Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Ai đã trù dập nhạc sĩ Văn Cao

 Ai đã trù dập nhạc sĩ Văn Cao

Phamvietdao.net: Nhà báo Lê Phú Khải từ Sài Gòn điện ra đề nghị chủ blog chỉnh lại một chi tiết mà nhà văn Lê Xuân Quang viết không chính xác: năm đổi tên Đảng CS Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam là năm 1951. Nhà báo Lê Phú Khải cung cấp thêm thông tin: tham gia trù dập Văn Cao ngoài Tố Hữu còn có Nguyễn Đình Thi và Lưu Hữu Phước ???

Về vụ án này có 2 thuyết: Một, nói rằng, Văn Cao bị ‘’ông bạn thi sĩ Tố Hữu’’ trả thù. Xuất xứ, nguyên do: Vào hồi hai người – ông Văn Cao và Tố Hữu đi kháng chiến, sống trong rừng Việt Bắc, hai người đều làm thơ, lại cùng trang lứa (TH sinh năm 1920). Một lần, sau chuyến đi công tác vùng địch hậu trở về, Tố Hữu khoe với Văn Cao rằng, mới làm được một chùm thơ rất hay. Văn Cao đọc… hồn nhiên, (tếu), bảo bạn : ”Thơ cậu như ca dao ấy, có gì mà khoe!’.
Vô tâm, nói rồi quên ngay.
Chẳng ngờ, câu nói đó đã theo bạn mãi, và khi có quyền thế đã ‘’tính sổ’’ với người dám chê thơ, coi thường mình, bằng cách gán cho Văn Cao tội ’’đầu têu’’ xúi bẩy Văn Nghệ Sĩ ‘’chống Đảng’’ rồi đầy đọa ông gần 30 năm.
Tấn bi kịch của giới Văn Nghệ Sĩ miền Băc thời kì’’Nhân văn – Giai phẩm’’ thật đau xót, nhiều người tài năng gánh chịu tai họa, Nhạc sĩ – Thi sĩ Văn Cao là một trong những điển hình.
Xuân Sách vẽ bức chân dung thật rõ ràng, chân phương, chỉ đọc, ‘’xem’’ qua, người ta nhận ngay ra đó là chân dungNhạc sĩ – Thi sĩ đa tài VĂN CAO (83):
Thiên Thai từ giã về dương thế
Suối Mơ ngày ấy Buồn Tàn Thu
Sân đình ngất nghểu ngôi Tiên Chỉ
Uống rượu say rồi hát  Quốc Ca!
Thiên Thai, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu, Quốc Ca là tên những ca khúc âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ lừng danh, người được làng Văn – Nghệ miền Bắc( trước những năm 60) đặt cho biệt danh: ”Cụ Tiên Chỉ”.
(Thời phong kiến trước 1945, cụ Tiên chỉ là chức to nhất ở Làng. Khi Làng xã có việc hôi họp, tế lễ, cụ Tiên chỉ được mời ngồi chiếu trên, các ý kiến của cụ được chức sắc trong làng tôn trọng, làm theo).
Viết về Văn Cao đầy đủ nhất là từ điển Wikipedia. Ở bài này, tôi chỉ xoay quanh một vài nét đặc trưng nhất của chân dung mà Xuân Sách điểm xuyết.
Văn Cao tên thật Nguyễn Văn Cao, quê cha gốc Huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, sinh tại Hải Phòng. Tác giả Tiến Quân Ca (được nhà nước lấy làm Quốc ca của chính thể Dân chủ Cộng hòa từ khi chế độ mới  khai sinh (CHXHCN Việt Nam ngày nay): Học vẽ ở trường mỹ thuật Đông Dương cùng thời với những Họa sỹ bậc thầy của hội họa Việt Nam nhưng lại nổi tiếng ở lĩnh vực Âm nhạc. ”Cụ” là nhạc sỹ, tác gỉa Quốc Ca còn sống cùng với tác phẩm của mình thuộc loại lâu trên thế giới – 51 năm (1944 – 1995). Ngoài vẽ và sáng tác nhạc, Văn Cao còn nổi tiếng ở lĩnh vực văn thơ…  Trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông bị xếp vào thành phần ‘’lãnh đạo’’. Biệt danh ”Cụ Tiên Chỉ” là do giới Văn Nghệ đặt cho Văn Cao để chỉ tài năng đa dạng của ông (Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ), nhưng khi nổ ra phong trào NVGP, do từng viết bài cho 2 tờ Nhân Văn và Giai Phẩm, có một số ý kiến tán đồng, tâm đắc với bạn văn nhưng hoàn toàn  không phải là người khởi xướng, lãnh đạo NVGP, biệt danh Cụ Tiên Chỉ nhân đó bị gán ghép và trở thành lời kết tội ‘’Linh hồn của nhóm NVGP’’. Tại thời điểm đó sự áp đặt này rất nguy hiểm: Bị vô hiệu hoá, treo bút (không được công bố sáng tác bằng tên thật), về làm người minh hoạ cho Báo Văn Nghệ, thiết kế Mỹ thuật cho những vở diễn và viết nhạc cho hãng phim truyện Việt Nam. Án văn chương (không có vân bản) giáng lên đầu Văn Cao kéo dài tớí ba chục năm.
Người xưa đẵ từng khuyên: ‘’Nhất ngôn kí xuất, Tứ Mã nan truy’’, ‘’Uốn lưỡi bẩy làn trước khi nói’’! Phải chăng VC đã mang họa chỉ vì không chịu’’uốn…(cong) lưỡi‘’ trước khi nói, làm mếch lòng bạn nên đã gánh hậu quả?
Một số Văn Nghệ Sĩ có dịp gặp tiếp xúc với Văn Cao (lúc sinh thời) – lại nói khác về nguyên nhân ông gặp tai họa: Văn Cao từng tâm sự rằng, giữa lúc cuộc Cải Cách Ruộng Đất có sai, toàn Đảng Cộng Sản Đông Dương tiến hành sửa sai… để làm giảm sức căng và áp lực dư luận, anh chị em Văn Nghệ Sĩ của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm bị đưa ra ‘’trám lỗ hổng’’ thành ’’dê tế thần’’ nhằm lái dư luận phản đối của nhân dân – dãn ra, giảm sức căng bề mặt nhằm cứu vãn uy tín của Đản CSĐD (1951 mới  đổi tên thành Đảng LĐVN)…
Dù cho thuyết nào đúng, Văn Cao vẫn là người bị trù dập oan uổng. Vì vậy, thật đáng tiếc cho nền Âm nhạc, Thi ca Việt Nam ở nửa sau của thế kỷ 20. Nhạc sĩ tài ba  bị treo bút là đã mất đi một tài năng đang độ viên mãn. Mãi cho đến khi đất nước thống nhất (1975), ông sáng tác lại và công bố ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên. Ca khúc được nhân dân đón nhận nồng nhiệt, được những người yêu nhạc cả nước đánh giá cao. Trong bài hát có câu: ‘’…Từ nay người biết yêu người…’’ – đó là niềm trăn trở trong suốt nửa cuộc đời . Cũng như nhiều người, Văn Cao thành tâm nghĩ rằng từ nay – sau ngày đất nước thống nhất – những thảm cảnh mà ông, bạn bè cùng nhân dân đã gánh chịu, sẽ không còn tái diễn:’’Từ nay người biết yêu’’, thương nhau hơn !…
Vào cuối năm 1981, nhận một lần gặp Nguyễn Nghiêm Bằng – con trai thứ của Nhạc sĩ Văn Cao, cùng học ở Đại học xây dựng. Vốn ngưỡng mộ người nhạc sĩ lừng danh, tôi ngỏ ý muốn đến thăm nhà anh với mục đích được gặp tác gỉa Tiến quân ca. Bằng vui vẻ nhận lời, đưa tôi về chơi. Lên hết bậc thang, chơt thấy ông già măc quần đùi áo sơ mi cháo lòng, đi đôi ủng của thợ lò, râu ria, gầy gò, bước ra. Tôi nhận ra ngay ông là Văn Cao. Bằng giới thiệu : Con đưa anh bạn học đến chơi.
– Mời cậu vào, con tiếp anh ấy, mấy phút nữa bố trở lại !
Cửa vào căn hộ nằm lệch một bên. Căn hộ được ngăn thành nhiều buồng để ông bà cùng 3 người con trai và 1 cô con gái sinh sống. Căn phòng lớn 1 buồng của một gia đình 6 người này, không có nhà vệ sinh, không có bếp nấu. Muốn có nhu cầu đó phải nấu ăn ngay tại chỗ ngủ, đi vệ sinh phải ra ngoài trời theo cầu thang đi xuống tầng trệt! Hôm tôi đến, đêm trước mưa rất to, khu vực đặt nhà vệ sinh công cộng của gần mười hộ bị ngập.

Chủ nhân ngăn buồng lớn thành 3. Phòng ngoài cùng là nơi ngủ, tiếp các bạn Văn – Sỹ, và để tác gỉa sáng tác. Cạnh cửa sổ đặt chiếc Dương cầm trông cũ kĩ. Vách ngăn là chiếc tủ gỗ chỉ hai khoang ở phía dưới có cánh cửa dùng để đựng quần áo, chăn màn, còn bên trên để trống, làm gía sách và những thứ linh tinh. Trên tường ở 3 mặt – treo la liệt những bức vẽ của tác gỉa. Tôi nhớ rõ: Một bức vẽ hình người nhưng có hai mặt trên cùng một cái đầu, bức khác vẽ bà Nghiêm Thị Băng – bạn đời của ông lúc còn trẻ trông bà rất đẹp… Sát tủ, song song, kê chiếc giường cá nhân ghép băng gỗ tạp. Cạnh giường đặt một bàn gỗ,4 chiếc ghế. Để tiết kiệm diện tích và không gian, bàn, ghế được thửa vừa nhỏ để chủ nhân có thể ngồi ngay trên giường tiếp khách… rượu.
Lúc này, trên ghế có 2 người khách, trong đó một người là nhà văn Đỗ Chu (Bằng đã cho tôi biết, bố mẹ anh rất qúy Đỗ Chu, Bố thường cùng Đỗ Chu uống rượu). Tôi chào, bà Văn Cao ngẩng lên đáp lời rồi lại hướng vào ‘’thầy tướng’’ Đỗ Chu, nghe ‘’phán’’. Nguyễn Nghiêm Bằng kéo ghế mời tôi ngồi, nói với bố mẹ (ông VC vừa trở lại): Con đưa anh bạn tới chơi, nhân tiện nhờ anh Đỗ Chu bói cho anh ấy một quẻ.
– Ừ, ngồi cùng nghe rồi Chu sẽ xem cho.
Sau ít phút, Đỗ Chu kết thúc quẻ, quay sang tôi bỗ bã, hỏi: Ông muốn xem thế nào?
– Xin ông xem hộ tôi: Có thể xuất ngoại được đợt này không? Tôi nói ngày tháng năm sinh. Đỗ Chu cắm cúi lập bảng… Nhạc sĩ hướng vào tôi, hỏi nơi tôi công tác, gia cảnh… tôi trả lời… lúc này Bằng mới rút từ trong túi ra chai Russkaia Vodka đưa cho bố: Anh Quang biếu bố chai rựơu được cơ quan Cục chuyên gia phân phối nhân thể anh ấy sắp lên đường đi Hợp tác lao động.
Vào thời đó, đối với người thích rượu, chai Vodka Nga là món qùa qúy, ông Văn Cao cầm chai rượu ngắm nghía rồi cười vui…. Vừa đúng lúc ‘’Thầy’’ lập xong bảng, hướng vào tôi nói vắn tắt: Ông tuổi Nhâm Ngọ… sao này chắn… sao kia giaỉ… sẽ phát lộc  ở nơi xa. Tuổi ông phải đi mới ổn… rồi cho tôi thêm những lời phán’’có cánh’’.
Chai rươu Vodka được khui ngay khiến không khí gặp mật đầy hào hứng sôi nổi…
Ở những năm đầu của thập niên tám mươi – khi mà chủ trương thay quốc ca đưa ra, Văn Cao thực sự rất buồn. Không buồn sao được khi mà  dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Việt, niềm tự  hào cao nhất của nhạc sĩ – sắp bị xoá sạch. Ông lui về ‘’cố thủ’’ trong căn phòng nhỏ bé, chật chôi, vui cùng những chai rượu cuốc lủi nấu ở làng Vân – Từ Sơn – Hà Bắc (nút lá chuối khô) nức hương mùi men –  nếp. Sinh hoạt của nhạc sĩ thời gian này thường gói gọn trong căn hộ của mình, nhiều bạn hữu đến thăm khiến ông suốt ngày nhận qùa rượu và đãi rượu bạn…Tài uống rươu suông – uống ‘’xếch’’ (không mồi nhắm) – của ông thật ‘’kinh người’’ khiến các đệ tử Lưu Linh của đất Hà Thành phải kính nể. Ông có thể uống rượu liền tục trong ngày với bạn bè mà vẫn tỉnh táo…
Vào năm đầu thập niên tám mươi đó, không hiểu do từ ai, lí do gì lại đề xuất thay bản Quốc Ca đã dùng từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – bằng bản Quốc Ca mới. Mọi người đều rõ: Bài Tiến Quân Ca của Văn Cao – được dùng làm Quốc ca của Chính phủ cách mạng lâm thời – ra đời năm 1944, khi ông Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Đông Dương (tiền thân của Đảng CSVN ngày nay). Như vậy, chắc chắn thay Quốc Ca không phải do ông Trường Chinh chủ xướng. Có thể do ‘’cay cú’’ trước uy tín, tài năng của Văn Cao, người ta đi đến quyết định tai hại ”xóa sạch dấu vết” của ông bằng cách thay Quốc ca chăng?
Nhưng, đây là nghị quyết của Bộ chính trị, cần phải thực hiện nghiêm chỉnh ! Thế là một bộ máy chỉ đạo thi sáng tác Quốc ca được thành lập… tiếp theo đó, hàng chục nhạc sĩ, hàng trăm người có lòng nhiệt huyết với bản quốc thiều của nước Việt Nam – lao vào sáng tác dự thi… Ròng rã nhiều ngày, đài Phát thanh, đài Truyền hình quốc gia, địa phương thi nhau phát các bài dự thi tuyển chọn Quốc Ca để trưng cầu dân ý, chọn lấy một chiếc ”cột cờ trong bó đũa”. Xung quanh việc tuyển chọn quốc ca mới có rất nhiều giai thoại. Một nghệ sĩ danh tiếng của đất Hà Thành kể lại:
‘‘… Một lần tôi vào quán nhậu Thanh Hoa (nằm trong sân trụ sở 5 hội chuyên ngành – 51 Trần Hưng Đạo HN). Chợt nhìn thấy sát tường rào có bàn rượu đang ồn ào, với 6 người mặt mũi đỏ gay… đột nhiên một người cất tiếng hát khe khẽ nhưng rõ tiếng:
Ai đã từng nghe qua quốc ca cu (cũ),
quốc ca cu có nhiều thiếu sót
Ai đã từng nghe quốc ca cù (cũ)
quốc ca cù, quốc quốc ca cú (cũ)
Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy
cả Tiểu đoàn ca quốc ca cù
Người chiến sỹ, ca bài quốc ca cú…
Tôi dừng lại chăm chú nhìn và nghe… rồi tai ù đi vì lời bài hát do người hát nhại theo bài Tiểu Đoàn 307, với những câu ”Quốc Ca cu… Quốc Ca cù… Quốc Ca cú”… ép vần cho phù hợp với cung bậc, giai điệu của nốt nhạc, lặp đi lặp lại, làm người nghe lúc đầu ngỡ ngàng rồi sau thì không nén chịu được phải cười hết cỡ… ‘’thợ mộc’’!
Người hát vốn là nghệ sĩ có tên tuổi. Anh hát theo kiểu ép vần của Bút Tre, nhại lại giai điệu bài hát Tiểu đoàn 307, nhạc Nguyễn Hữu Trí, lời thơ Nguyễn Bính, bài tủ của nghệ sĩ Quốc Hương. Lời đặt nhại từ đầu đến cuối, mà đoạn đầu bài hát gốc – nguyên văn :
Ai đã từng đi qua Cửu Long Giang
Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy.
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn,
tiếng tiểu đoàn Ba trăm lẻ bẩy.
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy,
cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng,
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi…
Điều làm cho người được chứng kiến phải bật cười. Người hát có cặp mắt hơi trố, cứ long lên, đảo liên hồi, nhìn hết người này đến người kia, trong đó như ngầm bắn ra lời chất vấn ”Tại sao… tại sao?…”. Bài hát dứt, mọi người ngồi xung quanh được dịp đế vào… câu chuyện thay quốc ca cứ thế nổ ran…
Cũng từ ở đây, khi xã hội đang đói kém, kimh tế kiệt quệ… một vè ”Sấm Trạng” từ  trong dân gian được phổ biến, lan truyền :
Thứ nhất là loạn Quốc Ca  – (thi Quốc Ca)
Thứ nhì loạn gạo – (Đói, gạo tăng gía từng ngày…)
Thứ ba loạn tiền – (Đổi tiền, đồng tiền mất gía, trượt gía từng ngày…)
Tư – Loạn mua chức, bán quyền
Thứ Năm buôn lậu, chích, ghiền, xì ke (tệ nạn bắt đầu phát triển)
Thứ Sáu loạn hội, loạn bè (lúc này rất nhiều Hội ra đời)
Bẩy, Tám loạn Híp (HIV, AIDS), loạn nghề mại dâm
Thứ Chín – trộm, cắp tràn lan.
Mười Loạn tham nhũng, quan tham lộng hành.
Nước nghèo, Dân đói triền miên
Bao giờ hết loạn: Nước lên, Dân giàu!
(Giai đoạn này nhà thơ Tố Hữu đang làm Phó thủ tướng thứ nhất – Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng – theo mô hình tổ chức chính phủ của Liên Xô).
Dư luận xã hội hoàn toàn không tán thành việc thay bài Quốc ca. Theo họ : ”Tiến Quân Ca – Quốc Ca – ra đời trong không khí sục sôi  vùng lên của toàn dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập. Bài hát đã thúc dục người người lớp lớp… ngã xuống… tiến lên ! Giờ đây, không có một lý do nào chính đáng để thay thế bài Quốc ca”.
Trên thực tế, hàng trăm bài, để chọn ra 10 bài hát, cũng không có bài nào sánh được bài Tiến Quân Ca (1) của Văn Cao – xét thuần túy về nghệ thuật – âm nhạc. Văn Cao có viết một bài đăng trên báo Nhân Dân vẻ ‘’cam chịu’’ về chủ trương thay Quốc ca này… sau đó lặng lẽ lui về ”Uống rượu say rồi hát Quốc ca’’ – (của mình), nhớ về  những kỉ  niệm khi bài Tiến Quân Ca được Quốc Dân Đại Hội ở Tân Trào chọn làm Quốc Ca của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa…Có thể giới quân sự ngầm không đồng tìnb, dư luận của nhân dân phản đối… cuối cùng chủ trương thay Quốc Ca bị lặng lẽ xóa bỏ. Ai là người đầu tiên khởi xướng cho một việc làm tai hại này ?  Cho đến nay, câu hỏi đã không được giải đáp.
Năm 1986 – năm đất nước đổi mới, sau đó Văn Cao được phong tặng những danh hiệu, nhận các giải thưởng, các sáng tác của ông dưới thơi Tố Hữu thống lĩnh đội quân Văn hóa – Văn nghệ , đa số hầu như bị cấm phổ biến, nay dần được phục hồi bằng cách cho tổ chức các đêm nhạc, các nghệ sĩ được công khai hát tất cả những bài hát của Văn Cao. Ông còn được cấp nhà mới – thay cho căn nhà nhỏ bé, chật chội mà ông bà cùng các con sinh sống suốt mấy chục năm. Đây thực sự là một sự đãi ngộ đền bù tuy chậm nhưng còn kịp. Văn Cao chỉ được hưởng những ‘’ân xủng’’ không bao lâu rồi theo quy luật của cuộc sống ông đã về với tổ tiên mình.
Lúc sống – một thời gian dài bị trù dập, bạc đãi, giờ nằm xuống Văn Cao gần như đã được phục vị trong lòng dân Việt, làm dịu đi phần nào ý nghĩa câu ngạn ngữ đã vận vào cuộc đời ông:
”Lúc sống thì chẳng cho ăn
Khi chết bày vẽ làm văn tế ruồi‘’
Chỉ tiếc rằng : Giá… nếu như… Văn Cao không bị tù dập, treo bút thì… chắc người yêu thơ, yêu nhạc sẽ được đón nhận nhiều hơn nữa những sáng tác nổi tiếng của ông!.
5.7.2012
Lê Xuân Quang
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...