Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ Văn Cao - Người yêu nước, người khát vọng sáng tạo

Nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ Văn Cao
Người yêu nước, người khát vọng sáng tạo

Thời học trò, ở tuổi 11, 12 tôi đã từng hát rất hồn nhiên, vô tư, một số ca khúc của Văn Cao: Thiên thai, Suối mơ, Trương Chi, Buồn tàn thu…
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, rồi toàn quốc kháng chiến (1954- 1946), bạn bè trang lứa, lại hân hoan hát những bài ca cách mạng của Văn Cao: Tiến quân ca – Quốc ca, Chiến sỹ Việt Nam, Làng tôi, Ngày mùa, Sông Lô, Bắc Sơn, Đàn chim Việt, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Tiến về Hà Nội…Thật sôi nổi hào hứng với lứa tuổi măng non “Ca lô đội lệch/ Trống ếch rền vang/ Đội ngũ sẵn sàng/ Nhi đồng cấp tiến”.
Đến tuổi trưởng thành, tôi mới hiểu rõ ý nghĩa sâu xa, rộng lớn những bài ca của người nhạc sỹ. Với Văn Cao, Nhạc – Họa và Thơ như ba loại hình hợp nhất, hỗ trợ nhau trong tư duy sáng tác của ông.
Tôi đã được hát, được xem tranh, được đọc thơ của Văn Cao với cảm xúc hào hứng, say mê và suy tưởng. Về mỹ thuật, ông đã vẽ không ít tranh chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, đời sống, thuộc thể bố cục hoàn chỉnh: Chân dung giáo sư Đặng Thai Mai, Chân dung tự họa, Chân dung nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, Thái Hà ấp đêm mưa, Sám hối nửa đêm, Cây đàn đỏ… nhiều chất liệu khác nhau (sơn dầu, màu bột, màu nước…).
Ngoài số tác phẩm hoàn chỉnh, ông còn đóng góp cho nền nghệ thuật đồ họa – minh họa suốt hai cuộc kháng chiến đến ngày hòa bình. Có nhà sưu tầm mê minh họa của ông đã cắt dán thành bộ “sưu tập minh họa Văn Cao“ để thưởng thức, rồi trưng bày triển lãm. Chưa dừng lại, Văn Cao còn là họa sỹ thiết kế mỹ thuật sân khấu. Vừa soạn nhạc, ông vừa là tác giả mỹ thuật cho không ít các vở diễn nổi tiếng: “Hà Nội năm 1946, Tanhia (của Liên Xô cũ), Nhật ký người địa chất, Đồng mía ở Cuba, Từ Trường Sơn, Hừng đông Thăng Long, Truyện ông Bi và ông Hài, Bài ca sân khấu (chuyển thể tiểu thuyết Liên Xô Thép đã tôi thế đấy). Văn Cao đã đưa vào sân khấu Hà Nội một quan niệm khác về không gian và có lẽ bắt đầu từ vở Hà Nội năm 46. Trang trí của Văn Cao không thích hợp với đạo diễn và khán giả ưa tả thực, nhất là đối với ai lầm tưởng cái mà nhà mỹ thuật trang hoàng trên sân khấu chính là không gian sân khấu vậy. Thực ra, nó còn bao gồm những miền chuyển động sâu kín của hành động kịch… ngoài cả không gian hình thể, màu sắc ta vẫn nhìn thấy nó”. (Thái Bá Vân. Có một Văn Cao sân khấu. Tiếp xúc với nghệ thuật. Viện mỹ thuật, 1997). Dù ở thể loại nào tác phẩm của ông cũng được tinh lọc qua cái nhìn bao quát đến tối giản.
Vì yêu thích văn học – nghệ thuật, tôi đã thi vào Đại học Văn Khoa, rồi học cả mỹ thuật (ở Viện Mỹ nghệ – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Tôi có cơ hội được giao tiếp với Văn Cao. Tôi gần gũi và kính trọng ông như người Anh, người Thầy của nghệ thuật. Nhưng bắc cầu cho mối quan hệ ấm áp, thân tình ấy không thể không biết ơn nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, người bạn đồng sự, đồng nghiệp. Triển lãm mỹ thuật của tôi ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1992, ông và phu nhân đã tới chúc mừng, tặng hoa, ghi cảm tưởng và không quên ký tặng tôi hai tuyển tập quý của ông “Nhạc Văn Cao” và “Thơ Văn Cao”. Tôi lại hân hạnh được chụp ảnh chung với ông và phu nhân. Một kỷ niệm đẹp của tình thân yêu đã động viên tôi đi vào nghệ thuật.
 
Mười tám năm ông đã đi xa, tôi vẫn tưởng như ông còn hiện diện trên căn phòng ấm cúng ngôi nhà lầu gác 2, số 108 phố Yết Kiêu, Hà Nội. Với thân hình mảnh dẻ, ngày ngày ông ngồi trên chiếc ghế bành mây quen thuộc, trên bàn trước mặt ông một ly rượu trắng “quốc lủi” tinh khiết. Ông uống từng ít , từng ít một như vừa uống vừa lắng nghe chất đắng, chất cay, lại có chút vị ngọt, đang ngấm dần vào cơ thể. Ngồi trầm ngâm suy nghĩ sự đời, hay ông đang nuôi dưỡng những ý nhạc, ý thơ, ý họa lóe sáng trong đầu? Có lẽ cả hai: “Con thuyền đi qua để lại sóng/ Đoàn tàu đi qua để lại tiếng/ Đoàn người đi qua để lại bóng/Tôi đi qua, để lại gì? ”. Ông tự vấn “Giữa sự sống và sự chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống, tôi chọn sự chết” (Chọn).
Ông sống thanh bạch, hiền từ, giản dị. Ngoài chiếc đàn dương cầm, những hộp màu, bút vẽ, không còn vật gì đáng giá, nếu còn quên chưa kể một vài chai rượu quê được bạn bè, người thân biếu tặng. Và duy nhất còn có người vợ hiền luôn bên cạnh trợ giúp, an ủi ông trong mọi hoàn cảnh vui buồn, đau ốm… Sức mạnh tinh thần, tình cảm, thời gian, ý tưởng, tư tưởng nghệ thuật với ông mới là tất cả. Trong sinh hoạt giao tiếp, ứng xử đời thường, ông có phần vụng về, ngại ngần đến nhút nhát: “Có lúc/ ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt” “Tôi rơi vào mạng nhện/ mạng nhện cuốn lấy tôi/ Không còn cách gì gỡ được/Muốn phá cái mạng nhện/Tôi không đủ tay” (Ba biến khúc tuổi 65). Thơ của ông thường phá cách. Có ngôn ngữ riêng, không giống ai! Không đi vào nếp cũ đường mòn. Cũng không thuộc trường phái nào theo cách xếp loại thông thường, khép kín của các nhà phê bình.
Ngày ông ra đi, thi hài còn lưu lại ít ngày ở nhà lạnh Đại thể bệnh viện, để có thời gian chuẩn bị tang lễ. Đêm về, buồn thương ông – ngôi sao sáng vừa băng hà – nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đã bói Kiều, xin cụ Nguyễn Du 4 câu đầu trang tay phải: “Miệt mài trong cuộc truy hoan/ Càng quen thuộc nết, càn dan díu tình/ Lạ cho cái thói khuynh thành/ Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi” Rồi ông tạ từ “anh Văn ạ, cụ Nguyễn Tiên Điền nói thế, chắc là thế” (Thái Bá Vân. Tiếp xúc với nghệ thuật. Sách đã dẫn).
Về phần tôi, tôi không bói Kiều. Nhưng tôi có liên tưởng Kiều với Nhạc sĩ – Họa sĩ – Thi sĩ Văn Cao. Tôi thấy Kiều và Văn Cao có số mệnh gần nhau, tuy hoàn cảnh lịch sử hai con người ở hai đầu thời gian khác nhau, nhưng lại giống nhau về tài: “Thông minh vốn sẵn tính trời/ Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm/ Cung thương lầu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương… “Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần, phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”…
Những cống hiến to lớn của ông có tầm lịch sử. Ông xứng đáng được lịch sử, Tổ quốc và nhân dân ghi công. Xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, người nghệ sĩ công huân của dân tộc.” *
Trần Thức
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...