Tản Đà và An Nam tạp chí
Hơn mười năm trước, lúc tòa soạn Báo PN còn ở 188 Lý Chính Thắng,
có một nhóm bạn sinh viên Khoa Báo chí trường Khoa học Xã hội - Nhân văn đến gặp
tôi. Các bạn có nhờ tôi xem qua công trình khảo sát một số báo, tạp chí trước
1945 do các bạn thực hiện. Qua trao đổi, hầu như tôi không góp ý gì nhiều, chỉ
hướng dẫn một vài chi tiết trong đề cương để các bạn tiếp tục làm tốt nhất công
việc khó khăn này. Không rõ sau đó, công trình về báo chí Việt Nam của các bạn
đã đến đâu?
Chiều nay, sắp xếp lại tài liệu, tôi tình cờ tìm lại được.
Đọc kỹ, thấy hữu ích nên công bố cho mọi người tham khảo. Xin cám ơn các bạn
sinh viên đã tin cậy trao tôi tài liệu này. Và tôi sẽ post lần lượt dần, không
biên tập gì thêm. Tất nhiên, người đọc có thể trao đổi thêm điều này điều kia,
nhưng giá trị ở đây là các bạn đã tiếp xúc tư liệu gốc nên rất đáng tin cậy.
Thiết nghĩ, việc làm đáng khâm phục của các bạn sinh viên có thể giúp ích cho
nhiều người - nhất là những ai quan tâm đến sự hình thành và phát triển của nền
báo chí nước nhà.
Cẩn chí,
Lê Minh Quốc
CHƯƠNG I:
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA "AN NAM TẠP CHÍ"
I. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) kết
thúc. Thực dân Pháp tập trung khôi phục nền kinh tế Pháp bị tàn phá nặng nề
trong chiến tranh. Chúng tiến hành khai thác thuộc địa với một quy mô lớn và có
chiều sâu.
Để phục vụ cho ý đồ của mình, bọn chúng không ngừng ra sức củng
cố và tăng cường bộ máy cai trị đối với các nước thuộc địa với các chính sách,
chủ trương mới.
Việt Nam là một bộ phận trong hệ thống thuộc địa của Pháp lúc
bấy giờ, do đó, không thể nằm ngòai tầm kiểm soát của chính phủ về mọi mặt. Chính
bối cảnh này đã đánh dấu một bước ngoặc lịch sử quan trọng tại Việt Nam, không
chỉ trên lĩnh vực chính trị mà ngay cả trên lĩnh vực báo chí. Báo chí Việt Nam
thời kỳ này đã phát triển rất lớn mạnh. Thực tế cho thấy nguyên nhân phát triển
của báo chí thời kỳ này không phải là nguytên nhân kỹ thuật mà là những điều kiện
về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
1. Điều kiện chính trị
Vào thời điểm này người Pháp tìm mọi cách lôi kéo một số người
trong xã hội Việt Nam tham gia vào chính quyền của họ. Chủ yếu là những người
có học thức để thay cho quan lại người Pháp, nhằm thay đổi bộ máy tay sai để
phù hợp hơn với ý đồ của chúng. Những người này do nhà trường Pháp đào tạo và
dần dần được Pháp hóa, để làm chỗ dựa tích ứng với chính sách cai trị mới và
tình hình kinh tế mới.
Chúng đã có những họat động cụ thể như: Hội đồng Nam Kỳ được
chấn chỉnh lại bằng các sắc lệnh mới, có quyền biểu quyết ngân sách xứ Nam Kỳ.
Tuy nhiên, những điều kiện cử tri dành cho người Pháp vẫn chiếm ưu thế trong hội
đồng, tầng lớp thượng lưu và người Việt có tham gia nhưng vẫn bị lép vế. Các hội
đồng tư vấn Bắc và Trung Kỳ được bổ sung bằng những sắc lệnh mới, nhưng cơ bản
vẫn như cũ về điều kiện bầu cử, ứng cử và quyền hạn của hội đồng.
Ở nông thôn, thực dân Pháp lập Hội đồng tộc biểu dưới danh
nghĩa “cải lương hương chính” nhưng vẫn do bọn cường hào thuộc giai cấp địa chủ,
phú nông thao túng.
Trong bối cảnh đó, nhiều đảng phái chính trị bắt đầu xuất hiện
và thu hút ngày càng đông quần chúng chẳng những ở Thủ đô mà ngay ở các tỉnh.
Báo chí trong giai đọan này dần dần thay đổi hẳn bộ mặt của những năm đầu để đổi
lấy một sắc thái mới.
Ở Nam Kỳ, Đảng Lập hiến do Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phan
Long thành lập năm 1923 tại Sài Gòn cho ra đời tờ LA TRIBUNE INDOCHINOISE
như là cơ quan chính thức của nhóm tư sản Sài Gòn. Năm 1925, Đảng Lập hiến đưa
ra một tập sách lấy tên là “Nguyện vọng người An Nam” (LES VOEUS
ANNAMITE) - gửi cho viên toàn quyền Pháp VARENNE, yêu cầu cho tự do hội họp, tự
do báo chí, tự do đi lại… Nhưng những nguyện vọng này không được chính phủ
để ý tới. Sự thất bại này cùng với sự xuất hiện của các nhóm chính trị mới nổi
lên trong nước đã làm cho Đảng Lập Hiến bị lãng quên trong trước dư luận quần
chúng.
Năm 1927, Quốc Dân Đảng thành lập, do Nguyễn Thái Học và một
nhóm trí thức trẻ tuổi lãnh đạo. Mặc dù tổ chức nội bộ chưa được hòan hảo và
chưa gây được ảnh hưởng sâu rộng trong đám đông quần chúng nhưng Đảng đã vội ra
lệnh tổng tấn công - đánh vào quân đội Pháp ngày 10/2/1930. Thực dân Pháp đã
trả đũa rất dữ dội và tàn khốc :ngày 17 tháng 6 ở Yên Bái, tất cả những người
lãnh đạo Quốc dân đảng đều bị xử tử.
Trong khi Quốc Dân Đảng tan rã thì Đảng cộng sản Đông Dương bắt
đầu xuất hiện trên chính trường Việt Nam, được lãnh đão bởi một nhân vật xuất
chúng: Nguyễn Ái Quốc. Đảng trưởng thành một cách nhanh chóng, đóng vai trò số
một trong số những chính Đảng lúc bấy giờ. Để cổ động cho một chính sách tuyên
truyền có đường lối, Đảng cộng sản Đông Dương đã phát hành và phổ biến một số
báo chí bí mật rải rác trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam.
Đứng trước phong trào chính trị sôi nổi đang diễn ra, chính
phủ Pháp lúc bấy giờ cho ra đời một chích sách mới với mục đích làm dịu bớt
không khí chính trị căng thẳng này. Đó chính là chính sách “Pháp Việt đuề huề”.
Dụng ý chủ yếu của chính sách này là “mê hoặc” người dân Việt Nam, nhất là những
phong trào đối lập chính trị. Chính phủ Pháp lúc bấy giờ phải vận động cả một bộ
máy tuyên truyền (sách vở, báo chí…) để dùng vào việc vận động cho chính sách
này.
Cái huyền thoại “Pháp Việt đuề huề” này thực ra được khai sinh
từ thời A.SARRAUT, nhưng nó được người ta nói đến nhiều nhất là sau những năm
chiến tranh thế giới thứ nhất.
Phải công nhận là chính sách “mị dân” trên đây của thực dân
Pháp đã làm mê hoặc một số trí thức người Việt trong vào thời điểm này.
Ngày 5/12/1925, trong một cuộc tiếp rước VARREN ở Hà Nội, một
số sinh viên trường Cao Đẳng Hà Nội ra đón ông ta với biểu ngữ “Vive le
socialiste Varenne”. Ngay cả cụ Phan Chu Trinh trong những năm đầu làm cách mạng
cũng tin vào chính sách trên. Ông vẫn khuyên dân chúng nên học lấy cái “đạo đức”
của người Pháp. Ông vẫn tin rằng người Pháp ở thế kỷ XX vẫn còn là đệ tử trung
thành của những nhà cách mạng, còn kế thừa và phát huy tinh thần dân chủ của cuộc
cách mạng 1789. Những tờ báo tư sản như: Thực Nghiệp, Khai Hóa… chủ trương
chính trị cũng không ra ngoài đường lối “Pháp Việt đuề huề”.
Thực nghiệp thì muốn: “Nhờ thầy hay bạn tốt là nước đại Pháp
dạy bảo mà nước ta ngày một tiến bộ” (Thực nghiệp dân báo số 2, ngày
13.7.1920).
Sợ độc giả có thể ham mê buôn bán mà quên mất đường lối
quan trọng đó, Thực nghiệp dân báo luôn luôn nhắc nhở độc giả “Thầy dậy của ta
bây giờ là ai? Chính là thầy đại Pháp ấy”
(Thực nghiệp dân báo số 546, ngày 18.2.1922 ).
Tờ Khai Hóa của Bạch Thái Bưởi cũng luôn luôn tán dương
công ơn khai hóa của đại Pháp “may sao gặp được nước Đại Pháp sang
bảo hộ hết lòng hết sức mà khai hóa cho ta”
(Khai Hóa số 166, ngày 4-2-1922)
Tờ Hữu Thanh ngày ngày lặp đi lặp lại: “Từ khi ta công nhận nước
đại Pháp làm bậc tân tiến hướng đạo cho ta, bốn năm mươi năm trở lại đây nhà nước
bảo hộ hết lòng khai hóa cho ta”
(Hữu Thanh số 35, ngày 1-1-1923)
Tóm lại trong những năm giữa hai thế chiến, cái huyền thoại sống
chung, thành thật giữa những kẻ thống trị và bị trị quả là một đề tài được mọi
người và nhất là báo chí đương thời nói đến nhiều nhất. Để biểu dương cho chính
sách mị dân này, chính phủ Pháp dù muốn dù không đã chấp nhận cho người Việt
Nam một số tự do tối thiểu nào đó trong việc thành lập báo chí. Xuất hiện mỗi
ngày mỗi nhiều, báo chí dần dần giữ một địa vị quan trọng trong xã hội Việt
Nam.
2. Điều kiện kinh tế:
Kinh tế Việt Nam bắt đầu thành hình và có sự biến chuyển từ
sau thế chiến thứ nhất, khi các tàu Pháp vì chiến sự, các đường hàng hải bị các
tàu ngầm Đức phong tỏa không thể chuyên chở hàng hóa sang Việt Nam. Trước chiến
tranh, hàng hóa Pháp nhập cảng sang Việt Nam chiếm tới 50% tổng số hàng nhập khẩu,
tới năm 1918 giảm xuống chỉ cón 14%.
Nhân lúc Pháp bận chiến tranh ở Châu Âu, kinh tế Việt
Nam mới có cơ hội phát triển.
Sau chiến tranh (1914-1918), Đông Dương trở thành một
trong những khu vực đầu tư chủ yếu của người Pháp ở Viễn đông. Số lượng những
nhà kinh doanh công thương nghiệp tăng lên rất nhanh: “Mới có hai năm mà đã xuất
hiện 5-6 xưởng máy của người Việt Nam. Ở đấy chữa đủ các thứ máy như là ô tô,
xe đạp, tàu thủy và lập lò đúc để chế tạo các thứ máy vừa kể. Những thứ máy đó
đều chạy bằng điện” (Thực Nghiệm Dân Báo số 3, ngày 17/7/1920 )
Sức mạnh về kinh tế của Việt Nam phát triển khá vững như công
ty vận tải đường thủy Bạch Thái Bưởi ở Bắc Kỳ, và ở miền Nam lúc bấy giờ ta còn
thấy xuất hiện những nhà tư bản Việt Nam giàu có như: Trương Văn Bền,
Nguyễn Văn Sâm…
Song song với việc bành trướng thế lực kinh tế, những nhà tư
bản Việt Nam lúc bấy giờ đã mở rộng phạm vi hoạt động trong những lĩnh vực
khác như văn hóa, xã hội. Cùng với những đoàn thể hội buôn, thư xã và báo chí nối
đuôi nhau xuất hiện: Thực Nghiệm Dân Báo, Khai Hóa Hữu Thanh, Tân Thế Kỷ…
Báo chí thời kỳ này rất lưu tâm đến việc giới thiệu các công
nghệ Việt Nam như các nghề: dệt, làm muối, ấn loát… đồng thời với báo chí, hàng
loạt các tác phẩm nghiên cứu ra đời nhằm mục đích học hỏi cách làm giàu của giai
cấp tư sản.
Tóm lại những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, kinh
tế Việt Nam đã hình thành và phát triển mạnh. Chính điều kiện này đã góp phần rất
quan trọng vào việc thành lập báo chí, một ngành mới của xã hội Việt Nam.
3. Điều kiện văn hóa
Song song với những chuyển biến về kinh tế, chính trị thì vào
thời kỳ này văn hóa, giáo dục, y tế… cũng có những biến đổi đáng kể, nhất là
phương tiện giáo dục.
Theo chính sách “Pháp Việt đề huề” và để làm thỏa mãn trên một
phương diện nào đó những yêu sách của nhà ái quốc Việt Nam, một số trường học
bản xứ và trường pháp luật đã được thành lập.
Ở Bắc Kỳ, cuối niên học 1925- 1926 có đến 1.309 trường bản xứ
và trường Pháp Việt, gồm 1.946 lớp với 83.706 học sinh. Chính phủ Pháp đã hỗ trợ
trên địa hạt hành chính và tài chính, trong thời gian năn năm số học sinh đã
tăng lên gấp đôi.
Ở Trung Kỳ, trong lãnh vực giáo dục, nhờ sắc lệnh giáo dục của
nhà vua và một nghị định của chính phủ Pháp đã làm cho số người đi học tăng lên
vượt bậc. Trong thời gian chỉ có một năm, số lượng học sinh theo học ở các trường
Pháp Việt đã tăng từ 5.000 đến hơn 27.000 học sinh. Trong thời gian 10 năm, nhiều
trưòng học đã được thiết lập ở các tỉnh lỵ, phủ huyện và ngay ca ûở các miền
quê. Sự kiện này được thực hiện là do điều 69 của luật giáo dục công cộng “sẽ
phải có ít nhất một trường tiểu học ở mỗi xã”
Ở Nam kỳ,các trường tiểu học đã được phát triển mạnh hơn ở Bắc
và Trung kỳ. Nhiều trường tiểu học đã được thiết lập rải rác trên các lãnh thổ
thuộc địa, hội Khai Trí Kiến Thức được thành lập. Họ tập hợp tầng lớp thượng lưu
để truyền bá văn hóa Pháp, đạo đức Pháp. Công ty phim và điện ảnh Đông Dương ra đời, trường
Đông Dương ra đời. Trình độ nhiều người lên đến cao đẳng: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn
Sáng, Bùi xuân Phái, Văn Cao… Nam Triều Cao đẳng học đường được Pháp xây dựng, Cao
đẳng y dược được xây dựng năm 1913, Đông Dương Cao đẳng học viện thành lập nhiều
khoa: pháp luật, triết học, lịch sử; chữ quốc ngữ được học ở trường tiểu học.
Tóm lại nhờ vào sự phát triển của nghành giáo dục (dù muốn dù
không đối với chính phủ Pháp) và những phong trào truyền bá chữ quốc ngữ
do những nhà ái quốc Việt Nam tổ chức, thành phần có học dần dần lan rộng trong
xã hội. Hiện tượng này đã góp phần đắc lực vào việc tạo nên một lưc lượng độc
giả cần thiết cho báo chí trong giai đoạn này.
4. Điều kiện xã hội
Cùng với sự phát triển về kinh tế chính trị văn hóa, các tầng
lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam ngày càng có sự phân hóa rõ rệt. Đặc biệt là
sự ra đời của giai cấp tư sản.Tư sản Viện Nam không thể cạnh tranh về phương diện
tư sản với tư sản Pháp, nhưng họ cũng có tư sản, có nhu cầu chính trị, tự do ngôn
luận. Tuy nhiên vào những năm 1919-1930 giai cấp tư sản Việt Nam gia tăng mạnh
so với những năm trước đó. Nhưng yếu tố quan trọng hơn hết là thành phần
trí thức tiểu tư sản. Thành phần này chiếm số lượng đông đảo ở thành thị, bao gồm
các thương gia, các nhà tiểu thủ công nghệ và nhất là lớp trí thức sinh viên học
sinh. Được đào tạo ở những ngôi trường mới được thành lập, nhiều nhà trí thức, giáo sư, luật sư, bác sĩ, ký giả đã chịu ảnh hưởng một cách sâu đậm tư tưởng tiến
bộ của người Pháp.
Giai cấp công nhân được bổ sung đội ngũ của mình khá nhanh chóng nhờ kinh
tế phát triển nhiều mặt. Đáng chú ý là công nhân một số xí nghiệp sản xuất, khai
khoáng tăng lên với tốc độ cao hơn nhiều so với nhiều nghành khác và tập trung
trên một số địa bàn nhất định. Giai cấp công nhân Việt Nam đang trên đường chuyển
qua giai đoạn “tự giác”, là lực lượng quan trọng bậc nhất đối với sự hình thành
Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng xã hội quan trọng nòng cốt, đưa đất nước
Việt Nam sang kỷ nguyên mới.
Giai cấp tiểu tư sản thành thị đông đảo hơn với những cơ sở tiểu thủ công nghiệp,
tiểu thương, những người làm viên chức trong bộ máy nhà nước, sở tư về văn hóa,
giáo dục, y tế… Ở nông thôn xuất hiện tầng lớp địa chủ kiêm tư sản, có nhà máy
công xưởng, đồn điền, có mâu thuẫn với công nhân, nông dân ở công xưởng. Nhưng
hình thức bóc lột phong kiến từ xưa vẫn còn duy trì kết hợp với bóc lột nông dân
theo lối TBCN mới ra đời và phát triển. Đây cũng là một loại đề tài cho văn học
và báo chí khai thác.
Trên đây là những điều kiện về kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội,
những điều kiện cần thiết để hợp thành những yếu tố căn bản cho sự phát triển của
báo chí trong những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Chiến tranh thế
giới lần thứ nhất kết thúc, người Pháp dù muốn dù không đã phải giữ phần nào lời
hứa của họ là chấp nhận cho người dân các nước thuôc địa một sự tự tự do tương
đối nào đó.
Người Việt Nam dĩ nhiên cũng được thừa hưởng cái ân huệ tối thiểu này. Kết qủa
là người Việt Nam từ nay có quyền thành lập báo chí tự do hơn. Vì thế báo chí
xuất hiện ngày càng nhiều và dần chiếm giữ một địa vị ưu thế trong xã hội Việt
Nam vào thời kỳ này .
Mặt khác vào những năm 1925-1926, với sự xuất hiện của những phong trào chính
trị, xã hội trên khắp lãnh thổ Việt Nam lúc ấy, báo chí Việt Nam và nhất là báo
chí bằng tiếng Việt bắt đầu đề cập đến những đề tài chính trị, kinh tế có liên
quan đến tình hình sôi động trong những năm giữa hai thế chiến.
Theo ông Nguyễn Thành: “cho đến năm 1922, theo thống kê trong tập “Danh mục
các ấn phẩm nộp lưu chiểu” thì cả nước có 96 tờ báo, tạp chí, tập san… tức là những
xuất bản phẩm định. Trong đó Bắc Kỳ có 44 tờ, Nam Kỳ có 39 tờ, Trung Kỳ có 3 tờ.
Năm 1925, cả nước có 121 tờ, trong đó Bắc Kỳ 69 tờ, Nam Kỳ 49 tờ, Trung kỳ có
3 tờ.
Năm 1929, tăng lên 153 tờ, Bắc Kỳ 72 tờ, Nam Kỳ 71 tờ, Trung Kỳ 10 tờ. Trong đó
báo chí kinh tế chiếm vị trí quan trọng, chiếm ¼ báo chí thời đó.
Sau đây là một số tờ báo tiêu biểu thời kỳ đó:
* Thực nghiệm dân báo: xuất bản ngày 12.7.1920 do Bùi Huy Tính, một nhà doanh
nghiệp sáng lập, chủ bút là Trần Văn Quang.
* An Nam Tạp Chí, xuất bản 1.7.1926 do thi sĩ kiêm nhà báo Tản Đà làm chủ bút.
* Khai Hóa Nhật Báo, xuất bản 15.7.1921, do Bạch Thái Bưởi sáng lập, Hoàng Tích
Chu làm chủ bút.
* Đông Pháp Thời Báo, xuất bản ngày 2.5,1923, dưới sự điều khiển của ông Nguyễn
Kim Đính.
* Pháp Việt Nhứt Gia, xuất bản ngày 8.2.1927, chủ nhân tờ này là ông Trần Quang Liêm, dưới sự điều khiển của Cao Hải Để, một trong những nhân
vật lãnh đạo của Đảng lao động Đông Dương.
* Thanh Niên Tân Tiến do Hồ Văn Sao và Huỳnh Phú Yên thành lập ngày 8.1.1929
* Tiếng Chuông Rè do Nguyễn An Ninh sáng lập ngày 10.3.1923 tại Sài Gòn.
Trên đây chỉ là một số ít trong rất nhiều các tờ báo thời đó.
II. LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA "AN NAM TẠP
CHÍ"
Sau khi từ chức chủ bút tờ báo Hữu Thanh, Tản Đà đã tập trung
sức lực để cho ra đời tạp chí riêng của ông: tờ An Nam Tạp Chí.
Năm 1925, Tản Đà đã làm đơn xin mở Tạp chí An Nam. Năm 1926,
được sự cho phép của chính phủ, An Nam tạp chí ra đời nhưng lại chưa có đồng tiền
nào, trong chỗ nhà ở thuê tại một nơi thôn quê gần tỉnh lỵ Hà Đông lại thuê
thêm một chỗ nhà riêng, mời một ông trợ bút và dùng một hai người chép văn. Sau
đó Tản Đà mấy lần lên Vĩnh Yên Sơn Tây để đi vay. Vay không được đồng nào, tiền
hành phí đeo nợ mấy chục bạc. Một hôm ở Sơn Tây về Hà Nội, là ngày mùng 4 tháng
5 năm 1926, bữa ăn tối hôm ấy, ở tại nhà người anh em cùng tỉnh, là nghị viên
làm thầu khoán thuê ở phố Hàng Lọng, số nhà 50-52. Trong bữa ăn có 3 người: chủ
nhân, Tản Đà và một người khách nữa, không biết là ai. Khi rượu uống vừa say,
đàm đạo đến công việc tạp chí, Tản Đà tự thán một câu: ”cái việc đáng có vài ba
nghìn bạc mới làm được, ở mình thời nếu chỉ có một trăm là đủ làm mà không thể
nào có, ở đời thật nhiều lúc đáng buồn!”. Câu chuyện nói xong, ông khách cùng
ăn cơm cảm khái, hứa giúp một trăm bạc, hẹn đến 8 giờ tối hôm sau thì lấy. Một
trăm đồng bạc của ông khách đưa cho Tản Đà hôm ấy, ngay hôm sau đã đem trả nợ
tiền hành phí đi vay cùng chi tiêu về hai chỗ nhà thuê ở tỉnh Hà Đông tất
cả hết 50 đồng, còn lại 50 đồng thì đã chi ra 25 đồng để mua vật dụng cần thiết
và quảng cáo cho việc ra đời của An Nam Tạp Chí, còn 25 đồng thì giữ làm lương
thực ở Hà Nội, bốn người: Tản Đà, một ông trợ bút, một thư ký và một người làm
bếp.
Trước khi Tạp chí ra đời, chừng khoảng cách 3 ngày, tiền qũy
của nhà báo chỉ còn có 2 đồng bạc. Ngoài sự ăn, các khoản tiền tiêu dùng cho
duyệt báo cũng còn nhiều sự cần khẩn; cho nên ông chủ bút đã phải vay 20 đồng
lãi 15 phân, sau đó, ngày 1/7/1926, An Nam Tạp Chí ra đời tại 50-52 Hàng Lọng,
Hà Nội. Tòa báo đặt ngay ở nhà người đã mời Tản Đà bữa cơm lịch sử đó.
Làm An Nam Tạp Chí 10 tháng trời, đúng ra phải có 20 số, sự
thực chỉ có 10 số, tốn rất nhiều tiền nhưng chẳng có công trạng gì, An Nam Tạp
Chí tạm đình bản.
Thất bại báo An Nam Tạp Chí, Tản Đà vào Sài Gòn định đưa tạp
chí vào trong đó xuất bản nhưng không thành. Lý do Tản Đà công bố như sau: ”Mỗi
kỳ Tạp chí ở trong Nam mà phải gửi ra Bắc kiểm duyệt, kiểm duyệt ở Bắc được thời
mới gửi vào Nam để in, in xong ở Nam thời lại phải gửi Tạp chí ra Bắc phát hành
(Theo nghị định thời sự phát hành ở Hà Nội) như thế thật mất thì giờ và phiiền
phí quá lắm. Dẫu Tạp chí có xuất bản được nữa cũng là sự gắng gượng mà thôi. Vậy
nay tôi đành chịu bất tài mà để cho An Nam Tạp Chí đình bản”. (Đông Pháp thời
báo, số 654-1927)
Sau khi tạp chí này bị đình bản, Tản Đà đã đi du lịch nhiều
nơi, gặp gỡ nhiều người: gặp Phan Bội Châu ở Huế, Nguyễn Thái Học ở Hà Nội,
thăm mộ Nguyễn Huệ ở Bình Định và hai lần vào Sài Gòn cộng tác với nhà báo Diệp
Văn Kỳ, viết giúp các báo Thần Chung, Đông Pháp Thời Báo, Ngày Nay, nhà
xuất bản Tân Dân, giữ một thi đàn trong Tiểu thuyết tuần san cùng các tạp chí của
ông Vũ Đình Long, sửa mấy tập Văn Đàn Bảo Gíam cho nhà xuất bản Nam Ký, viết
giúp Phật học tạp chí, “Tiếng Chuông Sớm”
Sau khi ngao du sơn thủy, Tản Đà trở về Bắc cũng vẫn với 7 đồng
bạc trong túi nhưng ông nhất định làm sống lại An Nam Tạp Chí và lần này thì trụ
sở của tờ báo được dời về bên bờ hồ Hà Nội, số 1 Francis Garnier, trên một căn gác
rộng rãi trông thẳng ra hồ Hoàn Kiếm. Lần này Tản Đà hợp tác với một ông ấm ở
Hàng Gai. Sở dĩ có sự hợp tác ấy là do một lẻ vì tiền tài.
Hình như hồi ấy Tản Đà còn thiếu của ông này một số tiền, độ
vài trăm đồng nên ông ta muốn cho An Nam Tạp Chí ra đời để ông có dịp thu lấy nợ.
Ông chỉ đứng trông coi về mặt tiền tài, nghiã là thu nhận tiền mua báo, chi phí
in ấn và mọi khoản chi tiêu khác của tòa soạn. Còn Tản Đà trông coi về
văn bài, cho nên trên bìa An Nam Tạp Chí hồi đó có những danh từ “chủ nhân”,
“chủ sự” rất lôi thôi…
Tản Đà chịu để báo An Nam Tạp Chí ra đời với một nội trạng
như thế, vì theo lời nói của một người thuộc gia quyến Tản Đà, nếu ngày ấy An
Nam Tạp Chí nếu không tái bản thì sẽ bị thu giấy phép. Đây chính là lần tái
sinh thứ nhất, hay ra đời lần thứ 2 của An Nam Tạp Chí tại số 1 Francis Garnier
(Bờ Hồ, Phố Đinh Tiên Hoàng).
Ở số ra đầu tiên của lần này Tản Đà có bài thơ giới thiệu về
sự tái sinh của An Nam Tạp Chí
“Năm xưa đinh mão ta ngơi
Năm nay canh ngọ ta thời lại ra
Ai về nhắn chị em nhà
Nhắn rằng ta nhắn rằng ta ra đời”.
Lần này báo chỉ ra đời được 3 số, từ số 11 đến số13, bắt đầu
vào ngày 4-10-1930. Lần này báo đình bản là do nguyên nhân tài chính và một số
uẩn khúc gì đó.
Như chúng ta đã biết An Nam Tạp Chí tái bản lần này là do
mang nợ, biết Tản Đà không trả nổi món nợ nên chủ nợ mới “giúp” Tản Đà ra
báo để thu nợ. Tản Đà lại buộc phải chịu sự quản lý của người khác -vợ
ông ấm Hàng Gai - một người đàn bà to béo và đanh đá. Báo bán được đồng nào vợ chồng
Thăng Long lại thu vào tay để trừ nợ thành ra báo không có qũy. Trong hoàn cảnh
đó, Kính Đài Nguyễn Thống tìm gặp Tản Đà hứa cộng tác với Tản Đà cho báo xuất
bản không chịu sự chi phối của vợ chồng Thăng Long nữa. Được tin vợ chồng Thăng
Long đến tòa soạn xỉa xói với Tản Đà, thế là An Nam Tạp Chí lại đình bản
và Tản Đà cũng không cộng tác với Kính Đài.
Thế nhưng Tản Đà không dễ dàng bỏ cuộc như vậy, An Nam Tạp
Chí lại được tái bản lần thứ 2 (tức xuất bản lần 3). Lần này cùng với sự cộng
tác của Nguyễn Xuân Dương - Một nhà nho có tư tưởng tiến bộ, chủ hiệu thuốc
Dương Nguyên ở Nam Định, Tản Đà lại cho An Nam Tạp Chí chào đời ở số nhà 126 phố
Maréchal Foch (Phố khách thành Nam), bắt đầu từ số 14 (tháng 12/1930) đến số 24
(tháng 5/1931), được 10 số thì đình bản. Ở số đầu (số 14), Tản Đà có bài thơ
“Trâu đã dậy”:
“Con trâu chưa dậy mục còn chơi
Luống để cho ai những ngậm ngùi
Thằng mục đã về, trâu đã dậy
Đời chưa đáng chán chị em ơi!”
Với tấm lòng yêu mến đất nước, ở bìa Tạp chí Tản Đà đã cho vẻ
bản đồ Việt Nam, với bài thơ này, Tản Đà có dụng ý nói tới bản đồ An Nam ở bià
tạp chí giống như vết trâu nằm theo nhận xét của một bạn đọc. Nhân đó Tản Đà ví
Tạp chí của mình như con trâ bỏ đó, còn “thằng mục” là Tản Đà tự nói về
mình.
An Nam Tạp Chí hồi còn ở Hàng Lọng là bán nguyệt san, từ thờ
kỳ ở Nam Định là tuần báo, mỗi tháng ra 4 số. Số 14 - số đầu tiên của lần xuất bản
thứ 3 - được phát hành ở Nam Định vào tháng 12/ 1930. Đến tháng 5/1931 ra đủ 4 kỳ
rồi đình bản. Nguyên nhân đình bản lần này nói đi nói lại cũng vì tiền, nhưng
sau này, trên một số An Nam Tạp Chí xuất bản năm 1932 có một mẫu chuyện như sau: “Tại sao các nhà văn sĩ sính viết văn?”. Hồi đầu năm ngoái đây, theo lời xin
của ông Tản Đà, quan thống sứ nghị định bãi tờ nghị định trước: cho phép An
Nam Tạp Chí xuất bản ở Nam Định, tức là cho đem báo về Hà Nội bán như cũ. Vậy
mà một số bạn đồng nghiệp vội nhầm, đăng ngay tin báo An Nam Tạp Chí bị đình bản.
Rồi thì kèn đưa trống tiễn, thi nhau, người thì phàn nàn cho số phận “ba chìm bảy
nổi” của An Nam Tạp Chí, người thì ngao ngán cảnh viết giở ra gác lại của thi
sĩ Tản Đà… Sau khi thấy An Nam Tạp Chí không có điều kiện xyuất bản ở Nam Định bởi
sự eo hẹp về tài chính, Tản Đà lại cộng tác với Mai Khê (Mai Khê - Ngô Thúc Dịch,
là cử nhân Hán học, sau theo Tây học và học Cao Đẳng Pháp chính) và tất nhiên
phải xin phép nhà nước cho báo chuyển về Hà Nội.
Mai Khê không muốn cho bàn dân thiên hạ thấy việc An Nam Tạp
Chí “chết” vì thiếu tiền nên lấy việc chuyển tòa bao làm nguyên nhân chính.
Nghĩa là báo không chết mà tạm nghĩ để chuyển trụ sở.
Sau một thời gian tạp nghĩ, An Nam Tạp Chí lại ra đời lần thứ
4 tại số tại số 68 Hàng Khoai - Hà Nội.
Hồi này Tản Đà sức khỏe giảm sút, do đó mọi việc chủ yếu do
Ngô Thúc Dịch trông coi, lực lượng cộng tác viên và nhân viên tòa soạn phát triển
mạnh hơn trước.
Mặc dù tình hình chung có phấn chấn hơn trước nhưng báo vẫn
ra tùy hứng. Là tuần báo nhưng không phát hành theo tuần. Tháng 1 ra 2 số,
tháng 2 ra 3 số, có tháng lên tới 7 số (tháng 6). Từ số thứ 42, báo chỉ ra có một
số chính và một số phụ. Một ngày kia người ta để ý thấy trên trang một của
số phụ của số 48 tờ An Nam Tạp Chí những dòng chữ cảm động như sau: “Vì tôi
còn thiếu tiền in báo lần trước: số tiền lên đến 600 đồng bạc, đến nay lo món
nợ ấy, thành báo quán bị tịch biên” (An Nam Tạp Chí số 48 phụ bản ngày
9/7/1932)
Thế nhưng An Nam Tạp Chí vẫn chưa chết hẳn, nó tiếp tục vật lộn
với số phận và lại tiếp tục ra đời lần thứ 5 tại số 145 phố Hàng Bông. Báo in khổ
nhỏ chỉ bằng nửa lần trước, đánh số lại từ đầu, số 1 ra ngày 1/9/1932. Tòa
báo đặt ở Hà Nội nhưng lại in ở Vinh.
Ngày 01/03 1933 An Nam Tạp Chí lại đình bản và chết hẳn.
Trong những số cuối cùng của An Nam Tạp Chí có mục quảng cáo như sau: “Chữa
thơ cho thiên hạ mỗi tháng lấy một đồng bút phí, hoặc có ai hậu tình xin tùy ở
bài giảng”.
Trong suốt thời gian tồn tại của mình, An Nam Tạp Chí in khoảng
34 truyện ngắn. Dù cố gắng rất nhiều, vật lộn với bao nhiêu khó khăn nhưng con
thuyền An Nam Tạp Chí vẫn không thể vượt ra khỏi định mệnh của hầu hết các tờ
báo ra đời thời kỳ đó.
CHƯƠNG II: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC
(Vì thời gian có giới hạn nên chúng tôi chỉ ghi lại tên các
thể tài, phần nội dung và các bài minh họa của mỗi thể tài sẽ bổ sung sau. Về
hình thức, chúng tôi cũng chỉ giới thiệu sơ)
I. CÁC THỂ TÀI
1. Văn đàn (du ký)
2. Thi đàn
3. Thời sự
4. Đoản thiên tiểu thuyết giảng
tập
5. Xã hội ba đào ký
6. Pháp luật dẫn giải
7. Chuyện câm bằng tranh
II. HÌNH THỨC
Báo chia làm 3 cột, không có đường kẻ dọc.
Mỗi số gồm 23 trang. Bắt đầu từ số 42, báo có phụ trương.
Số thứ 47 (6/1932), măng-set thay đổi (Bản đồ Việt Nam bên
trái chuyển thành ở giữa).
III. ĐÓNG GÓP CỦA TẢN ĐÀ VÀ "AN NAM TẠP CHÍ"
Không là sự kiện có tính chất ghi dấu, không là một tiếng
vang chấn động trong làng báo vốn vẫn nhiều âm thanh đa dạng, An Nam Tạp Chí
bình dị góp một tiếng nói riêng của một người, song có lẽ cũng là chung cho bao
nhiêu mục đích của những người làm báo chân chính khác. Tản Đà, linh hồn của An
Nam Tạp Chí, vốn là một thi nhân có tiếng, là chủ nhân của những dòng thơ tài
hoa, lại chuyển sang làm báo, đó không hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên.
Ra An Nam Tạp Chí, Tản Đà muốn đem cái tài văn chương của
mình ra giúp đời, để thực hiện cái hoài bão hành đạo, phát huy thiên lương
trong mỗi con người. Với An Nam Tạp Chí, Tản Đà muốn giúp cho mỗi người nhìn thấy
trong cuộc sống đâu là điều tốt đẹp, đâu là chuyện xấu xa, để con người ta sống
cho ra sống. Cái đạo trong cuộc đời là điều cao cả. Nhà thơ muốn, bằng ngòi bút
của mình, hưóng độc giả đến điều cao cả đó. Và, An Nam Tạp Chí đã thực sự làm
được điều này.
Trong An Nam Tạp Chí, Tản Đà lên tiếng công kích những “hạng
người vô ích cho xã hội”. Bọn chúng chỉ biết lo cho bản thân và vợ con sung sướng
rồi cũng “biệt thự sinh phần lắm trò dơ dáng”. Thứ đến là bọn “hưu phu hưu tẩu”,
quan lại về hưu đội lốt ẩn dật thanh cao. Rồi đền “bọn khốn nạn kiếm ăn theo bọn
đương đồ, kiếm ăn quanh báo giới…Có thể tìm thấy trên An Nam Tạp Chí hình ảnh của
một xã hội mà trong đó con ngưới ta quên đi nhân cách chỉ vì đồng tiền, vì danh
lợi.
Viết báo với Tản Đà còn có ý nghĩa lập sự nghiệp văn chương.
An Nam Tạp Chí đem văn chương của thi sĩ đến với độc giả nhanh chóng và gần gủi
hơn. Ông được coi là nhà thơ có công gây dựng nghề sáng tác văn chương suốt 30
năm đầu thế kỷ XX. Trong thực tế đời sống văn học lúc này, ông đã tạo nên một sự
ảnh hưởng trong văn giới và thế hệ học sinh Tây học.
Đối với Tản Đà, An Nam Tạp Chí sẽ làm trách nhiệm thực thi
chân lý “Ai là người có công về đạo, nhân tâm”, thì nó “tinh biểu bằng ngòi
bút” và “ai có tội với nhân quần” thì “nó trừng trị bằng câu văn”. Ngắn hay dài, thời gian tồn tại có là gì nếu giá trị mang lại
cho cuộc đời không lớn. An Nam Tạp Chí đến rồi đi, đứt đoạn vì những yếu tố bên
trong và bên ngoài, có thể có những điều làm được và chưa làm được trong tôn chỉ
song thực sự đã là một “nét duyên thầm” trên “khuôn mặt” báo chí Việt Nam những
năm đầu thế kỷ XX.
Lê Minh Quốc
Giai cấp công nhân được bổ sung đội ngũ của mình khá nhanh chóng nhờ kinh tế phát triển nhiều mặt. Đáng chú ý là công nhân một số xí nghiệp sản xuất, khai khoáng tăng lên với tốc độ cao hơn nhiều so với nhiều nghành khác và tập trung trên một số địa bàn nhất định. Giai cấp công nhân Việt Nam đang trên đường chuyển qua giai đoạn “tự giác”, là lực lượng quan trọng bậc nhất đối với sự hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng xã hội quan trọng nòng cốt, đưa đất nước Việt Nam sang kỷ nguyên mới.
Giai cấp tiểu tư sản thành thị đông đảo hơn với những cơ sở tiểu thủ công nghiệp, tiểu thương, những người làm viên chức trong bộ máy nhà nước, sở tư về văn hóa, giáo dục, y tế… Ở nông thôn xuất hiện tầng lớp địa chủ kiêm tư sản, có nhà máy công xưởng, đồn điền, có mâu thuẫn với công nhân, nông dân ở công xưởng. Nhưng hình thức bóc lột phong kiến từ xưa vẫn còn duy trì kết hợp với bóc lột nông dân theo lối TBCN mới ra đời và phát triển. Đây cũng là một loại đề tài cho văn học và báo chí khai thác.
Trên đây là những điều kiện về kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội, những điều kiện cần thiết để hợp thành những yếu tố căn bản cho sự phát triển của báo chí trong những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, người Pháp dù muốn dù không đã phải giữ phần nào lời hứa của họ là chấp nhận cho người dân các nước thuôc địa một sự tự tự do tương đối nào đó.
Người Việt Nam dĩ nhiên cũng được thừa hưởng cái ân huệ tối thiểu này. Kết qủa là người Việt Nam từ nay có quyền thành lập báo chí tự do hơn. Vì thế báo chí xuất hiện ngày càng nhiều và dần chiếm giữ một địa vị ưu thế trong xã hội Việt Nam vào thời kỳ này .
Mặt khác vào những năm 1925-1926, với sự xuất hiện của những phong trào chính trị, xã hội trên khắp lãnh thổ Việt Nam lúc ấy, báo chí Việt Nam và nhất là báo chí bằng tiếng Việt bắt đầu đề cập đến những đề tài chính trị, kinh tế có liên quan đến tình hình sôi động trong những năm giữa hai thế chiến.
Theo ông Nguyễn Thành: “cho đến năm 1922, theo thống kê trong tập “Danh mục các ấn phẩm nộp lưu chiểu” thì cả nước có 96 tờ báo, tạp chí, tập san… tức là những xuất bản phẩm định. Trong đó Bắc Kỳ có 44 tờ, Nam Kỳ có 39 tờ, Trung Kỳ có 3 tờ.
Năm 1925, cả nước có 121 tờ, trong đó Bắc Kỳ 69 tờ, Nam Kỳ 49 tờ, Trung kỳ có 3 tờ.
Năm 1929, tăng lên 153 tờ, Bắc Kỳ 72 tờ, Nam Kỳ 71 tờ, Trung Kỳ 10 tờ. Trong đó báo chí kinh tế chiếm vị trí quan trọng, chiếm ¼ báo chí thời đó.
Sau đây là một số tờ báo tiêu biểu thời kỳ đó:
* Thực nghiệm dân báo: xuất bản ngày 12.7.1920 do Bùi Huy Tính, một nhà doanh nghiệp sáng lập, chủ bút là Trần Văn Quang.
* An Nam Tạp Chí, xuất bản 1.7.1926 do thi sĩ kiêm nhà báo Tản Đà làm chủ bút.
* Khai Hóa Nhật Báo, xuất bản 15.7.1921, do Bạch Thái Bưởi sáng lập, Hoàng Tích Chu làm chủ bút.
* Đông Pháp Thời Báo, xuất bản ngày 2.5,1923, dưới sự điều khiển của ông Nguyễn Kim Đính.
* Pháp Việt Nhứt Gia, xuất bản ngày 8.2.1927, chủ nhân tờ này là ông Trần Quang Liêm, dưới sự điều khiển của Cao Hải Để, một trong những nhân vật lãnh đạo của Đảng lao động Đông Dương.
* Thanh Niên Tân Tiến do Hồ Văn Sao và Huỳnh Phú Yên thành lập ngày 8.1.1929
* Tiếng Chuông Rè do Nguyễn An Ninh sáng lập ngày 10.3.1923 tại Sài Gòn.
Trên đây chỉ là một số ít trong rất nhiều các tờ báo thời đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét