Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Mùa xuân với siêu phẩm và tuyệt tác của Văn Cao

 Mùa xuân với siêu phẩm và
tuyệt tác của Văn Cao

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận xét về nhạc Văn Cao: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư….”. Tố Hữu thì từ một góc nhìn khác: “Lời ca của Văn Cao lấp lánh ánh sáng tư duy cao sâu của một nghệ sĩ bậc thầy về sử dụng tiếng Việt hiện đại”…
Những bài hát đầu tiên của Văn Cao ra đời tại Hải Phòng, và như một lẽ tự nhiên, ca từ, giai điệu thường có bóng dáng của con người, cảnh vật thành phố quê hương nơi ông sinh ra, lớn lên. Trong gia tài âm nhạc đồ sộ của Văn Cao có hai bài hát hay về mùa xuân, đó là: “Bến xuân” sáng tác năm 1942 được đánh giá là “siêu phẩm” của Tân nhạc và “Mùa xuân đầu tiên”, sáng tác năm 1976, được gọi là “tuyệt tác cuối cùng”.
“Bến xuân” phải chăng ra đời ở Bến Ngự Hải Phòng?
Nhạc sĩ Văn Cao, quê gốc ở Vụ Bản, Nam Định, sinh năm 1923 tại Hải Phòng, mất năm 1995 tại Hà Nội. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật, hiện ông đang được đề nghị truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Văn Cao là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, bài hát “Bến xuân” của ông ra đời năm 1942 được đánh giá là một trong những “siêu phẩm” của tân nhạc. Trong bài hát ấy ông có nói về nhà mình ở một bến sông mùa xuân: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần…”, bến sông ấy có chim rừng bay về ca hót, có cành đào hoen nắng, cánh buồm nâu lướt sóng, liễu dương hơ tóc vàng trong nắng…
Trang web du lịch Việt Nam vietnamtourism.com.vn cho biết bến sông nơi Văn Cao sinh sống cùng gia đình chính là Bến Ngự Hải Phòng: “Bến Ngự là điểm nút của phố Hoàng Văn Thụ và Bưu điện Hải Phòng. Đây chính là nơi nhạc sĩ tài hoa Văn Cao đã sinh ra và lớn lên”. Còn lý do tại sao gọi là Bến Ngự, nghe giống một địa danh ở cố đô Huế (“ngự” là những gì dành cho vua, thuộc về vua) thì trang web này cho biết như sau: “Tại đây có cầu tàu xây dựng vào năm 1896. Người ta kể rằng tháng 5-1918, vua Khải Định đi kinh lý Bắc Kỳ qua Hải Phòng đã dừng chân ở đây nên gọi là cầu Ngự”.
Bài hát “Bến xuân” được Văn Cao – lúc đó là chàng thanh niên 19 tuổi – sáng tác gắn với một kỷ niệm yêu đương đầu đời khi còn ở Hải Phòng. Trong tác phẩm video ca nhạc nghệ thuật “Văn Cao, giấc mơ một đời người” của đạo diễn Đinh Anh Dũng, Hãng phim Trẻ sản xuất năm 1995, trong phần giới thiệu ca khúc “Bến xuân”, nhạc sĩ Văn Cao tâm sự: “Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”…
Tác giả Hà Đình Nguyên trong bài viết “Từ Bến xuân đến Cô láng giềng” trên Báo Thanh niên ngày 14-4-2012 cho biết: “Người con gái ấy chính là Hoàng Oanh, nữ ca sĩ ở Hải Phòng” và: “Rồi một hôm, Văn Cao đang ở Bến Ngự (Hải Phòng) thì nàng tìm đến. Không chỉ thăm suông mà nàng còn ngồi làm mẫu cho chàng vẽ (Văn Cao là một nhà thơ kiêm họa sĩ), rồi ân cần ngồi quạt cho chàng sáng tác nhạc… Có thể nói ca khúc Bến xuân không chỉ là một bài hát làm xuyến xao lòng người mà còn là một bức tranh sống động, một bài thơ với những ca từ đầy biểu cảm. Tóm lại cả ba năng khiếu (thơ, nhạc, họa) tài hoa của Văn Cao đều dồn vào Bến xuân: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân”.
Sau hai năm, bài hát này lại có một phiên bản mới, đó là vào năm 1944, khi đã tham gia Việt Minh, Văn Cao đặt lời mới cho bài hát và trở thành ca khúc “Đàn chim Việt” trên nền nhạc cũ và được đánh giá: “Phần lời này thoát khỏi tình cảm lãng mạn của đôi lứa như ở Bến xuân, mà nó mang những hình ảnh tượng trưng và gợi những tâm trạng của đoàn quân kháng chiến”.
Trong lời ca khúc mới, “đàn chim Việt” không chỉ bay quanh khu vực “nhà tôi” ở Bến Ngự nữa mà đã bay khắp đất nước: Thái Nguyên, Bắc Sơn, Yên Thế, rồi “qua Bắc sang Trung”, tuy vậy ông vẫn nhắc tới bến nước nơi chôn nhau cắt rốn của mình ven sông Cấm – Hải Phòng:
“Kìa nước xa xa sông Cấm còn mịt mùng ngoài bến xuân”
Cùng với một bài hát khác của Văn Cao là “Suối mơ”, “Bến xuân” được nhạc sỹ Phạm Duy đánh giá là cực điểm của “lãng mạn tính” trong ca nhạc Việt Nam.
Lời bài hát có nói đến “nhà tôi”, “sông Cấm”, “chiếc cầu soi nước”, rồi nghe những tâm sự của Văn Cao khi còn sống… cho ta liên tưởng đến Bến Ngự Hải Phòng, nơi có cầu tàu Cảng, có chim rừng từ đồi núi bên Quảng Yên, Đông Triều bay sang, có những cánh buồm nâu trên sông, có nhà dây thép (nay là Bưu điện thành phố) nơi Văn Cao đã từng làm việc thời gian ngắn với chức danh “điện thoại viên”…
Và cũng cần nói thêm rằng, Bến Ngự Hải Phòng những năm sau đó đã thành một địa điểm lịch sử: “Nơi đây chính là chỗ chiếc tàu Đuy Mông Đuyếc Vin đưa Hồ Chủ tịch sang thăm Pháp về nước, đã cập bến ngày 20-10-1946. Lễ đón được tổ chức trọng thể tại đây. Trong kháng chiến chống Pháp, phố này là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt” (theo Vietnamtourism.com.vn). Được biết, năm nay nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ từ Pháp trở về nước qua bến Ngự, cũng là lần đầu Người thăm Hải Phòng (20-10-1946 * 20-10-2016), Bộ phận giúp việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của thành phố Hải Phòng dự kiến phối hợp với Đảng bộ Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng sẽ tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo có hình thức phù hợp kỷ niệm sự kiện này.
Vậy đó, một bến nước gần Bưu điện Hải Phòng ngày ngày chúng ta vẫn đi qua thấy thật quen thuộc mà đầy ắp sự kiện lịch sử, gắn với nhiều kỷ niệm về Hải Phòng xưa, về Văn Cao và Tân nhạc Việt Nam.
40 năm “Mùa xuân đầu tiên” ra đời (1976-2016): Mùa xuân yêu thương, thống nhất
Những mùa xuân trước đây trong nhạc Văn Cao rất đẹp nhưng buồn: buồn vì tha hương, vì chia cắt, vì thân phận nô lệ, vì tình yêu không trọn vẹn… Nhưng sau khi đất nước thống nhất, đúng cách đây 40 năm, vào mùa xuân năm Bính Thìn 1976, ông sáng tác bài hát “Mùa xuân đầu tiên” trong đó có câu:
“Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu”, mùa xuân thống nhất, hòa bình, đoàn tụ, êm ấm trước đây chỉ có trong mơ, sau mấy chục năm gian khổ, chiến chinh nay người Việt Nam mới giành được.
Ca từ bài hát rất thánh thiện, bình dị nhưng thiết tha, tình cảm: “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người… “, cùng nhiều hình ảnh dung dị nhưng đối với hoàn cảnh thời đó vô cùng quý giá: mùa xuân theo én về, gà gáy trưa bên sông, mẹ gặp con, người yêu gặp lại người yêu…, giờ phút xúc động ấy ông lại thấy “yêu quê hương làm sao”.
Nhà thơ Thanh Thảo so sánh giai điệu bài hát như: “Cả một dòng sông vui, nhưng không trào cuộn ồn ào, mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, báo trước điều gì”.
Riêng tôi rất ấn tượng với nhận xét của tác giả Dương Minh Đức trên tạp chí Văn nghệ Công an vnca.cand.com.vn ngày 20-02-2012: “Như một tiểu thư đài các, thoạt đầu ca khúc còn dè dặt giữ một khoảng cách với khán giả. Nhưng rồi, cùng với thời gian, như rượu ủ lâu càng ngấm, “Mùa xuân đầu tiên” ngày càng đi vào đời sống. Có lẽ không hề quá lời khi ta khẳng định rằng, đây là bài hát luôn thức dậy trong hồn ta mỗi độ Tết đến xuân về, kèm theo đó là những bâng khuâng, day dứt về một thái độ sống sao cho xứng với những gì mà cả dân tộc đã phải mất bao nước mắt, máu xương mới giành lại được… ” (trích bài “Cố nhạc sĩ Văn Cao: “Mùa xuân đầu tiên”, tuyệt tác cuối cùng”).
Đây là bài hát cuối cùng Văn Cao, cũng như một lời gửi gắm của người nhạc sỹ tài danh với quê hương, với đồng bào mình. 40 năm qua, bài hát này đã trở thành một phần không thể thiếu của mùa xuân đất nước. Người Việt khắp nơi trên thế giới nghe “Mùa xuân đầu tiên” không chỉ để thưởng thức, thư giãn, mà còn nghe để thấm thía, để hồi tưởng, để sống dành cho nhau nhiều hơn, “từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người”… Một bài hát giai điệu đẹp, ca từ hay, hát lên lay động lòng người, hướng thiện nhân tâm, quả là một “tuyệt tác”!.
Khánh Toàn
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyện khó đặt tên Khách chơi vừa ngồi yên chỗ, tay kép đã so dây đàn: tằng tằng, tằng tằng, tằng tằng, tức là có ý hỏi nắn gân: “thằng ...