Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Bóng tối, dao găm và mạng nhện trong "Ba biến khúc ở tuổi 65" của Văn Cao

Bóng tối, dao găm và mạng nhện trong
"Ba biến khúc ở tuổi 65" của Văn Cao

Văn Cao viết bài thơ này ở tuổi 65, trong một tâm trạng như ông nói là: “Những ngày buồn không nói được - Tôi chỉ tìm ra sự sống của tôi”. Nguyên văn bài thơ như sau:
I
Một người cho tôi
con dao găm
Không biết dùng làm gì
đêm nhìn qua cửa sổ
một khoảng trống đen
tôi ném vào khoảng trống
con dao găm ấy
có phải đấy là sự nghịch ngợm?
bỗng nhiên có tiếng người ngã ngoài sân
một người trúng tim đã chết
tôi không hề biết người ấy
tôi là kẻ không muốn giết người
chỉ biết bóng tối
mà tôi đã ném dao
II
Tôi đi trên phố
bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp
tôi chạy
tôi chạy
sao tôi lại chạy
tôi không hiểu tôi
cả phố đuổi theo tôi
xe cộ đuổi theo tôi
tôi chạy bạt mạng
gần hết đời
tới chỗ chỉ còn gục xuống
tỉnh dậy mồ hôi chảy
III
Tôi rơi vào mạng nhện
mạng nhện cuốn lấy tôi
không cách gì gỡ được
tôi như con sâu tằm
cuộc đời cứ như thế
muốn phá cái mạng nhện
tôi không đủ tay.
Những người cầm bút chân chính là những người bị “giời đày”. Tôi phải nhấn mạnh hai chữ “chân chính” để phân biệt họ với đám văn nô, bồi bút, những thằng hề văn chương hướng thượng chốn cung đình. Vâng! Những người cầm bút chân chính, họ tự nguyện và cảm thấy hạnh phúc trong cái sự “giời đày” đó. Với cây bút “trời ban”, thời tuổi trẻ họ hăm hở, xông pha, về già họ vẫn lọ mọ trên trang viết. Thậm chí có người nằm bệt trên giường bệnh, không cầm nổi bút nữa, thì đọc cho người khác ghi giùm. Cả đời họ dấn thân, đam mê, cần mẫn lao động sáng tạo để mong có được những tác phẩm đích thực dâng hiến cho đời, để lại cho hậu thế.
Trớ trêu thay, thời nào cũng vậy, họ thường là đối tượng bị đám cường quyền, tham lam, dốt nát, háo danh hành hạ, đầy đọa, rút “phép thông công”. Sở dĩ tôi phải dài dòng như vậy, vì tác giả bài thơ này cũng phải trải qua một quãng đời khốn đốn vô cùng. Văn Cao (1923 – 1995), trong 72 năm cuộc đời đó, thì từ 1958 đến khi về với cát bụi, hầu như ông viết rất ít và không phổ biến. Ca khúc “Ngày hòa bình đầu tiên” ông viết năm 1975, nhưng ca khúc này cũng ít được nhắc đến trong một thời gian dài. Vậy là người nghệ sỹ tài năng Văn Cao đã bị bứng khỏi mảnh đất lao động sáng tạo của mình tới hơn một nửa cuộc đời của ông (37) năm.
Wikipedia Việt Nam và theo Nhà thơ Văn Thao – người con trưởng của ông, thì ông làm thơ từ năm 12 – 13 tuổi. Ông là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Văn Cao viết “Tiến quân ca” khi ông 20 tuổi. Gia tài ông để lại về thơ không nhiều, chỉ khoảng mấy chục bài, đáng chú ý nhất là thi phẩm Trường ca những người trên cửa biển. Ông viết “Ba biến khúc ở tuổi 65” vào năm 1988. Theo tôi, bài thơ này là một trong những thi phẩm thể hiện rõ thêm tư duy, tính tư tưởng trong thơ Văn Cao mang đậm dấu ấn riêng có của ông cả về hình thức cấu trúc, nhịp điệu. Ở biến khúc thứ nhất ông kể:
Một người cho tôi
con dao găm
Không biết dùng làm gì
đêm nhìn qua cửa sổ
một khoảng trống đen
tôi ném vào khoảng trống
con dao găm ấy
có phải đấy là sự nghịch ngợm?
bỗng nhiên có tiếng người ngã ngoài sân
một người trúng tim đã chết
tôi không hề biết người ấy
tôi là kẻ không muốn giết người
chỉ biết bóng tối
mà tôi đã ném dao
Đó, không phải là con dao hiền lành chỉ dùng vào việc bếp núc của các bà nội trợ, mà là con dao găm, một hung khí có thể giết người. Và, nó đã giết người thật. Bây giờ, ta hãy xem tình tiết cái sự “giết” ấydiễn ra thế nào. Là một nhà thơ, một người cầm bút, sau khi được người ta đưa cho dao găm , hiển nhiên là tác giả đã “không biết dùng đề làm gì”, vì tác giả đã khẳng định rất rõ “tôi là kẻ không muốn giết người”. Theo logic, không muốn giết người, không biết dùng dao để làm gì, thì vứt đi thôi, nhưng thay vì vứt vào sọt rác, thì nhà thơ của chúng ta lại ném qua cửa sổ, mà lại ném vào bóng tối.
Thứ “bóng tối” ấy chắc là phải “tối” lắm. “Tối” đến mức chính tác giả cũng không nhìn thấy gì cả, cứ tưởng mình ném thứ hung khí giết người kia vào “khoảng trống đen” và đặt câu hỏi “có phải đấy là sự nghịch ngợm?”. Đặt câu hỏi như vậy, cũng là trả lời rồi. Rằng, không có sự nghịch ngợm nào ở đây cả. Chỉ là miễn cưỡng thôi, tác giả đã làm theo cái ý của người đưa dao găm. Chính ông cũng đã thừa nhận mình không biết nạn nhân, rằng “tôi không biết người ấy…, chỉ biết bóng tối mà tôi đã ném dao”. Bởi cũng lại rất logic, người ta đưa dao găm để nhà thơ vứt vào sọt rác thì đưa làm gì. Nghiệt ngã thay, nạn nhân lại đang mò mẫm đi trong cái bóng tối mịt mùng kia, đúng vào cái thời điểm khốn nạn đó. Con dao găm ấy quả là rất bén, còn cú ném của nhà thơ cũng lợi hại vô cùng, trúng ngay tim thì chỉ còn có nước chết.
Đọc biến khúc thứ nhất, ai cũng biết Văn Cao dùng hình ảnh trực quan đầy tính ẩn dụ. Bởi, vũ khí của người cầm bút là cây bút, chứ không phải là dao găm, súng lục. Vũ khí ấy của người cầm bút là do “ông Giời” ban và theo sự phân công của “Ông Giời”. Vũ khí ấy mạnh tới mức không một loại vũ khí cổ kim nào có thể sánh được, nó đi thằng vào con tim, làm cho con tim của người ta phải thổn thức,rung động và … phẫn nộ, từ đó mà điều chỉnh hành vi của mình. Nó không trực tiếp làm bất cứ một cuộc cách mạng lật đổ nào, nhưng khả năng khai sáng, sức mạnh tích tụ chuẩn bị lực lượng cho các cuộc cách mạng chống lại cái ác, chống lại cường quyền, bạo lực thì vô biên lắm.
Trong lịch sử nhân loại, các triều đại cường quyền đều nhận thức rất rõ sức mạnh vô biên ấy, nên dùng mọi thủ đoạn đưa /giao/ trang bị cho bằng được những con “dao găm” vô hình là : ý thức hệ, tư tưởng trung quân v.v… cho giới văn nghệ sỹ.
Thế là, khi đã nhiễm phải thứ vũ khí vô hình ấy, tất nhiên có kẻ nhiễm nặng, có người nhiễm nhẹ, tác phẩm họ làm ra không chỉ “giết” một vài người, mà giết chết cả mấy thế hệ người đọc/người xem/người nghe và giết chết luôn cả một nền văn học, nghệ thuật, cả những giá trị nhân văn, hướng thiện vốn là thiên chức của nghệ thuật chân chính.
Và, khá gần gũi với Văn Cao, trong “Ai ? Tôi!”, Chế Lan Viên đã cụ thể hóa tư tưởng này theo cách riêng của ông, thật thấm thía (xin trích nguyên văn):
Ai ? Tôi !
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười./.
1987
Cũng với nguồn mạch mặc cảm như vậy, ở biến khúc thứ hai, Văn Cao viết :
Tôi đi trên phố
bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp
tôi chạy
tôi chạy
sao tôi lại chạy
tôi không hiểu tôi
cả phố đuổi theo tôi
xe cộ đuổi theo tôi
tôi chạy bạt mạng
gần hết đời
tới chỗ chỉ còn gục xuống
tỉnh dậy mồ hôi chảy
tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội
Chúng ta cùng nhớ lại, năm 1988 là thời điểm các nước cộng sản Đông Âu và Liên xô đang tiến dần đến bờ vực sụp đổ tan rã, cũng là lúc cuốn sách “Trại súc vật” của George Orwell (1903–1950) đã được công khai phổ biến rộng rãi ở những quốc gia cộng sản này, sau gần 50 năm bị cấm. Mọi thứ tưởng rằng sẽ bền vững đến “muôn năm” phút chốc tan thành mây khói, phải được nhận thức lại, trong đó có lý luận văn học nghệ thuật kiểu Mác – xít. Thì ra, cái gọi là “hiện thực XHCN” chỉ là mớ lý luận ấu trĩ, phi thực tiễn và phản khoa học. Nó “định hướng” cho người cầm bút viết theo một chiều, phản ánh một chiều, biến họ trở thành thứ nô bộc, giả dối và lưu manh. Và, thật mỉa mai, chính cái thứ định hướng “ văn nghệ phục vụ chính trị trên nền hiện thực XHCN”, mà thực tế là công cụ của chính trị này đã “ăn cắp” niềm tin của người đọc. Hay cụ thể hơn, chính cái thứ văn nghệ giả dối, lưu manh đó đã đánh cắp niềm tin của nhân dân mình.
Những câu thơ tả “chân” của Văn Cao trong biến khúc thứ hai thật sinh động, như một video clip làm người ta phải cười ra nước mắt. Đừng tưởng những “người chân chính sáng tạo lịch sử” lúc nào cũng mê muội, nhẹ dạ, cả tin chỉ biết cầm búa, cầm liềm. Trái lại, rất nhạy bén, họ nhận ra ngay đâu là đồ thật, của giả. Qua thời gian và thực tiễn cuộc đời mình, họ đã cay đắng ngộ ra được, họ đã bị mất cái gì và đâu là “thằng ăn cắp”. Một nền văn học đánh cắp niềm tin của nhân dân mình, là một nền văn học phản động và thất bại.
Thành tựu ư? Xin hãy thật công tâm mang cả cái kho tàng văn học theo định hướng “văn nghệ phục vụ chính trị” ấy ra mà soi xét, thẩm định sẽ thấy ngay giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn của nó ở tầm mức nào. Những người nằm trong chăn biết rõ lắm những con rận hút máu người, gây ra biết bao là ghẻ lở. Ngoại trừ Tố Hữu là “cây đại thụ” của nền văn học cách mạng hiện thực XHCN mà chân dung đã được ông Xuân Sách khắc họa: “Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt – Máu ở chiến trường, hoa ở đây”. Hay Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi mà tôi đã đề cập trong các bài “Xuân Diệu, từ người làm thơ tình đến anh bồi văn chương” và “Nguyễn Đình Thi, cây thánh giá, lưỡi lê và cuộc trường chinh theo đảng” ra, thì vào những năm cuối đời, những người cầm bút được coi là gạo cội của nền văn học đó nói những gì, chắc mọi người đều đã rõ. Lẽ thường, người cầm bút chân chính nào cũng có trách nhiệm với bạn đọc, trách nhiệm với chính mình và qua thời gian, chịu sự phán xét của hậu thế. Tôi thuộc lớp người đọc hậu sinh, thiển nghĩ có đôi dòng mạo muội như vậy về các tiền bối, tưởng cũng chưa đến mức đắc tội.
Ở biến khúc thứ hai, Văn Cao viết như thế, nhưng không có cuộc rượt đuổi nào cả. Chỉ qua ánh mắt, xin nhấn mạnh chỉ cần qua ánh mắt thôi, người đời tinh lắm, khi họ nhìn thẳng vào người cầm bút, để nhận ra anh ta là “cái giống gì” cũng đáng sợ và thảm hại lắm rồi. Kết thúc biến khúc thứ hai, Văn Cao viết:
tôi chạy bạt mạng
gần hết đời
tới chỗ chỉ còn gục xuống
tỉnh dậy mồ hôi chảy
tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội…
Trong chuyện phạm tội, khoa học hình sự xác định: đã; đang; chưa và sẽ, để việc xử lý, truy cứu được chính xác. Còn những người cầm bút có tài, có nhân cách như Văn Cao thì luôn truy vấn bản thân, để điều chỉnh hành vi “viết” của mình.
Đúng! Văn Cao đã xác định rất đúng, ông “là người chưa phạm tội”. Bởi, ngay từ những năm cuối thập niên 1950 trong trường ca “ Những người cửa biển” ông đã nhận ra và chỉ rõ:
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh…
Những con bói cá đậu trên những dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao tay chân cố dìm một con người”
Hay:
“Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm dài trong cuống…”
Và, đây nữa:
“Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn cây to che cớm mầm non”.
Để rồi cất lên tiếng lòng chua chát:
“Không có tiếng vỡ trong không gian
Sao có tiếng vỡ trong lòng tiếng vang âm rên rỉ”.
Phải chăng, đó chính là cái barrie để một đời cầm bút của Văn Cao luôn đứng ở phía bên này với NHÂN DÂN của mình. Xin được nói thêm, cùng thế hệ với Văn Cao đã có một số ít người cầm bút (rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi) cũng có được cái barrie của riêng mình. Những bậc tiền bối từng được người đời và chắc chắn sẽ mãi còn được hậu thế kính trọng đó, thà chấp nhận đi “hót cứt” (xin lỗi cho tôi được dùng hai chữ khốn khổ, khốn nạn này), thà chấp nhận bị đày đọa, chứ quyết không chịu để ngòi bút của mình phụ họa, đồng hành cùng cái ác.
Nếu ở biến khúc thứ nhất và thứ hai, giọng thơ gân guốc, tiết tấu dồn dập, kịch tính, bất ngờ, thì sang biến khúc thứ ba, âm điệu của bài thơ trùng hẳn xuống cho ta thứ cảm giác mệt mỏi và bất lực. Tác giả đã về kết bằng cái bi kịch thế này:
Tôi rơi vào mạng nhện
mạng nhện cuốn lấy tôi
không cách gì gỡ được
tôi như con sâu tằm
cuộc đời cứ như thế
muốn phá cái mạng nhện
tôi không đủ tay.
Vâng! Đích thị là mạng nhện. Chao ôi! Là thứ mạng nhện vô hình đã giăng, mắc ở cái đất nước khốn khổ này suốt mấy thập niên cuối thế kỷ 20 với những con nhện chúa hãnh tiến, bất tài, hiểm ác, cùng lũ nhện “công công” thừa lòng đố kỵ, dẻo mỏ nịnh thần, đầu têu chỉ điểm, hùa vào dèm pha xúc xiểm, xiên xẹo, mong được lòng ông chủ. Để rồi ai đó “như con sâu tằm” kia rơi vào, chỉ có nước mạt vận, chết mòn, chìm nổi một đời văn.
Quỹ thời gian của một đời người không nhiều. Thời gian dành cho lao động sáng tạo của người cầm bút cũng hạn hẹp lắm. Với một kiếp người, thời gian, miếng ăn và tự do rất quan trọng. Tất nhiên, người cầm bút cũng không ngoại lệ, nhưng thứ quan trọng nhất để họ thai nghén những đứa con tinh thần lại là TỰ DO. Bởi: “Hiện hữu của con người là tự do. Kẻ không có tự do không phải là con người” – Jean Paul Sartre. Thế thì bi thảm lắm, khi đã bị “mạng nhện cuốn lấy … không cách gì gỡ ra được” kéo lê suốt “ngày dài lại đêm thâu” , “muốn phá cái mạng nhện” quái đản đó , nhưng lại “không đủ tay” thì chết chắc rồi còn gì. Mà xét cho cùng thì dù có đủ tay, dù có ba đầu, sáu tay cũng gỡ ra làm sao được, vì ngoài những lũ nhện phản phúc kia , còn có cả những “con” mà Văn Cao đã chỉ ra trong “Trường ca những người cửa biển”. Đó là:
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh…
Những con bói cá đậu trên những dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao tay chân cố dìm một con người”…
Chúng sẽ bu vào rúc rỉa anh, ra đòn hội đồng cho anh sống cũng như chết. Nói đến miếng ăn, đến cái dạ dày, tôi bỗng nhớ đến Vũ Trọng Phụng bụng lép kẹp, thổ ra huyết , vẫn có “Số đỏ” để đời, vì ông không bị rơi vào thứ mạng nhện chết người ấy.
Lại nữa, dự cảm của nhà văn cũng vô cùng quan trọng, phụ thuộc vào nhận thức và tầm nhìn xa của anh ta. Tầm nhìn ấy có khi phải cao hơn, xa hơn thời đại mà anh ta đang sống. Tức là khả năng dự báo của những trang viết. George Orwell cho ra đời tiểu thuyết “Trại súc vật” vào năm 1945, đúng vào thời hoàng kim của ý thức hệ cộng sản. Tác phẩm này lập tức như một hồi còi vang vọng giữa đêm đen, đánh thức toàn nhân loại. Mãi gần nửa thế kỷ sau, với sự tan rã và sụp đổ thê thảm của thứ ý thức hệ phản khoa học, phản nhân văn này, đã chứng tỏ dự báo của George Orwell là chính xác .
Ở ta, trong và ngay sau “Cải cách ruộng đất”, một số văn nghệ sỹ giàu tâm huyết, vừa có tài, vừa có dự cảm và tầm nhìn xa, trong đó có Văn Cao đã nhanh chóng chỉ ra những bất cập, những nguy cơ của một nền văn học, nghệ thuật khô cứng, một chiều, trái với thiên chức người cầm bút. Và, cũng như các nhà thơ, nhà văn lừng danh: Boris Leonidovich Pasternak (1890-1960); Joseph Brodsky (1940-1996) dưới thời Liên xô (cũ), những nhà văn, nhà thơ ưu tú đó của đất nước đã bị đày đọa, trừng phạt. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng trước đó, cho đến tận cuối đời, họ gần như không có thêm một tác phẩm xuất sắc nào. Tôi đã từng được nghe câu hỏi, rằng gần 100 năm qua, nền văn học nước ta đứng ở tầm mức nào của thế giới? Thiển nghĩ, chúng ta “vô hạng”, nghĩa là không thể xếp vào cái mức hạng nào cả.
Trước 1945, ta có dòng văn học hiện thực phê phán rất đáng tự hào. Dòng văn học này với các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố v.v…, ngoài “chị Dậu”, “anh Pha” còn có hẳn một “Chí Phèo” cũng sống dai dẳng với đời không thua kém gì “AQ” của Tàu. Sau 1945, miền Nam có: Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Hồ Biểu Chánh v.v… Miền Bắc, thời “Nhân văn – giai phẩm” có Phùng Quán; Trần Dần ; Lê Đạt ; Văn Cao; Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng … Các vị này sau đó cũng như Văn Cao đều bị “rơi vào mạng nhện”. Còn từ 1960 đến nay, trong con mắt rất thiển cận của tôi, thì về thơ có: Lưu Quang Vũ; Xuân Quỳnh; Trần Mạnh Hảo; Bùi Minh Quốc; Trần Vàng Sao; Nguyễn Duy; Đỗ Trung Quân; Hoàng Quý; Trần Chấn Uy. Về văn có: Nguyễn Minh Châu; Nguyên Ngọc; Nguyễn Huy Thiệp; Dạ Ngân; Bùi Ngọc Tấn; Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài; Võ Thị Hảo; Tạ Duy Anh; Phạm Thành; Nguyễn Ngọc Tư… Lý luận phê bình có Hoàng Ngọc Hiến; Lại Nguyên Ân; Đặng Văn Sinh; Nguyễn Hoàng Đức…
Thật là trớ trêu, xét theo tỷ lệ dân số, thì số nhà văn, nhà thơ của nước ta thuộc hàng nhiều nhất hoàn cầu, vậy mà số tác phẩm văn học nghệ thuật được nước ngoài biết đến chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Quá ít đấy, nhưng vẫn xin chớ vội mừng, người ta biết đến chưa chắc đã phải đó là những tuyệt tác văn học, mà có khi chỉ đơn thuần vì cuốn sách đó nói được một vài vấn đề nào đó lâu nay bị cấm kỵ ở Việt Nam. Thế thôi. Nghĩa là, còn xa vời lắm, hay nói theo dân gian là còn “lên bờ xuống ruộng” lắm, còn “bảy bồ cám, tám bồ bèo” nữa, may ra Việt Nam mình mới có được những tác phẩm văn học nghệ thuật đích thực, góp phần kiến giải những vấn đề của con người ở tầm nhân loại. Một nền văn học chỉ cúc cung tận tụy làm công cụ phục vụ chính trị, thì việc có được những tác phẩm đỉnh cao sánh vai với thiên hạ bốn biển, năm châu, còn khó hơn cả lên giời.
Trở lại với biến khúc thứ ba. Có thể nói , những năm, tháng thuộc thập niên 1980 đối với Văn Cao là một trong những khoảng thời gian buồn nản nhất của ông. Trong cảnh bệnh tật hiểm nghèo (ông bị ung thư phổi), ngoài chuyện vẫn phải bươn trải để mưu sinh, lo cho cái bụng đói, Văn Cao còn phải đối mặt với những trò hạ tiện nhố nhăng của lũ “bói cá” “ bạch tuộc” muốn hạ đo ván ông. Không kiểm điểm, đấu tố như thời “nhân văn – giai phẩm”, nhưng trò khủng bố có vẻ “nhẹ nhàng” này còn ghê gớm hơn cả một cực hình, nó ngột ngạt, bức bối hơn gấp nhiều lần. Thay vào những ngôn từ trực diện của Xuân Diệu – một “nhện công công” già – một anh bồi văn chương thời “nhân văn – giai phẩm”, rằng thì là : “Sự giả dối đã thành bản chất của Văn Cao, nên những cái lạc hậu, thoái hoá của Văn Cao cứ nghiễm nhiên mặc áo chân lý và tiến bộ…”. Rồi thì là : ““Nhà văn trước tiên phải ôm lấy tư tưởng đúng, phải ôm lấy quần chúng vạn năng, phải ôm lấy Đảng vĩ đại, chứ nếu chỉ ôm lấy một mớ chữ, theo lối Văn Cao tán thưởng, thì chỉ ôm lấy tro tàn thuốc lá hay cặn rượu mà thôi. Huống chi mớ chữ đó lại phản động, thì nhất định tiêu ma sự nghiệp.” (*), là tiếng loa oang oang dai dẳng phát đi, phát lại những quốc ca “khoác áo dự bị” chờ thay thế những giai điệu Quốc ca mang tên Văn Cao, hào hùng, bi tráng trộn máu và nước mắt của nhân dân mình, hy sinh vì mơ ước có một tương lai tươi sáng đích thực.
Chao ôi! Là bóng tối, dao găm và mạng nhện trong “Ba biến khúc ở tuổi 65” của Văn Cao. Chao ôi! là cái sự “mạng nhện” trong biến khúc thứ ba này của ông. Vào những năm, tháng khốn khó đó của Văn Cao, sau khi đến thăm ông, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết: “ Anh Văn ngồi. Ngồi ở sạp gỗ cũ kỹ như đã ngồi hàng trăm năm. Ngồi tóc bạc phơ, râu cũng bạc phơ. Chỗ ngồi đã mòn. Lưng dựa đã mòn. Ngồi như thế có ích gì, anh Văn… Cho đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái không khí ảm đạm, cô đơn của những mùa thu đông ở Hà Nội, với hình ảnh một Văn Cao ngồi một mình với cốc rượu trước mặt ngày này qua ngày khác. Anh ngồi đó mà như một sự vắng mặt trước cuộc sống. Ngồi hơn hai mươi năm như một cái bóng. Ly rượu cũng biến thành cái bóng. Cái bóng của hai người. Người và ly-rượu-người. Thân thiết và chia sẻ cùng nhau những nỗi đời riêng, hiu quạnh, không còn ai khác có thể san sẻ giùm“. (*)
Thế đấy! “Ba biến khúc ở tuổi 65” của Văn Cao đã khép lại, kết bằng nốt nhạc buồn, bằng hình ảnh con sâu tằm và cái mạng nhện. Xót xa lắm. Liệu có đại ngôn không, khi cho rằng “Ba biến khúc ở tuổi 65” chính là thông điệp gửi các thế hệ mai sau về thân phận những người cầm bút tài năng, chân chính trong một nền văn học luôn coi “chính trị là thống soái”, đánh mất thiên chức, tự biến thành công cụ, thành thứ văn nô, bồi bút?
Nha Trang 10/2009 - 2/2015
Nguyễn Chính
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật Thơ Đường là kh...