Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Cuộc đời Văn Cao "Gian nan" như chính bản Quốc ca

 Cuộc đời Văn Cao "Gian nan"
như chính bản Quốc ca

Văn Cao (15/11/1923 - 10/7/1995)
Là một nhạc sĩ huyền thoại của Việt Nam. Ông là tác giả của “Tiến quân ca” – quốc ca của nước Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc. Bên cạnh tư cách là một nhạc sĩ, Văn Cao còn là một họa sĩ, nhà thơ với nhiều tác phẩm giá trị.
Thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, Văn Cao tham gia nhóm Đồng Vọng, sáng tác các ca khúc lãng mạn “Bến xuân”, “Suối mơ”, “Thiên Thai”, “Trương Chi”,… ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Sau khi gia nhập Việt Minh, Văn Cao viết “Tiến quân ca”, “Trường ca Sông Lô”, “Tiến về Hà Nội”,… trở thành nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc kháng chiến.
Sau vụ việc Nhân Văn – Giai Phẩm, Văn Cao phải đi học tập chính trị. Trừ “Tiến quân ca “, tất cả những ca khúc của ông cũng giống như các nhạc phẩm tiền chiến khác không được lưu hành ở miền Bắc. Đến cuối thập niên 1980, những nhạc phẩm này mới được biểu diễn trở lại.
Năm 1996, một năm sau khi mất, Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên.
Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Nam Định.
Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy (khi sáng tác nhạc thì P.D.Cẩn lấy nghệ danh là Phạm Duy), Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant – nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền – và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy. Năm 1943 và 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”. Đặc biệt tác phẩm “Cuộc khiêu vũ những người tự tử” (“Le Bal aux suicidés”) được đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Tuy được báo chí khen ngợi, nhưng tranh của Văn Cao không bán được. Ông trải qua một thời gian dài ở Hà Nội trong thiếu thốn. Cùng bạn bè, Văn Cao thường phải đứng bán các tác phẩm của mình trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng.
Tham gia Việt Minh
Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý mà ông đã quen biết trước đó. Vũ Quý thuyết phục ông tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc. Văn Cao đã sáng tác ca khúc đó trong nhiều ngày tại căn gác số 171 kể trên và đặt tên cho tác phẩm là “Tiến quân ca”. “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11/1944. Ngày 13/8/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam.
Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Thời kỳ này, ông tiếp túc sáng tác các ca khúc nổi tiếng khác như “Làng tôi” (1947), “Ngày mùa” (1948), “Tiến về Hà Nội” (1949)… và đặc biệt là ” Trường ca Sông Lô ” năm 1947.
Năm   1952 , Văn Cao sang   Liên Xô   nghiên cứu âm nhạc. Theo   Hoàng Văn Chí   thì chuyến đi này làm Văn Cao “thất vọng về chủ nghĩa cộng sản “.   Trần Gia Phụng   thì miêu tả một cậu bé thổi sáo bằng hai mồm. Một cái được vẽ từ cách nhìn thẳng, một cái được vẽ bằng cách nhìn nghiêng. Làm nền, phía sau cậu bé là đông nghịt những con người trong một tiết tấu đầy chuyển động của nhịp chiến tranh. Bức tranh này cùng với bức   Cây đàn đỏ   vẽ một người bộ đội ôm “Cây đàn chủ nghĩa” mà Văn Cao gửi tham gia Triển lãm Hội họa ở Liên khu III, ông bị quy kết: hình thức lai căng, nội dung thì có vấn đề về tư tưởng.
Nhân Văn – Giai Phẩm
Sau   hiệp định Genève 1954 , Văn Cao hồi cư về Hà Nội, làm việc cho   Đài Phát thanh , nhưng rất ít sáng tác. Năm 1955, ông cầm bút trở lại, viết bài cho đặc san Giai Phẩm.   Tháng 2   năm   1956 , bài thơ   Anh có nghe không   được đăng trên Giai phẩm mùa Xuân. Bài thơ này bị Xuân Diệu đánh giá là “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt, tuy nhiên công chúng cũng hiểu nó muốn nói gì”. Văn Cao cùng các nghệ sĩ của hai tờ báo Nhân Văn và Giai Phẩm khi đó chủ trương đòi hỏi tự do văn nghệ, sáng tác. Đến tháng 12   năm   1956   thì cả hai tờ báo đều bị đình bản.
-Xuân Diệu đấu tố Văn Cao là trùm phản động, là đầu sỏ chống cộng.
Với tất cả tội trạng tày trời do Xuân Diệu đấu tố Văn Cao công khai trên báo chí, tội của Văn Cao có khi còn to hơn tội của bà nhà văn Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang (cùng bị án 15 năm tù giam, 05 năm quản thúc vì hai người này bị cho là đầu sỏ gây ra vụ án chống đảng “Nhân văn – giai phẩm”). Sở dĩ Văn Cao thoát tù mọt gông vì ông chính là tác giả Quốc ca.
Gian nan với bản Quốc ca như chính cuộc đời của Văn Cao
Lửa thử vàng, gian nan thử sứ
Ngay sau vụ “Nhân Văn”, nhà nước tính lấy một bài hát “ Cách mạng tiến quân” của Đỗ Nhuận làm bài quốc ca, thay bài “ Tiến quân ca ” của Văn Cao nhưng việc không thành.
Năm 1981, nhà cầm quyền lại phát động phong trào cả nước thi sáng tác quốc ca – quyết thay bài hát của tên phản động đang bất đắc dĩ dùng làm quốc ca ( Tại Hà Nội mọi người vẫn kể: V.Cao mỗi lần say rượu vẫn hay nói oang oang “ Tớ đếch cần, vì mỗi khi bản Tiến Quân ca cử lên thì mọi người từ lớn đến bé đều đứng nghiêm chỉnh! ); nhưng mấy trăm bài dự thi thay đổi quốc ca, không bài nào được chọn (vì quá tẻ nhạt) để thay thế bài ca lịch sử của Văn Cao. Nhưng sau đó không công bố kết quả, cuộc thi cũng không được nhắc lại (!) . Bài   Tiến quân ca   vẫn là quốc ca của Việt Nam. Cho đến cuối thập niên 1980, nhờ chính sách Đổi mới   của Tổng bí thư   Nguyễn Văn Linh , các tác phẩm của Văn Cao cùng những nhạc sĩ tiền chiến khác được biểu diễn trở lại. Bài   Tiến quân ca   vẫn là quốc ca của Việt Nam.
Văn Cao phải đi học tập chính trị
Như những nghệ sĩ khác của nhóm   Nhân Văn-Giai Phẩm , tuy có muộn hơn, đến   tháng 7   năm 1958, Văn Cao phải đi học tập chính trị. Tên tuổi của Văn Cao hầu như không còn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ ở Hà Nội. Những năm sau đó, Văn Cao tiếp tục bằng nhiều công việc, như viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ   quảng cáo   các báo, vẽ nhãn diêm… Các tác phẩm của ông, cũng như các   ca khúc lãng mạn tiền chiến   khác, không được trình diễn ở miền Bắc, trừ bài Quốc ca. Giai đoạn này, Văn Cao hầu như không còn sáng tác.
Đến cuối năm 1975, Văn Cao viết   Mùa xuân đầu tiên , nhưng ca khúc bị phê bình là không đi đúng đường lối của Đảng, không phục vụ cho Cách mạng, vì thế bản nhạc mới phát hành đã bị tịch thu. Nhưng các chương trình Việt Ngữ tại Moskva   vẫn cho trình bày bài hát, và nhờ vậy   Mùa xuân đầu tiên   đã không bị lãng quên. Văn Thao, người con trai của Văn Cao, tiết lộ tiếp rằng: “Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào), trong cái năm 1976 ấy   Mùa xuân đầu tiên   được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết giấy uỷ quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.”
Năm 1989, tạp chí   National Geographic   đã đăng một bức ảnh của nhạc sĩ Văn Cao đang ngồi trầm tư bên chiếc đàn dương cầm của ông. Chính tấm hình này sau đó đã tạo cảm hứng để nhà soạn nhạc đương đại người Mỹ   Robert Ashley sáng tác nên bản solo cho piano mang tên   Van Cao’s Meditation   vào năm 1992, dù rằng cho đến tận khi Văn Cao qua đời (1995) thì Robert Ashley vẫn chưa một lần gặp mặt tác giả của   Tiến quân ca .
Ngày   10 / 7 / 1995 , sau một thời gian mắc bệnh   ung thư phổi , Văn Cao mất tại BV Hữu Nghị, HN.
Van Cao’s Meditation
Là một tác phẩm khí nhạc độc tấu dành cho piano của nhà soạn nhạc đương đại nổi tiếng người Mỹ Robert Ashley (sinh năm 1930 tại Ann Arbor, Michigan), sáng tác vào năm 1992. Bản nhạc này được Robert Ashley lấy cảm hứng sáng tác từ tấm hình chụp Văn Cao nhạc sĩ nổi tiếng người Việt Nam đang ngồi trầm ngâm bên chiếc đại dương cầm, tấm hình sau đó xuất hiện trên tạp chí  National Geographic  vào năm 1989. Dù bản nhạc được Robert Ashley sáng tác ở thời điểm khi Văn Cao vẫn còn sống nhưng cho đến khi Văn Cao qua đời (1995), Robert Ashley vẫn chưa một lần gặp mặt tác giả của  Tiến quân ca, bài quốc ca của Việt Nam.
Bản nhạc Van Cao’s Meditation sau khi ra đời (1992) đã được biểu diễn lần đầu tiên bởi nghệ sĩ piano Lois Svard và được đưa vào album nhạc của cô mang tên là “With and Without Memory”.
Trịnh Công Sơn (1939-2001) – Người Thơ Ca (theo Văn Cao)
Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền.
Mãi hơn một năm sau ngày 30/4/1975, chúng tôi mới thật sự mặt nhìn mặt tay cầm tay lần đầu, nhưng tôi có cảm giác như chúng tôi đã là bạn của nhau tự bao giờ, mặc dù giữa tôi và Sơn còn cả một thế hệ đệm (Văn Cao hơn TC.Sơn 16 tuổi). Nói cách nào đó, tôi đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong khói lửa. Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. Đêm ấy lần đầu tiên tôi nghe (cũng có nghĩa là gặp) Trịnh Công Sơn… Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu?) hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi-ta duy nhất có trong nhà .
Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra“. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả bên ngoài biên giới nữa. Và nếu không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên tác phẩm của một số nhạc sĩ thời kỳ sau 1975. Có lẽ cũng không cần nghe lại nữa, dù bây giờ và sau này Sơn có in thêm, một lần là đủ, từ cái đêm chiến tranh ấy, tôi biết mình đã gặp một tâm-hồn-chị-em xẻ chia “Một cõi đi về“. Và tôi viết lời bạt này cho tập nhạc Sơn như giữ một lời hẹn thầm chưa ngỏ, lời hẹn của một tri âm với tri âm …(Văn Cao)
Trịnh Công Sơn và Văn Cao có nhiều nét tương đồng
Cả hai nhạc sĩ đều là thi sĩ và họa sĩ, và nhất là đều là con cháu của thần rượu Lưu Linh.
(Nguyên vào cuối thời Tây Chu, có Đỗ Khang  – tương truyền là người phát minh ra cách nấu rượu ở   Tầu . Ông được những người nấu rượu, bán rượu thờ là ông tổ của nghề rượu, được nhân dân Tầu tôn xưng là   Tửu thần . Lưu Linh tự cho mình có tửu lượng cao, không ngờ mới uống được ba cốc lớn đã say nghiêng say ngả, say liền một mạch ba năm mới tỉnh. Đúng là Đỗ Khang đã có công mang niềm vui đến cho thiên hạ, tạo phúc cho muôn nhà và cho cả hai nhạc sĩ tài hoa nữa).
-Cái tên “Rượu Văn Cao” ra đời
Chuyện kể ra thì rất dài và khá ly kỳ, nhưng có thể tóm lại thế này. Một người có nghề nấu rượu gia truyền ở mạn chùa Thầy, được nghe kể là Nhạc sĩ Văn Cao cũng “hay” rượu. Ông quyết định nấu một loại rượu đặc biệt để biếu Văn Cao. Ông rất ít khi nhận quà nhưng loại rượu này thì ông nhận. Rồi ông mê nó và không giữ uống một mình. Loại rượu này nặng độ (khoảng 55 độ), trong vắt và vẫn còn mùi thơm của hương nếp; nhấp một giọt, thấy ngọt ở đầu lưỡi; uống vào đến đâu, sức nóng lan tới đó, cả người như sắp sửa bay lên… Chắc người biếu rượu cũng được thấy khích lệ khi con người tài hoa và nổi tiếng mê thứ rượu ông nấu. Thế là giữa hai bên có mối liên kết chặt chẽ. Sau khi Văn Cao mất, người con trai trưởng của cụ là Văn Thao thừa hưởng loại rượu này.   Chẳng bao lâu trong những người bạn tôi lan truyền cái tên “Rượu Văn Cao”. Ai vừa được uống xong, lập tức khoe với bạn bè: Mình vừa uống “Rượu Văn Cao”.
Tôi cứ nghĩ, tên “Rượu Văn Cao” chỉ những người bạn của tôi biết với nhau mà thôi. Thực tế không phải vậy. (Nghệ Nhân Huyện Quỳnh)
-Nhạc sĩ Văn Cao và Trịnh Công Sơn là những người bạn trân quý của nhau. Trịnh gọi âm nhạc của Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng còn Văn gọi Trịnh là người của thơ ca.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã  từng nói “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư…”.
Còn cố nhạc sĩ Văn Cao thì gọi  Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) “… bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ… Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra“.
Đó chính là những lời chân thành mà hai nghệ sĩ tài hoa dành tặng nhau. Mỗi lần Trịnh Công Sơn ra Hà Nội đều ghé thăm Văn Cao, người ta thấy hai người bạn vong niên ngồi trước ly rượu đàm đạo… Năm 1993 mới có cuộc hội ngộ tại Sài Gòn giữa hai  nhạc sĩ tài hoa trong làng nhạc Văn Cao và Trịnh Công Sơn, không ai nghĩ rằng đó là cuộc gặp cuối cùng.
Tiếp nhận bài “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao
Văn phòng Quốc hội chiều 15-7-2016 đã tổ chức lễ tiếp nhận bài “Tiến quân ca” và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao. Bà Nghiêm Thúy Băng, phu nhân cố nhạc sĩ, cùng các con – cháu của gia đình đã tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết cách đây hơn 70 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, hàng vạn quần chúng nhân dân đã hát vang bài “Tiến quân ca” trong lễ chào cờ tại buổi lễ Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bài “Tiến quân ca” chính thức được Quốc hội khóa 1 chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ hai (tháng 3-1945) và được ghi tại điều 3 Hiến pháp năm 1946, theo đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao trở thành Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thể theo tâm nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao cùng gia đình mong muốn hiến tặng bài “Tiến quân ca” cho nhân dân và Tổ quốc, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Bộ VH-TT-DL đã chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các bộ – ngành ký kết văn bản hiến tặng bài “Tiến quân ca” vào ngày 28-12-2015. Sau lễ tiếp nhận, Bộ VH-TT-DL được giao quản lý, có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị bài “Tiến quân ca”.
LỜI KẾT
Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Truyện Kiều trong bài nói chuyện của Tổng thống Mỹ Obama (tại Hà Nội – 24/5/2016)
TT Hoa Kỳ Barack Obama đã có buổi nói chuyện với giới trẻ Hà Nội. Với phong thái gần gũi và sự chuẩn bị kỹ càng, ông đã gây ấn tượng rất lớn đối với khán giả.
Buổi nói chuyện của TT Obama không thể không nhắc đến những vẻ đẹp tự nhiên biểu tượng cho Việt Nam như Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng. Ông mong mỏi những vẻ đẹp như vậy cần được bảo vệ cho thế hệ con cháu.
Không ít lần TT Hoa Kỳ nhắc đến những nhân vật nổi tiếng trong văn hóa Việt Nam như Trịnh Công Sơn hay Truyện Kiều của Nguyễn Du, khiến cho bài phải phát biểu của ông trở nên gần gũi hơn nhiều với những người Việt Nam trẻ tuổi.
“Sự tự tin của tôi được đặt nền tảng từ tình cảm bạn bè và cảm hứng chia sẻ với nhân dân các nước, cả người dân Hoa Kỳ hay những người Việt Nam từng vượt biển. Một vài người đã gặp lại gia đình lần đầu tiên sau nhiều thế hệ, hay những người mà như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài “Nối vòng tay lớn”, hãy mở trái tim ra và hãy nhìn vào tính nhân đạo – bản chất của con người”. “Nhiều năm sau nữa, khi người Việt Nam và người Mỹ học tập cùng nhau, cùng sáng chế các phát minh và kinh doanh với nhau, cùng đứng với nhau trong các vấn đề an ninh, bảo vệ cho nhân quyền và nhân phẩm. Tôi mong các bạn nhớ lại khoảnh khắc này khi tôi đứng ở đây với các bạn, như Nguyễn Du đã nói trong truyện Kiều:
Rằng: Trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi
Để lý giải cho mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, ông đã trích dẫn một câu hát rất nổi tiếng trong bài “Mùa xuân đầu tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao. “Người Việt và người Mỹ đều có thể cùng nói về lời bài hát của cố nhạc sĩ Văn Cao: Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người….”.
Bản nhạc bất hủ: “ Mùa xuân đầu tiên ” Văn Cao khởi viết cuối tháng 12-1975, hoàn thành trong dịp tết Bính Thìn năm 1976.
Đây là bài hát có số phận đặc biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Văn Cao. Đây cũng là bài hát mang nhiều tâm trạng đối lập, hòa trộn nước với lửa: Vui ít, buồn nhiều, mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều, bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít, bơ vơ nhiều…
Hầu như tất cả các trạng thái tình cảm trái ngược nhau của con người đều có trong bản nhạc kỳ lạ này: Ai vui hát lên thì nghe vui, ai buồn hát lên thấy buồn não ruột, ai đau khổ hát lên thấy một trời đau khổ, ai sầu thảm hát lên thấy cả một thế giới sầu thảm đang đồng cảm cùng mình…
Nghe đi nghe lại bản nhạc này, ta thấy xuất hiện trong tâm trí mình rất nhiều tâm trạng không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt. Nếu bạn đã hoặc đang đi qua bể khổ trần gian, nghe bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” bạn sẽ cảm thương, nhờ nước mắt diễn đạt nỗi lòng mình.
Riêng lời bài hát đã là một bài thơ hay:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về…
Rất nhiều chim én, nhiều nắng gió, có nước mắt vui gặp gỡ của đàn con nay đã về, có cuộc đời êm ấm…nhưng sao hình ảnh “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa trên sông” lặp lại hai lần làm không gian của “Mùa xuân đầu tiên” xa xôi, bơ thờ thế, xao xác thế, hoang vắng thế, hiu quạnh thế, đơn độc có phần cô đơn thế? Chợt nhớ nỗi buồn thiếu quê hương của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu xưa, cũng một tiếng gà trưa Văn Cao nay, một khói sóng trên sông xa Văn Cao nay, u hoài khôn xiết: “một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu? Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!)
Chợt nhớ Lưu Trọng Lư “thời con nai vàng ngơ ngác” với câu thơ tiền chiến xưa sao rất đồng cảm với nỗi vui não nùng Văn Cao nay: “Tiếng gà trưa xao xác não nùng”.
Bài hát như một điệu valse bằng nước mắt; sự thướt tha, quý phái của một giai điệu bi thương; sự sang trọng của ngậm ngùi, day dứt; sự lãng mạn của một phiêu linh, xô dạt; sự mê đắm của một vu vơ; sự đoan trang của cái đẹp lỡ thì; sự liêu trai của ngơ ngác, đìu hiu; sự dịu dàng của nỗi thương đau, xót nhớ….
Chừng như đã mấy chục năm chiến tranh liên miên chưa từng có xuân về? Chừng như gần hết cả đời người bận chuyện đấu tranh giai cấp giành giật miếng ăn chưa từng thấy chim én báo xuân? Chừng như đã rất lâu rồi sự căm thù trùm lên xã hội không còn ai biết thương người? Chừng như đã lâu lắm rồi ta tha hương trên chính quê hương mình? Chừng như suốt mấy cuộc chém giết kinh hoàng mạo danh cách mạng, không còn ai biết yêu con người? Chừng như mấy mươi năm rồi con người đã quên mình còn nước mắt? Chừng như lâu rồi tâm hồn người không được sưởi nắng mùa xuân?
Và chừng như toàn bộ vết thương cuộc đời Văn Cao, vết thương cuộc đời dân tộc, bỗng mượn ngón tay ông mà nhỏ xuống cây đàn piano những giọt nước mắt giai điệu, khiến những vết thương chợt mở miệng ca hát: “Mùa xuân đầu tiên”
Chừng như nỗi niềm ngày 30 tháng tư năm 1975: “Có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người Việt Nam buồn” (lời ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã hiện ra nơi bài hát: “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao? Trong bài hát ấy, kỳ lạ thay, tôi nghe có một nửa nước vui thắng trận trào nước mắt và một nửa nước buồn thua trận cũng trào nước mắt, chợt ôm chầm lấy nhau mà quằn quại, mà dằn vặt giằng xé nhau, cười khóc mếu máo bầm dập nhau, nên vui ấy sao buồn hiu hắt thế, lênh đênh phiêu bạt thế, nức nở nghẹn ngào thế?
Có lẽ, chính vì những điều trên mà kiệt tác “ Mùa xuân đầu tiên ” của Văn Cao sau khi được báo “Sài Gòn giải phóng” in trước tết Bính Thìn: 01- 01 – 1976, được hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam mấy lần liền bị cấm suốt 24 năm (1976-2000). Sinh thời, Văn Cao không được nghe, được nhìn thấy đứa con tinh thần lớn lao này của mình được trình diễn. Sau khi ông mất (1995) 05 năm, “Mùa xuân đầu tiên” mới ra khỏi nhà tù kiểm duyệt.
Xin quý bạn đọc hãy nghe nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao kể sơ qua về sự ra đời của bài hát này:
“Sau khi bài TIẾN VỀ HÀ NỘI ra đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Từ đó bố đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa… Nhưng rồi những năm tháng sau này đôi lúc hứng khởi bố vẫn sáng tác. Vẫn biết có sáng tác ra cũng chẳng được dàn dựng…”
Tôi còn lưu giữ được một số tác phẩm của ông sáng tác sau này nên tôi hiểu những điều ông nói. Giá như ông không bị rơi vào cái nạn “Nhân văn” và bị “vô hiệu hoá” mất 30 năm thì tôi chắc rằng ông sẽ còn sáng tác được thêm nhiều tác phẩm cho nền âm nhạc Việt Nam.
Những ngày tháng sau đó, căn gác nhỏ nhà Văn Cao không lúc nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy và có cả những khuôn mặt, một thời không dám bước chân đến căn gác nhỏ này vì sợ “bị vỗ vai”.
Văn Thao tiết lộ rằng, bài hát bị cấm ở Việt Nam nhưng bên nước Liên Xô người ta lại dịch sang tiếng Nga, phát trên Đài phát thanh Matxcova (Trần Mạnh Hảo)
Mùa Xuân Đầu Tiên - Văn Cao
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về  
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông
Gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng cho bao tâm hồn
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người/   Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người/ Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/  một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Phạm Vũ
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Hồn phố Em quê ở đâu? - Em không có quê. Từ thời ông bà nội ngoại, gia đình em đã định cư tại Sài Gòn. Anh không biết nói tiếp...