34 tỷ, 16 tỷ, và
bao nhiêu đồng bào?
Tháng trước, đến làm việc tại phòng y tế xã nọ, thuộc miền
núi phía Bắc, ngồi một lúc lâu và uống rất nhiều trà xong, thì xin lỗi, cả đoàn
có “nhu cầu”.
Nhà vệ sinh nằm ở một góc vườn xa, xây bằng gạch, ngang chừng 80 phân, cao quá
đầu người một tí, cánh cửa gỗ ọp ẹp chắp vá, không khép kín nổi.
Hỏi trưởng phòng y tế, nhà vệ sinh của các anh bẩn thế này, bé thế này, làm sao
anh vận động được dân trong vùng ở sạch?
Anh trưởng phòng y tế cho biết, thật đáng thương, chỉ có hai trăm nghìn đồng để
làm cái nhà vệ sinh ấy thôi. Bằng gạch cơ mà. Đến cánh cửa là hết tiền, anh em
phải lấy gỗ ở nhà chắp lại tạm.
Sẵn dịp, anh đưa sang nhà bếp tập thể. Hai triệu một cái bếp ăn cho nhân viên,
cũng là nơi nấu nước sôi cho công việc y tế. Tiền bên trên chỉ cho chừng ấy,
anh em đốn một cây mít, một cây gì nữa (tôi quên rồi) trong sân, bán lấy tiền
bù vào để hoàn tất nhà.
Cả một vùng nghèo lắm, thư viện không có, rạp hát không có, trường học lụp sụp,
thanh niên không có gì giải trí nên chích hút rất nhiều...
Trong khi đó, trên báo Tuổi Trẻ, ngày 1. 12. 04, có một mẩu tin ngắn, trong đó
UBMTTQ TP.HCM đã phải kiến nghị với UBNDTP về cái kế hoạch (đã được UB phê duyệt)
là dùng 34,7 tỉ đồng để biến đường Đồng Khởi - một con đường tuy trung tâm
nhưng có thể gọi là ngắn - thành phố đi bộ.
Với 34,7 tỉ này, theo báo, người ta chắc sẽ lại nạy gạch (mới lát) lên, lát lại
bằng granite cả lòng đường lẫn vỉa hè. Người ta lắp mấy cột điện thoại công cộng
(cái thứ mà giờ gần như không ai dùng nữa, vì rất khai), rồi xây thêm các bồn
hoa trang trí... Con đường sang trọng đó, xưa nay vốn không phải dành cho người
Việt số đông, nay sẽ sang trọng hơn, khách Tây ghé lại vài ngày sẽ có một cái
nhìn về Việt Nam hào nhoáng đầy giả tạo.
Còn ở Hà Nội thì sao?
Hà Nội đang hối hả lắp cho xong tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ở vườn
hoa Vạn Xuân. Người ta sẽ dành cho cái tượng đài này khoảng 16 tỉ đồng. Tượng
đài cũ đã có, nằm ở vườn hoa Bà Kiệu, cách nơi sẽ đặt tượng đài mới khoảng một
cây số rưỡi. Cả hai tượng đài nói chung đều phải có người chiến sĩ ôm bom ba
càng, một cô gái Hà Nội... 16 tỉ để gần như lặp lại một cái đã có, chỉ có những
thành phố lớn mới vô tâm trước cái nghèo của đất nước như thế.
*
Thế đấy, đất nước ta, mấy chục tỉnh thành như mấy chục anh em, lại là anh em
con nhà nghèo, vậy mà lại rất đúng với câu “anh em kiến giả nhất phận”. Thành
phố lớn thờ ơ trước khó khăn và bế tắc của các thành phố bé. Nếu cán bộ thành
phố lớn có hôm nào đi ngang qua một thị xã đìu hiu, thì chắc cũng chỉ thấy hả
hê trong lòng, “thằng này thua mình xa”.
Thành phố lớn sẽ nói, mỗi vùng có một nhiệm vụ, một đặc thù, tiền chi mỗi nơi
phải mỗi khác.
Nhưng dùng 34,7 tỉ phố đi bộ để nâng cấp 34 cái trường học miền núi, hay dùng
16 tỉ tượng đài để cải tạo 16 trung tâm y tế xã, các vị thấy cái nào mang tính
“vì đồng bào” hơn?
Chúng ta vẫn có phong trào Thanh niên Tình nguyện để dạy cho sinh viên cái tinh
thần tương trợ những người yếu hơn mình. Nhưng sinh viên chỉ là những người
chưa là gì cả trong guồng máy. Họ đến với hai bàn tay và tình cảm của họ, để
đào mấy con mương, làm mấy cái cầu khỉ. Rồi cái nghèo ở một vùng xa vẫn hoàn
nghèo, khoảng cách thành thị-nông thôn chẳng thu ngắn lại được sau mấy tháng
hè. Sẽ chỉ là vô ích và hình thức, nếu chính cái tinh thần tương trợ ấy không
có trong bản thân những người đứng đầu các tỉnh thành.
Nhưng thôi (có thể tôi nghĩ sai?), biết đâu trong chiến lược của các vị lại có
mục cứ giữ nguyên những vùng nghèo đói, để mùa hè còn có nơi mà giáo dục thanh
niên hai chữ “đồng bào”!.
2/12/2004Thảo HảoNguồn: Văn hóa - Thể thao, 3.12.2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét