Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Có một họa sĩ tài ba, Văn Cao

 Có một họa sĩ tài ba, Văn Cao

Văn Cao nổi tiếng với nhiều bài hát từ trước Cách mạng Tháng 8, đặc biệt là bài hát “Tiến Quân ca”, sau này được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhiều bài hát trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và sau thời kỳ thống nhất đất nước đã đưa ông vào vị trí một nhạc sĩ hàng đầu tài danh với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật đợt I (1996 - ngành Âm nhạc). Văn Cao cũng là một nhà thơ với nhiều tác phẩm đi vào lòng người.
Nhạc và thơ của ông hình như đã làm cho nhiều người quên ông là một hoạ sĩ với nhiều tác phẩm xuất sắc. Được biết, trước Cách mạng Tháng Tám ông cũng đã theo học “bàng thính” tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương một thời gian ngắn, nhưng rồi với làn sóng cách mạng sôi sục, ông đã sáng tác nhiều bản nhạc mang hơi thở của thời đại. Âm nhạc và thơ ca đã cuốn hút ông và đã đưa ông đến vị trí là một nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Vì không am hiểu nhiều về âm nhạc và thơ ca nên tôi không dám “bình” nhiều về hai lĩnh vực này của ông.
Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nhắc tới một Văn Cao hoạ sĩ mà những đóng góp của ông cho nghệ thuật hội hoạ Việt Nam rất đáng trân trọng và ghi nhận. Về sáng tác Mỹ thuật, khi ở tuổi 20, ông đã có những sáng tác dự triển lãm Duy nhất, 1943 với phong cách lập thể, được biết đến như một hoạ sĩ tiên phong với các tác phẩm: Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm, Cuộc khiêu vũ. Những năm sau, ông tiếp tục sáng tác các tác phẩm sơn dầu mà đến nay người ta còn nhớ tới như: Thái Hà ấp đêm mưa, chất liệu bột màu, năm 1943, nghĩa là đã cách đây 70 năm. Ngoài ra người ta còn nhớ tới một tác phẩm sơn dầu khác sáng tác sau đó một năm, năm 1944, đó là tác phẩm Sám hối nửa đêm, rồi sau đó là bức Ngõ Nguyễn Du, chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, Văn Cao là phóng viên tham gia trình bày “Báo Lao động” thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông lên chiến khu Việt Bắc và tham gia hoạt động trong Hội Văn nghệ Việt Nam. Thời kỳ này, Văn Cao nổi tiếng với âm nhạc. Trong điều kiện thiếu thốn hoạ phẩm nên với hội hoạ, ông có phần xao nhãng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhớ tới một số tác phẩm của ông sáng tác trong thời kỳ này, thể hiện tình cảm của ông đối với cuộc kháng chiến chống Pháp như tác phẩm Cây đàn đỏ, chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 1949; Lớn lên trong kháng chiến, chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 1952;..
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, Văn Cao đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật tạo hình. Giới văn nghệ Việt Nam, trong đó có Mỹ thuật không thể quên những minh hoạ của Văn Cao trên các báo Văn, Văn Nghệ… với một bút pháp riêng, sử dụng nhiều nét thẳng và đơn giản và có chữ ký là “VĂN” rất đơn giản nhưng giới Mỹ thuật ai cũng biết đó là minh hoạ của Văn Cao. Cũng trong thời kỳ này, ông làm nhiều bìa sách, và cũng tạo được một phong cách riêng rất Văn Cao. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau ngày thống nhất đất nước, Văn Cao không chỉ có minh hoạ làm bìa mà còn vẽ nhiều tranh sơn dầu có giá trị nghệ thuật cao. Mọi người đều không thể quên bức tranh sơn dầu có giá trị đuợc trưng bày trong các Triển lãm và lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như: Chân dung bà Băng, Chân dung nhà văn Đặng Thai Mai, Cô gái và đàn dương cầm, Dân công miền núi… với bố cục chặt chẽ, bút pháp hiện đại, sử dụng kết hợp giữ đường nét và những mảng màu lớn. Các bức tranh này đều thẫm đẫm tình cảm của người hoạ sĩ tài hoa…
Những tác phẩm cho ta thấy bên cạnh là một nhạc sĩ hàng đầu, một nhà thơ nổi danh, ông còn là một hoạ sĩ tài năng thuộc thế hệ đầu xây dựng nền Mỹ thuật hiện đại và cách mạng Việt Nam. Ông không chỉ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà còn là hội viên lâu năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Tôi còn nhớ, trong một lần Nhà xuất bản Mỹ thuật giới thiệu cuốn sách Các hoạ sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của hoạ sĩ Quang Phòng, nhiều tác giả thuộc thế hệ của ông đã có mặt cùng vui chung với cuốn sách này. Văn Cao cùng với vợ ông cũng đã đến dự, tôi đã xin được chữ ký của ông cùng các hoạ sĩ thế hệ Mỹ thuật Đông Dương vào dưới các tác phẩm in trong cuốn sách và có dịp để chuyện trò với ông… Tôi cũng không lý giải được vì sao một số hoạ sĩ có tên tuổi của Việt Nam như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Nguyễn Đức Toàn… trước cách mạng đều đã từng học “bàng thính” trường Mỹ thuật Đông Dương một thời sau này đều trở thành những nhạc sĩ tên tuổi của ngành âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ, nhà thơ, hoạ sĩ Văn Cao sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại Lạch Tray, Hải Phòng. Nguyên quán tại thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông nhiều năm sống và làm việc tại Hà Nội và mất ngày 10 tháng 7 năm 1995 tại Hà Nội.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ Văn Cao, Hội Mỹ thuật Việt Nam và giới Mỹ thuật Việt Nam luôn nhớ đến ông, một họa sĩ tài hoa có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Trần Khánh Chương
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mang tiếng gà gáy trong ba lô đi khắp chiến trường Dữ dội của chiến trường, đa đoan của áo cơm, thao thiết nhớ quê hương đã làm nên một ...