Tình sử Cleopatre 1
Mở đầu
Vừa là danh nhân lịch sử, vừa là một nhân vật truyền kỳ, vừa
là người đàn bà đa tình, Nữ Hoàng Cléopâtre trải qua bao nhiêu thế kỷ đã luôn
luôn là nguồn cảm hứng của các thi nhân, điêu khắc gia, họa sĩ, văn sĩ, kịch
tác gia, soạn nhạc gia, và cuối cùng là các nhà làm phim ảnh. Đối với những giới
kể trên, Cléopâtre hoặc được coi là một người đa tình đa cảm, điển hình của yêu
đương, sẵn sàng chịu chết dưới mũi tên của tình yêu... Hoặc được coi như một bộ
mặt chính trị có nhiều tham vọng, biết lợi dụng nhan sắc như một vũ khí lợi hại
để điều động hạm đội, quân đội hay các nhà ngoại giao của nàng một cách tài
tình... Hoặc được coi như một nạn nhân của đam mê, một người đàn bà yếu đuối
không thể đối đầu và chế ngự những biến chuyển chính trị trong hoàn cảnh lịch sử
sôi động của thời đại nàng sống, một trong những thời đại sôi nổi nhất.
Có thể nàng là tất cả, mỗi thứ một chút, Cléopâtre là một
khuôn mặt phức tạp, một bí mật của lịch sử.
1.
Nếu có những kẻ bị đem ra kết tội vì đã gây nên bao sóng gió,
thì đó chính là con cháu của Ptolémée, một đám người yếu đuối, tối dạ, hèn nhát
được làm vua nhờ cha truyền con nối.
Thoạt tiên, Đại Tướng Quân Ptolémée của xứ Macédoine được A-Lịch-San
Đại Đế trao quyền cai trị những xứ bị chinh phục như Ai Cập, Lybie, một phần Ả
Rập, và Syrie. Ông đã ngự trên chiếc ngai vàng cổ kính của các vua Ai Cập
Pharaon, lập ra triều đại Ptolémée, noi gương A-Lịch-San đem tài năng mở mang bờ
cõi, thu phục lòng dân không phải bằng quyền uy xiềng xích, mà bằng tình nhân
ái. Nhưng giả thử ông biết đám con cháu sau này sẽ làm bại hoại cơ nghiệp của
ông thế nào, chắc ông sẽ buồn không ít.
Sau đời vua thứ ba, dòng họ Ptolémée gồm những người nhỏ mọn,
tầm thường, tranh đoạt ngôi bằng mánh khóe tiểu nhân, sẵn sàng giết hết những
người thân nếu họ làm cản trở bước tiến của mình. Tất cả gồm mười bốn đời vua
Ptolémée phần lớn lên ngôi một cách mờ ám, nhưng người dân Ai Cập vẫn hài lòng
vì "thà là thế còn hơn rơi vào tay một Hung Thần mà họ chưa biết là
ai", có thể là một bạo chúa Ai Cập hay La Mã, có thể là một mưu sĩ thuộc bọn
Copts, có thể là một lãnh chúa xứ Parthe, hoặc có thể là một ác nhân nào đó mà
chỉ có trời mới biết trước là ai!
Khi vua Ptolémée VII lên ngôi, chiếc ngai vàng bôi nhọ đến mức
tối đa. Ông thường ngốn đồ ăn thức uống như một gã ăn mày nhịn đói lâu năm, lúc
nào bụng cũng no căng đến độ lết không nổi. Có người bảo chỉ những lúc uống thật
say, ông mới đủ sức vứt bỏ đôi nạng để loạng choạng dọc theo những hành lang
trong cung, với bầy nịnh thần chạy theo tâng bốc.
Nhưng ê trệ nhất phải kể tới Ptolémée XI. Ông đem dâng nước
cho ngoại bang! Dĩ nhiên ông không chịu mất ngôi lúc còn sống, vì cũng giống
như các vua đời trước, ông ham cuộc sống đế vương hơn tất cả mọi thứ trên đời.
Hồi đó La Mã đang hồi cực thịnh. Dưới quyền điều khiên của Tướng Pompée thế lực
của La Mã bao trùm thế giới. Quá run sợ trước nguy cơ xâm lược, Vua Ptolémée lập
một bản di chúc nguyện dâng nước Ai Cập cho Cộng Hòa La Mã (chuyện này chỉ La
Mã và bản thân ông biết mà thôi), do đó La Mã để ông tiếp tục trị vì nốt những
ngày nơm nớp lo âu.
Đến khi Ptolémée XII lên kế nghiệp, ông này ngã ngữa khi biết
ngôi báu của mình đã bị người trước bán đứng cho ngoại bang để đổi lấy mạng sống.
Vua Ptolémée XII, với danh hiệu Aulète hay Vua
Thổi Sáo, là một người uống rượu còn đậm hơn Ptolémée VII, tuy ăn ít hơn.
Những lúc vua tỉnh, tiếng sáo ngọt lịm chan hòa khắp trong cung. Nhưng họa hoằn
lắm người ta mới nghe thấy tiếng sáo!
Dĩ nhiên, vị Vua này khiếu nại về bản di chúc của Vua trước.
Ông vác ống sáo, cắp theo bầu rượu, thẳng sang La Mã để tranh luận. Chẳng ăn
thua gì, ông tìm đường qua Tiểu Á Tế Á để phàn nàn và xin cứu viện. Sau đó ông
trở về Hoàng cung ở Alexandrie để chôn dấu nỗi thất vọng của mình trong hơi
men, tiếng sáo.
Cũng may thời thế xoay vần có lợi cho ông: La Mã liên miên lao
đầu vào chiến tranh, của cải tiêu hao vùn vụt như nước trong chiếc bồn thủng lỗ.
Lẽ tự nhiên những kẻ đi chinh phục phải nghĩ ngay tới Ai Cập, một xứ thường được
coi là kho tàng vô tận. Tướng Jules César người cầm đầu La Mã, thế lực khuynh
loát cả Tướng Pompée, nuôi ý định thôn tính Ai Cập từ lâu. Nhưng đúng lúc ông
chuẩn bị động binh thì Vua Thổi Sáo tặng riêng ông sáu ngàn người vàng. Lập tức
biển lặng gió hòa.
Vàng vừa được chở đi không bao lâu thì dân chúng Ai Cập nổi
loạn vì sưu cao thuế nặng. Vua hoảng sợ, ôm của cải bỏ chạy. Dân chúng bèn tôn
Bérénice, con gái lớn của Vua lên ngôi. Vua chạy sang cầu viện La mã, hứa sẽ
dâng nạp mười ngàn người vàng nếu La Mã giúp ông đoạt lại chiếc ngai đã sẵn
lung lay.
Lúc đó Tướng César bận đi chinh chiến nước ngoài, chỉ có Tướng
Pompée bằng lòng cho Vua Thổi Sáo lánh nạn, nhưng không nhận hối lộ. Riêng Nữ
hoàng Bérénice, vì sợ cha rước ngoại xâm về đòi lại ngôi vua, bà lập tức cử một
đoàn sứ giả sang La Mã cầu hòa. Được tin này, Vua Thổi Sáo bí mật sắp đặt một
cuộc phục kích. Đoàn sứ giả bị tiêu diệt gần hết, những kẻ sống sót đều bị vua
mua chuộc.
Cuối cùng, tiền của Vua có hiệu lực, quân La mã tràn ngập
Alexandrie, hạ sát Nữ Hoàng Bérénice, và trả ngôi lại cho Vua lưu lạc. Nhưng chỉ
bốn năm sau Vua lại phải bỏ ngai ra đi, lần này, ông đi thẳng xuống mồ để trả lời
các vị Vua Pharaon về những hành động của mình.
Trước khi chết, Vua Thổi Sáo lập một bản di chiếu gửi tại La
Mã, theo đó người con gái lớn nhất và người con trai của ông sẽ cùng lên ngôi để
thay ông cai trị xứ Ai Cập. Ông yêu cầu Nguyên Lão Viện của La mã giúp ông kiểm
soát việc thi hành bản di chiếu này, và để chắc ăn, ông đề nghị La Mã làm giám
hộ cho vị Vua và Nữ hoàng trẻ tuổi.
Theo cổ lệ Ai Cập kể từ khi thần Osiris lấy em gái là Isis,
anh chị em muốn cùng lên làm vua buộc lòng phải trở thành vợ chồng, tuy tình
nghĩa vợ chồng thường chỉ có tính cách tượng trưng. Trường hợp hai chị em con của
Vua Thổi Sáo càng có nhiều lý do để mang ý nghĩa tượng trưng, phần vì
sự chênh lệch tuổi tác, phần vì hai chị em ghét nhau đến độ đào đất đổ đi.
Người con trai mang tên Ptolémée của cha – cái tên oan gia đã
mấy đời muốn tránh cũng không khỏi – là một gã thiếu niên đần độn, nhỏ nhen, hư
hỏng, mới mười tuổi. Chị của gã là một thiếu nữ có những nét kiêu xa của một bà
Hoàng nhờ được huấn luyện kỹ lưỡng từ thuở bé, tuy mới mười bảy đã khôn ngoan
quyền biến. Tên nàng là CLÉOPÂTRE.
2.
Đó là đầu đề của một cuộc vật lộn vũ bão cỡ Hercule – gọi như
vậy là vì một trong những khuôn mặt nổi bật nhất trong truyện tự xưng mình là
dòng dõi của vị Thần Sức Mạnh này.
Chàng là một sĩ quan kỵ binh trẻ tuổi, đẹp trai, thân hình đồ
sộ, thuộc đạo quân chinh phạt Ai Cập. Mấy năm về trước, khi đã trừ khử xong Nữ
Hoàng Bérénice và trả lại ngôi cho Vua Thổi Sáo, đạo quân La Mã đóng luôn lại
Alexandrie, lấy cớ ở lại để giữ trật tự chứ thực ra là để nắm quyền kiểm soát.
Một hôm chàng được cử đi giữ an ninh cho Hoàng Cung. Lúc trở
về chàng ngơ ngẩn như kẻ mất hồn. Bạn chàng thấy thế, hỏi:
– Này Marc Antoine, cậu làm gì mà xuất thần như vậy?
Chàng giật mình, như trên trời rơi xuống:
– À, có gì đâu... tớ vừa được giới thiệu với Công Chúa
Cléopâtre.
– Cô bé Hy Lạp mười bốn tuổi đó chứ gì? Cô ta đã làm gì khiến
cậu phải ngây dại như thế?
Marc Antoine mơ màng:
– Thật đúng là một bông hoa tuyệt thế!
Nhận xét này cũng là một nhận xét chung của toàn thể thế giới,
không bao giờ sai.
Nhân vật xuất sắc cần phải có sân khấu đặc biệt. Thành phố
Alexandrie chính là khung cảnh thích hợp nhất cho một bi kịch độc đáo nhất cổ
kim. A-Lịch-San Đại Đế, vị anh hùng xứ Macédoine, đã xây thành phố này để đánh
dấu sự hùng mạnh của Tiểu Á Tế Á tại Phi Châu, và để có một tâm điểm cho nền
giao thương giữa Hy Lạp và Ai Cập. Ông đã chọn một vị trí tại cửa sông Nil,
giao điểm của nhiều đường thủy bộ, và xây dựng một thủ phủ vô địch thời bấy giờ
về mặt tráng lệ, thịnh vượng, và văn minh. Vua Ptolémée I đã tiếp nối công
trình của Đại Đế bằng cách biến Alexandrie thành một trung tâm khoa học và văn
hóa của thế giới.
Alexandrie là nơi qui tụ mọi sắc dân, đến nỗi Marc Antoine phải
kêu lên với bạn:
– Theo ý tôi, đây không phải là thành phố Ai Cập. Nó giống một
thành phố Byzance hơn. Dân chúng thì, ôi thôi, đủ cả Hy Lạp, La Mã, Do Thái, Ba
Tư, Arménie, Lybie, Chypre. Ít có người nào mang dòng máu thuần túy Ai Cập, trừ
mấy tay già đời bấu xấu trong cung.
– Ngoài ra không còn ai là người Ai Cập chân chính sao?
Marc Antoine phất tay về hướng những rặng núi nằm sâu trong đất
liền, phía sau thành phố:
– Có chứ, hàng mấy triệu người sống bên núi kia, rải rác
trong ba mươi ngàn thị trấn lớn nhỏ khác nhau. Nghe nói như vậy, chẳng biết có
đúng không, nhưng chắc chắn đời sống của họ khác hẳn với dân chúng tại đây. Thật
buồn cười, tớ dám cá với cậu rằng người Alexandrie tuy mang danh là dân Ai Cập,
nhưng cả vạn người cũng chưa chắc có được một người dám tự hào mình từng trông
thấy tượng khổng lồ đầu người mình sư tử ở gần Kim Tự Tháp.
– Thế cậu đã trông thấy chưa?
– Chưa, nhưng sẽ thấy.
Antoine vừa trả lời vừa tự nhủ, mình đã gặp Công Chúa
Cléopâtre thì sẽ có ngày được thấy những thứ mình muốn.
Thành phố Alexandrie gồm hai cảng lớn, rất nổi tiếng nhờ ngọn
hải đăng khổng lồ bằng cẩm thạch trắng, một trong những kỳ quan của vũ trụ, cao
năm trăm bốn mươi bộ (khoảng 165m), được xây trên đảo Pharos nối với đất liền bằng
hai đập ngăn nước vĩ đại. Những thủy thủ cách xa ba mươi lăm dặm cũng có thể
nhìn thấy ngọn hải đăng này.
Phía trong hải cảng, dưới ánh nắng ấm áp của miền Địa Trung Hải,
là một vùng lâu đài cung điện nguy nga được bao bọc bởi những khu vườn đầu kỳ
hoa dị thảo. Đáng kể nhất là Bảo tàng Viện hoặc Đại Học Viện với bốn trăm ngàn
cuốn sách viết tay, nơi mà các đại học giả, như toán học gia Euclide, tới để
đàm luận hoặc diễn thuyết.
Khu tráng lệ nhất của Alexandrie là Bruchi-on, hay Hoàng
Thành, nơi tập trung những tòa điện huy hoàng bằng đá trắng, quanh năm soi bóng
ven bờ nước. Đây là Nghị Trường, trung tâm chính trị, nơi nghị sự của quốc dân.
Kia là Sân Đua Ngựa với sức chứa trên hai mươi ngàn khán giả. Gần đó là đền thờ
Vệ Nữ Astarté (một sự hòa hợp giữa nữ thần Hy Lạp và nữ thần Ai Cập), nơi mà
các cô gái hiến mình cho thần được huấn luyện kỹ càng về nghệ thuật yêu đương.
Xa hơn nữa là đền thờ thần Sérapis cao chót vót với hàng trăm bậc thềm, đứng sừng
sững trên đồi. Phía sau lưng là thao trường nơi tranh tài của các lực sĩ, và Tử
Thành với những lăng tẩm và vườn cây rợp bóng.
Giữa khung cảnh xa hoa đó, một riệu người sống chen chúc,
sinh hoạt nhộn nhịp không kém gì thành phố tội lỗi Babylone thuở trước. Khối
dân chúng hỗn tạp tại đây dường như không có ý niệm gì về lòng ái quốc. Mục
tiêu duy nhất của họ chỉ là vơ vét cho đầy túi, hưởng thụ thật nhiều, nhất là
những thú vui xác thịt. Bọn gái điếm tứ xứ, từ Đông sang Tây, đua nhau kéo đến
tìm đất dụng võ. Hồ Marreotis ban ngày nước trong xanh cao quý là thế, ban đêm
tấp nập những thuyền tình chở đầy đàn ông đàn bà say sưa trác táng, hoan lạc bất
kể trời trăng.
Trong khi đó, những người Ai Cập chính thống tại các thị trấn
nhỏ phía sau rặng núi hoặc tại những miền quê hẻo lánh, sống một cuộc đời vô
cùng đạm bạc. Hình như họ sinh ra chỉ để làm lụng vất vả, rồi chết trong nghèo
khổ, không một ngày biết đến sinh thú ở đời. Họ không có cách gì ngóc đầu dậy nổi,
vì làm việc cách mấy cũng chỉ đủ tiền đóng thuế cho Vua. Theo đúng truyền thống
của các Vua Pharaon từ hai ngàn năm trăm năm trước, tất cả đều là của Vua. Vua
là cha và là vị lãnh đạo quyền uy tuyệt đối của toàn dân. Dân chúng phải làm việc
để phục vụ Vua, quân đội phải xả thân để bảo vệ Vua, đền đài được xây dựng vì
danh dự của Vua, mọi thứ trong nước đều thuộc về Vua. Vua có toàn quyền sinh
sát.
Đây chính là tình trạng nước Ai Cập khi Cleopâtre lên ngôi
cùng với em là Ptolémée XIII.
3
Hai chị em lấy nhau, đám cưới chỉ có trên danh nghĩa vì sự hiềm
khích luôn luôn ngăn cách hai người.
Cléopâtre là một thiếu nữ vui tươi, khéo léo, với bề ngoài chửng
chạc như người lớn, nhưng không may những quân sư của nàng chỉ là một bọn ăn hại,
không giúp gì được nàng. Trong khi đó những kẻ phò tá em nàng lại gồm ba tên đại
gian ác. Dĩ nhiên, Cléopâtre dù khôn ngoan đến đâu cũng không dủ kinh nghiệm để
đối phó với bọn này.
Ba tên này, một tên là quân sư Théodote, người Hy Lạp, thầy học
của Vua; một tên là Thị Vệ Trưởng Achillas, người Ai Cập, và tên thứ ba là Hoạn
Quan Pothin. Chúng kết bè kết đảng, lấy cớ bảo vệ và huấn luyện Vua để tự tung
tự tác, tiếm quyền Vua một cách trắng trợn. Tuy vậy, chúng vẫn chưa hoàn toàn
thỏa ý, nỗi lo vẫn canh cánh bên lòng. Đã có lần trong một buổi họp bí mật,
Quân Sư Théodote hỏi đồng bọn:
– Vấn đề là chúng ta nên theo ai trong đám mấy tên La Mã hắc
ám đó?
Théodote là một lão gầy gò, mặt sạm, mắt hùm hụp, có điệu bộ
lờ đờ của một kẻ lõi đời, man trá.
– Theo tôi, César là Tướng mạnh nhất, ta nên theo y.
Đó là ý kiến của Thị Vệ Trưởng Achillas, một gã to như con bò
mộng, hung thần của bọn gái nô lệ vì các nàng hợp nhãn gã đều bị gã hãm hiếp cực
kỳ thô bạo.
– Sao? Lão già ăn cướp đó mà đòi hơn Đại Tướng Pompée?
Hoạn Quan Pothin hỏi vặn, điệu bộ khinh khỉnh, bàn tay mập ú
đưa ra chống chiếc cằm nung núc thịt mỡ.
Thị Vệ Trưởng Achillas thản nhiên:
– Nhờ ăn cướp nên những xứ hùng mạnh như Anh và Gaule mới phải
quỳ mọp dưới chân. Các tướng La Mã mà ra mặt đánh nhau, chắc chắn người thắng
phải là César!
Quân Sư Théodote bàn:
– Dù sao thì trong hai tên đó, thế nào cũng có một tên đến
đây nhờ chúng ta giúp sức.
Nhận xét của lão rất đúng, vì chỉ một tháng sau Đại Tướng
Pompée, sai con trai tới Ai Cập yêu cầu xứ này giúp quân và chiến thuyền để sửa
soạn cho một cuộc nội chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại La Mã. Ba tên cố vấn
của Vua thì hai tên đồng ý vì tin rằng Pompée sẽ thắng. Còn Cléopâtre cũng bằng
lòng vì nhớ ơn Pompée từng giúp cha mình đoạt lại ngôi báu thuở trước. Hai chị
em coi như tạm thời hòa hợp.
Nhưng chỉ một năm sau, chị em lại cãi nhau trở lại. Sau nhiều
lần xung đột, Vua nổi máu trẻ thơ (lại thêm sự xúi xiểm của ba tên gian thần) tự
xưng mình là người duy nhất nắm quyền cai trị Ai Cập.
Tự biết mình và đám thuộc hạ ăn hại không phải là đối thủ của
bộ ba gian ác kia, vả lại thà làm thường dân sống còn hơn làm Nữ Hoàng chết,
Cléopâtre cuốn gói ra đi. Nàng không qua La Mã vì sợ gõ lầm cửa, mà chạy sang
Syrie tung tiền thuê một đạo quân đánh mướn, rồi dẫn quân trở về với ý định
đánh chiếm Alexandrie, đoạt lại ngai vàng.
Cũng trong thời gian này, một trận đánh khốc liệt hơn nhiều
diễn ra tại Ý. Thượng Tướng César vượt sông Rubicon, và trong vòng sáu ngày làm
chủ tình hình trên các trận địa. Đại Tướng Pompée rút lui chiến thuật, vượt biển
Adriatique và đổ bộ lên Thessalie phía đông Hy Lạp. César đem quân đuổi theo,
nhưng đúng lúc quân ông xuống thuyền, một trận bão kéo tới làm mất dấu đối
phương. Do đó khi đổ bộ, người dẫn đường của ông tỏ ý ngần ngại vì thực ra đối
phương đông hơn gấp bội và có thể thình lình quay lại đánh úp. Nhưng César với
sự tự tin muôn thuở, bảo y:
– Đừng sợ gì hết! Ngươi đang dẫn lối cho César và nắm vận mạng
của César trong tay.
Thế rồi hai bên đụng độ tại Pharsale, một thành phố ở sâu
trong nội địa Hy Lạp. Lực lượng khổng lồ gồm sáu mươi ngàn kỵ binh và bộ thuộc
của Tướng Pompée bị thảm hại trong tay đạo quân của César với số người chỉ bằng
một phần ba. Có người cho rằng phần lớn các cấp chỉ huy trong trận đánh này đều
chán nản, vì họ chiến đấu không phải cho đại nghĩa, mà chỉ nhằn thỏa mãn tham vọng
riêng tư của hai vị tướng. Người La Mã sẵn sàng hy sinh để chinh phục thế giới,
nhưng người La Mã lại giết người La Mã thì đó là một cảnh nồi da xáo thịt không
thể chấp nhận được.
Chắc hẳn trước khi đụng trận, tướng Pompée đã rất tự tin, hoặc
muốn tỏ ra tự tin, là mình sẽ thắng. Bằng chứng là sau khi ông bỏ chạy, doanh
trại của ông còn nguyên dấu vết trang hoàng để mừng chiến thắng. Các lều trại đều
treo đèn kết hoa, các bàn tiệc được sắp sẵn, các giường nằm đều phủ đầy đào kim
nhưỡng, thứ hoa thơm ngát tình yêu, để chờ đợi các vị anh hùng ca khúc khải
hoàn trở về nghỉ mệt trong tay những nàng trinh nữ.
Tướng Pompée đem vợ là Cornélie và con trai sang Alexandrie
lánh nạn. Lúc này chị em Cléopâtre mỗi người nắm giữ một binh đội trong tư thế
gườm nhau từng phút. Cả hai đều được tin một chiến thuyền La Mã đang tiến vào cửa
biển, chở theo bại tướng Pompée với ý định tìm Vua Ai Cập nhờ che chở. Ba tên
gian thần của Vua lập tức triệu tập một buổi họp. Thị Vệ Trưởng Achillas mở lời,
giọng đắc ý:
– Các ngài thấy chưa? Tôi đã bảo César sẽ thắng mà!
Hoạn Quan Pothin vặn lại:
– Nếu giỏi thì Tướng Quân thử tìm cách đối phó với tình hình
hiện tại xem nào? Dù sao thì chúng ta cũng đã lỡ đứng về phe Pompée...
Tên Thị Vệ Trưởng nói ngay:
– Lão lo thân lão không xong thì tội gì mình lo cho lão. Cứ
đuổi lão trở ra biển là xong. Lão đã năm mươi chín tuổi, chết là đáng đời lắm rồi.
Tên Hoạn Quan lắc đầu:
– Không được đâu, làm như vậy lão sẽ cầu cứu Cléopâtre. Một
người như lão không phải dễ chơi đâu. Lão mà dứng về phe Cléopâtre, điều khiển
binh mã chống lại ta thì kể như không xong. Chúng ta nên chấp nhận lão thì hơn.
Lúc này tên cáo già Théodote mới lên tiếng:
– Hai vị đều nghĩ sai. Tiếp nhận lão là chọc giận César, mang
vạ vào người. Còn đuổi lão đi thì sẽ làm mất lòng cả hai người. Pompée sẽ hận
ta vì không bảo bọc lão, còn César sẽ trách ta không bắt Pompée và giao cho y.
Hay hơn hết, ta nên cho lão lên bờ rồi tiếp đón lão một cách "đặc biệt".
Tên cáo già ngừng lại một chút, nhìn đồng bọn với vẻ tự đắc:
– Người chết chẳng làm hại ai!
Thế là số mạng của một trong những vị tướng vĩ đại nhất thời
bấy giờ đã được an bài trong tay ba tên đầu trộm đuôi cướp.
Kế hoạch bẩn thỉu này được giao cho con chó ghẻ Achillas, thật
là thích hợp. Gã dùng một chiếc thuyền đánh cá nhỏ ra đón Tướng Pompée, đem
theo thuộc tướng Septimius (một bộ hạ của Pompée thuở trước) và đội trưởng
Salvius.
Gặp lại chủ cũ, Septimius gọi Pompée là Đại Vương, một tước
hiệu danh dự dành cho các vị tướng đứng đầu quân đội La Mã. Còn Achillas dùng
tiếng Hy Lạp mời ông xuống thuyền nhỏ để gã đưa vào bờ, lấy cớ nước gần bờ quá
nông, thuyền lớn không vào được. Pompée rất hồ nghi về lối tiếp rước khác thường
này, nhưng nhìn lên thấy các chiến thuyền của Ai Cập đã hờm sẵn và binh lính đứng
đầy trên bờ, biết có bỏ chạy cũng đã quá muộn, ông đành phó mặc cho may rủi.
Ông hôn vợ rồi bước xuống thuyền, đem theo hai thuộc tướng, một võ sĩ hầu cận
xuất thân trong đám nô lệ, và một tên đầy tớ.
Trên đường vào bờ, để không khí bớt nặng nề, Pompée gợi chuyện
với Septimius:
– Nếu ta không lầm thì ông bạn từng là chiến hữu của ta ngày
trước?
Septimius chỉ lạnh lùng gật đầu. Pompée hơi sượng, rút trong
ngực ra một cuộn giấy rồi cắm cúi đọc. Đó là bài diễn văn bằng tiếng Hy Lạp,
ông muốn nhẫm lại để lát nữa đọc lên vua Ai Cập (thời đó người Alexandrie dùng
tiếng Ai Cập và Hy Lạp, còn La Mã dùng tiếng La Tinh). Con thuyền tiếp tục luớt
vào gần bờ, trong khi nàng Cornélie đứng trên chiếc thuyền lo lắng nhìn theo.
Thuyền cập bến, tên võ sĩ hầu cận đưa tay đỡ Pompée lên bờ. Lợi
dụng lúc mọi người sơ ý, Septimius dùng đoản kiếm đâm vào lưng chủ cũ. Salvus
và Achillas cũng rút gươm bồi thêm mấy nhát.
Pompée ngã chúi xuống, không kịp kêu một tiếng. Nàng Cornélie
thấy chồng bị thảm sát, rú lên kinh hãi, trên bờ cũng nghe thấy. Chiến thuyền của
Pompée vội vàng trở mũi bỏ chạy, nhờ xuôi gió mới thoát hiểm.
Bọn sát nhân cắt đầu Pompée và quăng xác ông xuống biển. Cái
xác không đầu cứ quanh quẩn gần bờ cho đến khi gã võ sĩ hầu cận vớt được, tắm rửa
sạch sẽ và gói trong chiếc áo choàng mà gã thường mặc. Đúng lúc gã đang hỏa
thiêu người chủ thân yêu cùng với chiếc thuyền đánh cá oan nghiệt đã đưa Pompée
vào chỗ chết, thì một lão già người La Mã từng phục vụ dưới cờ thuở trước đi
qua. Lão hỏi:
– Này anh bạn, anh bạn là ai mà lại tận tình lo cho Đại Soái
Pompée như thế?
– Tôi là một tên nô lệ được Đại Soái giải phóng.
– Anh bạn có thể cho lão chia xẻ vinh dự này được không?
Thế rồi một già một trẻ cắm cúi làm việc và lát sau thân xác
vị danh tướng được gửi theo ngọn lửa.
4
Pompée chết chưa phải là hết, vì còn César. Giờ đây César là
đại diện duy nhất, hay nói đúng hơn ông là hiện thân của con quỹ khổng lồ La Mã
chuyên môn vồ và nuốt người.
Đương nhiên César tìm tới, và không tới đơn độc như Pompée:
sau lưng ông là hai đạo quân bách chiến bách thắng, và toán cận vệ ông cũng rất
khiêm nhượng, chỉ gồm có tám trăm giáp sĩ người Đức, tức là các chiến sĩ tóc
vàng tuyển từ vùng Rhineland man rợ, các hung thần ngoài trận mạc.
César bước lên bờ, đứng trên phiến đá cẩm thạch đen, một
trong những bậc thềm dẫn từ lòng biển thẳng lên cung điện. Ông nhìn quanh,
không phải bằng cặp mắt thưởng lãm của một du khách, mà bằng cặp mắt hau háu của
loài mãnh điểu trước con mồi. Không hiểu trong cái nhìn sơ khởi đó, ông có tiên
liệu được số phận mình sẽ gắn với Alexandrie và vị Nữ Hoàng xinh đẹp tại đây
như thế nào hay không?
Và dân chúng Alexandrie nghĩ thế nào về ông? Như thường lệ, họ
xét ông theo bề ngoài, và cảm tình của họ không được sâu đậm lắm. Ông đã ngoài
năm mươi, chiếc đầu hói gần tới ót khiến ông phải cố vớt vát bằng cách để tóc
phía sau thật dài rồi phủ ra đằng trước – một lối giả tạo kỳ cục! Nhưng chiếc cổ
lại đẹp và vững vàng, giữ đầu ông thẳng tắp, hiên ngang. Gương mặt ông có đủ những
đặc điểm của một nhà lãnh đạo khôn ngoan, táo bạo, sắt đá, quý phái, và tàn nhẫn
nữa. Khuôn mặt nhỏ nhưng sắc nét, mũi hơi quặm, mắt nâu sáng rực, chiếc miệng đẹp
với đôi môi mỏng sẵn sàng mỉm cười để các thiếu nữ phải ngây ngất, giọng ông trầm
và dõng dạc, nhưng cách nói chuyện lại cộc lốc sỗ sàng.
Dưới mắt người dân Alexandrie, César tượng trưng cho La Mã,
cho tàn ác, tham lam. Họ chưa thể quên được ông chính là người đã nhận hối lộ của
các Vua đời trước nên mới nương tay để họ sống yên ổn tới nay. Họ không ưa nổi
ông, tỏ vẻ chán ghét bằng cách yên lặng trước mặt ông.
Thị Vệ Trưởng ra đón ông tại bậc thềm trên cùng để đưa ông
vào yết kiến nhà Vua. Nhưng trước khi đưa ông vào diện kiến Vua, gã dẫn ông tới
một tòa điện nhỏ để đồng bọn gã có dịp ra mắt tâng công.
Hoạn Quan Tể Tướng Pothin, và lão cáo già Théodote cúi rạp
mình trước César. Lão cáo già nói:
– Thưa Đại Soái, chúng tôi xin kính dâng lên Đại Soái một món
quà nhỏ để tỏ lòng trung của chúng tôi đối với Đại Soái và La Mã.
Nói đoạn, lão ra hiệu bảo quân hầu mang chiếc giỏ đựng lễ vật
ra đặt trước mặt vị thượng khách. Xưa nay Ai Cập nổi tiếng về những kỳ trân dị
thảo, César chắc mẩm phen này mình lại được thêm một món đồ vô giá gì đây,
nhưng khi mở nắp giỏ ông trợn mắt thối lui. Sau một giây sửng sốt, ông trấn
tĩnh trở lại, nhìn ba tên ác tặc và nói với giọng đanh thép:
– Kẻ nào đã làm chuyện bẩn thỉu này? Kẻ nào, nói mau!
Tên Hoạn Quan ấp úng:
– Nhưng... thưa Đại Soái... đó là kẻ thù của Đại Soái mà. Và
đây là chiếc nhẫn của ông ta.
César đưa tay nhận chiếc nhẫn , gằn giọng:
– Ông ta là một người La mã! Một vị tướng anh hùng... Hãy nói
cho ta biết, có phải ông ta đã tới đây xin lánh nạn không?
Gã Thị Vệ Trưởng không dám chối:
– Thưa Đại Soái, đúng như vậy.
– Và đây là cách các người...? Đưa ta đến gặp Vua của các người
ngay!
Bọn gian thần riu ríu vâng lời, đưa vị lãnh đạo tối cao của Cộng
Hòa La Mã vào gặp vua Ai Cập.
Vua khăn áo chỉnh tề, ngự trên chiếc ngai nạm vàng dát ngọc,
nhưng long thể có vẻ bất an. Chắc hẳn Vua cũng mang một tâm sự giống như đám thần
dân khi thấy kẻ áp bức mình đến chơi. Tuy nhiên, Vua cố che dấu sự lo lắng của
mình bằng cách cố ý tỏ thái độ khinh khỉnh hỗn xược.
César bước vào, đứng dưới chân bệ rồng, đầu ngửng cao, tay
khoanh trước ngực, chờ nhà vua ngỏ lời mừng đón. Nhưng để đáp lại, Vua tảng lờ
như không trông thấy, ngồi yên trên ngai, tay đong đưa chiếc quyền trượng bằng
ngà. Yên lặng.
César cười nhạt, nói bằng giọng lạnh lùng:
– Yêu cầu Bệ Hạ cho tất cả triều thần lui ra ngoài. Lui ra hết.
Vị Vua miệng còn hơi sữa phản đối ngay:
– Nhưng...
César ngắt lời:
– Câu chuyện mà tôi sắp nói chỉ có thể bàn luận giữa những bậc
lãnh đạo tối cao.
Nghe chữ "lãnh đạo tối cao", Vua cảm thấy tự ái được
ve vuốt, lên giọng đế vương bảo quần thần và các cận vệ:
– Các khanh hãy lui ra ngoài!
Rồi không hiểu nghĩ sao, Vua dặn thêm:
– Nhưng đừng đi đâu xa quá.
César thoáng bắt gặp vài nét lo âu trên mặt Vua khi nói câu
này. Điều đó làm ông vững bụng hơn.
Tên cận vệ cuối cùng vừa đi khuất, César đã hạ thấp giọng, bắt
đầu nói chuyện.
Muôn đời không ai biết ông nói gì với Vua. Chỉ biết khi triều
thần được triệu tập trở lại, mọi người đều thấy vị Vua trẻ tuổi mặt tái, tay
run, mất hẳn vẻ cao ngạo lúc đầu. Và từ đó. Vua nói với César bằng giọng cung
kính hơn, tuy ẩn chứa nhiều căm hận hơn.
César không cần dấu diếm nỗi bất bình của mình về cái chết ám
muội của Tướng Pompée, bạn cũ và cũng là đối thủ số một của ông. Ông ra lệnh
chôn chiếc đầu của Pompée tại một khoảnh vườn gần bờ biển, với đầy đủ nghi thức
dành cho một Đại Tướng. Ông sai người thu thập những tro tàn còn sót lại trong
đám hỏa táng và gửi cho góa phụ Cornélie. Riêng ông, ông giữ chiếc nhẫn của
Pompée để làm kỷ niệm, chiếc nhẫn mang hình sư tử cầm gươm được dùng làm tỷ ấn
của Pompée ngày trước. Có người còn thấy ông khóc bên chiếc nhẫn.
Kể từ khi César tới, dân chúng Alexandrie ăn ngủ không yên. Họ
hoang mang khi thấy những đạo quân La Mã sống ngay trong lòng họ. Để chấm dứt
tình trạng này. César quyết định tổ chức một buổi lễ đầy đủ nghi thức hơn lần
trước, để chính thức hóa sự có mặt của ông tại Alexandrie, và tiện thể biểu
dương lực lượng của La Mã. Cuộc diễn binh do đích thân ông cầm đầu, phía trước
ông là toán cảnh lại mang một bó roi nằm dưới một chiếc rìu. Đây là biểu hiệu của
vị Tối Cao Chấp Chánh nhậm chức dưới danh hiệu của La Mã. Dân chúng Alexandrie
thở dài.
5
Cléopâtre cầm đầu đội quân đánh mướn hạ trại tại Péluse, một
hải cảng miền cực đông Địa Trung Hải, chỗ tiếp giáp giữa Châu Phi và Châu Á. Á
Châu, vùng đất mà nàng cũng như ông cha nàng từng mơ tưởng không nhiều thì ít,
giờ đây đối với nàng không còn hấp dẫn nữa. Mắt nàng còn bận hướng về Châu Phi,
về Ai Cập, về thành phố Alexandrie thân yêu của nàng. Nàng tha thiết muốn trở về
Alexandrie không những vì nơi đó có chiếc ngai vàng, nơi đó là quê hương nàng,
mà còn vì sự có mặt của César. Nàng ao ước được gặp César phần vì ngưỡng mô uy
danh ông, phần vì tò mò muốn biết tại sao ông lại nổi tiếng như sóng cồn về tài
mê hoặc đàn bà. Và nàng còn là một người đàn bà.
Ở một xứ mà đàn bà phát triển sớm, đàn ông phải đợi lâu.
Cléopâtre tuy thân hình chưa đồ sộ, nhưng cũng đã nẩy nở đến độ chót. Nàng
không thể để phí phạm sự nẩy nở đó.
Một hôm cận tướng Sconis, người đã được Cléopâtre trao quyền
chỉ huy kỵ đội, xin vào ra mắt và dâng lên nàng một bức thư viết trên giấy quý.
Liếc mắt trên những dòng chữ ngắn gọn và chữ ký "Đại
Soái Jules César" ở cuối thư, nàng hơi chau mày, nhưng chiếc miệng đẹp
lại nhếch lên:
– Ý muốn diễu ta chăng? Y nghĩ sao mà lại mời ta về
Alexandrie giữa lúc đứa em khốn kiếp của ta đang dàn binh chờ ta? Ta muốn về đó
thực, và cũng muốn gặp mặt César, nhưng chẳng lẽ y muốn ta xông lên đụt pháo để
gặp y sao?
Sconis ra vẻ hiểu biết:
– Tâu Lệnh Bà, thần biết tại sao y muốn gặp Lệnh Bà.
Xưa nay Sconis ưa nói năng huỵch tẹt, thiếu tế nhị, nhưng bù
lại gã là một người bộc trực, trung thành và có tài điều binh khiển tướng.
Cléopâtre định bảo gã"chuyện đó ai chả biết" nhưng
rồi lại thôi, vì một là e làm gã cụt hứng, hai là sợ gã không hiểu nổi ý nghĩa
của câu nói. Nàng chỉ hỏi:
– Tại sao?
– Tâu Lệnh Bà, vì như thế này: Tiên Vương còn nợ y mười bảy
triệu năm trăm ngàn drachmes.
Thấy câu trả lời của gã ra ngoài sự tiên liệu của mình,
Cléopâtre hơi ngạc nhiên:
– Một món tiền nhỏ mọn như vậy, mình trả y quách cho rồi.
– Tâu Lệnh Bà, không nên. Vì trước đây y đã bằng lòng giảm
cho chúng ta bảy triệu rưỡi rồi.
Không giống các thiếu nữ cùng thời, Cléopâtre có học toán,
nàng hỏi ngay:
– Vậy chúng ta còn nợ y mười triệu chứ gì?
– Dạ, đúng như vậy. Gian thần Pothin bảo rằng món nợ này Lệnh
Bà phải chịu một phần cùng với Hoàng Thượng, do đó hắn chưa hề xuất quỹ trả nợ
nếu chưa có sự thỏa thuận của Lệnh Bà.
Cléopâtre hơi thất vọng vì thấy mục đích của César không như
mình nghĩ, nhưng không vì thế mà nàng bỏ ý định tìm gặp César. Nàng chợt nảy ra
một kế:
– Ta muốn gửi cho César một món quà.
Viên cận tướng lo ngại:
– Thần e rằng y không chịu nhận quà thay thế cho mười triệu...
– Nhưng món quà này y sẽ nhận.
Nàng vừa nhếch mép cười hóm hỉnh, vừa giải thích kế hoạch của
mình cho viên cận tướng tốt bụng nghe. Mới đầu gã la hoảng, nhưng sau thấy hay
hay, và cuối cùng đồng ý là có thể thực hiện được, tuy không thấy vui chút nào.
Bàn định xong xuôi, nàng cho vời gã đầy tớ tâm phúc
Apollodore vào giao trọng trách.
Không đầy một tuần lễ sau, gã đầy tớ lực lưỡng chèo một chiếc
xuồng tới gần cửa sông Nil, len lỏi vào hải cảng Alexandrie, và ghé xuồng trước
những bậc thềm cẩm thạch đen dẫn lên Hoàng Cung, nơi mà cách đây ít lâu César
đã đặt chân.
Cột xuồng xong, gã nhảy lên bờ, vác theo một tấm thảm lớn cuộn
tròn kỹ lưỡng, và bắt đầu trèo các bậc thềm vĩ đại, bất chấp những ngọn mác
sáng ngời của bọn lính canh La Mã (bọn này đã thay thế toán lính canh của Vua).
Một tên lính xông ra chặn đường:
– Anh là ai, vào đây làm gì?
Gã đầy tớ lễ phép trả lời:
– Tôi là Apollodore, vâng lệnh Vua mang lễ vật sang biếu Đại
Soái César. Đây là một tấm thảm cực kỳ quý giá, chắc chắn khi Đại Soái...
– Thôi, khỏi cần quảng cáo, vào đi.
Apollodore vừa dợm bước thì một tên khác ngăn lại:
– Khoan đã. Trước khi ông bạn vào, chúng tôi cần đâm thử xem
trong tấm thảm có dấu vật gì không.
Nói đoạn y giơ mác tính đâm, nhưng Apollodore vội đưa tay cản
lại.
– Ông bạn muốn đâm thì cứ việc đâm, nhưng tôi nói trước, nếu
làm hư tấm thảm khiến Đại Soái và Vua nổi giận, lúc đó ông bạn có bị đâm nát
người thì cũng ráng mà chịu nghe.
Nghe dọa, tên lính chùn tay lùi lại, để mặc gã đầy tớ ung
dung tiến vào cổng.
Vào đến bên trong, gã đầy tớ được các viên chức lần lượt dẫn
qua nhiều tầng cửa, và cuối cùng gã thấy mình đứng trong một căn phòng rộng
mênh mông, trước mặt là vị tướng từng làm thế giới run sợ.
– Kính thưa Đại Soái, đây là lễ vật của một người từng ngưỡng
mộ Đại Soái từ lâu.
César đưa tay gãi cằm, có vẻ suy nghĩ:
– Nếu vậy, chắc không phải là của vua Ptolémée?
– Xin Đại Soái đoán thử.
Vừa nói gã đầy tớ vừa khoan thai giở tấm thảm. Bất thình lình
một người từ trong tấm thảm ngảy vọt ra: nàng Cléopâtre tươi như một đóa hoa,
sáng rỡ như hạt sương ban sớm. Và kìa, nàng vươn vai, vặn mình, cố ý để đôi gò
bồng đảo nhô hẳn ra phía trước như hai trái thạch lựu vừa chín, ẩn hiện dưới lớp
vải mỏng dính.
– Ôi chao, mỏi quá!
Rồi nàng phá lên cười như đứa trẻ thơ.
César cũng bật cười, nhưng rồi nhịn được ngay:
– Có thiếu gì xe ngựa thoải mái, sao Nữ Hoàng lại dùng cách
này?
Nàng trả lời bằng tiếng La Tinh, cũng lưu loát như César, lại
thêm âm điệu nhẹ nhàng của tiếng Hy Lạp:
– Rất tiếc không có chiếc xe nào biết bay trên không hoặc
chui dưới đất để tránh tai mắt của bọn thuộc hạ em tôi.
– Nhưng cách này cự nhọc quá, và lại nguy hiểm nữa.
Nàng ngước mắt nhìn César, ra vẻ ngây thơ:
– Chính Tướng Quân viết thơ gọi tôi mà.
César ừ hử, đưa tay gãi cằm, ngẫm nghĩ một hồi rồi chợt rung
chuông kêu bọn hầu cận:
– Đưa anh bạn này ra ngoài nghỉ ngơi, nhớ tiếp đãi cho tử tế.
Ngày mai đưa y vào đây để ta trọng thưởng, nghe chưa... À, đem ngay rượu và hoa
quả vào đây cho ta tiếp khách.
Khi tất cả đã đi khỏi, Cléopâtre dịu dàng hỏi César:
– Vì sao Tướng Quân thưởng gã?
César hóm hỉnh:
– Vì gã phục vụ quốc gia một cách đắc lực.
Hai người cùng cười vui vẻ.
César nghiêng mình thật đúng cách, đưa tay mời Cléopâtre ngồi,
rồi tự mình ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.
6
Thật là lạ, hai người mới gặp nhau mà đã thân mật như quen
nhau từ mấy kiếp. Vừa nói chuyện, đôi bên vừa dò xét nhau, đo lường nhau, và
cũng hài lòng về những khám phá của mình.
Dưới mắt nàng, César đã luống tuổi nhưng còn tráng kiện. Ẩn
dưới bề ngoài hiên ngang vũ bão, là những cử chỉ mềm mỏng lịch lãm. Là một lãnh
tụ, ông phải giữ thái độ nghiêm cẩn sắt đá, nhưng bề trong lại là một người vui
vẻ ân cần. Nói chuyện với César, nàng nhận thấy ngay ông là một tay biết thưởng
thức nghệ thuật, nhưng có điều nàng thắc mắc là tại sao ông lại có vẻ khắc khổ
hơn là đa tình? Điểm này trái với lời đồn đãi về tài chinh phục đàn bà của ông.
Hay là chuyện tình ái còn có những khía cạnh sâu xa mà nàng chưa hiểu nổi? Phải
chăng đây là người thực sự có chiều sâu, thực sự hiểu đàn bà? Tự nhiên nàng cảm
thấy ngực mình nóng ran, đầu óc nghĩ ngợi vẫn vơ...
Về phần César, ông nhận thấy ở nàng một tấm thân mịn màng, đẹp
như một bông hoa, thơm như trái cây chín, trời sinh ra là để hưởng thú cuộc đời,
khiêu gợi nhưng không tục tằn, toàn thân toát ra những nét kiêu xa đài các
không thể lẫn lộn với muôn ngàn kẻ khác. César chợt cảm thấy khó chịu khi nhận
ra trái tim dày dạn khắc khổ của mình đột nhiên đập nhanh hẳn.
Một tên nô lệ bước vào, bày hoa quả lên bàn, rót rượu ra ly,
rồi biến mất như một bóng ma.
Cléopâtre tựa chiếc khuỷu tay tròn lẵn trên thành ghế, bàn
tay chống cằm, nói với César:
– Tôi đã mất công tới đây, vậy Tướng Quân cho tôi hỏi vài câu
nhé?
– Tôi rất sẵn sàng, Nữ Hoàng cứ hỏi. Phải chăng Nữ Hoàng muốn
biết những diễn biến tại kinh đô trong thời gian Nữ Hoàng vắng mặt?
– Không hẳn như vậy. Tôi muốn biết về chính Tướng Quân.
César hơi ngạc nhiên, nhưng cũng vội nghiêng đầu khiêm nhượng:
– Thật hân hạnh cho tôi.
Nàng thành khẩn:
– Này Tướng Quân, có phải quả thực Tướng Quân đã năm mươi tư
tuổi không?
César thoáng chau mày, nhưng lại hài lòng vì thấy nàng có vẻ
không tin mình đã nhiều tuổi như thế.
– Tôi đã bước qua cái tuổi chín chắn đó cách đây ba hôm, và
có lẽ sắp rụng như trái sung già.
– Không sao, Tướng Quân rụng xuống là tôi chộp liền.
César chưa kịp hiểu câu nói đùa táo bạo, nàng đã tiếp luôn:
– Và Tướng Quân rất nổi tiếng về vấn đề đàn bà, phải vậy
không?
César ngẫm nghĩ một lát rồi mới chậm rãi trả lời:
– Không ai có thể tự đánh giá về tiếng tăm của mình, vì nó giống
như chiếc bong bóng phù du trên mặt nước, lúc hiện lúc biến, thực thực hư hư.
Nhưng thẳn thắn mà nói, tôi được biết rất nhiều đàn bà, nhiều khi xử tệ với họ,
cũng như họ từng xử tệ với tôi. Nếu bảo đó là tiếng tăm của tôi, thì đó là sự
thật.
– Họ bảo Tướng Quân không những thích dan díu với đàn bà...
César quay phắt sang nhìn Cléopâtre vì hiểu lầm ý nàng. Một
võ tướng mà mang danh ủy mị, có những tình cảm yếu đuối bất bình thường,
là chuyện không thể chấp nhận được. Cũng may Cléopâtre kịp thời làm ông thở
phào nhẹ nhõm:
– ... mà còn ưa gái tơ lắm phải không?
César quay nhìn hướng khác, đưa tay gãi cằm:
– Đàn ông là những động vật phức tạp. Một người chiến sĩ...
Chắc Nữ hoàng hiểu ý tôi?
Cléopâtre nửa đùa nửa thật:
– Nhất là một vị tướng phải không?
César cười:
– Tôi không có ý muốn biện hộ đâu.
– Vì có muốn biện hộ cũng không được, Tướng Quân ạ.
César làm mặt nghiêm:
– Phải, điều tôi sắp nói ra đây chỉ là một cách giải thích vậy
thôi... Một vị tướng có nhiều trách nhiệm nặng nề hơn những người khác. Làm tướng
mà tính lầm một ngày, một giờ, một dặm đường hay chỉ một vài trăm bộ, là hàng
ngàn người bị chết hay bị tàn phế, hàng ngàn đàn bà ở góa, và vô số trẻ nhỏ mồ
côi. Trọng trách đó luôn luôn trĩu nặng trên vai, canh cánh bên lòng. Cả trong
lúc vui chơi, người làm tướng chỉ dám chơi với một nửa tâm trí mình. Vì thế mà
những trò tiêu khiển tầm thường không đủ để người đó giải trí. Đã chơi là phải
chơi của lạ, của quý, chơi sao cho mê tơi trời đất...
Cléopâtre tò mò:
– Tôi hỏi thật Tướng Quân nhé, mấy của lạ của Tướng Quân có
còn là trinh nữ không?
César cười lắc đầu:
– Không có đâu. Một kẻ nào đó mạnh bạo hơn tôi, thực tế hơn
tôi, đã tới trước rồi. Có như vậy thì tôi mới ung dung hưởng thụ, không sợ bị
lương tâm cắn rứt.
Hai người ngồi yên lặng hồi lâu. Biết César nói thật,
Cléopâtre thầm phục con người quảng đại, có quyền mà vẫn giữ được lương tri
sáng suốt.
– Người ta còn nói Tướng Quân không theo đạo nào hết, đúng vậy
không?
César biện bác:
– Tôi không phải là người vô thần. Nhưng tôi đã đi khắp nơi
và được nghe quá nhiều về các học thuyết tôn giáo, có những điều tôn giáo này bảo
là hay thì tôn giáo kia lại bảo là dở, vậy tốt hơn hết ta không nên theo hẳn một
tôn giáo nào. Tôi tin ở Thượng đế, nhưng không tin ở các vị thần, cũng như tôi
tin người nhưng không phải tất cả mọi người.
Cléopâtre ngờ ngợ:
– Nghĩa là Tướng Quân chỉ tin có một người?
César mỉm cười, nghiêng đầu rất khiêm tốn, trong khi những
ngón tay thuôn dài của ông vỗ nhẹ trên ngực để tỏ rõ người duy nhất mà ông tin
là ai.
Cléopâtre chưa chịu thôi:
– Người ta bảo Tướng Quân hay làm bộ đạo đức, Tướng Quân nghĩ
sao?
César không nao núng:
– Làm bộ giả dối, mà giả dối thì có ích gì, vì không sớm thì
muộn người đời cũng sẽ nhìn ra sự thật.
– Chẳng hạn người ta bảo Tướng Quân lem nhem về tiền bạc,
vung vãi những số tiền thật lớn trong khi còn thiếu nợ những số tiền lớn hơn.
– Tôi rất dốt về toán, Và dù có giỏi đi chăng nữa, chắc cũng
không ai dám nghĩ rằng tôi sẽ khấm khá hơn, trừ mấy nhà toán học thuần túy. Bản
tính tôi là vậy.
Cléopâtre lặng lẽ một hồi, ngầm thán phục sự khôn ngoan của đối
phương.
– Mới đây tôi được nghe kể rằng Tướng Quân đã khóc bên chiếc
nhẫn của Pompée.
– Chuyện đó mà Nữ hoàng nhắc lại làm gì. Một chiến sĩ không
có quyền bi lụy, ai kể chuyện đó tức là muốn bêu xấu tôi đó.
– Không phải bêu xấu!
– Bêu xấu!
Giọng César bắt đầu đanh lại, nhưng Cléopâtre vẫn bình thản:
– Và khi Tướng Quân chinh phạt xứ Gaule, phải chăng Tướng
Quân đã ra lệnh chặt bàn tay phải của mấy ngàn tù binh để họ hết chiến đấu nổi?
Tướng Quân đã giết một triệu người và bắt làm nô lệ một triệu người khác, đúng
không?
Mắt César bỗng sáng rực:
– Vậy là họ đã đề cao tôi đó. Một bậc chỉ huy cần phải có lời
đồn về mình như vậy, dù chưa hẳn đúng sự thật.
Đúng là một người đàn ông, nàng nghĩ. Một người đàn ông
táo bạo, thẳng thắn, quyến rũ, quỷ quái! Đã năm mươi tư tuổi, nhưng vẫn còn sự
dũng mảnh của ba mươi, sự vững vàng của bốn mươi, chỉ có sự khôn ngoan lõi đời
có vẻ là năm mươi mà thôi. Đây là người đầu tiên mà nàng thấy có những điểm khả
dĩ so sánh được với A-Lịch-San Đại Đế, người đã dựng nên triều đại nhà nàng. Và
đây cũng là lần đầu tiên người đẹp Cléopâtre, Nữ Hoàng của toàn thể Ai Cập và
các xứ lân cận, dòng dõi của Nữ Thần Sông Nil, gặp cú sét ái tình, đâm đầu đi
yêu một lão ma đầu vửa đủ già để đáng tuổi ông nội.
7
Ngày hôm sau César cho mời Vua và Nữ Hoàng Ai Cập vào ra mắt,
hiển nhiên coi họ như các Vua chư hầu khác. Khi hai người vào tới, ông bảo họ lắng
nghe, rồi đem bản di chiếu của Vua Thổi Sáo tức Phụ Vương của hai người ra đọc,
theo đó thì César sẽ là người thừa hành bản di chiếu với tư cách đại diện La
Mã.
Đọc xong, César dùng giọng nghiêm trang nói với hai người:
– Hai vị thấy chưa, nếu muốn hưởng sự bảo hộ của La Mã, hai vị
phải cùng nhau cai trị một cách gắn bó, thuận hòa, và ... hợp lý.
Vị Vua trẻ tuổi bỗng giận dữ la lớn:
– Phải? Ai dám nói chữ đó với Vua của toàn cõi Ai Cập?
Và ai cần đến sự bảo hộ của các người?
Trong cơn điên loạn, và có lẽ một phần vì tuyệt vọng. Vua chụp
chiếc vương miệng trên đầu ném mạnh xuống sàn gạch, rồi vùng chạy ra ngoài, miệng
ơi ới gọi thuộc hạ và các cận thần. Mấy phút sau ngoài đường có tiếng huyên
náo, và César phải bước ra đứng trên bao lơn, trấn an dân chúng, rồi bảo họ
ngày hôm sau phải có mặt tại Hội Trường.
Cléopâtre ngạc nhiên trước thái độ bình tĩnh đến hờ hững của
César. Phải chăng không gì làm thay đổi được sắc diện của người đàn ông kỳ lạ
này? Một biến cố lớn lao dường đó mà xem ra ông chỉ coi như một trận xô sát nhỏ
nơi tửu điếm. Nàng chưa thể hiểu được rằng sự giận dữ của Vua vừa rồi chỉ tổ
làm cho César có thêm cơ hội để nhổ cái gai trước mắt.
Trong bữa tiệc tối hôm đó, César trình diện những thuộc tướng
của ông trước "Nữ Hoàng Ai Cập". Sau đó ông cho biết ngày hôm sau ông
sẽ đọc bản di chiếu của Vua Thổi Sáo cho dân chúng nghe và công khai đặt cả Vua
Ptolémée lẫn Nữ Hoàng Cléopâtre dưới quyền bảo hộ của La Mã, để từ đó về sau sẽ
không còn nhân nhượng cho bất cứ phe nào cố ý gây rối.
Ông nói:
– Dù sao dân chúng tại Alexandrie cũng không khờ khạo như những
người trong nội địa Ai Cập. Họ đủ sáng suốt để cân nhắc bản di chiếu và chọn
con đường thích hợp nhất.
Lời nói của ông có bao nhiêu phần trăm sự thật, chỉ mình ông
biết, nhưng ít ra nó cũng làm Cléopâtre hài lòng vì rõ ràng ông khen ngợi thần
dân của nàng và ngụ ý để nàng làm Chủ Mẫu của họ.
Cũng chính lúc này César đang nghĩ tới việc gắn thêm một viên
ngọc thật đẹp tượng trưng cho thành phố Alexandrie (hay toàn cõi Ai Cập cũng vậy)
vào chiếc vương miện sáng rực của La Mã. Chuyện đó chắc sẽ không còn lâu, và
đáng mừng nhất là ông sẽ không dùng tới võ lực. Một khi nhổ được cái gai
Ptolémée, Ai Cập rơi vào tay ông như trái mận chín.
Qua ngày sau, một rừng người tụ tập trong và ngoài Hội Trường.
Những cai đội có giọng tốt dưới trướng César đều được huy động để truyền lại lời
nói của César tới tai những người đứng xa nhất. Một số thuộc tướng của César e
ngại có biến động trong đám người ủng hộ Vua nên đã cho bố trí canh phòng rất cẩn
mật. Tuy nhiên, chẳng có gì biến động hết. Ngay từ đầu tiên, César đã biến đám
đông thành một bầy cừu non ngoan ngoãn.
César mở đầu, cố trình diễn sự thành thật của mình:
– Hởi đồng bào Alexandrie! Chắc đồng bào bất mãn về sự hiện
diện của những người La Mã chúng tôi, nhưng tôi xin nói ngay, chúng tôi tới đây
là để giúp đỡ đồng bào và để hoàn tất di mệnh của Vua Thổi Sáo Ptolémée Vĩ Đại
hiện đã dứt bỏ hồng trần để sum họp cùng các bậc thần tiên khác.
Nghe César tâng bốc Vua mình, dân chúng rất đẹp lòng. Họ quên
mất những cơn say, những điệu sáo của vị Vua đã chết, mà chỉ còn nhớ đến hình ảnh
cao vời của một bậc cha mẹ dân.
– Thưa đồng bào, theo như bản di chúc mà ta đang cầm đây.
Tiên Vương mong sao mai sau Hoàng Tử Ptolémée và Công Chúa Cléopâtre sẽ cùng
nhau trị vì Ai Cập. Ngày hôm nay chúng tôi có mặt ở đây với mục đích trình bày
cùng đồng bào ước nguyện sáng suốt đó và lột mặt tất cả những kẻ mưu toan cản
trở di mệnh của người đã khuất. (Bộ ba gian ác mà nghe câu này chắc tái người).
Chúng tôi cũng sẽ giúp đồng bào đòi lại đất Chypre cho Ai Cập và đặt dưới quyền
của Công Chúa Arsinóe, em gái Hoàng Tử Ptolémée và Công Chúa Cléopâtre.
Một số dân chúng bắt đầu lớn tiếng hoan hô, nhưng César đưa
tay bảo họ im lặng, rồi nói tiếp:
– Vua Thổi Sáo còn thiếu của La Mã mười bảy triệu rưởi
drachmes, nhưng La Mã bằng lòng chỉ lấy mười triệu, và đặc biệt sẽ không có khoản
thuế tổn phí chiến tranh trên thành phố này.
Đây là một sự nhân nhượng, vì mọi người đều biết rằng César
có quyền phạt họ một số tiền vĩ đại, lấy cớ rằng họ đã giúp Tướng Pompée chống
lại ông. Đám đông giải tán trong vui vẻ, nhiều người còn khen "Lão Đầu
Hói" không đến nỗi tệ lắm.
Nhưng Tể Tướng Hoạn Pothin không vui vẻ chút nào. Gã không thể
để César múa gậy vườn hoang như thế được.
Đối với thành phố giàu sụ cỡ Alexandrie, món nợ mười triệu chỉ
là hạt cát trong đại dương, nhưng gã Hoạn ra lệnh đem nấu chảy các chén dĩa
vàng trong cung và các bình vàng tại những nơi thờ phụng để dúc tiền trả cho
César. Sau đó gã cho dùng chén đĩa gỗ trong các buổi yến tiệc trong cung để mọi
người thấy rõ sự khánh tận của quốc gia chỉ vì lòng tham của César. Độc hơn nữa,
gã cung cấp cho lính La Mã thứ lúa gạo hạng bét, nuốt không nổi. Lính La Mã khiếu
nại thì gã chỉ khinh khỉnh nhún vai:
– Ăn không phải trả tiền thì chỉ vậy thôi!
Trong thành phố thường xảy ra xung đột giữa lính La mã và dân
chúng. Những người lính này mà được thả lỏng, chắc đã có đại loạn.
César trị quân rất nghiêm, vì vậy mà binh ông hùng mạnh, màng
lưới gián điệp của ông cũng rất đắc lực. Ông dò biết gã Hoạn và Vua đang bí mật
võ trang các chiến thuyền Ai Cập nhằm tiêu diệt hạm đội ít ỏi của La Mã, cô lập
lực lượng trú phòng, rồi ra tay trừ khủ César và bộ thuộc của ông, luôn cả
Cléopâtre. Chắc hẳn hai người, gã Hoạn và Vua vừa mưu toan vừa đắc ý tự hỏi La
Mã sẽ phản ứng ra sao về vụ này?
Nhưng César không cho hai người có đủ thời gian tìm ra câu trả
lời. Ông sai một toán thuộc hạ đi đốt phần lớn hạm đội Ai Cập neo tại Cảng Lớn,
gồm tám mươi thuyền tuần thám và năm mươi chiến thuyền từng đặt dưới quyền chỉ
huy của Tướng Pompée thuở trước.
Đám cháy bùng lên ngất trời, lan sang cả công quán gần đó,
thiêu rụi gần hết ngôi Thư Viện nổi tiếng. Nhưng đây là một lời cảnh cáo hùng hồn
đối với những ai thích âm mưu chống lại César, và cũng nhờ dịp này César đoạt
quyền kiểm soát hải đăng khổng lồ Phare trên đảo Pharos.
Bị vố này, gả Hoạn đâm trợn, tính nước liều. Một hôm tên thợ
cạo của César, một gã với đôi tai thần, báo cho César biết người ta mưu giết
ông. César thản nhiên như không, cả đến tên của kẻ chủ mưu ông cũng chẳng buồn
hỏi. Ngay đêm đó, giữa lúc một bữa tiệc được tổ chức để ăn mừng hai chị em
Cléopâtre hòa thuận trở lại, Tể Tướng Hoạn Pothin bị bắt một cách khá êm thấm,
và bị chặt đầu trước khi trời sáng.
Tuy nhiên cuộc âm mưu không vì thế mà chìm hẳn. Các nguồn nước
cung cấp cho binh lính La Mã đều bị đầu độc. Đúng lúc các cấp chỉ huy sắp điên
đầu, tính hạn chế nước uống xuống dưới mức tối thiểu, thì mạch nước mới được
tìm ra, giếng được đào tới tấp. Tính mạng của César lại vững như bàn thạch,
nhưng dù sao ông cũng nẩy sinh ý tưởng muốn rời khỏi Alexandrie.
César đổi ý khi nghe tin đạo quân thứ ba mươi bảy của La Mã
đang từ Tiểu Á Tế Á tiến vào hải phận Ai Cập để tiếp viện cho ông. Ông mừng rỡ
đem toàn thể hạm đội của mình ra đón, rồi hai lực lượng hợp lại với nhau mở cuộc
càn quét dọc theo khu vực neo thuyền của phe Hoàng tộc.
Quá tự tin, César quyết định chiếm luôn Cảng Nhỏ, tức cảng Trở
Về An Toàn. Ông đích thân đứng trên đập ngăn nước chỉ huy trận đánh, nhưng rồi
một toán quân của Thị Vệ Trưởng Achillas men theo bờ đập xông tới tấn công, ông
buộc lòng phải bỏ chạy tới chiếc thuyền nhỏ thường được dùng để đưa rước ông.
Toán quân La Mã đứng gần thuyền cũng tranh nhau xuống thuyền để sẵn sàng bảo vệ
chủ tướng. Đông quá thuyền lật úp.
Rừng người đứng trên bờ quan sát trận đánh thấy César nhảy xuống
nước, tay trái đưa cao để khỏi ướt mớ giấy tờ quan trọng, tay phải bơi nhanh
như cắt, miệng cắn chặt chiếc áo choàng đỏ thẫm dật dờ sau lưng.
Thình lình chiếc đầu hói biến mất cùng lúc với một loạt tên
tua tủa bay ra, cái ghim vào áo choàng, cái đâm xuống nước. Đám đông trên bờ
nín thở chờ đợi, tự hỏi chẳng lẽ César, con người vĩ đại đã chinh phục hoàn cầu,
lại chết một cách dễ dàng như vậy sao? Nhưng kìa, chiếc đầu hói lại nhô lên,
cách chỗ cũ một khoảng xa, và César vào đến bờ một cách an toàn, trong khi một
chiếc thuyền dùng móc vớt được chiếc áo choàng thủng lỗ của César giữa những tiếng
cười rộ, tiếng la ó, và tiếng hoan hô đầy vẻ bi hài.
César nhớ mãi chuyện này.
8
Một lần nữa thần chết lánh xa César. Ngay ngày hôm sau, giữa
lúc đang nghiền ngẫm về số mạng con người, César được tin lực lượng hỗn hợp ba
nước Hy Lạp, Do Thái và Ả Rập đang băng qua sa mạc để tới tiếp tay với ông. Vậy
thì mạng ông quả là lớn. Đây còn là một cơ hội tốt để ông ra tay chỉnh đốn lại
ngôi nhà điên đảo Ai Cập.
Ít lâu nay quân Hoàng Gia Ai Cập trú đóng ở ngoại thành
Alexandrie đã có lời thề sẽ giải vây cho vị Vua trẻ tuổi và giải tỏa được áp lực
của quân xâm lăng La Mã. Biết vậy, César cho gọi Vua vào và nói:
– Nghe đồn Bệ Hạ đã thông suốt về nghệ thuật chiến tranh,
đúng thế không?
Cậu bé ngây thơ vênh mặt trả lời:
– Ai nói với Tướng Quân như vậy thì người đó đã không nói dối.
César thản nhiên:
– Theo thông lệ thì chỗ thích hợp nhất cho một vị Vua thích
trận mạc là chỗ của một Nguyên Soái khiển tướng điều binh.
Vua bắt đầu tái mặt:
– Nhưng tôi... tôi còn bận nhiều công việc quốc gia đại sự, bỏ
đi sao được?
César vẫn thản nhiên:
– Không sao, những việc đó sẽ có người lo. Ngày mai khi tời tảng
sáng, sẽ có người hộ tống Bệ Hạ tới một địa điểm gần chỗ trú đóng của quân Ai Cập
để Bệ Hạ có thể cầm quân ngay.
Vị Vua trẻ dùng mọi cách, hết tranh luận, tới la hét rồi quay
sang năn nỉ, và cuối cùng khóc ngất. nhưng vẫn không lay chuyển được vị tướng
La Mã.
Chỉ ít hôm sau người ta lại thấy vị tiểu anh hùng bất đắc dĩ
cầm quân đón đánh lực lượng hỗn hợp ba nước đang ồ ạt sang tiếp viện César.
Quân hai bên đụng nhau ở thành phố Memphis trên bờ sông Nil.
Sau hai ngày thất điên bát đảo, cậu bé thấy rõ Thần chiến bại cười
vào mặt mình. Biết cố gắng cũng vô ích, cậu xuống thuyền chạy trốn. Nhưng thuyền
lật, tấm giáp vàng che ngực nặng quá, lôi cậu xuống đáy sông cũng nhờ tấm hộ
giáp này mà người ta nhận ra xác cậu). Cậu bé mười ba tuổi sống ồn ào, chết
không kèn không trống.
Mấy ngày sau, César ung dung cưỡi chiến mã tiến vào
Alexandrie, theo sau là đoàn quân chiến thắng. Không một dấu hiệu kháng cự. Dân
chúng mặc đồ tang chế để tỏ ý hàng phục. Họ còn đem hình tượng các vị thần tới
trước mặt César để các vị thần này hàng phục luôn thể.
Cléopâtre tiếp đón César như một vị anh hùng, một nhà giải
phóng. Giờ đây nàng là Nữ Hoàng độc tôn của Ai Cập (chỉ dưới có La Mã).
9
Mùa đông năm đó là khoảng thời gian hứng khởi nhất cho đôi
nhân tình vô tiền khoáng hậu César-Cléopâtre, tuy hai bên vẫn còn trong thời kỳ
dò dẫm nhau, tìm hiểu nhau, thủ thế kỹ càng. Một cuộc đấu trí diễn ra giữa một
trinh nữ và một tay chơi lão luyện kinh người.
Cléopâtre dù kiêu xa cách mấy, dù trong tay nắm uy quyền và địa
vị cách mấy, cũng chỉ là một cô học trò ngây thơ trên trường tình ái. Dĩ nhiên
dưới mắt nàng, một người chiến công đầy mình, lịch lãm kín đáo, hài hước thâm
trầm, và nhất là có nhiều thành tích với đàn bà như César, phải là một người
tình lý tưởng.
Trong khi đó César từng lăn lộn với đàn bà từ hồi mới lớn, và
từ đó đến nay dằng dây hết bà nọ đến bà kia tưởng chừng không lúc nào dứt hẳn
ra được. Ông có nhiều cơ hội để thưởng thức đủ mùi vị đàn bà, áp dụng đủ mọi
cách, kể cả những cách mà người thường chỉ mới tưởng tượng đã đủ ngất người.
Kinh nghiệm của ông đã đạt đến mức độ mà chỉ những phương pháp thật mới mẻ,
tinh vi, đầy tính chất nghệ thuật mới lôi cuốn nổi ông. Nói cách khác, ông đã
vượt quá trình độ của một kẻ thèm khát lâu ngày, vừa thấy là cắm đầu hùng hục.
Có đôi lúc César kiểm điểm lại những cuộc tình đậm nét nhất
trong đời mình. Nàng Cornélie, người con gái xinh xắn, với nước da trắng hồng,
chiếc cổ thanh tú, chiếc mũi tuyệt vời, người con gái mà ông đã yêu cuồng loạn
từ hồi mười bảy tuổi. Nàng Pompéia, người vợ đẹp lồ lộ như một bức tượng của
ông, cháu gái của Toàn Quyền Sulla, người mà ông quý trọng hơn tất cả đàn bà
trên đời, nhưng cuối cùng nàng đã bôi lọ ông bằng cách tằng tịu với gã Clodius,
và ông buộc lòng phải ly dị nàng vì "vợ của César phải là người không
thể chê trách được". Nàng Servilia, người đàn bà dâm đãng từng làm các
quan của ông hoạt động đến mức nghẹt thở, mờ cả lý trí, đến nỗi cuối cùng ông nổi
nóng vì kham không nổi. Và nàng Calpurnia mỹ miều quý phái, người vợ hiện tại của
ông, một người đàn bà gần như gương mẫu về đủ mọi phương diện, chỉ có một khuyết
điểm duy nhất, đó là tính trẻ con.
Ngoài ra còn có rất nhiều hoa khôi La Mã, Công Chúa chư hầu,
và vô số đàn bà thuộc giai cấp thấp hơn tại những xứ nằm dưới gót giày chinh phục
của ông. Và giờ đây có nàng Cleopâtre...
Một buổi tối kia sau khi yến tiệc no nê, Cléopâtre và César
ngả lưng trên giường (mỗi người một giường), chuyện phiếm. Có một lúc César đổi
hẳn sang giọng thân mật:
– Nàng biết không, ta thường tự hào là đã chán ngấy yêu
đương, nhưng không hiểu sao hồi này ta lại cảm thấy hứng khởi như hồi còn trẻ.
Thực ta lấy làm xấu hổ.
Nàng thì thầm:
– Tướng Quân không nên xấu hổ. Đáng lẽ Tướng Quân phải cám ơn
thượng đế vì đã được hồi xuân, điều mà biết bao đàn ông ở vào tuổi Tướng Quân
thiết tha mong muốn. Thú thật với Tướng Quân, một nam tử cùng trạc tuổi với thiếp
không thể nào có được sức quyến rũ mà uy nghi, đơn giản mà thâm trầm, dịu dàng
mà mạnh mẽ. Có chăng chỉ có người từng trải như Tướng Quân mới có mà thôi. Thật
diễm phúc cho người đàn bà nào quyến rũ được Tướng Quân, và nhất là giữ được Tướng
Quân. Chỉ phải cái muốn ở bên Tướng Quân, người đó sẽ phải tập thích ứng với mọi
hoàn cảnh, với khí hậu tại các địa phương, và phải có sự khéo léo của một người
đàn bà ở bất cứ tuổi nào.
César cũng thì thầm:
– Vậy thì nàng hãy đuổi bọn đầy tớ ra ngoài đi.
Nàng đuổi đầy tớ, và chàng bắt đầu trổ ngón. Ngón của tay lão
luyện quả có khác người! Biết nàng đã chờ sẵn, chỉ với tay một cái là xong,
nhưng César không vội. Ông vờn nàng như mèo vờn chuột, mơn trớn nàng bằng những
cử chỉ lịch lãm, làm nàng bốc lửa bằng những lời đề nghị táo bạo, rồi lại xoa dịu
nàng bằng những câu hứa hẹn. Riêng Cléopâtre phần vì nàng sinh ra đã sẵn có những
điểm quyến rũ chết người, phần vì nàng có bộ óc thông minh đặc biệt, học được
ngay trong chiến thuật của đối phương, cũng mơn trớn cũng khiêu khích, đến nỗi
tấm thân già của César bừng bừng trỗi dậy.
Kết quả cả hai đều hết chịu nổi sự dằn dặt đê mê, và họ chợt
khám phá ra đối phương nằm trong tay mình tự bao giờ.
Dĩ nhiên hai người một giường.
10
- Này Charmian...
Nữ Hoàng Cléopâtre nói với người nữ tì tâm phúc đang sửa lại
mái tóc mềm óng của nàng:
– Ta có một tin vui muốn nói cho ngươi biết. Một tin tuyệt diệu...
Nàng ngắm nghía hình mình trong chiếc gương đồng do một cậu
bé mười tuổi da đen trần truồng mang tới. Miệng nàng nở một nụ cười bí mật khiến
thị nữ Charmian đoán ra ngay tin tuyệt diệu đó là gì.
– Nếu tiểu tì đoán không lầm thì tin đó sẽ làm một người
không có mặt ở đây mừng vô kể.
Cléopâtre quay nhìn người thị nữ thông minh:
– Ta cũng hy vọng như vậy. Nhưng theo ngươi, liệu nó có đủ sức
giữ người đó lại đây không?
Ả thị nữ đưa mắt nhìn quanh, đo lường thêm một lần nữa vẻ
tráng lệ của tòa cung điện mà Vua Thổi Sáo đã tốn bao công trình sửa sang bồi đắp,
với sự pha trộn giữa hai nền mỹ thuật Hy Lạp và Ai Cập. Mỗi tấm thảm, mỗi chiếc
ghế là một chọn lựa tinh vi; mỗi bậc thềm, mỗi chiếc cột là một công trình hiếm
có.
Ả trả lời bằng giọng cả quyết:
– Tâu Lệnh Bà, người nào từ chối ở bên Lệnh Bà trong khung cảnh
này thì người đó là gỗ đá, không biết hưởng lạc thú ở đời. Và giả thử người đó
có gỗ đá đi nữa, thì tin mừng của Lệnh Bà cũng đủ cột chân người đó ở đây như
những sợi xích vàng.
Cléopâtre gật đầu:
– Ta cũng mong như thế. Ngày đếm ta cầu nguyện các vị thần
phò hộ cho ta, vì nếu Đại Soái bỏ về La mã chắc ta sẽ buồn mà chết.
Sự cả quyết của thị nữ Chamian không phải là vô lý. Cuộc sống
của César tại Alexandrie đầy đủ hơn bao giờ hết, lại thêm một cô nhân tình cỡ
Cléopâtre thì tưởng trên đời này không ai sướng bằng ông.
Và một hôm nàng tới thăm ông, toàn thân chỉ mặc một chiếc áo
bằng thứ lụa mỏng nhất, trong nhất. Cặp mắt nghề nghiệp của César nhận ra ngay
chiếc bụng thon của nàng bắt đầu hơi lớn. Ông mừng rỡ tưởng phát điên lên được
và đưa tay ôm nàng muốn nghẹt thở:
– Cléopâtre... nàng là một Nữ Hoàng tuyệt diệu, một bà tiên!
Cléopâtre cựa quậy trong đôi tay rắn chắc, mắt nàng vướng vào
ngực César vì nàng cao chưa tới cằm ông.
– Tướng Quân mừng thật hả? Thiếp sẽ cho Tướng Quân một đứa
con trai nhé.
Cesar buông nàng ra trợn mắt nhìn nàng:
– Con trai? Ta... chỉ nghĩ mình sắp có một đứa con, nhưng nếu
nó là con trai thì...
– Nó sẽ là con trai!
Với vẻ quả quyết và hãnh diện, Cléopâtre nhìn thẳng vào đôi mắt
sâu thẳm từng làm nàng nhiều lần đắm đuối cho đến khi lịm hẳn.
César hỏi:
– Sao nàng có vẻ quả quyết như vậy? Làm thế nào buết trước được?
– Nó phải là con trai!
Nàng vừa nói vừa nhìn ra xa như muốn thách thức các vị thần
khác dám chống lại ý muốn của nàng, vì nàng cũng là một vị thần, lại là Nữ
Hoàng của toàn cõi Ai Cập mông mênh.
Một lát sau, nàng tâm sự với thị nữ Charmian:
– Người nói đúng Đại Soái sẽ ở lại.
Nhưng mọi việc không êm xuôi như nàng tưởng.
Trong khi César vắng mặt, Nguyên Lão Viện La Mã bầu ông làm
Toàn Quyền cho năm tới, có lẽ để thưởng công ông đã chinh phục Ai Cập. César rất
hài lòng với dinh dự này, nhưng ông cũng đã bắt đầu lo ngại vì chức vụ càng cao
trách nhiệm càng lớn, từ nay ông khó mà ngồi yên tại Ai Cập để vui vầy bên người
đẹp. Những báo cáo khẩn tới tấp gửi qua, những thơ mời liên miên bay tới. Nguyên
Lão Viện cũng như dân chúng La mã đang dài cổ chờ mong vị Toàn Quyền trở về. Từ
ngày Tướng Pompée bị hạ sát, những nghị viên Nguyên Lão thuộc phe Pompée bị
khai trừ ngay, và cho đến nay vẫn chưa có người thay thế. Hàng trăm nghị viên
và nhiều nhà quý tộc đang sống lẫn lút vì sợ Toàn Quyền trả thù. Vụ này gây xáo
trộn và phân hóa trầm trọng trong xã hội La Mã vì có liên can tới một số gia
đình quyền thế nhất nước Ý. Không ai hiểu vị Toàn Quyền sẽ xử trí với họ ra
sao.
Và cũng không ai hiểu César sẽ sử dụng quyền hành của mình
như thế nào. Trên thực tế, Antoine được coi là đại diện của ông tại La Mã. Dân
chúng ngoài mặt vui vẻ chấp nhận những sắc luật do Antoine ban hành, coi như đó
là ý muốn của chính César, nhưng trong lòng họ thì sao? Tác phong của Antoine lại
không đáng ca ngợi lắm. Chàng và bạn chàng là Dolabella từng gây xôn xao dư luận
vì một vụ ái tình lẩm cẩm. Chàng trộm vợ Dolabella, Dolabella cướp vợ chàng, kết
quả hai người đem nhau ra giữa Nghị Trường quyết đấu. Liệu César có chấp nhận
được vụ này hay không?
Dĩ nhiên là không. César đã nhăn mặt khi đọc báo cáo về
Antoine, nhưng những nếp nhăn giãn dần khi ông đọc tới đoạn tượng ông được xây
khắp nước Ý. Điều làm ông lo lắng nhất là binh lính không được phát lương đầy đủ
trong những tháng qua, và những lính có công chưa được chia đất kể từ sau chiến
thắng tại Pharsale. Hàng ngàn binh lính đã bỏ đi ăn cướp, hoặc gia nhập lực lượng
do các con của Tướng Pompée đang thành lập với ý định báo thù cha.
Thực ra La Mã không người chỉ huy. Trong các báo cáo không
nói rõ, nhưng César có thể đoán được ra rằngngười ta đang kết tội ông bỏ bê La
Mã trong khi La Mã cần ông hơn bao giờ hết. Ông tự hủ, đồng ý rằng một cộng đồng
phức tạp bao gồm vô số thuộc địa và chư hầu như La mã không thể thiếu sự kiểm
soát hữu hiệu tại trung ương, nhưng chẳng lẽ ông nghỉ ngơi một chút không được
sao? Vả lại đã có Antoine thay mặt ông. Dù lem nhem về tình ái đi nữa, thì
Antoine cũng là một vị anh hùng dày công trận mạc, một người tháo vát, quyền biến.
César tự biết mình dối lòng. Trong thâm tâm, ông nghĩ cứ để
cho La Mã nát bét một thời gian, mọi người sẽ thấy cần ông hơn, ông sẽ dễ làm
việc. Hơn nữa ông đang yêu, lần đầu trong đời ông thực sự yêu, và người yêu của
ông lại sắp cho ông một đứa con trai. Ông đã mấy đời vợ và sô số nhân tình,
nhưng chưa ai chính thức sinh con trai để ông có người nối dõi. Tại đây ông
đang sung sướng, vậy tội gì ông bỏ đi?
Với óc thông minh sẵn có, lại được tình yêu vun đắp thêm,
Cléopâtre đọc được những ý tưởng đang xung đột mãnh liệt trong đầu César. Nàng
quyết định hành động để kéo hẳn César về phía mình.
Nàng nói với Sconis, viên cận tướng của nàng ngày trước, hiện
là quân sư đắc lực nhất của nàng:
– Chắc khanh biết rằng từ ngày em ta chết đi, ta trở
thành góa phụ?
– Tâu Lệnh Bà, thần biết.
– Và như vậy ta có quyền lấy người khác chứ gì?
Ánh mắt Sconis cố tránh chiếc bụng lớn vô phương che dấu của
Cléopâtre, gã nói lớn:
– Nhưng chắc Lệnh Bà không quên Lệnh Hoàng Đệ không những là
vua, mà còn là vị thần. Lệnh Bà là con của Nữ Thần Isis 1, phải kết duyên với một vị thần khác thì mới xứng.
Cléopâtre không nao núng:
– Nếu thế Đại Soái César là người xứng đánh nhất, vì ai là
người thần thánh bằng Đại Soái, một tay Đại Soái chinh phục gần hết
thế giới và tự tạo cho mình ngôi vị tối cao tại La Mã?
Và tại Ai Cập nữa, nàng thầm nhủ như vậy, vì nàng chính là Ai
Cập, còn César là chủ của nàng.
– Dĩ nhiên thần đồng ý với Lệnh Bà, nhưng sợ người ngoài
không đồng ý như vậy, họ có thể dị nghị hoặc bài bác tính cách thần thánh của Đại
Soái chăng?
Cléopâtre vẫn tin tưởng:
– Khanh nói đúng, nhưng còn quên một điều, khanh còn lạ gì
thành phố Alexandrie này, muốn phao tin đồn không khó chút nào. Giả sử bây giờ
chúng ta phao tin Đại Soái là hiện thân của vị thần, Thần Amon chẵng hạn! Nếu
tin đó được tung ra mãnh liệt, chắc chắn mọi người sẽ tin và không còn lý do phản
đối việc ta kết hôn với Đại Soái. Lúc đó con của ta sẽ là sự kết hợp của hai vị
Thần sẽ là Vua của cả Ai Cập lẫn La mã. Sconis, ngươi hiểu ý ta chứ, người làm
việc đó được không?
Ai là người có thể từ chối lời yêu cầu của Cléopâtre? Chỉ ít
lâu sau, tất cả dân chúng Alexandrie đều biết tin một vị thần vĩ đại sắp kết
duyên với Nữ Thần kiêm Nữ hoàng của họ, và ai cũng cho rằng đây là một sự may mắn
cho cả nước.
Đến nỗi chính Cléopâtre cũng bắt đầu tin César căn bản là một
vị thần, cũng như nàng vậy. Ngay từ thuở bé, nàng đã được tôn sùng như hiện
thân của Thần Mặt Trời và được xem như bất tử tại các đền thờ trong nước. Nàng
đoán vị thần Ai Cập khác đang phò trợ nàng, xui khiến nàng gặp thần César; cũng
như các vị thần La mã xui khiến César tới gặp nàng.
Lúc đầu nàng hơi lo sẽ khó thuyết phục César nhận danh hiệu
Thần, nhưng lạ chưa, nàng vừa đề nghị là ông vui vẻ nhận ngay.
Thực ra, để noi gương A-Lịch-San Đại Đế tuở trước tự nhận
mình là con của Thần Amon, hồi còn ở La Mã César đã tự xưng mình là dòng dõi của
Thần Vệ Nữ. Con cháu của các thần chỉ có lợi chứ không có hại. Giờ đây theo lời
yêu cầu của Cléopâtre, ông bằng lòng làm thần, nhưng ông có tin mình là thần
hay không chỉ có trời biết. Ông là một nhà ngoại giao đại tài và là một vị tướng
lỗi lạc, những ý tưởng của ông do ông làm chủ.
Thế rồi đám cưới diễn ra linh đình. Các tu sĩ trong nước hết
lòng chu toàn buổi lễ theo đúng nghi thức dành cho các bậc thần linh. Chiếc
thai trong bụng Cléopâtre cũng bắt đầu máy động, có lẽ để chứng tỏ oai linh của
vị thần sống, một vị Đại Đế, trong tương lai sẽ trị vì Ai Cập giàu có vô cùng lẫn
La Mã uy danh khủng khiếp. Niềm vui của Cléopâtre tthật là trọn vẹn. Trên thế
gian này, người đàn bà nào chẳng mơ được như nàng?
Về phần César, ông cho đây là một thắng lợi lớn về mặt chính
trị. Bao lâu nay, La Mã cần tiền cho các cuộc viễn chinh hầu như bất tận, cặp mắt
thèm muốn của La Mã lúc nào cũng hướng sang Ai Cập. César lấy được Cléopâtre tức
là lấy được Ai Cập cho La Mã. Còn món quà nào to tát hơn? Ông mường tượng thấy
từ nay La Mã sẽ không thể từ chối ông một điều gì vì công ông lớn quá. Còn về
đám cưới của ông? Thực ra ông đã có một người vợ để ở La Mã, đó là nàng
Calpurnia. Song hôn là trái luật. Nhưng Calpurnia không con, ông có thể viện cớ
này để ly dị một cáh dễ dàng. Hơn nữa, "một vị Toàn Quyền mà không có quyền...
phạm luật chút đỉnh, thì toàn quyền ở chỗ nào"?
César gặp Cléopâtre ở một điểm. Ông sắp có con trai, một đứa
con chính thức, không giống như trường hợp Brutus, đứa con hờ mà ông không biết
có phải là con ruột mình không. Và nếu có con nối dõi, ông có thể lập ra một
triều đại. La Mã theo chính thể Cộng Hòa quá lâu rồi, nên có Vua là vừa.
Chú thích:
1. | Nữ thần Isis vừa là em gái vừa là vợ của Thần Osiris, rất được dân Ai Cập sùng bái. |
11.
Cách xa thành phố nhiệt náo Alexandrie, trên bờ sông Nil gần
cổ thành Memphis, có một đôi vợ chồng nhà quê ngày ngày sống với dăm luống cày
và vài chú dê gầy tơi tả. Họ đã học được tính nhẫn nại khôm lưng trước oai linh
của các vị thần và sự nạt nộ của các quan thu thuế. Họ sẵn sàng dâng nạp bất cứ
vật gì mà họ có, chỉ trừ chút cơm hẩm để ăn cầm hơi và vài manh áo rách không đủ
che thân dưới ánh nắng mặt trời nóng rát. Họ sống để chờ chết, chẳng hy vọng gì
có được một ngày vui. Nhưng ngày vui đã tới.
Một buổi sáng kia họ bừng tỉnh vì những tiếng đàn nhạc thanh
tao từ mé sông vọng tới. Họ chạy vội ra cửa và trước mắt họ hiện ra một khung cảnh
mà họ còn nhớ mãi, còn kể mãi, và xuýt xoa mãi mãi. Ở đời đã mấy ai may mắn như
họ?
Giữa sông là một tòa lâu đài nổi, hay đúng hơn cung điện nổi
của Nữ Thần kiêm Nữ Hoàng Ai Cập. Tòa điện đóng bằng gỗ quý, dát vàng sáng
chói, màn cửa nhiều màu, thảm nhung rực rỡ, toàn là hàng đắt tiền mua tận Đông
Phương. Phòng ăn trang trí theo kiểu Ai Cập, còn các phòng khác bày biện theo lối
Hy Lạp. Riêng phòng khách trần thiết giống hệt như những lời miêu tả trong truyện Ilade 1.
Phía ngoài còn có khu ngắm cảnh buổi sáng và một khoảnh vườn nhỏ để dạo chơi buổi
chiều. Tất cả tòa lâu đài lững lờ di chuyển nhờ sức chèo của năm mươi tên nô lệ
Nubie đen bóng, những mái chèo bằng mun nhô lên hụp xuống đều tăm tắp.
Và kia, một người đầu hói, mình mặc áo bào kiểu La Mã, vừa hiện
ra nơi khung cửa. Ai thế nhỉ? Những người dân quê làm sao biết được đó là vị thần
vừa sánh duyên với Nữ Thần của họ.
Phía sau tòa lâu đài nổi là bốn trăm giang thuyền chở đầy
lính thiện chiến La mã. Cuộc đi chơi tuy lấy cớ là để Cléopâtre dẫn chồng đi
thăm thú cảnh sắc nên thơ của Ai Cập, nhưng biết đâu chẳng là một dịp để quân
La Mã quan sát địa thế, tìm hiểu thêm về chiều sâu của xứ này?
Đoàn thuyền tiến gần tới cổ thành Memphis, Cléopâtre chợt nắm
tay César reo lên:
– Tướng Quân xem kia, hai ngọn Kim Tự Tháp đó! Thiếp đã được
thấy chúng nó mấy lần, vậy mà thiếp vẫn say mê trước vẻ hùng vĩ của chúng.
Chúng nối nhau chạy dài hàng mấy dặm, mỗi ngọn là lăng mộ của một vị vua
Pharaon. Bây giờ chúng ta lên bờ xem tượng thần đầu người mình sư tử. Tướng
Quân sẽ hỏi tượng một câu hỏi. Trước kia thiếp đã hỏi tượng câu hỏi của thiếp rồi.
Khi đôi uyên ương dắt tay nhau lên bờ, tới trước bức tượng khổng
lồ đầy vẻ huyền bí, cả hai đều có chung một ý tưởng, lặng lẽ khấn nguyện cho
chiếc bào thai trong bụng Cléopâtre. Nhưng César đã hỏi thần điều gì thì nàng
không biết. Phải chăng ông hỏi thần xem con ông sẽ là trai hay gái?
Đoàn người tiếp tục hành trình tới thánh địa Thèbes, cố đô của
Ai Cập, với những đền thờ vĩ đại, và xa hơn nữa là thành phố đảo Philae, nơi trời
nước giao nhau, trong xanh buổi sáng và rám nắng lúc chiều tà.
Lên tới vùng thác Assouan nước cuốn ầm ầm, Cléopâtre đòi đi
tiếp, César vội can:
– Không nên. Những chiến sĩ La Mã của ta không lùi bước trước
bất cứ trở ngại nào, nhưng ta không muốn bắt họ phải đương đầu với những hiểm nguy
không cần thiết. Lòng can đảm của họ nên để dành cho những việc hợp lý hơn.
Cléopâtre hơi cụt hứng, nhưng không dám cãi. Đoàn thuyền trở
mũi, xuôi dòng về Alexandrie. Vừa đi vừa về gần mất hai tháng.
Trong suốt chuyến đi, Cesar luôn luôm để ý tới phong thổ và nếp
sống của dân chúng tại địa phương. Ông rất ngạc nhiên một nữ lưu như Cléopâtre
lại có được sự hiểu biết rất thấu đáo về dân tình trong nước. So với những người
sinh trưởng tại Alexandrie khác, ngàn người không có lấy một người như nàng.
Theo sự giải thích của nàng, cuộc sống của dân quê Ai Cập
hoàn toàn tùy thuộc vào sông Nil. Một hệ thống đê điều và kinh rạch dẫn nước
quy mô được thiết lập từ ngàn xưa, đến nay vẫn còn. Và tất cả dân chúng dọc
sông Nil đã trở nên những chuyên viên đê điều, hết lòng chăm lo bồi đắp để
tránh nạn lụt khủng khiếp có thể xảy ra.
Nàng nói:
– Những người dân quê không lúc nào thoát hẳn được sự đe dọa
của dòng sông. Ngay từ lúc sinh ra, đàn ông đàn bà đều tự coi sinh mạng mình gắn
liền với hệ thống đê điều. Đê vỡ họ phải chết. Do đó họ không thể là những người
vô tư sung sướng như người dân Hy Lạp. Có điều họ rất hài lòng cặm cụi suốt đời
để phục vụ cho Nữ Hoàng của họ.
Nói đến đây, nàng bất giác mỉm cười nhân hậu, như thể một bà
mẹ trẻ đang ngậm ngùi nghĩ đến bầy con lam lũ. Ít ra nàng cũng hiểu được dân,
thực sự thương xót dân, không như hững kẻ xâm lăng chỉ biết bóc lột cho đầy
túi, coi mạng người như rơm rác.
Ý tưởng này chỉ thoáng qua trong đầu Cléopâtre. Không đời nào
nàng tỏ cho César biết. Cuộc đi chơi của nàng phải trọn vẹn, không bị vướn bận
bởi những tranh chấp không đâu. Tuy thân hình nàng lúc này hơi cồng kềnh, tuần
trăng mật vẫn phải ngọt lịm như thường. Hơn nữa cái thai trong bụng là sự kết hợp
của hai vị thần, thì ai là người dám phiền trách nó?
Chỉ có một chuyện khiến những ngày vui của nàng bỗng trở nên
u ám: César vì nhiệm vụ đã quyết định trở về La Mã. Hôm ông ra đi, cảnh chia ly
thật lắm bùi ngùi.
Và hai tháng sau đứa bé ra đời: Con trai!
Dân chúng Ai Cập vui mừng hớn hở, xưng tụng đưa bé là Con của Thần
Amon-César. Cleopâtre vừa hãnh diện vừa sung sướng, đặt tên con là
Ptolémée-César, gọi đùa là Césarion (trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Tiểu
César).
Có con, Cléopâtre càng nhớ chồng. Nàng nói với thị nữ
Charmian:
– Ta nhất định rồi, mấy tuần nữa ta sẽ đi La Mã để xum họp với
César.
Nhưng chuyện này không đơn giản như nàng tưởng. Khi nàng viết
thư hỏi ý kiến César, ông không hoan nghênh quyết định của nàng chút nào, tuy lời
lẽ trong thư trả lời vẫn ngọt ngào say đắm:
... Ta nhớ nàng và mong được gặp con tưởng điên lên được...
Và nếu nàng có nghe chuyện gì về ta và Nữ Hoàng Eunor của xứ Mauritanie ngoài
sa mạc thì cũng đừng bận tâm làm chi cho mệt, một cuộc vui chơi qua đường như
bao lần khác vậy mà. Muôn đời, nàng vẫn là người ta coi trên hết, nhưng vì tình
hình La Mã hiện nay chưa được ổn định, và vì một số người vẫn còn nặng đầu óc kỳ
thị dân xứ khác, ta chưa tiện đón nàng về đây. Thật là oái oăm khi họ nghĩ rằng
nàng sẽ bị buộc đằng sau xe của ta, trong khi trên thực tế chính ta mới là người
bị nàng trói buộc bằng những sợi xích của tình yêu, nàng nhỉ?...
Và còn nhiều câu khác cũng khôn khéo, cũng êm tai, nhưng
Cléopâtre không nhắm mắt tin ngay. Nàng còn trẻ nhưng đã có óc thực tế, vả lại
nàng đã được nghe quá nhiều về đàn ông, nhất là các ông chồng. Nàng không thích
thả mồi bắt bóng, mất chồng như chơi. Lại còn nàng nữa. Nếu một ngày kia con
nàng sẽ trị vì La Mã thì tại sao không để dân La Mã thừa nhận nó ngay từ bây giờ?
César tính gì đây?
Thế là Cléopâtre nhất quyết đi La Mã gặp César. Có điều nàng
tự nhủ phải khéo léo và cẩn thận hơn. Nàng viết trong thư:
Lý do chính trong cuộc thăm viếng của thiếp là đem về cho Ai
Cập danh hiệu của một xứ Đồng Minh với Cộng Hòa La Mã.
Lý do gượng ép thấy rõ vì đây chỉ là công việc của một sứ thần,
nhưng César không có cách nào từ khước.
Kết quả, sau một năm rưởi kể từ ngày César dứt áo ra đi,
Nguyên Lão Viện chính thức mời Nữ Hoàng Ai Cập sang thăm viếng.
--------------------------------
Ilade: Thiên anh hùng ca thần thoại Hy Lạp của Homère tả lại
cuộc chiến tranh phát sinh bởi việc Hoàng Tử Paris của Thành Troie đánh cắp
nàng Hélène, người vợ đẹp nhất trần đời của vua Hy Lạp Ménélas. Chiến tranh
diễn ra với những cảnh tử chiến hào hùng, những cảnh từ biệt vợ con đi chinh
chiến cũng vô cùng cảm động. |
Cléopâtre tới La Mã vào một ngày huy hoàng tháng sau, giữa lúc dân chúng đang tưng bừng mở hội. Chiến tranh đã chấm dứt, vị Toàn Quyền đã nắm vững cơ đồ, những rạn nứt phe phái đã được hàn gắn cùng với những vết thương của biết bao chiến sĩ), kinh tế đang phát triển mạnh, mùa màng tốt tươi, César đang sử soạn Đại Lễ Khải Hoàn, và đại lễ đồng nghĩa với vui chơi thỏa thích. Giờ đây dân chúng lại thấy mặt Nữ Hoàng Ai Cập, vị Nữ hoàng thần thoại mà họ đã nói tới rất nhiều, vì dù sao cũng là vợ của Toàn Quyền La Mã của họ.
Cũng có một số kẻ mang nặng thành kiến rằng tất cả người xứ khác, nhất là người phương đông, đều là hạ đẳng, sinh ra chỉ để La mã chinh phục, đàn áp, và bóc lột. Chính thiểu số này mong được thấy mặt Cleopâtre hơn ai hết, vì họ muốn biết nàng ba đầu sáu tay như thế nào mà được César trọng vọng cỡ đó. Những vua chúa khác ở trong trường hợp bại trận như nàng đều bị cột phía sau chiếc xe chiến thắng của César trong ngày lễ Khải Hoàn, còn nàng tạo sao lại được hưởng vinh dự của một thượng khách? Vẫn biết nàng giàu có vô tưởng, vẫn biết nàng là một phù thủy như vô số các nữ phù thủy đông phương khác, nhưng nàng còn có gì nữa không? Phải xem tận mắt mới biết được.
Nàng tới, họ xem, và họ ngẩn ngơ.
Đi đầu đám rước là một toán nô lệ da đen mang bông tai vàng. Tiếp theo là những hoạn quan mặc áo choàng dài như phụ nữ...
Trong đám đông dân chúng đứng xem chợt có tiếng đàn bà khúc khích:– Hoạn quan đó! Biết để làm gì không? Chắc để canh giữ đám chồng đông đảo của Nữ Hoàng trong khuê phòng chứ gì?
Tiếng khúc khích biến thành tiếng cười rộ, tràn lan trong đám đông, trong khi đám rước vẫn tiếp tục đi qua. Tiếng cười càng huyên náo hơn nữa khi các nhà chiêm tinh đội nón hình tháp xuất hiện với những cờ hiệu vẽ hình linh thú.
Dân chúng xì xào bàn tán, một kẻ xấu miệng nói oang oang:
– Cái gì vậy? Đầu chó sói? Chim kênh kênh? Đầu bò? Ha ha, họ thờ súc vật, anh em ơi!
Nhưng tiếng huyên náo nhỏ dần rồi tắt hẳn khi chiếc kiệu của Nữ Hoàng Ai Cập đi qua, xung quanh là toán vệ sĩ danh dự gươm giáo tuốt trần do Nguyên Lão Viện La Mã cử đi để hộ tống vị thượng khách.
Dân chúng đứng hai bên lề đường vừa thấy Cléopâtre đều gật gù, tấm tắc khen đẹp – Đẹp thật! Chưa thấy ai đẹp như vậy bao giờ!
Khuôn mặt nàng sáng rỡ dưới chiếc mũ kỳ bí mang hình một con rắn vàng chùn mình thủ thế bảo vệ cho chủ. Làn da mịn phớt vàng của nàng chính là nét ngoại nhập, gợi cảm một cách kỳ lạ. Mặt nàng sáng ngời nhờ chất thuốc đặc biệt, đuôi mắt đánh kim nhũ kéo dài tới tận thái dương. BỘ ngực trần tuyệt mỹ mũm mĩm dưới lớp áo mỏng gần như trong suốt.
Nhưng đứa bé trong lòng nàng mới gây nhiều chú ý nhất. Đứa bé giống cha một cách dị thường, đúng là một César con!
Đám rước tiến dần tới Nghị Trường trong khi đích thân Toàn Quyền César cùng rất đông các nghị viên Nguyên Lão và thuộc tướng đang trịnh trọng đứng chờ. César muốn dành cho người vợ Ai Cập một cuộc tiếp đón đúng nghi thức ngoại giao, không một dấu hiệu thân mật suồng sã, sợ làm mất thể diện quốc gia.
Sau lễ tiếp đón, đám rước tiếp tục di chuyển tới ngôi biệt thự mà César dành sẵn làm dinh quốc khách, một ngôi nhà nên thơ tại hữu ngạn sông Tibre với những khu vườn tráng lệ bao quanh. Đây là tài sản riêng của César. Còn dinh Toàn Quyền thì tọa lạc trong nội thành.
Tối hôm đó, César tới biệt thự thăm Cléopâtre giữa lúc nàng đang nóng lòng đợi ông. Thấy ông già hẳn đi, nàng bùi ngùi cầm lệ. Mười tám tháng đã qua đã đè nặng trên vai ông đến thế sao? Dấu vết tiều tụy còn đọng trên mặt, trên tóc, trên râu. Phải chăng chứng kinh giản từ bao năm đã quay trở lại hành hạ ông, khiến ông gầy còm xơ xác thế này?
Nhưng nàng hài lòng khi thấy cặp mắt nâu của ông vẫn long lanh, ẩn chứa sự hăng say của tuổi trẻ và nét linh hoạt của tuổi già. Người ông vẫn toát ra sự dũng mãnh, can đảm và cao vọng ghê người.
César cũng tự biết mình thay đổi. Còn Cléopâtre thì sao? Nàng có thay đổi gì không, đối với ông còn mặn nồng như trước không?
Ông không phải thắc mắc lâu. Người vợ trẻ tiếp đón ông vừa dịu dàng, vừa tha thiết, lại vừa nóng bỏng, thứ tình cảm chan hòa sau những ngày nhung nhớ. Đột nhiên César quên hết ưu tư, gác bỏ mọi chuyện, để sống lại những giây phút huyền diệu...
Sáng hôm sau, Cléopâtre đang chơi đàn với đứa con mập mạp kháu khỉnh thì thị nữ Charmian chợt hỏi:
– Tiểu tì nghe nói rất nhiều về Đại Lễ Khải Hoàn, không hiểu đó là lễ gì?
Cléopâtre ngước mắt nhìn người thị nữ:
– Mỗi khi một vị tướng đi chinh phục các nước trở về, thông lệ của La Mã là tổ chức một đại lễ ăn mừng. Vị tướng thắng trận sẽ đội mũ vàng, đứng cầm cương xe ngựa chiến (thứ xe hai bánh do chiến mã kéo, dùng để đua hay để đánh trận), cho xe chạy trong thành phố, vua chúa các xứ bại trận và thân quyến họ bị trói dẫn theo đằng sau xe. Không hiểu tại sao, có lẽ vì bận chinh chiến liên miên, César chưa từng tổ chức lễ Khải Hoàn bao giờ. Lần này đại lễ sẽ kéo dài bốn ngày, coi như bốn buổi lễ gộp chung làm một, chắc sẽ tưng bừng lắm.
Mà tưng bừng thật, tuy không đúng như điều nàng tính. Nàng được đặt ngồi cạnh Calpurnia, người vợ La Mã của César. Khi xe César chạy qua kháng đài, ông ngẩn đầu kiêu hãnh, ánh mắt dường như muốn tìm bóng dáng Cléopâtre, chứ không phải Calpurnia. Thình lình một tiếng "rắc" lớn từ càng xe phát ra, mọi người sợ hãi la lên, Cléopâtre cũng bấu chặt lấy cánh tay Calpurnia, tái mặt.
César bị dội mạnh vào thành xe phía trước. Khi đã lấy lại được thăng bằng, ông nhẹ nhàng nhả xuống đất giữa lúc bọn cận vệ nhảy tới giữ chặt con chiến mã màu trắng lồng lên vì sợ hãi.
Dân chúng hai bên đường dợm xông ra bảo vệ vị Toàn Quyền kiêm thần tượng của họ, nhưng họ lập tức bị hàng rào binh lính đẩy lui. Nhân viên tổ chức xem xét chiếc xe hư, tuyên bố xe gãy trục, phải thay xe khác. Và chỉ một thoáng sau César đã ung dung giục ngựa tiến tới, đám rước tiếp tục di chuyển. César nhìn lên trời cám ơn Thượng Đế đã giúp ông ứng biến mau lẹ để đám rước được liên tục, nhưng Cléopâtre rùng mình lo sợ, cho đây là một điềm bất thường đối với César. Nàng bắt đầu nơm nớp lo ngại.
Nhân viên tổ chức buổi lễ tuy nhanh trí nhưng vẫn còn thiếu sót. Hôm nay là ngày đầu tiên của cuộc lễ, dành để mừng chiến thắng tại xứ Gaule, vua xứ Gaule là Vercingétorix bị cột đằng sau xe. Nhưng khi đổi xe, họ đã bỏ quên vị vua này, và César chạy xe không. Đến lúc trong đám đông phát ra tiếng cười khúc khích, ông cắn chặt môi, mặt nóng bừng vì một vị Toàn Quyền không thể chịu nổi sự chế riễu. Ông quành xe lại để thuộc hạ đem Vercingétorix từ chiếc xe hư cột vào xe mới.
Trong cử chỉ của một vị vua bại trận có một cái gì khiến đám đông hết cười. Mái tóc hung của ông đã điểm bạc sau sáu năm ngục tù tại La Mã để chờ ngày hôm nay. Những sợi tóc dài phủ xuống vai, bộ ria vĩ đại, chiếc mũi kiêu hùng, tất cả hợp lại thành một vẻ đẹp oai phong, rừng rú. Và tuy chân tay mang đầu xiềng xích, ông bước đi một cách hiên ngang, như buổi lễ hôm nay dành cho ông, chứ không phải cho César. Đây cũng là điềm bất thường dưới mắt Cléopâtre.
Đêm hôm đó, dưới ánh sáng của một ngàn bó đuốc gắn trên lưng bốn mươi con voi, César bước lên đồi Capitole tạ ơn thần Jupiter, vị thần đỡ đầu của La Mã. Chỉ buồn cho Vercingétorix vua xứ Gaule, chẳng có vị thần nào đỡ đầu cho ông, để đến nỗi ngay đêm đó ông bị đem lên mõm núi Tarpérienne ném nhào đầu xuống vực!
Sau ngày Khải Hoàn La Mã đến ngày Khải Hoàn Ai Cập(?), một ngày bẽ bàng cho Cléopâtre. Theo lời tổ chức của ban tổ chức, ngày lễ này dành chào mừng Nữ Hoàng Cléopâtre, Đồng Minh của La Mã. Dân chúng cũng coi đây là cuộc lễ mừng chiến thắng của César đối với Tướng Pompée và các thuộc hạ (dĩ nhiên gồm cả bọn thuộc hạ Ai Cập).
Cléopâtre giật mình khi trông thấy hình tượng rất sống động của hai kẻ thù cũ: Hoạn Quan Tể Tướng Pothin và Thị Vệ Trưởng Achillas. Hai bức tượng bị buộc sau xe để thay thế người sống. Thật khôi hài, hai gã đã giết Pompée để rồi hôm nay bị ghép tội đồng lõa với Pompée.
Chưa hết ngạc nhiên, Cléopâtre đã choáng váng mặt mày khi nhận ra phía sau xe César có cả em gái mình: Nữ Hoàng Arsinóe của xứ Chypre. Arsinóe từng nhiều lần mưu toan lật đổ Cléopâtre khiến César nổi giận bắt nhốt đến bay giờ. Tuy biết Cesar làm như vậy là vì mình, nàng cảm thấy đắng miệng. Nhưng kìa, César lại đưa mắt tìm nàng trong rừng người trên khán đài. Trong một phút nàng quên hết ưu phiền.
Về phần dân chúng, họ rất hả hê được xem hai vật lạ: một hình mẫu vĩ đại rập theo ngọn hải đăng khổng lồ trên đảo Pharos của Ai Cập, và một chú hươu cao cổ trong đoàn thú vật bắt được tại Phi Châu. Thân hình lênh khênh và những bước đi cà nhỏng của chú khiến mọi người cười rộ.
Vì nể mặt Cléopâtre, César tha mạng Nữ Hoàng Arsinóe. Nhưng Cléopâtre thầm nghĩ, nếu ở địa vị mình, thà chết còn hơn là sống mà bị lôi đi phía sau xe của kẻ chiến thắng.
Ngày lễ thứ ba rước mừng chiến thắng tương đối nhỏ, đó là cuộc chinh phục xứ Pontus tại Tiểu Á. Dẫn đầu đám rước là một cờ hiệu vĩ đại với hàng chữ bất hủ mà trước kia César đã gửi từ ngoài mặt trận về để báo tin cho Nguyên Lão Viện: TÔI TỚI, TÔI THẤY, VÀ TÔI CHINH PHỤC.
Có lẽ những người trong ban tổ chức đã lầm lẫn khi sắp đặt ngày đầu mừng chiến thắng vĩ đại tại Gaule, để rồi mấy ngày sau kỷ niệm những chiến thắng không mấy quan trọng, khiến cuộc lễ có vẻ đầu voi đuôi chuột. Nhất là ngày thứ tư buổi lễ nhạt phèo vì chỉ mừng một cuộc đàn áp dư đảng của Tướng Pompée, một chiến thắng hoàn toàn có tính cách tư thù của César.
Riêng đối với Cléopâtre, cuộc đại lễ thật huy hoàng và trọn vẹn, vì dù lớn dù nhỏ, trọng tâm của cuộc lễ vẫn là đề cao người yêu của nàng. Nàng được chứng kiến tận mắt sự tôn sùng của dân La Mã đối với César. Hồi còn ở Ai Cập, nàng đã gán cho ông danh hiệu của một vị thần, còn bây giờ ông thực sự là thần!
César không muốn hưởng vinh quang một mình. Ông quyết định biến Cléopâtre thành một nữ thần dưới mắt người dân La Mã.
Đây là lời Cleopâtre tâm sự với thị nữ Charmian:
– Ngươi biết không, Đại Soái đã sai Arcesilaus tạc tượng ta. Bức tượng sẽ rất lớn, toàn bằng cẩm thạch và ngà, dát vàng. Ta không biết Arcesilaus là ai, nhưng chắc chắn phải là nhà điêu khắc tài danh nhất La Mã. Y đã phác họa xong chiếc đầu của ta, đẹp kinh khủng.
Việc tạc tượng tiến triển tương đối chậm. Ba tháng sau ngày khởi công, nhà điêu khắc được gọi vào trình diện César.
– Thế nào, còn bao lâu nữa thì xong?
Nhà điêu khắc cân nhắc thật kỹ rồi trả lời:
– Thưa Ngài Toàn Quyền, khoảng mười măm.
César cộc lốc:
– Mười ngày nghe chưa?
Và đúng mười ngày sau bức tượng được hoàn tất. Một đại lễ được tổ chức để đặt tượng tại ngôi đền Vệ Nữ Génitrix mới xây. Thế là Cléopâtre trở thành một nữ thần của La Mã, tiêu biểu cho thần Vệ Nữ tức là vị thần mà César thường nhận là tổ tiên của mình.
Dĩ nhiên đây là một cử chỉ ưu ái của César đối cới Cléopâtre, nói lên tình yêu sâu đậm của ông dành cho nàng. Nhưng người ta tự hỏi ông còn hậu ý gì khác không? Xét cho cùng, César muốn làm một việc nhất cử lưỡng tiện, vừa được lòng Cléopâtre, vừa là một nấc thang để ông đạt tới cao vọng làm Hoàng Đế La Mã sau này. Cléopâtre mà là thần thì ông cũng là thần, Cléopâtre mà là Nữ Hoàng Ai Cập thì ông sẽ là Vua cả Ai Cập lẫn La Mã, sẽ không một ai dám hó hé.
Để đẩy mạnh hơn nữa kế hoạch của mình, César cho sửa sang và trang hoàng lại Đại Hý Trường, rồi tổ chức một lễ đăng quang cho Thần Vệ Nữ Cléopâtre, kèm theo những cuộc vui nghiêng trời lệch đất. Cũng trong dịp này, dân chúng lần đầu tiên được xem diễn lại một trận thủy chiến vô cùng hào hứng trên mặt hồ nhân tạo.
Chưa bao giờ Cléopâtre sung sướng như vậy. Rõ ràng người chồng đáng yêu của nàng đang biến giấc mộng của nàng thành sự thật: đem Ai Cập và La Mã ghép chung thành một Đế Quốc duy nhất. Một ngày kia, khi nàng và César rũ áo ra đi, Césarion con nàng sẽ ung dung lên kế nghiệp cha, nắm quyền sinh sát cả một Đế Quốc rộng lớn, và có thể là cả thế giới.
Carlo Maria Franzero
Vũ Hùng dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét