Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

Những tờ báo và nhà báo đầu tiên của Việt Nam

Những tờ báo và nhà báo
đầu tiên của Việt Nam

Nhân kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cùng tìm hiểu những tờ báo, nhà báo đầu tiên của Việt Nam.
1. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên
Ngày 15/4/1865, Gia Định Báo ra đời tại Sài Gòn.
Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên và rất mới mẻ tại Việt Nam. Nó đã giúp cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến hơn trong quần chúng nhân dân.
Năm 1865, học giả nổi tiếng Trương Vĩnh Ký về nước. Chuẩn đô đốc Roze, khi đấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời ông ra làm quan. Tuy nhiên Petrus Ký (tên tiếng Pháp của Trương Vĩnh Ký) đã từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865.
Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân. Phần tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa - xã hội...
Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Thời gian đầu Gia Định báo có khổ 25x32cm và giá 0,97 đồng/tờ. Ngày phát hành và số lượng trang phát hành của tờ báo đầu tiên này là điều đang còn nhiều tranh cãi. Gia Định báo những số đầu thường có 4 trang và được phát hành từ 1 đến 4 kỳ trên tháng.
Các nhà nghiên cứu sau này đã nhận định, “khách quan mà xét thì Gia Định Báo đã mở đường cho việc phổ biến chữ Quốc ngữ, để khi các nhà nho yêu nước giành lấy vũ khí này thì nó đã có tác động thật to lớn”. Ngày 1/1/1910, Gia Định Báo đóng cửa.
2. Tờ báo kinh tế đầu tiên
Tờ báo kinh tế đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam là tờ Nông Cổ Mín Đàm nghĩa là "uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn". Đây là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corsica, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm. Chủ bút lần lượt là các ký giả Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt…
Nông Cổ Mín Đàm bàn về nông nghiệp và thương nghiệp, phát hành thứ năm hằng tuần tại Sài Gòn bằng chữ quốc ngữ. Số 1 ra ngày 1 tháng 8 năm 1901. Một thời gian sau báo được xuất bản một tuần 3 kỳ. Sau khi phát hành số ra ngày 4 tháng 11 năm 1921 thì báo bị đình bản.
Tờ báo này ra đời theo một nghị định của Quan Tổng thống Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn ngày 14/2/1901. Ban đầu, trụ sở của tòa soạn đặt ở số 84 đường La Grandière, Sài Gòn. Một thời gian sau, trụ sở thay đổi liên tục, cuối cùng tọa lạc tại số 12 đường Cap St-Jacques, Sài Gòn.
3. Tờ báo cách mạng đầu tiên
Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo trở thành cơ quan ngôn luận trung ương của tổng bộ Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Ngày này đã được chọn là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Mới ra đời, báo Thanh Niên in trên giấy sáp, tên báo viết bằng chữ Việt và chữ Hán, đầu trang 1 bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, giữa ngôi sao có chữ số là số kỳ của tờ báo phát hành. Báo phát hành 200 - 300 bản/kỳ trong bí mật, mỗi kỳ 2 trang, có lúc 4 trang, khổ giấy 13 x 19cm. Thời gian đầu phát hành 1 kỳ/tuần, về sau do khó khăn về điều kiện in nên có thời kỳ số trước cách số sau từ 3 - 5 tuần.
Báo Thanh niên đã giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm Mác - Lênin; góp phần tích cực chuẩn bị tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 
4. Nhà báo Việt Nam đầu tiên
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898)
Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6/10/1837, tại chợ Cái Mơn, làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh - Vĩnh Long (nay thuộc huyện Cái Mơn, tỉnh Bến Tre). Ông vốn tên Jean Baptiste Trương Chánh Ký, sau đổi thành Trương Vĩnh Ký, thường gọi là Pétrus Ký, hiệu là Sĩ Tài, quê tại Bến Tre, nhưng lên Sài Gòn từ thuở học sinh. Ông là con thứ ba của quan lãnh binh Trương Chánh Thi. Gia đình ông theo đạo Gia Tô. Do vậy, tuy làm quan võ ở tỉnh, nhưng cha ông thường bị vua quan triều đình nghi kỵ.
Ngày 16/9/1869, Thủy sư Ðô đốc Ohier ra quyết định bổ nhiệm Trương Vĩnh Ký làm toàn quyền cho tờ "Gia Định báo" - tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Sài Gòn và cả Việt Nam, mà trước đó do người Pháp quản nhiệm. Với tài ứng xử lỗi lạc, kiến thức uyên bác, và lối hành văn đặc biệt, Trương Vĩnh Ký sớm nổi danh trên văn đàn. 
Ông thành lập và làm tổng biên tập những tờ báo quốc ngữ đầu tiên, đồng thời là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác. Ông đã đặt nền móng và dốc sức phát triển báo chí Việt Nam theo hướng toàn diện, rộng lớn về quy mô, chặt chẽ về kết cấu, đa dạng về phong cách và thuận tiện, gần gũi, hoà đồng về phương thức tiếp cận bạn đọc.
5. Nữ nhà báo Việt Nam đầu tiên
Nguyễn Thị Khuê (1864-1922) có bút danh là 
Sương Nguyệt Anh là nhà thơ và là 
chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam.
Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê sinh ngày 1/2/1864, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là con gái thứ tư của nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài bút danh Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút danh khác như Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh...
Năm 1917 bà được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ báo “Nữ giới chung” (nghĩa là Tiếng chuông của nữ giới) - tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam. "Nữ giới chung" có chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tòa soạn báo đặt tại số nhà 155 đường Taberd, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Du, quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Ngày 1/2/1918, tờ báo ra số đầu tiên.
Nhưng dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh có khéo léo đến đâu, tầm ảnh hưởng của tờ báo này vẫn khiến mật thám Pháp e ngại, đến tháng 7/1918 tờ Nữ Giới Chung bị đình bản.
19/6/2017
Kim Ngọc
Theo https://baonghean.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...