Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Thời gian cô đặc trong thơ Văn Cao

 Thời gian cô đặc trong thơ Văn Cao

Tôi
Một trái cây muộn
còn sót lại cành
(Sự sống thật)
Văn Cao tự nhận mình như vậy, luôn chịu sự câu thúc của thời gian, cái thời gian kéo dài trong một ngày ở một thế ngồi bất động, “một cái bóng”, nhưng lại vô cùng ngắn giữa những chớp mắt của tâm tưởng, những hình ảnh, những ý nghĩ vụt lóe. Sáng tạo là chấp nhận sự mất đi của những thời gian đằng đẵng để đổi lấy cái chớp mắt của những thời gian cô đặc. Thời gian ấy có thể là tiếng kêu của “một khúc thép đỏ- trong chậu nước”, có thể là cái “lặng lẽ lấp lánh” của một con mắt “sau bóng đen”, có thể là một cái bóng chung cho cả hai người: Chúng tôi hai người – Một bóng… Thời gian ấy có thể nghe được từ “những tiếng rạn vỡ”, có thể thấy được từ dòng máu của một nhà văn thân thiết đang đối mặt từng phút giây với cái chết: Và dòng máu nơi anh – Những giọt mực cạn dần. Văn Cao có thể thấy, sau khoảng thời gian cô đặc như sau một tách trà ấy là Một khoảng trống thẳm sâu. Thơ có được từ những chênh vênh, những mấp mé miệng vực ấy của một thoáng chốc thời gian.
Tôi níu lấy mảnh lưới
Lưới là cái cuối cùng
Đang hắt tôi xuống biển
(Đêm phá Tam Giang)
Đó cũng là thời gian để đột ngột hình thành một cái gì:
Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
(Quy Nhơn 3)
Đọc thơ Văn Cao đã lâu, tôi cứ nghĩ mãi, vì sao thơ ông cô đặc được đến vậy? Thì ra, mỗi bài thơ của ông được dựng lên từ một lát cắt rất mảnh của thời gian, hoặc từ một sự cô đặc dồn nén cả một khoảng thời gian dài trong một chuyển động bất chợt:
Bất ngờ
một con chim bay qua cửa sổ
tự nhiên
ánh sáng đi
(Mùa xuân, em)
Với bài thơ Trôi, Văn Cao dựng xương sống của nó chỉ bằng ba động từ “thả”, “ôm” và “trôi”. Chỉ ba động từ mà đặt được một vấn đề triết học, một cách nhìn cách nghĩ không cố chấp về cuộc sống: Tôi ôm em trong tay – Em trôi. Người tự do là người nhận thức được quy luật tất yếu. Nhà thơ tự do cũng vậy, anh chọn xả kỷ chứ không phải ích kỷ, anh dám cô độc trên con đường mình đã chọn nhưng bao giờ cũng khát khao sự đồng cảm, sự chia sẻ, tình thân hữu. Tài năng của Văn Cao thăng hoa được tới đỉnh cao là nhờ cái tình sâu đậm của ông với con người, với nhân dân mình, với quê hương mình. Cõi thiên thai trong bản nhạc bất hủ của ông chính là cõi trần gian mà ông muốn thấy, mà ông khao khát chiến đấu để có được. Trong mỗi nhà Cách mạng cũng như mỗi nghệ sĩ chân chính đều có phần không tưởng, phần lý tưởng mà nhờ nó họ có được sự hy sinh tự nguyện và những tác phẩm để đời. Họ không cần và cũng không thể thấy những cõi thiên thai trên mặt đất này, nhưng họ khao khát, họ sống và chết vì sự khao khát. Văn Cao là một nhà cách mạng rất nghệ sĩ, và là nhà nghệ sĩ sống rất cách mạng. Hai con người này, nói như Văn Cao là: “Chúng tôi hai người – một bóng”, cái “bóng” ấy thấm đẫm xuống từng trang tác phẩm của Văn Cao.
Có những nhà nghệ sĩ lớn không Cách mạng, nhưng tự hào biết bao ở cái thế kỷ 20 khốc liệt này chúng ta được thấy hàng loạt những nghệ sĩ lớn, những nghệ sĩ vĩ đại đồng thời là nhà Cách mạng. Cách mạng trong tư tưởng, và Cách mạng trong hành động. Chính Cách mạng đã đặt đôi chân nghệ sĩ của họ cắm chặt trên mảnh đất cần lao, đứng cùng những người bị áp bức, những người đang chiến đấu để làm người, và chính Cách mạng đã làm thăng hoa những tưởng tượng những khát khao của họ về một thế giới mới, về những gì chưa thể nhìn thấy được trong hiện tại nhưng có thể sẽ là giai điệu chủ trong tương lai. Nhưng cũng như những nghệ sĩ Cách mạng khác, Văn Cao không bao giờ chấp nhận sự đánh tráo khái niệm, đánh tráo hình ảnh. Sự trung thực đến cùng với lý tưởng của mình có thể làm khổ ông một thời nhưng sẽ tôn vinh ông mãi mãi.
Bây giờ không còn những tiếng nổ to
Nhưng còn những tiếng rạn vỡ

Anh có nghe thấy không
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên
(Anh có nghe thấy không)
Văn Cao đã nghe từ ngót 50 năm trước những điều đang xảy ra hôm nay. Ông không phải là nhà tiên tri vu vơ, ông là nhà Cách mạng và là nhà nghệ sĩ, ông nghe được bằng tất cả trái tim mình, bằng sự linh cảm không đánh lừa của mình, bằng tất cả tấm lòng của mình với nhân dân với đất nước mà ông trọn đời yêu thương. Với những người như thế, thời gian trong tâm tưởng họ là thời gian cô đặc, họ có thể nhìn thấy cảm thấy những điều xảy ra trăm năm sau không phải nhờ một năng lực thần bí nào, mà nhờ cậy chính vào sự trong trẻo tuyệt vời của tâm hồn, của lương tâm họ. Đó là những người đã ngộ. Cái “thời gian cô đặc” trong thơ Văn Cao bắt nguồn từ khả năng cô đặc thời gian trong tâm tưởng ông, là sự dịch chuyển đến vô cùng từ một không gian hẹp, từ một thế ngồi bất động.
Tôi đã nhiều lần nhìn ngắm Văn Cao ngồi im lặng: ông có thể ngồi suốt ngày với một tư thế như vậy, với một tâm thế như vậy. Những lúc ấy, tâm tưởng ông liên tục du hành trong thời gian, trong những không gian tưởng tượng. Chính khả năng cô đặc thời gian, khả năng “tích trữ lương thực” cho tinh thần, cho tâm hồn đã đưa tới những bài thơ cô đặc mà Văn Cao từng ủ bao nhiêu năm trong những cuốn sổ tay nhỏ nhít của ông. Ủ như người ta ủ những hạt mầm. Bản thân những hạt mầm cũng là sự cô đặc thời gian, sự kiên nhẫn với thời gian. Đọc thơ Văn Cao giờ đây, tôi như thưởng thức được từng chấm sáng lấp lánh của thời gian qua từng con chữ. Nhiều khi, thơ cũng phải biết tự dè sẻn như thế, tự làm nhỏ mình lại như thế, biết kiên nhẫn như thế. Như những hạt mầm. Những hạt mầm của thời gian.
Thanh Thảo
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...