Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Cao Bá Quát - Một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam

 Cao Bá Quát - Một thiên tài kỳ vĩ
của văn học Việt Nam

Thơ Cao Bá Quát vút lên từ một số phận. Không phải số phận của chỉ một cá nhân mà còn là của cả một dân tộc. Hàng ngàn năm, chúng ta mới có một hiện tượng văn học kỳ tuyệt và đáng ngạc nhiên như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà trước Cách mạng tháng Tám, lúc mà thơ Cao Bá Quát chưa sưu tầm được bao nhiêu, có nhà nghiên cứu đã cho rằng “ba bốn trăm bài của Cao Chu Thần thi thảo giá ở Trung Quốc thì đã được in ra, làm cho tác giả đứng ngang hàng với Đỗ Thiếu Lăng, Tô Đông Pha chẳng hạn, nhưng ở nước ta, đành mai một” [1].

Cao Bá Quát đã sống như một huyền thoại. Với những động cơ khác nhau và cách nhận thức khác nhau về ông, người ta đã sáng tác ra những giai thoại và nhiều khi hậu thế chỉ hiểu ông qua những giai thoại ít nhiều xuyên tạc đó. Dù sao, trong tâm thức nhân dân, ông đã trở thành một bậc “thánh” của thơ. Điều này cũng không có gì quá đáng, thậm chí là một đánh giá tương đối chính xác.
 Trong thời Cao Bá Quát sống và làm thơ, như lời ông nói, “tác gia nối gót xuất hiện”, nhưng các nhà thơ ấy mắc phải nhiều bệnh như “ủy mị”, “dễ dãi”, “nuốt sống bắt tươi”, “vơ vét trăm nhà, thâu tóm mọi thể, mô phỏng quá nhiều mà phong cốt chưa cao, tô điểm có khéo nhưng tinh thần còn thấp…” (Tựa đề cuối tập thơ của Thương Sơn). Trong khi đó, thơ Cao Bá Quát như một vầng hồng chính khí bao trùm lên thi đàn, cái thi đàn bị trói buộc, gò bó bởi một triều đại chuyên chế và u ám. “Giữa thế kỷ bạo tàn, tôi đã ca ngợi tự do”, thi hào Pushkin (1799-1837), người đồng thời với Cao Bá Quát, viết. Còn khổ nhục hơn Pushkin bị quản thúc ở Mikhailôpskoie, Cao Bá Quát đã bị tù và bị tra tấn dã man ở nhà lao Kinh đô Huế và từ song cửa nhà tù, tiếng thơ của ông ca ngợi tự do, phản đối nhục hình, tiếng thét bi phẫn của con người chân chính bị đày ải, đã vút lên và làm xúc động chúng ta ngày nay.
 Bên cạnh những đỉnh cao chói lọi trong văn học Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, chúng ta lại có Cao Bá Quát (1808-1855), người phản kháng, người ca ngợi tự do, người thương dân đen, người yêu thương nhân dân lao động như tấm lòng của Đỗ Phủ “cùng niên ưu lê nguyên” (Quanh năm lo dân đen), lại là người biết ước mơ một cuộc sống xứng đáng với con người như trích tiên Lý Bạch, và lạ hơn đã dám tuốt gươm khởi nghĩa. Ông đã từ một con người của từ chương bước vào hiện thực và chiến đấu, từ một con người của vần điệu và khí phách biến thành con người của dòng lịch sử đang vật vã chuyển mình, thành anh hùng khởi nghĩa. Và thế là Cao Bá Quát đã có một số phận khác thường trong lịch sử văn học.
 Cao Bá Quát là một hiện tượng hoàn toàn riêng, nhưng, như những nhà thơ vĩ đại khác, ông là hoa trái của thời đại và dân tộc, người con ưu tú của nhân dân, một nhà thơ điêu luyện về ngôn từ, đa dạng về thể loại và giọng điệu, người biết hút nhụy của hàng ngàn năm văn học phương Đông và sáng tạo trên tâm tình và nhận thức của riêng mình.
 Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (1010-2010), chúng ta tự hào về nền văn hóa Thăng Long mà vết tích vật chất sinh động nhất được nhìn thấy qua những hiện vật được đào lên mới đây từ phế tích của Hoàng thành Thăng Long. Nhưng một con người kỳ vĩ như Cao Bá Quát, người Thăng Long gốc, quê ở Phú Thị, cư trú ở Đình Ngang, Trúc Bạch (Thăng Long-Hà Nội)…, vết chân lưu lại trên khắp đất nước Việt Nam và cả ở nước ngoài; con người ấy được thể hiện bằng ngôn từ tuyệt diệu qua hàng ngàn bài thơ, bài phú, hát nói, luận thuyết… há chẳng làm chúng ta tự hào thêm về Thăng Long, về Việt Nam hay sao. Cái di sản văn hóa đồ sộ đó há chẳng phải là một nguồn năng lượng vô giá tiếp sức cho con người Việt Nam vượt qua thử thách, tiến lên cho kịp thời đại hôm nay đó sao?
 Một dân tộc trong quá khứ với muôn vàn khó khăn, gian nguy, đã có những người con như vậy, dân tộc ấy có thể tự tin ở mình. Vấn đề là biết kế thừa và phát huy những tinh hoa ấy trong hoàn cảnh mới. Hoàn cảnh mới nhưng những giá trị đích thực về nhân cách, về khát vọng, về yêu thương… như của Cao Bá Quát sẽ không bao giờ cũ. Cao Bá Quát có lẽ là một hiện tượng chỉ xuất hiện một lần trong văn học Việt Nam.
 Cuộc đời ông từ thuở thư sinh, học rất giỏi và chữ viết cũng rất đẹp. Đường đời đã định với ông, theo gia phong là đi học, đi thi làm quan để vinh hiển với đời và cũng để giúp đời. Có thể nào có con đường khác. Cha ông đặt tên cho anh em ông (sinh đôi) là Bá Đạt và Bá Quát, hai hiền thần vào đời Chu và ông lấy hiệu Chu Thần là theo ý nguyện đó của cha.
 Vào đời, ông tự ví mình là “thiên lý mã”, chở nặng trách nhiệm và phải đi xa. Và đã vào đời, làm sao tránh được cái danh. Nhưng phải là cái danh trong sạch, xứng đáng: “Đạp hướng danh đồ bất điệu đầu” (Bước lên con đường danh, đầu vẫn ngay thẳng). Những giai thoại mà người đời gán cho ông, mô tả tuổi trẻ của ông thông minh, đối đáp giỏi nhưng kiêu ngạo và tham vọng. Có thể là sau cái chết giữa trận của ông, ông bị bêu đầu, bị ghép vào tội nặng nhất là tội phản nghịch, cả nhà bị giết, người ta vừa thương, vừa kính lại vừa sợ và đã sáng tác ra các giai thoại đó để huyền thoại hóa một con người. Các giai thoại này đã làm sống một nhân vật gọi là Cao Bá Quát trong văn hóa dân gian nhưng nó cũng xuyên tạc tính cách và khuôn mặt thật của ông không ít.
 Bài văn đáng tin cậy để bộc lộ chân dung chân thực của Cao Bá Quát là bài phú Tài tử đa cùng. Hiện không tìm thấy bản Nôm gốc. Nhưng từng câu, từng chữ, tư tưởng, chí khí, tính cách, phong cách của bài văn là của Cao Bá Quát chứ không thể là của ai khác. Đó là một Cao Bá Quát thời thư sinh chưa nếm trải chuyện thi cử và chưa bước vào đời. Đó còn là con người của mơ ước và khát vọng. Ngay từ thuở thư sinh ấy, ông đã rất khác với thế tục.
 Tài tử đa cùng là một kiệt tác về mặt nghệ thuật. Phú Nôm không phải là một sự “bứng trồng” (transplation) [2] của Hán phú, Đường phú… mà là một sự “tiếp biến văn hóa” (acculturation), mang đặc sắc Việt Nam. Trước hết, đó là tiếng Việt trau chuốt, ý vị; là cấu trúc và qui mô thay đổi, và chức năng “nhuận sắc hồng đồ” triều đại trong phú Trung Quốc được thay bằng chức năng mô tả đời sống thế tục Việt Nam. Từ đó, hiện lên một lý tưởng nhân văn mang tính nhân dân tiến bộ, đặc biệt là ở những bài phú Nôm châm biếm, hài hước: “Ngã ba Hạc phú”, “Thầy đồ hỏng thi phú”, “Hàn Nho phong vị phú”… Tài tử đa cùng là một bài phú trữ tình, một bài văn xuôi có nhịp (prose rythmée), tuyên ngôn của một giai tầng, giai tầng kẻ sĩ, có ý nghĩa văn hóa – lịch sử của xã hội Việt Nam.
 Ở đời người ta ghét những kẻ kiêu ngạo, nhưng lại yêu những kẻ có hoài bão lớn. Cao Bá Quát không bao giờ là người kiêu ngạo. Ông chỉ coi khinh bọn quyền quý áp bức, bọn “chim hoàng điểu kiếm ăn”… Ông sánh mình với tất cả những người ưu tú của nền văn hóa phương Đông cổ đại, những Y Doãn, Phó Duyệt, Khổng Tử, Nhan Uyên, Trình Hạo, Chu Hy, những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lạc Tân Vương, Dương Quýnh… Trong đoạn văn bộc lộ hết mình, “xé mình ra mà viết” ấy, có cái gì hào hứng, trẻ trung rất đáng yêu, khác với những câu văn cử nghiệp tầm thường mà trống rỗng:
 

Nghiêng cánh nhạn, tếch mái rừng Nhan Khổng, chí xông pha nào quản chông gai; Cựa đuôi kình, toan vượt bể Trình Chu, tài bay nhảy ngại chi lao khổ.

Lắc bầu rượu, dốc nghiêng non nước lại, chén tiếu đàm mời mọc Trích Tiên; Hóng túi thơ, nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm Lão Đỗ.

Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mắt trần toan đạp cửa phù đồ;

Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay tạo rắp xoay cơn khí số.

 

Chúng ta chú ý tới nhịp điệu, giọng điệu, cú pháp của các câu. Các câu đặt “đảo trang”: các cú đoạn định ngữ theo thông lệ của cú pháp tiếng Việt phải được đặt sau (cựa đuôi kình, lắc bầu rượu…) ở đây được đặt lên trước để gây ấn tượng và tạo ngữ khí, đặc biệt các động từ đặt ở đầu mỗi câu (cựa, lắc, hóng, tươi, rửa…) được chọn lọc và dùng rất thích đáng. Cả những động từ dùng trong các cú đoạn khác cũng thế: dốc, nong, bưng, giương…; tài sử dụng tiếng Việt có thể nói là tuyệt vời !
 Nhưng cuộc đời phong kiến không có chỗ cho những tài hoa, nhất là cho những chí khí như thế: “Song nghĩ lại trần ai không đếch chỗ”. Và cái nghèo, cái cùng khổ, “cần lao” và “tân khổ”, cơm và áo… là cái cửa ải đầu tiên mà cuộc đời mở ra cho chàng thư sinh. Và không có ai có thể viết hay, tiêu tao như Cao về cái ảnh hưởng của hoàn cảnh đến người tài tử ấy.
 

Gió trăng rơi rụng, để cái quyên gầy,
Sương tuyết hắt hiu, làm con nhạn võ.

 Vẫn là những hình tượng và những động từ “đặc hiệu”: rơi rụng, hắt hiu, gầy – võ…Nhưng hoàn cảnh không đè bẹp được tráng chí của chàng thư sinh, và cái thanh cao cao vút ấy của chàng chỉ có thể sánh với Bá Di, Thúc Tề và Lã Vọng:

 

Đói rau rừng, thấy thóc Chu mà trả, đá Thú Dương chơm chởm, xanh mắt Di nằm tót gáy o o.

Khát nước sông, trông dòng đục không vơ, phao Vị Thủy lênh đênh, bạc đầu Lã, ngồi giai, ho lụ khụ.

 Khát mà không thèm uống, đói mà không thèm ăn, “bần tiện bất năng di, phú quí bất năng dâm…” những ý tưởng đã nghìn năm ấy phải được gói trong những từ ngữ tiếng Việt: “không vơ”, “trả”, “chơm chởm”, “lênh đênh”… mới thành được những lời thơ “thiên cổ”. Một luồng chính khí biến thành văn khí chạy suốt bài phú, có thể là đã được viết một hơi, “tẩu bút” như Cao Bá Quát thường làm, đưa đến một ngữ điệu mới cho phú, cho thơ văn Nôm. Rất tiếc là Cao Bá Quát không tiếp tục loại hình này, và ông đi thi, vào Kinh… và trong giới “tinh hoa” ấy, chỉ có thơ chữ Hán mới định được giá trị, tài năng. Chỉ sau Nguyễn Du ba bốn chục năm, những thể chế áp lực của triều Nguyễn độc tôn Hán học – Nho học lên sáng tác là cực kỳ lớn.

 Một loạt các bài “hát nói” lâu nay vẫn được truyền tụng là của Cao Bá Quát cũng rất tài hoa, độc đáo, thú vị. Trong một thể loại dù sao cũng gắn với một cái gì đó tự do hơn – “hát ả đào”, một thú chơi, nơi bộc lộ con người “không chính thức”, nó là một bước tiến mới về thể loại văn học; ở đó sự tự do hóa và dân chủ hóa hình thức đi đôi với sự bộc lộ một nội dung đã bắt đầu khác chung quanh…
 Cao Bá Quát để lại hàng ngàn bài thơ chữ Hán. Mà đó chắc là số lượng bài còn lại sau khi đã mất mát, bởi vì ông khởi nghĩa chống triều đình, bởi vì ông “làm loạn”, “phản nghịch” – và ít ai dám lưu trữ tác phẩm của ông. Thế nhưng đã còn lại được hàng ngàn bài, đủ biết đời vẫn còn yêu ông, quý ông lắm.
 Trong hàng ngàn bài còn lại ấy, hiện lên chân dung, tính cách một nhà thơ vĩ đại. Đó là một con người có một hoài bão lớn, một ý chí khác thường, một lòng ưu ái đối với vận mệnh của Tổ quốc và nhân dân…
Những hoài niệm xưa cũ khi đứng trước Hồ Gươm
 Những điều này là truyền thống hàng ngàn năm của thơ Việt; từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX và cho mãi đến ngày nay. Hoàn cảnh lịch sử và tính cách, vận mệnh của dân tộc Việt Nam, đã tác động đến tâm hồn, tính cách các nhà thơ. Họ lại được giáo dục, nhào nặn theo đạo đức phương Đông, thu nhận cái tinh hoa, tích cực nhất của Nho giáo, đặt trách nhiệm, lương tâm, khí phách lên hàng đầu. Những Chu An, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trực, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Lê Thánh Tông… là những nhà thơ như thế.
 Đồng thời, thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX là thế kỷ của một sự chuyển biến về chất trong văn học. Lần đầu tiên trong văn học, con người cá nhân được đặt vào vị trí trung tâm, được soi sáng từ bên trong, từ nội tâm và nhu cầu hạnh phúc, nhu cầu phát triển nhân cách, tài năng được đặt ra. Dĩ nhiên vấn đề lớn của dân tộc và đất nước vẫn được các nhà thơ quan tâm và thể hiện, nhưng một nền văn học có tính chất Phục Hưng với một chủ nghĩa nhân đạo trác tuyệt đã hình thành. Nguyễn Du với Truyện Kiều và thơ chữ Hán, Đặng Trần Côn (cùng với bản dịch của Phan Huy Ích – (Đoàn Thị Điểm), Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc, Hồ Xuân Hương với hiện tượng thơ Nôm… đã tạo nên một buổi bình minh của trào lưu mới – một trào lưu có tính toàn thế giới – ở phương Tây là vào thế kỷ XV – XVI, ở Trung Quốc là vào thế kỷ XIII đời Đường (theo luận điểm của N.I.Kônrát trong Phương Đông và Phương Tây) [3]. Việt Nam muộn hơn do nhiều nguyên nhân, nhưng cuối cùng, sau bao vật vã chuyển mình, con thuyền của chủ nghĩa nhân đạo mang tính chất Phục Hưng đã cập bến…
 … Thế kỷ XIX không những chứng kiến một nền văn học có tính chất Phục Hưng, mà còn chứng kiến một dòng “văn học Ánh sáng”. Rọi ánh sáng của nhận thức khoa học vào hiện thực của đất nước, liên tiếp nhau, nối tiếp nhau cho đến tận đầu thế kỷ với “Văn minh tân học sách”, bản tuyên ngôn có ý nghĩa thời đại; các nhà Duy tân đã đòi hỏi một giải pháp mới cho tình hình đất nước. Cao Bá Quát chính là người đi trước, người báo hiệu cho phong trào cải cách đó.
 Và thế kỷ đó đã chứng kiến một thảm kịch lịch sử. Thảm kịch, theo K.Mác, đã diễn ra như “Một trận quyết đấu một mất một còn, trong đó đại diện của thế giới già cỗi tuân theo những động cơ đạo đức, còn đại diện của xã hội hiện đại nhất thì đấu tranh để giành đặc quyền mua với giá rẻ nhất – quả đây là một tấn thảm kịch, một cốt truyện phi thường mà ngay trí tưởng tượng của nhà thơ cũng chưa bao giờ dám sáng tạo” [4].
 Cao Bá Quát nhận thấy là phải giã từ cái cũ, cái văn chương cử tử – “tám vế” trường ốc. Nhưng ông đứng trước một nghịch lý nghiệt ngã: thế lực đang nắm khoa học kỹ thuật mới, lại là thế lực đang đi xâm lược, đang tạo ra sự áp bức các dân tộc, các màu da:
 

Bên sông lầu gác trập trùng, Hoa chi dưới bóng cây tùng tốt tươi.

Xe về cổng sắt mở rồi, Hầu xe da trắng, rặt người da đen.

(Hạ Châu tạp thi, Hoàng Tạo dịch)

 Dù vậy, với một tầm vóc nhân văn cao cả, Cao Bá Quát không bao giờ kỳ thị. Bài Dương phụ hành (Người đàn bà Âu châu) của ông là một kiệt tác, trong đó mỗi cái nhìn đều thấm đượm một chủ nghĩa nhân văn Việt Nam về phụ nữ, về tình yêu, về chủng tộc. “Có lẽ Cao Bá Quát là nhà thơ lớn đầu tiên đã làm thơ về người phụ nữ châu Âu. Trong bài Dương phụ hành, nhà thơ với mối thiện cảm và sự hiếu kỳ của người nước ngoài quan sát cuộc sống của người nước khác, đã mô tả người phụ nữ châu Âu kiều mỵ làm dáng. Ở người phụ nữ đó, nhà thơ để ý những nét không vốn có đối với phụ nữ Việt Nam. Nữ nhân vật của ông mặc “xiêm y trắng như tuyết” (mà y phục trắng lại là dấu hiệu để tang của người Việt Nam); nàng dựa vào vai chồng, kéo áo chồng và thầm thì với chồng – trong lúc ấy, theo quan niệm của người Việt Nam thời bấy giờ, người phụ nữ đoan trang phải nhũn nhặn đứng ra một bên, nếu bà ta cùng chồng xuất hiện trước mặt mọi người. Để tăng thêm “màu sắc xứ lạ”, nhà thơ đặt vào tay người phụ nữ da trắng một cốc sữa. Sau này đối với người Việt Nam, cốc sữa tượng trưng cho lối sống phương Tây, vì, người Việt Nam lấy làm lạ rằng người châu Âu uống sữa…” [5].

 
 

 

Cô gái phương Tây áo như tuyết, Ngồi kề vai chồng dưới ánh nguyệt.
Nhìn sang thuyền ta đèn sáng choang,
Níu áo, cùng chồng nói ríu rít.
Uể oải cốc sữa biếng cầm tay,
Gió bể e chừng đêm lạnh đây!
Nhích lại còn đòi chồng đỡ dậy,
Tình ta ly biệt có ai hay!

 

Hóa Dân dịch

 Câu thơ cuối như một tiếng thở dài, nhưng từ tiếng thở dài ấy người ta thấy toát lên một hy vọng – một niềm hy vọng cho con người trên trái đất: sự độ lượng và chân lý “con người là một, trái đất là một”… Cao Bá Quát là một nhà thơ của một trào lưu mới. Đáng tiếc, ông không thể có điều kiện để phát huy được nhiều hơn tiềm lực đó trong thơ, để nó tạo thành một dòng chảy lớn hơn trong thơ Việt. Dù chỉ mới bắt đầu, cái nhìn của Cao Bá Quát là xa rộng. Ông có tầm nhìn, tấm lòng của một người có sức nghĩ, sức đọc “độc thư song nhãn vạn niên đăng” – như câu thơ ông viết.
 Cao Bá Quát gần chúng ta lắm. Ông đã đặt ra trong thơ mình biết bao vấn đề nhân sinh to lớn, đáng suy ngẫm trong thế kỷ ông và cả trong thời chúng ta. Ông là một nhà thơ đã đi đến tận cùng số phận mình, đã đốt cháy tất cả năng lượng tâm hồn mình thành một bó đuốc thơ rực cháy giữa đêm đen của một thế kỷ đầy giông bão. Ông đã suy nghĩ rất nhiều về thơ của thời đại mình, kiên quyết đi con đường lớn của thơ: con đường gắn thơ với nhân sinh, với thời cuộc, với lý tưởng xã hội và lý tưởng nhân văn, làm một cuộc cách tân sâu sắc chống lại những giáo điều, “ăn sống nuốt tươi”, ủy mị, tù túng, nhàm chán… những cái sẽ giết chết thơ.
 Cao Bá Quát không cần chúng ta ca ngợi hay dựng tượng đài. Tự bản thân tác phẩm của Cao Bá Quát đã là một tượng đài lớn. Tự bản thân thơ ông đã làm cho con người kiêu hãnh. Chúng ta cần có ông biết bao trong cuộc đời này. Như một nhà nghiên cứu Việt Nam ở Washington D.C có lần nói với tôi: “Thế kỷ XXI nhân loại vẫn phải lấy câu Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo của Nguyễn Trãi để làm phương châm sống. Bạo lực ở Iraq, ở Trung Đông, ở khắp nơi trên thế giới, bất công, đói nghèo, bệnh tật ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ La tinh, thảm họa môi trường trên toàn cầu…”, và biết bao nguy cơ khác đang đe dọa sự yên bình của cuộc sống nhân loại.
        Con người cần một đời sống “khá giả”, cần nhiều điều, nhưng trước hết nó cần lương tâm và khí phách, cần tự do và phát triển năng lực. Và những điều đó thì tràn trề, chan chứa trong thơ Cao Bá Quát. Vì vậy, tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, của những sĩ phu yêu nước thế kỷ XIX, XX và những nhà thơ thời đại Hồ Chí Minh… luôn đồng hành cùng chúng ta trên con đường đi tới một tương lai hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước.

            (1)

Phan Khôi, Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta. Tao Đàn số 1 (3/1939), tr.13-18. Tao Đàn số 2 (3/1939), tr.107-114.

             (2)

Chữ dùng của Viện sĩ D.X. Likhasôp nói về sự “di thực” của nền văn hóa Bidăngxơ sang văn hóa Slavơ. Dẫn theo Riptin B.L: Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học phương Đông theo phương pháp loại hình. T/c Văn học, 2/1974.

(3)

N. Konrat. Phương Đông và Phương Tây. Nxb Khoa học, M.1972, các bài: “Hàn Dũ và sự khởi đầu thời đại Phục Hưng Trung Hoa” (tr.103-131) và: “Về thời đại Phục Hưng” (tr.208-244).

               (4)

K.Mác, Lịch sử buôn bán nha phiến, K.Mác và F.Enghen trước tác, tiếng Nga. Xb lần 2; tr.2, 12, 567

               (5)

N.I. Niculin, Văn học Việt Nam (khái luận). Nxb Khoa học, Moskva, 1971, tr.128.

.Cao Bá Nghiệp
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...