Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Biểu tượng "khuôn mặt" trong thơ Văn Cao

 Biểu tượng "khuôn mặt" 
trong thơ Văn Cao

Nghiên cứu thơ ca cũng như nhiều loại tác phẩm nghệ thuật khác dưới góc độ biểu tượng đang là một hướng đi đạt được nhiều thành tựu. Mỗi biểu tượng trong một tác phẩm cụ thể không tồn tại một cách độc lập mà gắn bó chặt chẽ với mẫu gốc trong vốn văn hóa chung, với tư duy của mỗi dân tộc.
Dưới cái nhìn của tín hiệu học, biểu tượng bao giờ cũng bao gồm hai mặt, mặt biểu trưng và mặt được biểu trưng, có mối quan hệ nội tại với nhau. Mặt được biểu trưng bao giờ cũng được liên tưởng từ một đặc điểm nào đó của mặt biểu trưng. Hơn nữa, sự liên tưởng ấy không tuân theo tỷ lệ 1:1, tức là từ một cái biểu trưng có thể suy ra được nhiều cái được biểu trưng khác nhau. Đây chính là tính  đa trị vốn tồn tại trong mỗi biểu tượng. Nhờ tính chất này, biểu tượng mở ra rất nhiều hướng nghĩa cho người cảm nhận. Mỗi người, tùy theo vốn văn hóa và hiểu biết khác nhau có thể giải mã một cách khác nhau.
Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài. Ngoài âm nhạc, ông còn có những tìm tòi mới mẻ trong thơ ca. Một trong những sáng tạo cần được ghi nhận của ông là xây dựng được những biểu tượng đa nghĩa trong thơ. Tìm hiểu những biểu tượng này, có thể thấy được mối quan hệ giữa văn hóa, ngôn ngữ với tư duy nghệ thuật riêng của nhà thơ. Trong khuôn khổ của một bài báo, chúng tôi chỉ xin được tìm hiểu biểu tượng “khuôn mặt” trong thơ Văn Cao.
Sự thể hiện biểu tượng “khuôn mặt” trong thơ Văn Cao
2.1. “Khuôn mặt” – một biểu tượng văn hóa
Mặt là phần sống động, là nơi tập trung của các trung khu thần kinh, điều hành cả cơ thể. Xuất phát từ đó mà trong vốn văn hóa chung của nhân loại, mặt thường được quan niệm là bộ phận đại diện cho cả cơ thể con người. Trong tiếng Anh, người ta dùng cụm từ “face to face” (mặt đối mặt) để nói về sự gặp gỡ, đối diện của hai người. Trong tiếng Việt cũng xảy ra trường hợp tương tự: “Đôi ta đã trót lời nguyền, Chớ xa cách mặt mà quên mảng lòng” (ca dao).
Khuôn mặt là phần phô ra của cơ thể, ít được che đậy bởi trang phục, ta dễ dàng để cho người khác nhìn thấy. Vì thế, khuôn mặt là biểu tượng của cái “tôi” sâu kín trong mỗi con người đã bị bóc trần ra một phần. Nét nghĩa này ăn sâu vào ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Người Việt thường “nhìn mặt mà bắt hình dong”, nhìn khuôn mặt mà đoán tính cách của người mang nó. Khuôn mặt đầy đặn, tròn trĩnh thường là người phúc hậu: “Mặt chữ điền quan rưỡi cũng mua” (Tục ngữ). Nam nhi quân tử, đầu đội trời, chân đạp đất phải có “râu hùm, hàm én, mày ngài”. Ở một số nước, người phụ nữ buộc phải che mặt khi ra đường, phải chăng là để giấu kín đi “cái tôi” của mình? Nghệ thuật thường lấy con người làm đối tượng phản ánh, và trong con người, rất nhiều nghệ sĩ tìm đến khuôn mặt để thể hiện tính cách, số phận của nhân vật. Thúy Vân mang “khuôn trăng đầy đặn” dự báo về một số phận êm đềm giữa cuộc đời. Khuôn mặt đầy bí hiểm của Monalisa trong tranh của Leonardo de Vinci mở ra rất nhiều hướng cắt nghĩa suy nghĩ về tâm trạng của nàng cho người thưởng thức… Vì vậy, khuôn mặt là bộ phận thể hiện rất rõ bản chất của con người. Khuôn mặt không những nói lên bản chất của người, mà “khuôn mặt” còn mang nét nghĩa rộng hơn, khái quát hơn, nói về diện mạo của các sự vật, hiện tượng khác: bộ mặt của xã hội, bộ mặt của cuộc sống…
2.2. “Khuôn mặt” – một biểu tượng trong thơ Văn Cao
Trong thơ Văn Cao, biểu tượng “khuôn mặt” vừa tiếp thu một số ý nghĩa trong văn hóa chung, vừa thể hiện những sáng tạo riêng của người nghệ sĩ. Khuôn mặt xuất hiện với tần số 15 lần trong những bài thơ ngắn của Văn Cao (không tính đến trường ca Những người trên cửa biển) và bao gồm những nét nghĩa biểu trưng sau:
Ý nghĩa biểu trưng thứ nhất: khuôn mặt hiện diện trong sự bình lặng, trong sáng – vẻ đẹp đã kết tinh thành những giá trị lớn lao, đã hóa thành sự trường tồn, vĩnh cửu:
Giữa những ngày dằng dặc,
Chỉ còn khuôn mặt em,
Sáng trong và bình lặng
(Khuôn mặt em)
Trên đường đi,
Khuôn mặt em làm giếng,
Để anh tìm làm đáy ngọc châu
(Khuôn mặt em)
Ý nghĩa này còn tiếp nối được ý nghĩa biểu trưng vốn có của “khuôn mặt” trong kho văn hóa của nhân loại: hiện thân của vẻ đẹp tâm hồn. Tuy nhiên, ở đây, Văn Cao đi sâu vào khai thác sự hiền hậu, vẻ trong trẻo của người phụ nữ – những phẩm chất mà ông luôn hướng tới như một điểm tựa tinh thần trong cuộc đời. Giữa “những ngày dằng dặc” gian khổ, khó khăn, giữa không gian ác liệt của con đường hành quân, hình ản khuôn mặt người con gái lại hiện lên trong tâm tưởng để xoa dịu đi những nhọc nhằn trong tâm hồn nhà thơ. Biểu tượng giếng trong tâm thức chung của nhân loại hàm chứa ý nghĩa biểu trưng cho nguồn sống. Khi so sánh khuôn mặt em với giếng, nhà thơ tăng thêm một nét nghĩa biểu tượng nữa cho biểu tượng “khuôn mặt”: vẻ đẹp sáng trong của người phụ nữ là nguồn sống tinh thần cho tác giả.
Văn Cao là người nghệ sĩ thầm lặng nhưng dẻo dai đi tìm những thể nghiệm mới cho nghệ thuật. Trong thơ, “khuôn mặt” không chỉ đơn thuần chứa đựng vẻ đẹp hình hài của con người, mà luôn toát lên sự ám ảnh về những suy tư, trăn trở trong nội tâm. Đây cũng là nét nghĩa biểu trưng rút ra từ biểu tượng “khuôn mặt” trong kho tàng văn hóa chung của toàn nhân loại.
Bỗng nhiên
Bóng người ấy che mất
Nửa mặt tôi
 
Nửa mặt của tôi
Của tôi nửa mặt trắng
Miệng tôi nửa miệng đắng
                        (Nguyệt thực)
Bóng tối và ánh sáng, thiện và các, yêu và ghét…, vốn là những cặp trái ngược và mâu thuẫn đan xen tồn tại trong một con người. Bằng việc xẻ đôi “khuôn mặt” ra thành hai phần trắng – đen, một nửa hiện diện và nửa kia bị khuất lấp, nửa này của tôi và nửa kia của “người ấy”, Văn Cao đã tái hiện lại sự trộn lẫn phức tạp mà đau đớn ấy. Tho ông lách vào giữa đường ranh giới mong manh của ý chí và bản năng rất người để vụt lên những suy tư. Rõ ràng biểu tượng khuôn mặt là nơi gửi gắm những trăn trở đầy tính nhân sinh của nhà thơ.
Không chỉ trong thơ, mà cả trong tranh của Văn Cao, khuôn mặt cũng biểu trưng cho vẻ đẹp thuần khiết nữ tính, và chứa đựng những trăn trở của nghệ sĩ về sự phức tạp và chiều sâu suy tư thăm thẳm của con người. Thơ và họa, hai ngành nghệ thuật thuộc về hai lĩnh vực khác nhau, nhưng có độ tương đồng rất lớn về ý nghĩa biểu trưng trong biểu tượng này.
Tuy nhiên, ý nghĩa biểu trưng của biểu tượng “khuôn mặt” trong họa chỉ bao gồm vẻ đẹp tâm hồn và bản chất phức tạp trong một con người – những lớp ý nghĩa cũng tồn tại trong thơ. Trong khi ở thơ, chúng ta còn có thể bắt gặp các nét nghĩa khác nữa mà trong họa tác giả chưa thể hiện.
Khuôn mặt là phần sống động của cơ thể. Nhìn vào khuôn mặt có thể nhận biết được một phần “cái tôi” của mỗi người. Văn Cao đã khai thác sâu thêm nét nghĩa văn hóa đó, để phản ánh những suy tư của bản thân về số phận cũng như sự sống mòn mỏi của kiếp người:
Những bộ mặt người nghèo khổ đêm đêm đến uống rượu
và nói to hơn thường ngày họ sống
Không không không phải như vậy tôi không hề nhìn thấy ánh đèn
của quán rượu đêm những bộ mặt người như đất
                                                            (Đêm quán)
Trong không gian quán rượu tàn tạ là sự hiện diện của những kiếp người nghèo khổ và tăm tối. “Đêm quán” đã trở thành một “ngữ cảnh tu từ” để tạo lên biểu tượng “những bộ mặt người như đất” trong bài thơ này. Sự tương đồng, cộng hưởng giữa ánh vàng vọt, leo lét của ngọn đèn với màu trắng bạc của mái tóc người chủ quán, với những nét hằn khắc khổ trên khuôn mặt, khách đến uống rượu, đã tạo ra dư vị cay đắng của số phận. Ở đây, có sự phát triển của biểu tượng khuôn mặt, từ “bộ mặt người nghèo khổ” đến “bộ mặt người như đất”. Con người luẩn quẩn trong vòng tròn của sự nghèo khổ, chỉ biết lao vào rượu để giải sầu. Số phận của họ đi từ nghèo đói về vật chất đến nghèo đói và mòn mỏi về tinh thần, thậm chí tê liệt cả cảm giác. Người Việt Nam thường có câu “hiền như đất”, nhưng ở đây, Văn Cao không chủ tâm khắc họa tính cách hiền lành mà muốn xoáy sâu vào sự ngơ ngác đến tội nghiệp của con người trước cuộc đời.
Tiếp nối mạch cảm hứng ấy, nhà thơ đã đưa thêm một nét nghĩa biểu trưng cho “khuôn mặt”: thể hiện cuộc sống “mòn”, sống mà như đã chết của con người:
Một bàn tay giơ lên không biết để làm gì
Hái một bông hoa hay hái một ngôi sao
Một bàn tay đưa vào
Khoảng trống
Cả nụ cười
Khi buồn
Làm thành mặt người đang sống
Đêm và ngày mặt trời hay mặt trăng
Đã ngủ từ lâu trong im lặng
Chỉ còn neo lại một cuộc sống trong anh.
                                    (Cuộc sống trong anh)
“Mặt người” đang sống được tạo nên từ những gì? Từ nỗi buồn, từ bàn tay đưa vào khoảng trống? Bàn tay đưa vào khoảng trống thực ra cũng là một biểu tượng biểu thị sự vô phương hướng của cuộc đời. Thậm chí, ý thức về thời gian, về “đêm và ngày”, “mặt trời hay mặt trăng”, về những đổi thay, chuyển biến của đời sống cũng tê liệt đến chết mòn trong anh. “Khuôn mặt” ở đây không còn là vẻ ngoài nữa mà đã biểu trưng cho một trạng thái sống – trạng thái tinh thần của con người. Với biểu tượng “khuôn mặt”, Văn Cao đã góp một tiếng nói, một dáng hình về sự “sống mòn” của con người vào trong văn học. Đây là những triết lý, tư tưởng mà Văn Cao gửi gắm qua biểu tượng “khuôn mặt” trong thơ, những triết lý gần như vắng bóng trong lĩnh vực họa.
Như đã nói, biểu tượng mang tính đa nghĩa, từ một mặt biểu trưng có thể suy ra hơn một mặt được biểu trưng. Biểu tượng “khuôn mặt” trong thơ Văn Cao dồn nén rất nhiều tầng lớp ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Những tầng nghĩa đó có mối liên hệ mật thiết với mẫu gốc, văn hóa và ngôn ngữ. Vì vậy, một trong những phương pháp khoa học để giải mã một biểu tượng là đi từ những kiến thức nền ấy. Theo phương pháp này, độc giả vừa thấy được sự tiếp thu vừa tìm ra được những sáng tạo riêng của tác giả qua mỗi biểu tượng. Bài viết chính là một minh chứng cụ thể cho cách thức, phương pháp giải mã biểu tượng này, hi vọng tạo ra được một cái nhìn, hay một cách thức cụ thể đối với bạn đọc trong việc tìm hiểu tác phẩm cũng như con người của Văn Cao.
Đỗ Thị Mỹ Hà
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...