Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Hùng tráng, hào sảng - Thơ Cao Bá Quát

 Hùng tráng, hào sảng - Thơ Cao Bá Quát

Họ Cao ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (Kinh Bắc cũ), là một dòng họ lớn. Phú Thị vốn là đất học, các họ lớn trong làng đều có những người đỗ đạt, riêng họ Cao thì nhiều đời đã có những vị khoa bảng, những triều quan có tiếng.
Một vị hiển tổ của dòng họ này là Cao Bái Hiên, làm quan đến chức Tham Tụng (Tể tướng) kiêm Binh Bộ Thượng Thư ở Phủ Chúa Trịnh. Đời sau ông Bái Hiên, có ông Cao Cửu Chiếu, làm đến Giáo thụ huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc. Thân phụ Cao Bá Quát cũng là một ông đồ hay chữ, gặp buổi nhiễu nhương cuối đời Lê, nên không đi thi. Đến thế hệ anh em sinh đôi Cao Bá Đạt – Cao Bá Quát, thì khoa thi Hương đầu, cả hai anh em đều đậu cử nhân, ông Quát được bổ làm Hành Tẩu vào làm quan ở Kinh đô Huế, còn ông Đạt thì được bổ Tri huyện…
Cao Bá Quát nổi tiếng hay chữ từ thuở nhỏ. Ông có rất nhiều giai thoại, phần lớn đều nhằm nói về sự mẫn tiệp, thông minh xuất chúng của ông…
Thi Hương còn rất trẻ, ông đậu Á nguyên, bị đánh tụt xuống cuối bảng, Cao thi Hội mấy lần không đỗ, theo tư liệu và giai thoại đương thời thì chỉ vì văn chương khác đời, không chịu vào khuôn thước.
Không kể đến câu thơ truyền đời: “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán, thi đáo Tùng – Tuy thất Thịnh Đường” của một sứ thần nhà Thanh sang Việt Nam khen, được lưu lại, những người nổi tiếng văn chương một thời, không ai là không biết Cao Bá Quát. Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, rất mến quý ông, tập thơ Thương Sơn thi tập của vị hoàng thân này, đích thân mời họ Cao đề tựa… Cao từng có thơ hoạ – thơ trong buổi mừng thọ 70 tuổi của Nguyễn Công Trứ, cùng với bao thi nhân khác… Các nhân vật nổi tiếng khác như Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Giai… đều là bạn rất thân của họ Cao, và, vua Tự Đức, qua giai thoại, dù có ra roi phạt Cao đến điều, xem ra cũng trọng tài Cao Bá Quát…
Mà người như Cao, ngoài thơ hay, còn là một người uyên bác… Giai thoại Nước Nam có bốn bồ chữ, Cao chiếm tới hai bồ, đủ nói lên điều ấy…
Nghiên cứu sâu về thân thế, thì Cao là người cô đơn nhất đi giữa dòng đời. Bởi lối học, lối nghĩ, lối viết, lối hiểu đời của ông cũng rất khác đời…
Bởi thế dọc đường đời của Cao Bá Quát là một chuỗi dài bi kịch, trắc trở… Cho đến nay, chưa có ai đi sâu nghiên cứu để bật mí thêm về những bi kịch và trắc trở ấy… Và có lẽ, cũng đầy tâm trạng nên Cao Bá Quát đã làm nhiều thơ… Qua thơ ông, ta có thể hình dung được khái quát cuộc đời của nhà thơ, những lúc vấp váp, những nơi đến, nơi đi những tâm trạng của ông… Và bởi thơ ông hay nên dù mắc tội đại nghịch bị chu di đến ba họ, đương thời, nếu nhắc đến tên có người e còn ngại; Vậy mà Cao Chu thần thi tập vẫn còn lưu lại đến ngày nay được tới hàng trăm bài. Thế mới biết, thơ hay, thì đời giữ hộ.
Cao Bá Quát là một nhà thơ mà phong cách không lẫn với ai. Trời phú cho ông tài năng, ông lại có một vốn học thức dầy dặn, với lối học riêng mình tạo lấy. Với suy nghĩ và ý chí mạnh trong người, khi dấn thân vào quan trường, hoặc khi làm quân sư cho cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương sau này; những hành động của ông cũng táo bạo khác thường mà các nhà nho tài tử đương thời, trước ông và sau ông cũng không ai dám làm. Đó là việc ông chữa bài cho học trò khi chấm thi, bỏ nghề dạy học để dấn thân vào cuộc khởi nghĩa của nông dân và sĩ phu ở vùng giáp ranh Sơn Tây và Hoà Bình, rồi chấp nhận một kết cục bi tráng.
Đọc thơ ông, ta như bị cuốn vào nếp nghĩ, lối nói, ngôn từ như lôi như cuốn của ông, bởi thơ ông có những điều mà người khác không có.
Thơ Cao Bá Quát toát ra hùng tứ. Những tứ thơ mạnh mẽ, hào sảng là điểm trước tiên ta nhận ra phong cách riêng của thơ ông:
Quân bất kiến:
Hải thượng bạch ba như bạch đầu/ Nộ phong hàm phá vạn hộc châu/ Lôi khu điện hác hãi nhân mục/ Trung hữu điểm điểm phù khinh âu (Hoành sơn vọng hải ca)
Trần Huy Liệu dịch:
Anh không thấy:
Sóng biển trào lên như đầu bạc lô nhô./ Gió giận dữ đánh chìm cả những chiếc thuyền to/ Chớp giật sấm ran ai nấy đều xanh mắt/ Giữa cảnh, chim âu vẫn nhởn nhơ…
Cả khi ốm, tứ thơ cũng mạnh mẽ, khác thường.
Bệnh hạc thương hồng vọng dĩ cô/ Sáp linh kim tạm tá bằng đồ/ Tiêu ma hàn mặc cùng tài tử/ Lũng đoạn vân sơn tiện trượng phu/ Chướng thịnh mộ hàn liên bắc dữ/ Dạ thâm tàn mộng đáo Tây Hồ
(Hương quan chi cảm)
Xin tạm dịch:
Hồng đau, hạc ốm bớt trông ngang,/ Mượn cánh chim bằng thẳng lối băng/ Bút mực hao mòn tài tử xác/ Núi mây cào vét trượng phu xoàng./ Chiều buông ải Bắc đầy lam chướng/ Đêm vắng Hồ Tây sót mộng tàn…
Tả sông Hương, nhìn dòng sông như một thanh kiếm dựng giữa trời xanh:
Vạn chướng như bôn nhiễu lục điều/ Trường giang như kiếm lập thanh thiên/ Sổ hàng ngư đính liên thanh trạo,/ Lưỡng cá sa cầm khuất túc miên
(Hiểu quá Hương Giang)
Vũ Mộng Hùng dịch:
Muôn núi quanh co diễu cánh đồng/ Trời xanh gươm dựng một dòng sông/ Giặm đò văng vẳng vài chài cá/ Co cẳng lim dim mấy chú mòng…
Ngôn từ từ tâm thế vọt ra, có nội lực, thi tứ lạ là điều thường gặp ở thơ Cao Bá Quát. Ông tả sóng, tả sông đã hùng dũng, khi tả núi cái tráng khí ấy vẫn nguyên phong cách. Đây là núi Tản Viên:
Vân mại trùng tiêu tinh khả trích/ Địa dao vạn nhận thuỷ vô quyền
Khương Hữu Dụng dịch:
Đỉnh sát tầng trời sao dễ với/ Đất cao muôn bậc, nước khôn chờm.
Đây là núi Con Mèo:
Lăng tằng thạch cốt lăng sương sấu,/ An ước đài mao liễm lộ phi./ Phong động nộ hào kình án thiếp/ Nguyệt minh cố ảnh điểu kinh phi
Hoàng Tạo dịch:
Gồ ghề cốt đá làn sương giội,/ ấp ảnh lông rêu hạt móc sa/ Tiếng gió như gào kình sợ khiếp,/ Sáng trăng rõ bóng chim bay xa.
Còn đây là Hòn Vọng Phu:
Độc lập sơn đầu đệ nhất phong,/ Chu điêu phấn tạ vị thuỳ dung/ Âm thư cửu đoạn nhân hà xứ/ Thiên hải vô nhai lộ kỹ trùng
Hoàng Tạo dịch:
Đứng sững đầu non đỉnh tuyệt vời/ Phấn son phai lạt biết vì ai?/ Người nơi nao vắng không tin tức/ Đường mấy trùng xa cách biển trời!
Ở Núi Tản, lấy cái thế cao ngất, giơ tay với được sao trời mà tả. Ở “Núi Con Mèo”, núi thấp, thì lấy cái thế núi rắn rỏi, đanh thép mà khắc hoạ. Còn ở “Hòn Vọng Phu”, lấy cái thế người đàn bà ngóng chồng, lấy cái dáng đứng chênh vênh trên ngọn núi cao nhất để gây ấn tượng. Tung lên thế, để gieo câu hứng, tả cái nỗi nhớ vời vợi rộng lớn mà cũng mù mịt làm sao: “Người nơi nao vắng không tin tức. Đường mấy trùng xa cách biển trời”. Thơ như thế thì chỉ đọc một lần là nhớ, bởi cái tứ hùng thường hay gây được ấn tượng khó quên…
Thơ Cao Bá Quát kết hợp được chất trí tuệ và những xúc cảm thơ bất chợt. Hai yếu tố đạt được điều cần có trong thơ bác học đó là tình và ý. ý là chất trí tuệ, còn tình là xúc cảm, là bản năng thiên phú của người làm thơ. Chẳng hạn như bài Đối Vũ:
Bạo vũ khuynh thiên lậu,/ Phi đào táp địa lai./ Thế liên giang sắc tráng/ Thanh nhập dạ phong ai/ Xích thật hành hà đạo,/ Thương sinh thán kỷ hồi/ Khách tình ngâm vọng viễn/ Thu khí chính tương thôi
Hoá Dân dịch:
Nghiêng trời mưa giội gấp,/ Chuyển đất sóng bày tung./ Nước cả, sông man mác,/ Đêm khuya, gió não nùng./ Vầng hồng đâu khuất mãi,/ Dân chúng bao chờ mong/ Tình khách thơ trông ngóng/ Hơi thu rộn rã lòng.
Chẳng hạn như bài Đăng Hoành Sơn:
Sơn ngoại thanh sơn vạn lý thành/ Sơn biển dã thảo tống nhân hành/ Anh hùng mạc vãn thiên miên sự,/ Chinh chiến không tồn nhất lũy danh,/ Bán linh đoạn vân thu túc vũ/ Nam trang sơ hiểu đái tân tình/ Há sơn phản giác đăng sơn khổ,/ Tự khám du du uỷ đặc tình.
Xin được dịch là:
Lên Đèo Ngang/ Đường dài muôn dặm núi xanh xanh/ Cỏ mịn ven đường lặng tiễn chân/ Khôn vớt nghìn xưa đời tuấn kiệt,/ Còn trơ tên luỹ, thuở giao tranh./ Mây tan đỉnh Bắc, mây vừa tạnh,/ Nắng ửng thôn nam, buổi sớm lành./ Xuống núi mới hay lên núi khổ/ Cõi trần để luỵ một thân danh.
Ý và tình hoà quyện vào nhau. Chất trí tuệ càng làm rạng rỡ những xúc cảm đầy chất thơ, đó là phong cách Cao Bá Quát. Bởi ông là người luôn suy nghĩ, luôn luôn xúc cảm. Mà hai thứ ấy ở ông, thứ này luôn có hồn cốt của thứ kia, thứ kia luôn náu hồn cốt ở thứ này. Có khi chỉ là bức thư gửi bạn, rất dễ khô khan mà vẫn đậm đà phong cách ấy:
Phục giản Phương Đình/ Thập niên ác bút phí quang âm,/ Đồ bảo tiêu ưu hậu lạc tâm/ Thân sự dữ vân tranh tụ tán/ Thế cơ như thủy trục thăng trầm/ Cố viên cúc tĩnh, thu ưng trưởng/ Tiểu các mai hàn dạ độc ngâm,/ Tự tiếu đa tình tiên vị đắc/ Phù danh hoàn chước ngộ tri âm…
Xin được dịch là:
Lại gửi Phương Đình/ Mười năm cầm bút phí thì giờ,/ Vui trước lo sau, dạ vẫn ưa./ Mưa lúc tụ tan, thân chuốc lấy/ Nước khi lên xuống, chuyện đời ư?/ Thu về cúc tĩnh rồi mau lớn/ Gác nhỏ, mai hàn, một giọng thơ./ Cái thói đa tình, cười khó bỏ/ Tri âm lỗi hẹn chuốc danh hờ…
Bức thư vừa thổ lộ được tâm trạng, lại có những cảm hoài trước nhân tình thế thái.
Dù là thơ ngắn, ngữ ngôn tứ tuyệt hai mươi chữ đến những bài tráng ca dài hàng chục câu, dù thơ luật gò bó hay những bài cổ phong, phong cách này của Cao Bá Quát trước sau vẫn nhất quán.
Chắc Cao Bá Quát cũng yêu thơ Đường, thơ Tống lắm.
Với sự thông minh đặc biệt trời phú, với sự mẫn cảm của một nhà thơ thiên tài, với học vấn phóng khoáng mà uyên bác, sự hấp thụ tinh hoa của hai nền thơ vĩ đại Đường, Tống trong Cao Bá Quát là dĩ nhiên. Nhưng thử nghiên cứu kỹ thơ ông, trong đó có cả chất Lý Bạch, chất Đỗ Phủ, chất Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục của thơ Đường. Những bài ông thương dân, xót dân, thơ đấy mà những miêu tả sắc sảo cảnh dân lầm than đói khổ, nào thua gì Đỗ Phủ những bài hành về Bãi Cát (Sa hành đoản ca), về Người đàn bà phương Tây (Dương Phụ hành), về vụ hoả hoạn lớn ở An Trường (An Trường hành), hay tâm tư lúc nửa đêm (Trung dạ thập tứ vận), thì bút lực khác gì Lý Bạch, đọc lên đều thấy những sức nghĩ, sức viết như gió cuốn, mây bay, như nước Trường giang cuộn chảy. Đến khi đọc tứ tuyệt hoặc thơ luật thì sắc thái cá nhân, tâm tư riêng mà chung, với những lối nghĩ riêng thấu đáo, với cái tình phóng túng, ta lại gặp thi từ của ông nghiêng ngửa với Đỗ Mục và Lý Thương Ẩn. Những bài Nhạc Phủ, tứ thơ, âm điệu, càng đọc càng đắm vào thi tứ và chữ nghĩa. Rồi thể từ đời Tống cũng được chuyển tải vào thơ chữ Hán với những tiết tấu mới ngay trong những bài hành cũ kỹ hay những âm điệu mượt mà trong những bài hát nói của ông.
Cao Bá Quát khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn thì thất bại, nhưng về thơ ca thì là một trái núi trong thi ca trung đại Việt Nam.
Ngô Văn Phú
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...