Tuổi trẻ và cô đơn 2
5.
Đây là một giai đoạn đời tôi có bề ngoài náo nhiệt và nhiều sắc
thái hơn giai đoạn trước, có thể làm đầu đề cho một thiên tiểu thuyết nhỏ rất hợp
thời. Đáng lẽ tôi phải kể lại trong trường hợp nào tôi được chọn làm biên tập
viên của một tờ báo Đức, tôi đã cầm ngòi bút và uốn ba tấc lưỡi quá tự do như
thế nào để đến nỗi xảy ra kiện cáo và chê trách. Ngoài ra, tôi khét tiếng là bợm
rượu như thế nào, sau cùng, vì những cuộc tranh luận ác độc, tôi phải từ chức
và sang Ba Lê làm phóng viên như thế nào. Trong cái hang ấy tôi sống qua ngày
như người Bô Hêm thế nào, và trên mọi lãnh vực tôi đã thấy đủ mọi màu sắc như
thế nào.
Không phải vì hèn nhát mà tôi không nói đến giai đoạn ngắn ngủi
đời tôi này để mất lòng những người thích nghe chuyện tục tĩu trong số bạn đọc.
Tôi công nhận là tôi đã đi vào hết ngõ ngách dơ bẩn khác; tôi làm quen với đủ mọi
thứ trụy lạc và tôi sa lầy trong ấy. Tôi mất cả ý thích thơ mộng của đời sống
phóng đãng, các bạn cho phép tôi chỉ nói cái gì sạch sẽ tốt lành trong đời tôi
và coi thời gian đã qua như qua hẳn không bao giờ trở lại, không bao giờ nói đến
nữa.
Vả chăng Ba Lê là một nơi ghê tởm: nghệ thuật, chánh trị, văn
chương, chuyện đàn bà nhảm nhí - nghệ sĩ, văn nhân, chánh khách và đàn bà xấu
xa, thế thôi chẳng có gì khác. Nghệ sĩ cũng khoe khoang và hợm hĩnh như chánh
khách, văn nhân còn khoe khoang và hợm hĩnh hơn, người khoe khoang và hợm hĩnh
nhất hẳn là đàn bà.
Một buổi tối ở Bois de Boulogne, tự hỏi nên từ giã Ba Lê hay
từ giã ngay cả cuộc đời lại hơn. Rồi tôi nghĩ đến việc kiếm điểm lại cả cuộc đời
mình, đã lâu tôi không làm việc học ôn ấy, tôi tính rằng mình chẳng mất mát cái
gì quan trọng.
Nhưng bất thần hiện lên sáng sủa dị thường kỷ niệm một ngày
đã xa xưa, đã quên lãng - một buổi bình minh mùa hạ ở nhà tôi trên núi; tôi quỳ
gối gần một cái giường; trên giường mẹ tôi đang hấp hối.
Tôi giật mình lấy làm xấu hổ rằng đã lâu nay không nghĩ đến
buổi sáng ấy. Ý muốn tự vẫn đớn hèn biến mất. Bởi vì tôi cho rằng không có người
đứng đắn nào đã trông thấy một người tinh khiết và đôn hậu tắt nghỉ lại dám cả
gan tự kết liễu đời sống của mình. Trừ khi họ mất hẳn con đường chánh đạo. Tôi
thấy lại mẹ hấp hối. Tôi thấy trên mặt mẹ tôi bàn tay lặng lẽ và nghiêm khắc của
tử thần làm cho mẹ tôi trở nên cao đẹp. Tử thần có vẻ ác nghiệt nhưng cũng quyền
uy và nhân từ, như một người mẹ cẩn thận đưa về nhà một đứa con chết đuối.
Bất thần, tôi lại hiểu rằng cái chết là người anh em tử tế và
hiền triết của chúng ta; nó biết khi nào giờ của chúng ta đã điểm, chúng ta phải
tin tưởng nó. Tôi cũng bắt đầu hiểu rằng đau khổ, thất vọng và ý nghĩ đen tối
không có trách vụ làm cho chúng ta cay chua, làm cho chúng ta mất phẩm giá và
danh dự, nhưng làm cho chúng ta chín chắn và cao khiết.
Tám ngày sau tôi gửi hành lý về Ba Lê rồi đi bộ một phần lớn
niềm nam nước Pháp, kỷ niệm ngày sống ở Ba Lê còn dõi theo với không khí nồng nặc
của nó, nhưng rồi mỗi ngày mỗi phai mờ và tan biến như sương mù. Tôi dự một
phiên huấn luyện ái tình, tôi ngủ đêm trong lầu các, cối xay, vựa thóc, tôi uống
rượu nho với những chàng trai cởi mở, rượu của họ làm ra đem khí mặt trời ấm áp
vào tâm hồn ta.
Hai tháng sau tôi tới Ba Lê, quần áo tơi tả, người gầy nhom,
đen sạm, tâm hồn thay đổi hẳn. Lần thứ nhất tôi đi bộ xa như vậy, đây chỉ là chặng
thứ nhất, sau này tôi còn đi nhiều. Từ Lacano đến Vérone, từ Bâle đến Brigue, từ
Florence đến Pérouse, ít có thị trấn nào mà tôi không qua lại đôi ba lượt, theo
đuổi những mơ mộng mà chưa có một điểm nào thực hiện được.
Đến Bâle tôi thuê một căn phòng ở ngoại ô, lấy đồ dùng ra và
bắt đầu làm việc. Tôi sung sướng sống ở một tỉnh yên tĩnh không ai biết tôi cả,
sự liên lạc với vài tờ báo và tập san vẫn còn, tôi không thiếu gì việc làm và sống
không đến nỗi thiếu thốn. Mấy tuần lễ đầu yên lành bình thản, rồi sự u buồn lại
đến, dai dẳng hàng ngày, hàng tuần làm việc cũng không khuây được. Biết mô tả
nó thế nào? Tôi có cảm tưởng mình lẻ loi ghê gớm. Giữa tôi và mọi người, giữa
tôi và đời sống thành thị với nhà cửa, phố xá, luôn luôn có một vực thẳm. Một
thiên tai xảy ra những biến cố tường thuật trên mặt báo đều không có nghĩa gì đối
với tôi. Người ta hội hè đình đám, người ta làm ma chay, người ta ký kết công
ăn việc làm với nhau, người ta đàn hát - Để làm gì? Tại sao? Tôi trốn tránh về
thôn quê, tôi đi lang thang vào rừng, lên núi, xuống đồng; xung quanh tôi cô tịch,
nhưng không một tiếng than van, đồng cỏ, ruộng nương đều câm lặng, chúng giương
mắt van lơn nhìn tôi như muốn nói câu gì, như muốn đến với tôi. Nhưng chúng đứng
trơ ra đó không nói nên lời; tôi hiểu nỗi khổ đau ấy và tôi chia sẻ với chúng
vì tôi không thể thoát ly chúng được.
Tôi đi khám bác sĩ, kể bệnh thật tỉ mỉ, cố gắng mô tả bệnh của
tôi.
Ông ta xem, hỏi han, chẩn mạch.
- Ông có sức khoẻ dồi dào nhiều người phải thèm, tôi mừng cho
ông, như vậy thể chất của ông tốt lắm. Ông hãy thử giải buồn bằng âm nhạc hay đọc
sách.
- Trong nghề của tôi, mỗi ngày tôi đọc rất nhiều tin mới lạ.
- Dù sao thì ông cũng phải cố gắng vận động ngoài trời chút
ít.
- Mỗi ngày tôi đi bộ từ ba đến bốn giờ, khi nghỉ hè tôi đi gấp
đôi.
- Thế thì ông buộc lòng phải giao du với mọi người. Điều nguy
hiểm cho ông là ông có thể trở thành người ghét xã hội.
- Như thế thì có làm sao?
- Quan trọng lắm chứ. Lúc này ông càng ghê tởm xã hội bao
nhiêu, ông càng phải ráng tiếp xúc với xã hội bấy nhiêu. Tình trạng của ông
chưa hẳn là bệnh và không có gì là trầm trọng; nhưng nếu ông cứ thụ động như thế
ắt là ông sẽ mất quân bình.
Viên y sĩ là một người hiểu biết và tử tế. Ông ái ngại cho
tôi. Ông giới thiệu tôi với một nhà văn thường hội họp tại nhà rất nhiều người,
những buổi họp ấy có ít nhiều hoạt động trí thức văn học. Tôi đến. Người ta biết
vì đã nghe danh tôi; người ta tỏ ra nhã nhặn gần như thân hữu. Tôi trở lại đấy
luôn. Một buổi tối lạnh lẽo quý thu, tôi ở đấy, trong phòng có một sử gia trẻ
tuổi và một thiếu nữ người bé nhỏ tóc nâu, ngoài ra không có người nào nữa. Cô
gái pha trà, nói rất nhiều và chọc tức chàng sử gia. Rồi cô ngồi đánh dương cầm.
Đến sau cô cho tôi biết là cô đã đọc sách trào phúng của tôi nhưng không thấy
thích thú. Cô có vẻ thông minh, thông minh quá nữa, chẳng bao lâu tôi bỏ về.
Trong thời gian ấy, dần dần người ta khám phá ra tôi năng lui
tới tửu quán, mà thực ra tôi là một bợm rượu. Tôi không lấy làm lạ vì những
chuyện ngồi lê đôi mách rất thịnh hành trong giới văn học đàn ông cũng như đàn
bà. Sự khám phá nhục nhã cho tôi như vậy không ảnh hưởng gì đến sự giao du của
tôi; trái lại người ta chiếu cố đến tôi nhiều hơn vì ở đây người ta sính điều độ;
các ông bà ấy là nhân viên ban chấp hành một hội bài trừ nghiện rượu, họ khoan
khoái mỗi khi tóm được một tên phạm tội rượu chè. Một ngày kia họ tung ra đợt
công kích đầu tiên trong vòng lễ độ. Người ta yêu cầu tôi suy ngẫm về sự tủi hổ
bê tha nơi quán rượu, về cái hại của rượu chè, tôi phải đứng về phương diện y tế,
xã hội và đạo đức để tự vấn tâm. Người ta cũng mời tôi dự một ngày hội của liên
minh bài trừ nghiện rượu. Tôi ngạc nhiên vô cùng, vì đến nay tôi chỉ nghe nói
qua loa những hội, những đoàn thể như thế. Buổi lễ có ấm nhạc giúp vui và nhuốm
màu sắc tôn giáo có vẻ khôi hài nặng mùi, cảm tưởng của tôi, tôi chẳng cần giữ
bí mật. Trong mấy tuần liền người ta tìm cách khuyến dụ tôi ngọt ngào lộ liễu,
câu chuyện trở nên bực bội vào một tối nọ người ta nhắc lại bản ca cũ rích và
nóng lòng mong mỏi tôi cải quá, tôi nổi nóng lớn tiếng yêu cầu họ chấm dứt những
trò con nít ấy. Người con gái có mặt ở đấy chú ý nghe tôi rồi la lớn: “Can đảm
quá!” nhưng tôi tức giận quá không để ý.
Tôi thấy thích thú khi xem một trò khôi hài kháu khỉnh xảy ra
trong một cuộc biểu diễn của mấy chiến sĩ nhịn rượu. Cái hội lớn đó thết tiệc tại
trụ sở mời rất nhiều người dự. Họ đọc diễn văn, họ làm thân với bạn bè, họ hát
hỏng và nêu thành tích của việc làm ý nghĩa. Một công nhân được mướn để vác cờ,
anh này thấy bài diễn văn dài quá vì không có rượu, anh ta chuồn ra một tửu
quán gần đấy, khi đoàn thể long trọng diễu hành qua các phố, phàm nhân được dịp
chứng khiến một cảnh tượng thích thú: trước đoàn người lớn tiếng bài trừ rượu,
ngất ngưởng một đệ tử lưu linh chân nam đá chân xiêu, tay cầm một lá cờ “Lam Thập
Tự” như cột buồm một con tàu sắp chìm.
Chàng nghiện rượu biến mất, nhưng cái mà người ta không dẹp
đi là những sự khoe khoang nặng tính chất trần tục quá, những sự ghen ghét và
mưu đồ ti tiện xảy ra giữa các nhóm, các ban tranh giành nhau, mỗi ngày nảy nở
mỗi nhiều, mỗi thêm thú vị. Phong trào phân chia ra làm nhiều phe phái, vài người
háo danh muốn hưởng danh vọng một mình, họ bất bình nếu có người nào bỏ được rượu
mà không phải họ có công dìu dắt. Người ta lợi dụng trắng trợn những người hằng
tâm cộng tác không vụ lợi, mà số người này không thiếu. Những người có vị trí
thuận tiện để quan sát chẳng bao lâu có dịp nhận thấy rằng dưới chiêu bài lý tưởng
này cũng len vào bao nhiêu sự dơ bẩn của con người, mùi tanh hôi bốc lên thấu
trời. Nhiều người ngoài cuộc kể cho tôi nghe những tấn hài kịch nho nhỏ ấy, tôi
khoái chí một cách kín đáo và đến đêm đi uống rượu đã mới về, tôi tự nhủ: Đã thấy
chưa, phàm nhân cái tóc cái tội chúng tôi, chúng tôi cũng còn hơn thế nhiều!
Trong căn phòng nhỏ bé của tôi, đứng trên cao thấy sông Rhin
và chân trời xa, mịt mù của vùng sông ấy, tôi học hành và suy nghĩ rất nhiều.
Tôi thất vọng vì dòng đời đã tách khỏi tôi, đã gạt tôi ra bên mà không có ngọn
sóng mãnh liệt nào kéo tôi đi chỗ khác, không có một sức thu hút mãnh liệt nào,
một sự thúc đẩy cấp thiết nào khơi động nhiệt tình và kéo tôi ra khỏi cơn mơ mộng
bần thần. Ngoài công việc làm để sinh nhai, tôi còn dự thảo một cuốn sách nhưng
đấy không phải là sáng tác, mới chỉ là công việc thường xuyên của người sưu tầm
không thoả mãn được ý muốn gắt gao của tôi. Thu thập những ký ức ở Zurich,
Berlin, Paris, tôi tìm cách rút ra cái gì là ước vọng chính yếu, say mê và lý
tưởng của con người suy tưởng đồng thời với tôi. Người này cố gắng xoá bỏ bàn
ghế, màn mùng, thói tục hiện có để làm cho người đời quen với một khung cảnh sống
tự do hơn, tốt đẹp hơn. Người khác cố gắng phổ biến quan niệm triết lý nhất
nguyên của Haeckel bằng loại văn phổ thông và những buổi nói chuyện. Nhóm người
khác nữa cho rằng họ đã cố gắng thích đáng để lập nền hoà bình vĩnh viễn. Lại
có người tranh đấu cho giai cấp nghèo khổ bị bạc đãi, họ lập sổ quyên và diễn
thuyết để lấy tiền xây cất rạp hát và thư viện cho bình dân. Còn ở đây, thành
Bâle, người ta tranh đấu để bài trừ rượu.
Trong những sự cố gắng ấy người ta đều tỏ ra thành khẩn và hoạt
động; nhưng đối với tôi không có người nào là quan trọng, là cần thiết, và nếu
hôm nay tất cả những mục tiêu ấy đều đạt được chúng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến
tôi, đến đời tôi. Tôi thất vọng ngồi phịch xuống ghế, gạt cả sách vở, bản thân
đi và suy nghĩ, suy nghĩ hoài. Bấy giờ tôi nghe tiếng sông Rhin chảy dưới cửa sổ,
tiếng gió gào thét, tôi xúc động lắng tai nghe tiếng nói chứa chan nhớ nhung và
u buồn. Tôi trông mây mờ ban đêm bay từng đám lớn trên trời như đàn chim sợ
hãi, tôi nghe tiếng sông Rhin chảy theo dòng rồi nghĩ đến mẹ tôi, đến Saint
François, đến quê hương khuất nẻo trong núi tuyết, và Richard nay đã xanh mồ.
Tôi lại thấy mình bơi thuyền trong đêm với Aglietti, thấy mình thất vọng vì bạn
chết, đi xa trở về, khuây khoả và trở lại nghèo túng. Để làm gì? Tại sao? Trời!
Tất cả những biến cố ấy chỉ là trò chơi, là ngẫu nhiên, là tấm hình màu chăng?
Tôi có tranh đấu và đau khổ vò xé cho đời sống tinh thần, cho tình bạn, cho
chân thiện mỹ, cho tình yêu không? Ham muốn và tình yêu còn tiếp tục luân lưu
trong người tôi với sức mạnh như gió bão chăng? Và tất cả những cái đó chỉ là
phù phiếm, chỉ để vò xé riêng tôi chẳng đem lại thú vui cho ai ư?
Lúc ấy tôi đã đủ già dặn để lui tới tửu quán. Tôi tắt đèn, sờ
soạng bước xuống cầu thang xoáy trôn ốc và ló mặt vào một tiệm cà phê bán rượu
nho Valteline hay tiệm rượu bán thứ vang Vaudois. Ở đấy tôi được tiếp đãi lịch
sự như người khách đứng đắn tuy rằng thường nhật tôi cáu kỉnh và nếu gặp dịp
tôi cũng thô bỉ. Tôi đọc tờ Simplicissimus và không khỏi bực mình, tôi uống rượu
và đợi nó an ủi tôi. Trong lúc êm ái ấy thần lưu linh đưa tay mềm mại như tay
đàn bà ra vỗ về tôi, làm cho chân tay tôi bủn rủn, đưa linh hồn lạc lõng của
tôi đến xứ mộng đẹp.
Tôi phải kinh ngạc rằng tôi đã đối xử với mọi người một cách
cau có gắt gỏng như thế, tôi đã lấy làm mát ruột mà ngược đãi họ như thế. Trong
các hàng cơm có mặt tôi, hầu bàn sợ tôi và nguyền rủa tôi là một thằng cục súc,
quạu quọ, bao giờ cũng tìm được cớ để bắt bẻ. Nói chuyện với khách ăn thì tôi
thô lỗ và báng bổ họ, dĩ nhiên họ tìm cách trả đũa tôi. Tuy nhiên trong số những
khách ăn quen cũng có một số ít người - rất ít - đã có tuổi và uống rượu thùng
bất chỉ thình. Thỉnh thoảng tôi ngồi giết thời giờ với họ, sự giao du với họ
cũng được khả quan. Trong số ấy có một ông già lỗ mãng làm nghề thợ vẽ, một người
ghét đàn bà, một lão gắt gỏng bợm nhậu có môn bài hạng nhất. Tối nào tôi gặp y
một mình ở quán là y như có cuộc so ly rất cam go. Mở màn chúng tôi tán dóc,
pha trò, tráng miệng bằng một chầu rượu nho đỏ, rồi dần dần nổi hứng, chúng tôi
ngồi yên lặng trước mặt nhau không cần chuyện trò gì nữa, chúng tôi như hai đống
thịt chất lù lù, nốc hết hàng chai. Tửu lượng của chúng tôi ngang nhau, chúng
tôi cùng rót đầy ly một lượt, cùng liếc mắt ngó nhau ranh mãnh như thử xem ai
hơn ai kém. Đến mùa có rượu mới vào cuối thu chúng tôi cùng đi qua các làng trồng
nho, đến một tửu quán ở đấy lão ma bùn kể chuyện cuộc đời của lão. Tôi cho rằng
chuyện của lão lý thú chứ không nhàm chán, nhưng đáng tiếc rằng tôi quên hết.
Chỉ nhớ y nói đến một tiệc rượu của y vào lúc tuổi khá cao. Chuyện xảy ra trong
một ngày hội ở làng. Nhân danh khách người ta mời y ngồi với các thân hào. Chẳng
mấy lúc y làm cho cả ông tiên chỉ lẫn ông mục sư say mèm. Ông mục sư phải đứng
dậy nói vài lời cảm ơn quan khách. Khi người ta dìu ông lên diễn đàn ông nói
nhiều câu lỗ mãng quá làm người ta phải kéo ông xuống. Đến lượt ông tiên chỉ
hăng hái bước lên. Ông ứng khẩu nói dõng dạc, nhưng hoa chân múa tay quá nên
ông mệt, phần kết cấu của ông không đến nỗi tầm thường nhưng chẳng có gì là
điêu luyện. Sau này tôi muốn lão kể tiếp câu chuyện và cho biết nhiều chuyện nữa.
Nhưng đến một bữa thi bắn kia, chúng tôi bất bình nhau một cách đáng tiếc,
chúng tôi nắm râu nhau mà kéo rồi từ đấy giận nhau. Từ đấy thỉnh thoảng chúng
tôi cũng gặp nhau trong một tửu quán nhưng chỉ còn là thù nghịch nhau, mỗi người
ngồi riêng một bàn. Vì thói quen đã lâu ngày, chúng tôi lẳng lặng ngó nhau, uống
với tốc độ ngang nhau, cùng ở lại rất lâu khi khách đã về hết, mãi đến lúc người
ta phải mời ra để đóng cửa. Không bao giờ chúng tôi giải hoà với nhau.
Nghĩ mãi về nguyên nhân chán nản và không thích ứng được với
cuộc đời chỉ là vô ích và mệt người. Tôi không hề có cảm tưởng là người tôi hết
sinh lực hay rỗng tuếch, trái lại tôi thấy mình tràn đầy sức lực tiềm tàng và
tính rằng đến lúc thuận lợi sẽ còn có thể sáng tác được một văn phẩm giá trị,
ít ra hái được một chút hạnh phúc của cuộc đời cay nghiệt. Nhưng giờ phút thuận
lợi có đến không? Tôi đau lòng mà nghĩ đến những người cấu tạo hoàn toàn bằng
dây thần kinh, họ dùng cả ngàn thứ kích thích nhân tạo để làm nghệ thuật, trong
khi ấy thì trong người tôi sinh khí hùng hậu chưa dùng đến còn để mụ mị không
trau dồi. Và tôi lại bới óc ra tìm xem con quỷ nào đã làm tê liệt linh hồn tôi
mỗi ngày mỗi nặng thêm trong khi thể xác tôi tràn đầy sức lực. Ngoài ra tôi còn
hợm hĩnh tự cho mình là một người khác tục, không ai bênh vực, không ai biết đến,
không ai hiểu thấu và chia sẻ bớt nỗi đau đớn. Trong sự chán ngán có điều này
thật là quái gở, không những nó làm mình ốm đau mà còn làm mình tự cao tự đại,
làm mình cận thị, gần như kiêu căng. Người ta tưởng mình là chàng Atlats khiếm
nhã mà Heine đã nói đến, chàng ta cho rằng mình đã nắm được tất cả bí mật và
đau khổ ở đời, chàng ta cho rằng cả ngàn người khác không có những đau khổ ấy
và không gặp những nỗi vấn vương ngoắt ngoéo ấy. Và trong nỗi cô đơn xa quê
hương, tôi cũng quên hẳn rằng tính tốt tật xấu và điểm riêng biệt của tôi không
phải là cái gì hay cho tôi và cho họ Camenzind - nói là một sự bất hạnh thì
hơn.
Vài tuần lễ sau tôi trở lại nhà người trí thức đã tiếp đãi
tôi nồng hậu. Dần dần tôi làm quen với gần hết những người lui tới nhà ấy. Phần
nhiều là những người trong giới đại học còn trẻ, rất nhiều người Đức thuộc đủ mọi
phân khoa, ngoài ra còn vài hoạ sĩ, nhạc sĩ, và vài trưởng giả và vợ con của họ.
Tôi thường ngạc nhiên khi để ý thấy họ đối đãi với tôi như một thượng khách. Tôi
biết rằng mỗi tuần họ gặp nhau không biết bao nhiêu lần. Không biết họ nói gì với
nhau và làm gì với nhau? Phần nhiều họ có một thái độ rập theo khuôn mẫu homo
socialis, người nào cũng như người nào đều có tinh thần thoả hiệp với đời sống
xã hội mà chỉ riêng tôi không có. Trong số ấy có nhiều người rất phong nhã, đời
sống chỉ có khách khứa với tiếp rước không làm cho họ mất cá tính hồn nhiên và
nghị lực. Có những người mà tôi có thể nói chuyện lâu, rất thích thú. Nhưng tôi
không thể lăng xăng chạy chỗ này chỗ kia, đứng vài phút trước mặt họ, khen tặng
các bà vài câu xã giao, chú ý vào một tách trà, vài câu đối đáp và một bản nhạc,
làm như chú trọng và thích thú với tất cả những sự nhàm chán ấy. Nói đến văn
chương nghệ thuật thật là khổ tâm cho tôi vô cùng. Tôi nhận thấy rằng trong những
lĩnh vực ấy người ta suy nghĩ thì ít, nói dóc thì nhiều, phần nhiều chỉ là nói
không ăn thua đâu vào đâu. Nếu làm như vậy, tôi cũng phải bắt chước mọi người
mà nói trí nói trá nhưng chẳng thích thú gì, thật là những chuyện vẩn vơ ấy vô
ích, nhàm chán và hạ phẩm giá con người. Chẳng thà nghe một người đàn bà nói
chuyện với con cái hay để tôi kể những chuyến du lịch của tôi, hay nói chuyện vặt
hàng ngày, chuyện gì liên hệ đến đời sống thực tiễn. Những lúc ấy có khi tôi cởi
mở và gần như vui vẻ. Nhưng phần nhiều, sau những buổi họp như thế tôi vẫn phải
đến một tiệm cà phê uống vài hớp rượu nho Valteline để tiêu tan sự buồn bực ghê
tởm hay dư vị đắng khô còn ứ trong cổ họng.
Trong một buổi họp tôi gặp lại người thiếu nữ tóc đen. Tối
hôm ấy có một đám đông người chơi âm nhạc và làm om sòm như thường lệ, tôi ngồi
ở một góc phòng xem tập ảnh dưới ánh sáng một ngọn đèn. Đó là những bức họa xứ
Toscane, không phải ảnh chụp những bức họa tầm thường người ta đã thấy cả ngàn
lần, nhưng là những họa phẩm của họa sĩ tài tử, phần nhiều của bạn hữu ông chủ
nhà. Tôi vừa tìm thấy bức họa một căn nhà xây bằng đá, cửa sổ hẹp, nằm trong một
thung lũng hẻo lánh miền nam San Clemente, tôi nhận ra vì tôi đã đi qua đấy nhiều
lần. Thung lũng này ở gần Fiesole, nhưng du khách không đến thăm bao giờ vì
không có gì là đồ cổ. Đó là một thung lũng đất cằn cỗi ít người ở, nhưng đẹp lạ
lùng, thung lũng xen vào giữa những trái núi cao, trơ trụi và hiểm trở, một nơi
cách biệt với đời sống, tịch mạc và trinh nguyên.
Thiếu nữ đến gần, nhìn qua vai tôi.
- Sao ông ngồi một mình như vậy, ông Camenzind?
Cô ta làm tôi khó chịu. Tôi nghĩ thầm, cô ta bị tụi thanh
niên bỏ rơi nên đến tìm tôi.
- Sao ông
không trả lời tôi?
- Xin lỗi cô, tôi trả lời cô thế nào bây giờ? Tôi ngồi một mình vì tôi thích thế.
- Thế tôi có làm phiền ông không?
- Cô chỉ khôi hài.
- Như vậy tôi sẽ được việc cho ông.
Cô ngồi xuống. Tôi không rời bỏ tập họa.
- Ông là người miền núi thực à? Tôi được nghe chuyện miền núi thì còn gì bằng.
Anh tôi bảo rằng trong làng ông chỉ có một họ, chỉ có họ Camenzind. Điều ấy có
đúng không?
- Gần hết thôi. Nhưng cũng có anh hàng bánh họ Fussli và người chủ quán họ
Nydegger.
- Còn thì họ Camenzind hết à? Tất cả đều là thân thích?
- Thân thích xa hay gần.
Tôi đưa cô xem bức họa. Cô cầm lấy và tôi nhận thấy cô lấy điệu
bộ thích hợp. Tôi nói cho cô biết. Cô cười mà rằng:
- Ông quá khen tôi, nhưng khen như thầy giáo khen học trò.
- Cô ngồi đây xem tranh với tôi nhé.
- Bức này vẽ cái gì đây?
- San Clemente.
- Ở đâu?
- Gần Fiesole.
- Ông đã đến thăm nơi ấy chưa?
- Nhiều lần rồi.
- Ông tả cho tôi nghe thung lũng ấy nhé. Đây chỉ có một khoảng nhỏ.
Tôi suy nghĩ. Phong cảnh đẹp vì vẻ hiểm trở gập ghềnh hiện ra
trước mắt tôi, tôi lim dim mắt lại để nhớ rõ. Một phút qua đi trước khi tôi bắt
đầu nói và tôi thích chí vì cô ta yên lặng ngồi đợi. Cô biết rằng tôi trầm tư để
nhớ lại.
Rồi tôi mô tả khe San Clemente nằm êm ả, trơ trụi và hùng vĩ
trong ánh nắng trưa hè. Ở Fiesole gần đấy có nhiều xưởng kỹ nghệ, người ta bán
cam và đồ vật làm kỷ niệm, người ta đánh lừa du khách và người ta xin tiền. Dưới
thấp nữa là thành Florence đời sống diễn biến với cả hai sắc thái kim và cổ,
nhưng ở San Clemente người ta không thấy có sắc thái nào. Không có họa sĩ nào đến
đây vẽ phong cảnh, người La Mã không xây cất một lâu đài dinh thự nào, lịch sử
đã bỏ quên thung lũng hẻo lánh này. Ở đây là bãi chiến trường, đất tranh đấu với
mưa nắng; cây thông uốn mình cong quèo sống vất vưởng, cây trắc vươn ngọn ốm o
lên thám thính để biết chừng có cơn bão phũ phàng nào xảy đến kết liễu đời sống
eo hẹp mà nó vẫn bám lấy bằng mấy cái rễ khô cằn. Thỉnh thoảng đi qua một cỗ xe
bò từ những trại lớn gần đấy, hay một gia đình dân làng lên thăm tỉnh; nhưng họ
chỉ là những khách qua đường, váy đỏ thôn nữ chỉ vui tươi khi đặt vào khung cảnh
khác, ở đây nom có vẻ không hợp cảnh hợp tình, người ta chẳng cần những thứ ấy.
Tôi kể lại hồi còn niên thiếu tôi đã cùng người bạn qua lại
thung lũng, nằm dưới gốc cây trắc, tựa vào thân cây gầy ốm, cảnh tịch mịch u buồn
và đẹp đẽ ấy làm tôi nghĩ đến khe núi quê hương tôi.
Chúng tôi yên lặng một lúc, rồi cô ta nói:
- Ông là thi sĩ.
Tôi nhăn mặt.
- Tôi không muốn nói vậy, không phải vì ông viết truyện ngắn và những loại nào đó
mà tôi cho ông là thi sĩ. Tôi nói vậy vì ông yêu thiên nhiên và hiểu thiên
nhiên. Đối với người khác thì một cái cây than thở hay một trái núi ửng hồng dưới
ánh sáng mặt trời có gì đáng chú ý? Nhưng đối với ông thiên nhiên có một đời sống
và ông có thể tham dự vào đời sống ấy.
Tôi trả lời rằng không ai hiểu được thiên nhiên, mà muốn đem
hết thiện chí ra tìm hiểu người ta chỉ gặp những bí mật làm cho mình buồn nản.
Một cái cây mọc giữa trời, một tảng đá dầm sương dãi nắng, một con vật, một
trái núi - chúng nó đều có một linh hồn, một lịch sử, chúng nó sống, vật lộn,
thụ hưởng rồi chết, nhưng chúng ta không hiểu gì cả.
Trong khi nói chuyện và vui lòng vì cô ta yên lặng và chú ý một
cách kiên nhẫn, tôi để ý xem xét cô ta. Hai mắt cô nhìn thẳng vào mắt tôi không
hề quay đi. Nét mặt cô bình thản không còn gì là giữ ý tuy hơi căng thẳng vì
chú ý. Trông cô như một đứa trẻ ngồi nghe chuyện. Không phải; đúng ra là một
người lớn quên mình trong khi nghe chuyện và trở lại có đôi mắt con trẻ mà
chính họ không biết. Và trong khi ngắm nàng, dần dần tôi khám phá ra nàng đẹp lắm,
sự khám phá ấy làm tôi vui sướng một cách hồn nhiên.
Khi tôi nói hết, người con gái cũng ngồi yên lặng. Rồi nàng
giật mình, hai mắt khẽ chớp dưới ánh đèn.
Tôi hỏi nàng, không để ý nhiều đến câu hỏi:
- Cô cho biết quý danh.
- Elisabeth.
Nàng đi chỗ khác, rồi người ta yêu cầu nàng đánh dương cầm.
Nàng chơi hay, nhưng đến gần tôi thấy nàng đã hết đẹp.
Khi xuống cầu thang để về nhà - cầu thang rộng theo kiểu cổ -
tôi thoáng nghe hai họa sĩ trong phòng thay áo nói chuyện với nhau, một người vừa
cười nói:
- Phải rồi, tối nay người ta chỉ xum xoe với con Elisabeth.
- Này, đừng coi thường những thằng cha lù đù như nước đọng nhé, kể ra hắn cũng
không lựa chọn thứ dở nhất.
À, ra mấy ông làm trò khỉ này đã bắt đầu đi đánh mõ rồi! Bất
thình lình tôi giật mình mà tự nhận thấy mình đã nói với cô gái xa lạ với mình
những kỷ niệm kín đáo nhất và một phần đời sống nội tâm của mình. Sao tôi lại đến
nỗi thế? Bây giờ kẻ xấu miệng đã bắt đầu hoạt động rồi!
Mấy tháng sau tôi không trở lại căn nhà ấy nữa. Cũng là sự ngẫu
nhiên, một trong hai họa sĩ nói trên, người nói trước, gặp tôi ngoài phố bèn hỏi
tại sao lâu ngày tôi vắng mặt.
- Tại sao ông không đến đấy nữa thế?
- Vì tôi không chịu được những chuyện ngồi lê đôi mách.
Y cười:
- Ồ! Đàn bà ấy mà!
- Không phải, tôi muốn nói đến đàn ông, nhất là mấy ông họa sĩ.
Suốt mấy tháng ấy tôi chỉ gặp Elisabeth ở ngoài phố, một lần
trong tiệm buôn và một lần ở viện bảo tàng. Bình thường nom cô ta cũng xinh
nhưng không đẹp. Người cao ráo mảnh mai, dáng dấp có vẻ riêng làm cô ta đẹp
thêm, có vẻ đài các, nhưng cũng có khi lộ vẻ giả tạo quá đáng.
Ngày tôi gặp ở viện bảo tàng, cô ta đẹp, đẹp lắm. Cô ta trông
thấy tôi. Tôi cũng đứng ở chỗ vắng coi một cuốn ca-ta-lô. Cô ta ở cạnh đấy, trước
bức tranh lớn, để hết cả ý tứ ngắm nghía. Tranh vẽ một cánh đồng cỏ vàng vọt, một
vài cô thôn nữ đang làm việc; đằng xa núi gập ghềnh lởm chởm làm cho ta nghĩ đến
núi ở Stockhom, bên trên là trời trong sáng đám mây trắng ngà vẽ thật là thần
bút. Mới nhìn người ta phải để ý ngay đến chất mây dày đặc, nó vừa mới được cấu
tạo, bị gió thổi dồn dập, sắp sửa bay lên và từ từ trôi đi. Hẳn là Elisabeth hiểu
rõ đám mây ấy vì cô ta biến thân vào cả trong cái nhìn, linh hồn cô thường ngày
rất kín đáo, bây giờ lộ ra khuôn mặt, mỉm cười qua khoé mắt, làm cho cái miệng
chúm chím mềm ra như miệng trẻ thơ, làm dịu nét nhăn trên trán tiêu biểu cho sự
thiên về trí thức đáng buồn. Chân lý và sự thật của một nghệ phẩm tuyệt tác bắt
buộc cô ta không được dùng cái gì che đậy tâm hồn mà phải tỏ lộ trong sự chân
thật và hồn nhiên của nó.
Tôi yên lặng ngồi cạnh cô ta, ngắm đám mây tuyệt bút của
Segantini và ngắm cô gái bị thu hút bởi bức tranh. Rồi tôi sợ cô ta ngoảnh lại
thấy tôi cô ta sẽ chào hỏi, cô ta sẽ mất hết vẻ đẹp. Tôi lẳng lặng bước mau ra
khỏi phòng.
Hồi ấy sự vui sướng của tôi trước thiên nhiên câm lặng và mối
tương quan của tôi với thiên nhiên bắt đầu thay đổi.
Tôi vẫn đi lang thang ở ngoại ô thành phố nhất là trong vùng
núi Jura. Bao giờ tôi cũng thấy núi rừng, cây cối và bụi cỏ vươn mình lên không
biết chờ đợi cái gì. Có lẽ chúng chờ đợi tôi; dù sao thì chúng cũng chờ đợi
tình yêu.
Chính trong hoàn cảnh ấy mà tôi sinh lòng yêu mến cảnh vật.
Tôi có một sự thèm khát mãnh liệt đến với cái đẹp lặng lẽ của cảnh vật. Trong
người tôi, một đời sống sâu xa cũng đang dò dẫm tìm đường xuất hiện ra tâm thức,
mong mỏi được hiểu biết và yêu mến.
Nhiều người nói rằng mình “yêu thiên nhiên”. Nói thế nghĩa là
họ không thấy có gì trở ngại nếu thỉnh thoảng họ bỏ qua thế sự, thưởng thức vẻ
đẹp của thiên nhiên. Họ đi ra ngoài, ngắm vẻ đẹp của trời đất mà khoan khoái, dẫm
chân lên đồng cỏ, hái một bó hoa và cành cây rồi chẳng bao lâu vứt vào sọt rác
hay để héo trong xó nhà. Làm như vậy họ bảo là yêu thiên nhiên. Họ nghĩ đến
tình yêu đó vào một ngày chủ nhật đẹp trời và thoả mãn vì tim mình tỏ ra rộng
rãi. Thì họ có thể miễn trừ được những chuyện ấy mà lị! Con người có phải tinh
hoa tụ khí của trời đất không? Hẳn là họ đã tặng trời đất một vòng hoa tang đẹp
đẽ!
Bởi vậy tôi vẫn giương mắt hau háu nhìn vào lòng sâu thẳm của
sự vật. Tôi nghe gió lên tiếng đàn trên những đỉnh cây cao, tôi nghe thác gầm
trong khe núi, sông chảy êm đềm trong đồng bằng và tôi biết rằng đó là tiếng
nói của Ông Trời, hiểu được tiếng nói nguyên thuỷ tối tăm đó là tìm thấy thiên
đường. Sách vở nào có nói đến; trong Thánh Kinh chỉ có mấy chữ kỳ ảo này: “tiếng
thở than không diễn tả được của thiên nhiên.” Nhưng tôi vẫn có cảm tưởng rằng
xưa nay người đời xúc động vì không ai hiểu mình cũng như tôi, đã coi thường
công việc hàng ngày để tìm sự cô đơn tịch mạc, lắng tai nghe tiếng ca hát của
hóa công, nhìn mây bay và giơ tay hướng về vĩnh cửu trong nỗi niềm nhớ tiếc
khôn cùng - như ẩn sĩ, khổ tu, thánh đồ.
Đã có bao giờ bạn đến thành Pise, nhị địa Campo Santo? Trên
tường là những bích họa từ những thế kỷ trước nay đã phai mờ, một bức diễn tả đời
sống những ẩn sĩ ở sa mạc Thébaide. Ngày nay tuy màu sắc đã phai lợt nhưng bức
họa vụng về ấy cũng còn gợi lên vẻ u nhã của sự yên lành tĩnh tịch; bất thần thống
khổ trần gian nổi lên, ta thấy cần phải đến một nơi nào xa lánh trần gian lấy
nước mắt mà rửa lỗi lầm ô trọc, đến một thánh địa và không bao giờ ta trở về nữa.
Biết bao nghệ sĩ đã thử nói lên sự nhớ tiếc ấy bằng những hình ảnh đẹp mê hồn,
một vài bức họa con nít rất đẹp của Ludwig Richter cũng ca hát những điệu thoát
phàm như bích họa của Pise. Tại sao danh họa Le Titien người bạn của những nét
hiện thực đích xác, lại có khi họa những bức tranh trong đó bối cảnh và chân trời
xa phơn phớt một màu lam, vũ trụ quan của ông bộc lộ không chút bí hiểm? Đó chỉ
là một nét màu lam đậm, người ta không biết ông muốn vẽ núi ở xa hay là không
gian vô tận. Chính Titien, một người duy thực, cũng không biết rõ. Ông không
làm như vậy vì muốn có nhịp điệu màu sắc như mấy người viết lịch sử hội họa tưởng
mình hiểu ông đã nói, nhưng đó là món nợ trả cho nỗi nhớ tiếc khôn nguôi vẫn
kín đáo ám ảnh con người vui vẻ sung sướng ấy cũng như nhiều người khác. Như vậy,
hầu như nghệ thuật thời nào cũng cố gắng tìm cách diễn tả sự cần thiết cái gì
thần linh, cái gì không thiêng liêng tiềm tàng trong mỗi con người chúng ta.
Saint François đã nói ra một cách viên mãn, cao đẹp hơn cả mà
lại hồn nhiên như con trẻ. Bấy giờ tôi mới hiểu đến nơi đến chốn. Tóm thâu vào
tình yêu của Thượng Đế tất cả trần gian, cây cổ tinh tú, muôn loài, gió mưa,
ông đã đi trước cả thời kỳ Trung Cổ, trước cả Dante, ông tìm ra ngôn ngữ nói
lên cái gì là của nhân loại muôn thuở. Ông gọi tất cả mãnh lực và hiện tượng
thiên nhiên là “anh chị em”. Đến tuổi già, khi ông bị các lương y bắt phải cầm
sắt nung đỏ áp vào trán, trong sự lo lắng của một người bệnh chịu cực hình ông
còn đón chào thanh sắt nung đỏ ghê sợ như “người anh em lửa” của ông.
Khi tôi bắt đầu yêu thiên nhiên như yêu một người, nghe thiên
nhiên như một người bạn hay một người đồng hành nói một ngôn ngữ nước ngoài, hẳn
là mối ưu tư của tôi không thuyên giảm, nhưng nó trở nên cao đẹp, thuần khiết.
Tai mắt tôi trở nên tinh tường. Tôi học cách tri giác sắc độ và đa dạng của
thiên nhiên, tôi muốn mỗi ngày mỗi nghe thấy gần hơn, rõ ràng hơn, nhịp điệu
sinh hoá của sinh vật đã một ngày kia hiểu được cái khí lực sinh hoá ấy, có lẽ
có được thiên tư để diễn tả thành công từ thi ca, hy vọng rằng người khác cũng
xích lại gần thiên nhiên, cảm quan của họ sẽ triển khai nếu họ trở lên tận suối
nguồn đem lại sinh khí cho họ, thanh lọc họ, tu dưỡng cho họ cái hạo khí an
nhiên tự tại của tuổi thơ. Lúc này thì đó mới là một triển vọng, một ước mơ,
tôi không biết có ngày nào thực hiện được không và tôi chỉ chú trọng đến cái gì
ở tầm tay mình. Không từ chối lòng ái mộ tất cả cái gì thấy trước mắt, không
coi vật gì với thái độ dửng dưng hay khinh bỉ.
Tôi không thể nói được cách xử kỷ tiếp vật ấy an ủi và đổi mới
cuộc đời tối tăm của tôi như thế nào. Không có gì ở đời làm cho ta cao đẹp và
đem lại hạnh phúc cho ta bằng tình yêu bất diệt, không lời nói, không mê say; ước
vọng thân yêu nhất của tôi là trong số những người đọc tôi, dù chỉ có hai người
hay một người duy nhất, sẽ có người làm theo tôi, học lấy nghệ thuật thích thú
và thanh khiết ấy. Một vài người trời phú bẩm cho nghệ thuật ấy, họ thực hiện
suốt đời họ mà không biết: đó là những con cưng của Thượng Đế, những người hiền,
những người giữ được tinh hồn nhiên của trẻ con. Những người khác đã được đời sống
cao đẹp ấy, trong sự thống khổ ghê gớm - có khi nào bạn thấy chăng, vài người
tàn tật khốn cùng có đôi mắt bình tĩnh sáng ngời tỏ ra họ hơn người? Nếu bạn
không muốn nghe tôi, nghe lời nói quê kệch của tôi, xin bạn hãy đến với họ, với
những người có tình yêu vô tư không vụ lợi, tình yêu đó đã thắng sự thống khổ của
họ và biến đổi hẳn đi.
Than ôi! Ngày nay tôi cũng vẫn còn ở xa sự toàn vẹn của người
đau khổ như thế mà tôi vẫn trọng vọng. Nhưng suốt mấy năm ấy ít khi tôi để mất
sự vững tâm tin tưởng rằng mình đang đi theo con đường chính đạo.
Tôi không thể nói được rằng mình có luôn luôn theo đúng
không; thực ra nhiều khi tôi dừng lại bên đường và tôi cũng không tránh khỏi
nhiều lúc đi sai đường đáng ái ngại. Trong người tôi hai khuynh hướng ích kỷ vẫn
chống lại tình yêu chân thực đó. Tôi nghiện rượu và cư xử vụng về. Tôi đã giảm
bớt khá nhiều số lượng rượu uống, nhưng chỉ được vài tuần, ma men quyến rũ, tôi
lại lao mình vào vòng tay ôm ấp của nó. Ít khi tôi lăn ra nằm ngủ bên lề đường
hay làm những việc ngông cuồng ban đêm, bởi vì rượu cũng kính nể tôi, nó chỉ
lôi kéo tôi đến mức nào yêu ma của nó thân thiện được với tôi. Dầu sao thì một
thời gian khá lâu, sau mỗi lần chè chén say sưa tôi vẫn thấy lương tâm cắn rứt.
Nhưng tôi cũng không thể tách rời rượu khỏi tình yêu bất vụ lợi của tôi bởi vì
tôi đã thừa hưởng của cha tôi khuynh hướng sâu đậm. Tôi đã kính cẩn và thận trọng
tu bổ cái gia tài ấy, tôi đã luyện cho thành một đặc điểm chính yếu của nhân
tính tôi; như vậy tôi phải giải quyết bằng cách thoả hiệp cả với tật xấu lẫn
lương tâm, một sự thoả hiệp nửa đứng đắn nửa khôi hài. Và tôi chấp nhận công thức
“rượu, người anh thân yêu của tôi” trong bản thánh ca của Saint François
d’Assise.
6.
Thói xấu thứ hai của tôi còn tệ hại hơn. Tôi không thấy gì là
vui thú trong sự giao du với người khác, tôi sống cô đơn và tôi luôn luôn sẵn
sàng nhạo báng và khinh bỉ hành vi của người đời.
Lúc khởi sự giai đoạn mới của cuộc đời tôi, tôi không nghĩ đến
điều đó chút nào. Tôi cho là một việc rất bình thường, tôi mặc kệ việc đời, chỉ
dành đời sống câm lặng của thiên nhiên sự yêu mến, sự cảm thông của tôi, thiên
tư của tâm hồn tôi. Mới đầu tôi cho thế là đầy đủ.
Đêm đêm, khi bước vào giường, bất thần tôi nghĩ đến một ngọn
đồi, một cửa rừng, đến một cái cây đứng cô độc một nơi mà tôi yêu mến hơn và đã
lâu chưa có dịp đến thăm. Có lẽ bây giờ cây đang đứng sững trong gió đêm, có lẽ
mơ màng yên giấc hay thở dài, rung động lá cành. Nom thân hình nó ra sao? Thế
là tôi ra khỏi nhà chạy đến bên cây, nhìn bóng dáng lờ mờ của nó hiện lên trong
đêm tối, ngắm nghía nó với sự ngạc nhiên trìu mến rồi mang theo về nhà hình ảnh
mờ mịt của nó.
Hẳn là bạn phì cười! Tình yêu đó có thể là sự lầm lẫn chứ quyết
không phải sự phí phạm. Nhưng từ đó làm thế nào tìm được con đường đưa đến tình
yêu loài người?
Khi đã cố gắng được bước đầu, chỗ còn lại tự nhiên sẽ đến. Giấc
mộng làm một bài thơ lớn càng thêm gần, càng có thể đạt được. Và nếu tình yêu vạn
vật một ngày kia cho phép tôi diễn tả bằng lời thơ tiếng nói của núi rừng sông
biển, ai sẽ là người thưởng thức? Không những thế giới vô tri thân thiết của
tôi, mà còn loài người, trước hết là loài người, vì tôi muốn là người dẫn lối
đưa đường cho họ bước vào tình yêu. Thế mà tôi đã có thái độ cay nghiệt, báng bổ,
thô lỗ đối với họ! Tôi ý thức được chỗ mâu thuẫn của tôi; tôi cần phải chống lại
tính dè dặt chua chát và ngăn cách, cần bày tỏ tình huynh đệ cả với loài người.
Không phải dễ gì, vì về phương diện này tôi đi vào con đường cô đơn của số mệnh,
tôi trở nên khắc nghiệt và tàn nhẫn. Cố gắng tỏ ra bớt ăn nói cay độc ở nhà hay
ở tửu quán, chào hỏi thân yêu người gặp ngoài phố quả thật là không đủ. Chính
vì thế mà tôi hiểu rằng tôi đã phá hoại mối thâm giao với mọi người từ gốc rễ,
bởi vì người ta chấp nhận sự ngọt ngào khả ái của tôi với thái độ lạnh lùng ngờ
vực, hay họ cho là nhạo báng họ. Điều tệ hại hơn nữa là đến một năm trời tôi
tránh không trở lại nhà người bạn quen biết hơn cả, tôi chợt hiểu rằng trước hết
phải đến đấy mà tìm lối bước vào đời sống xã hội, một đời sống xã hội đúng với
quan niệm của mọi người ở đấy.
Tôi thoát khỏi sự lúng túng một cách vẻ vang chính vì ý kiến
riêng của tôi về nhân tình thế đạo mà trước kia tôi vẫn ghét cay ghét độc. Mới
nghĩ đến căn nhà ấy tôi đã thấy biểu hiện trong trí hình ảnh Elisabeth, đúng
như lúc nàng đứng trước đám mây trên bức họa của Segantini, và bất thần tôi nhận
thấy rằng cũng vì nàng một phần lớn mà tôi có những nỗi niềm nhớ tiếc và ưu tư.
Và đây là lần thứ nhất tôi để tâm nghĩ đến việc đi hỏi vợ. Cho đến bây giờ tôi
hoàn toàn yên chí là mình không thích ứng được với hôn nhân, thậm chí tôi đành
thúc thủ một cách mỉa mai chua chát. Tôi là nhà thơ, người lang thang, nghiện
rượu, không thích ứng được với đời sống tập thể! Bây giờ tôi tưởng rằng số mệnh
muốn mở đường cho tôi vào xã hội loài người bằng cuộc hôn nhân tình ái. Tất cả
đều ra vẻ quyến rũ và chắc chắn! Elisabeth có thiện cảm với tôi? Điều ấy tôi đã
cảm thấy và trông thấy; nàng có bản chất nhạy cảm và cao đẹp. Tôi nhớ lại trong
khi nói chuyện với nàng về thung lũng San Clemente và sau này khi nàng đứng trước
bức họa của Segantini, mặt nàng đã bừng lên một vẻ đẹp chói lọi. Về phần tôi,
tôi đã thâu thập trong bao nhiêu năm một kho tàng phong phú kiến thức về nghệ
thuật và thiên nhiên, tôi sẽ dạy nàng cách quan sát vẻ đẹp tiềm ẩn ở khắp nơi;
tôi sẽ trau dồi cho nàng chân thiện mỹ để nét mặt nàng cũng như tâm hồn nàng
xoá bỏ được tất cả cái gì làm mờ ám, khai triển được những tiềm năng. Điều kỳ lạ
là tôi không nhận thấy có cái gì là hài hước trong cái sự cải hoán bất thần ấy.
Anh chàng cô độc và lập dị là tôi trong chớp mắt lột xác thành gã đa tình chất
phác, mơ màng đến hạnh phúc hôn nhân và trang trí nhà cửa.
Tôi bèn trở lại nhà người chủ nhân hiếu khách trước đây, người
ta tiếp đón tôi với lối trách móc thân hữu. Tôi qua lại đấy luôn, rồi một hôm gặp
lại Elisabeth. Trời ơi! Nàng đẹp quá! Coi nàng đúng như tôi tưởng tượng ra với
nét mặt người tình của tôi, xinh đẹp và vui sướng. Suốt trong một giờ đồng hồ
tôi hưởng lạc thú được ở bên người đẹp lộng lẫy. Nàng tiếp tôi nhã nhặn, có thể
nói là thân thiết, nàng có cách xử sự bình dị khả ái làm tôi chứa chan vui vẻ.
Bạn đọc còn nhớ buổi tối bơi thuyền trên mặt hồ buổi hội họp
dưới những chiếc đèn lòng đỏ của tôi, tôi sắp tỏ tình với cô bạn thì bóp chết
ái tình từ trong trứng nước? Đó là cuộc phiêu lưu ái tình buồn rầu lố lăng của
một đứa con nít si tình.
Nhưng bạn sẽ thấy chuyện tình của người đứng bóng Peter
Camenzind biết yêu, còn lố bịch và buồn rầu hơn!
Tình cờ mà tôi biết Elisabeth đã đính hôn được ít lâu nay.
Tôi mừng cho nàng, tôi được giới thiệu với chồng chưa cưới đến tìm nàng, và tôi
cũng mừng cho y. Suốt buổi tối tôi giữ nụ cười trên môi, nụ cười nhân từ và che
chở đè nặng xuống lòng tôi như một cái mặt nạ. Sau đấy tôi không chạy vào rừng,
vào quán cà phê, nhưng tôi ngồi bên giường, nhìn ngọn đèn tàn cho đến lúc tắt
ngấm đưa ra mùi khét lẹt, người sững sờ, ngơ ngác như bị sét đánh, cho đến lúc
trở lại tỉnh táo. Lại lần nữa đau khổ và thất vọng giương hai cánh tối sầm bao
vây người tôi, và tôi ngồi trơ trơ, tấm thân nhỏ bé, yếu ớt, tả tơi, tôi khóc nức
nở như một đứa trẻ.
Sau đấy tôi thu xếp đồ đạc, sáng sớm ra ga lên tàu trở về quê
nhà. Tôi cần phải leo lên đỉnh núi Sennalpstock một lần nữa, sống lại cuộc đời
niên thiếu và về thăm cha tôi.
Cha con giờ đã xa lạ với nhau.
Cha tôi tóc hoa râm, lưng hơi còng, thần sắc hơi kém. Ông đối
với tôi ngọt ngào và e lệ, không hỏi han gì, thấy tôi về ông ngạc nhiên và
không kém phần lúng túng. Ông còn giữ được cái nhà nhưng đã bán hết ruộng nương
và súc vật; ông sống về số tiền lời nhỏ và làm mướn những công việc vặt.
Khi chỉ còn mình tôi ở nhà, tôi lại chỗ kê giường mẹ tôi ngày
trước, quá khứ hiện ra trước mắt tôi như một dòng sông rộng và phẳng lặng. Tôi
không còn là một gã thanh niên và tôi nghĩ đến tháng năm trôi vùn vụt, chẳng mấy
lúc sẽ đến lượt tôi trở thành một ông già lưng còng tóc hoa râm nằm đợi chết
trong đau khổ. Trong căn nhà cũ nát và tồi tàn, tôi đã sống những ngày tấm bé,
học chữ Latin và ở bên mẹ tôi lúc qua đời, những ý nghĩ ấy hợp tình hợp cảnh và
vỗ về an ủi tôi. Tôi nhớ lại những năm son trẻ sống phong phú ấy với lòng tri
ơn, mấy câu thơ của Laurent de Medicis học được ở Florence trở lại trí nhớ:
Quant’è bella giovinezza
Ma si fugge tuttavia
Chi vuoi esser lieto, sia:
Di doman non c’è certezza.
Đồng thời tôi cũng ngạc nhiên rằng đã đem lại phòng này những
kỷ niệm nước Ý, những hồi tưởng bắt nguồn từ lịch sử, từ thế giới mênh mông của
tinh thần.
Tôi biếu cha tôi một ít tiền. Đến tối chúng tôi cùng ra tửu
quán, tất cả vẫn còn như xưa, chỉ khác có bây giờ tôi trả tiền rượu, còn cha
tôi lúc nói đến rượu óng ánh như sao và rượu sâm-panh, ông lấy tôi ra để làm chứng;
vả lại bây giờ tôi chịu đựng được hơn cha tôi. Tôi hỏi thăm lão già loắt choắt
đầu hói ngày trước tôi đã hắt cốc rượu vào mặt. Hắn là một tay nghịch ngợm và một
con cáo già, nhưng hắn đã chết lâu rồi và những trò tinh nghịch của hắn bắt đầu
bị lãng quên. Tôi uống rượu Vaud, tôi theo dõi câu chuyện, tôi kể vài chuyện vặt,
đến lúc trăng lên, tôi ra về với cha tôi, cha tôi say chuếnh choáng vẫn tiếp tục
nói và hoa tay múa chân, tôi có cảm tưởng kỳ lạ và mới mẻ đối với tôi là đã có
cái gì làm cho tôi ham thích. Những khuôn mặt ngày xưa: cậu Conrad, Rose
Girtanner, mẹ tôi, Richard và Agiletti luôn luôn trở lại trong trí nhớ, tôi
nhìn những khuôn mặt ấy như xem một tập ảnh đẹp đẽ tinh tươm nhưng ngoài thực tế
sự vật không có gì tốt đẹp như vậy. Tất cả ồn ào diễn qua mắt tôi, tan biến đi,
tôi gần như quên bẵng, nhưng chúng vẫn ở đấy, sáng sủa, rõ ràng, ghi vào người
tôi, vào trí nhớ tôi, mặc dầu ý chí tôi không dự phần nào.
Chỉ đến khi về tới nhà, cha tôi không nói nữa và đã ngủ yên,
bấy giờ tôi mới nghĩ đến Elisabeth. Ngày hôm qua nàng đã chào tôi, tôi khen ngợi
nàng, tôi khen ngợi vị hôn phu của nàng. Tôi có cảm tưởng như biết bao thời
gian đã trôi qua. Tuy nhiên sự đau đớn cũng bùng lên, kết hợp với những đợt
sóng kỷ niệm đang ồ ạt tràn tới, xong vào công kích trái tim tôi trơ trọi không
có gì tự vệ, như gió bão thổi vào một ngôi nhà lung lay và đổ nát trên triền
núi cao. Không thể ở nhà được, tôi leo qua cửa sổ lẻn ra ngoài, đi qua vườn xuống
hồ, tôi tháo dây cột chiếc thuyền cũ nát rồi nhẹ tay chèo bơi thuyền trong đêm
sáng mờ.
Đời tôi có nghĩ gì không, tại sao bao nỗi vui buồn đổ lên đầu
tôi như vậy? Tại sao tôi khát khao vẻ đẹp và sự thật, và ngày nay tôi vẫn khao
khát chưa nguôi? Tại sao tôi đã yêu những người đàn bà mỹ miều kia trong thách
đố và nước mắt, để ngày nay lại phải xấu hổ và khóc than mối tình tuyệt vọng? Tại
sao Ông Trời khó hiểu kia lại đặt vào trái tim tôi hoài bão ái tình mãnh liệt
như thế, vì Ông đã dành cho số hệ tôi một đời sống cô đơn thiếu hẳn những phút
vỗ về, âu yếm?
Tôi có cảm tưởng rằng tốt hơn hết là để cho thuyền chìm lỉm
xuống đáy hồ, đừng ai để ý đến tôi nữa. Nhưng khi thấy thuyền vừa thấm nước tôi
vội chèo thật nhanh. Bất thần tôi thấm lạnh, vội vàng trở về nhà lên giường ngủ.
Tôi nằm thao thức và mệt mỏi, nghĩ đến số kiếp mình và cố sức tìm hiểu xem mình
thiếu thốn cái gì, cần phải có cái gì để sống một cuộc đời sung sướng và chân
thực hơn, để tới gần trung tâm của bản thể.
Tôi biết rằng trung tâm của nhân đức và hạnh phúc là tình yêu
và tuy vết thương lòng còn rướm máu, tôi cũng phải bắt đầu thực tình yêu mến
loài người. Nhưng yêu làm sao? Và yêu ai?
Thế là tôi nghĩ đến cha già, và lần thứ nhất tôi nhận thấy
tôi không yêu cha cho phải đạo. Lúc còn thơ ấu tôi đã làm cho đời ông cực nhọc,
rồi thì tôi đi xa, để cha tôi một mình mặc dầu mẹ tôi đã mất, tôi lại hay bực
mình vì cha và sau này tôi đã quên hẳn cha. Tôi buộc lòng phải tưởng tượng ra
ông nằm chết trên giường, bỏ mình tôi trơ trọi mồ côi đứng cạnh thây cha, người
cha đối với tôi vẫn xa lại, chưa bao giờ tôi thử chinh phục tình yêu của cha.
Tôi bèn thử làm công việc khó khăn nhưng êm ái. Tôi trìu mến
không phải một người tình xinh đẹp, nhưng một ông già nghiện rượu đã suy nhược;
tôi không nói xẵng với cha nữa, tôi săn sóc cha được đến đâu hay đến đấy, tôi đọc
cho ông nghe những truyện trong cuốn lịch và nói đến rượu nho bên Pháp và bên
Ý. Tôi không thể đỡ cha hết các việc vặt, không có ông thì cái gì cũng hỏng
bét. Tôi cũng không thể khuyên cha bỏ thói quen đi tiệm mà uống rượu tối với
con ở nhà. Chúng tôi thử làm một vài bận. Tôi đi mua rượu nho và xì gà rồi tôi
kiếm hết cách để làm cho ông già giải khuây. Đến ngày thứ tư hay thứ năm ông
không buồn nói nữa rồi sau cùng ông trở nên khó tính, khi tôi hỏi ông có gì buồn
bực thì ông gắt:
- Tôi biết rằng anh không muốn để cho cha già anh đến tiệm nữa.
- Đâu có chuyện ấy, cha vẫn là bố còn con là đứa trẻ như trước, cha muốn như thế
nào thì vẫn tự cha quyết định.
Ông nháy mắt nhìn tôi ra vẻ không tin; sau đấy ông vui vẻ với
lấy cái mũ lưỡi trai và chúng tôi cùng đi đến tiệm cà phê.
Tuy ông không nói ra, nhưng tôi hiểu rằng tôi ở đây lâu nữa
chỉ làm cho cha tôi khó chịu. Vả chăng tôi thấy cần phải đi xa, đi ra ngoại quốc
để đợi cho dịu bớt cuộc xung đột day dứt nội tâm tôi. Tôi hỏi ông:
- Nếu có ngày con đi chuyến nữa thì cha nghĩ sao?
Ông gãi đầu, so hai vai gầy yếu, mỉm cười ranh mãnh để kéo
dài thời gian.
- Ồ, thì tùy ở anh!
Trước khi đi tôi đến thăm mấy người xóm giềng và mấy thầy
trong tu viện nhờ họ trông nom cha tôi dùm. Tôi cũng nhân một ngày đẹp trời leo
lên ngọn Sennalpstock. Từ trên đỉnh cao hình vòng cung tôi nhìn xuống núi và
thung lũng xanh tươi, nước hồ long lanh và sương mù phủ thành thị xa xa. Lúc
còn bé, cảnh tượng ấy đã gợi lên những ước vọng hăng hái; tôi đã chinh phục
hoàn cầu rộng lớn và tươi đẹp, thế mà bây giờ hoàn cầu lại mở rộng trước mặt
tôi, vẫn đẹp đẽ và xa lạ như bao giờ, tôi cảm thấy mình sẵn sàng để lên đường lần
nữa đi tìm xứ sở của hạnh phúc.
Đã từ lâu tôi định lưu lại một thời gian ở Assise để có thêm
tài liệu khảo cứu. Tôi bắt đầu trở về Bâle để sửa soạn hành trang, thu xếp đồ đạc
gửi trước đi Perouse. Còn tôi đi xe lửa đến Florence, rồi từ đó đi bộ về phương
nam, tôi đi thủng thỉnh không làm gì mà phải vội vàng. Làm thân với người bình
dân ở xứ này là một nghệ thuật ai cũng có thể làm được. Đời sống của người
phương nam bao giờ cũng hồn nhiên chất phác, bình dị, tự do, từ tỉnh này sang tỉnh
khác người ta có thể kết bạn với những người chân thật. Lần này tôi cũng như cá
gặp nước và tôi quyết định sau này đến Bâle sẽ tìm mối thân giao với đồng bào,
không phải trong giới thượng lưu mà trong xã hội bình dân giản dị.
Đến Perouse và Assise tôi say mê công việc khảo cứu lịch sử
và bắt đầu làm việc sốt sắng. Đời sống vật chất ở đây cũng thích thú, chẳng bao
lâu tôi lấy lại được quân bình và bắc những đầu cầu mới vào đời: những nhịp cầu
tạm bợ rất mong manh. Sau vài câu chuyện về vị thánh đồ, bà chủ nhà của tôi ở
Assise, một bà buôn trái cây ngoan đạo và hay chuyện, rất yêu mến tôi. Bà là một
người có tiếng tin đạo Gia Tô, một hân hạnh quá đáng cho bà, còn đối với tôi
thì nhờ tôi tin đạo mà tôi kết thân dễ dàng với mọi người, tôi không bị nghi ngờ
là kẻ ngoại giáo như những người ngoại quốc khác. Bà là một goá phụ đã 34 tuổi
tên là Annunciata Nardini; người to lớn dềnh dang như hộ pháp và ngôn ngữ cử chỉ
rất nhã nhặn. Ngày chủ nhật bà mặc áo dài hoa màu sặc sỡ tươi tắn, có thể cho
bà là hiện thân của ngày lễ, vì khuyên tai sáng ngời, mề đay và dây chuyền đeo
lủng lẳng trước ngực đụng nhau lách cách. Bà cũng mang theo một quyển kinh lớn
bọc bạc mà bà không biết đọc, một chuỗi tràng hạt hột đen hột trắng, dây bạc,
mà ngón tay bà đưa qua đưa lại rất khéo. Giữa hai tuần dâng lễ, bà ngồi trên ghế
kể tội những người bạn vắng mặt với mấy người ngồi cạnh, họ ra vẻ thán phục vô
cùng, trên khuôn mặt bà phản ảnh một cách cảm động linh hồn một người đã thuận
thụ phước lành của Thượng Đế.
Ở xứ này người ta không đọc được tên tôi, người ta chỉ gọi
tôi là ông Pietro. Những buổi chiều vàng, chúng tôi ngồi xúm lại trong căn nhà
nhỏ; người lớn, con nít, mèo chó; hoặc ngồi ngoài cửa hàng, giữa những đống
trái cây, những rổ rau cỏ, những hộp hạt giống, những túm xúc xích treo trên trần,
chúng tôi kể lại chuyện mình, bàn bạc về mùa màng, hút thuốc hay ăn miếng dưa.
Tôi nói đến Sant François, truyện Portioncula, nàh thờ của nữ thành Claire và
những sư huynh tu hành thứ nhất. Người người nghiêm chỉnh nghe tôi, hỏi nhiều
câu vặt vãnh, khen ngợi ông thánh, rồi người ta bắt vào chuyện mới xảy ra gần
đây, chuyện cướp bóc và âm mưu chính trị được mọi người ưa thích hơn cả. Mèo,
chó và con nít đùa giỡn và đánh nhau ngay bên cạnh chúng tôi. Vì sở thích riêng
và cũng để được tiếng với bà con, tôi kiếm những truyện ý nghĩa và đáng tin
trong các sách truyền kỳ, thật may mắn cho tôi, trong số những sách mang theo
có những cuốn như “Đời sống các Thánh Tổ Phụ và các vị Thánh Đồ khác” của
Arnoid, tôi bèn dịch những truyện chất phác ngay thật ra tiếng Ý bình dân, sửa
đổi đôi chút cho thêm vui. Nhiều người qua đường dừng lại chốc lát, bàn góp vài
câu, nhiều khi trong một tối, số người hội họp thay đổi đến ba bốn lượt; chỉ có
bà Nardini và tôi ngồi từ đầu dần đến cuối dậu không vắng mặt buổi nào. Tôi để
kèm mâm rượu ngay bên canh và uống thùng bất chỉ thình, làm mấy người bình dân
ăn uống tần tiện phải lắc đầu le lưỡi. Dần dần, những cô gái láng giềng nhút
nhát sinh ra bạo dạn, bước tới ngưỡng cửa để góp chuyện, họ nhận mấy bức ảnh tặng
và bắt đầu cho tôi là người thanh khiết vì tôi không pha trò ranh mãnh mà cũng
không tìm cách suồng sã với họ. Trong số thôn nữ ấy có vài vẻ đẹp mơ màng, hai
mắt mở to như người trong tranh của Perugin. Người nào tôi cũng thích, tôi thưởng
thức vẻ phúc hậu tinh ranh của họ, nhưng không say mê một cô nào: những cô có
nhan sắc, cô nào cũng giống cô nào, thậm chí vẻ đẹp ấy đối với tôi là một ưu điểm
của giống nòi chứ không phải là cái hơn người riêng biệt. Thường có một chàng
trai con người làm bánh hay đến họp với chúng tôi, gã là một đứa ranh vặt rất
lanh lợi tên Matteo Spinelli. Hắn biết bắt chước tiếng kêu của đủ loài vật, biết
hết chuyện rầy rà của mọi người, có những mưu chước quỷ quyệt lạ lùng. Khi tôi
kể chuyện thần kỳ của các thánh, hắn nghe nói điệu bộ tôn kính, và khiêm tốn
không ai bằng, rồi sau hắn báng nhạo các thánh đồ bằng đủ mọi câu hỏi, ví von
và ức đoán ranh mãnh, hắn giả vờ làm như người thật thà khiến cho bà chủ vựa
trái cây phải bất bình nhưng phần nhiều người nghe rất khoái tỷ.
Thường khi tôi ngồi cạnh bà Nardini nghe bà nói những chuyện
đáng tin về các thánh và tôi thấy một sự khoan khoái trần tục khi bà để lộ rất
nhiều thói xấu nhỏ nhặt thường tình của bà. Không có một lỗi lầm, một nết xấu
nào của người khác qua được con mắt của bà; bà đã định sẵn chỗ dưới địa ngục
cho họ sau khi cân nhắc kỹ lưỡng. Còn tôi thì bà dành cho một chỗ trong trái
tim bà, bà kể hết cho nghe những kinh nghiệm, những khám phá nhỏ nhặt nhất của
bà không quên một chi tiết nhỏ. Tôi mua mỗi thứ lặt vặt về bà hỏi tôi giá bao
nhiêu, để chỉ cho biết đừng để ai ăn không của mình. Tôi kể cho bà nghe chuyện
các thánh, đáp lại, bà cho tôi biết bí quyết nghề buôn rau, buôn trái cây và nấu
bếp. Một buổi tối chúng tôi ngồi trong căn nhà xiêu xẹo, tôi hát một điệu Thụy
Sĩ và một điệu Tyrol làm con nít và con gái thích quá. Họ xoắn người lại cười,
bắt chước mấy tiếng ngoại quốc và chỉ cho tôi biết cái hầu tôi cứ lên lên xuống
xuống rất buồn cười trong khi hát điệu Tyrol. Bấy giờ có người nói đến chuyện
tình. Con gái che mặt cười, bà Nardini trợn mắt và thở vắn than dài, sau cùng họ
bắt tôi phải kể chuyện tình của tôi. Tôi không nói gì đến Elisabeth, nhưng tôi
tả chuyện chơi thuyền với Aglietti và cuộc tình duyên nửa đời nửa đoạn của tôi.
Tôi thấy mình ngốc nghếch khi phơi ra trước mắt những người hiếu kỳ này một
chuyện riêng chưa từng nói với ai, trừ Richard, mà lại nói ở một hẻm lát đá tảng
như những hẻm ở phương nam, gần những ngọn đồi còn vương nắng chiều tà đỏ ối.
Tôi nói nhiều mà không nghĩ, như người đi kể chuyện rong, nhưng tôi để hết lòng
vào câu chuyện, thực ra tôi e ngại người nghe cười cợt chế giễu.
Nhưng kể xong, mọi con mắt đổ dồn vào tôi, bùi ngùi và thương
cảm.
Một người con gái nói: “Trời! Một người đẹp trai thế kia mà
phải thất tình!”
Bà Nardini khẽ đặt bàn tay mềm mại và tròn trĩnh lên đầu tôi
mà rằng: “Poverino!”
Một cô gái khác tặng tôi một trái lê lớn, khi tôi bảo nàng cắn
thử một miếng trước, nàng cắn lê và trầm ngâm nhìn tôi. Khi tôi muốn đưa cho
người khác cắn ăn, nàng không chịu được: “Không, cậu ăn đi cơ. Tôi cho cậu vì cậu
đã kể chuyện buồn của cậu.”
Một người làm vườn nho tóc nâu bảo tôi:
- Bây giờ thì chắc là cậu sẽ yêu một người khác.
- Không.
- Trời! Cậu vẫn yêu cô Erminia độc ác ấy à!
- Bây giờ tôi yêu thánh François, thánh dạy tôi yêu cả mọi người, anh và tất cả mọi
người ở Perouse, tất cả con trẻ ở đây và cả người nhân tình của Erminia.
Đã có cái gì rắc rối nguy hiểm trong cuộc sống chất phác
thanh tịnh khi tôi nhận thấy bà Nardini hiền hậu này nhiệt thành cầu chúc cho
tôi đến ở cùng tỉnh với Erminia. Câu chuyện nhỏ ấy làm tôi hoá ra khéo léo khôn
ngoan, thật khó mà đánh tan mơ mộng như thế của người đàn bà mà không làm mất
tình bạn trong sạch. Vả chăng tôi cũng phải nghĩ đến chuyện về chứ. Nếu không
mơ màng đến tập thơ tương lai và nếu túi tiền không cạn thì có lẽ tôi ở lại đây
thật. Có lẽ - vì tình trạng túi tiền - tôi sẽ lấy Nardini. Nhưng không, điều
ngăn cản tôi chính là vết thương tình chưa khỏi và ý muốn thấy mặt Elisabeth.
Trái với ý nghĩ của tôi, người đàn bà góa đẫy đà ấy tỏ ra chịu đựng điều không
tránh được một cách nhẫn nại và cũng không thất vọng mà làm khó dễ cho tôi. Có
lẽ phút từ biệt ra đi làm tôi bùi ngùi hơn bà. Đi khỏi xứ ấy, tôi đã mất mát
nhiều hơn những gì tôi để lại, chưa bao giờ nhiều người thân mến đến tiễn chân
và bắt tay tôi như vậy. Họ xếp vào toa tàu nào hoa quả, rượu mùi, bánh mì và
xúc xích, và tôi có cảm tưởng hy hữu là phải chia ly với những người không đến
nỗi dửng dưng với tôi. Bà Annurziatu Nardini, lúc giã biệt tôi, hôn lên hai má,
hai mắt rưng rưng lệ.
Ngày xưa tôi cho rằng được yêu mà mình không yêu có thể là một
sự thích thú riêng. Bây giờ kinh nghiệm cho biết rằng một mối tình hiến dâng mà
người ta không yêu lại mình quả là một cực hình. Tuy nhiên tôi cũng hơi tự kiêu
vì một người đàn bà ngoại quốc yêu tôi và muốn lấy tôi làm chồng.
Chỉ một chút kiêu hãnh cỏn con như thế cũng làm tôi khỏi bệnh
được một nửa. Tôi phàn nàn cho bà Nardini, nhưng tôi không cầu chúc cho chuyện
thương cảm của bà không xảy ra. Dần dần tôi cũng hiểu rằng hạnh phúc của ta
không tùy thuộc sự thực hiện những ước vọng ấm no, đau khổ vì tình của tuổi trẻ
dù mạnh mẽ đến mức nào cũng không có gì là bi thảm cả. Không lấy được Elisabeth
thì tôi đau đớn thật, nhưng cuộc đời tôi, tự do của tôi, công việc của tôi,
thái độ tinh thần của tôi không chịu ảnh hưởng gì, tôi vẫn có thể yêu nàng ở xa
hay ở gần như trước nếu tôi muốn. Những ý nghĩ ấy và mấy tháng sống an nhiên
thư thái ở Ombrie đã ảnh hưởng trong lành đến tâm trạng tôi. Trước đây tôi chỉ
để ý đến những ngông cuồng lố lăng của người đời, tôi chỉ nghĩ đến sự châm chọc
mỉa mai cho nên không hưởng được sự thích thú. Bây giờ, dần dần tôi khám phá ra
tính cách khôi hài của cuộc đời, hầu như mỗi ngày tôi càng thấy có thể giải hòa
dễ dàng với sao chiếu mệnh của tôi và thưởng thức vật ngon của ta trong bữa tiệc
đời.
Hẳn là khi sang nước Ý trở về người ta vẫn có ý nghĩ như thế.
Ở đây người ta mỉm cười rộng lượng mà bất chấp cả giáo điều lẫn thành kiến, người
ta nhét hai tay vào túi quần, và đứng trước cuộc đời người ta làm ra vẻ một nghệ
sĩ thành thạo. Người ta đã bơi lội chốc lát trong bầu không khí nóng ấm đời sống
bình dân miền nam và người ta tưởng tượng ra rằng cuộc sống ở đấy cứ tiếp diễn
như thế. Tôi cũng vậy, mỗi lần sang Ý về tôi cũng nghĩ thế, lần này còn hơn những
lần khác. Khi trở về Bâle, sống lại cuộc đời ngày trước, gò bó, bất di bất dịch,
không làm thế nào cho mình trẻ lại được, từ chỗ thư thái an nhiên tôi lăn xuống
dốc, dần dần từng nấc một, thôi đành nuốt tủi hờn, chẳng buồn làm điệu bộ ta
đây đã biết thừa. Nhưng cái gì thu thập được ở ngoài kia vẫn để lại chút mầm và
mầm vẫn tiếp tục đâm chồi nảy lộc; từ đó con thuyền của tôi dù đi trên nước
trong hay nước đục cõi đời, cũng vẫn giương lá cờ nhỏ màu táo bạo và tự tin.
Trong những lĩnh vực khác, ý kiến của tôi cũng từ từ thay đổi.
Tôi không tiếc nuối đã hết thời kì son trẻ và bước vào tuổi trung niên, tuổi mà
con người học cách coi cuộc đời mình như một đoạn đường ngắn ngủn, bản thân
mình như một gã lang thang, ta đi lại và ta chết đi chẳng làm cho người đời xúc
động hay bận tâm. Người ta theo đuổi một mục đích, một giấc mộng thân yêu hơn cả,
nhưng người ta chẳng cho mình là cần thiết cho đời; dọc đường người ta dành
riêng cho mình những phút nhàn rỗi để có thể nằm dài trên cỏ, chúm miệng thổi
sáo, thảnh thơi hưởng những thích thú trong khoảng khắc trôi đi biền biệt mà
không đến nỗi phải hối tiếc, phải trốn tránh trách nhiệm hàng ngày. Cho đến bây
giờ tuy chưa bao giờ nghĩ đến Zarathoustra, nhưng xét cho cùng tôi cũng biết tự
cho mình là đàn anh thiên hạ. Tự tôn thờ mình, khinh bỉ người bình dân, thật quả
tôi vẫn làm như vậy. Dần dần tôi mỗi ngày mỗi hiểu thêm rằng không làm gì có giới
hạn nhất định giữa các giai cấp, đời sống những người hèn kém, bị ức hiếp hay
nghèo khổ không những cũng đa tạp đa diện chẳng kém, mà còn đằm thắm, chân chất
hơn, gương mẫu hơn đời sống những người phong lưu giàu có.
Tôi đến Bâle vừa kịp để dự buổi tiếp tân đầu tiên tại nhà
Elisabeth - nàng đã thành hôn. Bà chủ nhà xinh đẹp cho tôi cái hân hạnh được bà
tiếp đãi ý nhị như người thân trong nhà và suốt buổi tối tôi mừng rằng số mình
còn may, mình tránh được sự trơ trẽn hỏi vợ chậm trễ quá. Mặc dầu có kinh nghiệm
bên Ý, tôi vẫn giữ ý không tin hẳn đàn bà: họ có thứ vui sướng độc ác khi được
thấy người say mê họ tuyệt vọng và đau khổ. Một câu chuyện cỏn con lúc còn đi học
tôi nghe được từ cửa miệng đứa bé lên năm có thể dùng để thể hiện một các cụ thể
tình trạng nhục nhã và khó xử của một người đàn ông như vậy.
Ở trường học của thằng bé ấy có một thói quen kỳ dị và có
tính cách biểu tượng: Khi một cậu nào có hành vi ngốc nghếch quá, chúng bạn tụt
quần cậu, để sáu đứa con gái giữ chặt cậu trên ghế không cho chạy thoát. Quyền ấy
được coi là một vinh dự lớn, bao giờ cũng dành cho những đứa con gái ngoan
ngoãn, những đứa lúc ấy được coi là đức hạnh ghê gớm, chỉ có những đứa ấy được
hưởng sự thích thú tàn ác đó. Câu chuyện trẻ con vui vui này làm cho tôi phải
suy nghĩ, đã một hai lần nó len lỏi giấc chiêm bao, ít ra cũng vì kinh nghiệm
trong giấc mơ mà tôi biết được trong lúc bị xử tội như thế người ta khổ sở đến
thế nào.
7.
Tôi cũng không để ý hơn trước đến hoạt động văn nghệ của tôi.
Tôi có thể sống bằng tiền nhuận bút, để dành đôi chút và đôi khi gửi về cho
cha. Ông vui vẻ mang ra quăng vào tửu quán, khen ngợi tâng bốc tôi bằng đủ mọi
giọng, ông còn có ý kiến giúp đỡ công việc làm ăn của tôi theo kế sách của ông.
Chả một hôm tôi bảo cha tôi rằng tôi kiếm ăn bằng cách viết những bài đăng báo.
Ông cho tôi là một ký giả hay một thông tín viên như những người làm cho tờ báo
tỉnh nhà, ông bèn viết thư cho tôi kể cho biết những việc xảy ra ở nhà mà ông
cho là quan trọng. Hẳn là ông nghĩ tin tức ấy sẽ sẽ để viết bài báo kiếm tiền.
Một lần là cháy vựa lúa, lần khác, tai nạn xảy ra cho hai du khách trên núi, lần
thứ ba là kết quả cuộc bầu cử ông tiên chỉ trong làng. Những tài liệu đó đã được
viết với thể văn thô lỗ của nhật trình, nhưng tôi thấy thú vị thật sự vì chúng
biểu lộ tình thân mật cha con, và đây cũng là những bức thư đầu tiên từ bao
nhiêu năm nay tôi mới nhận được của quê hương. Chúng còn làm tôi vui thích vì
chúng như mỉa mai hoạt động văn nghệ của tôi; tháng này sang tháng khác, tôi giới
thiệu bao nhiêu sách mà khi đăng lên chẳng có gì mà quan trọng và ảnh hưởng hơn
những chuyện nhỏ mọn ở thôn quê.
Giữa lúc ấy mới xuất bản hai cuốn sách mà tôi quen biết tác
giả ở Zurich: Hai thanh niên có một thứ văn trữ tình rất quái dị. Một người sống
ở Bá Linh và tìm được đủ chuyện dơ dáy bỉ ổi trong các tiệm cà phê, các ổ điếm ở
thủ đô. Người thứ hai xảy ra ở vùng Munich một thứ nhà tu lộng lẫy sang trọng,
tuy ông ta không tin tưởng nhưng ông ta điên cuồng và tuyệt vọng mà tìm hướng
trong sự nội quan đượm màu sắc loạn thần kinh hay trong phép chiêu hồn. Tôi phụ
trách việc phê bình hai cuốn sách và dĩ nhiên tôi chế nhạo cả hai nhưng không
có ác ý. Người loạn thần kinh chỉ gửi cho tôi một bức thư rất lịch sự. Nhưng
người ở Bá Linh làm om sòm trên một tập san, ông tuyên bố rằng tôi không biết đến
chủ tâm thanh khiết nhất của ông, ông lấy Emile Zola ra để tự biện hộ, ông
không bằng lòng ám chỉ tôi và sự chỉ trích nông cạn của tôi, ông còn nói đến óc
cô lậu cuả người Thụy Sĩ chỉ biết tự cao tự đại. Trong đời văn nghệ của ông ta,
chỉ có thời kỳ sống ở Zurich là có lẽ ông còn một chút lành mạnh, một chút tự
trọng.
Chưa bao giờ tôi là người ái quốc đến cao độ nhưng quả là lòng
ham danh vọng ở Bá Linh đã đi quá mức, và tôi trả lời người ương ngạnh bằng một
bức thư dài, không quên tỏ sự khinh miệt chủ nghĩa duy tâm hợm hĩnh ở các đô thị
lớn.
Cuộc tranh luận rất hữu ích cho tôi, tôi bắt buộc phải suy
nghĩ lại quan điểm của tôi về văn minh hiện kim. Sự cố gắng thật là lâu công và
khó khăn mà không đạt được những kết quả như ý muốn. Cuốn sách của tôi không ai
nói đến kể ra cũng chẳng mất mát gì cả.
Nhưng đồng thời những sự kiện trên đây bắt buộc tôi phải suy
nghĩ sâu xa về chính bản thân tôi và tác phẩm chính quyết định viết từ lâu.
Hẳn bạn đọc đã biết, tôi có ý muốn đặt con người trước cuộc sống
mênh mông và sâu xa của thiên nhiên vô tri vô hồn và làm cho con người yêu mến
thiên nhiên. Tôi muốn họ nghe tiếng đập của trái tim trái đất, tham dự vào cuộc
sống vạn vật, sống theo số mệnh mênh mông của họ chớ nên quên rằng, không phải
trời chỉ sinh ra chúng ta mà thôi, chúng ta không phải là những ông trời con mà
chúng ta là một phần của toàn thể vũ trụ. Tôi muốn nhắc lại cho họ nhớ rằng
cũng như tiếng nói của thi nhân, như giấc mơ trong đêm dài, sông biển, mây, bão
đều có ước vọng của chúng giữa khoảng trời đất này và mục đích của chúng là sự
tin tưởng tuyệt đối rằng chúng có quyền sống, chúng tin tưởng tuyệt đối vào sự
bất diệt của tất cả cái gì hiện hữu. Vạn vật tự thâm tâm nó chắc chắn là có quyền
ấy, tự biết mình là con của Thượng đế và không hề khắc khoải mà nương mình vào
lòng vĩnh cửu. Nhưng tất cả cái gì là xấu xa, độc hại và thối tha trong người
chúng ta sẽ nổi dậy để phản đối quyền sống của vạn vật và tin tưởng vào sự chết.
Tôi cũng muốn dạy cho người đời tìm trong tình huynh đệ với
thiên nhiên nguồn suối trong của hạnh phúc và sinh lực cuồn cuộn như thác đổ của
đời sống: tôi muốn truyền bá nghệ thuật chiêm ngưỡng, du hành, an hưởng thú vui
hàng ngày. Tôi muốn đem lại cho núi non, biển cả, hải đảo xanh tươi, một tiếng
nói mạnh mẽ và quyến rũ để bắt buộc người đời nhìn thấy đời sống bao la và muôn
vẻ muôn hình, hàng ngày nảy nở và tràn ngập ngoài thành thị của chúng ta. Tôi
muốn người đời phải xấu hổ khi thấy mình biết nhiều về chiến tranh, thời trang,
chuyên ngồi lê đôi mách, văn chương nghệ thuật, hơn là biết gì về con sông chảy
dưới gầm cầu, khu rừng và đồng cỏ tươi đẹp mà đường xe lửa của chúng ta vẫn đi
qua. Tôi muốn kể cho các bạn nghe rằng một người cô độc là tôi đã khám phá ra
biết bao niềm vui liên tiếp trong cõi đời này, tôi không thể nhẹ dạ mà đón nhận
cuộc đời, và tôi ước ao rằng các bạn sẽ khám phá ra những nguồn vui thấm thía
hơn nữa vì có lẽ các bạn sung sướng và vui vẻ hơn tôi.
Và trước hết tôi muốn đặt lên trái tim các bạn bí quyết đẹp đẽ
của tình yêu. Tôi muốn tỏ cho các bạn biết mình phải là anh em chân tình với tất
cả cái gì sinh sống, các bạn sẽ thấy mình được hưởng đầy đủ tình yêu cho nên
không sợ khổ đau, không sợ chết, trái lại các bạn sợ chết một cách nghiêm
trang, và thân hữu như người anh em nghiêm khắc khi cái chết đến với chúng
ta.
Không phải tôi hy vọng nói được những điều ấy bằng thi ca, bằng
một bài thánh ca của những thánh ca, nhưng tôi chỉ muốn nói một cách giản dị
chân thực và khách quan; nói một giọng vừa nghiêm trang vừa vui cười như người
đi xa về kể lại với bạn bè chuyện xứ lạ ông ta mới đi qua.
Tôi muốn - tôi quyết đinh - tôi mong mỏi -, nói như vậy hẳn
là lời nói có tác dụng khôi hài. Ngày mà ý muốn ấy có một hình thức, một kế hoạch
tôi còn phải đợi. Nhưng ít ra tôi đã thu nhập được nhiều tài liệu. Không những
tôi ghi vào trong trí, tôi còn ghi vào những cuốn sổ tay để trong túi, mỗi tuần
tôi ghi thêm càng nhiều và đi đâu tôi cũng mang theo. Tôi đã ghi chú tất cả cái
gì có thể thấy trên đời, ghi vắn tắt và giản dị, không có gì cả mà cũng không
bàn bạc gì cả. Đó là một cuốn sổ tay cũng như những mảnh giấy phác họa của họa
sĩ, ghi chép một vài chữ chỉ những sự vật khả tri khả giác: hình ảnh phố phường,
đường xá, hình thù núi non và thị xã, câu đối đáp nghe thấy của người nông dan,
người thợ thuyền, người buôn bán chợ búa; còn những nhận xét về thời gian, đèn
đóm, gió mưa, cây cỏ, thú vật, nham thạch, sự cấu tạo nên những đợt sóng, mầu sắc
mặt biển, hình dáng đám mây. Tôi đã đem ra viết cho in những truyện ngăn ngắn,
những cảm tưởng về thiên nhiên, về sự du ngoạn, nhưng không bao giờ nói đến
tương quan với người. Truyện một cái cây, đời sống một con vật, hành trình của
một đám mây đủ cho tôi lưu ý rồi, dù không dính dáng gì đến người.
Tôi vẫn thường tự nhủ rằng một bài thơ có chút quan trọng nào
mà tuyệt đối không có bóng dáng con người sẽ là một cái gì quái dị, tuy nhiên,
đó là một lý tưởng mà tôi vẫn ôm ấp trong nhiều năm, và tôi hy vọng lờ mờ lã sẽ
có ngày thần hứng giúp tôi chiến thắng sự bế tắc ấy. Tôi nhận thấy cần phải nói
đến con người trong những phong cảnh đẹp đẽ của tôi, con người phải được diễn tả
với cái gì là tự nhiên chân thực của con người. Như vậy, cần phải quan niệm lại
nhiều vấn đề, và ngày nay tôi vẫn còn cố gắng thực hiện ý ấy. Cho đến ngày nay
người đời đối với tôi chỉ là một khối người thực ra xa lạ với tôi. Tôi vừa nhận
thấy phải tìm hiểu và nghiên cứu con người như từng cá nhân một chứ không phải
một khái niệm nhân loại trừ tượng, sổ tay và trí nhớ của tôi bây giờ chứa đầy
những hình ảnh thật mới mẻ.
Mới đầu những công việc khảo cứu ấy đem lại cho tôi nhiều thú
vui. Tôi bỏ tính lạnh lùng ngu muội trước và chú ý đến đủ hạng người. Tôi nhận
thấy nhiều sự việc xảy ra xa lạ hẳn với tôi, nhưng tôi cũng hiểu rằng đi nhiều,
thấy nhiều, mắt tôi mở rộng thêm và tinh tường hơn. Xưa nay tôi vẫn thích trẻ
con, vì thế tôi chú ý đến trẻ con hơn cả và cũng thấy thích thú hơn cả.
Dẫu sao thì ngắm mây và sóng vẫn được thỏa mãn hơn nghiên cứu
người. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi nhận thấy con người phân biệt với thiên nhiên
và muôn loài trước hết vì một lớp vỏ giả trá trơn tuột và bầy nhầy bao phủ họ
và chống đỡ. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn tôi nhận thấy mọi người quen
biết tôi đều có hiện tượng ấy - hiện tượng phát sinh vì mỗi người bắt buộc phải
có một nhân tính nhất định nào đó trong khi không ai hiểu rõ bản thể của mình
như thế nào. Tôi nhận thấy chính tôi cũng thế, điều ấy làm tôi có một cảm tưởng
kì dị. Bởi vậy tôi không muốn tiến sâu vào nội tâm của cá nhân. Đối với nhiều
người lớp vỏ bầy nhầy rất là quan trọng. Ở đâu đâu cũng thấy những người như thế,
cả từ đứa trẻ con trở đi. Dù vô tình hay hữu ý, bao giờ họ cũng muốn có một bộ
mặt nào đó, muốn đóng một vai trò nào đó, chứ không chịu để lộ thực chất của
mình không chút mập mờ.
Được ít lâu, tôi có cảm tưởng là không tiến bộ được chút nào,
là bị lạc lối giữa những chi tiết nhỏ nhặt. Tôi bắt đầu tự xét mình để tìm lý
do, nhưng không thể giấu giếm được rằng mình tìm không ra, mà những người xung
quanh tôi không ai có những mẫu cá tính mà tôi tìm kiếm. Tôi không cần những mẫu
người độc đáo mà chỉ cần những mẫu người điển hình. Không thể thấy được trong số
người trí thức hay số người bình dân. Tôi nghĩ đến nước Ý với cảm tưởng nhớ tiếc,
và tôi cũng có cảm tưởng nhớ tiếc ấy khi nghĩ đến những người bạn duy nhất cũng
đi bộ như tôi, đám thợ thuyền. Đã nhiều lần tôi cùng cuốc bộ với họ và gặp nhiều
người rất thú vị.
Đến quán Ngựa Trắng hay và những nhà những người kém tư cách
thì vô ích. Tìm hiểu những tên du thủ du thực không được việc gì cả. Lại một lần
nữa tình trạng bế tắc không có lối thoát. Vậy thì tôi nhận xét có trẻ con và
khách ăn trong tiệm, dĩ nhiên bước vào tiệm tôi không đến nỗi phạm lỗi gì. Đó
là tình cảnh tôi trong mấy tuần lễ tôi ngờ vực cả mình, tôi nghĩ rằng hy vọng
và dự định của tôi quá đáng, tôi đi vẩn vơ ở ngoài trời rất nhiều và trở lại
nghĩ quẩn hằng nửa đêm trước một chai rượu.
Trên bàn xếp từng chồng sách vì không còn chỗ trong hộc tủ,
tôi muốn giữ lại những sách ấy chứ không muốn đưa cho người bán sách cũ. Sau
cùng tôi phải đến một tiệm thợ mộc mời chủ nhân đến nhà tôi đo chỗ để đóng cái
tủ sách.
Ông ta đến: một người nhỏ bé, chậm chạp, cách cục đắn đo thận
trọng. Y đo căn phòng, quỳ xuống đất đưa cái thước lên tận trần rồi đưa bút một
cách tôn nghiêm ghi kích thước vào một cuốn sổ bằng những chữ lớn như con quạ.
Trong khi làm việc, ngẫu nhiên y vấp phải cái ghế để đầy
sách, vài cuốn rơi xuống đất, y lom khom nhặt lên. Trong số sách có một cuốn tiếng
lóng của thợ thuyền trong tiệm ăn nào ở nước Đức cũng có, một cuốn sách viết cẩn
thận và rất vui tai.
Người thợ mộc trông thấy cuốn sách rất quen thuộc với y nước
mắt nhìn tôi, hiếu kỳ, nửa thích vui, nửa nghi ngờ:
- Cái gì vậy?
- Tôi thấy một cuốn sách mà tôi cũng quen lắm. Ông cũng
học tiếng lóng à?
- Ấy, lúc đi đường tôi vẫn dùng ngôn ngữ của các bồ, nhưng thỉnh
thoảng tôi cần tìm lấy mấy chữ để dùng.
- Thật ư! Đã có hồi ông đi lêu lổng như vậy à?
- Không hẳn là lêu lổng như ông nghĩ, nhưng tôi đã lăn lộn
nhiều, đã nhiều lần tôi ngủ bất kỳ ở đâu.
Trong lúc ấy y xếp lại chồng sách và định ra về.
- Trước kia, ông cũng đã có hồi lang thang à? - Tôi hỏi.
- Tôi đi từ đây đến Coblence và sau xuống Genève.
Những ngày ấy tôi cũng không khổ lắm.
- Ông đã bị bắt hai lần hay một?
- Chỉ có một lần thôi, ở Durlach.
- Ông kể chuyện cho tôi nghe được không. Hôm nào ta đi nhậu với
nhau.
- Tôi cũng không thích lắm, thưa ông. Nhưng nếu có ngày ông đến
tôi chơi thì hay.
Vài ngày sau Elizabeth mở cuộc tiếp tân trọng thể, đi nửa đường
tôi bỗng dừng lại và tự hỏi rằng đến nhà người thợ mộc chơi có lẽ hơn. Tôi quay
trở lại treo áo lên mắc rồi đi thăm người thợ mộc. Xưởng thợ của y đã đóng của
tối om. Đi qua một cái của tối tăm, vấp mấy cái, vào một cái sân hẹp, leo
thang, xuống thang nữa, sau cùng mới đến một cái cửa trên có tấm biển đề tên
người thợ mộc. Tôi đi thẳng vào cái bếp nhỏ, trong bếp một người đàn bà gầy gò
vừa nấu cơm tối vừa trông ba đứa con phá phách la hát om sòm trong căn nhà hẹp.
Người vợ lấy làm lạ, bèn dắt tôi sang phòng bên người thợ mộc ngồi với tờ nhật
trình cạnh cửa sổ còn chiếu vào chút ánh sáng yếu ớt. Y la lên một tiếng bực dọc
vì trong bóng tối tưởng tôi là một khách hàng quấy rầy vào lúc này, nhưng nhận
ra tôi y vội đưa tay ra chào.
Thấy y bối rối và ngạc nhiên, tôi quay ra hỏi mấy đứa trẻ,
chúng chạy vào bếp, tôi đi theo. Trông thấy bà chủ nhà đang làm một đĩa cơm,
tôi nhớ lại vài cách nấu nướng của bà chủ nhà ở Ombire, bèn bước tới làm cơm với
bà. Ở xứ chúng tôi người ta thường nấu cho gạo chín nhừ như cháo mất cả vị, lúc
ăn thì thật là ngán. Trong lãnh vực này cũng vậy tai nạn và tội ác không biết
tiếc của trời đang thành tựu, tôi vừa kịp cứu vãn tình thế, tôi vội lấy cái
muôi và nồi cơm để nấu giùm. Người đàn bà kinh ngạc để yên cho tôi làm; tôi nấu
được nồi cơm khá dẻo, xong xuôi, để lên bàn, thắp đèn và dọn đĩa bát.
Tối ấy bà vợ thảo luận với tôi rất kĩ càng về vấn đề bếp núc,
ông chồng không còn biết nói một câu vào lúc nào, chúng tôi đành phải để đến
làn khác sẽ nói đến chuyện phiêu lưu của y. Vả chăng mấy người bình dân này đã
hiểu ngay tôi chỉ có dáng ông nọ kia ở cái vỏ ngoài, thực ra tôi là con nhà
nông dân, con nhà nghèo, vậy là ngay từ tối đầu chúng tôi đã là bạn quen thân.
Bởi vì họ nhận thấy tôi cũng con nhà thường dân như họ, còn tôi tôi đánh hơi thấy
gia đình bần bách này có cách cục của những người lễ thứ. Ở đây người ta không
có thì giờ tìm kiếm màu thanh vẻ lịch, làm duyên làm dáng, đóng kịch; đời sống
nghèo khổ và cực nhọc đối với họ quý giá dù không được trau chuốt bằng văn hóa
và quan niệm lý tưởng, và họ thấy tốt đẹp rồi chẳng cần phải tô điểm bằng những
lời tán dương hoa mỹ.
Mỗi ngày tôi càng năng trở lại nhà người thợ mộc, không những
tôi không quên được những trò ngô nghê của xã hội người khá giả mà tôi quên được
nỗi buồn và nỗi khổ của tôi. Hình như một chút tuổi trẻ của tôi còn lưu lại ở
đây và ở đây tôi tiếp tục đời sống mà mấy ông cha đã làm gián đoạn từ khi cho
tôi đi học.
Cúi xuống một bản đồ rách mướp và úa vàng vì mồ hôi tay, vẽ
theo kiểu cổ, người thợ mộc cùng với tôi theo dõi những cuộc hành trình đã qua,
chúng tôi đã khoan khoái biết bao khi đến mỗi cổng thành, khi vào mỗi ngõ hẻm
mà cả hai người đều biết rõ, chúng tôi nhắc lại những câu pha trò của người làm
ăn, một buổi tối chúng tôi hát một điệu trẻ trung muôn thuở của tỉnh Straubing
trên bờ sông Danube. Chúng tôi nói đến những khó khăn nghề nghiệp, gia sự, con
cái, đời sống thị thành và dần dần người thợ mộc với tôi đổi lẫn vai trò của
nhau, y trở nên ông thầy chỉ bảo cho tôi mọi điều còn tôi thì nghe y để học
khôn. Tôi thở khoan khoái mà nhận thấy không còn là khung cảnh xa lông nữa, ở
đây tôi sống giữa cuộc đời đúng như nó xuất hiện.
Một đứa con, con bé lên năm người yếu đuối, nom rất khác thường.
Tên nó là Agènes nhưng người ta vẫn gọi là Agi; nó tóc vàng, da xanh nhợt chân
tay mảnh khảnh hai mắt thao láo và nhút nhát, nom người nó có một vẻ man rợ dịu
dàng. Một ngày chủ nhật tôi đến rủ gia đình người thợ mộc đi chơi, thì thấy Agi
ngọa bệnh. Bà mẹ phải ở nhà trông con; còn chúng tôi kéo nhau ra ngoài tỉnh
chơi. Ra khỏi Sankt Margreten chúng tôi tìm cái ghế ngồi; con nít chạy quanh mô
đó, hái hoa bắt bọ rầy người lớn ngồi ngắm đồng cỏ mùa hè, bãi tha ma, dải núi
Jura xanh xanh tận xa. Người thợ mộc ra về mỏi mệt, lo nghĩ, ít nói.
Khi trẻ con đã chạy chơi xa, tôi hỏi y:
- Có cái gì buồn vậy, ông phó?
Y nhìn tôi buồn rầu ngơ ngác.
- Ông không thấy ư? Con Agi khó sống được.
Tôi biết từ lâu, mà tôi lấy làm lạ rằng nó còn sống được đến
ngày nay, cái chết hiện ra trong mắt nó đó. Bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa.
Tôi khuyên nhủ y, nhưng rồi phải thôi. Y mỉm cười buồn bã nói
tiếp:
“Hẳn ông cũng không chắc là đứa bé qua khỏi được. Tôi không tin
đạo, tôi chỉ đi nhà thờ có một lần mỗi năm đại xá, nhưng tôi biết rằng Thượng Đế
bây giờ muốn bảo tôi cái gì. Nó chỉ là đứa trẻ, chưa bao giờ thấy nó khỏe mạnh
nhưng tôi yêu nó hơn tất cả những đứa khác”.
Con nít chạy lại la hét vang trời, xúm lại hỏi chuyện, đòi
tôi nói tên hoa tên cỏ và sau dùng đòi kể chuyện cổ tích. Tôi bèn cắt nghĩa cho
chúng nghe cây cối, bụi cỏ và bụi hoa cũng như trẻ, có linh hồn có thần hộ mạng.
Màu lam rặng núi dần dần xuống sậm mầu, nghe tiếng chuông chiều chúng tôi trở về
nhà. Con nít mệt mỏi đều yên lặng. Chúng nghĩ đến thần hoa, thần chuông, còn
người lớn, chúng tôi nghĩ đến con bé Agi, linh hồn nó chẳng bao lâu nữa sẽ tung
cánh bay đi, để chúng tôi ở lại buồn rầu khắc khoải.
Mười lăm ngày sau không có gì đáng ngại. Đứa bé có vẻ như khỏi
bệnh, nó đã dậy được vài giờ; nằm trên gối mới thay, nom nó xinh đẹp và vui vẻ
hơn mọi ngày. Rồi lại đến mấy đêm nóng sốt liền, tuy không ai nói nhiều đến nữa,
nhưng chúng tôi biết rằng đứa bé chỉ còn sống vài tuần hay vài ngày nữa là
cùng. Chỉ có người cha nói đến một lần. Tôi thấy y tìm kiếm trong đống ván để dự
trữ, đã biết rằng y tìm ván để đóng quan tài cho con.
“Chẳng còn bao lâu nữa, tôi muốn tự tay làm lấy lúc rảnh công
việc.”
Tôi ngồi trên một cái bàn, y làm việc trên cái bàn kia. Khi
đã bào ván thật nhẵn y cho tôi xem ra vẻ hài lòng lắm. Đó là thứ gỗ thông đẹp,
tốt, không nứt nẻ chỗ nào.
“Tôi cũng không đóng đinh mà đóng mộng cẩn thận cho thật bền
thật chắc. Thôi ngày nay làm thế thôi, đi ra ngoài này đi.”
Ngày này ngày khác qua đi, những ngày nóng bức chói chang
trong mùa hè, mỗi ngày tôi ngồi một hai giờ bên bé Agi, nói chuyện rừng rậm và
đồng cỏ đẹp, hai bàn tay khổng lồ của tôi cầm hai tay nhỏ bé xinh xắn của nó, bằng
tất cả sức mạnh của tâm hồn tôi thu hút lấy cái duyên dáng dịu dàng trong sáng
phủ lấy người nó cho đến ngày cuối cùng.
Rồi chúng tôi ngồi đấy, buồn rầu xao xuyến mà nhìn thân hình
gầy ốm ráng lấy tàn lực chống lại cái chết mạnh bạo đang khuất phục nó nhanh
chóng và dễ dàng. Người mẹ can đảm giữ được bình tĩnh; người cha cúi xuống giường
từ biệt con đến trăm lần, tay vuốt tóc con, miệng hôn xác đứa con thân yêu.
Rồi lễ an táng ngắn ngủi giản dị, kế theo là những buổi tối nặng
nề, trẻ con nằm khóc nhệu nhệch ở bên cạnh. Rồi đến những buổi đi thăm mộ rất
thích thú, chúng tôi trồng hoa bên mồ mới đắp rồi chúng tôi ngồi yên lặng trên
ghế trong lối đi có bóng mát, nghĩ đến Agi và nhìn nắm đất ướt dưới đó nó yên
nghỉ với con mắt khác; nhìn cây cỏ, nhìn chim chóc bay giỡn với nhau làm vang động
bãi tha ma.
Trong những ngày ấy công việc hàng ngày vẫn trôi theo nhịp khắc
khổ của nó. Trẻ con trở lại vui hát, đánh lộn, đòi kể chuyện; còn chúng tôi dần
dần quên sự vắng mặt của Agnes, trên trời có thêm một thiên thần bé nhỏ xinh xắn.
Dạo ấy tôi không đến nhà vị giáo sư, chỉ đến nhà Elisabeth một
hai lần, giữa những câu chuyện vô vị, tôi như người mất hướng và xao xuyến. Tôi
trở lại nhà họ nhưng thấy đều đóng cửa vì ai cũng về quê. Bấy giờ tôi mới nghĩ
ra, vì thân mật với nhà người thợ mộc, vì con bé Agi ốm đau, tôi quên cả mùa
nóng bức và nghỉ hè. Trước kia tôi không thể ở thành phố vào tháng 7 và tháng
8.
Tôi bèn nghỉ ít lâu để đi bộ qua những núi như Forêt-Noir,
Bergatrasse và Odenwald. Dọc đường tôi tìm được niềm vui mới khi gửi về cho con
người thợ mộc ảnh những nơi có thắng cảnh và khi nghĩ đến sau này sẽ kể lại cho
họ chuyến đi ấy.
Đến Francfort tôi định nghỉ thêm vài ngày nữa. Đến
Aschaffenburg, Nuremberg, Munich, Ulm tôi xem những nghệ phẩm cổ với một thứ
thích thú mới, và sau cùng tôi dừng lại Zurich tuy không chú ý đặc biệt đến tỉnh
này. Trong mấy năm nay tôi có ý tránh tỉnh này như tránh một cái mồ; lần này
tôi tản bộ đi qua phố phường đã quen thuộc; tìm những quán ăn và những vườn hoa
ngày trước, tôi có thế nghĩ đến những ngày tươi đẹp quá khứ mà tim không đến nỗi
thắt lại. Agliette, cô họa sĩ, nay đã lấy chồng, người ta cho biết địa chỉ. Tối
tôi đến thăm, khi dừng lại đọc tên người chồng ở ngoài cửa và ngước mắt nhìn
lên cửa sổ, tôi lưỡng lự không muốn vào. Những năm đã qua hiện lên rõ ràng, mỗi
tình tuổi trẻ muốn tỉnh giấc ngủ êm đềm làm tôi mủi lòng đôi chút. Tôi quay trở
lại không vào nữa, như vậy tôi không làm phai mờ hình ảnh thân yêu của Aglietti
mà tôi muốn thấy lại một cách vô ích. Tôi tiếp tục đi tha thẩn và đến thăm khu
vườn cạnh hồ ngày trước hội nghệ sĩ đã tổ chức ngày họp mùa hè. Trước căn nhà
tôi đã sống ba năm ngắn ngủi vui tươi trên gác thượng, tôi ngước mắt nhìn lên,
trong số những kỷ niệm xa xưa tên nàng Elisabeth bỗng trở lại môi tôi. Mối tình
mới này mạnh hơn những mối tình trước. Nó lặng lẽ hơn, bình tĩnh, khiêm tốn
hơn, gợi lên nhiều nỗi niềm hơn.
Muốn giữ được cảm tưởng phấn khởi ấy tôi kiếm một cái thuyền
đưa mái chèo thong thả thoải mái trên hồ nóng bức và sáng sủa. Trời sắp tối,
trên trời một đám mây trắng như tuyết, một đám mây duy nhất. Tôi dán mắt vào
đám mây chào thân hữu trong khi nghĩ đến tình yêu mây lúc còn thơ ấu, nghĩ đến
Elisabeth và đám mây trong bức họa của Segantini, trước đám mây ấy tôi đã ngắm
Elisabeth đẹp đẽ biết bao. Bây giờ hơn lúc nào hết tôi yêu nàng, một tình yêu
không lên tiếng không có thèm muốn vẩn đục, đem lại cho tôi thanh khiết và hạnh
phúc. Ngắm mây, tôi thanh thản nghĩ đến tất cả cái gì là tốt đẹp trong đời tôi
với tấm lòng nhân hâu. Đáng lẽ bồn chồn và mê mải ngày trước, tôi chỉ còn thấy
những ước vọng cao kỳ của tuổi thơ ấu, nhưng bây giờ ước vọng cũng trở thành bình
tĩnh hơn, chín chắn hơn.
Đã từ lâu tôi quên thói nhịp theo mái chèo ngân nga hay hát một
bài. Lần này tôi cũng khẽ hát đủ mình nghe, và khi nghe nhịp điệu của câu hát
tôi mới nhận ra là những câu thơ. Tôi nhớ lấy để về nhà ghi lại làm kỷ niệm buổi
chơi hồ Zurich:
Kìa ai óng ả như mây
Làn mây trắng nhẹ vút bay lên trời
Trông mây lòng những bồi hồi
Thoáng nhìn đâu đã cạn lời nước non
Đêm khuya chạnh mối cô đơn
Tình ta khôn dãi, nuốt hờn trong mơ
Mây bay mây khuất nẻo xa
Riêng ta tiếc nuối đường tơ se lòng
Về Bâle tôi nhận được một bức thư từ Assise gửi đến. Thư của
bà Annunciata Nardini cho biết những tin lành. Bà đã đi bước nữa. Có lẽ cứ chép
nguyên vẹn bức thư ra đây thì hơn:
“Kính gửi ông Peter thân mến,
“Xin ông cho phép người bạn trung thành của ông gửi bức thư
này. Trời đã dành cho tôi một hạnh phúc lớn và tôi muốn mời ông đến mừng lễ cưới
của tôi vào 12 tháng mười. Nhà tôi là Menotti, không giàu lắm nhưng rất yêu
tôi, trước ảnh đã buôn trái cây. Ảnh cũng xinh trai nhưng không vạm vỡ và đẹp
trai bằng ông, ông Peter ạ. Ảnh sẽ bán trái cây ngoài chợ còn tôi ở nhà. Con bé
Mariette xinh đẹp bên láng giềng cũng sắp lấy chồng nhưng chồng là người ngoại
quốc làm thợ hồ.
Ngày nào tôi cũng nghĩ đến ông và nói chuyện ông với nhiều
người. Tôi rất yêu mến ông và yêu cả ông thánh, tôi mới cúng dường bốn cây bạch
lạp để tỏ lòng nhớ đến ông. Menotti rất vui sướng nếu ông đến ăn cưới. Nếu ảnh
tỏ ra xích mích với ông tôi sẽ cấm ảnh. Thật tôi ngán quá, thằng Matteo
Spinelle đốn mạt lắm, tôi vẫn bảo thế mà. Nó ăn cắp chanh của tôi luôn. Người
ta đã bắt nó vì nó ăn cắp mười hai đồng của cha nó và bỏ bả chết con chó của
người ăn xin Giangiacomo. Tôi cầu chúc ông được Thượng đế và thánh thần phù hộ.
Người bạn trung thành và
khiêm tốn của ông
Annunciata Nardini”
“Tái bút: Vụ mùa này cũng khá thôi, nho thì xấu lắm, lê cũng
không có, nhưng chanh được mùa; đáng tiếc là chúng tôi phải bán rẻ quá. Ở
Spello đã xảy ra một tai nạn lớn. Một người thanh niên lấy cái cào phang chết
anh ruột; không ai hiểu tại sao nhưng chắc là hắn ghen tuông mặc dù đấy là anh
ruột của hắn.”
Đáng tiếc rằng tôi không thể đến dự bữa tiệc thú vị ấy. Tôi gửi
thư chúc mừng và hẹn đến mùa xuân tới sẽ đến thăm. Rồi tới đến nhà người thợ mộc
với bức thư ấy và một món quà mua ở Nuremberg cho trẻ con.
Ở đây đã xảy ra một sự thay đổi lớn mà tôi không ngờ. Gần cửa
sổ, một người xấu xí, xiêu vẹo ngồi lì trên một chiếc ghế có chân ngang như ghế
trẻ con. Đó là anh Boppi người anh ruột của vợ người thợ mộc, một người tàn tật
vì mẹ y mới chết cho nên y không biết nương tựa vào đâu. Người thợ mộc cho y tạm
trú ở dấy nhưng trong bụng chẳng vui, người tàn tật có mặt ở đây làm cho cả nhà
khó chịu, người cha rõ ràng là chẳng bằng lòng rồi.
Y có hai cái bướu lấp mất cả cổ, đầu thì to mà nét mặt thô
thiển, trán rộng, mũi lớn, miệng xinh xắn buồn rầu. Hai mắt sáng nhưng ngờ nghệch
và hơi có vẻ sợ hãi, hai bàn tay trắng trẻo đẹp đẽ và nhỏ bé lạ lùng; luôn đặt
lên thành ghế không cử động. Tôi cũng thấy hơi vướng víu, khó chịu vì người lạ
mặt, tôi cũng động lòng khi nghe người thợ mộc kể lại câu chuyện ngắm ngủn của
người bệnh, lúc ấy y ngồi bên cạnh nhìn hai bàn tay, không ai nói với y lời
nào. Sinh ra y đã tàn tật rồi, nhưng y đã học hết cấp tiểu học, trong một thời
gian y cũng biết tết rơm để giúp ích cho mọi người, nhưng sau mắc chứng tê liệt
nên phải thôi. Từ mấy năm nay y chỉ nằm trong giường hay ngồi trên ghế phải lấy
gối chống đỡ. Người đàn bà nói rằng ngày trước y hay hát và hát hay lắm nhưng
bây giờ không nghe tiếng hát nữa, và từ lúc đến đây y chưa hát bao giờ. Trong
khi người ta kể chuyện y, bàn tán về y, y chỉ ngồi yên, hai mắt nhìn vô định.
Tôi thấy không được thoải mái nên ra về sớm. Những ngày sau tôi không trở lại
nhà người thợ mộc.
Suốt đời tôi khỏe mạnh luôn, tôi không ốm đau nặng bao giờ
cho nên thấy những người đau ốm, nhất là những người tàn tật tôi có thái độ
thương cảm, nhưng cũng có chút khinh bỉ. Tôi không hề xúc động, khi cho rằng
người tàn tật sống thảm hại, nhờ vả gia đình người thợ mộc, đã làm tôi bực bội
vì vì mất những giờ yên tĩnh và tươi sáng ở đấy. Bởi vậy tôi cứ lui mãi ngày đến
chơi và nghĩ hoài về cách tống khứ y đi cho rảnh. Đưa y vào nhà thương
hay một trại tế bần tốn kém chút đỉnh cũng không phải là không thể làm được.
Nhiều lần tôi muốn tìm người thợ mộc bàn với anh xem sao nhưng tôi vẫn sợ mình
khơi mào câu chuyện, vả chăng tôi ngần ngại như trẻ con không muốn đến gần người
bệnh. Nhìn thấy anh ở luôn luôn trước mắt, bắt tay anh ta làm tôi ghê tởm.
Một ngày chủ nhật qua đi. Chủ nhật sau tôi sắp sửa lên tàu sớm
đi chơi vùng Jura; nhưng tôi xấu hổ vì sự hèn nhát của mình; tôi ở lại, và sau
bữa cơm sáng tôi đến nhà người thợ mộc.
Tôi miễn cưỡng bắt tay Boppi. Người thợ mộc vẻ không vui, đề
nghị đi chơi quanh. Y nói cho tôi biết cũng ngán với sự khổ sở này và tôi sung
sướng vì biết rằng y có thể nghe lời tôi. Người vợ muốn ở nhà, nhưng Boppi bảo
bà cứ đi chơi, y ở nhà một mình cũng được. Miễn là y có một cuốn sách và một ly
nước uống, người ta có thể để y đấy đóng cửa lại không lo gì.
Còn chúng tôi, chúng tôi tự cho mình là những người tử tế, những
người nhân nghĩa, thế mà chúng tôi để y ở xó nhà, kéo nhau đi rong! Và chúng
tôi vui vẻ thật, chúng tôi vui vẻ xem trẻ con chơi đùa, chúng tôi tắm nắng vàng
chiều thu, không ai xấu hổ, không ai thấy lòng áy náy về để người tàn tật ở nhà
một mình! Trái lại chúng tôi sung sướng vì tránh được mặt y một lúc, chúng tôi
nhẹ nhõm vì được thở không khí trong sạch ấm áp ngoài nắng. Thật là cảnh tượng
một gia đình cơ chỉ biết hưởng ngày nghỉ của Trời ban cho một cách thông minh
và biết cám ơn trời.
Mãi đến khi vào vườn một tiệm ăn dùng bữa người thợ mộc mới
nói đến Boppi. Y phàn nàn phải nuôi thêm một người, than phiền rằng nhà chật chội
và ăn tiêu tốn quá, sau cùng y mới cười mà rằng: “Đi khỏi nhà thế này ít ra
mình cũng được vui vẻ một vài giờ, không có ai ngồi ám”.
Nghe những ta thán ấy bỗng dưng tôi thấy hiện ra trước mắt
bóng dáng người tàn tật ảo não cầu khẩn, chúng tôi không ưa, chúng tôi muốn tống
đi chỗ khác, giờ này y ngồi một mình trong phòng tối om; giam hãm trong sự cô
đơn của y. Tôi nghĩ đến lúc trời tối, y không thể một mình, thắp đèn hay đến gần
cửa sổ. Y đành phải bỏ sách xuống ngồi bên trong đêm tối, không biết nói với
ai, không có cách giải trí nào khác; trong khi ấy thì chúng tôi ngồi đây uống
rượu, cười nói và vui chơi. Và tôi nghĩ đến tất cả những điều hay điều tốt về
thánh François đã nói với mọi người ở Assise, tôi đã khoe khoang là mình học được
của vị thánh tình yêu mến tất cả mọi người. Tại sao tôi nghiên cứu cuộc đời của
thánh, học thuộc lòng bài thánh ca tình yêu và đi tìm vết tích của ông trên đồi
xứ Ombrie, thế mà ở đây tôi mặc kệ một người cùng khổ đau đớn trong khi tôi biết
rằng tôi có thể an ủi họ được.
Bàn tay mạnh bạo một đấng vô hình đặt lên trái tim tôi, bóp
chặt lại, tôi đau đớn và xấu hổ đến nỗi run rẩy và ngã quỵ. Bây giờ thì tôi hiểu
rằng Thượng đế muốn nhắn nhủ gì tôi.
“Hỡi chàng thi sĩ, tử đệ của Poverelio, nhà tiên tri muốn dạy
cho loài người biết yêu, muốn làm cho họ sung sướng. Hỡi chàng mơ mông muốn
nghe tiếng nói của ta trong gió trong mây!”
“Nhà ngươi yêu một gia đình quý mến nhà ngươi, ngươi đã sống
những phút vui sướng ở đấy! Đến ngày ta hiện thân xuống đấy nhà ngươi chạy trốn,
nhà ngươi nghĩ cách đuổi ta! Trời ơi! Thánh hiền, thi sĩ!”
Tôi có cảm tưởng rõ ràng là mình đứng trước tấm gương thật
sáng, thấy rõ mình với gương mặt dối trá, một người hèn nhát không giữ lời hứa.
Cảm tưởng đau đớn, chua chát, day dứt ghê gớm; nhưng lúc ấy cái gì đổ vỡ trong
lòng tôi chồm lên vì hình phạt đau đớn, thật chỉ đáng vỡ tan và hủy diệt đi.
Bất thình lình tôi vội vàng từ giã mọi người, bỏ ly rượu uống
dở, miếng bánh vừa bẻ ra, rồi lật đật trở về tỉnh. Trong lúc xúc động tôi còn
lo sợ rằng có thể xảy ra chuyện rủi ro nào. Có thể cháy nhà, Boppi không cử động
được, có thể lăn xuống ghế nằm lịm dưới đất hay chết giấc rồi. Tôi trông thấy y
nằm sóng xoài, tôi tưởng rằng đứng bên cạnh y, chịu đựng cái nhìn của y, chịu
nghe lời trách móc câm lặng.
Chạy muốn đứt hơi mới về đến tỉnh, tôi leo bốn bậc thang mỗi
bước lên tới nơi mới chợt nghĩ ra rằng cửa đóng mà tôi không có chìa khóa.
Nhưng tôi tạm yên sự lo ngại ngay. Trước khi đi đến cửa bếp tôi đã nghe trong
nhà có tiếng hát. Một phút kỳ lạ. Trái tim tôi đập mạnh, đang lúc thở hổn hển
tôi lắng tai nghe tiếng hát của người tàn tật trong nhà và lòng tôi dần dần trở
lại yên tĩnh. Y hát nho nhỏ, giọng ẻo lả hơi than van, điệu tình ca bình dân
“Bông hoa nhỏ trắng và đỏ”. Tôi biết rằng đã lâu nay y không hát và tôi đứng đấy
xúc động, nhòm ngó y, giữa lúc y nhân dịp tĩnh mịch tìm cái vui theo ý thích của
mình.
Việc đời vẫn thế: đời sống thích ghép vẻ khôi hài vào những
biến cố nghiêm trọng, những xúc động sâu xa. Tôi hiểu ngay rằng tình trạng của
tôi có cái gì ngớ ngẩn và tẽn tò. Nỗi lòng trắc ẩn bất thần, tôi hộc tốc chạy cả
giờ qua đồng ruộng để bây giờ đứng trước cái cửa đóng chặt mà không có chìa
khóa. Phải bỏ về hay đứng ngoài cửa đóng mà nói cho người tàn tật biết lòng tốt
của tôi. Tôi đứng ngoài cầu thang với ý định đến an ủi người khổ sở tỏ cho y biết
sự cảm mến của tôi, giúp y đỡ thấy ngày dài ngao ngán, còn y chẳng nghĩ gì đến
những điều tôi phỏng đoán, y ngồi trong nhà hát ngao, nếu tôi kêu gọi hay gõ cửa
ắt làm cho y lo sợ.
Tôi chẳng biết làm gì khác hơn là bỏ về. Tôi đi lang thang
trong phố đông đúc ngày chủ nhật độ một giờ thì gia đình người thợ mộc về đến
nơi. Lần này tôi không cần ráng sức mới dám đến bắt tay Boppi. Tôi ngồi cạnh y
gợi chuyện và hỏi y đã đọc được những sách gì. Rồi tôi tự nguyện ngồi đọc cho y
nghe và y biết ơn tôi. Khi tôi đề nghị Jeremias Gotthelf, tôi biết rằng y đã đọc
gần hết tác giả này. Nhưng y chưa đọc Gottfried Keller, tôi hứa sẽ cho y mượn.
Ngày hôm sau mang sách lại, tôi có dịp ngồi một mình với
Boppi, người thợ mộc ở ngoài xưởng, còn vợ anh muốn đi ra phố. Tôi thú nhận rằng
rất xấu hổ vì để y một mình ở nhà ngày hôm qua và cho y biết rằng tôi rất sung
sướng thỉnh thoảng ngồi chuyện trò và làm bạn với y.
Người tàn tật bé nhỏ ấy quay cái đầu to như nhồi bông lại
nhìn tôi và nói: “Cám ơn ông lắm”. Thế là hết. Nhưng chỉ quay đầu như thế cũng
nặng nhọc cho y lắm rồi, cử chỉ ấy có giá trị mười cái hôn của người thường,
cái nhìn của y trong sáng và đẹp như mắt đứa trẻ, trước tôi còn hơi thẹn, sau
máu xông lên mặt.
Điều phải làm sau đây khó hơn: nói cho người thợ mộc biết.
Hình như tốt hơn hết là thú thật với y sự lo lắng và sự xấu hổ của tôi hôm trước.
Khốn thay, y không hiểu tôi, nhưng y cũng không từ chối lời nói phải của tôi. Y
nhận để cả hai chúng tôi cùng chăm nom người bệnh, hai người chia nhau tiền phí
tổn nuôi dưỡng, tôi có thể tùy ý đến đây với Boppi và coi Boppi như em ruột
mình.
Mùa thu ấy nóng bức và tạnh ráo lâu hơn mọi năm. Bởi vậy việc
thứ nhất tôi giúp đỡ Boppi là mua một cái ghế chân bánh xe để mỗi ngày đưa y ra
ngoài trời, thường thường có lũ trẻ đi theo.
8.
Số tôi vẫn là nhận của bạn bè nhiều hơn tôi có thể cho bạn.
Tôi đã nghiệm thấy điều này đúng với Richard, Elisabeth, bà Nardini, người thợ
mộc, bây giờ đã đến tuổi đứng bóng và tự xét mình cũng có thiện cảm với mình,
tôi lại sắp là người học trò bỡ ngỡ và đội ơn của một người gù. Nếu quả thực tập
thơ của tôi khổ sự từ lâu, nay đã làm xong và xuất bản được, thì trong đó không
thiếu điều tôi học được của Boppi. Đời tôi bước vào một thời kỳ vui sướng thỏa
mãn, sau này tôi có thể tìm hứng ở đấy suốt đời tôi. Tôi chỉ cần mở mắt nhìn
sâu vào một tâm hồn đẹp đẽ mà bệnh tật, cô đơn, nghèo nàn, sự ngược đãi chỉ lướt
qua trên mặt như vài sợi mây nhỏ, không ảnh hưởng gì đến tâm hồn ấy.
Tất cả những thói xấu nhỏ mà chúng ta đem thêm thắt vào đời sống
ngắn ngủn và tươi đẹp để làm hư hỏng đi, như giận hờn, mất bình tĩnh, ngờ vực,
dối trá, tất cả những ung nhọt buồn, nản và ghê tởm làm biến đổi phong độ của
chúng ta như thế, đối với người tàn tật đã qua không những sự đau đớn nặng nề
và dai dẳng này không còn vết tích gì nữa, chúng đã bị tiêu hủy trong những sự
vò xé băn khoăn. Y không phải là một thiên thần, một hiền triết, nhưng là người
có lương tri và nhân hậu, đau khổ nặng nề ghê gớm đã dạy cho y đừng lấy làm xấu
hổ, đừng có mềm yếu sờn lòng, mà phải gửi thân mình vào tay Thượng đế.
Một hôm tôi hỏi y làm cách nào mà thỏa hiệp được với thân thể
thảm đạm bất lực của mình như vậy, y tươi cười mà rằng:
“Giản dị lắm, tôi với bệnh tật của tôi luôn luôn trong tình
trạng ứng chiến. Khi thì tôi thắng một trận khi thì tôi thua, nhưng chúng tôi vẫn
tiếp tục đánh nhau cũng có lúc chúng tôi ngưng lại ký hiệp ước đình chiến để dò
thám nhau nhưng vẫn giữ miếng, rồi đến lúc một bên hăng tiết lên, trận chiến lại
nổ bùng.”
Cho đến bây giờ tôi vẫn tưởng rằng cái nhìn của tôi chắc chắn
và tôi nhận xét đúng. Nhưng trong lãnh vực này Boppi cũng là ông thày đáng kính
phục của tôi. Y rất thích cảnh thiên nhiên, nhất là loài vật, tôi thường đưa y
đến chơi sở thú. Ở đấy chúng tôi sống những giờ thú vị. Được ít lâu Boppi biết
từng con vật, chúng tôi hay mang bánh và đường cho ăn, nhiều con biết mặt chúng
tôi, chúng tôi có những bạn hữu đủ loại. Chúng tôi thích nhất là con vật thuộc
ngựa và tê giác gọi là con tapir, con này có một đức tính duy nhất là ở sạch sẽ
khác hẳn con khác đồng loại. Ngoài ra chúng tôi thấy nó hợm hĩnh, đần độn, gắt
gỏng, vô ơn và phàm ăn. Những con vật khác như voi, hoẵng, hoàng dương, cả con
bò rừng cũng vậy, tỏ ra biết ơn người cho đường, hoặc nó nhìn tôi thân mật, hoặc
nó để cho tôi vuốt ve. Con tapir thì không thế. Khi chúng tôi tới gần nó chạy vội
đến bên rào sắt, cho gì nó ăn thong thả, ngẫm nghĩ về miếng ăn rồi bỏ đi không
kèn không trống khi thấy không còn gì nữa. Chúng tôi nhận thấy đó là dấu hiệu
tính tình của nó, vì nó nhận quà tặng một cách thản nhiên, không xin xỏ mà cũng
không cám ơn, như một thứ thuế mà chúng tôi phải đóng góp cho nó như thường lệ,
chúng tôi gọi nó là ông Giám Thâu. Nhiều khi Boppi không thể tự mình chăm nom
loài vật được, chúng tôi bàn bạc xem con tapir được ăn như vậy đã đủ chưa hay
còn được ăn miếng nữa. Chúng tôi xét vấn đề dưới đủ mọi cạnh khía chi tiết, như
một vấn đề quốc sự, một lần chúng tôi bỏ chuồng tapir, đi chỗ khác, Boppi tuyên
bố rằng nên cho nó miếng nữa mới phải. Chúng tôi quay lại. trong lúc ấy nó đã trở
về ổ rơm, nó nhìn chúng tôi như người ngồi ở địa vị cao sang ngó xuống, không
buồn bước ra cạnh lưới sắt nữa. Boppi vội kêu lên: “Kính thưa ông Giám Thâu,
xin vui lòng tha thứ cho, chúng tôi tưởng rằng đã đưa thiếu một miếng”. Thế rồi
chúng tôi tới chuồng voi, con này lắc lư người đứng đợi ra vẻ sốt ruột, nó thò
cái vòi nóng hổi và nhanh nhẹn đến gần. Boppi có thể tự tay cho ăn, y thích thú
như trẻ con nhìn con vật khổng lồ đưa vòi ra lượm lấy miếng bánh mì trên tay y
và ngắm nghía chúng tôi bằng hay mắt hí hởn, đầy vẻ ranh mãnh nhưng tốt bụng.
Tôi điều đình với người coi vườn để Boppi trên ghế ngồi lại
vườn khi nào tôi không có thì giờ ở gần y, để y có thể tắm nắng và xem thú vật.
Sau y kể lại tất cả cái gì đã trông thấy. Điều làm y chú ý hơn cả là con sư tử
rất lễ phép đối với vợ nó. Khi sư tử cái đã nằm dài ra nghỉ ngơi, nó chỉ đi
quanh quẩn ở chỗ khác, không đụng đến vợ, không làm phiền vợ, không nhảy qua vợ.
Boppi để ý đặc biệt đến con rái cá. Y xem không mỏi mắt con rái cá cử động rất
mềm mại nhanh nhẹn lúc nó bơi nó nhảy nhót và lấy làm khoan khoái, như còn
mình, mình ngồi bất động trên ghế, mỗi cử chỉ quay đầu hay đưa tay đều làm cho
đau đớn.
Tôi kể cho Boppi nghe hai câu chuyện tình của tôi vào một
ngày đẹp đẽ mùa thu. Chúng tôi đã thân thiết với nhau lắm không thể không cho y
biết những chuyện riêng chẳng có gì là vui vẻ, là vinh dự. Y nghiêm chỉnh và
nhã nhặn ngồi nghe không nói gì. Nhưng sau này y thú thực rằng muốn gặp
Elisabeth, đám mây và dặn tôi chớ quên nếu có khi gặp nàng ngoài phố.
Vì không được gặp, vả chăng trời đã trở lạnh, tôi bèn đến
thăm Elisabeth để yêu cầu nàng cho người gù được sung sướng biết mặt nàng. Nàng
có lòng tử tế chiều ý tôi, đến ngày hẹn tôi sẽ đưa nàng đến sở thú, Boppi sẽ đợi
nàng ở đấy. khi người đàn bà đẹp đẽ lịch sự ăn mặc lộng lẫy đưa tay bắt tay người
tàn tật và cúi xuống y, khi anh Boppi hèn mọn đưa hai mắt biết ơn và kính mến
lên ngó nàng, tôi không biết rằng trong hai người ấy người nào đẹp hơn, được
tôi yêu quý hơn. Elisabeth nói vài lời thân ái, người tàn tật đưa cặp mắt sáng
nhìn nàng không rời, tôi đứng cạnh, vui sướng vì trong chốc lát được thấy hai
người tôi yêu quý nhất đời thân ái cầm tay nhau, hai người mà đời sống đã làm
cho xa cách nhau một trời một vực. Suốt buổi chiều Boppi không nói gì ngoài
chuyện Elisabeth, hết khen nàng đẹp, thanh lịch, tử tế, khen cả quần áo, găng
tay vàng và giầy xanh, dáng đi, giọng nói, trong khi ấy thì tôi nhận thấy vừa
đau đớn lẫn tức cười rằng mình chứng kiến một cuộc phát chẩn tình thương, người
yêu của tôi đã bố thí tình thương cho người bạn tâm giao của tôi vậy.
Dần dần chúng tôi xưng mày tao với nhau, câu chuyện đó cũng
thích thú. Có lẽ không bao giờ tôi dám bảo y làm thế, vì sợ y không nhận, nhưng
tự nhiên chúng tôi xưng mày tao rất thường, rồi một ngày kia nhận thấy một việc
đã rồi, chúng tôi không thể nhịn được cười và tiếp tục làm như vậy.
Mùa đông đến, không đi chơi được nữa, tôi lại ở lì trong
phòng của anh rể Boppi cả buổi tối, tôi nhận thấy tình bạn mới đó không thể
không có chút hi sinh? Người thợ mộc bây giờ cũng vẫn lầm lì, càu nhàu. Lâu dần,
không những y thấy phiền hà khó chịu vì người em vợ ăn hại y còn khó chịu vì
thái độ của tôi đối với Boppi. Có lẽ tôi chỉ tán dóc vui vẻ với Boppi mà bỏ rơi
ông chủ nhà ngồi vùi mặt vào tờ nhật trình, buồn rười rượi. Y cũng cãi nhau với
vợ tuy bình thường y nhẫn nại lạ thường: lần này bà vợ nhất định không chịu để
cậu em vào nhà thương. Đã hơn một lần tôi tìm cách khuyên bảo hay đề nghị cách
giải quyết khác nhưng y không nghe. Y tức tối và gây gổ, ghét sự thân mật của
tôi đối với người tàn tật và đối xử với hắn nghiêm khắc hơn. Tôi có mặt ở đây gần
hết ngày, dĩ nhiên tôi và Boppi làm phiền cho hai vợ chồng, nhà đã chật chội,
nhưng tôi vẫn hy vọng người thợ mộc sẽ hiểu tôi và rồi cũng sẽ yêu mến người
tàn tật. Sau cùng không thể làm gì, không thể giữ ý điều gì mà không làm mích
lòng người thợ mộc hay gây khó khăn cho Boppi. Bản tính tôi vẫn sợ quyết định
mau mà không xét lại, tôi nán đợi hằng tuần, lo ngay ngáy rằng mình mất tình
thân của người này hay người kia, có lẽ cả hai người.
Tình trạng khó xử mỗi ngày làm tôi thêm lo ngại, tôi phải đến
quán rượu luôn. Một buổi tối, chuyện khốn nạn ấy làm tôi tức bực khác thường,
tôi tu luôn mấy lít rượu để đối phó với nó.
Từ hai năm nay, đây là lần đầu tiên tôi say bí tỉ loạng choạng
mãi mới về được tới nhà. Ngày hôm sau tôi được thảnh thơi bình tĩnh cũng như mỗi
lần tỉnh rượu. Tôi nắm lấy can đảm bằng hai bàn tay, đến tìm người thợ mộc để kết
thúc tấn kịch này. Tôi đề nghị đem hẳn Boppi về nhà tôi, y không phản đối, sau
mấy ngày suy nghĩ ưng thuận.
Vài ngày sau tôi cùng Boppi đến ở một căn nhà mới. Tôi có cảm
tưởng như mình lấy vợ vì tôi sửa soạn nhà cho hai người ở chứ không phải sống độc
thân như đã quen rồi. Mới đầu cũng cần vài kinh nghiệm thực tiễn, nhưng rồi sau
mọi việc đều trôi chảy. Một đứa đầy tớ gái đến dọn dẹp và rửa ráy, chúng tôi
cho mang cơm lại nhà ăn, nhờ cuộc sống ấy chẳng bao lâu chúng tôi nhận thấy
thân mật với nhau đằm thắm. Lúc này tôi chưa lo ngại vì sau này sẽ phải bỏ những
cuộc đi bộ chơi xa để quên hết lo âu. Tôi còn cảm thấy sự có mặt thầm lặng của
bạn trấn tĩnh và phấn khích tôi làm việc. Những sự chăm nom lặt vặt, nhất là
thay quần áo cho Boppi đối với tôi thật là mới mẻ, mới đầu không có gì là hấp dẫn
thật, nhưng bạn tôi kiên nhẫn và tỏ lòng biết ơn đến nỗi tôi phải tự thẹn và
sau tôi cố gắng chịu vất vả để hầu hạ bạn.
Tôi không trở lại nhà vị giáo sư, cả nhà Elisabeth cũng vậy;
nhưng dầu sao chúng vẫn có một sức quyến rũ âm thầm làm cho tôi phải trở lại
nhà nàng. Tôi ngồi trước một tách trà, hay một ly rượu coi bà chủ nhà đi lại
tươi cười, thỉnh thoảng nổi lên một cơn đa sầu đa cảm tuy rằng trong thâm tâm
tôi vẫn dè chừng, tôi đã phòng thủ sẵn một thái độ báng nhạo những tâm tình kiểu
Werther của Goethe. Sự ích kỷ ẻo lả và hăng hái trẻ trung của ái tình đã từ bỏ
hẳn tôi rồi. Sự liên lạc với nhau xét cho cùng đã lâm vào tình trạng chiến
tranh thủ sẵn khí giới trong mình, ít khi chúng tôi gặp nhau mà không cãi lẫy
nhau một cách thân hữu. Tâm tình bất nhất và hơi lệch lạc của ngưởi đàn bà
thông minh này - đó cũng là trường hợp thông thường của nhiều người - không đến
nỗi không hợp với bản chất của tôi vừa si tình vừa ngạo mạn; vả chăng trong
thâm tâm chúng tôi quý trọng nhau, bởi vậy chúng tôi có thể cãi nhau om sòm về
một chuyện vô tích sự rất dễ dàng. Tôi thấy thú vị đặc biệt khi tôi ra sức bênh
vực đời sống độc thân, chống đối nàng - người đàn bà mà mới đây tôi có thể làm
hết cách để cưới làm vợ. Tôi còn cho phép tôi trêu chọc nàng về chồng của nàng:
một chàng tử tế, hãnh diện vì lấy được người vợ thông minh.
Tuy nhiên ngọn lửa tình vẫn cháy trong bí mật. Không còn là
pháo bông rực trời như ngày xưa, đây là than hồng cháy lâu, một người độc thân
không hy vọng gì nữa có thể giữ cái son trẻ trong tim và tùy cơ hội sưởi ấm
ngón tay trong những đêm đông giá lạnh. Từ khi Boppi luôn luôn ở gần tôi và cho
tôi cảm tưởng huyền diệu là được hưởng một tình yêu bền chặt và thành thực, tôi
có thể giữ nguyên cái tình ấy như sự sống sót của một bài thơ tuổi trẻ, không
nguy hiểm gì.
Vả chăng thỉnh thoảng Elisabeth giở những trò tinh quái vặt của
đàn bà, cho tôi được dịp gây lại chút nhiệt tình và tự khen mình sống độc thân.
Từ khi Boppi đến ở với tôi, tôi đến nhà Elisabeth thưa dần.
tôi đọc sách với Boppi, coi báo, coi những tập ảnh du lịch, chơi cờ: để giải
trí chúng tôi nuôi một con chó, ngồi bên của số chúng tôi nhìn mùa đông đến. Y
đạt tới một cách nhìn đời, một thứ triết lý thực tiễn duy thực nhưng lạc quan
mà hàng ngày tôi vẫn tìm thấy cái gì để học hỏi. Khi tuyết xuống ngập trời, mùa
đông tỏa màn trắng rung rinh dưới của sổ, chúng tôi ở yên trong phòng sống một
đời ngây thơ trong trắng đầy thú vui con trẻ bên lò sưởi. Ngoài ra tôi còn được
dịp tinh luyện nghệ thuật xét người, trước kia tôi vẫn theo đuổi mục đích ấy đã
lâu mà không biết được gì cả. Boppi là người nhận xét sâu sắc yên lặng, y có
nhiều hình ảnh về cuộc đời mà y đã sống ngày trước. Khi đã được trớn rồi y biết
kể những chuyện kỳ thú. Suốt bao nhiêu năm sống trên đời y chỉ biết chừng ba tá
người, chưa bao giờ y bơi lội giữa dòng sông đời như mọi người mà y hiểu đời
hơn tôi, bởi vì y quen nhận xét những cái nhỏ nhặt và y nhìn mỗi người như một
nguồn gốc kinh nghiệm, vui sống và tri thức.
Sự giải trí ưa thích nhất của chúng tôi vẫn như trước, vẫn là
vui với loài vật. Bây giờ không đi thăm sở thú được nữa chúng tôi tưởng tượng đủ
mọi truyện đủ mọi trò về loài vật thảo cầm viên. Phần nhiều không phải là truyện
kể, chúng tôi đặt ra những cuộc đối thoại. Thí dụ truyện tỏ tình của hai con
két, hai vợ chồng bò rừng cãi nhau, lợn lòi đối đáp:
- Mạnh khỏe chớ bà Chồn?
- Cám ơn ông Cáo, cũng nhùng nhằng. Ông có biết không, khi
tôi bị bắt tôi mất người chồng thân yêu của tôi. Tên nhà tôi là Keudepinsot,
như tôi đã được hân hạnh nói với ông. Chồng tôi quả là một hòn ngọc…
- Thôi bà láng giềng tôi ơi, xin bà đừng nói đến những chuyện
cũ rích: bà nói đến hòn ngọc ấy nhiều lần rồi, nếu tôi không lầm. Trời đất ơi!
Con người ta chỉ sống có một lần. Chẳng nên làm mất thú vui mình có thể hưởng
được.
- Nhưng mà, ông Cáo ạ, nếu ông biết rõ chồng tôi ông có thể
hiểu tôi hơn.
- Thì hẳn rồi! ông ta tên là Keudepinsot chứ gì? Cái tên hay,
êm dịu như vuốt ve! À mà tôi nói gì nhỉ? Hẳn bà cũng phải để ý đến đàn chim sẻ
nom ngứa mắt nhom nhom kia mỗi ngày mỗi lớn. Bởi vậy tôi đã tính được một kế.
- Về loài chim sẻ à?
- Thì chim sẻ mà. Tôi đã tính thầm. Ta để một chút bánh mì ở
trước lưới sắt rồi nằm phẳng lẳng đợi mấy con nhãi. Chỉ có quỷ đến phá đám
chúng ta mới không bắt được mấy chú ngốc. Bà nghĩ sao?
- Hay lắm đa, ông bạn!
- Vậy bà để miếng bánh ra đi. Để như thế, được rồi. Nhưng có
lẽ nên đẩy sang bên phải một chút để cả hai người cùng dùng chung. Lúc này tôi
không có miếng nào. Được rồi. Ta hãy đợi. Chúng ta nằm xuống nhắm mắt lại. Đây
kia một con thẳng cánh bay đến. (Ngừng nói một chút).
- Thế sao, ông Cáo. Vẫn chưa có gì à?
- Sao bà nóng ruột thế! Có lẽ lần thứ nhất bà đi săn chắc!
săn thì phải biết ngồi chờ, ngồi chờ nữa. Ta làm lại coi.
- Ừ làm lại, nhưng miếng bánh đâu mất rồi?
- Xin lỗi.
- Mất miếng bánh rồi!
- Sao lại mất được? Ủa thế mất thật à? Trời đất ơi! Lại cái
cơn gió mắc dịch kia!
- A tôi có ý kiến! Hình như tôi nghe thấy ông nhai cái gì thì
phải?
- Sao? Ăn cái gì à? Thế cái gì vậy?
- Miếng bánh, tôi giả tỉ là miếng bánh.
- Bà giả tỉ mà nói rành mạch như châm chọc ai ấy. Đành là người
ta phải chịu đựng một lời nói nữa của láng giềng, nhưng thế này thì quá lắm.
Quá lắm thưa bà. Bà hiểu chưa? Vậy là tôi ăn miếng bánh à? Bà tin như vậy à? Bắt
đầu tôi đã phải nghe câu chuyện ngọc trai nhạt như nước ốc của bà đến cả ngàn lần;
rồi tôi có ý kiến để miếng bánh mì…
- Chính tôi cung cấp bánh.
- … Chúng ta để miếng bánh, tôi nằm dài ra canh chừng; mọi việc
đều trôi chảy, ấy thế mà bà đâm ra chầy củ. Dĩ nhiên, sẻ bay hết, còn bày cái
cóc khô gì nữa; rồi thì bây giờ lại đổ tội cho tôi nuốt miếng bánh! À được! Bà
đợi đấy rồi tôi chuyện trò với bà nữa.
Tán tỉnh như vậy buổi chiều và buổi tối thời giờ đi mau và dễ
dàng quá. Tôi rất vui vẻ, làm việc mau mắn, thích thú, tôi lấy làm lạ lùng rằng
xưa kia mình lười biếng và quạu quọ đến thế, nhìn đời bi thảm đến thế. Những
ngày tươi đẹp với Richard không hơn gì những ngày bình lặng và an nhiên bây giờ,
chúng tôi cùng với con chó hưởng cuộc đời bên cạnh cái lò sưởi trong khi ngoài
kia tuyết bay phơi phới.
Và cũng vào lúc ấy Boppi đã lầm lẫn ngu muội lần thứ nhất mà
cũng là lần chót. Còn tôi hạnh phúc đã làm tôi đui mù, dĩ nhiên, tôi không thấy
y đau ốm nặng hơn trước. Nhưng y, y khiêm tốn và yêu mến tôi, y làm ra vẻ vui
sướng hơn bao giờ, y không than thở, y cũng không yêu cầu tôi đừng hút thuốc,
trong khi đêm đêm y đau dớn, ho nặng và cố nén tiếng rên rỉ. Cũng là tình cờ mà
một đêm, tôi nghe tiếng y rên khi ngồi viết ở phòng kế bên, y tưởng tôi đã đi
ngủ. Tội nghiệp cho y giật mình cả sợ lúc tôi bước vào bất thình lình tay cầm
cái đèn. Tôi bỏ đèn sang bên, ngồi xuống bên giường bắt y cung khai hết. Y tìm
cách trốn tránh mãi rồi sau cũng phải nói thật.
“Không đến nỗi hệ trọng lắm đâu. Chỉ có lúc cử động thấy tim
đau nhói, có khi thở cũng vậy.”
Gần như y muốn xin lỗi, làm như ốm đau là một trọng tội. Ngày
hôm sau tôi đi mời bác sĩ. Một buổi sang trời sáng sủa, tuyết đóng băng; lúc đi
đường tôi bớt lo ngại, tôi còn nghĩ đến lễ Noel và tự hỏi có thể kiếm cái gì
cho Boppi vui lòng. Thầy thuốc còn ở nhà tôi khẩn khoản mời được ông ta đi. Xe
của ông rất tiện dụng đưa tôi về, chúng tôi leo cầu thang, vào buồng Boppi. Thầy
thuốc xoa nắn, nghe ngóng, chỉ trông thấy ông nghiêm nét mặt hơn một chút vì
nghe giọng ông nói ôn tồn hơn một chút là tôi đủ hết vui.
Bệnh thống phong - yếu tim, một trường hợp nặng. Tôi nghe,
ghi nhớ hết và tự mình ngạc nhiên rằng không tỏ ý phản đối khi thầy thuốc bắt
phải đưa vào nhà thương.
Xe cứu thương đến vào buổi chiều, lúc trở về nhà tôi bước vào
căn phòng, con chó chạy ra quấn chặt lấy tôi, xúc động ghê gớm; chiếc ghế của
người bệnh đầy vào một góc phòng bên cạnh không người.
Đó, mối tình của tôi đã xoay ra như thế. Biết bao sự đau đớn
tôi đã trải qua trong những ngày kế tiếp. Nhưng ta đau khổ hay không có làm gì?
Miễn là ta sống mãnh liệt với người ta yêu, miễn là người ta cảm thấy mối liên
lạc sống động và chặt chẽ của ta với tất cả cái gì sinh sống, miễn là ngọn lửa
mến yêu của lòng ta không tắt! Tôi sẽ hi sinh, những ngày vui đã sống với ái
tình với dự định làm thơ nếu cần, miễn là lại được nhìn vào ông Thánh của những
ông Thánh như hồi ấy. Mắt mình cũng đau đớn mà tim mình cũng đau đớn, lòng tự
kiêu và tính khoe khoang của ta cũng bị thử thách gay go, nhưng rồi sau người
ta thấy bình thản, thấy mình hèn mọn biết bao, tự trong thâm tâm ta, ta chín chắn
hơn, ta có sinh khí hơn.
Ngày xưa, với con bé Agi, một chút gì là già nua trong người
tôi đã chết. Bây giờ tôi trông thấy người gù đau đớn và chết dần, mỗi ngày tôi
cùng đau đớn với y, yêu mến y, chia sẻ cuộc đời với y, bởi vậy tôi dự phần nào
vào tất cả sự kinh hoàng và sự thiêng liêng của cái chết.
Tôi đã dự kiến cái chết của một người mà đời sống chỉ là tình
yêu và đau khổ. Tôi nghe y pha trò như một đứa trẻ trong khi y cảm thấy bàn tay
phá hoại của sự chết. Tôi thấy vẻ nhìn của y, vẻ nhìn cố nén những cơn đau dữ dội
tìm tôi, không phải để ăn mày tình bạn mà để nâng cao tinh thần của tôi và chứng
tỏ cho tôi biết rằng tất cả những cơn đau, những cực hình ấy không làm cho y mất
những gì là tốt đẹp nhất của mình. Hai mắt y mở rộng ra, không còn thấy khuôn mặt
héo hắt tiều tụy nữa, chỉ có tia sáng long lanh của hai mắt,
- Tôi có thể làm gì cho anh được không?
- Kể một chuyện gì đi. Một truyện con tapir.
Tôi nói đến con tapir, y nhắm mắt lại, tôi phải ráng sức mới
giữ được giọng nói thường ngày vì nước mắt luôn luôn chảy ra hai mắt. Và khi
tôi nghĩ rằng y không nghe nữa hay y đã ngủ rồi tôi vội ngừng nói ngay. Bấy giờ
y lại mở mắt ra: “Sao nữa?”. Tôi tiếp tục nói đến con tapir, con chó xù, cha
tôi, thằng ranh con Matteos Spinetti, Elisabeth.
“Elisabeth đã lấy một anh chồng đoảng. Đời là như thế đó, anh
hai.”
Nhiều khi bất thần y nói đến lúc chết.
“Chết không phải là trò chơi đâu anh. Ta làm cái gì nặng nhọc
nhất cũng chưa nghĩa lý gì đối với sự chết. Nhưng rồi ta cũng làm được đến nơi
đến chốn”.
Hay là y nói: “Khi đã hết hình phạt rồi, tôi sẽ tha hồ cười.
Đối với tôi thì cũng có cái gì đáng chết lắm. Tôi sẽ bỏ được cái bướu, cái chân
ngắn quá, cái háng bị tê liệt. Còn anh, anh có vai rộng chân dài, nghĩ cũng
đáng tiếc.”
Vào những ngày cuối cũng, có lần y đang ngủ bỗng tỉnh dậy và
nói lớn:
“Trời không như quan niệm của thầy tu đâu, trời đẹp đẽ lồng lộng
hơn thế nhiều.”
Vợ người thợ mộc năng đến đây, bà ta biết tỏ thái độ cảm mến
thông minh và biết giúp ích. Tiếc rằng người thợ mộc không hề để chân tới.
Một lần tôi hỏi Boppi:
- Anh nghĩ sao? trên trời có thể có một con tapir không?
- Hẳn là có - y vừa nói vừa gật đầu để khẳng định - mọi giống
vật đều có ở trên trời với cả con hươu vàng nữa.
Lễ Noel tới, chúng tôi tổ chức một buổi tiệc nhỏ trên cạnh
giường Boppi. Rồi đến những ngày sương tuyết nhiều, đến ngày băng rã và tuyết mới
lại rơi xuống đám băng đã đóng cứng, nhưng tôi không trông thấy gì hết. Tôi được
biết Elisabeth vừa mới sinh con nhưng tôi quên ngay. Tôi cũng nhận được một bức
thư của bà Nardini rất thú vị, đọc xong tôi cũng bỏ xó. Công việc thì tôi làm
nhanh như ngựa phi và tôi có cảm tưởng rằng mình ăn cắp một giờ của mình hay của
người bệnh. Xong rồi tôi vội vã chạy ra nhà thương tôi ngồi hàng nửa ngày bên
giường Boppi trong sự thư thái và bình tĩnh như sống một giấc mơ.
Gần đến lúc chung cục cũng vẫn có vài ngày tươi đẹp. Những
ngày vừa qua, lạ lùng thay, hầu như biến mất khỏi trí nhớ của y và y hoàn toàn
sống trong quá khứ xa xôi. Suốt trong hai ngày, y chỉ nói đến mẹ. Hẳn là y
không nói được lâu, nhưng trong những khoảng cách hàng giờ người ta thấy rõ y
nghĩ đến mẹ.
“Tôi chỉ nói với anh có ít nhưng xin anh đừng quên những điều
liên hệ đến mẹ tôi, nếu không chẳng còn ai biết gì về mẹ tôi và biết tỏ
lòng ơn đức mẹ tôi. Mọi người nên có một người mẹ như mẹ tôi. Bà không đưa tôi
vào trại tế bần khi tôi không làm gì được nữa.”
Nằm trên giường y thấy khó thở lắm. Độ một giờ sau y lại nói
tiếp:
“Mẹ tôi yêu tôi hơn hết các anh em tôi và giữ tôi ở bên mình
bà cho tới lúc chết. Các anh tôi đều đi làm ăn xa, chị tôi lấy anh thợ mộc, còn
tôi ở lại nhà, tuy nghèo nhưng tôi cũng không đến nỗi khổ. Anh đừng quên mẹ
tôi. Mẹ tôi người bé nhỏ, có lẽ còn bé nhỏ hơn tôi. Khi mẹ tôi chết, anh láng
giềng Rutiman bảo rằng, chỉ cần cái săng con nít liệm bà cũng vừa.”
Đối với y cũng vậy, một cái săng trẻ con cũng xong việc. Y chết
trên giường nhà thương chỉ bé bằng con chó tiền rưỡi, hai bàn tay y bấy giờ giống
hai tay đàn bà ốm, dài, ngón thắp bút, trắng, nom hơi méo mó. Khi y không nghĩ
đến mẹ nữa thì lại nghĩ đến tôi. Y nói đến tôi như tôi không có mặt đấy.
- Anh ấy cũng không may, nhưng điều ấy không có gì thất lợi
cho anh ấy cả. Mẹ anh ấy chết sớm quá.
- Anh còn nhận biết tôi không, Boppi?
- Có chứ, ông Camenzind - y vừa nói vừa pha trò cười nhẹ
nhàng.
Rồi y lại nói thêm: “Giá tôi có thể hát được.” Đến ngày cuối
cùng y hỏi: “Này anh, ở nhà thương này có đắt tiền không? Tôi sợ chúng mình
không lo nổi.”
Nhưng y không đợi trả lời. Một chút hồng hào hiện lên khuôn mặt
tái nhợt, y nhắm mắt, nom có vẻ như sung sướng hoàn toàn.
Bà sơ nói: “Gần đến phút lâm chung rồi.”
Nhưng y lại mở mắt ra, nhìn tôi với vẻ tinh nghịch và nheo
lông mày ra hiệu. Tôi đứng dậy, đặt tay dưới vai bên trái y khẽ nâng lên, như vậy
y thấy dễ chịu. Tựa vào tay tôi như thế, y mím môi lại một lần nữa vì cơ đau nổi
lên, quay đầu đi một chút và rùng mình như thấy lạnh bất thình lình. Đó là lúc
giải thoát.
Tôi lại hỏi: “Thế nào, Boppi?” nhưng y đã hết đau, trong tay
tôi y trở nên lạnh buốt. Y chết ngày mùng 7 tháng Hai, lúc một giờ trưa. Đến chiều
chúng tôi lo việc ma chay, thân hình co quắp của anh vẫn yên tĩnh đợi lúc mang
đi chôn, cái chết không hủy hoại gì thêm. Trong hai ngày ấy tôi không ngừng lấy
làm lạ rằng tôi không buồn phiền nhiều không ngơ ngác và cũng không thể khóc được.
Trong khi y đau ốm tôi đã cảm thấy sâu xa rằng ngày vĩnh biệt đã đến, tôi không
phải chịu đựng nhiều nữa, tôi bớt khổ, đòn cân bên gánh nặng khổ đau dần dần đi
lên.
Tuy nhiên tôi cũng nghĩ rằng đã đến lúc lặng lẽ đi khỏi tỉnh
này về nghỉ ở phương Nam nếu có thể được, và cũng phải nghiêm trang nghĩ đến việc
sáng tác tập thơ, cho tới ngày nay mới có nét phác thô sơ. Tôi hãy còn dư chút
tiền, bèn tạm gác mọi hoạt động văn nghệ để sửa soạn hành lý đợi mùa xuân tới
là lên đường. Trước hết tôi đến Assise thăm bà bán rau, sau đến một chỗ thật hẻo
lánh, thật yên tĩnh trên núi. Hình như bây giờ tôi đã có kinh nghiệm khá lâu về
sự sống và sự chết, có lẽ tôi có quyền yêu cầu người khác nghe tôi một chút và
suy ngẫm về những điều tôi nói. Trong sự thích thú tôi nóng lòng chờ đến tháng
Ba, tai đã nghe thấy hàng tràng tiếng Ý chửi thề, mũi đã đánh hơi thấy mùi cơm
Ý thơm cay, mùi cam và mùi rượu Chianti.
Chương trình khá hấp dẫn, càng nghĩ đến tới càng thấy thỏa
mãn. Tuy nhiên, tốt hơn hết là hãy nếm trước rượu Chianti cái đã vì mọi việc xảy
ra khác hẳn.
Bằng một thể văn quái gở chủ quán Nydegger viết một bức thư cảm
kích nói cho biết tháng Hai tuyết còn dầy lắm, thật không may cho súc vật và
dân làng, đặc biệt là cha tôi đau yếu đáng lo ngại nên gửi tiền về hay tôi về
thăm nhà thì hơn. Gửi tiền về không yên tâm; vả chăng tôi có nhiều điều lo ngại
cho cha tôi, vậy phải về quê. Tôi về nhà giữa lúc thời tiết xấu quá; tuyết xuống
nhiều lại gió mạnh nên không trông rõ nhà cửa núi non gì hết; may mà tôi có thể
nhắm mắt mà đi vào cũng thấy đường về. Trái với sự ức đoán của tôi, ông già
Camenzind không nằm liệt giường, ông ngồi ủ rũ bên bếp lửa và ông cũng không được
yên ổn, cô láng giềng vẫn mang sữa cho ông ra rả tẩy não ông vì ông gàn dở sao
đó, tôi bước vào cô ta cũng không thôi cho.
Ông già tội lỗi nháy mắt trái về phía tôi mà rằng: “Coi kìa,
thằng Peter nhà tôi nó đã về kia.”
Nhưng cô gái vẫn tiếp tục răn rủa không chút bối rối. Tôi ngồi
xuống ghế, đợi cô ta cho ra hết giáo điều bác ái Ki tô giáo, lạ thật lời huênh
hoang của cô ta có nhiều đoạn cũng không đến nỗi vô bổ cho tôi. Lúc ấy tôi cũng
nhìn tuyết trên áo tơi và giày tan ra chảy xuống chân ghế thành từng giọt nước,
sau thành cái ao. Mãi lúc cô con gái cho chạy hết cuốn băng mọi người mới có thể
chào hỏi nhau hợp lệ, cô ta tỏ vẻ thân mật với mọi người.
Cha tôi đã yếu đi nhiều. Tôi nhớ lại ngày xưa đã có lần tôi
can gián cha tôi. Tôi đã đi xa, giờ cần phải cố gắng nữa.
Người ta không thể trông mong một người nông dân già nghiện
đã thành cố tật, những ngày có tiền ông không hề sống tiết độ, không thể trông
mong ông nghe lời mình khi ông đã bại liệt, không thể mong ông xúc động nhiều
vì tình con thương cha. Quả vậy, cha tôi chẳng hề động tâm, bệnh ông càng nặng,
ông càng thêm khó tính. Ngày xưa tôi ngăn ông làm cái gì bây giờ ông trả lại hết,
còn tính thêm lời nữa, ít ra ông không bủn xỉn, ông tính phải chăng. Ông cũng
giữ lời ăn tiếng nói ít khi nói nặng, nhưng ông có nhiều biện pháp mạnh để yên
lặng mà tỏ ra bất bình, chua chát, gay gắt. Có khi tôi hiếu kỳ mà tự hỏi không
biết đến tuổi già mình có trở thành một người quạu quọ không ai chịu nổi như thế
không. Bây giờ thì ông không còn tự do muốn uống bao nhiều thì uống, mỗi ngày
tôi rót cho ông hai ly rượu phương Nam, ông vừa uống vừa nhăn mặt, xong tôi cất
ngay chai xuống hầm và không bao giờ đưa chìa khóa cho ông.
Mãi đến cuối tháng Hai mới bắt đầu những tuần lễ chan hòa ánh
sáng làm cho mùa đông trên núi rực rỡ thiều quang. Thành đá lởm chởm phủ tuyết
vọt lên trời xanh lơ, trong làn không khí trong trẻo nom như gần quá chừng. Đồng
cỏ và triền núi đều phủ tuyết, thứ tuyết trên núi không đâu sáng và trong như
thế và mùi thơm không có ở dưới thung lũng. Trên những ngọn đá nhỏ mặt trời buổi
trưa khoe màu sắc sáng lạn. Dưới thung lũng và trên triền núi, bóng râm rất đậm
kéo dài ra một màu xanh nhạt; sau mỗi chuyến tuyết rơi hàng tuần lễ, không khí
trong sạch đến nỗi lúc đứng ngoài nắng, mỗi lần khí trời vào phổi và trở ra người
ta thấy khoan khoái vô cùng. Trên những triền thoai thoải trẻ con chơi trượt
tuyết, ngoài phố xá ông già đã ra sưởi ngoài nắng vì hồi đêm nóc nhà còn kêu
răng rắc nước đóng băng. Mặt hồ trắng như tuyết, không bao giờ đóng băng, bây
giờ phẳng lặng xanh ngắt một màu, chưa bao giờ mùa hè hồ đẹp như thế. Mỗi ngày,
trước khi ăn sáng tôi dìu cha tôi ra ngoài của và nhìn ông duỗi ngón tay sần
sùi đậm nâu ra ngoài ánh nắng ấm áp; một lúc sau ông ho và phàn nàn trời lạnh.
Ông làm bộ như thế để tôi rót cho ông mấy giọt rượu; vì không có gì đáng ngại
là ho với lạnh. Tôi lấy cho ông một ly nước cam thảo hay rượu ngải ông cẩn thận
chưa nín ho vội, trong thâm tâm ông khoan khoái vì đánh lừa được tôi. Ăn cơm
xong, tôi để ông một mình ở nhà, xỏ giày ống leo lên núi vài giờ, đi càng xa
càng hay, lúc trở về tôi mang theo cái bao đựng gạo để ngồi lên và trượt theo
triền núi dốc xuống ruộng.
Đến lúc tôi định đi Assise thì đường còn ngập mấy thước tuyết.
Mãi đến tháng Tư mới bắt đầu mùa xuân, tuyết tan ở cao, phía trên các làng mạc,
tan mau chưa từng thấy trong mấy năm nay. Đêm ngày nghe tiếng gió gào, tiếng
núi lở xa xa, tiếng thác đổ lôi theo những tảng đá lớn, những cây cối dập nát rồi
đẩy xuống mảnh ruộng hẹp, xuống vườn trái của chúng tôi. Gió lên cơn sốt nóng
như vậy làm tôi mất ngủ; đêm nọ sang đêm kia tôi khắc khoải bồn chồn nghe tiếng
than van của bão táp, tiếng gầm gừ của núi lở, tiếng hổ giận dữ dập sóng vào bờ.
Trong thời kỳ nóng sốt, mùa xuân xung phong ác liệt như thế, vết thương lòng đã
lắng dịu nay lại bùng lên mạnh mẽ đến nỗi nửa đêm tôi phải thức giấc, ngồi bên
song cửa nói ra nỗi niềm thương nhớ Elisabeth trong sự đau đớn cay chua. Từ đêm
ấm áp ở Zurich tôi điên dại vì tình, lăn lộn trên ngọn đồi trông xuống nhà cô họa
sĩ Ý, chưa bao giờ sự say mê chiếm đoạt tôi mạnh mẽ ghê gớm như thế. Thường thường
tôi có cảm tưởng như người đẹp ở gần kề tôi, mỉm cười với tôi, nhưng mỗi bước tôi
tiến lại gần thì nàng lại lùi ra xa. Tâm tưởng tôi dù bắt nguồn từ đâu cũng
quay về hình ảnh ấy không cưỡng được, tôi như người có vết thương không thế
ngăn mình gãi chỗ đau lên da ngứa ngáy. Tôi xấu hổ với mình - một cực hình vô
ích - tôi chửi rủa gió táp, tuy nhiên, giữa những sự đau đớn ấy, tôi vẫn âm thầm
hưởng lạc thú mãnh liệt, chẳng khác nào hồi còn trẻ thơ tôi nghĩ đến nàng Rose
xinh đẹp rồi một làn sóng nồng ấm và tối tăm kéo đến trùm lên người tôi.
Tôi hiểu rằng vết đau không có thuốc chữa, dẫu sau tôi cũng
thử làm việc cho nguôi. Tôi bắt đầu viết vài câu thơ, viết vài bài khảo cứu,
nhưng chẳng bao lâu tôi nhận thấy chưa phải lúc. Trong khi ấy ở đâu cũng có tin
bão táp phá hoại mùa màng, cả trong xóm tôi cũng chịu thiên tai. Thác lũ phá
nhiều khúc đê, nhiều nhà cửa, vựa thóc và chuồng bò bị tàn phá nặng, từ những
xóm ở ngoài trung tâm, người không cửa không nhà kéo đến; ở đâu cũng thấy khổ sở
than khóc, gạo hết tiền không. Chính vào dịp ấy mà tôi được may mắn ông tiên chỉ
cho người đến văn phòng để biết tôi có sẵn lòng dự vào quỹ ban cứu trợ. Người
ta đợi tôi thay mặt cả làng trước hội đồng tỉnh và nhất là tôi viết báo kêu gọi
sự giúp đỡ của toàn nước. Bây giờ là lúc tôi quên những đau khổ vô ích của
riêng mình để phụng sự một mục tiêu nghiêm trang và xứng đáng hơn, tôi bắt tay
vào việc với lòng hăng hái tuyệt vọng. Chẳng bao lâu tôi kêu được một người ở
Bâle nhận mở cuộc lạc quyên. Tỉnh tôi cũng không có tiền, chỉ có thể gửi đền
vài người giúp việc lao lực - chúng tôi đã biết trước như vậy. Tôi gửi thư đến
những tòa báo khác, thuật tai nạn và đăng lời kêu gọi. Tôi nhận được thư từ trợ
cấp, giấy hỏi tin tức và tôi phải làm thêm nhiều giấy má, phải ra hội đồng tỉnh
đương đầu với những người dân quê bướng bỉnh.
Mấy tuần lễ làm việc mệt nhọc không thể tránh được cũng có
cái hay. Dần dần công việc tiến hành đến chỗ thanh hoàn, sự có mặt của tôi
không cần thiết nữa; đồng cỏ xung quanh đã xanh om dưới ánh nắng mặt hồ phẳng lặng
hiền lành phản chiếu màu xanh trên trời vào sườn non không còn tuyết đọng.
Cha tôi cũng dễ chịu, hận tình đã tiêu tan như trôi theo dòng
nước với bùn lầy từ chỗ núi lở tràn xuống. Chính vào dịp này mà ngày xưa cha
tôi sơn lại chiếc thuyền, mẹ tôi ở ngoài vườn ngồi xem tôi nhìn tay ông cầm chổi
sơn đưa đi đưa lại, nhìn khói thuốc ở đầu ống điếu của ông và đàn bướm vàng nhởn
nhơ bay. Bây giờ không còn thuyền để sơn, mẹ tôi chết đã lâu, còn cha tôi quạu
quọ không ra khỏi căn nhà đổ nát. Cậu Conrad của tôi cũng gợi lại những ngày
quá khứ. Thường thường tôi nhắc lại những thành tích quá khứ với tiếng cười chất
phác nhưng cũng có vẻ tự kiêu. Hồi ấy ông không có kế hoạch mới nào, tuổi cao
cũng để lại vết tích một cách khác, nhưng dầu sao ông vẫn còn cái gì trẻ con,
son sắt làm cho tôi vui lòng. Thường thường ông là nguồn an ủi của tôi, ông giải
khuây cho tôi khi tôi không thể ở nhà với cha tôi được. Khi tôi đưa ông đến tiệm,
ông lẽo đẽo bên cạnh, cố hết sức để theo kịp tôi vì chân ông gầy gò và đi vòng
kiềng.
Để khuyến khích ông tôi thường nói: “Phải giương buồm lên chứ
cậu!” nói đến buồm chúng tôi lại nói đến chiếc thuyền nay đã hư nát, mà cậu tôi
thương tiếc như một người thân đã chết. Ấy cũng chính vì tôi yêu mến chiếc thuyền
cũ nát mà chúng tôi nhắc đến nó và những chuyện dính dáng với nó, chúng tôi nhớ
cả từng chi tiết nhỏ.
Hồ vẫn đẹp như xưa, mặt trời không đến nỗi nóng vẫn tạo ra bầu
không khí ngày hội như xưa, còn tôi, thằng cha ngốc nghếch, tôi thường theo dõi
đàn bướm vàng với cảm tưởng rằng xét cho cùng từ ngày trước đến giờ đời không
thay đổi mấy tý, tôi vẫn có thể nằm dài ra đồng cỏ theo đuổi mộng mơ con trẻ.
Tôi đã không làm thế, tôi đã phí phạm phần lớn năm tháng của tôi, ngày nào lúc
rửa mặt tôi cũng có thể nhận rõ điều ấy, dưới thau nước han rỉ tôi có thể thấy
đầu tôi hiện ra với cái mũi thù lù, với cái miệng đắng cay. Chàng Camenzind
trung niên còn chú trọng hơn đến việc loại bỏ những ảo tưởng về thời gian trôi
đi biền biệt; khi tôi muốn hoàn toàn sống trong hiện tại, tôi chỉ việc mở chiếc
ngăn kéo bàn cóng lạnh trong buồng tôi ra xem tác phẩm tương lai của tôi, một xấp
ghi chú và năm bảy tờ khởi tháo giấy cỡ in-quarto. Nhưng ít khi tôi mở ngăn
kéo.
Ngoài việc chăm nom ông già, tôi còn phải làm nhiều việc để
tu bổ căn nhà đổ nát. Nhiều lỗ hổng xuyên qua ván vách, lò bếp long lở phun
khói và bốc khét, cửa ngõ long ngõng, cầu thang lên vựa lúa đi vô ý có thể ngã
vỡ sọ. Trước khi sửa chữa cần phải mài lại rìu, sửa lại cưa, đi mượn búa và sắm
đinh, và lại còn phải kiếm ván mới thay những tấm đã thối nát trong tàu gỗ. Cậu
Conrad giúp tôi một tay để sửa lại đồ nghề và phiến đá mài nhưng ông già quá,
lưng đã còng không thể giúp được bao nhiêu. Bàn tay học trò giờ phải rách nát
vì gỗ cứng, chân phải đạp phiến đá mài dao xộc xệch. Tự tôi phải leo lên nóc dột
như tưới, đóng đinh, đặt mái, gọt, đẽo: mồ hôi chảy dầm dề xuống hầu đã hơi phồng
lớp mỡ. Thỉnh thoảng cũng có lúc, nhất là khi ken lại mái, tôi dừng tay búa, ngồi
thần ra rít một hơi điếu xì gà đã gần tắt, tôi dõi mắt vào nền trời xanh xa thẳm,
khoan khoái vì được làm biếng một chút và lấy làm sung sướng mà biết rằng bây
giờ cha tôi không thể bắt tôi làm luôn tay và quở mắng tôi nữa. Nếu có người
xóm giềng đi qua, đàn bà, ông già hay học trò, tôi bắt chuyện với họ để có cớ
nghỉ tay, dần dần tôi được tiếng là người ai cũng có thể trao đổi những lời
ngay lẽ phải.
- Hôm nay trời nóng quá phải không, chị Lisbeth?
- Nóng thiệt, anh hai. Anh làm gì đó?
- Đắp lại cái mái.
- Hay lắm chớ. Cần sửa chữa lâu rồi mà!
- Hẳn rồi, hẳn rồi.
- Ông già anh thế nào? Ổng đến bảy mươi chưa?
- Tám mươi rồi, chị! Già như vậy rồi cũng chẳng còn mong gì nữa.
- Ờ thì như vậy đó! Nhưng thôi tôi phải đi đây anh hai, nhà
tôi giục cơm tối. Thôi anh làm việc nhé!
- Dạ, chào chị!
Chị ta đi khỏi với cái tô và mảnh khăn, tôi thở từng đám khói
lên trời và nhìn theo khói; tôi tự hỏi tại sao mọi người đều chăm chỉ làm việc
trong khi hai ngày liền tôi đóng đinh một lách sườn vẫn chưa xong. Nhưng rồi
mãi cũng sửa xong cái mái. Cha tôi để ý đặc biệt đến cái mái, tôi không thể đẩy
cha tôi lên mái cho ông coi, đành phải mỗi ngày kể lại cho ông nghe từng ly từng
tý mỗi lách sườn đóng xong; tôi không khỏi khoác lác nói hay nói tốt thêm đôi
chút.
“Được rồi, được rồi, nhưng tôi không ngờ rằng anh có thể đóng
xong nội năm nay được.”
Trở lại những chuyến đi, trở lại cố gắng tìm lối vào cuộc đời,
tôi khoan khoái mà cũng bực mình rằng mình làm lại kinh nghiệm cổ xưa như cá phải
có nước, dân quê phải có ruộng: tất cả khôn ngoan trên đời này không thể làm
cho một anh Camenzind thôn Nimikon trở thành một người thành thị, một người của
xã hội thị thành. Tôi quen đi mà cho rằng như thế mới có trật tự, tôi sung sướng
rằng mình đi thiên hạ tìm hạnh phúc một cách vụng về như thế rút cục lại đến
quay về xó làng giữa núi và hồ, ở đấy tính hay tật xấu – nhất là tật xấu – đều
là cái gì thông thường và truyền thống. Ở ngoài, tôi quên quê hương, tôi muốn
cho tôi là một cây hoa lạ và quý, nhưng bây giờ tôi mới lại hiểu rằng đó chỉ là
đất lề quê thói không bỏ được và cũng không thích ứng được với phong tục của
thiên hạ. Ở đây không ai cho tôi là lập dị, và khi tôi nhận xét ông già tôi và
cậu Conrad tôi, tôi chỉ thấy tôi là con cháu khôn lớn một cách bình thường. Một
vài chuyến xông xáo dọc ngang vào thế giới chủ nghĩa và thế giới mệnh danh là
văn học, có thể đem so sánh với câu chuyện thuyền buồm kháu khỉnh của cậu tôi,
chỉ khác có điều chúng làm tôi mất nhiều tiền, nhiều công lao, nhiều tháng ngày
tươi đẹp hơn. Bề ngoài cũng vậy, từ khi anh Kueni, em họ tôi, cạo bộ râu của
tôi đi, từ khi tôi bắt đầu mặc chiếc quần có dây lưng và để sơ mi trần đi đây
đi đó, tôi trở lại hoàn toàn là người thổ dân Nimikon, rồi mai sau tôi già nua
lẩm cẩm, tôi cũng lần hồi thay thế cha tôi, giữ một địa vị nào đó trong đời sống
dân làng. Mọi người chỉ biết rằng tôi đã đi thiên hạ lâu ngày nhưng tôi giữ
kín, không cho ai biết tôi làm gì, mắc vào những cảnh xấu xa dơ dáng thế nào, nếu
không họ sẽ đem ra chế giễu và đặt tên hiệu để gọi chơi. Mỗi lần tôi nói đến nước
Pháp, nước Ý, nước Đức tôi làm ra bộ ta đây kể giỏi cả đến những chuyện tôi kể
đúng sự thực, tôi cũng đâm ra nghi ngờ mình có thành thực hay không.
Sau bao nhiêu chuyến lang thang, bao nhiêu năm lãng phí tuổi
xanh, tôi đã thu lượm được những gì? Người đàn bà tôi đã yêu và còn yêu mãi vẫn
ở Bâle với hai đứa con xinh xắn. Còn người kia, người yêu tôi, đã tự an ủi bên
người chồng khác, vẫn tiếp tục bán trái cây, bán rau và hạt giống. Tôi trở về
nhà vì cha tôi, cha tôi vẫn còn sống mà cũng không khỏi bệnh; ông ngồi trước mặt
tôi trên giường lười biếng của ông, ông nhìn tôi với con mắt thèm muốn vì tôi
giữ chìa khóa hầm rượu.
Nhưng chưa hết đâu. Ngoài mẹ tôi và người bạn trẻ chết đuối,
tôi còn hai vị thiên thần ở trên trời: con bé Agi và anh gù Boppi. Và tôi cũng
còn cái vui được thấy dân làng sửa nhà và đắp đê đá. Nếu tôi muốn, tôi cũng có
thể vào hội đồng thị xã, nhưng ở đấy cũng chán vạn người họ Camenzind rồi.
Mấy năm gần đây tôi có những viễn vọng tương lai khác. Anh chủ
quán Nydegger, nơi hai cha con tôi đã uống không biết bao nhiêu là rượu
Valteline hay rượu xứ Vaud, anh ta nay đã già, không muốn làm ăn gì nữa. Mới
đây anh kể cho tôi nghe nỗi khổ tâm của anh. Điều đáng tiếc là nếu không có người
trong làng trông nom, một hãng la ve sẽ mua quán rượu, thế thì chúng tôi không
còn có một nơi thoải mái ở Nimikon nữa. Người ta sẽ đặt một người quản lý là
người tứ xứ không phải người làng, dĩ nhiên họ thích bán rượu bia hơn rượu nho
và đầu độc cái quán của Nydegger. Từ khi tôi biết chuyện ấy tôi mất cả thư
thái. Tôi còn một ít tiền gửi nhà băng ở Bâle, tôi kế nghiệp lão Nydegger hẳn
cũng không đến nỗi dở. Chỉ có một điềm không trôi: tôi không muốn làm chủ quán
khi cha tôi còn sống. Một đằng thì ngại mình khó giữ được cha khỏi uống quá độ,
đằng khác tôi sợ cha tôi chế nhạo rằng chữ Latin với học thức chẳng giúp tôi
làm được cái gì hơn nghề bán quán ở Nimikon. Không xong rồi, tôi đành đợi cha nằm
xuống hãy hay, tôi chẳng lấy thế làm mong mỏi, đó chỉ là lý do chánh đáng mà
thôi.
Sau nhiều năm sống trong sự ngụ mị yên tĩnh ít lâu nay cậu
Conrad tôi lại thấy cần phải làm cái gì, thật quả là tôi không khoái tí nào.
Ông thường cắn móng tay và nhăn trán lại suy nghĩ, ông đi lại trong phòng với
bước chân hấp tấp của ông, ngày đẹp trời ông nhìn mặt nước không mỏi. Mợ
Censine tôi nói: “Tôi biết rằng ông ấy lại muốn đóng một cái thuyền nhỏ.” Mà quả
thật, mắt ông để lộ sinh khí và táo bạo mà từ bao nhiêu năm nay không có vẻ
ranh mãnh tự kiêu, làm như lần này ông biết cách hẳn hoi. Nhưng tôi cho rằng đó
chỉ là ảo tưởng, linh hồn ông mỏi mệt rồi chỉ cần đôi cánh để bay về trời. Cậu
ơi, cậu giương buồm lên thì vừa! Nhưng ngày nào ông chết thì mấy ông mãnh trong
thôn sẽ được xem một trò lý thú. Vì tôi đã dự định sẽ tiếp lời cha xứ nói ít
câu trước mộ ông, khoản này chưa từng có trong dân làng. Tôi sẽ nói đến ông cậu
như một người có phúc, một đứa con cưng của Chúa trời, sau khi nhập đề, tôi sẽ
tặng những người đưa đám chịu tang một nắm muối ớt, họ sẽ không quên đâu và họ
cũng không tha thứ cho tôi sau một thời gian ngắn. Tôi mong rằng cha tôi cũng
còn sống để được chia phần.
Trong ngăn kéo đã có đoạn đầu tập thơ của tôi. Tôi có thể nói
là “tác phẩm của đời tôi”. Nhưng đó là một chứ to tát quá, tôi không muốn đọc tới
vì tôi phải thú thực rằng muốn tiến tới và hoàn tất tôi chưa có cặp giò chắc chắn.
Có lẽ rồi sẽ đến lúc tôi bắt đầu lại lần nữa, tôi sẽ kiên trì, tôi sẽ đi đến đầu,
đến đũa. Bây giờ thì những hoài vọng thanh niên không đánh lừa tôi nữa vì dù sao
tôi cũng là thi nhân.
Kỳ vọng ấy thiết tưởng cũng tương đương hay tốt đẹp hơn hội đồng
hành tinh hay sửa chữ đê điều, nhưng nó cũng không năng động cân bằng quá khứ đời
tôi, tuy quá khứ ấy không đi đâu mất: bao nhiêu hình ảnh thân yêu, từ nàng Rose
Girtanner thanh tú đến anh Boppi đáng thương.
Hermann Hesse Dịch giả: Vũ Đình Lưu
Hermann Hesse
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét