạn cho buổi đi câu sắp tới.
Ngày hôm sau, Antoine lại đắc ý thả câu. Cléopâtre bèn ngầm sai thuộc hạ lặn xuống nước mắc cá khô vào lưỡi câu của chàng. Và khi con cá khô được giựt lên, những người có mặt đều cười đến sái quai hàm.
Ngoại thị nữ tâm phúc Charmian và thợ chải tóc Iras của Cléopâtre, không người nào tại Alexandrie biết tình cảm giữa nàng và chàng đã thực sự đi tới đâu.
Cho đến một buổi tối, hai người tình cờ dùng cơm thân mật với nhau, không tấp nập khách khứa như mọi ngày. Ăn xong không hiểu Antoine nổi cơn ra sao, nói với Cléopâtre:
– Ta có chuyện riêng muốn bàn với nàng, nàng bảo bọn quân hầu lui ra ngoài hết được không?
Nàng gật đầu vỗ tay đuổi bọn quân hầu, đoạn quay sang nhìn Antoine, ngờ ngợ:
– Việc riêng?
Antoine nhìn trả lại nàng với nhiều ngụ ý. Hai người yên lặng hồi lâu, dùng ánh mắt tấn công nhau, và đột nhiên cùng khám phá ra rằng giờ phút đó đã tới. Cả hai đã uống rượu, nhưng không nhiều quá, đã nghỉ ngơi tẩm bổ, cũng chỉ vừa chừng, lại thêm ăn ý nhau, hợp nhau từ đầu mày cuối mắt, đâu còn lý do gì để từ chối nhau.
Chàng hiên ngang đứng dậy đưa tay bế trọn tấm thân bồng bềnh của nàng, nàng cũng quàng tay bá cổ chàng, môi kề môi say đắm. Chàng ẵm nàng như ẵm đứa trẻ qua phòng bên cạnh, đặt nàng nằm xuống và ngã người xuống theo. Từ giây phút đó, nàng không còn là đứa trẻ, mà là một người đàn bà hừng hực, oằn oại, đáp lại khát vọng của chàng bằng những cử chỉ si mê cuồng loạn của một người thèm khát thiếu thốn lâu ngày, nhưng sự cuồng loạn của nàng cũng chỉ cầm cự ngang tay với chàng được một lát. Nàng dần dần trở nên thụ động trước sự hùng hục vùi dập của chàng, để rồi cuối cùng nàng cảm thấy mình chỉ còn là cọng rác trước giòng nước lũ.
Cách tỏ tình của chàng đi ngược hẳn với cử chỉ vuốt ve âu yếm và sự hòa hợp ái ân mà César đã dành cho nàng thuở trước. Chàng vụng về quá, sơ đẳng quá, hùng hục giống một gã khổng lồ man rợ – nhưng lại làm nàng đê mê đến tận xương tủy. Bản chất man rợ trong người nàng cũng vùng trỗi dậy "đáp lễ" chàng. Nàng muốn nghiến răng kêu lên hãy tàn bạo hơn nữa, hãy làm nàng tan nát, đứt hơi, ngất lịm, và thỏa mãn.
Thêm một lần nữa Antoine làm chủ một người đàn bà, nhưng nàng cũng làm chàng ngất ngây sung sướng đến độ nàng có thể yên trí rằng mình sẽ trở thành người tình vĩnh viễn của chàng.
Vì bận tiệc tùng liên miên, ban đêm hai người không có nhiều dịp hò hẹn, nhưng ban ngày thì thả sức.
Riêng những bữa tiệc thì người La Mã nào thấy cũng phải ngẩn ngơ. Gã gian nịnh Quintus Dellius gọi chúng là tiệc tùng theo kiểu Đông Phương.
Trong một bức thư báo cáo cho Fulvie, gã viết:
Một buổi tối kia, trong khi chờ đợi đôi nhân tình vương giả trở về cung, tôi đã lần xuống bếp để xem bọn đầu bếp nấu nướng. Thấy trong bếp có đến tám con heo làm sẵn, tôi hỏi gã đầu bếp chính: "phải chăng sẽ có một đám khách rất đông tới dự?" Gã trả lời: "không phải vậy đâu. Chúng tôi không biết đến lúc nào quan Tam Đầu Chế mới về, mà thịt thì phải nấu vừa chín tới mới ngon, nên chỉ còn cách là cho nấu lần lượt từng con. Khi quan Tam Đầu Chế về tới, chúng tôi sẽ lựa con nào ngon nhất mang ra để ngài dùng!"
Thực đơn trong những bữa tiệc thích hợp với óc tưởng tượng hơn là dạ dày. Thường thường có khoảng năm hay sáu món ăn chơi gồm cá, hà, trai, chim ngói nấu măng. Sau đó tới gà sống thiến, chả cá, thịt nai, hải sâm, tôm hùm, chim đa đa, lườn nai tơ, heo sữa, chim cút, vịt, gà tây, thịt công quay dọn lên còn đuôi xòe, gà rừng với nước sốt cay, cá thu từ biển Chalcédoine, trứng cá từ đảo Rhodes, cá chình, kem ngọt và những trái cây tận đông phương mang về.
Tới lúc thực khách đã lửng bụng – hay vỡ bụng gì đó – vị tửu quan bắt đầu làm việc. Ông ta trộn các thứ rượu trong một chiếc tô lớn rồi vung lên đầu đám quan khách, trong khi bọn nô lệ rắc hoa hồng và tưới dầu quế lên tóc họ, xịt thêm nước hoa lên không cho thơm ngát. Quan khách được chuẩn bị để thưởng thức những màn biểu diễn của đám vũ nữ khỏa thân.
Để tạo vài nét thanh tao cho bữa tiệc, Cléopâtre cho mời các học giả và các nhà thông thái đến để trò chuyện. Nhưng Antoine thay vì đấu chuyện, quay ra thách họ đấu rượu. Dĩ nhiên chỉ sau mấy tuần rượu, Antoine trở nên kẻ thông thái nhất!
Thấy thế, Cléopâtre không thèm bận tâm tới khía cạnh thanh tao nữa. Nàng quyết định cho chơi xả láng. Nàng thành lập "Hội Những Kẻ Bán Trời" gồm những tay giàu có chịu chơi nhất tại Alexandrie. Những tay này đua nhau tổ chức những cuộc vui xa xỉ, khác thường nhất.
Trong tất cả các cuộc vui, Antoine luôn luôn là người uống đậm và nói nhiều hơn ai hết. Có một buổi tối chàng thao thao bất tuyệt kể về những người vợ đã qua tay mình. Sau khi hết lời ca tụng sắc đẹp của bà vợ thứ nhất Antonia, chàng lớn tiếng tuyên bố rằng mụ vợ hiện tại Fulvie đã mắc tay chàng từ hồi mụ còn là vợ của một người bạn. Ngoài ra chàng còn lè nhè qua hơi rượu rằng ở đất Ai Cập này chàng cảm thấy hạnh phúc nhất đời, mặc xác La Mã, mặc xác thiên hạ choảng nhau, miễn đừng đụng đến chàng là được. Không hiểu mụ cọp cái Fulvie sẽ nghĩ gì khi những câu vung vít này bay đến tai mụ?
Tiệc tùng mãi cũng chán, Cléopâtre và Antoine đổi món. Ban đêm hai người ăn mặc theo kiểu tôi tớ, đeo mặt nạ kín mít, rồi đi la cà các khu nghèo nàn trong thành phố, kể cả xóm bình khang Rhakotis gồm toàn những tửu điếm lầu xanh, ngập tràn những tên thủy tủ say khướt.
Một trong những chỗ họ thường lui tới là khu Bờ Tường Keramik trông sang khu lò gốm. Cứ chiều xuống, người ta thấy hàng trăm gái điếm đứng dài dài dọc theo chiếc bờ tường hoa hoét xanh đỏ để chờ mối. Mỗi cô có một chỗ đứng riêng. Có cô vừa tới chỗ đứng đã thấy trên tường ghi sẵn những lời hò hẹn của khách quen.
Hồi này Cléopâtre không còn dấu diếm cuộc sống phòng the của mình nữa. Dân chúng mà có quyền chỉ trích, chắc chắn họ sẽ lên án nàng không ít. Nàng có những cử chỉ lả lơi khiêu khích Antoine ngay trước mặt mọi người.
Tuy nhiên, những nhà đạo đức dễ tính nhất trong thành phố cũng phải nhăn mặt khi thấy Nữ Hoàng của họ dẫn quan Tam Đầu Chế La Mã đi xem những trò vui trong Vườn Hoan Lạc thuộc đền thờ Thần Vệ Nữ.
Đây là một trong những khu vườn đẹp và rộng nhất thế giới, với những khóm hoa, bãi cỏ, vườn cây rợp bóng, hồ nước trong xanh, và hai ngọn suối nhỏ quanh năm róc rách. Trong vườn có một ngàn năm trăm căn nhà nhỏ họp lại thành "Kinh Đô Vệ Nữ", mỗi căn do một nữ tông đồ của Thần Ái Tình chiếm cứ.
Những người đàn bà này thuộc bảy mươi quốc gia và chủng tộc khác nhau. Mỗi năm một trăm người mới được đem về để thay thế cho một trăm người cũ. Như vậy thời gian phục vụ của họ tối đa là mười lăm năm. Những người bị sa thải phải ở lại giúp việc cho những người mới tới, và được phép kiếm tiền riêng bằng nghề mọn của mình.
Họ không phải là gái mãi dâm công khai, mà là những người trông coi việc tế tự Thần Ái Tình. Họ ở đó để giúp bọn đàn ông Alexandrie có phương tiện dâng lễ cho Thần một cách cụ thể. Mỗi căn nhà có hai phòng, một phòng mở cửa đón khách thập phương, một phòng che màn để hành lễ. Cuộc hành lễ kéo dài hoặc một lát hoặc suốt đêm tùy phong độ và túi tiền của khách. Lệ phí hành lễ một nửa dành cho gái, một nửa cúng vào đền.
Trường hợp những người đàn bà này sinh con gái, đứa bé được dâng cho Thần ngay khi lọt lòng mẹ. Chờ tới khi đủ tuổi, đứa bé sẽ được đưa vào Vệ Nữ Môn ở phía sau ngôi đền để được huấn luyện trong bảy năm vừa lý thuyết vừa thực hành về nghệ thuật luyến ái. Sau đó, nếu được chấm đậu, cô bé sẽ được làm chủ một căn nhà trong vườn để tiếp khách.
Ngôi đền Thần Vệ Nữ tại Alexandrie nổi danh khắp thế giới. Dù La Mã, Jérusalem, hay Babylone trong thời đại vàng son nhất cũng không có công trình kiến trúc nào qua mặt nổi. Ngôi đền dài hàng trăm thước, đứng sừng sững giữa vườn, với mười bảy bậc thềm vĩ đại dẫn lên những cánh cửa khổng lồ bằng vàng, xung quanh là tám mươi tư chiếc cột cao vời vợi.
Mặt trước ngôi đền đầy những hình ảnh dâm đãng lạ lùng: nhân mã bị ngựa đè, dê cái chịu đực, nữ thủy thần bị nai hiếp, người yêu cọp, sư tử cái ân ái với quái thú tai lừa. Những hình trang trí khác cũng đều đề cao và kích thích dục tính, biểu tượng của nguồn năng sinh sản: Nữ Thần Leda tay ấp thiên nga, Nữ Thần Scylla và Thần Glaucux đang lịm chết trong khoái cảm tột cùng của tình yêu, Thần Pan đang ghì một chồn tinh tượng trưng cho loài cây, và trên cùng là Thần Vệ Nữ, Mẹ của Ái Tình.
Hàng năm có tổ chức một cuộc thi lớn với sự hiện diện đông đủ của một ngàn năm trăm nữ tế để tuyển chọn mười hai người vào nội viện Cotyttia.
Đây là một khu vực ở sâu trong vườn khoái lạc, chỗ thờ phượng cũ của Nữ Thần Cotytto, một nữ thần bị ô danh vì tên tuổi thường bị người đời gán ghép với những cuộc truy hoan bẩn thỉu. Tại đây có mười tám ngôi nhà nhỏ do ba mươi sáu nữ tế trúng giải trụ trì. Những nàng trúng giải này thường được các tay chơi sành điệu tranh nhau thưởng thức. Kết quả, giá tiền tối thiểu để thưởng thức lên tới một minae tiền vàng (khoảng mười ngàn đồng VN), một giá quá đắt tại một xứ mà số cung nhiều hơn số cầu.
Quang cảnh đó người thường không thể ghé mắt tới. Vậy mà Nữ Hoàng Ai Cập đã dẫn vị khách kiêm tình nhân Marc Antoine tới xem cho mãn nhãn. Dĩ nhiên gã gian nịnh Quintus Dellius không thể bỏ qua cơ hội báo cáo về La Mã cho mụ vợ cọp cái của chủ tướng mình.
26
Thật là ngỡ ngàng cho Cléopâtre khi nàng phải quên đi cuộc tình thâm trầm êm dịu với César, để đắm mình vào cuộc tình sỗ sàng vũ bão với người bạn trẻ của ông. Vẫn biết nàng mang sẵn trong người dòng máu phóng đãng của các Vua Ptolémée, vẫn biết khung cảnh dâm dật tại thành phố Alexandrie dễ làm người ta nhắm mắt lao đầu vào các thú vui tội lỗi, nhưng nàng là một Nữ Hoàng, không thể khinh suất như bao người khác được. Do đó khi chấp nhận Antoine, hẳn nhiên nàng phải có chủ định. Nàng cố ý dâng cho chàng những thứ chàng muốn, mà chàng thì chỉ muốn những khoái cảm mê tơi, cuồng loạn, sốc nổi của một cậu học trò quá lớn.
Thế là hai người hợp thành một đôi tình nhân long trời lở đất, có sức mạnh làm trái đất ngừng lại hoặc quay nhanh hơn tùy thích. Họ tha hồ buông lung trí tưởng tượng, vung tiền ra mua những cuộc vui điên loạn trẻ con. Một đêm kia giữa lúc chè chén say sưa, Cléopâtre đánh cuộc rằng tối hôm sau nàng sẽ cho quan khách thưởng thức một bữa tiệc vĩ đại trị giá mười ngàn miane (tương đương với một triệu đồng drachmas, hoặc một trăm triệu bạc VN bây giờ).
Antoine không tin, hỏi riễu:
– Đặt cuộc bằng gì?
Nàng bình thản:
– Một vương quốc.
Chàng thích chí cười vang:
– Hay lắm! Vậy chúng ta đặt cuộc xứ Phénicie nhé. Nếu nàng thắng, dĩ nhiên các thành phố Tyr, Sidon và Béritus sẽ phải dệt thứ lụa quý, nhuộm những mầu diễm ảo, và gửi đến cho nàng trong những chiếc rương trạm trổ tinh vi bằng gỗ bách hương của miền Liban.
Cléopâtre không nao núng, gật đầu:
– Được, nhớ nhé.
Và hai người... móc ngoéo ngón tay để cam kết giữa những tiếng hoan hô của triều thần.
Tối hôm sau, chàng và nàng được đưa tới phòng ăn trên hai chiếc kiệu ngà. Kiệu được đặt hai bên chiếc bàn ăn hoàng gia cao hơn các bàn khác, tựa trên các tượng đầu người mình sư tử bằng vàng. Quan khách chia nhau đứng quanh các bàn, háo hức chờ các món ăn thức uống của Nữ Hoàng xem quý giá đến bực nào.
Bữa tiệc tối hôm đó sang trọng thật, xa xỉ thật, nhưng không có gì đáng để Nữ Hoàng hãnh diện. Mọi người thất vọng thấy rõ. Họ tự hỏi hay là tiếp theo còn có màn ca vũ gì độc đáo chăng? Nhưng rồi họ lại thất vọng một lần nữa vì các màn ca vũ giúp vui cũng chỉ như thường lệ.
Antoine tự tin mình thắng cuộc, với vẻ đắc ý:
– Bữa tiệc rất ngon, có điều chưa đáng một ngàn minae, chứ đừng nói mười ngàn.
Cléopâtre thản nhiên:
– Chờ xem, đừng vội.
Rồi nàng ra hiệu bảo tên hầu rượu đem cho nàng chiếc ly vàng đặc biệt, một chiếc ly kiểu cổ trạm trổ cực kỳ công phu, có lẽ có từ đời Pericles mấy trăm năm về trước. Cầm chiếc ly trên tay, nàng quay sang bảo Antoine:
– Tướng Quân coi đây. Khi thiếp cạn ly này, Tướng Quân sẽ thấy bữa tiệc đáng giá bao nhiêu.
Nói xong nàng gỡ một chiếc bông tai bằng ngọc hình trái lê và thả vào ly. Đợi cho ly rượu xủi bọt một hồi, nàng ngửa cổ uống cạn, rồi dốc ngược chiếc ly cho mọi người thấy. Viên ngọc vĩ đại đã hoàn toàn biến mất.
Thực ra chiếc ly đựng một thứ giấm đặc biệt có thể hòa tan được trân châu. Trong phòng bắt đầu có tiếng xì xào phản đối, nhưng Cléopâtre vẫn thản nhiên đưa tay tháo nốt chiếc bông tai thứ hai. Antoine vội nắm lấy tay nàng:
– Thôi đủ rồi! Ta chịu thua!
Thế là xứ Phénicie đang là thuộc địa của La Mã, bỗng biến thành chư hầu của Ai Cập.
Bề ngoài Antoine có vẻ thiếu tinh tế, nhưng xét cho cùng chàng chơi trò chính trị cũng ghê gớm không kém trò yêu đương. Chàng lưu lại Ai Cập tức là chàng muốn giữ mình khỏi bị lôi cuốn vào cuộc xung đột chính trị đang diễn ra tại La Mã. Cứ để các phe phái xâu xé nhau, phe nào chiếm ưu thế thì cuối cùng chàng cũng vẫn là kẻ thắng. Chàng hiện là kẻ mạnh nhất vì được sự hậu thuẫn khổng lồ của Ai Cập. Hơn nữa chàng đã dọn sẵn con đường tiến tới hôn nhân với Cléopâtre, chỉ còn chờ dịp thuận tiện sẽ đem hai đế quốc rộng lớn ghép chung làm một, điều mà César đã ấp ủ bao năm nhưng giữa đường đứt gánh.
Bất cứ lúc nào Antoine cũng có thể trở về La Mã nắm quyền cai trị mà không sợ ai đàm tiếu. Nếu có kẻ nào than phiền về chuyện lem nhem giữa chàng và Nữ Hoàng Cléopâtre, hoặc chuyện chàng đứng ra làm giám hộ không công cho triều đình Ai Cập, chàng sẽ giải thích đó là những đòn phép chính trị của chàng, nhằm củng cố thêm thế lực cho La Mã.
Ngược lại, Cléopâtre ở một tư thế yếu kém thấy rõ. Nàng đã dại dột ném mọi thứ xuống sông, kể cả tiếng tăm, tiền bạc và tấm thân đáng giá liên thành. Để đổi lại, nàng chỉ được vài lời hứa thì thầm bên gối, thoảng qua trong bóng tối và có thể tan biến lúc hừng đông.
Tuy nhiên, nàng vẫn phải bám víu vào những lời hứa bấp bênh đó. Antoine vẫn là mối hy vọng duy nhất của nàng, quân bài duy nhất mà nàng có trong tay. Còn chàng thì nàng còn có cơ chia đôi Đế Quốc La Mã – Ai Cập, mất chàng giấc mộng sẽ tan hẳn, và Ai Cập sẽ chỉ là một chư hầu nhỏ nhoi của La Mã.
Có thể nói vận mạng Đế Quốc La Mã hiện do hai người nắm giữ: Chàng khổng lồ Antoine và cậu bé mặt mụn Octave. Tuy hai người này thường gặp nhau, tay bắt mặt mừng, trao đổi nhau những chiếc hôn thân thiện, nhưng trong bụng họ ngấm ngầm gờm nhau, thề sẽ hạ nhau cho bằng được. Gã mặt mụn Octave là kẻ thù đáng sợ nhất của Antoine, và dĩ nhiên cũng là đối thủ của Césarion vì một lẽ dễ hiểu: cả hai đều là người thừa kế của César. Césarion là người thừa kế đương nhiên vì là con của César, còn Octave là người thừa kế pháp định nhờ bản di chúc của César.
Một hôm, Cléopâtre tâm sự với thị nữ Charmian:
– Ngươi biết không, ta có thể liên minh với các xứ cừu thù của La Mã như Parthie, Ấn Độ, Éthiopie, Ả Rập, Ba Tư, Scythie, Arménie, Syrie, và có lẽ cả Tiểu Á, để đập tan Đế Quốc La Mã hay ít ra cũng đẩy lui bọn La Mã về Ý, về Đức, về Gaule. Nếu cần chúng ta còn có thể liên kết với các xứ Bắc Phi vì họ đều đã chán ngấy bọn La Mã.
Thị nữ Charmian sắng mắt, hứng chí:
– Vậy sao Lệnh Bà không xúc tiến đi?
Những điều mơ tưởng của Cléopâtre bắt đầu xẹp xuống:
– Nhưng... nhưng ta còn thắc mắc không hiểu sau khi thành công, đồng minh của ta sẽ làm gì? Rất có thể họ sẽ quay lại diệt ta để trừ hậu hoạn. Ta không dám liều. Thôi thì đành trông cậy ở Antoine vậy. Dù sao y cũng yêu ta...
Thị nữ Charmian đưa mắt nhìn chiếc bụng hơi phưỡn ra của vị Nữ Hoàng, lấy tình thân mật hỏi đùa:
– Cũng như Lệnh Bà yêu ông, phải không ạ?
Cléopâtre thở dài:
– Dĩ nhiên, nếu y chịu khó người lớn hơn chút nữa... Nhiều lúc ta không biết nói chuyện với y bằng cách nào. Hình như y chẳng để ý đến điều gì, lúc nào cũng như đùa rỡn. Ta lo quá. Ta lại sắp có con với y, không hiểu rồi y có sửa đổi chút nào không?
Phải chăng nàng thực sự hy vọng đứa con sắp ra đời sẽ là sợi dây ràng buộc anh chàng phóng túng Antoine? Liệu nàng có nghi ngại rằng nếu đứa bé là con trai, Antoine sẽ đặt hết hy vọng vào nó, bỏ quên hẳn đứa con riêng Césarion của nàng?
Nàng đã đi một nước cờ tưởng là cao, hóa ra tiến thối lưỡng nan. Và nàng còn quên một điều quan trọng: Antoine còn có Fulvie, người vợ La Mã chính thức của chàng, một mụ vợ loại "cọp cái" không đời nào chịu mất chồng vào tay người khác, nữ hoàng hay không nữ hoàng cũng mặc.
Fulvie, người đàn bà khát tình bị bỏ quên lâu ngày, óc thù hận tưởng không gì sánh nổi. Fulvie, một người đàn bà nhưng cương cường hơn đàn ông, sẵn sàng bóp bẹp anh chồng khổng lồ lang chạ, Tam Đầu Chế hay gì đi nữa cũng thế mà thôi! Fulvie muốn bắt Antoine về La Mã, nhưng bằng cách nào bây giờ? Hay hơn hết là gây nội chiến, khuấy động La Mã khiến tình hình khẩn trương. Lúc đó dù muốn dù không Antoine cũng phải trở về.
Nghĩ sao làm vậy, mụ vợ cọp cái bắt đầu tạo loạn. Mụ giở thói cũ, dùng ấn tín của César giả mạo giấy tờ, phân phát đất cho vô số binh lính. Rồi với đám binh lính vốn trung thành với Antoine này, mụ chiếm cứ mười tám thành phố thuộc Đế Quốc La Mã, chia thêm đất cho những kẻ có công. Sau đó mụ mướn người trà trộn vào hàng ngũ của gã mặt mụn Octave để tuyên truyền và hô hào quân sĩ nổi loạn đòi quyền lợi.
Bước đầu thành công, mụ hứng chí vù khỏi La Mã cùng với em chồng là Lucius và một nhóm các quý tộc, nghị viên khác. Mụ chiếm cứ chiến lũy Preneste và ra mặt đương đầu với Octave.
Octave không phải là một tướng tài (chiến dịch tại Philippes đã chứng tỏ điều này) nhưng cũng không phải là gà chết như nhiều người lầm tưởng. Gã đem binh đuổi theo Fulvie, dự tính sẽ vây mụ tại Pérouse, miền trung nước Ý.
Ít lâu sau tại Alexandrie, Antoine dậm chân kêu trời, dài cổ chửi vợ chửi em. Chàng nghe tin Lucius đã bị buộc phải đầu hàng. Nể mặt chàng, gã mặt mụn Octave tha mạng em chàng, nhưng vào ngày giỗ César năm đó gã đem hành hình bốn trăm quý tộc và nghị viên (lực lượng nòng cốt của Fulvie) trước đền thờ César tại La Mã. Gã quyết dằn mặt tất cả những kẻ nào muốn chống lại gã, chống lại di mệnh của César Đại Vương.
Liền sau đó Antoine lại nhận được thư của Octave, đồng chấp chánh trong Tam Đầu Chế với chàng. Trong thư gã trút hết trách nhiệm về cuộc nội chiến lên đầu vợ chàng, và cho biết vợ chàng đã đáp thuyền từ Brindisi đi Athènes (Hy Lạp), đem theo cả bà mẹ già của chàng. Hiện thời hai người đã nhập bọn với kẻ thù chung của Tam Đầu Chế La Mã: Sextus Pompée (tức người con thứ hai của Tướng Pompée đã may mắn thoát khỏi tay César thuở trước).
Thêm một rắc rối nữa, Antoine được tin quân Parthie đã lợi dụng các biến động tại La Mã để xâm phạm lãnh thổ các chư hầu do chàng kiểm soát, và hiện chúng đã lôi kéo được xứ Syrie về phe chúng.
Những tin tức dồn dập này làm Antoine tỉnh hẳn những cơn say bất tận. Chàng biết binh lực của chàng tại phía đông không đủ để ngăn cánh quân hỗn hợp Parthie-Syrie. Những ngày an nhàn vui vẻ của chàng không còn nữa.
Còn đang phân vân chưa có chủ ý thì chàng nghe tin Fulvie vợ chàng sai người đến thuyết phục chàng trở về La Mã. Người lãnh nhiệm vụ này là Ahenobarbus, một tướng tài từng sát cánh với chàng chiến đấu rất hăng say, công trận không sao kể xiết.
Khi viên tướng can đảm được đưa tới gặp chàng tại Hoàng Cung Ai Cập, y đã trố mắt nhìn chàng, không thốt nên lời. Y không thể ngờ người đứng trước mặt y lại là chủ tướng của mình thuở trước. Trong phòng mùi trầm hương ngào ngạt, chàng xúng xính trong chiếc áo lụa, đầu quấn khăn dát ngọc bích, trông chàng có vẻ là một công tử phong lưu hơn là một tướng soái hét ra lửa. Vẻ sững sờ của y làm chàng tỉnh ngộ. Thì ra chàng đã đi quá trớn.
Ngay trong ngày hôm ấy chàng lựa lời báo cho người đẹp Cléopâtre biết chàng sắp phải xa nàng một thời gian ngắn. Chàng tưởng thế nào nàng cũng bù lu bù loa giữ chàng ở lại, nhưng không, nàng thừa thông minh để biết rằng chàng mà còn nán lại Ai Cập thêm nữa, mọi việc sẽ trở nên quá muộn, giấc mộng của nàng sẽ trở thành ác mộng. Vả lại, suốt khoảng thời gian vừa qua nàng đã ăn quá nhiều, chơi quá nhiều, ân ái cũng đã mờ người, nên nghỉ một thời gian để cái thai trong bụng khỏi bị liên miên quấy nhiễu cũng là điều cần.
Tuy nhiên, trước khi người yêu ra đi, nàng dẫn chàng đi gặp Sisogène, chiêm tinh gia riêng của nàng. Ông này sống trên một ngôi tháp cao, muốn lên phải bước đủ ba trăm sáu mươi lăm bậc tương ứng với số ngày trong năm.
Nhà chiêm tinh tiếp hai người trên sân thượng của ngôi tháp. Ông mặc áo bào vàng, đội mũ hình chóp. Cléopâtre thở dốc một hồi rồi hỏi ông:
– Ta muốn biết vị Chấp Chánh trong Tam Đầu Chế này sẽ gặp chuyện gì tại La Mã?
Nhà chiêm tinh gạch vài đường trên mặt cát mịn dưới chân, rồi ngả tấm thân gầy gò ra phía sau, mắt ngước nhìn trời, lòng bàn tay mở rộng. Lát sau, ông dùng gậy phép chỉ vào ngôi sao của Antoine và kêu lên:
– Ngôi sao của ngài sáng lắm, sắp lên đến tuyệt đỉnh rồi!
Ông chợt ngừng lại khi thấy ngôi sao bỗng mờ đi vì một ngôi sao khác sáng hơn tiến lại gần. Nhưng cuối cùng ngôi sao của Antoine lại sáng rực trở lại, át hẳn ngôi sao kia. Ông giải thích:
– Ngôi sao kia là của Octave. Có một lúc bổn mạng Octave có vẻ lấn át bổn mạng ngài, nhưng cuối cùng lại lu mờ hẳn.
Đôi tình nhân rời tháp ra về, vừa bước xuống những bực thềm vừa mừng khấp khởi. Chàng kể cho nàng nghe về một giấc mơ xảy ra đêm hôm trước. Trong mơ, chàng thấy mình đang đi giữa một cánh đồng đầy hoa thắm thì chợt bị vướng lại bởi một bức tường vô hình. Chàng lúng túng một hồi rồi mới tiếp tục đi được như cũ. Chàng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm mình như thể vừa vượt qua một cơn đại nạn. Giấc mơ này hoàn toàn phù hợp với lời bàn của nhà chiêm tinh. Chàng và nàng nhìn nhau mừng rỡ, nắm tay nhau chạy nhanh xuống chân tháp, cười vang như hai đứa trẻ.
Nhưng đến khi chia tay thì họ hết cười. Nàng lo lắng, không biết phải làm gì để giúp người yêu. Chàng ân cần dặn bảo:
– Nàng cứ sửa soạn sẵn. Khi nào cần ta sẽ viết thư chỉ định rõ những nơi thích hợp nhất để giàn quân và bố trí hạm đội. Cứ yên trí và kiên nhẫn.
Nàng cũng muốn yên trí lắm nhưng không được. Con nàng sắp ra đời. Không cha. Và nàng lại sắp phải một mình cáng đáng bao nhiêu chuyện: chuyện nhà, chuyện nước, và những chuyện lan man xa tít. Đây là lần thứ hai nàng cảm thấy mình bơ vơ, bị bỏ rơi bởi người tình La Mã. César chết rồi không kể. Còn Antoine sẽ chỉ xa nàng một thời gian ngắn. Nhưng ngắn là bao lâu? Một năm, mười năm, hay cả một đời?
27
Từ ngày Antoine ra đi, Cléopâtre không ngớt lo âu. Nàng cho tổ chức một hệ thống liên lạc hoàn hảo đến độ nàng nhận được tin chàng hầu như mỗi ngày. Nàng sai người dò xét từng cử chỉ của chàng. Thậm chí nàng còn đặt bên cạnh chàng một chiêm tinh gia để đoán vận mạng cho chàng (và báo tin cho nàng).
Tin đầu tiên mà nàng nhận được là tin chàng đã tới Athènes (Hy Lạp) để gặp mụ vợ dễ sợ Fulvie. Chàng có vẻ buồn lắm vì đến lúc này chàng mới khám phá ra mình đã phải trả một giá rất đắt cho những ngày vui tại Ai Cập. Chàng đã mất nước Ý vào tay gã mặt mụn Octave, và có thể cả các xứ miền đông.
Cuộc gặp gỡ giữa hai vợ chồng chẳng êm ái tí nào. Fulvie nhiếc móc chàng, bắt chàng đi soi gương để nhìn bộ mặt hốc hác như quỷ sứ, xanh lè như xác chết trôi của nhà quý tộc Antoine. Chàng bám gấu quần ả phù thủy Ai Cập kia để làm gì trong khi vận mạng thế giới nằm tại La Mã?
Fulvie cự chàng về vụ bỏ phế chuyện chính trị thì chàng chịu. Chứ tấm thân cuồn cuộn như Hercule, hàm râu quăn tít oai hùng, và nước da sạm nắng thế này mà bảo là xác chết trôi thì còn trời đất nào nữa? Thế là chàng nổi đóa, quay ra cự lại vợ, nào là gây rối không đúng lúc, nào là chính trị dở, quân sự kém, để đến nỗi làm trò cười cho gã mặt mụn, cơ nghiệp lung lay tận cội rễ.
Không hiểu vì tức chồng hay vì chịu hết nổi những biến chuyển dồn dập quá sức của một người đàn bà, Fulvie tuyên bố hết muốn sống, lui về Sicyone cách đó khoảng sáu mươi dặm, lăn ra bệnh, rồi mấy hôm sau thở phào nhắm mắt. Đám táng kém linh đình và cũng ít người sa nước mắt.
Lúc đó Antoine đã đi xa. Chàng phối hợp với lực lượng của Sextus Pompée để khuấy rối bờ biển ý. Octave thấy vậy bèn quyết định đi một nước cờ chính trị. Tuy gã là người thừa kế của César, mà César là kẻ thù giết cha của Sextus, gã vẫn ngỏ lời cầu hôn cháu gái của Sextus là nàng Scribonie. Và Sextus bằng lòng.
Scribonie nhiều tuổi hơn Octave, lại góa chồng hai lần và hiện đang có bầu với người chồng thứ hai, nhưng gã mặt mụn vẫn làm như bắt được của. Gã lập tức ly dị vợ cũ (tức là con gái riêng của Fulvie), và làm đám cưới với cháu gái kẻ thù. Rốt cuộc thù đổi ra bạn, Octave và Sextus liên minh với nhau. Antoine thấy mình bơ vơ, quay ra trút hết tội lỗi lên đầu người vợ đã chết, rồi cũng gia nhập liên minh mới.
Một thỏa ước được kế kết tại hải cảng Brindisi miền đông nam nước Ý, và ba người trong Tam Đầu Chế chia nhau Đế Quốc La Mã như ba tên trộm chia của sau khi trúng mối. Kỵ Tướng Quân Lépide chiếm cứ Bắc Phi. Antoine kiểm soát Hy Lạp, Macédoine, Bithynie, Tiểu Á, Cyrénaique, và Syrie (xứ này thực ra đã chạy theo bọn Parthie). Còn Octave cai trị nước Ý và các xứ miền tây.
Kể từ sau chiến dịch Philippes, đây là lần thứ nhất Antoine gặp lại Octave. Cũng như lần trước, chàng đã lầm khi đánh giá đối phương qua sắc diện bề ngoài.
Octave là người tầm thước, không hẳn xấu trai nhưng da vàng bệnh hoạn, mặt lốm đốm mụn, răng rất tồi, tóc thì hình như không bao giờ chải, chỉ có đôi mắt to sáng ngời là điểm duy nhất kéo lại những khuyết điểm tai hại trên. Một điều đặc biệt nơi Octave là bệnh cảm lạnh không lúc nào tha gã. Tối ngày gã khịt mũi hoặc hắt xì loạn xạ, và quanh năm phải che ngực bằng một tấm nỉ dày cộm. Ngoài lớp áo sơ mi, gã thường mặc bốn lớp áo khoác (nghe nói dệt lấy ở nhà), do đó phía trên to xù, còn hai chân như hai ống sậy chẳng cân xứng chút nào. Không biết làm sao, gã đành phải dùng vải mềm làm xà cạp quấn quanh hai chân cho to thêm. Thanh niên La Mã mà quấn xà cạp là một chuyện chưa từng có. Chiếc mũ rộng vành của gã về mùa hè cũng là một mốt chẳng giống ai.
Cũng như nhiều người khác, chàng Antoine đẹp trai khỏe mạnh không thể nhìn thấy những điểm tiềm tàng nơi con người bệnh hoạn của gã. Ẩn dưới lớp vỏ ngoài bạc nhược kém cỏi là một bộ óc phi thường, một khả năng chính trị xuất chúng nhờ những đặc điểm như tỉ mỉ, bền gan, quỷ quyệt và tính toán – những đặc điểm mà Antoine không bao giờ có.
Hôm đó, để mừng cuộc liên minh tay ba, Sextus mời Antoine và Octave lên soái hạm của gã dự tiệc.
Theo lời giải thích của gã thì đó là căn nhà duy nhất còn sót lại cho dòng họ Pompée. Đương nhiên gã muốn mỉa móc Antoine, vì chàng hiện chiếm cứ dinh thự của ông cha gã tại La Mã.
Trong khi bữa tiệc đang diễn ra, hải tặc Ménas thuyền trưởng của chiếc soái hạm nói thầm vào tai Sextus Pompée rằng nếu bây giờ cắt đứt dây neo và mang hai vị thượng khách ra giữa biển thì Sextus Pompée sẽ trở thành chúa tể của Đế Quốc La Mã, không còn nghi ngờ gì nữa. Sextus Pompée mắng:
– Đồ con bò! Sao ngươi không tự ý làm việc đó mà lại hỏi ta? Ta đã biết mà còn làm há chẳng mang tiếng bất nghĩa sao?
Giả thử tên hải tặc có gan hành động theo sáng kiến của mình như bao hải tặc khác, chắc hẳn giòng lịch sử đã thay đổi rất nhiều.
Đòn chính trị khôn khéo thứ hai mà Octave đưa ra là ngỏ ý gả em gái Antoine. Em gái Octave là Octavie, một góa phụ trẻ đẹp, quý phái, và rất mực đức hạnh. Nàng biết rất rõ về cuộc đời lăng nhăng của Antoine nhưng nàng vẫn thích chàng, cũng như bao nhiêu người đàn bà đoan trang khác thích ngã vào những tay đàng điếm (nhưng không nói ra). Nàng đã vậy thì Antoine từ chối sao được? Hai người lấy nhau.
Tin này bay tới tai Cléopâtre giữa lúc con nàng có thể ra đời bất cứ giờ phút nào. Thoạt đầu nàng không tin, nhưng đến khi gã đưa thơ nhấn mạnh rằng việc đó có thật, nàng tức giận đến chết đi sống lại, và gã đưa thơ suýt mất mạng vì bị tra tấn.
Nàng đã hy sinh tấm thân cao khiết vào tay phường phàm phu tục tử để nhận lãnh kết quả này ư? (Nàng quên mất những lúc hy sinh nàng đã lịm người như tế nào). Nàng đã hạ mình chiều theo những ý thích tuyệt cùng thô bỉ của gã để gã trả ơn nàng thế này ư? Gã đã qua mặt nàng, khinh nhờn nàng, cho nàng là một con ngu...
Triều thần run sợ trước cơn thịnh nộ của nàng. Thị nữ Charmian phải khéo léo lắm mới dìu được nàng về phòng, đặt nàng nằm xuống, đồng thời sai người đi gọi các quan ngự y tới chẩn bệnh. Ngay đêm đó nàng đẻ sinh đôi: một hoàng tử và một công chúa. Nàng đặt tên con trai là Alexandre-Hélios mặt trời, và con gái là Cléopâtre-Séléné mặt trăng.
Trong ba năm dài kế tiếp, nàng chôn chặt trái tim rạn nứt, để hết tâm trí vào những bổn phận mà bấy lâu nàng sao lãng chỉ vì gã phàm phu Antoine. Nàng chỉnh đốn lại bộ quân cũng như thủy quân, chăm lo đời sống dân chúng, và giáo dục cậu bé Césarion, xem cậu vừa là một công dân thế giới vừa là một Đế Thần tương lai.
Cậu bé rất đẹp trai, lớn mau như thổi, hiện đã cao bằng mẹ, tính tình khiêm tốn nhưng phong cách đế vương, ai cũng đem lòng quý mến. Cậu thường giúp mẹ trong những buổi tiếp kiến các sứ thần nước ngoài. Chiều về, hai mẹ con dạo chơi trên chiếc xe đua màu trắng, con áo đỏ tươi giày trắng, mẹ áo đỏ thẫm thắt nơ vàng, tay cầm lọng che nhỏ. Toán cận vệ đội mũ dạ trắng rộng vành, tay cầm trường thương, chia nhau cưỡi ngựa hai bên.
Đoàn người thường nhẩn nha dạo qua các phố, thăm viếng cả những khu tồi tàn nhất. Nữ Hoàng sẵn sàng chịu đựng mùi hôi tanh ẩm mốc để con có dịp thấy tận mắt cảnh lầm than của phần đông dân chúng. Và đây cũng là một dịp để dân chúng thấy mặt vị vua tương lai của họ. Cléopâtre có thể là một người đàn bà dâm đãng, mù quáng trong tình yêu, nhưng cũng là một nà cai trị giỏi và một bà mẹ hiền.
Trong khi đó tại Hy Lạp Antoine vẫn tung trời, vẫn trác táng, cho đáng mặt một người thần. Octavie, vợ chàng và là em gái Octave, sinh hạ một gái. Thực ra nàng có bầu trước khi lấy chàng, đứa bé không phải là con ruột chàng, nhưng giữa cơn hứng chí chàng vẫn dùng tên mình đặt cho nó: Antoinia. Chính cô bé thiếu may mắn này về sau trở thành! bà nội của Bạo Chúa Néron.
Trước đó, Antoine đã sống trọn một năm tại La Mã để chiều lòng cô vợ ngoan mới cưới. Nhưng rồi chàng cảm thấy ngứa chân muốn đi đây đi đó, hơn nữa chàng đã chán sống gần ông anh vợ ngoài mặt thơn thớt bên trong tính kế hại nhau. Vị tiên tri do Cléopâtre đặt cạnh chàng thường khuyên chàng nên tránh xa Octave, càng xa càng tốt:
– Thần bổn mạng của ngài rất sợ thần bổn mạng của Octave. Khi đứng một mình, bổn mạng ngài rất vững chãi hiên ngang. Nhưng khi đến gần Octave, bổn mạng ngài lu mờ khép nép.
Lời ông ta nói cứ ám ảnh chàng mãi. Chàng nghiệm thấy cứ gặp gã mặt mụn là chàng nóng nảy bồn chồn. Cả trong các cuộc chơi súc sắc, đá gà, đấu chim, gã cũng luôn luôn là người thắng Điệu bộ khinh khinh của gã nhiều lúc làm chàng tức ói máu.
Rời khỏi La Mã chàng thơ thới hẳn. Cô vợ mới của chàng thật là hiền dịu, biết điều, khác hẳn mụ cọp cái Fulvie ngày trước. Chàng thả dàn mèo chuột mà hình như nàng cũng không ghen lắm. Bọn Hy Lạp thì tha hồ trọng vọng chàng, đến nỗi chàng khám phá ra tập quán và cách ăn mặc của họ rất hợp với chàng. Khi trở lại cầm quân, chàng thấy mình vẫn phong độ như xưa. Thì ra những cuộc trác táng kéo dài từ hồi còn ở Ai Cập chưa đủ để chàng mỏi gối.
Trong một trận thư hùng sau đó, chàng đè bẹp Tướng Pacorus, hoàng tử xứ Parthie. Thế là chàng hết mang mặc cảm kiêng sợ xứ này. Chàng tự tin mình vô địch, chinh phục xứ Ba Tư chỉ là chuyện lấy đồ trong túi. Vòng hoa chiến thắng của A-lịch-San Đại Đế đáng lẽ phải để dành cho chàng mới đúng. Vợ chàng và cựu Phó Tướng Ahenobarbus khuyên chàng nên giao hảo với Octave, nên cho gã mượn những chiến thuyền chưa sử dụng tới, nhưng lời khuyên của họ đập vào tai chàng như đập vào vách đá. Gã mặt mụn đó là cái thá gì mà chàng phải giao hảo?
Và mấy tuần lễ sau, người hùng Antoine lẳng lặng đem ba trăm chiến thuyền nhắm hướng La Mã thẳng tiến. Gã mặt mụn khôn ngoan không vội vã ra đón, mà chỉ phái một thuộc hạ đi hỏi xem chàng đến với tư cách bạn hay thù. Để đối lại, chàng cũng không trả lời dứt khoát. Suốt hai tháng liền, đôi bên cứ giữ nguyên tình trạng lấp lửng đó, bên nào cũng muốn đối phương phải lộ mặt thật trước.
Cuối cùng đi đến chỗ điều đình. Nàng Octavie sau khi sinh thêm một đứa con (lần này là con của Antoine), theo chồng đi gặp anh để đóng vai sứ giả hòa bình. Nàng năn nỉ gã mặt mụn:
– Xin anh nghĩ đến tình cảnh oái ăm của em. Cả thế giới đang nhìn vào em, một bên là anh một bên là chồng, nếu hai bên đánh nhau thì em sẽ ra sao? Ngoài ra, nếu chồng em cắt đứt với anh và La Mã, chắc chắn chàng sẽ trở lại sát cánh với các xứ miền đông và có thể Ai Cập, lúc đó sẽ sinh họa lớn.
Và em sẽ mất chồng vào tay ả phù thủy Cléopâtre, đó là điều nàng nghĩ, nhưng nói không hết ý.
Kết quả, trước sự mừng rỡ của toàn thể dân chúng, một hiệp ước được ký kết và Tam Đầu Chế (hay đúng hơn Lưỡng Đầu Chế, vì trên thực tế Kỵ Tướng Quân Lépide đà bị gạt ra ngoài) được duy trì thêm năm năm. Để chiều lòng em gái, gã mặt mụn thỏa thuận để Antoine tổ chức buổi tiệc mừng đầu tiên. Dịp này hai người quyết định tắt chặt thêm tình thân mật giữa hai nhà bằng cách cho đính hôn đứa con gái hai tuổi của Octave với con trai đầu lòng của Antoine (tức con của cọp cái Fulvie). Ai cũng cho rằng từ đây hai gia đình sẽ là một, nhưng lịch sử đã chứng minh điều đó sai bét.
Ký hiệp ước xong, Antoine lên thuyền đi Corfou, mang theo vợ và các con. Giờ đây chàng đã yên trí về mặt La Mã, chỉ còn lo các xứ phía đông. Nghĩ đến phía đông, cao vọng của chàng lại ngun ngút dâng lên, giấc mộng chinh phục lại hiển hiện trước mắt. Chàng bỗng cảm thấy nhớ Cléopâtre ghê gớm, phần vì chàng thèm tìm lại thứ tình yêu cuồng loạn mà vợ chàng không có, phần vì chàng cần tới nguồn tiếp tế vô biên về tiền tài và nhân lực của Ai Cập. Chỉ có Cléopâtre mới có thể giúp chàng gồm thâu thế giới phía đông và lên ngôi Đại Đế.
Lần đầu tiên chàng có một quyết định chính trị mau chóng và sáng suốt: Chàng bắt vợ phải trở về Ý (tội nghiệp cho nàng Octavie, lần tạm biệt này cũng là lần vĩnh biệt), rồi chàng lên thuyền đi Antioche, một thành phố đầy xa hoa tội lỗi, để tái lập triều đại của mình.
Vừa đến nơi, chàng sai sứ giả đi ngay sang Ai Cập mời Nữ Hoàng Cléopâtre viếng Antioche để bàn luận về một cuộc liên minh mới. Chưa bao giờ sứ giả được tiếp đón nồng hậu như vậy.
Khoảng thời gian bốn năm kể từ khi Antoine ra đi, Cléopâtre sống trong cô đơn lạnh lẽo. Nhất là những tháng vừa qua, nàng khó ngủ, sức khỏe sa sút vì bệnh đau đầu nhức lưng. Các thầy thuốc hay nhất Ai Cập đã được mời tới, nhưng đều bó tay. Họ bó tay cũng phải vì quanh đi quẩn lại họ chỉ có hai phương thuốc: thuốc cao và thuốc tán, mà cả hai thứ này Cléopâtre đều không dám dùng. Sau cùng các vị thầy thuốc đành họp nhau đề nghị phương pháp chữa bệnh đặc biệt mệnh danh là Nghệ thuật và bí quyết của vị lang y hiểu thấu các ngõ ngách của con tim.
Phương pháp này nghe tên đã thấy thích hợp với căn bệnh của Cléopâtre. Hiệu nghiệm đến độ chưa áp dụng nàng đã đỡ hẳn. Đó chính là lúc nàng nghe tin Antoine đuổi vợ về Ý và sửa soạn đông chinh.
Để tạ ơn trời đất, thị nữ Charmian đề nghị Cléopâtre đi lễ. Nàng bằng lòng, và một lần nữa đoàn thuyền lộng lẫy của Hoàng Gia lại ngược giòng sông Nil lên cổ thành Thèbes. Nhìn lại cảnh xưa, Cléopâtre cơ hồ rơi lệ. Nàng nhớ tới César, nhớ tới mối tình thơ mộng của nàng và ông, nhớ tới ngày hai người sánh vai đứng nhìn nước chảy và những ngọn kim tự tháp thấp thoáng đằng xa...
Sau khi viếng đền Thần Amon, nàng quay trở về, ghé đền Thần Osiris tại Abydos. Lời khấn của nàng linh nghiệm đến độ chỉ mấy hôm sau sứ giả của Antoine mò tới tìm nàng.
Vị sứ giả thuyết phục được nàng không mấy khó khăn. Nàng không còn là một cô gái sống bằng mộng mơ nữa. Nàng đã qua rồi thời kỳ cai trị bằng trái tim hay quyết định theo hứng. Trước kia nàng có thể từ chối lời mời của Antoine để trả đũa chàng bỏ rơi nàng bấy lâu, nhưng bây giờ thì không. Nàng vẫn còn những tham vọng mà chỉ có chàng mới giúp nàng đạt được. Chắp nối với chàng là điều nàng muốn hơn ai hết, nhưng để giữ thể diện nàng phải ra điều kiện. Antoine muốn trở lại như xua, chàng phải công khai tuyên bố đối lập với gã mặt mụn, và sau đó với sự trợ giúp của nàng, chàng phải bắt tay ngay vào cuộc đông chinh.
Và chàng phải cưới nàng.
28
Antioche xưa nay khét tiếng là thiên đường của những cuộc ân ái mờ người, nhưng Cléopâtre không vì thế mà tới đây. Nàng còn bận suy tính nhiều chuyện khác.
Lần trước đi gặp Antoine tại Tarse nàng dùng chiếc du thuyền lộng lẫy, nhưng lần này nàng chỉ dùng một chiếc thuyền buồm có gắn chèo, vừa nhỏ vừa gọn. Nàng không còn là cô nhân tình đóng đảnh của bốn năm về trước, mà là một người đàn bà chững chạc của tuổi ba mươi hai, với vẻ đẹp chín mùi kín đáo. Chiếc miệng còn khiêu khích mời mọc, nhưng đã bắt đầu đọng lại những nét quả quyết của một người biết đời gian dối.
Suốt hai ngày đêm, nàng không cho Antoine tới gần khiến anh chàng đành chỉ nuốt nước bọt trừ. Nhưng đến ngày thứ ba, nàng sửa soạn thật kỹ lưỡng để đi dự một buổi họp tại soái phủ của Antoine. Nàng chọn một mầu áo thật thích hợp với chiếc bào đỏ tươi của chàng. Áo nàng dài tha thướt sắc bạc lóng lánh. Chân nàng đi giày cao để thân hình nàng vươn lên hơn, kiêu sa quyền thế hơn. Đồ nữ trang của nàng át cả ánh đèn, nhất là chiếc vương miện và hạt kim cương đẹp nhất thế giới khiến người ta phải chóa mắt.
Buổi họp diễn ra chớp nhoáng vì hầu như Cléopâtre đề nghị điểm gì Antoine cũng gật. Trên mặt bàn là tấm bản đồ bao quát các xứ phía đông. Nàng dùng chiếc quạt lông công chỉ hết xứ này đến xứ khác, miệng nói thao thao bất tuyệt. Còn Antoine chỉ ậm ừ cho xong chuyện vì mắt chàng còn bận ngắm nàng, còn bận nhìn lại những nét quen thuộc nhưng vẫn hấp dẫn tái người. Vẻ đẹp não nùng của nàng gây nơi chàng những càm giác nôn nao mới.
Buổi họp kết thúc với bản hiệp ước sau:
1. Nữ Hoàng Cléopâtre sẽ đặt tất cả tài nguyên về nhân lực cũng như vật lực của Ai Cập dưới sự điều động của quan Tam Đầu Chế Marc Antoine.
2. Để đổi lại, hai bên sẽ phải tổ chức một đám cưới theo đúng nghi thức Ai Cập. (Điều này không phạm luật song hôn La Mã, vì đám cưới không theo tục lệ La Mã).
3. Marc Antoine sẽ không mang danh hiệu Vua Ai Cập, mà sẽ mang danh hiệu Độc Bá Vương của toàn thể Miền Đông (Danh hiệu Hy Lạp này có nghĩa là Tổng Toàn Quyền, một chức vụ giữa khoảng Vua của Bắc Âu và Đại Vương của La Tinh).
4. Marc Antoine phải thừa nhận Césarion, con trai của Cléopâtre và César, là người chính thức thừa kế chiếc ngai vàng Ai Cập. Còn hai người con sinh đôi của Cléopâtre và Marc Antoine sẽ chia nhau trị vì các xứ khác.
5. Đặt dưới vương quyền của Nữ Hoàng Cléopâtre và những người nối dõi các vùng ngoại địa sau đây: Sinai, Ả Rập kể cả thành phố đá Petra, bờ phía đông Biển Chết, một phần Jourdain kể cả thành phố Jéricho, một phần các hạt Samarie và Galilée của Judée, duyên hải xứ Phénicie không kể hai thành phố độc lập Tyr và Sidon, toàn thể Liban và duyên hải bắc Syrie, một phần Cilicie kể cả thành phố Tarse, đảo Chypre, và một phần đảo Crète.
Antoine chấp nhận những điều khoản này không một lời bình luận, và hiệp ước được lập thành ba bản: một bản tiếng La Tinh, một bản tiếng Hy Lạp và một bản tiếng Ai Cập. Bản tiếng Hy Lạp được coi là nòng cốt vì dung hòa cả hai bản kia.
Đây là một thắng lợi lớn của Cléopâtre. Chỉ bằng một ngón đòn, nàng đã phục hồi cho Ai Cập sự phú cường của bốn thế kỷ trước, thời đại hoàng kim của các Vua Pharaon.
Và nàng phải trả với giá nào? Vẫn biết nàng phải đem kho tàng, binh lực, và hạm đội trao vào tay Antoine, nhưng chắc chắn nàng sẽ không thiệt thòi. Một khi chàng thắng trận, tổn thất về nhân mạng sẽ không đáng quan tâm, còn tổn thất về hạm đội và tiền bạc sẽ đổ lên đầu các xứ bại trận.
Riêng vấn đề nàng phải trao tấm thân ngà ngọc vào tay Antoine thì lại càng không có gì đáng nói. Trước kia nàng đã trao rồi, và trao một cách thích thú. Giờ đây trao thêm không hại gì, có khi lại thích thú hơn vì hiện nàng là vợ chàng, làm sao chàng dám có ý tưởng khinh nhờn nàng như trước.
Về phần Antoine, chàng cũng cho là mình có lợi. Tâm nguyện duy nhất của chàng hiện giờ là làm thế nào có đủ uy thế để đè bẹp gã mặt mụn. Chinh phục xong miền đông, chàng sẽ có một buổi lễ Khải Hoàn thật tưng bừng tại La Mã, dân chúng sẽ hoan hô chàng, đứng về phe chàng, lúc đó lo gì chàng chẳng hất cẳng được gã mặt mụn phách lối khó thương hay hắt xì đó?
Ngoài ra, chiếm lại được người ngọc cũng là điều mà chàng thích chí, dẫu có phải lấy nàng hay gì đi nữa cũng cam. Nàng có thể lợi dụng chàng, nhưng chàng cũng chẳng có gì thiệt.
Nhưng dân chúng La Mã không nghĩ như vậy. Bản hiệp ước của chàng đã giúp Ai Cập mang một bộ mặt mới. Xưa nay Ai Cập chịu quyền giám hộ của La Mã, nhưng giờ đây trở thành một đế quốc gần như riêng biệt bao trùm những vùng đất mông mênh mà Antoine vừa chuyển nhượng. Nguyên Lão Viện La Mã không ngớt xầm xì. Người La Mã đã phải đổ bao nhiêu xương máu mới chiếm được những vùng đất đó, để giờ đây Antoine đem đổi lấy một chiếc giường cưới hay sao?
Trong bản tường trình gửi về Nguyên Lão Viện, Antoine giải thích: Sự vĩ đại của La Mã không phải ở những cái chiếm được, mà ở những cái đem cho. Lối lập luận mã thượng này chẳng được ai tán thưởng. Nguyên Lão Viện cảm thấy bị phản bội và coi thường, dân chúng lại càng bất mãn. Người ta có cảm tướng Antoine phải mau mau lập kỳ công mới mong cứu vãn được uy tín.
Ba ngày sau cuộc ký kết bản hiệp ước, đám cưới giữa Antoine và Cléopâtre được cử hành trọng thể ngay tại thành phố ăn chơi Antioche.
Giữa đám triều thần Ai Cập và các thuộc tướng La Mã, cô dâu chú rể bước lên bệ đài trong ngôi đại điện và ung dung ngồi xuống. Cléopâtre không dùng ngai vàng mà chỉ dùng chiếc ghế vuông bằng ngà và mun để Antoine khỏi bị lép vế. Còn Antoine ngồi ghế mạ vàng đốm xanh đỏ, có lót nhung đính những ngôi sao bằng vàng.
Cléopâtre mặc áo dài kim tuyến, khắp người lấp lánh các đồ trang sức quý giá, đầu đội vương miện hai tầng tượng trưng cho Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập (tuy trên thực tế hai miền này đã nhập làm một từ mấy trăm năm trước), phía trên là một con rắn vàng đang thủ thế.
Có một lúc, nàng đứng dậy cầm quạt âu yếm phe phẩy cho đức lang quân. Rồi với một chiếc thẻ vàng đã lên nước bóng loáng từ đời các Vua Pharaon, nàng làm phép chạm thẻ vào đầu chàng (đầu phác họa những kế hoạch vĩ đại), tay chàng (tay thực hiện những kế hoạch của đầu), và miệng chàng (miệng dùng để nói những lời khôn khéo). Các triều thần Ai Cập và vị Chủ Lễ bước ra quỳ trước mặt đôi vợ chồng mới, hôn mặt đất và hôn chân hai người. Sau khi tung hô, các thư lại dùng mực quý viết trên giấy chỉ một bản hôn ước giữa hai người và chính thức hóa tình trạng của hai đứa bé sinh đôi Alexandre – Hélios mặt trời và Cléopâtre – Séléné mặt trăng.
Tiếp theo là một tiệc mừng. Bàn tiệc hoàng gia không những gồm các chén đĩa vô giá Antoine chưa từng thấy bao giờ, mà chính chiếc bàn cũng làm bằng một khối ngọc lưu ly vĩ đại lấy từ vùng đất kỳ bí xa xôi phía bên kia xứ Scythie. Antoine rất ngạc nhiên khi thấy những chiếc que hai nhánh có cán làm bằng thứ san hô hồng cực hiếm. Cléopâtre dịu dàng giải thích:
– Đây là những chiếc nĩa đem từ Trung Hoa về. Tướng Quân nên dùng nó để xâm đồ ăn cho đỡ tay. Đây, Tướng Quân xem thiếp nhé...
Antoine ngoan ngoãn xem vợ biểu diễn cách ăn phiền phức đó, xong chàng càu nhàu đưa ta bốc một tảng xương heo mút ăn chùn chụt. Chẳng xâm thì đừng xâm, đàn ông không thể ỏn ẻn như con gái ngồi xâm từng chút thức ăn được!
Ngay sau lễ cưới, Antoine vùi đầu vào công cuộc sửa soạn chinh phạt phía đông với niềm tin mãnh liệt. Chàng hăm hở với ý định sẽ đem đôi tay cuồn cuộn làm đảo lộn cả Á Châu rộng lớn. Chưa bao giờ La Mã trưng tập một đạo binh vĩ đại như vậy tại miền đông. Đạo binh gồm một trăm ngàn người kể cả sáu mươi ngàn tinh binh La Mã. Toàn thể Á Châu rúng động trước tin này. Cả xứ Bactrie gốc của những chú lạc đà hai bướu cũng run sợ, cho rằng phen này xứ Parthie sẽ không còn đứng vững và liên lụy cả tới những xứ chung quanh.
Nhưng các nhà thông thái lại không cho như thế. Họ thấy mục đích của cuộc chiến này có tính cách mập mờ. Những xứ bị chinh phục không hiểu sẽ được đặt dưới quyền La Mã hay Ai Cập? Chắc chắn dân La Mã không thể đứng nhìn tình trạng lững lờ này, và Antoine sẽ phải hoặc theo La Mã bỏ Ai Cập, hoặc theo Ai Cập chống đối La Mã. Cả hai đằng chàng đều gặp nguy.
Antoine không cần nghĩ xa xôi như thế. Sửa soạn xong chàng lên đường ngay. Cléopâtre theo tiễn đến tận giòng Euphrate mới quay trở về. Nàng muốn cùng đi với chàng ra ngoài mặt trận vì ngày trước nàng đã từng nếm mùi cầm quân chinh chiến, nhưng rồi lại thôi vì nàng chợt khám phá ra bụng mình lại bắt đầu phồng lớn. Thôi thì trở về Ai Cập chờ con ra đời và chờ chồng chiến thắng trở về vậy. Nàng đã quá quen với cảnh sống đợi chờ.
Trước khi Antoine ra đi, nàng xúi chàng hạ bệ vua Hérode và sát nhập vương quốc Judée của ông ta vào vùng đất mới của nàng tại Palestine, nhưng chàng can không nên đụng tới con cáo già tinh khôn đó. Nàng không dám cãi.
Giờ đây trên đường trở về Ai Cập, nàng ghé thăm thành phố Jéricho, một thành phố quan trọng của vương quốc Judée, Con cáo già Hérode ra đón nàng tại đây và mời nàng viếng thêm thành phố Jérusalem và Gaza. Trái với sự thận trọng thường lệ, nàng nhận lời, không ngờ rằng mật báo của lão đã kể cho lão nghe tất cả những điều mà nàng nói với Antoine về lão. Lão quyết trả thù bằng cách sai người đầu độc nàng, nhưng rồi các quân sư của lão hết lời cản ngăn, khuyên lão không nên chọc giận Antoine. Và nếu giết nàng ngay trong vương quốc, lão sẽ mang tiếng bất nghĩa, cả thế giới sẽ phỉ nhổ đời đời. Lão đành nghe lời, và thay vì giết nàng, lão xin được triều cống mỗi năm hai trăm người vàng để được giữ lại những phần đất mà Antoine đã chuyển nhượng cho nàng. Xong xuôi, lão theo tiễn nàng đến tận biên giới Ai Cập. Nàng cám ơn lão rối rít, có biết đâu mình vừa thoát chết trong kẽ tóc đường tơ.
29
Chiến dịch đánh xứ Parthie trục trặc ngay từ đầu. Antoine đã tính sai, khai chiến ngay đầu mùa xuân, đất đai còn ẩm ướt và thời tiết thay đổi bất thường. Các chiến thuật chàng áp dụng đều không thích hợp.
Để bù đắp những tổn thất trầm trọng, chàng mộ thêm quân từ khắp các xứ chư hầu và đòi thêm đồ trang bị từ Ai Cập gửi tới. Binh lực của chàng lại hùng mạnh và chàng lại tự tin, tuy niềm tin đã lung lay tận cỗi rễ. Ngoài sáu chục ngàn bộ thuộc và mười ngàn kỵ binh cơ hữu, chàng có thêm ba mươi ngàn quân hỗn hợp do Vua xứ Arménie và Vua xứ Pont cung cấp. Các chiến cụ cũng rất dồi dào gồm vô số thang hình tháp có bánh xe để công thành, máy bắn đá, và những thân cây khổng lồ dài tám mươi bộ dùng để phá cửa thành.
Lực lượng vĩ đại thật, nhưng binh sĩ đều mệt mỏi vì phải trèo đèo lội suối quá xa xôi. Đáng lẽ Antoine phải cho quân nghỉ tại Arménie ít lâu, rồi tiến chiếm xứ Medie thật mau trước khi quân Parthie cứu viện kịp. Nhưng vì vội vã, chàng cho quân vây ngay thành Phraaspa không cần đợi những dụng cụ phá thành nặng nề còn đang di chuyển phía sau. Khi bất ngờ bao vây thành này, chàng cốt ý bắt vợ và con Vua Medie để đòi tiền chuộc. Nhưng vì thiếu chiến cụ, phá thành không nổi, cuộc bao vây kéo dài khiến Vua Medie hay tin. Vị Vua khôn ngoan này thấy vợ con lâm nguy, lập tức sai người chặn đường và phá bỏ những chiến cụ của đối phương, tàn sát luôn mười ngàn quân lo việc di chuyển những chiến cụ đó.
Tuy hơi nao núng, Antoine vẫn tiếp tục cuộc bao vây. Chưa ngã ngũ ra sao, quân Parthie từ mặt sau kéo tới đánh bọc hậu mấy trận liên tiếp. Chiến thuật của quân Parthie là giả thua bỏ chạy, dụ quân La Mã đuổi theo, rồi thình lình quay lại hợp với những toán quân phục kích đánh quân La Mã thất điên bát đảo. Quân La Mã càng ngày càng xuống tinh thần, hễ đụng trận là bỏ chạy. Antoine giận lắm, ra lệnh trừng phạt gắt gao hành động hèn nhát này. Các lính bỏ chạy được chia thành từng toán mười người, cứ người thứ mười là bị đem ra giết. Những kẻ sống sót chỉ được phát lúa mạch thay vì lúa mì, nhưng vẫn lấy làm may mắn lắm.
Tháng chín năm đó, nạn đói đe dọa quân La Mã vì quân Medie, Ba Tư và Parthie hầu như xuất hiện khắp nơi, không có cách gì đi kiếm thực phẩm.
Riêng Vua xứ Parthie cũng chẳng lạc quan hơn chàng là bao nhiêu. Ông sợ rằng khi mùa đông tới, quân ông sẽ dần dần trốn hết vì thực ra họ không phải là những chiến sĩ kiên trì như quân La Mã. Ông suy nghĩ rất nhiều và nẩy ra một kế. Ông ra lệnh cho những thuộc hạ biết nói tiếng La Tinh mỗi khi gặp quân La Mã đi kiếm thức ăn phải lể phép khen họ can đảm và đổ lỗi cho Antoine ngoan cố không chịu bãi binh dàn hòa như ước nguyện của Vua Medie.
Nghe báo cáo về vụ này, Antoine sai thuộc tướng đi gặp Vua Medie xem ông ta có muốn hòa thật không, và đồng thời yêu cầu ông trả cho chàng những tù binh La Mã bị bắt trong cuộc đông chinh của Tướng Crassus mấy năm về trước. Chàng muốn đem bọn tù binh này về La Mã để vớt vát phần nào thể diện. Nhưng Vua Medie lờ vụ này đi, chỉ cho biết chàng có thể lui binh an toàn nếu chàng muốn. Antoine không có quyền lựa chọn. Cuối tháng mười, mùa đông chớm lạnh, chàng bắt đầu lui binh.
Cuộc rút lui được kể là một trong những thảm cảnh ghê hồn trong lịch sử chiến tranh. Tuy Vua Médie đã có lời hứa, quân La Mã vẫn liên tiếp bị quân Parthie khuấy rối, phục kích, hoặc ngăn chặn bằng những đám lụt nhân tạo. Bọn dẫn đường cụng phản bội, cố ý chỉ sai đường. Binh lính đã đói lại khát, lếch thếch dắt díu nhau chạy về hướng tây như một đoàn quân ô hợp. Nhiều người đói quá móc rễ cây hoặc nhố cỏ nấu ăn. Gặp loại cỏ độc, lắm kẻ phát điên, bỏ chạy lung tung, vài kẻ lật những tảng đá bên đường tìm tòi những thứ tưởng tượng, và cuối cùng quỵ ngã trong những cơn nôn mửa ra cả mật xanh mật vàng. Trong những giờ phút bi đát đó, Antoine đã tỏ ra là một nhả lãnh đạo xuất chúng. Chàng cùng đi với đám thương binh bệnh hoạn, chia xẻ những đau đớn của họ. Nhiều lúc chàng còn ứa nước mắt thương họ (và có lẽ thương cả chính mình, chỉ vì một chút vụng về mà phải ra thân bại danh liệt). Binh lính cảm động trước thái độ của chàng và một lần nữa lại sẵn sàng liều chết vì chàng, nhất là khi chàng bắt gã phó tướng phải thề rằng nếu một cuộc tàn sát xảy ra, gã phải đâm chết chàng, cắt đầu chàng và ném đi thật xa để quân thù không thể bắt Marc Antoine làm tù binh, hoặc biết chàng đã chết.
Mỗi đêm quân La Mã đều cố lê bước cho đến khi quỵ xuống lăn ra ngủ. Nhưng ngủ họ cũng không yên vì bọn Parthie luôn luôn lảng vảng xung quanh, hầm hè đe dọa. Quân La Mã vừa phải thủ mặt sau, vừa phải tiến tới, nước hết cổ khô, nhiều lúc tưởng mình đang sa vào địa ngục.
Rồi một buổi sáng kia đoàn người gặp một con sông nước trong mát rượi. Họ la lên như những người điên, nhảy ào ào xuống giòng nước, vùng vẫy tưng bừng, mạnh ai nấy uống. Nhưng rồi họ nhận thấy nước sông mặn một cách khác thường, bụng họ bỗng quặn đau ghê gớm. Antoine chạy dọc dòng sông, la lên bảo họ đừng uống, nhựng vài kẻ khát quá vẫn không chịu nghe. Và đến khi tất cả nhìn ra sự thật thì nhiều kẻ đã bắt đầu quằn quại vì đau đớn. Antoine ra lệnh dựng lều để những người trúng độc nghỉ ngơi. Toán hậu vệ được tăng cường để đề phòng bọn Parthie tập kích.
Đêm hôm đó một số binh sĩ nổi loạn. Những kẻ mang nhiều vàng bạc đều bị giết. Số tiền khổng lồ mà Antoine mang theo để trả lương lính bị mất cắp, hành trang của chàng bị cướp, những chén đĩa quý của chàng cũng bị bọn loạn quân chia nhau từng mảnh.
Đến khi trời sáng, quân Parthie ập tới đánh nhầu. Một trận chiến rùng rợn diễn ra, và cuối cùng quân La Mã sang được bên kia sông, thoát hiểm.
Từ đó đám tàn quân bước thấp bước cao ráng lết về hướng xứ Arménie và sáu ngày sau thì tới vùng đất bạn. Tổng cộng cuộc lui binh kéo dài hai mươi bảy ngày, hay hai mươi bảy thế kỷ cũng vậy!
Vừa đặt chân lên lãnh thổ Arménie, quân sĩ cúi hôn mặt đất, khóc mừng như đám trẻ. Lúc này Antoine mới có thời giờ kiểm điểm lại tổn thất. Kiểm điểm tới đâu chàng cũng muốn khóc tới đó. Chàng đã mất tất cả hai chục ngàn bộ binh và bốn ngàn kỵ binh, đau khổ nhất là bọn họ chết vì chiến trận thì ít mà vì bệnh tật thì nhiều.
Nhưng tại họa đến đây chưa phải là hết. Trong khi di chuyển qua đất Arménie để tới căn cứ địa của chàng tại Syrie thêm tán ngàn người bỏ mình vì bệnh và đói. Những người còn lại dựng lều nghỉ qua mùa đông tại một chiến lũy nằm giữa hai thành phố Béritus và Sidon. Tại đây Antoine sai người về Ai Cập gọi Cléopâtre. Trong khi chờ đợi, chàng vùi đầu vào rượu để trốn đời, quên đi những nhục nhằn trong nghề làm tướng. Chàng say sưa ngày này qua ngày khác, thần kinh căng thẳng, hình hài tả tơi. Những lúc chợt tỉnh, chàng thường vùng chạy ra bờ biển, dương đôi mắt thật thần dõi tìm cánh buồm đỏ, cánh buồm sẽ đem tới cho chàng người đàn bà mà chàng muốn nhưng lại sợ phải gặp.
Cuối cùng nàng tới trên chiếc thuyền hoàng gia Antoniad (đặt theo tên chàng), theo sau là một hạm đội chở đầy quần áo và vũ khí cho đạo quân "dọa con nít" của chàng. Nàng còn chở tới những bao lớn vàng bạc để trả lương binh sĩ. Nhờ đó, đạo quân dần dần phục hồi được bộ mặt phởn phơ lúc đầu, và Antoine lấy lại được niềm tin đã mất. Chàng còn tính cả đến chuyện quay lại hỏi tội Vua Artavasd của xứ Arménie vì ông này đã dám tự ý lui binh, bỏ rơi chàng giữa lúc quân chàng xính vính nhất. Nhưng Cléopâtre cương quyết can ngăn:
– Không, không và không! Từ trước đến giờ, thiếp không hề tha thiết đến việc đánh xứ Parthie. Như Tướng Quân thấy, chưa có người La Mã nào chinh phục nổi xứ đó, vì nó rộng lớn quá, binh hùng tướng mạnh rất nhiều, lương tiền cũng dồi dào vô cùng. Trước đây thiếp đã tán thành cuộc đông chinh của Tướng Quân chẳng qua vì đó là ước nguyện dở dang của César; hơn nữa nếu may ra Tướng Quân thành công, Tướng Quân sẽ gây được thêm uy tín tại La Mã. Nhưng thử thời vận một lần như vậy là đủ rồi. Thiếp không muốn dốc hết kho tàng Ai Cập vào công cuộc điên rồ đó nữa. Có một việc Tướng Quân nên làm, và phải làm ngay, là tấn công Octave trước khi gã tấn công mình. Bây giờ chúng ta trở về Alexandrie dưỡng quân ít luâu, rồi khởi sự là vừa.
Antoine sắp sửa đồng ý thì nhận được tin vợ chàng là Octavie (em gái Octave) đã tới Athènes, đem theo quân tiếp viện. Cléopâtre buộc chàng phải viết ngay một bức thư bảo cô vợ La Mã này phải ở lại Athènes, không được tới tìm chàng. Nửa tháng sau, đúng lúc chàng sửa soạn thuyền bè để đi Ai Cập thì lại nhận được thư của Octavie. Bức thư lời lẽ rất cảm động. Octavie hỏi tại sao chàng lại đối xử với nàng như thế? Nàng đã mất công đem từ La Mã đến cho chàng rất nhiều đồ trang bị, thú vật chở đồ, tiền bạc, và quà tặng cho các cấp chỉ huy. Nàng còn tuyển lựa hai ngàn tinh binh đem tới để tăng cường cho chàng. Nàng chỉ yêu cầu chàng một điều là cho nàng được tận tay trao lại những thứ này để tỏ nghĩa vợ chồng.
Thật là cười ra nước mắt. Hai người vợ từ hai hướng đối nghịch nhau cùng nhào tới giúp đỡ chàng. Vợ La Mã thì muốn chàng tiếp tục cuộc đông chinh dang dở để trả mối nhục ê chề vừa qua. Vợ Ai Cập thì lại hứa hẹn sẽ cho chàng hưởng những ngày vui thú ở Ai Cập để dưỡng sức và để sửa soạn cho một kế hoạch thiết thực hơn: chinh phục nước Ý.
Tuy có sự mâu thuẫn, hai nàng cùng mang một tâm sự: làm thế nào để giành về phần mình ông chồng vũ bão? Octavie dâng cho chàng sự tận tụy của một người vợ hiền, bổn phận và danh dự của tổ quốc. Còn Cléopâtre dâng cho chàng Cléopâtre!
Trong "Trận Chiến Giành Chồng", Cléopâtre có lợi thế hơn vì nàng đang ở cạnh chàng. Đêm ngày nàng ỏn thót bên tai chàng, nói để chàng hiểu sự giúp đỡ của Octavie là do gã mặt mụn giật dây. Gã muốn nhờ em gái thúc đẩy chàng tiếp tục lao đầu vào cuộc chiến ngu xuẩn với các xứ miền đông, để một ngày nào đó chàng sẽ kiệt sức quỵ hẳn trước mắt người dân La Mã. Nhận xét này của Cléopâtre không phải là vô lý.
Ngoài ra Cléopâtre còn dùng tới những mánh khóe mà nàng biết (và ít người biết) để lôi kéo hẳn chàng về phía mình. Nàng giả vờ như đang hấp hối vì chàng. Nàng nhịn đói để da dẻ xanh xao như kẻ thất tình, sẵn sàng lăn ra chết nếu chàng bỏ đi. Những lúc chàng vào phòng, nàng ra vẻ gượng vui, đến khi chàng rời phòng, nàng ủ rũ như kẻ mất hồn. Ánh mắt nàng lúc nào cũng ai oán não nùng...
Các triều thần của nàng cũng hùa nhau phỉnh phờ chàng, nhắc đi nhắc lại mãi trên đời này chỉ có mình Cléopâtre yêu chàng, trung thành với chàng, và sẽ chết nếu bị chàng bỏ rơi.
Ngay cả Manutius Plancus, thuộc hạ thân tín nhất của chàng hồi đó, cũng lợi dụng thừa cơ, nhận tiền hối lộ của Cléopâtre để thuyết phục chàng ở lại với nàng.
Giữa sự bao vây chặt chẽ đó, Antoine bỏ đi sao nổi? Cho dù chàng không bị chiếc giường của Cléopâtre lôi cuốn, chàng cũng không đủ nghị lực để tự ý hành động trong trường hợp này. Kết quả, chàng gửi cho Octavie một bức thư bảo nàng hãy tỏ ra là một người vợ ngoan bằng cách trở về La Mã. Chàng còn cho biết thêm nếu muốn, nàng có thể gửi cho chàng số quân tiếp viện cũng như những tàu bè và đồ tiếp tế mà nàng đã mang theo. Chàng giải thích một cách tàn nhẫn rằng chàng sẽ nhận những thứ đó để bù lại hạm đội mà anh ruột nàng đã mượn của chàng ngày trước.
Rốt cuộc người vợ đáng thương phải ngậm ngùi trở về La Mã, và Cléopâtre lập tức khỏi bệnh thất tình, đưa ngay Antoine về Ai Cập, vùng ánh sáng chan hòa ấm áp.

30
Đôi tình nhân vương giả thay đổi thì thành phố Alexandrie cũng đổi thay. Còn đâu Hội Những Kẻ Bán Trời, còn đâu bầu không khí buông thả, mặc sức vui chơi dâm loạn? Những thứ đó không còn hợp thời nữa, không còn làm Cléopâtre và Antoine hứng khởi như xưa nữa. Nàng bắt đầu có những nét sồ sề của một mệnh phụ nạ dòng, dấu vết thời gian bắt đầu đọng lại trên thân thể. Còn chàng sắp đi vào tuổi năm mươi, tấm thân hùng vĩ dần dần ngả sang phì nộn, kết quả của những món ăn bổ béo.
Nàng cố gây nơi chàng sự hăng say trong việc triều chính, khuyên chàng cải tổ lại đạo binh Ai Cập theo truyền thống La Mã, nhưng chàng biếng nhác tìm cớ chối quanh. Nàng gợi lại ý định chinh phạt xứ Arménie của chàng, cho rằng nếu chỉ chinh phạt xứ này không thôi, mọi chuyện sẽ dễ dàng. Giữa lúc đó Vua xứ Pont lại tìm đến khiến nàng càng muốn chàng khởi binh.
Vua xứ Pont bị vua xứ Medie cầm tù từ nhiều năm. Giờ đây ông được cử đi để báo cho Antoine biết xứ Medie hiện đã đoạn giao với xứ Parthie và hai nước đang đánh nhau kịch liệt. Ông thuyết phục Antoine nên nhan dịp này đứng về phe Medie để đánh gục Parthie.
Antoine rất xúc động trước tin này. Chàng thấy đây là cơ hội ngàn năm một thuở để trả thù bọn Parthie quỷ quyệt, nhưng Cléopâtre không nghĩ vậy. Nàng bảo thà tin một con sư tử điên còn hơn đi tin mấy tên vua Đông Phương này. Nàng khuyên chàng nên nhắm vào xứ Arménie cho chắc ăn hơn. Chàng thấy có lý, bèn sai người đi với Vua xứ Arménie tới để bàn luận tình hình, nhưng ông ta từ chối khéo. Mạng ông mà còn tới ngày nay là nhờ ông không chịu đút đầu vào miệng cọp. Antoine giận lắm. Sau mấy đêm suy nghĩ, chàng quyết định chinh phạt xứ Arménie trước, rồi chiếm luôn xứ Medie thay vì giúp xứ này chống lại bọn Parthie. Còn xứ Parthie chàng sẽ tính sau.
Mùa xuân năm đó chàng lại lên đường chinh chiến. Lần này Cléopâtre theo tiễn chàng đến tận Syrie. Tại đây chàng cho vời Vua xứ Arménie một lần nữa, nhưng ông ta vẫn thoái thác. Thế là chàng có thêm cớ để đem binh hỏi tội.
Trận đánh diễn ra thật chớp nhoáng. Chàng tràn ngập xứ Arménie, bắt Vua làm tù binh, và tuyên bố xứ này là chư hầu của La Mã. Để thưởng công binh lính và để bù lại những ngày điêu đứng trong cuộc đông chinh trước, chàng cho phép họ tha hồ đập phá cướp bóc. Trong cơn hăng máu, có người còn xúc phạm cả những đền thờ, đập nát một pho tượng thần nữ.
Trở về Syrie, Antoine tuyên bố:
– Đây là lúc ta có thể ra quân đánh bọn Medie.
Cléopâtre vội can:
– Không. Kết bạn với họ mới là thượng sách.
Đến lúc này Antoine mới khám phá ra, tuy hơi muộn, rằng người vợ khôn ngoan của chàng hầu như luôn luôn có lý. Chàng vui vẻ nghe lời, và kết quả thật là tốt đẹp. Để tỏ tình giao hảo, Vua xứ Medie gả con gái tức tiểu Công Chúa Iotapa cho cậu bé Alexandre-Hélios mặt trời, con trai của Cléopâtre và chàng. Vì nhà Vua không con trai, ông quyết định sau này sẽ truyền ngôi cho cặp vợ chồng tí hon này.
Để ăn mừng những thắng lợi cả trên chiến trường lẫn trên bàn hội nghị, Cléopâtre quyết định để Antoine tổ chức một lễ Khải Hoàn tại Alexandrie. Đây là lần đầu tiên một vị tướng La Mã tổ chức đại lễ này ở một nơi không phải là La Mã. Nhiều người rất sửng sốt, vì sự kiện trái với thông lệ này vô tình đưa Alexandrie lên ngang hàng La Mã.
Buổi đại lễ thành công lớn. Ngay từ sáng sớm tinh sương, toàn thể Alexandrie chuyển mình thức dậy để chứng kiến đám rước phát xuất từ Hoàng Cung, đi vòng các ngả đường qua Nghị Trường, ngược lên đường Serapis và ngừng lại tại ngôi đền Serapis sừng sững trên đồi.
Đi đầu là đạo quân La Mã đã xả thân đem về chiến thắng. Kế đó tới vị nguyên soái tức quan Tam Đầu Chế Marc Antoine trên một chiếc xe trận mô phỏng theo kiểu xe mà César đã sử dụng trong ngày lễ Khải Hoàn ở La Mã. Vua xứ Arménie cùng vợ và các con bị xiềng xích dòng đi phía sau xe. Vì nhà Vua là một thi sĩ, Cléopâtre ra lệnh dùng xích vàng, không hiểu để làm ông đau khổ thêm hay để giúp ông đỡ tủi. Nhiều người thắc mắc nhưng không dám hỏi.
Tiếp theo là các tù binh gồm hoàng thân quốc thích của nhà Vua, rồi đến toán quân Ai Cập mâng những biểu hiện của các thành phố bị chinh phục.
Cléopâtre ngự trên chiếc ngai vàng có mái che xanh đỏ kê phía ngoại đền. Xung quanh nàng là các triều thần văn võ, các nam nữ tông đồ của Thần Serapis.
Khi đám rước tới trước đền, Antoine rời xe, bước lên những bậc thềm cao hun hút, rồi vừa thở vì mệt vừa dâng một con vật hy sinh lên Thần Serapis, thay vì Thần Jupiter nếu ở La Mã. Xong xuôi chàng dẫn đám tù binh tới trước mặt Nữ Hoàng. Một chuyện bất ngờ xảy ra: tuy xác xơ mệt mỏi sau cuộc đi bộ nhục nhằn, Vua xứ Arménie vẫn ngang nhiên không chịu quỳ trước mặt Cléopâtre. Theo lệ thường, ông sẽ bị giết sau lễ Khải Hoàn, rất ít hy vọng được tha. Giờ đây ông dám làm một cử chỉ bất kính với Nữ Hoàng, suýt làm hỏng cả buổi lễ, đáng lẽ ông phải chết nhanh, nhưng Cléopâtre lại trọng kẻ anh hùng, ra lệnh tha mạng ông cùng toàn thể gia quyến. Dĩ nhiên Antoine cũng đồng ý.
Sau buổi lễ, toàn thể dân chúng Alexandrie được đãi tiệc tại các khu vườn, và các công viên. Lúc mặt trời lặn, một buổi lễ thứ hai được tổ chức tại khuôn viên Hội Trường với sự ra mắt của hai vị thần sống: Cléopâtre-Isis và Antoine-Dionysos-Osiris.
Bên cạnh hai chiếc ngai của hai người là bốn chiếc khác nhỏ hơn cho các Hoàng Tử và Công Chúa: Césarion, anh em sinh đôi Alexandre-Hélios mặt trời, Cléopâtre-Séléné mặt trăng, và Philadelphe. Césarion hiện đã mười bốn tuổi, anh em sinh đôi năm tuổi, và Philadelphe hai tuổi. Mỗi người có một toán cận vệ riêng, ăn mặc theo sắc phục của những xứ mà một ngày kia họ sẽ lên ngôi cai trị.
Trước một rừng người đông nghẹt, Antoine long trọng tuyên bố Cléopâtre là Nữ Hoàng của các Vua, Chúa Tể của Ai Cập, Chypre, Syrie, Phi Châu, và tất cả các xứ mà chàng đã nhượng lại theo bản hiệp ước tại Antioche.
Sau đó chàng công bố Césarion là Cộng Đồng Nhiếp Chánh của Cléopâtre và là người kế vị nàng sau này. Chàng còn ban tặng cậu bé (lấy tư cách gì chàng không giải thích rõ) danh hiệu kinh người Vua của các Vua. Khi chàng đặt chiếc vương miện có từ ba trăm năm trước lên đầu cậu bé, chắc hẳn chàng xúc động không ít vì khuôn mặt cậu bé quá giống César, người mà ngày xưa chàng đã tính trao vương miện nhưng mưu sự bất thành.
Alexandre-Hélios mặt trời, con ruột của chàng, được chàng cho làm Vua xứ Arménie. Dĩ nhiên khi chinh phục xứ này, chàng lấy danh nghĩa của La Mã, nhưng ở đời, kẻ chiến thắng mà không có quyền thiên vị con mình thì chiến thắng để làm gì? Ngoài ra, cậu bé sẽ được làm Vua xứ Medie khi vị Vua hiện tại qua đời, kiêm luôn Vua xứ Parthie mà chàng sẽ chinh phục một ngày gần đây (?)
Còn đối với cô bé Cléopâtre-Séléné chàng ban tặng hai vùng đất Cyrénaique và Lybie ở phía tây Ai Cập, và cho làm Nữ Hoàng các xứ Phénice, Cilicie và Bắc Syrie.
Buổi lễ kết thúc, mọi người đều hỉ hả. Nhất là Cléopâtre, nàng hài lòng vì thấy các mưu đồ của mình bắt đầu có kết quả. Nàng đã "mặt dạn mày dày" bá rẻ tình yêu là để có ngày hôm nay.
Nhưng có một điều nàng vẫn chưa toại ý. Gã mặt mụn gớm ghiếc Octave hãy còn chễm chệ ở La Mã, chiếm mất chỗ ngon lành nhất của cậu con bửu bối Césarion.
– Nàng có vẻ tươi hơn mọi khi đấy nhé.
Đó là lời Antoine nói với nàng buổi ấy, giọng chàng chứa đầy vẻ kiêu hãnh của một anh chồng nhu nhược được dịp chiều vợ hết mình.
– Dĩ nhiên. Thiếp sung sướng vì thấy mình là nữ hoàng của một nước lớn nhất thế giới. Dưới triều đại của thiếp, dân chúng an hưởng thái bình, thịnh vượng. Trong khi La Mã liên tiếp bị xâu xé bởi các cuộc nội chiến, thì Ai Cập vẫn vững như bàn thạch, luật pháp cũng như dân tình trong nước mỗi ngày một sáng sủa hơn. Nếu kể cả các xứ chư hầu, Ai Cập coi như bao gồm cả Tiểu Á.
Nói đến đây, nàng nhún vai cho chiếc áo lụa tuột xuống đất, bước tới ngắm nghía mình trong gương, rồi tiến lại đứng trước mặt chàng. Chàng đang ngồi ở cuối giường, tay đang vân vê chiếc mắt cá chân chai phồng vì đi giày quá nhiều. Nàng nói tiếp:
– Chắc Tướng Quân cũng nhận thấy nơi đây sẽ là thủ đô tương lai của thế giới vì vị trí thuận lợi hơn La Mã nhiều.
Antoine ngẫm nghĩ:
– Nhưng từ đây đến các xứ chư hầu miền tây xa quá.
– Tướng Quân định nói mấy xứ Gaule, Đức, Tây Ban Nha, và Anh chứ gì? Mấy xứ đó mà kể gì. Chỉ toàn những rừng rậm và đồng lầy tối tăm, dân chúng thì toàn bọn man di mọi rợ. Tướng Quân hãy nhìn về phương đông! Đó mới là những xứ thừa hưởng nền văn minh cổ. Đó mới là những xứ đáng để chinh phục. Nhưng Tướng Quân nên nhớ, muốn chinh phục được chúng phải có La Mã yểm trợ. Vậy trước hết chúng ta hãy chinh phục La Mã.
Đây chính là điều Antoine rất sợ phải nghĩ tới, vì theo chỗ chàng biết, gã mặt mụn rất có thể đã củng cố thế lực đến mức bất khả xâm phạm.
Đọc được ý tưởng yếm thế của chàng, Cléopâtre quỳ xuống bên giường ghé miệng hôn chàng thật say đắm. Vừa hôn, nàng vừa dùng tay mơn trớn chiếc lưng trần của chàng bằng một phương pháp mà người giàu nghị lực gấp mười lần chàng cũng phải mềm thành bún. Nàng tấn công qua hơi thở:
– Antoine, chàng quật ngã gã mặt mụn dùm thiếp nhé? Chàng hứa đi.
Nói dứt nàng hôn chàng còn vũ bão hơn trước. Và khi đôi tay cuồn cuộn của chàng vòng qua xiết mạnh người nàng, nàng biết chàng đã mềm lòng.
Chàng là của nàng. Của nàng để phục vụ nàng. Nhưng cả những lúc mặn nồng thế này nàng vẫn thấy rõ sự khác biệt của hai đấng lang quân: một người đã chết, còn một người đang cùng nàng lăn lộn trên giường. Antoine cho nàng rất nhiều, từ các vương quốc mênh mông đến niềm tin bá chủ hoàn cầu, nhưng không hiểu sao nàng vẫn thích César hơn, dù ông chỉ hai bàn tay trắng.
Dĩ nhiên Antoine không thể biết nàng đang nghĩ gì. Chàng còn bận say men tình, lâng lâng với giấc mộng đế vương. Chàng là dòng dõi của Thần Sức Mạnh Hercule, chàng là hiện thân của Thần Rượu Bacchus, chàng là Độc Bá Vương khắp gầm trời miền đông, chẳng lẽ chàng lại sợ một gã nhỏ mọn như Octave sao?
Nhưng Cléopâtre hoặc nàng đã quá khinh địch, hoặc các mật báo viên của nàng đã báo cáo láo, nên mới xúi Antoine gây can qua với gã mặt mụn. Nàng quên rằng gã hiện là chúa tể của Ý, Illyrie, Gaule, Tây Ban Nha và hai xứ tại Châu Phi. Hai xứ này tuy còn man khai nhưng tài nguyên rất dồi dào và nhân lực thừa cung ứng cho La Mã. Gã hiện nắm trong tay những đạo quân trừ bị khổng lồ tổng cộng lên đến mấy trăm ngàn người. Sa khi khuất phục được Sextus Pompée, con trai của Tướng Pompée, gã đã thực sự đem lại hòa bình cho người dân La Mã, đó là điều mà họ thiết tha hơn tất cả mọi thứ trên đời. Dân chúng đã kiệt quệ, kho tàng cũng đã cạn, nhưng gã vẫn vững như núi vì các xứ chư hầu dư sức trám vào lỗ trống đó. Toàn thể La Mã bắt đầu vững tin ở gã, vững tin ở chế độ mà gạ đang thi hành.
Gã đã cưới một người vợ khác, một cô gái thuộc loại hồ ly tinh tên Livie. Nàng này đã giúp gã rất nhiều trong những mưu thần kế quỷ. Đám thuộc hạ của gã cũng gồm những tay tài ba lỗi lạc. Và dù sao gã cũng là con cháu César, người kế nghiệp chính thức của ông.
Lúc này gã đã hai mươi bảy tuổi. Giống như Antoine, gã cũng cảm thấy mình là chúa trùm thế giới, tuy cảm giác đó chua chát hơn và phải mua bằng nhiều khó nhọc hơn. Và để tìm thêm cảm giác an toàn, gã cần phải trừ khử Antoine.
Gã được lòng dân La Mã bao nhiêu thì Antoine làm họ bất mãn bấy nhiêu. Chàng đã nướng vô số binh lính vào chiến dịch điên rồ tại xứ Parthie. Sau khi chàng chiến thắng xứ Arménie (một cuộc chiến thắng quá dễ dàng, gần như một cuộc ăn cướp có võ trang), tuy dân La Mã tự động tổ chức những ngày hội ăn mừng, nhưng sự thành thật của họ có thể sánh ngang với sự thành thật của Octave khi gã công khai cầu nguyện cho người em rể thân mến Antoine.
Và đến khi chàng tổ chức lễ Khải Hoàn ở Alexandrie thay vì ở La Mã thì uy tín lãnh đạo của chàng tại La Mã kể như mất hẳn.
Ngoài ra những hành vi riêng tư của chàng cũng làm nhiều người gai mắt. Chàng đã trắng trợn phụ bạc nàng Octavie hiền từ gương mẫu. Octave coi đây là một sự sỉ nhục đối với chính gã, và gã bắt em gái phải rời tư dinh của chàng để ra ở riêng (thực ra nàng đâu có ở chung với Antoine), nhưng nàng cương quyết từ chối. Nàng khuyên anh:
– Thưa anh, nếu anh gây hấn với chồng em, chắc chắn một cuộc nội chiến sẽ xảy ra, và như vậy là mình mắc mưu mụ đàn bà Ai Cập đó. Một khi La Mã kiệt quệ, mụ sẽ dốc quân vào chiếm La Mã dễ như trở bàn tay.
Đàn ông thật là ngu muội, nàng thở dài, và tiếp tục sống trong ngôi nhà vắng bóng chồng. Nàng dành hết thì giờ nuôi dạy con cái, kiên nhẫn chờ chồng, nêu cao gương tiết liệt của người phụ nữ La Mã. Nàng niềm nở tiếp đón các bạn bè của chồng từ Ai Cập về, với hy vọng họ sẽ nói cho nàng biết chồng nàng hồi này ra sao, sức khỏe thế nào, hoặc có nhắn gì cho nàng không? Nhưng chính sự hiền thục của nàng đã làm hại Antoine không ít, vì nàng càng tha thứ cho chàng bao nhiêu thì dân La Mã càng thương xót nàng và căm hận chàng bấy nhiêu.
Một trong những tội lớn nhất của Antoine đối với người La Mã là chàng đã dám phong cho Cléopâtre làm Nữ Hoàng của các xứ do La Mã chiếm được. Gã mặt mụn Octave đã khai thác triệt để trước Nguyên Lão Viện. Thế là một cuộc bút chiến xảy ra. Antoine gửi thông điệp trách gã đã nhờ sức chàng mới chiếm nổi đất Sicile khỏi tay Sextus Pompée, vậy mà gã hưởng một mình chẳng chia chác gì cho chàng. Thậm chí gã còn giữ luôn những chiến thuyền mà chàng đã cho mượn. Chàng viết:
– Tôi vừa quay lưng ra đi, bạn đã đem chia đất đai tại Ý cho các thuộc hạ của bạn, còn các chiến sĩ can đảm của tôi chẳng được sơ múi gì.
Gã mặt mụn viết thư trả lời:
– Các chiến sĩ can đảm của Tướng Quân đã được Nguyên Lão Viện quyết định cấp cho đất Medie và Arménie. Còn nếu Tướng Quân thích dâng hai xứ đó cho một Nữ Hoàng ngoại chủng thì họ đành chịu thiệt vậy.
Không biết làm sao hơn, Antoine quay ra bới móc đời tư gã. Và để trả đũa gã rêu rao Antoine phụ bạc vợ hiền để công khai ngủ với nhân tình.
Antoine nổi trận lôi đình, gằn mạnh bút trên tờ thư:
– Vì đâu mà bạn trở mặt với tôi? Phải chăng vì bạn ganh với tôi, tôi được ngủ với nữ hoàng xinh đẹp trong khi bạn thèm mà không được? Nhưng bạn nên nhớ nàng là vợ tôi. Và chuyện này cũng chẳng phải mới xảy ra đây, đã nhiều năm nay có gì là lạ mà bạn thắc mắc? Ngoài ra, bạn thử ngó lại mình xem? Livie vợ bạn đâu phải người duy nhất ngủ với bạn. Mong rằng khi bức thư này đến tay bạn, bạn vẫn còn đủ sức để luân phiên làm hài lòng các nàng Tertulla, Terentilla, Rufilla, Salvia, Titisenia, và các nàng khác nữa mà tôi không thể kể xiết. Bạn nghĩ thế nào về hành động của bạn khi giữa đám tiệc tùng, bạn bưng vợ của một cựu Chấp Chánh Quan về phòng riêng, rồi lại bưng trở ra bàn tiệc để nàng ta ngồi thở dốc, mặt đỏ, tóc rối bời, quần áo xốc xếch? Tôi biết ngày trước bạn rất khoái mấy gã trai tơ. Gần đây, nghe nói bạn đã đổi món, quay ra thích bọn gái tơ, và Livie vợ bạn đang ráo riết săn bắt bọn này về để đủ cung cấp cho bạn. Xin có lời mừng.
Những người ngoại cuộc đều mỉm cười trước cuộc đấu võ mồm này và đều hiểu rằng từ võ mồm đến võ tay chân chẳng còn bao xa nữa.
31
Đứng sau khuôn cửa sổ trông ra bờ vịnh với những hàng dừa đong đưa trong gió, nước biển thẳm xanh hun hút, Cléopâtre đăm chiêu nói với thị nữ Charmian:
– Ngươi biết không, đến bây giờ ta mới tỉnh ngộ. Từ trước đến nay kẻ thù chính và nguy hiểm nhất của Ai Cập là La Mã. Phụ Vương ta từng nói Đừng bao giờ chống lại La Mã, nhưng theo ta thì nếu không chống lại La Mã chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Suốt chín năm nay ta đặt hết hy vọng vào Antoine vì tưởng chàng là một vĩ nhân có đủ quyền lực để làm việc này, nhưng bây giờ...
Thị nữ Charmian rụt rè:
– Bây giờ thì sao, tâu Lệnh Bà?
Cléopâtre thở dài nhìn về hướng mặt trời lặn:
– Bây giờ thì ta tỉnh ngộ.
Nàng nhìn ra ngoài mà như nhìn vào chính tâm hồn mình, cố tìm ra nguyên nhân đã đưa giấc mộng của nàng tới bên bờ vực. Hình ảnh Antoine hiện ra trong trí nàng không còn hiên ngang uy vũ như xưa nữa, mà thay vào đó là một tấm thân nặng nề, già nua, dâm dật. Sao vậy nhỉ? Đó là tự bản chất chàng, hay tự nàng? Nàng rùng mình với ý tưởng chính nàng đã làm chàng thân tàn ma dại như ngày nay. Nàng đã thẳng tay cám dỗ chàng, bắt chàng phải vùi đầu vào những đam mê thấp hèn nhưng mãnh liệt nhất, biến chàng thành một thứ nô lệ của xác thịt với mục đích buộc chân chàng ở bên nàng.
Tại sao nàng muốn giữ chàng? Vì chàng đẹp trai, vui vẻ, nhiệt thành, hay vì chàng có thể giúp nàng chinh phục La Mã, đưa con cháu nàng lên ngôi đời đời cai trị thế giới? Hoặc nàng chỉ coi chàng là một gã bù nhìn, một quân cờ để tạm thời ứng phó với cuộc diện thế giới? Còn tự nàng, nàng sẽ phát động cuộc chinh phục La Mã để thỏa chí bình sinh, xứng đáng với dòng máu quân vương đã bao đời tiếp nối và còn đang hừng hực trong huyết quản nàng?
Bóng tối đã bao trùm vạn vật mà nàng còn thẫn thờ đứng bên cửa sổ, suy đi tính lại. Được lắm, nàng sẽ không cần đến Antoine nữa. Nàng sẽ tự đứng ra chỉ huy cả lực lượng Ai Cập lẫn đạo quân La Mã dưới trướng Antoine để gây hấn với gã mặt mụn.
Ngay đầu năm đó, Cléopâtre và Antoine đem quân hợp chung với nhau tại Ephèse, một hải cảng phía tây Tiểu Á. Chỉ qua một đêm, hải cảng này biến thành một căn cứ quân sự khổng lồ với hai trăm chiến thuyền cỡ lớn thuộc hạm đội Ai Cập trang bị hùng hậu hơn hẳn các chiến thuyền La Mã. Cléopâtre đã vọc bàn tay đẹp của nàng vào kho tàng Ai Cập và lấy ra một số tiền đủ để chi phí cho hai năm chinh chiến.
Syrie và Arménie gửi chiến thuyền và đồ tiếp tế tới hàng ngày. Các Vua Đông Phương đồng minh với Cléopâtre cũng tấp nập kéo tới phục vụ dưới cờ: các xứ Mauritanie, Thượng Cilicie, Cappadoce, Paphlagonie, Commagène, Thrace, Galatie, và các vương quốc nhỏ khác nếu đứng riêng rẽ thì không đáng kể, nhưng nếu hợp lại sẽ biến thành một lực lượng khủng khiếp.
Đã có lúc Antoine phải kêu lên với viên phó tướng:
– Hãy trông xem! Ngươi đã thấy một cuộc thao diễn gồm đủ mặt như thế này bao giờ chưa? Mấy gã to lớn râu ria, tóc búi trên đỉnh đầu kia là bọn Gaule dấy. Mấy gã nhỏ nhắn mang dây lưng sắt, đầu đội mũ đồng có lông là bọn Hy Lạp chuyên môn sử dụng máy bắn đá. Mấy gã trông giống như đàn bà mặc áo dài đeo bông tai kia là bọn Lydie. Còn mấy gã khổng lồ đen trùi trũi mang khiên lớn tay đeo vòng bạc đi nghễu nghện như vua kia là bọn Maure ở tây bắc Phi Châu. Còn nhiều bọn khác nữa hiện không có mặt ở đây.
Gã phó tướng nghi ngờ:
– Theo Đại Soái thì họ có biết gì về mục đích cuộc chiến này không?
Antoine nhìn vào mặt gã, hỏi ngược lại:
– Nếu là ngươi thì ngươi sẽ nói với họ ra sao?
– Không thể nói thẳng đây là mưu đồ thống trị La Mã của Nữ Hoàng Ai Cập.
– Tại sao không?
– Vì họ đã quá chán chính sách bành trướng của Nữ Hoàng. Theo mạt tướng, chúng ta nên gọi đây là cuộc hưng binh nhằm giải phóng La Mã khỏi ách thống trị của Octave và phục hồi nền Cộng Hòa cổ kính.
Antoine tư lự:
– Chính ta cũng từng nói với dân La Mã như vậy, không hiểu họ có tin không? Họ mà tin, chúng ta sẽ có rất nhiều hậu thuận.
– Đại Soái có định lập lại chế độ Cộng Hòa thật không?
Antoine cười gằn:
– Đừng có điên! Chẳng lẽ ta lập lại chế độ Cộng Hòa để Cléopâtre làm phụ tá Chấp Chánh Quan hay sao?
Ngoài mưu đồ bá vương, Antoine còn muốn làm đẹp lòng Cléopâtre bằng cách tuyên bố rằng cuộc chiến sắp tới nhằm đưa Césarion về đúng ngôi vị của mình, nghĩa là con chính thức và người kế vị hợp pháp của César. Điều này đánh trúng tâm lý số đông dân chúng La Mã vì họ thường quan niệm rằng gã mặt mụn có địa vị ngày nay là nhờ sự giả mạo giấy tờ của Calpurnia, vợ chính thức của César. Calpurnia ghen với Cléopâtre, tìm cách hất cẳng con trai của tình địch là chuyện thường.
Dĩ nhiên trên đây chỉ là những chiêu bài để Antoine có cớ rước voi về dầy mồ, đem người ngoài về tàn sát dân mình. Những chiêu bài chẳng đánh lừa được ai nhựng chàng cũng không buồn để ý vì đầu óc chàng còn bận lo những chuyện đâu đâu. Ngoài lúc thao dượt binh lính, chàng tiếp tục vùi đầu vào các cuộc chè chén say sưa do bọn Vua chư hầu khoản đãi. Các bữa tiệc tuy không linh đình như hồi còn ở Ai Cập, nhưng thà có còn hơn không, chàng luôn luôn hết mình thưởng thức. Có lần chàng quá chén, lè nhè gọi đám nhạc công và kịch sĩ vào thưởng cho chúng trọn thành phố Prience thuộc đất Ionie phía tây Tiểu Á. Món quà tuy lớn nhưng hơi vụng vì bọn này chẳng có cách nào tới được đất đó để làm chủ thành phố. Mùa xuân năm đó, Antoine rủ một số Vua chư hầu thuộc loại bợm nhậu đi đảo Samos chơi. Các Vua chư hầu ngạc nhiên nhưng thích thú khi khám phá ra hai trong số các chiến thuyền tháp tùng chở đầy nhóc diễn viên và vũ nữ. Lên tới đảo, tiệc tùng lại liên miên, có phần còn phóng túng hơn ở doanh trại.
Và vì Cléopâtre còn bận ở nhà lo bày mưu lập kế, Antoine tha hồ mà thưởng thức những thú vui nát người còn hơn chè chén.
Mấy tuần sau, bốn trăm nghị viên La Mã có cảm tình với Antoine lặn lội tới Ephèse để báo cho chàng biết tại La Mã gã mặt mụn đã tung ra nhiều dư luận bất lợi cho chàng. Ví dụ Nữ Hoàng Ai Cập hiện đã hớp hồn chàng. Chàng đã hoàn toàn mất gốc, từng dùng xe vàng đi qua các đường phố Alexandrie, và ăn mặc như Diêm Thần Osiris của Ai Cập. Những khi đi dạo, chàng mặc loại quần áo đông phương, yểu điệu như đàn bà, đầu bịt khăn kiểu Thổ. Người ta còn thấy chàng đập phùng phèng, bù khú với mấy tên thủy thủ trong một quán rượu đầy nhóc bọn gái điếm rẻ tiền.
Nhưng dân chúng La Mã xúc động nhất khi nghe đồn chàng đã trao tặng Cléopâtre toán vệ sĩ lừng danh La Mã, và hiện thời toán vệ sĩ này sử dụng những chiếc khiên không mang dấu hiệu cao quý của La Mã, mà mang một chữ C tức tên tắt của Cléopâtre. Vụ này được xem như một điều sỉ nhục cho toàn thể quân dân La Mã.
Bốn trăm vị nghị viên tốt bụng đã đùng đùng nổi giận khi thấy ngài Antoine khả kính bị bôi nhọ một cách trắng trợn. Họ tỏ thái độ bằng cách rời La Mã đi tìm Antoine để ủng hộ chàng, bỏ lại phía sau tám trăm nghị viên khác hoặc bợ đỡ gã mặt mụn hoặc chẳng có lập trường rõ rệt.
Khi đám nghị viên tới Ephèse và được nhìn thấy tận mắt những sự thực về Antoine, họ đớ người chẳng thốt nên lời.
Vị nghị viên trưởng đoàn hỏi một đội trưởng trong toán lính canh của Antoine:
– Soái phủ ở đâu?
– Thưa, ở đằng kia, nhưng Đại Soái đã đổi thành Vương Phủ rồi.
Vương Phủ! Các nghị viên đưa mắt nhìn nhau bán tín bán nghi. Nhưng đến khi gặp mặt Antoine thì họ buộc lòng phải nhìn nhận rằng chàng thích hợp với một vương phủ hơn soái phủ.
Chàng mặc trên người một chiến bào La Mã màu đỏ thẫm, nhưng chân chàng đi giày trắng kiểu Hy Lạp, đầu đội mũ dạ lớn kiểu Macédoine. Và kia, toán vệ sĩ của chàng, thay vì mang khiên có hình phượng hoàng và những chữ S. P. Q. R(4) từng làm rúng động thế giới, họ lại mang những chiếc khiên ủy mị với hai chữ A và C (Antoine và Cléopâtre) quấn lấy nhau âu yếm. Dần dần đám nghị viên tỉnh ngộ, thì ra những lời đồn đãi kia còn thua sự thực.
Cléopâtre đã hớp hồn Antoine! Điều này hiển nhiên vì chính nàng, chứ không phải chàng, mới là vị nguyên soái của lực lượng hỗn hợp. Viên tướng già Ahenobarbus từng kéo Antoine ra chỗ vắng, tâm sự:
– Đại Soái nên xét lại. Cléopâtre không có nhiệm vụ gì trong đạo quân La Mã này hết, coi chừng kẻo dân La Mã hiểu lầm. Tốt hơn hết Đại Soái gửi nàng về Ai Cập và cho Césarion tới đây thay thế. Dù sao Césarion cũng là đàn ông, không ai có thể dị nghị.
Nghe vị lão tướng gọi thẳng tên Cléopâtre, chàng hơi bất mãn nhưng phải công nhận lão có lý, chàng phân vân mãi về chuyện này, và cuối cùng phải nhờ đến hơi men chàng mới đủ can đàm bảo Cléopâtre nên về Ai Cập, chuyện chiến tranh để mặc chàng lo.
Cléopâtre sững sờ. Anh chồng đần độn ăn chơi của nàng mà đòi đương đầu với La Mã không cần đến nàng giúp đỡ? Sắp loạn rồi chăng? Nhưng vốn là người khôn ngoan, nàng không ra mặt phản đối. Nàng chỉ nhờ những người xung quanh tìm cách thuyết phục chàng, vạch cho chàng thấy những ưu khuyết điểm. Như vậy nếu họ thất bại thì nàng cũng không mang tiếng vợ cãi chồng.
May mắn cho nàng, nàng lôi kéo được Publius Canidius, mưu sĩ thân tín nhất của Antoine, về phe nàng. Lão này khuyên chàng nên đem nàng theo vì có nàng sẽ làm hạm đội Ai Cập chiến đấu hăng say hơn và nguồn tiếp tế từ Ai Cập được liên tục hơn.
Thế là chàng cứng họng và Cléopâtre ở lại như thường. Nhưng bốn trăm vị nghị viên bắt đầu nhốn nháo. Một số ủng hộ Antoine và Nữ Hoàng, còn một số cho rằng chàng nên hợp tác với gã mặt mụn, trừ khử Cléopâtre để thế giới khỏi mang họa. Nhưng đại khái tất cả đều tiếc rằng mình đã rời La Mã.
Trong óc Cléopâtre bắt đầu nảy sinh những mối hồ nghi. Liệu nàng có thể tin Antoine được không? Chàng định đá nàng ra rìa để ăn mành chăng? Thuộc hạ của nàng đã bắt gặp một bức thư của chàng viết cho gã mặt mụn, hứa sẽ bãi binh nếu gã cũng án binh bất động. Lúc đầu nàng tưởng đây chỉ là một mẹo vặt của chàng nhằm đánh lừa gã mặt mụn, nhưng giờ đây nàng ngờ là mình đã nghĩ sai.
Nàng tâm sự với thị nữ Charmian:
– Giả sử Antoine thật tâm muốn giao hảo với gã mặt mụn để chia đôi Đế Quốc La Mã, thì đó sẽ là một đại họa cho chúng ta. Chắc chắn gã mặt mụn sẽ xúi Antoine hợp sức đánh ta, quân ta sẽ khó bề đương cự.
Thị nữ Charmian vừa sửa lại nếp áo cho nàng vừa lo lắng hỏi:
– Vậy Lệnh Bà định xử trí ra sao?
– Ta sẽ đi sát Antoine hơn nữa.
Nói là làm, từ hôm đó nàng mở những đợt tấn công mới khiến tấm thân phì nộn của Antoine lại bừng bừng trỗi dậy, bao nhiêu ý chí quăng ra cửa sổ hết. Vả lại ở cái tuổi lười biếng năm mươi, chàng chỉ thích làm bạn với ma men, phó mặc chuyện quốc gia đại sự cho cô vợ đẹp như mơ, khôn như quỷ kia. Chàng trở nên nhu nhược đến độ có lần hai người cãi vã, chàng đã đầm đìa nước mắt bằng lòng hứa bất cứ điều gì để được nàng đoái tưởng.
Đợi đến mùa hè, Cléopâtre mới bắt đầu đem kế hoạch của mình ra thí nghiệm, tuy thế vẫn còn hơi vội vã. Nàng không dám chần chờ lâu hơn nữa vì mật báo viên của nàng cho biết một mặt Antoinia mê say nàng, một mặt chàng vẫn tìm cách bắt lại liên lạc với cô vợ Octavie của chàng. Chàng viết thư cám ơn Octavie đã tận tụy với chàng và đã cho chàng biết đầy đủ tin tức về tình hình La Mã. Chàng còn bảo Octavie là người trung gian lý tưởng giữa chàng và gã mặt mụn.
Trả lời thư chàng, nàng Octavie đức hạnh cho biết nàng rất sung sướng được chàng khen ngợi. Hiện thời, không những nàng lo chăm sóc con nàng mà còn hết lòng dạy dỗ cả con riêng của chàng với Fulvie. Nàng cố gắng chu toàn công việc trong ngoài và cảm thấy hãnh diện được làm sợi dây liên lạc duy nhất giữa chàng và anh ruột nàng.
Chẳng may bức thư này lọt vào tay Cléopâtre. Nàng nổi trận lôi đình khi đọc những giòng chữ viết trên giấy quý quấn quanh một thỏi ngà, phía dưới có đóng triện của Octavie hình một con bồ câm ngậm thư. Nàng quơ lá thư trước mặt chồng:
– Thật là hết tin tưởng nổi! Đẹp mặt gớm! Chao ôi, sợi dây liên lạc, nghe mới hay làm sao. Tướng Quân liệu hồn kẻo tôi đi thẳng sang La Mã bứt đứt sợi dây đó xem hai người làm ăn ra sao. Nói cho Tướng Quân biết, hoặc Tướng Quân ly dị ả ngay, hoặc chính tôi sẽ ly dị Tướng Quân. Tôi thề như vậy!
Cléopâtre dọa kiểu này, Antoine chịu thua ngay. Như thường lệ chàng khóc hu hu, hứa sẽ bỏ cô vợ La Mã đáng thương. Cléopâtre không để chàng có thời giờ đổi ý, bắt chàng phải viết ngay một bức thư bảo Octavie hãy rời khỏi tư dinh chàng tại La Mã, muốn đi đâu thì đi. Cách trục xuất này đưa đến sự ly dị, hoặc từ hôn như có ghi trong sách luật!
Nhằm cắt đứt hẳn sợi dây liên lạc giữa Antoine và anh em Octavie, Cléopâtre thúc chàng phải ra lệnh chuyển quân đi Hy Lạp gấp để tuyên chiến với gã mặt mụn. Chót đâm lao phải theo lao, Antoine bằng lòng.
Tại Hy Lạp, chàng lại được dịp vui chơi thỏa thích. Dân Hy Lạp một lần nữa thổi phồng chàng lên rồi che tay cười thầm. Chàng thích vênh vang thì họ cho chàng thật nhiều cơ hội để vênh vang. Trong ngày hội Thần Dionysos, chàng ăn mặc như Thần Rượu Bacchus, chủ tọa một buổi cuồng lạc. Tối đến dân Hy Lạp hè nhau rước chàng qua các đường phố, tới khu vệ thành trên đồi Acropolis, và tôn chàng làm con của Thần Dionysos giữa tiếng cười của toàn thể dân chúng thành phố Athènes.
Có ít nhất hai người La Mã chịu không nổi cảnh này, vùng vằng rời Athènes để về La Mã. Người thứ nhất là Manutius Plancus, một tên khoác lác chuyên lo cung cấp những cuộc ăn chơi trác táng cho Antoine từ hồi còn ở Ai Cập. Tình cờ được xem một chúc thư của Antoine trước khi rời Alexandrie để đi Macédoine, y thầm nghĩ bản chúc thư này mà lọt vào tay gã mặt mụn sẽ là một quân bài tốt cho gã trong cuộc diện hiện tại. Bây giờ được chứng kiến thêm những hành vi của Antoine tại Hy Lạp, gã mới chợt hiểu rằng gã mặt mụn chẳng cần có bài tốt cũng thừa sức ăn đứt Antoine. Vậy thì nên bỏ chàng là vừa.
Người thứ hai, quan trọng hơn, là Marcus Silanus một cựu sĩ quan dưới trướng César thuở trước. Lão này mang về La Mã nguồn tin Antoine chỉ còn là một vị tướng suy vi thảm hại, chẳng đáng ngại chút nào. Tên phản bội Manutius Plancus cũng phụ họa theo bằng những chuyện dựng đứng, như Nữ Hoàng Ai Cập thường cho Antoine uống bùa yêu khiến chàng mê mẩn để dễ bề nắm trọn binh quyền, xâm lăng La Mã.
Chuyện bịa thấy rõ nhưng dân chúng La Mã lại tin và có thái độ dứt khoát. Thế mới khổ cho chàng Antoine mê rượu thích đàn bà.
32
Trận bão chiến tranh đang vần vũ trên nền trời La Mã. Lực lượng hỗn hợp khổng lồ tập trung phía bên kia bờ biển không còn là trò đủa nữa. Đây không phải là một cuộc nội chiến giữa các người La Mã, mà là một cuộc xâm lăng hẳn hòi. Sự hiện diện của Nữ Hoàng Ai Cập và các lực lượng miền đông chứng tỏ như vậy.
Mùa hè dứt, các nhà quý tộc từ các nơi nghỉ mát trở về. Đã đến lúc gã mặt mụn Octave phải quyết định, hay nói đúng hơn nhờ cô vợ hồ ly Livie quyết định dùm. Ả đánh hơi thấy phe Antoine đã đi quá xa. La Mã nên bắt đầu hành động là vừa. Chúng ta cũng biết chồng mình chỉ là một gã hèn giữa đám võ biền, thấy chiến tranh là co vòi, nên ả dùng đòn tâm lý. Ả không đem những hình ảnh huy hoàng của chiến thắng ra dụ chồng, mà chỉ đem những cảnh thanh bình an lạc sau chiến thắng ra làm chồng háo hức. Biết chồng rất khâm phục triết gia lão thành Mécène hiện đang ngụ tại tòa lâu đài trên đồi Esquilin, ả khuyên chồng đi vấn kế ông ta. Mécène nổi tiếng là một triết gia cương trực. Từ lúc Octave còn là Quan Tam Đầu Chế đến khi gã lên ngôi Hoàng Đế, ông luôn luôn can gián gã, coi gã như bạn. Khoảng thời gian gã làm Hoàng Đế (tức Hoàng Đế Augustus César), có lần ông thấy gã chủ tọa một cuộc xét xử các tội phạm chính trị với bộ mặt hầm hè đắc ý, ông bèn viết cho gã một câu: "Mau rời chiếc ghế quan tòa đó, hỡi anh đồ tể!" Thấy mảnh giấy, Hoàng Đế giật mình, ngẫm nghĩ, và đỏ mặt. Từ đấy gã hết lố lăng.
Ả hồ ly Livie cẩn thận sắp đặt để chồng gặp mặt nhà hiền triết trên đồi.
Thấy gã đến, ông nói:
– Chúng ta hãy ngồi ngoài này để nhìn thấy thành phố phía dưới và những cánh đồng chạy dài tới tận chân rặng Sabin. Khung cảnh đẹp thế kia, non sông gấm vóc thế kia, tại sao cứ phải chịu mãi cành binh đao khói lửa?
Gã mặt mụn phản đối:
– Đành vậy nhưng ta biết phải làm gì khi mà Nguyên Lão Viện lục đục, gièm pa đủ thứ?
– Tướng Quân không nên quá bận tâm đến họ. Hãy để mặc họ tự đối xử với nhau rồi đâu sẽ vào đấy. Việc mà Tướng Quân nên làm là lôi kéo cho bằng được đám người bình dân về phe Tướng Quân. Xưa nay trong các cuộc biến động, giới bình dân bao giờ cũng có tiếng nói lớn nhất, cũng là hậu thuẫn vững mạnh nhất. Tướng Quân nên gây cảm tình nơi họ, không phải bằng những hội hè đình đám hay hằng những đám giác đấu kinh thiên động địa, vì những thứ đó chỉ có giá trị chốc lát. Họ vui đấy rồi lại quên đấy, để rồi sáng hôm sau chẳng còn lại gì, còn chăng chỉ là vài cảm giác choáng váng nhức đầu vì dư âm của những ly rượu ngày hôm trước. Tướng Quân nên nghĩ đến những chuyện lâu dài hơn, ví dụ như sửa lại đập nước Marcie để giúp dân tránh được nạn khan nước về mùa hè; hoặc lập những phòng tắm công cộng, lệ phi rẻ hay miễn lệ phí, để người dân được hưởng chút tiện nghi mà đám quý tộc thường được hưởng.
Gã mặt mụn bứt rứt:
– Nhưng... chẳng lẽ chỉ ngần ấy mà họ chịu hậu thuẫn cho ta trong chiến tranh?
Gã chợt hướng ánh mắt về cánh đồng phía xa, hạ thấp giọng nói tiếp:
– Ta ghét chiến tranh!
– Dĩ nhiên. Tướng Quân thuộc lớp người nho nhã học thức chứ không thuộc phường du côn phách lối, nhưng đôi khi cũng phải ra tay để được nhàn tản về sau. Chiến thắng xong những điều lợi không sao kể xiết...
– Ví dụ?
– Ví dụ khi Nền Hòa Bình La Mã (Pax Romana) được cùng cố, Tướng Quân sẽ là người có công với dân tộc. Mọi người sẽ cơm no áo ấm, nhớ ơn Tướng Quân đời đời, và vui vẻ tôn Tướng Quân làm nhà cai trị khôn ngoan chính đáng nhất.
Nói tới đây, nhà hiền triết lái sang chuyện khác, để phần còn lại cho gã mặt mụn tự suy nghĩ lấy.
Lúc này trước mắt gã hiện ra một tương lai sáng lạn đủ để át đi chiếc hố chiến tranh tối tăm góm khiếp. Gã phấn khởi hơn nữa khi nghĩ tới hạm đội hùng hậu mà Thủy Sư Đô Đốc Marcus Agrippa đang ngày đêm lo thành lập cho gã.
Đến mùa thu năm đó thì gã trở nên vững bụng hơn bao giờ hét, vì gã đã nắm được những quân cờ quý trong tay. Đáng kể nhất là những bí mật về bản chúc thư bán dân hại nước của Antoine, một chúc thư khiến toàn thể dân chúng La Mã phải chưng hửng, cũng như bản di chúc của César từng làm Cléopâtre chưng hừng.
Về tới La Mã với bộ điệu của một kẻ yêu nước cùng mình, tên phản bội Manutius Plancus tìm ngay gã mặt mụn để tiết lộ những điều mà y đã thề dấu kín: nội dung bản chúc thư của Antoine mà y đã được chứng kiến.
Theo cổ lệ, chúc thư của Antoine được cất giữ tại đền thờ Nữ Táo Thần Vesta. Sau khi biết rõ nội dung độc đáo của chúc thư, gã mặt mụn đi ngay tới ngôi đền, bất chấp thần thánh và những lời can ngăn của các nữ tu, quyết đoạt cho bằng được bản chúc thư để bêu riếu trước công chúng.
Vừa đọc những lời di ngôn của Antoine, gã vừa lẩm bẩm thích thú với tên phản chủ:
– Thật không thể tưởng được! Coi Césarion là con ruột chính thức của César! Để lại phần lớn cơ nghiệp cho mấy đứa con tư sinh với Cléopâtre! Còn nữa: Nếu ta chết tại La Mã, ta mong rằng thi hài ta sẽ được rước theo nghi lễ qua Nghị Trường, nhưng sau đó hãy chuyển cho Nữ Hoàng Cléopâtre tại Alexandrie để chôn ta ở đó. Hay lắm, hắn đã đút đầu vào rọ.
– Chắc hắn không ngờ, Tướng Quân nhỉ?
Tên phản bội nhắc khéo chủ mới để kể công.
Gã mặt mụn lập tức triệu tập một buổi họp tại Nguyên Lão Viện để mổ xẻ bản chúc thư. Sau khi trịnh trọng đưa mắt nhìn nhựng hàng ghế đầy kín trong phòng họp, gã mở cuộc tấn công ngay:
– Thưa quí vị, những hành động bất chính của Marc Antoine đã "lẫy lừng" khắp nước Ý, tôi khỏi cần nhắc lại sợ làm mất thì giờ vàng ngọc của quý vị. Với những hành động đó, ông ta không còn xứng đáng là một công dân hay một chiến sĩ La Mã nữa. Không người La Mã chân chính nào để mình bị dụ hoặc bởi những liều thuốc kích thích hay bùa mê ngải lú. Không người La Mã chân chính nào ăn mặc theo các tù trưởng đông phương. Không người La Mã chân chính nào tổ chức lễ Khải Hoàn ở ngoài thành La Mã. Và không người La Mã chân chính nào đứng ra hỗ trợ cho một nữ hoàng ngoại chủng đem quân về xâm lăng La Mã.
Một nghị viên lão thành chợt lên tiếng:
– Ngài có bằng chứng gì về chuyện đó không?
Gã mặt mụn ung dung chỉ tay về hướng đông:
– Bên kia bờ biển, ông ta đang cùng Nữ Hoàng Ai Cập tập trung quân. Để làm gì, nếu không phải là để dầy xéo La Mã? Đó chưa phải là bằng chứng sao?
Ngừng lại một chút để chờ đợi câu trả lời không bao giờ đến, gã tiếp:
– Ông ta đứng đầu một đạo quân cực kỳ hỗn tạp, không may trong đó lại có cả những chiến sĩ La Mã khả kính của chúng ta. Bộ chỉ huy của ông ta cũng hỗn tạp không kém. Ngoài cô nhân tình Ai Cập, ông ta còn có những cố vấn quân sự xuất chúng gồm thị nữ Charmian, thợ chải tóc Ba Tư Iras, và một hoạn quan Ai Cập. Kìa, quý vị run đi chứ!
Tiếng cười ào ào nồi lên trước lối pha trò cay độc của gã mặt mụn. Đợi tiếng cười lắng xuống, gã tiếp:
– Nếu quý vị còn chút nghi ngờ gì, thì đây mời quý vị nghe tôi đọc bản chúc thư này...
Đưa tay rút trong ngực ra tờ di chúc của Antoine, gã bắt đầu đọc với giọng sang sảng, rõ từng chữ.
Gã dứt lời, phòng họp yên lặng ngỡ ngàng. Rồi tiếng xầm xì nổi lên, những khuôn mặt mỗi lúc một ngơ ngác thêm. Một quan Tam Đầu Chế La Mã đòi được chôn ở xứ người? Trái hẳn với cổ lệ, trái hẳn với lễ nghi, thật không thể hiểu nổi. Đúng là người điên.
Đợi tiếng ồn ào dịu bớt, gã mặt mụn hạ thấp giọng, ra vẻ miễn cưỡng:
– Như vậy, thưa quý vị, tôi trân trọng yêu cầu quý vị hãy thu hồi quyền hạn của Marc Antoine, và tước bỏ luôn chức vị nhiếp chánh của ông ta trong năm tới.
Tiếng hoan hô nhất loạt nổi lên chứng tỏ không cần phải bỏ phiếu. Gã tiếp luôn:
– Và yêu cầu quý vị cho tuyên chiến với Cléopâtre, Nữ Hoàng Ai Cập.
Tiếng hoan hô còn vang dội hơn trước vì đây mới chính là điều mà họ thực tâm mong đợi.
Giữa bàu không khí tưng bừng đó, gã mặt mụn tuyên bố chấm dứt buối họp, mừng thầm vì không ai hỏi gã câu hỏi hóc búa: "Ngài đã tìm đâu ra bản chúc thư bí mật đó?".
Ngày hôm sau gã mặt mụn Octave mặc lễ phục tới đền thờ Nữ Thần Bellone trong Cánh Đồng Của Thần Chiến Tranh. Gã phóng một chiếc lao vàng vào cột đền theo đúng tục lệ cổ truyền để chứng tỏ La Mã bắt đầu chinh chiến.
Trong khi đó tại Hy Lạp không có sự nhất trí như trên. Bốn trăm vị nghị viên tốt bụng ở thêm ngày nào làm Antoine và Cléopâtre bẽ bàng thêm ngày đó. Cuối cùng một số lớn trở về La Mã theo lời mời của gã mặt mụn. Những người ở lại tiếp tục can gián Antoine, khuyên chàng nên loại bỏ Cléopâtre.
Bản thân Cléopâtre, nàng cũng biết sự có mặt của mình là một chướng ngại cho Antoine, nhưng nàng nhất định không rút lui. Nàng hết tin ở chàng, biết chắc rằng nàng mà quay mình bỏ đi, chàng sẽ bắt tay với gã mặt mụn ngay.
Lúc này, chỉ có chiến tranh mới có thể giải quyết được mọi vấn đề, và nàng tin tưởng ở chiến thắng. Kinh nghiệm cho nàng biết mỗi khi có chiến tranh La Mã sẽ thiếu lương thực, thiếu phương tiện đủ thứ. Trái lại Ai Cập của nàng thì chẳng thiếu thứ gì. Hiện thời tại Hy Lạp nàng có một trăm ngàn bộ binh và mười ngàn kỵ binh. Ngoài ra nàng còn có trên sáu chục ngàn quân khác chia để mười một binh đoàn: bốn ở Cyrénaique, bốn ở Ai Cập, và ba ở Syrie. Lực lượng này sẽ được dùng làm tăng viện nếu cần.
Cléopâtre quyết đợi gã mặt mụn ra tay trước, rồi nàng sẽ tương kế tựu kế quật ngã gã sau. Nhưng chẳng may cho nàng, gã cũng cùng chung ý tưởng với nàng, không chịu ra tay. Hai bên ở vào thế kềm giữ nhau, thăm dò nhau. Tình trạng kéo dài hết mùa đông, qua mùa xuân, rồi qua luôn mùa hạ.
Mùa đông là thời gian bố trí quân. Antoine di chuyển phần lớn đạo quân của mình tới hải cảng Actium thuộc vịnh Ambracie để nắm quyền kiểm soát sự xuất nhập hải cảng này và bảo vệ hạm đội của chàng tại đây. Cùng lúc đó, gã mặt mụn Octave chuyển quân qua ngả Corfou tới vùng đất liền Hy Lạp, thiết lập một dãy pháo đài dài dằng dặc trông như một chiến lũy khổng lồ để che chở những toán quan tăng viện và tiếp tế từ Ý qua. Thủy Sư Đô Đốc Agrippa, thuộc hạ của gã, cũng bố trí hạm đội La Mã thật khéo léo, án ngữ phía ngoài hải cảng để cầm chân hạm đội Ai Cập tại Actium.
Mùa xuân, hai bên càng ráo riết dồn đối phương vào thế kẹt. Quân Octave bị dồn vào các pháo đài vì quân Antoine kiểm soát các cứ điểm xung quanh. Ngược lại hạm đội của Antoine không sao di chuyển khỏi Actium vì các chiến thuyền La Mã án ngữ ngoài khơi.
Mỗi bên có một ngả tiếp tế: Antoine đường bộ, còn Octave đường thủy. Cả hai đều vỗ ngực khiêu khích chửi bới đối phương để đối phương ra tay trước. Antoine còn gửi thư thách Octave giải quyết chiến tranh bằng cách đấu tay đôi trước sự chứng kiến của quân đội hai bên. Nhưng Octave vốn ghét lối nói chuyện bằng tay chân "cộc cằn thô lỗ" đó, từ chối một cách khinh bỉ.
Kém về sức mạnh, nhưng Octave hơn Antoine ở những mánh lới chiến tranh. Gã bí mật sai người trà trộn vào hàng ngũ đối phương để tuyên truyền và gây chia rẽ. Kết quả một số đơn vị của Antoine rã ngũ tập thể để chạy theo phe địch.
Cả Thần Số Mạng hình như cũng xử tệ với Antoine, vì các điềm gở bắt đầu xuất hiện. Tại hải cảng Patras phía tây Hy Lạp, sét đã đánh trúng đền thờ Thần Sức Mạnh Hercule, tổ tiên của chàng. Tại Athènes bức tượng Thần Rượu Bacchus tạc theo hình chàng dựng trên đồi Acropolis bị bão thổi đổ, nát vụn. Hai bức tượng khác mang tên chàng cũng bị trận bão này cuốn mất.
Một hôm Antoine và lão tướng Ahenobarbus leo lên ngọn đồi phía sau doanh trại để quan sát trận thế. Chàng đưa mắt nhìn xuống hải cảng, trong dạ nôn nao. Phía dưới, hạm đội của chàng nép mình trong hải cảng, còn hạm đội La Mã đang diệu võ dương oai ở đằng xa. Phọng tầm mắt về phía bắc, các đồn lũy của Octave trùng trùng điệp điệp. Quân của gã không ra khỏi được pháo đài nhưng khí thế bừng bừng, đang hầm hè chờ đợi. Nhìn một cách tổng quát, chàng buộc lòng phải thú nhận đối phương có ưu thế hơn mình. Ý tưởng này làm chàng bứt rứt như khi người ta mặc một bộ áo giáp quá chật. Chàng nói với viên lão tướng:
– Lịch sử lại đang tái diễn. Ngày trước cũng trên đất Hy Lạp này ta đã dự hai trận nội chiến. Một lần tại Pharsale giữa César và Pompée, hồi đó ta còn là một sĩ quan trẻ dưới trướng César. Và một lần tại Philippes, bọn ta đánh với Brutus và Cassius, gã mặt mụn đã giả ốm trốn trong lều, để mình ta chống đỡ. Thật là chua chát, giờ đây gã lại dám ngang nhiên đương cự với ta. Ngươi biết không, hai lần trước chúng ta cũng bị kẹt lúc đầu như lần này, nhưng cuối cùng ta đều toàn thắng.
Viên lão tướng thầm nghĩ, lần thứ nhất phải nói César thắng mới đúng, còn lần thứ nhì, Antoine hãy còn trẻ, còn giàu niềm tin và nghị lực, chứ đâu có bệ rạc như bây giờ.
Antoine và các thuộc tướng thân tín đều muốn chiến đấu trên đất liền để chàng có thể điều khiển đám quân La Mã mà trên lý thuyết vẫn còn tôn thờ chàng. Hạm đội của chàng tuy cực kỳ hùng hậu nhưng lại do những người Ai Cập điều khiển. Dưới mắt quân La Mã, người Ai Cập là một bọn tầm thường, không biết nói tiếng La Tinh, lại còn dám coi thường vị Đại Soái ăn chơi khét tiếng.
Ngược lại Cléopâtre dồn hết nỗ lực để khai thông tắc nghẽn, giành quyền kiểm soát mặt biển. Nàng rất nghi ngờ khả năng của đám bộ quân chậm chạp dưới quyền điều khiển gà mờ của Antoine. Nàng tính đến chuyện dùng một phần của hai hạm đội Ai Cập (một hạm đội đặt dưới quyền Antoine và một hạm đội do nàng đích thân điều khiển) để bao vây hoặc thiêu hủy các chiến thuyền La Mã. Đồng thời phần còn lại của hai hạm đội sẽ được dùng để chở khoàng ba chục ngàn quân thẳng đường qua Ý Quốc chiếm đóng La Mã, vì thành phố này hiện thời bỏ trống, chẳng có lực lượng dân sự hay quân sự nào canh giữ. Thực ra gã mặt mụn đã động viên toàn thể nhân lực, ngay các nghị viên gã cũng bắt đi theo.
Cléopâtre mở cờ trong bụng, cho rằng phen này chỉ cần một cuộc thủy chiến nàng có thể nắm trọn thế giới trong tay. Nàng bàn với Antoine về mưu này, nhưng chàng chỉ nghe nàng có một tai, còn tai ben kia bận nghe những lời xúi xiểm của các thuộc tướng. Bọn này vẫn khăng khăng khuyên chàng đuổi cổ Cléopâtre về Ai Cập để khỏi gây bất mãn trong hàng ngũ binh sĩ và để địch quân mất đi chính nghĩa.
Những lời can gián này không phải là vô lý vì tính tình háo thắng của Cléopâtre, sự miệt thị của nàng đối với những người xung quanh khiến tướng sĩ đem lòng chán nản. Vua xứ Paphlagonie, một đồng minh của nàng, đem quân về đầu Octave, tiết lộ cho gã biết tình trạng rối ren phân hóa tại soái phủ của Antoine. Ngay đến lão tướng Ahenobarbus trung thành là thế mà cũng phản đối kế hoạch thủy chiến của Cléopâtre, rồi bỏ trốn sang trại của gã mặt mụn. Nghe tin này, Antoine hét vào mặt Cléopâtre:
– Nàng thấy chưa? Chỉ vì nàng mà một lão tướng đầy mình kinh nghiệm phải ra đi. Sao nàng không về Ai Cập mà trị dân, để công việc chiến trận tại đây cho những người hiểu biết người ta lo?
Cléopâtre bình thản một cách đáng ngại:
– Được lắm, thiếp sẽ về... và thiếp sẽ mang các chiến thuyền về luôn.
Antoine quên không hỏi làm thế nào nàng có thể mang chúng ra khỏi hải cảng Actium nếu không có sự trợ lực của chàng. Chàng chỉ hoảng hồn vì cảm thấy mình sắp mất một chỗ dựa vững chắc, bắt đầu lẩm bẩm xin lỗi, rồi quay ra năn nỉ, và cuối cùng nước mắt lã chã xin nàng đừng bỏ rơi chàng. Cléopâtre không trả lời, chỉ khinh khỉnh nhìn chàng rồi bỏ đi khiến chàng đờ đẫn lo âu.
Hai hôm sau, trong một bữa cơm tối nàng lẳng lặng đưa ly rượu của nàng cho chàng. Chàng mừng rỡ tưởng nàng đã tha thứ, nâng ly định uống thì nàng ngắt vài cánh hoa trên mũ nàng và bỏ vào ly. Quá cảm động trước cử chỉ âu yếm này, chàng đưa ly lên miệng, nhưng nàng vội nắm lấy tay chàng"
– Đừng uống! Những cánh hoa đó có chất độc.
Chàng tái mặt ném chiếc ly ra xa. Nàng tiếp:
– Trong khoảng thời gian qua, thiếp có thể giết Tướng Quân bất cứ ngày nào giờ nào một cách dễ dàng như vừa rồi, nhưng chỉ vì thiếp không thể sống thiếu Tướng Quân...
Kể từ đó, chàng không hề dám làm phật ý nàng. Nàng nói gì chàng cũng gật, tự buộc chiếc ách của nàng trên chiếc lưng trâu của chàng.
Kế hoạch bí mật của nàng, và đương nhiên của chàng, là xuất phát các chiến thuyền để giành quyền kiểm soát ngoài khơi. Nếu thắng, cuộc chiến kể như được giải quyết, Cléopâtre sẽ thẳng đường về Ai Cập để Antoine tiện bề điều binh khiển tướng, một mặt tiếp tục vây hãm quân Octave, một mặt tiêu diệt nốt hạm đội La Mã. Xong đâu đấy chàng sẽ đem quân chiếm La Mã, một mình lên nắm quyền chấp chánh, cho người đi đón nàng sang làm đám cưới trước mặt toàn thể dân chúng La Mã, rồi hai vợ chồng sẽ dần dần ra mặt bá chủ toàn thể đế quốc rộng lớn bao trùm thế giới.
Antoine vừa theo dõi kế hoạch của Cléopâtre trên các sơ đồ vừa cố tin rằng đây là con đường tuyệt hảo.

33
Cuối tháng tám, cuộc xuất phát bí mật được phổ biến tới toàn thể binh sĩ. Dĩ nhiên hệ thống gián điệp sắc bén của Octave có ngay một tin quan trọng để gửi về cho gã.
Theo đúng kế hoạch của Cléopâtre, các chiến thuyền hư hỏng được đem ra đốt để khỏi lọt vào tay địch. Rồi sáu chục chiến thuyền tốt nhất được sửa soạn để ra khơi dưới sự yểm trợ của ba trăm chiếc khác. Sáu chục chiến thuyền là sáu chục khủng long trên mặt biển, tổng cộng có thể chở hai mươi ngàn bộ binh và hai ngàn cung thủ. Mỗi chiếc có từ ba đến mười dàn chèo, mũi thuyền tua tủa những khối sắt nhọn để đâm nhau, sườn thuyền bịt sắt dày cộm đủ sức đè nát các chiến thuyền thông thường. Trên thuyền còn được trang bị những máy bắn đá cực mạnh đặt trên tháp cao. Thực là những bửu bối chưa từng thấy trên khắp các đại dương.
Bốn ngày liền gió dữ, đoàn chiến thuyền vẫn bất động trong hải cảng. Nhưng đến ngày thứ năm trời quang biển lặng. Buổi chiều, Ai Cập đích thân tới thăm viếng và khích lệ các anh em trên thuyền, nhưng họ vẫn chẳng hăng hái tí nào vì theo một nguồn tin vịt thì phe địch đã hờm sẵn vô số chiến thuyền, chở theo một lực lượng khổng lồ gồm gám binh đoàn và năm toán hung thần vệ sĩ.
Sáng hôm sau, một cuộc chia tay đầy cay đắng diễn ra giữa Antoine và Cléopâtre. Trước khi bước xuống xuồng để ra soái hạm, chàng trách nhẹ nhàng rằng những cuộc cãi vã liên miên đã khiến chàng cùn nhụt chí anh hùng, chẳng còn đầu óc đâu để điều khiển một trận đại chiến. Chàng ra đi lần này phó thác nhiều cho may rủi.
Trước đó một lát, hạm đội La Mã đã tiến vào chắn tại cửa khẩu, chỉ cách bờ khoảng ba phần tư dặm. Các chiến thuyền La Mã nhỏ và nhẹ hơn chiến thuyền Ai Cập, nhưng mau lẹ và dễ xoay trở hơn.
Octave yêu đời hơn bao giờ hết vì ra ngõ gặp trai. Sáng sớm gã vừa ra khỏi lều gặp ngay một người đàn ông dẫn một con lừa. Gã buột miệng hỏi:
– Trông ông bạn quen quen. Tên ông bạn là gì?
Người kia lật đật bỏ mũ chào và lễ phép trả lời:
– Thưa ngài, tôi tên Entychus, còn con lừa của tôi tên Nicon.
Octave mừng lắm, chắc mẻm phen này Thần Số Mạng phù hộ cho mình vì Entychus nghĩa là may mắn và Nicon nghĩa là chiến thắng.
Antoine mở đầu trận đánh, Đô Đốc Agrippa dàn hàng ngang chặn lại. Thoạt tiên hai bên còn thăm dò lẫn nhau, trận đánh diễn ra ở mức độ bình thường. Thuyền Ai Cập chậm nhưng chắc chắn, thuyền La Mã nhanh nhưng quá nhẹ không dám chạm vào những con quái vật lừng lững như trái núi. Người ta có cảm tưởng đây là một cuộc vây hãm trên đất liền, cứ ba hoặc bốn chiến thuyền La Mã lại vây quanh một pháo đài nổi của Ai Cập. Hai bên xáp lại gần nhau, ném nhau túi bụi bằng tay hay bằng máy tất cả những thứ gì ném được, nhưng chưa bên nào dùng móc níu thuyền của đối phương để tràn qua.
Sau bốn tiếng đồng hồ giao tranh, cuộc chiến bắt đầu khốc liệt hơn. Các chiến thuyền ngả nghiêng, rung chuyển, tránh né, tới tấp tuôn về phía địch những trái cầu lửa tẩm nhựa thông, những trận mưa tên, giáo, mác, những quả chùy gai nhằm đánh gẫy cột buồm địch, phóng hỏa những cánh buồm, gió rít veo véo, mặt biển như sôi lên sùng sục...
Ngay từ đầu, các chiến thuyền La Mã chiếm được thượng phong. Nhờ gọn gàng nhanh nhẹn, những thuyền này giáp công đủ mặt, thỉnh thoàng nhào tới táp một đòn rồi lại lướt ra xa trước khi các máy bắn đá vụng về của Ai Cập kịp xoay trở để hành động.
Antoine đứng trên soái hạm quan sát cuộc giao tranh mà lòng se lại. Vốn hay xúc động, chàng cảm thấy sợ hãi đến tuyệt vọng, chẳng còn chút ý chí phấn đấu, quay ra cầu trời khấn đất để đạo quân trên bộ của chàng được vững tinh thần trước thảm bại sắp xảy ra trước mắt.
Mặt trời sắp lặn, gió bắt đầu nổi lên, những đợt sóng lớn ào ào kéo tới, cục diện xoay chuyển có vẻ thuận lợi cho phe Antoine. Vì trong khi các chiến thuyền Ai Cập lướt sóng vững như thành, thì đoàn thuyền La Mã bị nhồi lên nhồi xuống, quay ngang bổ dọc như những chiếc nút chai.
Antoine mừng thầm phen này thoát nạn. Chàng tính đến chuyện đợi trời tối hẳn chàng sẽ lợi dụng bóng tối để rút về hải cảng, chỉnh đốn lại hạm đội chờ dịp khác. Nhưng đúng lúc đó một việc xảy ra khiến chàng sững sờ, không tin ở mắt mình.
Giữa lúc hai bên hỗn chiến, không ai để ý đến chiếc soái ạm Antoniad của Cléopâtre đang dẫn đầu Hạm Đội Hoàng Gia từ trong hải cảng lướt ra, nhắm hướng Ai Cập thẳng tiến. Thấy các cánh buồm đỏ của chiếc soái hạm đi mỗi lúc một xa, Antoine hoảng hồn. Nàng bỏ chàng? Theo kế hoạch đã định thì nàng sẽ về Ai Cập ngay sau khi chàng phá được hạm đội La Mã, nhưng chàng đã phá được đâu? Tại sao nàng bỏ đi sớm vậy? Tại sao nàng lại đem theo cả những chiến thuyền quý giá mà chàng sẽ cần tới? Chàng chạy ra mạn thuyền, đập thình thình vào lan can, gọi với theo như người điên: "Cléopâtre! Cléopâtre!" Giọng chàng lạc hẳn đi trước sự ngơ ngác của đám lính trên thuyền.
Trời ơi, sự thật phũ phàng đến thế sao! Nàng bỏ chàng giữa lúc nguy nan, tại sao vậy nhỉ? Chàng chợt hiểu, nhưng chàng cóc cần. Danh dự, bổn phận, vinh quang, tất cả chỉ là đất, là tro bụi, là con số không nếu so với con người đó, con người mà chàng đã nhiều lần ấp ủ nhưng vẫn còn thèm khát rụng rời, con người đã hớp mất linh hồn chàng. Nếu để mất nàng thì chàng còn sống làm gì nữa?
Antoine đưa tay vẫy chiếc thuyền chạy mau nhất tới gần, rồi chàng cùng hai thuộc hạ thân tín là cận vệ Lucilius và gã Hy Lạp Aristocrates nhảy qua. Chàng ra lệnh xả hết tốc lực, dương hết buồm để nương gió đuổi theo những cánh buồm đỏ, bỏ lại phía sau hạm đội không người điều khiển. Mặc xác chúng. Chúng muốn chiến đấu tiếp hay về hải cảng, hoặc chui xuống địa ngục tùy thích.
Khi Cléopâtre thấy chàng đuổi theo, nàng quay thuyền lại đón. Chàng bước lên thuyền nàng bằng dáng điệu uể oải của một viên bại tướng. Chàng dũng tướng hiên ngang thuở trước nay còn đâu?
Thật là bẽ bàng. Hai người chẳng ai nói với ai lời nào. Chàng lủi thủi ra ngồi ở mũi thuyền, hai tay ôm đầu, cứ thế bất động suốt hai ngày hai đêm, không ăn không uống, mặc cho nỗi buồn nung nấu tâm can.
Nhờ thuận gió, chỉ mấy hôm sau chiếc Antoniad tới mũi Ténare ở cực nam bán đảo Peloponnesus (Hy Lạp), nơi mà theo truyền thuyết có lối dẫn xuống âm phủ. Chưa bao giờ Antoine thấy mũi đất lại giống chiếc cổng địa ngục như vậy. Không hiểu dưới địa ngục sướng hay trên trần này sướng?
Thị nữ Charmian và Iras thấy bầu không khí quá nặng nề, tìm cách mua vui cho Antoine và sắp đặt để chàng và nàng nối lại tình yêu cũ. Nhưng giờ đây tình yêu còn lại gì? Hai người có thể cho nhau được những gì?
Tại mũi Ténare, hai người nhận được tin dữ: gã mặt mụn đã bắt sống hạm đội của Antoine, trên năm ngàn binh lính bị sát hại. Cléopâtre dục Antoine mau viết thư cho phó tướng của chàng là Canidius, ra lệnh rút quân qua ngả Macédoine để về Tiểu Á, tránh tổn thất được chừng nào hay chừng nấy.
Một số thuộc tướng của Antoine đem quân dùng đường biển theo kịp chàng, nhưng chàng chì buồn rầu đem một thuyền vàng bạc châu báu ra chia cho họ, rồi bảo họ tìm chỗ nương thân. Họ không muốn bỏ chàng, khóc lóc xin theo, nhưng chàng nhất định không nghe, khuyên họ nên tạm lánh mặt tại Corinthe. Chàng còn viết thư gửi gấm họ với những người quen tại thành phố này để họ có chỗ trú ẩn chờ dịp dàn hòa với Octave.
Ba hôm sau chàng và nàng lại lên thuyền đi về hướng nam. Tới bờ biển Lybie chàng rời thuyền tại một địa điểm vắng vè hoang tàn cách Alexandrie một trăm năm mươi dặm về phía tây. Cảnh sắc thê lương thật là thích hợp với chàng lúc đó.
Một mình chàng đưa hạm đội về Ai Cập, vừa lênh đênh trên mặt biển nàng vừa hoạch định một chương trình bịt mắt thiên hạ. Bằng bất cứ giá nào nàng cũng phải biến cuộc chiến bại vừa rồi thành một thắng lợi chiến lược và chính trị, nếu không đám quân La Mã còn lại ở Alexandrie có thể sẽ tạo phản.
Khi tiến vào hải cảng, nàng ra lệnh các thuyền phải trương hết cờ xí, các ban nhạc hòa tấu thật tưng bừng, như thể hạm đội đang ca khúc khải hoàn đem vinh quang về cho dân tộc. Rồi chiếc Antoniad từ từ cập vào bờ đá dưới chân những bậc thềm dẫn lên Hoàng Cung, những bậc thềm từng chứng kiến bao tấn bi kịch của tình yêu, chiến tranh, và giả dối.
Nhưng cuộc sắp đặt cẩn thận của Cléopâtre chẳng lòe được ai. Ngay khi hạm đội ghé vào bờ để thả "của nợ" Antoine xuống, đã có người từ Hy Lạp tức tốc về báo hung tin cho triều đình Ai Cập. Lần đầu tiên đám triều thần trung tín của nàng ra đón nàng bằng bộ mặt chẩy dài như cha mẹ chết. Nàng phải lựa lời bưng bít, bọn quân sư của nàng cũng hết sức hùa thêm, mới làm tình hình bớt đưa đám phần nào. Cũng may khi nàng đưa ra những hiệu lệnh của Antoine, các toán quân La Mã trong thành phố đều tuân theo, đâu ở yên đó. Giữa cơn sóng gió, nàng vẫn bình tĩnh chấn chỉnh mọi việc trong ngoài. Nếu là người đàn bà khác chắc hẳn đã phẫn chí buông xuôi cơ nghiệp theo dòng nước. Vì Antoine, nơi trông cậy duy nhất của nàng đã lộ mặt thật, chỉ còn là một anh chàng ỷ lại, bê bối, nhút nhát, say sưa, với trái tim hết máu và chiếc đầu bị quân thù treo gioải thưởng như một tên cướp cạn. Hơn nữa gã mặt mụn gớm khiếp Octave, kẻ thù không đội trời chung của nàng, người mà nàng khinh bỉ định ra tay trừ khử, đang nhởn nhơ ăn mừng chiến thắng bằng những lễ nghi đâm họng: Gã cho đặt trên nền cũ của doanh trại quân La Mã tại bờ biển những khối đá khổng lồ, rồi gắn lên đó những hình tượng lấy được ở đầu mũi các chiến thuyền Ai Cập mà gã triệt hạ hay bắt sống. Sau đó cũng tại chỗ này gã lập ra một thành phố mới, Thành Phố Chiến Thắng.
Tình hình Ai Cập tạm yên, nhưng tại Hy Lạp đạo quân khổng lồ của Antoine đang trải qua một cơn ác mộng. Nhận được lệnh rút lui của Antoine, đạo quân này mạnh ai nấy rút về hướng Macédoine, nhưng nửa đường, quân La Mã đuổi kịp, tàn sát hoặc bắt sống vô số. Các chư hầu của Cléopâtre nghe tin thất trận cũng xếp cờ cuốn giáo tháo chạy về xứ, chờ dịp lân la cầu cạnh kẻ chiến thắng.
Trước nguy cơ trầm trọng, Cléopâtre chỉ còn biết dồn hết tâm trí giữ cho chiếc ngai vàng Ai Cập khỏi lung lay, dân Ai Cập khỏi bị ngoại bang thống trị. Hình ảnh huy hoàng của đế quốc cộng đồng La Mã – Ai Cập đã tan loãng trong đám khói mù của trận hải chiến Actium. Giấc mộng lớn của nàng bây giờ chỉ còn gói ghém trong phạm vi Ai Cập, mong sao xứ này còn được vẹn toàn để nàng có thể trao vào tay Césarion đứa con yêu dấu.
Nàng quyết bắt đầu kế hoạch mới, vận hội mới. Nếu nàng liên kết được với hai xứ Medie và Parthie, ít ra nàng có thể giữ để bọn La Mã không dám đến gần. Nhưng không may cho nàng trong hai xứ chí có xứ Medie là bạn, còn xứ Parthie luôn luôn là một chướng ngại vật ngăn cách nàng và các xứ trù phú Á Châu. Nàng suy nghĩ nát óc và đi đến một quyết định táo bạo.
Năm trăm năm trước có một kinh đào dài ba mươi lăm dặm nối liền Địa Trung Hải và Hồng Hải. Hiện thời con kinh này đã bị bùn đất lấp mất, không còn sử dụng được, nhưng nó gợi cho Cléopâtre một ý tưởng lạ lùng – những gì vĩ đại và lạ lùng vốn hợp với nàng. Nàng ra lệnh chuyển hạm đội còn lại của Ai Cập bằng đường bộ từ Địa Trung Hải sang Hồng Hải để tạm thời lánh nạn. Những sàn gỗ khổng lồ có bánh xe được chế tạo, rập theo kiểu các then chuyền đã được dùng để di chuyển những khối đá xây kim tự tháp dưới triều đại Pharaon. Sau đó nhân lực các nơi được huy động, các đền thờ lớn trong nước được phép tình nguyện trích kho tàng đóng góp vào công cuộc vĩ đại này. Dưới sức lôi kéo của bầy nhân công đông như kiến, những chiến thuyền vĩ đại nhích đi từng chút, băng qua sa mạc, và cuối cùng tới biển Hồng Hải. Một công trình t tát mà nhiều người có thể nghĩ tới nhưng chỉ mình Cléopâtre dám thực hiện!
Cléopâtre thở phào nhẹ nhõm. Tại Hồng Hải hạm đội Ai Cập không còn sợ bị gã mặt mụn dòm ngó, sẵn sàng được tung ra hoạt động dọc bờ Ấn Độ Dương để củng cố mặt phía đông. Nhưng họa vô đơn chí, nàng chưa mừng được mấy tí thì bọn Ả Rập tại Petra thừa cơ nàng thiếu phòng bị đốt phá tan hoang hạm đội của nàng, công trình gian khổ phút chốc biến thành mây khói. Tội nghiệp, Cléopâtre phải bắt đầu lại từ đầu, gấp rút đóng những chiến thuyền mới.
Nàng tâm sự với thị nữ Charmian:
– Có một điều mà chúng ta phải hết sức tránh là đón Antoine về đây. Vì một khi Antoine có mặt tại Ai Cập, quân La Mã sẽ lập tức ập tới ngay, trước khi chúng ta kịp sửa soạn.
Thị nữ Charmian rụt rè:
– Không chừng giờ này người đã tự sát rồi cũng nên.
Nàng đăm chiêu:
– LẼ ra thì phải vậy, nhưng ta không nghĩ rằng ông ta chết.
Và Antoine quả là chưa chết thật, vì lúc đó chàng đang tìm đường mò về Alexandrie tìm vợ và tìm ông bạn ma men. Cuộc sống ẩn dật tại vùng đất hoang vắng thật là nhạt phèo, chẳng hợp với chàng tí nào. Chàng ước gì mình có thể vui vẻ như xưa để lại đắm mình trong tiếng cười, hồ rượu, và những món ăn khoái khẩu.
Chàng ước gì được nấy. Vừa ngồi vào bàn tiệc chàng đã cảm thấy mình giống hệt như xưa. Vui cái đã, say cái đã, mặc xác những toán quân ngu muội của chàng đang ùn ùn kéo sang đầu hàng gã mặt mụn.
Thấy quân của Antoine về hàng mỗi lúc một đông, Octave cười méo miệng, vì quả thực La Mã đã kiệt quệ, tiền lương trả cho đạo quân cơ hữu gã còn chưa đủ, lấy đâu cung phụng cho bọn phản chủ này? Nhưng không lẽ đuổi chúng đi? Túng thì phải tính, gã phóng ánh mắt cú vọ về phía kho tàng Ai Cập mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Linh cảm được chuyện này, Cléopâtre cấp thời tìm kế vẹn toàn. Nàng quyết định, tuy không dám nói trắng ra, sẽ mua của Octave sự an toài cho Ai Cập, tuy biết rằng chuyện đó không phải dễ. Nàng thừa khôn ngoan để hiểu rằng gã mặt mụn không đời nào dám qua mặt dân chúng La Mã thỏa hiệp với một mụ đàn bà Ai Cập ai cũng ghét như nàng. Chỉ còn có cách là nàng truyền ngôi cho Césarion (hiện đã mười sáu tuổi) để hai bên cùng là đàn ông, dễ nói chuyện.
Cậu bé Césarion được chính thức lên ngôi, buổi lễ Đăng Quang thật tưng bừng náo nhiệt. Êm xuôi đâu đó, Cléopâtre với tư cách một vị "quân sư" tầm thường bắt đầu hàng với điều kiện gã phải để Césarion tiếp tục làm Vua.
Câu trả lời của Octave chẳng êm tai chút nào: Gã rất có cảm tình với Nữ Hoàng, sẵn lòng để yên xứ Ai Cập và chiếc ngai vàng, nhưng chỉ yêu cầu một điều là hãy phế bỏ Antoine. Cléopâtre hiểu rất rõ ý nghĩa của chữ "phế bỏ" này, và nàng không nỡ ra tay vì dù sao Antoine cũng còn là chồng nàng. Nàng đành phải tìm kế hoãn binh, giữ sứ giả của Octave ở lại thật lâu, làm bộ như đang suy nghĩ rất nhiều về đề nghị của đối phương.
Nhưng Antoine không thích kiểu dằng dai úp mở như vậy. Chàng ra lệnh bắt gã sứ giả tên Tyrsus, đánh gã một trận mê tơi, rồi đuổi gã về với một bức thư nhục mạ Octave.
Lửa cháy đổ thêm dầu, chỉ vài tuần sau Octave đem quân tới Ai Cập, chiếm đóng Péluse, một thành phố quan trọng giữa vùng đầm lầy bên kia bờ sông Nil, thành phố mà ngày xưa Cléopâtre đã dùng làm cứ điểm để chống với Vua Ptolémée em ruột của nàng.
34
Vốn là người thực tế, vừa nghe tin này Cléopâtre bắt đầu di chuyển kho tàng ngọc ngà châu báu cùng các đồ đạc quý giá trong cung tới ngôi mộ của nàng tại bờ biển.
Theo đúng truyền thống của các Vua Ai Cập, nàng cho xây một ngôi mộ thập phần tráng lệ để có nơi an giấc ngàn thu sau khi nàng chết. Giữa mộ là một tòa điện nhỏ có cột bao quanh, phía trong là một cỗ quan tài bằng vân ban thạch chạm trổ tinh vi để đựng chiếc xác ướp của nàng sau này. Từ tòa điện có một cầu thang cẩm thạch dẫn lên một tầng lầu ở trên cao chót vót với những cửa sổ rộng để đón gió biển và những tiếng hải âu thê thiết vọng vào.
Việc chuyển vận kho tàng, hay đúng hơn một phần tượng trung của kho tàng, vào ngôi mộ nhằm sửa soạn để khi bước sang thế giới bên kia nàng vẫn là một Nữ Hoàng giàu sang lộng lẫy. Nàng còn mang theo cả những hương trầm, quế vị, đen đuốc, trái cây và rượu. Nàng chưa định chết, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào để sống.
Nàng đã bàn luận rất lâu với quan thái y Olympus để tìm một cách chết thích nghi khi cần tới. Ông này rất giỏi về khoa dùng độc, và hai người đã dành hẳn một khoảng thời gian để thí nghiệm các loại chất độc. Vật đem ra thí nghiệm là các tội nhân. Rất tiếc phần lớn các chất độc do ông chế tạo đều đem đến một cái chết đau đớn, dai dẳng. Có một thứ làm nạn nhân chết ngay tức khắc, nhưng lúc chết nét mặt nạn nhân lại nhăn nhúm khó coi. Nàng không muốn để quân thù thấy xác nàng kém trang nghiêm như vậy.
Một tuần sau, quân Octave dựng trại phía ngoài kinh thành Alexandrie. Thấy thế Antoine đùng đùng nổi giận, tuổi trẻ nhiệt thành như quay lại với chàng. Chàng kiểm điểm binh mã, xông ra đánh nhầu một trận, phá tan được lực lượng kỵ binh của Octave.
Mừng rỡ như đứa trẻ, chàng để nguyên áo giáp chạy đi tìm Cléopâtre và ôm nàng muốn nghẹt thở. Cũng trong dịp này chàng giới thiệu với nàng một thuộc tướng trẻ tuổi đã cùng chàng chiến đấu khiến quân thù phải bở vía.
Cléopâtre rất cảm động khi được thấy lại vẻ hào hùng của chàng. Để chiều ý chàng, nàng thưởng cho gã thuộc tướng trẻ tuổi một bộ giáp và mũ bằng vàng. Không thể ngờ ngay đêm hôm đó gã trốn sang đầu hàng Octave, trên mình còn mặc bộ giáp vàng quý giá.
Hành động phản bội này làm Antoine điên cuồng tuyệt vọng. Một lần nữa chàng thách Octave đấu tay đôi, nhưng gã chỉ khinh bỉ từ chối: "Chẳng lẽ Marc Antoine không nghĩ ra cách chết nào khác nữa sao?" Thế là chàng càng nổi khùng hơn nữa.
Phong trào phản bội và đào ngũ mỗi lúc một bành trướng. Trước nguy cơ bị bỏ rơi, Antoine nảy ra một kế. Chàng sai người bắn tên có gắn truyền đơn sang trại quân địch, hứa rằng mỗi người lính La Mã theo về với chàng sẽ được thưởng một ngàn năm trăm quan bạc – số tiền khá hấp dẫn. Nhưng Octave kịp thời trấn an binh lính, giải thích để họ hiểu rằng nếu họ theo gã và chinh phục được Alexandrie, họ sẽ được nhiều tiền hơn gấp bội nhờ kho tàng khổng lồ của Hoàng Gia Ai Cập.
Antoine thoáng vẻ khoa trương cố hữu nói với Cléopâtre:
– Chúng ta chỉ còn một cách là tổng tần công gã cả thủy lẫn bộ để gã bị đè bẹp giữa hai mũi dùi.
Niềm hy vọng lại bắt đầu nẩy nở trong lòng nàng, nhất là khi nàng thấy chàng uống rất ít trong bữa ăn tối để sáng hôm sau đủ tỉnh táo làm việc. Nhưng giữa đêm đó, nàng choàng tỉnh giấc vì tiếng cười đùa la hét ngoài đường phố. Niềm hy vọng của nàng vừa nhen lên đã tắt ngấm khi nàng khám phá ra Antoine là kẻ dẫn đầu đám đông say sưa đó.
Tảng sáng hôm sau, Antoine khật khừ kiểm điểm binh mã rồi dẫn quân ra cổng thành. Đang mơ màng quan sát địa thế, mắt chàng chợt sáng lên, reo mừng với viên phó tướng:
– Fanfare, trông kìa! Hạm đội của chúng ta!
Chàng hãnh diện đứng ngắm đoàn chiến thuyền Ai Cập đang hiên ngang đâm thẳng vào đám thuyền vừa nhỏ vừa ít của La Mã. Chàng thích thú chờ đợi tiếng răng rắc của gỗ, tiếng rú của người, tiếng rào rạo của mái chèo, tiếng vang lanh lảnh của sắt thép đụng nhau, và nhất là tiếng thở dài của Octave khi gã phải đưa tay chịu trói.
Nhưng trái tim chàng bỗng trầm hẳn xuống khi chàng thấy những phu chèo Ai Cập giơ ngược những mái chèo lên trời tỏ dấu xin hưu chiến, và các thuyền La Mã trả lời bằng những cử chỉ tương tự. Rồi hai đoàn thuyền hợp bọn với nhau, song song lướt vào hải cảng. Thủy thủ hai phe nhảy lên bờ nắm tay nhau vui vẻ, dẫn nhau đi tìm các quán rượu hay nhà điếm để cùng nhau phè phỡn.
Chứng kiến cảnh này, đoàn kỵ binh của Antoine cũng hè nhau rã ngũ. Antoine như mèo cụt đuôi rút vào trong thành, vừa đi vừa chửi Cléopâtre phản bội, bắt tay với kẻ thù trong khi chàng chiến đấu chỉ vì nàng.
Cléopâtre tròn mắt khi nghe báo cáo về vụ này:
– Ta phản bội?
Thị nữ Charmian nói đỡ:
– Có lẽ người muốn nói mấy gã thủy thủ Ai Cập. Trong lúc giận dữ người chẳng phân biệt được ai vào ai. Nghe nói người đang chạy dọc các hành lang trong cung xục tìm Lệnh Bà.
– Nếu vậy chắc y sắp tới đây.
Cléopâtre ung dung sắp sẵn những lời đối đáp, nhưng thị nữ Charmian cho biết thêm:
– Dạ, nhưng hình như người cầm trong tay một thanh kiếm tuốt trần.
Thì ra vậy. Cléopâtre la hoảng:
– Gọi Iras mau. Chúng ta phải tới ngôi mộ lánh mặt ngay bây giờ.
Mấy phút sau, Cléopâtre và hai thị nữ thân tín tất tưởi rời cung điện. Tới ngôi mộ, họ cho cánh cửa rập xuống, chặn thêm bàn ghế thật chắc chắn rồi rút hết lên tầng trên. Lên đến nơi, Nữ Hoàng nằm vật ra giường thở dốc, còn hai thị nữ chạy tới bên cửa sổ cho đỡ ngộp.
Cléopâtre hỏi:
– Có thấy ai dưới đó không?
Thị nữ Charmian nhòm xuống phía dưới:
– Tâu Lệnh Bà, có hai người đàn bà và một cô gái đang tản bộ trên sân cỏ.
– Hay lắm, bảo họ đi tìm Antoine nói rằng ta đã chết.
– Nhưng tâu Lệnh Bà...
– Hãy làm theo lời ta. Ta tin rằng y sẽ tỉnh cơn mê, không xục tìm ta nữa. Y sẽ hối hận nữa là khác.
Nghe nàng nói mà tưởng như những lời trăn trối, người thị nữ tâm phúc miễn cưỡng nghe lời.
Những người đàn bà hớt hải chạy ngay tới Hoàng Cung báo tin dữ cho Antoine. Họ gặp chàng giữa lúc chàng đang thừ người vì thất vọng, giận dữ, đau thương. Mắt chàng mờ hơi rượu, cố dương lên nhìn bọn triều thần, cận vệ, và quân hầu tranh nhau tìm đường chạy trốn trước sức tiến ồ ạt của quân thù.
Nghe tin Cléopâtre chết, chàng ngửa cổ thốt lên một câu đầy cảm khái:
– Marc Antoine, mi còn do dự gì? Vắng bóng nàng cuộc đời còn đâu 1 nghĩa?
Chàng cởi áo giáp, phanh ngực nói tiếp:
– Cléopâtre nàng hỡi. Nàng chết trước ta, ta không buồn vì ta cũng sắp đi theo nàng đây, nhưng ta xáu hổ vì một bậc tu mi nam tử như ta mà không can đảm bằng phường nhi nữ...
Quay sang tên cận vệ thân tín còn đứng bên cạnh, chàng kêu lên:
– Eros, ngươi từng hứa sẽ đam chết ta khi cần bảo vệ danh dự cho ta. Vậy ngươi hãy cầm thanh kiếm này và đâm chết ta đi!
Mệnh lệnh bi hùng tráng này vượt quá sức của gã cận vệ hết lòng thương chủ. Gã lưỡng lự một hồi, rồi thay vì nhận thanh kiếm của chủ, gã rút lưỡi gươm đeo bên sườn, tự đâm vào tim mình và ngã quỵ dưới chân chủ.
Antoine đăm đăm nhìn xuống xác người bạn trung thành, từ ngơ ngẩn biến sang tỉnh ngộ. Chàng lẩm bẩm:
– Hay lắm, Eros. Tuy ngươi không nỡ giết ta nhưng ngươi đã nêu gương sáng cho ta.
Rồi với cả hai tay chàng nắm chặt chuôi thanh đoản kiếm, dùng hết sức đâm vào bụng mình. Nhưng mũi kiếm không trúng chỗ nhược, chàng loạng choạng chạy vào giường nằm vật xuống và ngất đi vì đau đớn và máu ra nhiều.
Lát sau chàng tỉnh lại. Thấy bọn nội thị đi ngang, chàng gọi chúng vào và năn nỉ chúng giúp chàng thoát khỏi sự đau đớn. Nhưng cả bọn không tên nào dám táo gan giết chồng của Nữ Hoàng dù có lời yêu cầu của chính nạn nhân. Chúng chỉ la hoảng rồi ùa nhau bỏ chạy như bị ma đuổi.
Antoine một mình nằm đó, khò khè, hổn hển, cho đến khi Diomède, cận thần của Cléopâtre tìm thấy chàng.
– Đại Soái sao vậy? Trời ơi! Nữ Hoàng sai tôi đi tìm Đại Soái đây.
Chàng cố dương cặp mắt thất thần lên nhìn y mắng:
– Ngươi nói gì vậy? Nữ Hoàng chết rồi!
– Không phải vậy đâu. Chính Nữ Hoàng vừa sai tôi đi tìm Đại Soái mà. Nữ Hoàng muốn được cùng Đại Soái xum họp tại ngôi mộ.
Antoine mừng rỡ thở dốc:
– Vậy hả? Đưa ta tới đó mau.
Viên cận thần chạy vội đi tìm vài tên nội thị can đảm để vực chàng ra kiệu, rồi khiêng thẳng tới ngôi mộ. Tới nơi họ gõ cửa ầm ầm. Nữ Hoàng và hai thị nữ cố mở chốt nhưng không được, vì những chốt cửa vĩ đại được chế tạo đặc biệt, đã đóng vào rồi là rất khó mở ra. Đối với đàn bà chân yếu tay mềm, việc mở cửa càng trở nên vô tường.
Loay hoay mãi không xong, Cléopâtre và hai thị nữ chạy lên lầu mở cửa sổ nhòm xuống đám người li ti phía dưới. Thêm một ý tưởng táo bạo nảy ra trong đầu Cléopâtre:
– Chúng ta phải kéo Đại Soái lên.
Thị nữ Charmian ngơ ngác:
– Tâu Lệnh Bà, chúng ta làm gì có dây.
Cléopâtre thò đầu ra cửa sổ gọi viên cận thần:
– Diomède, kiếm cho ta một ít dây thừng.
Viên cận thần định đích thân chạy đi tìm dây để thừa cơ trốn luôn, nhưng rồi lương tâm không cho phép, bèn sai gã nội thị trung tín nhất đi làm việc này. Sau mấy phút dài đằng đẵng, gã nội thị chạy về với một mớ dây thật chắc. Cả bọn xúm lại thoăn thoắt buộc dây vào bốn góc kiệu. Một gã kêu lớn:
– Tâu Lệnh Bà, hạ thần ném dây lên.
Rồi gã cầm búi dây ném mạnh lên khuôn cửa sổ phía trên. Phản ứng tự nhiên, hai thị nữ thụt đầu vào tránh, nhưng Cléopâtre đưa tay bắt lấy đầu dây và vòng sợi dây quanh một chiếc cột tròn như những thủy thủ thường làm để kéo đồ nặng.
– Kéo đi, Charmian! Kéo đi, Iras!
Ba người đàn bà xúm nhau lôi, kéo, ghì, và thở hồng hộc, trong khi các nội thị ở dưới nâng chiếc kiệu cao dần cho đến khi quá tầm tay. Chiếc kiệu đong đưa và ngừng lại trước sức kéo yếu ớt của những cánh tay thục nữ.
– Charmian! Iras! Đây là vị phu quân yêu dấu của ta!
Nghe Cléopâtre vừa thở vừa trách, hai thị nữ vội vàng thu tận lực kéo mạnh hơn nữa. Cả ba nàng mặt đều đổi sắc và nhăn lại vì dùng sức quá nhiều, lại thêm lo âu tuyệt vọng. Chiếc kiệu từ từ nhích lên từng tấc, mỗi cái nhích là một lần trời đất quay cuồng, nhưng cuối cùng cũng lên được đến thành cửa sổ. Với chút tàn lực cuối cùng, ba nàng nắm lấy chiếc kiệu và lôi vào bên trong. An toàn.
Đám đàn ông phía dưới thấy nhiệm vụ đã chấm dứt bèn chia nhau tẩu tán, trong khi Cléopâtre và hai người thị nữ ngồi thở dốc.
Đợi cho các bắp thịt bớt tê cóng rã rời, ba nàng xúm lại vực Antoine lên giường. Cléopâtre dịu dàng lau những vết máu trên mặt chàng, luôn miệng gọi chàng là Phu Quân, Hoàng Đế, Người Chồng Yêu Quí... giọng nàng có chiều khác lạ, ngây ngây dại dại như người mất trí. Và cuối cùng nàng quay ra kêu gào, rên rỉ. Khắp ngôi mộ vang dội tiếng khóc thê lương. Nàng tự xé quần áo, vò tóc bứt tai, đấm ngực, đập đầu, nghiến răng, vật vã, quên đi mối nguy cơ sắp ập tới, quên đi những đau thương tuyệt vọng mà chàng đã đem đến cho nàng, quên đi mối nhục mất nước mà sự yếu đuối của chàng là nguyên nhân chính. Nàng chỉ nhớ rằng nàng yêu chàng và chàng đang hấp hối.
Có một lúc chàng tỉnh lại, đòi nước uống, rồi cặp môi khô héo mấp máy thều thào, vẫn với giọng ngang tàng muôn thuở:
– Cléopâtre yêu dấu của ta, hãy nhớ đến những ngày chúng mình hạnh phúc. Đừng than khóc cho ta vì dù sao ta cũng còn là người La Mã thế lực nhất thế giới, và chỉ có người La Mã mói chinh phục nổi ta.
Chàng rùng mình chết trong tay nàng, những tài năng bị phí bỏ cũng chết theo, đánh dấu một đoạn tình thương tâm nhất lịch sử.
35
Giữa lúc Cléopâtre đang bàng hoàng bên thi thể người yêu thì tiếng gõ cửa phía dưới vang lên như sấm. Đó là gã sứ giả Proculeius do Octave sai tới để nói chuyện với Nữ Hoàng Ai Cập. Cléopâtre và hai người thị nữ đứng phía trên hỏi vọng xuống, nhưng gã không chịu nói chuyện kiểu này, đòi vào bằng được. Gã đập cửa càng mạnh thêm, tiếng đập vang dội khắp ngôi mộ âm u, át cả tiếng ba người kêu réo.
Trước khung cảnh tang tóc, bị cô lập trong ngôi mộ với xác chồng đã lạnh cứng máu đọng thành tảng làm mồi cho đám ruồi bất tử Ai Cập, xung quanh là kẻ thù hầm hè đe dọa, Cléopâtre vẫn giữ được bình tĩnh. Nàng không sợ, mà chỉ giận tên sứ giả ngu đần cố chấp. Nàng chạy xuống tầng dưới, hét lên bảo gã hãy ngừng đập, rồi nàng nói vọng qua lớp cửa dầy ngỏ ý bằng lòng đầu hàng nếu Octave chịu để Césarion làm vua Ai Cập. Gã sứ giả chỉ trả lời lấp lừng rằng Octave sẽ hết sức nhân nhượng cho nàng, không nói rõ sự nhân nhượng đó sẽ gồm những gì.
Sau một hồi tranh luận bâng quơ, Proculeius trở về báo cáo tình hình với Octave. Octave cử một sứ giả khác: Gallus. Trong khi tên này đấu khẩu với Cléopâtre qua lớp cửa dày, Proculeius dùng thang trèo lên tầng trên, đột nhập ngôi mộ bằng lối cửa sổ, và chạy xuống tòa điện phía dưới. Một thị nữ trông thấy gã, la lớn:
– Lệnh Bà coi chừng kẻo bị bắt sống!
Cléopâtre điềm nhiên:
– Không đời nào!
Và nàng quay người lại rút dao định tự sát, nhưng Proculeius quá nhanh so với nàng. Gã nhào tới nắm tay nàng, nói lớn:
– Đâu dễ dàng như vậy được. Lệnh Bà tính không cho một ông hoàng nhân ái như Octave có dịp chứng tỏ lòng quảng đại sao?
Thêm mấy gã nữa chạy xuống cầu thang và những bàn tay thô bạo khám xét khắp người nàng để tìm thuốc độc hay khí giới. Chưa bao giờ nàng cảm thấy nhục nhã như vậy. Cléopâtre, hiện thân của Nữ Thần Isis, chúa tể của Thượng và Hạ Ai Cập, Nữ Hoàng của các Vua, ngày nay bị khinh nhờn như bao nữ hoàng tầm thường khác như thế sao?
Cửa mộ được mở ra để toán lính còn lại ùa vào. Ba người đàn bà bị dẫn lên tầng trên. Rồi cận tướng Epaphroditus của Octave tới nơi, mang theo mệnh lệnh phải đối xử với Nữ Hoàng tử tế và tuyệt đối không cho nàng tự sát. Y còn cho biết thêm nếu nàng mưu đồ tự sát, hai đứa con sinh đôi của nàng sẽ bị giết ngay. Hiện thời hai đứa bé đang bị giữ làm con tin.
Đến nước này Cléopâtre đành phải bó tay, cam phận tù đày trong ngôi nhà mồ lạnh lẽo.
Chiều hôm đó Octave tiến vào thành phố Alexandrie bằng một nghi thức khác hẳn những lần chiến thắng khác. Gã tới với tư cách một nhà cai trị khoan hòa nhân ái. Gã mặc áo bào, ngồi trên xe, thân thiện nắm tay một triết gia Ai Cập tên Arios (ông này là một trong những người "khôn ngoan" chạy sang đầu hàng gã ngay khi thấy tình hình nguy ngập). Một số người Alexandrie rất hài lòng về thái độ của gã. Họ đã ngán chiến tranh đến tận xương tủy, sẵn sàng chấp nhận bất cứ vị chúa tể ngoại chủng nào miễn là vị đó hứa sẽ có hòa bình. Vả lại, họ thầm nhủ, các Vua Ptolémée và Nữ Hoàng Cléopâtre cũng chỉ là những người ngoại chủng, đã chấp nhận được họ thì giờ đây cũng có thể chấp nhận một người La Mã hiền lành hiểu biết.
Octave đi thẳng đến Hội Trường để nhận sự tung hô của ba lớp người chuyên môn theo bợ những kẻ chiến thắng, đó là các nhà chính trị, trí thức, và lý tài. Gã bước lên diễn đàn, an ủi những người mất nước:
– Hỡi dân chúng thành phố Alexandrie! Ta coi các bạn như những người chẳng may bị các bậc vua chúa liên tiếp dẫn đi lạc nẻo. Thành phố này được tạo dựng bởi A-Lịch-San Đại Đế, vị anh hùng mà ta ngưỡng mộ nhất đời. Đã từ lâu ta mong có dịp tới viếng và chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng tại đây, nhưng mãi tới hôm nay mới được toại nguyện. Vậy ta quyết định không đụng chạm đến một ngọn cỏ, một gốc cây của thành phố này để tỏ lòng tôn kính đối với vị anh hùng đã khuất và để thắt chặt tình bạn với triết gia Arios thân mến của chúng ta đây.
Vị triết gia lấy tư cách đại diện cho dân chúng Alexandrie cám ơn gã bằng giọng khiêm nhượng, rồi trao ra một danh sách những người có danh vọng trong thành phố:
– Xin ngài hãy tha luôn cả những người này.
– Được, ta tha hết.
Gã trả lời không cần suy nghĩ vì thực ra danh sách đó đã được duyệt xét cẩn thận từ trước.
Tin đại xá truyền đi thật nhanh, dân chúng thảy đều hoan hỉ. Ngay đêm đó nhiều người mạo hiểm rời chỗ ần núp, tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại trước Hoàng Cung, nơi Octave chiếm đóng, để hoan nghênh gã. Nhưng buổi sáng hôm sau, chính sách khoan hồng của gã bắt đầu mờ ám: một số nhân vật có máu mặt không có tên trong danh sách bị giết một cách dã man để bảo vệ trật tự chung. Mở đầu, Antyllus, con riêng của Antoine bị đem ra chặt đầu tại ngôi đền mà Cléopâtre đã xây để thờ César. Octave ra mặt khủng bố vì lúc này gã đã hoàn toàn làm chủ tình hình.
Một số sĩ quan La Mã liều mình xin phép được chôn cất Antoine, nhưng Octave không chịu cho kẻ thù hưởng vinh dự này. Gã quyết định bêu xấu Antoine bằng cách giao xác chàng cho Cléopâtre. Nàng được phép rời khỏi tù để an táng chàng trong ngôi lăng mà nàng xây cho chàng ờ gần mộ nàng. Thế là ước nguyện của chàng, ước nguyện được chôn nơi xứ người như có ghi trong bản di chúc hôm nào, giờ đây trở thành sự thật.
Cléopâtre đã thực sự run rẩy trước linh cữu chồng. Khi trở về ngôi mộ, nàng lên cơn sốt, mấy ngày liền mê sảng, không chịu ăn. Một lần nữa Octave phải hăm dọa rằng nếu nàng cố ý nhịn đói, gã sẽ giuết con nàng.
Vài hôm sau, gã mặt mụn tới viếng nàng bất ngờ để tỏ lời ai điếu.
Lúc này Cléopâtre đã ba mươi chín tuổi, thân hình không còn mỹ miều như xưa nữa. Những biến cố dồn dập vừa qua đã cướp đi của nàng sự tươi mát, chỉ để lại những dấu vết tàn phai, mắt quầng tóc rối. Octave nhìn nàng ngao ngán. Còn đâu vẻ đẹp lồ lộ kiêu xa mà gã đã thấy hồi còn ở La Mã.
Trong cơn xúc động, Cléopâtre nói qua tiếng nấc, chiếc ào choàng tuột khỏi vai, một chiếc chân trần thõng xuống đất. Với cử chỉ táo bạo, một lần nữa nàng bằng lòng đầu hàng với điều kiện gã trao chiếc ngai vàng cho con nàng.
Vừa nói nàng vừa rời giường, đứng dậy lấy một bản kê khai các tư trang và tài sản của nàng trao vào tay gã. Một tên cận thần cũ của nàng (hiện theo hầu Octave) liếc mắt vào bản kê khai và tố cáo nàng đã bỏ thiếu mấy món. Nàng nổi giận nắm tóc và tát vào mặt hắn thật mạnh.
Thấy Octave cười chua chát tỏ ý can ngăn, nàng kêu lên:
– Trong khi Tướng Quân đối với ta còn có đôi phần vị nể, đến thăm ta giữa phút sa cơ này, thử hỏi ta làm sao chịu nổi sự khinh nhờn của một tên đầy tớ khốn kiếp? Giả thử ta bớt đi vài món thì đã sao? Ta đâu muốn giữ lại vật gì cho bản thân ta, vì giờ đây chúng đâu còn giá trị gì đối với ta nữa. Chẳng qua ta muốn dành lại chút ít để có món quà mọn cho phu nhân và em gái của Tướng Quân thế thôi.
Lời ngụy biện này làm Octave hài lòng vì nó chứng tỏ nàng hãy còn đủ tinh thần và lý trí để cuộc lễ Khải Hoàn sắp tới của gã có ý nghĩa. Vì nếu trong buổi lễ, gã kéo theo đằng sau xe một bà mẹ điên loạn và bầy con thơ thì còn gì là hứng thú? Do đó, gã cho biết nàng tính sao cũng được. Riêng phần gã, gã hứa sẽ hết sức tôn trọng nàng, đối xử với nàng thật tử tế.
Vỏ quí dầy móng tay nhọn. Nàng ngụy biện thì gã cũng hứa nhăng. Hứa xong gã ra về.
Ngày hôm sau, Cléopâtre được phép đi thăm mộ Antoine để nói lời vĩnh biệt, dĩ nhiên dưới sự hộ vệ nghiêm mật của lính La Mã. Khi trở về ngôi mộ và cũng là nhà giam của mình, nàng cho tổ chức một bữa tiệc và ra lệnh cho hai thị nữ sửa soạn cho nàng thật lộng lẫy. Hai thị nữ ngạc nhiên lắm nhưng cũng ngoan ngoãn làm theo lời chủ. Họ đánh phấn lên mặt nàng, thoa hồng đôi má, tô xanh mi mắt thật quyến rũ, nâng bộ ngực đã hết no tròn bằng hai mảng lưới vàng mềm mại...
Lúc này Cléopâtre mới tâm sự:
– Chắc các ngươi còn nhớ Dolabella, nhà quý tộc trẻ La Mã, tới đây thăm ta hôm kia? Không hiểu sao y ngưỡng mộ ta và tiết lộ cho ta biết một tin quan trọng: ba ngày nữa Octave sẽ trở về Syrie và ta sẽ bị đem đi La Mã.
Hai người thị nữ nhìn nhau kinh hoảng. Như vậy có nghĩa là Cléopâtre sẽ bị đem ra làm nhục trước công chúng trong buổi lễ Khải Hoàn, và sau đó sẽ bị đem lên mỏm đá Tarpéienne để nhận một cái chết khủng khiếp dưới vực thẳm. Cléopâtre có biết điều đó không? Tại sao nàng chẳng tỏ vẻ gì sợ hãi, còn nhởn nhơ đòi tiệc tùng nọ kia? Hay là sự đau khổ đã làm nàng mất trí? Hai người vừa đặt chiếc vương miện lên đầu Nữ Hoàng vừa khắc khoải thắc mắc, chẳng dám nói thành lời.
Nhưng họ không phải thắc mắc lâu, vì ngay lúc đó một giỏ trái cây được mang vào. Người mang giỏ cúi đầu lễ phép chào Cléopâtre rồi lui ra. Cléopâtre đã xin phép được ăn tiệc riêng với hai người thị nữ nên lúc này lính canh đã rút hết xuống tầng dưới. Nàng nói:
– Charmian, hãy mở chiếc giỏ kia xem có ông bạn của chúng ta trong đó không? Nhớ cẩn thận nhé.
Hai người thị nữ cùng bước tới nhòm vào giỏ trái cây và họ chợt hiểu ý định của chủ.
– Tâu Lệnh Bà, ông ta có đây.
Cléopâtre mỉm cười mãn nguyện. Nàng ung dung ngả lưng trên giường, sửa lại bộ điệu cho thật đúng là một Nữ Hoàng, sai người đưa một bức thư cho Octave rồi bắt đầu cùng hai thị nữ nhập tiệc.
*
Một lát sau bức thư tới tay Octave tại Hoàng Cung. Gã hấp tấp mở bức thư niêm phong cẩn thận ra xem. Trong thư vỏn vẹn có một hàng chữ:
Hỡi Octave, đây là lời cầu xin cuối cùng: Hãy chôn ta bên cạnh Marc Antoine chồng ta.
Gã buột miệng văng tục, đứng bật dậy, chạy như ma đuổi tới ngôi mộ. Đến nơi, gã đập cửa rầm rầm. Vừa thấy mặt tên lính gác ra mở cửa, gã quát:
– Đồ ngu! Cléopâtre đâu rồi?
– Thưa... thưa ở trên lầu.
Tên lính còn đương ấp úng, gã đã chạy như bay lên tầng trên và đứng khựng lại trước quang cảnh mà gã đã phác họa trong tâm trí.
Cléopâtre nằm tựa lưng trên gối, mắt nhắm như đang ngủ say, nét mặt còn phảng phất vẻ an nhàn đài các. Iras người thợ làm tóc nằm thẳng cẳng dưới đất. Thị nữ Charmian cũng đang lảo đảo nhưng bàn tay trìu mến vẫn cố giữ cho chiếc vương miện nằm ngay ngắn trên đầu chủ.
Trong khi Octave ngơ ngẩn đứng nhìn, viên trưởng toán canh gác phẫn uất kêu lên:
– Charmian, các người giỏi thật!
Người thị nữ thều thào chế nhạo:
– Giỏi lắm chứ. Nữ Hoàng thật xứng đáng là dòng dõi các Vua Ai Cập.
Nói đến đây người thị nữ rùng mình mấy cái rồi ngã xuống chân vị nữ chủ thân yêu.
Viên trưởng toán lo láng đưa lưỡi liếm cặp môi khô:
– Thưa Đại Soái, thật tôi không hiểu nổi... Họ không có khí giới, và các thức ăn đều đã được nếm trước khi mang vào đây...
Octave đưa tay gạt y sang một bên, bước tới nâng cánh tay trần của Cléopâtre lên quan sát và tìm thấy hai lỗ nhỏ li ti trên làn da trắng nõn:
– Vết rắn cắn.
Thấy động, một chú rắn lục nhỏ xíu trườn mình ra khỏi nách Nữ Hoàng, rớt xuống sàn, vội vã chạy trốn. Nhanh như cắt viên toán trưởng rút gươm chém con vật thành hai đoạn.
Người bạn cuối cùng của Cléopâtre đã chết.
Câu chuyện vừa được kể lại. Người kể chuyện như cũng bâng khuâng theo những hình ảnh huy hoàng của vua chúa thời xưa, những tranh cướp nhỏ nhen, những xa hoa vô lối, những cái chết thảm thương.
Ba nhân vật chính là Cléopâtre, César và Antoine là những người được thần linh ban cho nhiều quá, và họ cũng có quá nhiều để trao tặng lẫn nhau. Họ vĩ đại thật, nhưng trong cái vĩ đại vẫn có cái yếu kém, vì họ cũng chỉ là những người sinh ra để chạy theo hư danh, mệt mỏi, rồi gục ngã...
36.
CLÉOPÂTRE
MỘT BÍ MẬT CỦA LỊCH SỬ:
NGUỒN CẢM HỨNG MUÔN ĐỜI CỦA VĂN GIA, NHẠC SĨ, THI NHÂN VÀ CÁC NHÀ LÀM ĐIỆN ẢNH
Vừa là danh nhân lịch sử, vừa là một nhân vật truyền kỳ, vừa là người đàn bà đa tình, Nữ Hoàng Cléopâtre trải qua bao nhiêu thế kỷ đã luôn luôn là nguồn cảm hứng của các thi nhân, điêu khắc gia, họa sĩ, văn sĩ, kịch tác gia, soạn nhạc gia, và cuối cùng là các nhà làm phim ảnh.
Đối với những giới kể trên, Cléopâtre hoặc được coi là một người đa tình đa cảm, điển hình của yêu đương, sẵn sàng chịu chết dưới mũi tên của tình yêu... Hoặc được coi như một bộ mặt chính trị có nhiều tham vọng, biết lợi dụng nhan sắc như một vũ khí lợi hại để điều động hạm đội, quân đội hay các nhà ngoại giao của nàng một cách tài tình... Hoặc được coi như một nạn nhân của đam mê, một người đàn bà yếu đuối không thể đối đầu và chế ngự những biến chuyển chính trị trong hoàn cảnh lịch sử sôi động của thời đại nàng sống, một trong những thời đại sôi nổi nhất.
Có thể nàng là tất cả, mỗi thứ một chút, Cléopâtre là một khuôn mặt phức tạp, một bí mật của lịch sử.
Với cái chết đầy bí ẩn của nàng, ngay từ thời cổ Cléopâtre đã đi vào huyền sử.
Nếu Plutarque đã có đủ khả năng để nhìn thấy bên cạnh những chỗ yếu của người đàn bà còn có những nét duyên dáng cùng sự can đảm và thông minh của một nữ hoàng tài ba, thì nhiều bình luận gia khác như Suetone, Flavius Hoseph, Cicéron... đã lại coi nàng như một kẻ thù của La Mã, một nhân vật chính trị đầy nhân tính nhưng nguy hiểm.
Phải chờ tới cuối thời trung cổ và khi có phong trào quay về với thời cổ, các sử gia Âu Tây mới bắt đầu phán xét con người Cléopâtre một cách tương đối vô tư, đôi khi có thêm sự thán phục. Chính vào lúc ấy, các văn gia nghệ sĩ mới thay chân các sử gia lạnh lùng, để thi vị hóa khuôn mặt Cléopâtre xuyên qua các tác phẩm của họ.
Năm 1592, Cléopâtre đã được đưa lên sân khấu lần đầu tiên trong một vở kịch của thi sĩ kiêm dịch tác gia Pháp Etienne Jodelle nhan đề "Cléopâtre Enchainée" (Nàng Cléopâtre Bị Xiềng). Tuồng này của Jodelle được coi như tác phẩm đầu tiên của loại bi kịch cổ điển Pháp. Chẳng bao lâu, nhân vật Cléopâtre đã vượt qua biển Manche từ nước Pháp sang nước Anh, xuất hiện trong kịch phẩm của Samuel Deniel lấy cảm hứng từ một tác phẩm của kịch tác gia cổ La Mã: Sénèque. Đặc biệt hơn nữa, cuộc đời của Cléopâtre đã là đề tài cho vở kịch "Antony and Cleopatra" (1610), một trong những tuyệt phẩm của đại văn hào Anh William Shakespeare.
Trong vở "Antony and Cleopatra", Shakespeare đã trình bày Nữ Hoàng Cléopâtre như một người đàn bà tuy không còn trẻ lắm, nhưng vẫn giữ được vẻ hấp dẫn của phái nữ, trong khi tại Pháp vài năm sau đó, trong vở kịch nhan đề "La Mort de Pompée" (Cái Chết của Tướng Pompée), văn hào Pierre Corneille đã trình bày một nàng Cléopâtre mới lớn còn đang là một công chúa chứ chưa là một nữ hoàng. Các nhân vật nữ trong những vở kịch sau này của Corneille đều có phảng phất tính chất của nàng công chúa trẻ tuổi đó.
Cũng trong khoảng thời gian đó triết gia Pascal của nước Pháp đã tuyên bố một câu nói trở thành bất hủ: "Nếu Cléopâtre có chiếc mũi ngắn hơn, bộ mặt thế giới có lẽ đã đổi khác!"
Đồng thời tại Tây Ban Nha, nhà văn Rojas cho xuất bản một tác phẩm nhan đề "Los Aspides del Cleopatra" (Con Rắn Lục của Cléopâtre), và nhà văn Gauthier de la Calprenède cũng cho xuất bản một bộ tiểu thuyết loại võ hiệp kỳ tình gồm 12 cuốn trong đó trình bày những thời kỳ chính của cuộc đời Cléopâtre.
Tiếp đến nước Đức cũng nói đến nàng trong một vờ kịch của Lohenstein, được viết vào khoảng năm 1650.
Đúng một thế kỷ sau, nhân vật Cléopâtre lại xuất hiện tại Pháp trong một vở bi kịch của Marmontel. Cũng trong thời kỳ ấy tại nước Ý, Cléopâtre đã hoàn toàn thành công trong một vở kịch thơ năm hồi của Alfieri. Người ta cũng không thể không kể tới vở kịch "Mort de Cléopâtre" (Cái Chết của Cléopâtre) của Chapelle, được viết vào năm 1680, đã được khán giả thời đó tán thưởng nhiệt liệt.
Đến khi văn trào Lãng Mạn xuất hiện thì cái hình ảnh của bà hoàng Ai Cập nhỏ nhắn ấy lại tỏa ra một hào quang mới. Nhân vật Cléopâtre đã được trình bày một cách thái quá theo thể cách của loại bi lạc kịch (mélodrame). Trong tất cả những tác phẩm về Cléopâtre của thời kỳ văn trào Lãng Mạn đầy vẻ thác loạn ấy, ngoài cuốn tiểu thuyết đặc sắc của Théophile Gautier nhan đề "La Nuit de Cléopâtre" (Cái Đêm của Cléopâtre), ta phải kể tới hai vở kịch: một của Soumet, và một của Madame de Girardin. Sau đó lại xuất hiện một kịch bản của thi sĩ Catulle Mendès.
Cũng khoảng thời gian đó tại tỉnh Turin bên Ý, Pietro Cossa đã cho trình diễn vở "Cléopâtre" gồm sáu hồi có kèm theo sáu phụ tấu khúc (intermèdes musicaux) của nhà soạn nhạc Luigi Mancinelli. Đây không phải là lần đầu tiên một nhạc sĩ lấy càm hứng từ đề tài Cléopâtre, trước đó khá lâu, từ 1691 nhà soạn nhạc Đức Kusser đã viết một đại nhạc kịch nhan đề "Cléopâtre", và tiếp theo đã có nhiều đại nhạc kịch khác xuất hiện với cùng đề tài, như của Graun (1742), của Pascale Alfonsi, Cimarosa (1780), của Weigl, Paer, Berlioz (1835), của Victor Massé, Friedrich Thzun, Camille Benoit, Glière, Pedrell và sau hết là của Massenet.
Sang đầu thế kỷ thứ hai mươi, vào năm 1901 người ta thấy xuất hiện một tác phẩm của kịch tác gia Anh George Bernard Shaw nhan đề "Caesar and Cleopatra", lần đầu tiên đề tài này được viết bằng giọng trào phúng. Rồi tới một bi kịch u thảm của tác giả người Lỗ Nicolas Iorga, và một đại nhạc kịch của tác giả người Hoa Kỳ Henry Hadley. Tác phẩm sau được trình diễn trên sân khấu Nữu Ước năm 1920.
Cũng trong thế kỷ thứ hai mươi này, một loại nghệ thuật mới tức là điện ảnh xuất hiện, trong lãnh vực này Cléopâtre đã là một nhân vật được các nhà làm điện ảnh đặc biệt chú ý tới. Năm 1906 hãng Pathé ở Pháp đã thực hiện một phim về Cléopâtre. Năm 1912 một cuốn phim khác của Mỹ cũng lấy đề tài Cléopâtre. Ít lâu sau phim Ý củng xuất hiện với đề tài này. Năm 1916 tại Hollywood (Mỹ) lại xuất hiện một phim mới về Cléopâtre, có phảng phất dáng dấp của một siêu phẩm điện ảnh.
Đó là thời kỳ phim câm. Sang đến thời kỳ phim nói, đề tài này đã được tận dụng triệt để. Trước hết phải kể tới hai cuốn phim vĩ đại: một của Cécil B. de Mille (1933) và một của Gabriel Pascal (1945), phỏng theo tác phẩm của G.B. Shaw.
Gần đây năm 1960, đạo diễn Joseph L. Mankiewicz thực hiện một phim vĩ đại về cuộc đời, những mối tình, cùng những trận chiến đấu và cái chết của Cléopâtre căn cứ trên tài liệu lịch sử và trên tác phẩm của C.M. Franzero. Phim này do các tài từ Elizabeth Taylor, Rex Harrison và Richard Burton thủ vai chính.
Cléopâtre quả là một bí ẩn của lịch sử mà muôn đời còn là nguồn cảm hứng của các nhà văn, nhà thơ và các nghệ sĩ...
Carlo Maria Franzero 
Vũ Hùng dịch
Theo https://vietmessenger.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...