Việt kiều và kinh tế Việt Nam
Kể từ khi hiệp định thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được
ký ba năm trước đây thì lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng vọt.
Riêng hàng may mặc xuất khẩu qua Mỹ trước chỉ ở mức vài chục triệu đô la nay
lên đến cả tỉ đô trong số hơn 3 tỷ đô la tổng số hàng xuất khẩu một năm qua Mỹ.
Trong các trung tâm thương mại lớn ở Hoa Kỳ, người tiêu dùng bây giờ dễ dàng
tìm thấy giầy dép, quần áo mang nhãn "Made in Vietnam”.
Sản phẩm tiểu công nghệ cũng có mặt trên thị trường Hoa Kỳ, trong cửa hàng của
Ikea, Home Depot hay Target nhưng chất lượng còn kém và giá tương đối còn cao
so với sản phẩm cùng loại từ những nước khác. Thí dụ, một chiếc dĩa gỗ để chén
bát ăn tiệc bày bán ở Target đề giá 5 đô 99 xu, trong khi đó hàng Ý hay Trung
Quốc bán chưa tới 20 đô một bộ 4 chiếc và có mỹ thuật hơn. Những bình trồng cây
bằng đất sét hay bằng sứ của Việt Nam trong Ikea, Home Depot cũng không bằng sản
phẩm từ Mexico hay Trung Quốc.
Người Việt có tiêu dùng hàng Việt không? Không có những thống kê về vấn đề này,
nhưng quan sát những chợ Việt Nam ở Mỹ thì thấy người Việt tiêu dùng hàng Việt
khá nhiều.
Từ vài năm nay, nông và hải sản tràn ngập những siêu thị Á Ðông, từ gói xả khô,
hành khô (79 xu một gói) cho đến tôm đông lạnh, cá kho tộ (7 đô 99 xu, gồm cả nồi
đất), bắp nếp, khoai mì củ, na, mít, nhãn.
Mít là một thứ hoa quả nhiều người Việt xa quê hương thèm ăn. Trước đây có mít
tươi trồng bên Mexico, dù bán đắt nhưng cũng có khách. Một miếng mít tươi giá
20 đô chỉ được chưa đến 20 múi.
Việt Nam ngày nay xuất khẩu qua Mỹ nhiều loại mít: mít dẻo, mít khô, mít gói
đông lạnh. Những mặt hàng này coi như đặc sản Việt Nam vì ở Mỹ từ trước đến giờ
chỉ có mít tươi Mexico và mít đóng hộp Thái Lan. Thị trường mít ở Mỹ tưởng như
do Việt Nam chiếm lĩnh, nhưng gần đây Thái Lan đã xuất khẩu qua Mỹ loại mít gói
(79 xu một gói) thơm, ngon và rẻ hơn mít Việt Nam (99 xu).
Bù lại, năm nay nhãn Việt Nam được mùa bên Mỹ. Nhãn đông lạnh giá 1 đô la 29 xu
một cân Anh (453 gam), hay nhãn tiêu tươi, giá 2 đô 50 xu một cân được khách
hàng mua nhiều.Thương hiệu Việt Nam đang tràn ngập thị trường Hoa Kỳ, nhưng đa phần là hàng may mặc và nông và hải sản.
Ảnh Bùi Văn Phú
Dù Việt Nam có cải tiến để cạnh tranh với những nước khác đang có mặt trên thị
trường Mỹ nhưng nếu chỉ xuất khẩu hàng may mặc, đồ tiểu công nghệ và sản phẩm
ngư và nông nghiệp thì cũng không đủ để đẩy nền kinh tế Việt Nam tiến xa hơn mà
cần phát triển công nghiệp chế xuất linh kiện, máy điện tử và công nghiệp nặng
mới tạo được sức kéo cho con tàu kinh tế Việt Nam đi nhanh hơn, mạnh hơn để bắt
kịp đà phát triển trong vùng.
Nhật Bản ngày nay là một cường quốc kinh tế và đã là mô hình phát triển cho nhiều
nước như Ðài Loan, Nam Triều Tiên, Singapore, Malaysia. Hiện nay Trung Quốc
cũng đang theo con đường đó. Việt Nam muốn tiến nhanh cũng không đi ra ngoài
quy trình phát triển như thế.
Những nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam cũng nhìn ra điều này nhưng
còn đang loay hoay vì thiếu kinh nghiệm và chất xám.
Bốn năm qua, Hoa Kỳ đã mất đến 3 triệu việc làm bởi những công ty đem ra nước
ngoài - nhiều nhất là về Châu Á - vì điều kiện đầu tư thuận lợi. Nhưng Việt Nam
chưa có môi trường để hấp dẫn những công ty từ Mỹ.
Sau khi ký hiệp định song phương vào cuối năm 2001, nhiều đoàn quan chức cao cấp
của Việt Nam đã qua Mỹ, như phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Vũ Khoan, để mời gọi
đầu tư thì nhận được những đáp ứng tẻ nhạt, và báo chí Hoa Kỳ thì lên tiếng chê
môi trường đầu tư ở Việt Nam là: "đầy tham nhũng, luật lệ lỏng lẻo, thuê đất
bị giới hạn, nạn bè cánh và việc hoạch định chính sách rất mơ hồ." (Wall
Street Journal ngày 4-12-2003).
Công ty FPT của Việt Nam đã mở văn phòng đại diện tại Thung Lũng Ðiện Tử San
Jose 5 năm trước đây, nhưng không tìm được những nguồn đầu tư. Mới đây FPT đưa
một đoàn đại diện, do ông Trương Gia Bình dẫn đầu, qua Mỹ vận động đầu tư,
nhưng cũng không đạt được kết quả đáng kể nào. Công ty tư vấn đầu tư Việt Nam
IDG (International Data Group) có văn phòng ở San Francisco nhưng số khách hàng
cũng thật thưa thớt.
Lỗi không phải ở những đoàn đại diện nhà nước hay ở các công ty.
Nguyên do là sự thiếu thuần nhất giữa chính sách và thực hành và sự thiếu quyết
tâm cải cách của giới lãnh đạo Việt Nam.
Các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế luôn khuyến cáo Việt Nam cải tổ những khu
vực sau đây mới mong đẩy nền kinh tế tiến nhanh hơn, nhưng nhà nước còn chậm chạp:
1. Khu vực quốc doanh yếu kém nhưng chiếm đa phần sinh hoạt kinh
tế quốc gia, lấn át khu vực tư doanh
2. Cơ cấu tổ chức ngân hàng không hữu hiệu.
3. Sự thiếu công bình, minh bạch trong luật lệ đầu tư.
4. Nạn tham nhũng, cửa quyền và nền hành chánh quan liêu ở mọi cấp.
Ðể hoàn tất một dự án đầu tư tại những nước khác trong vùng Ðông Á chỉ tốn khoảng
hơn ba tháng, so với ở Việt Nam thời gian là hơn một năm.
Tuần này đánh dấu hai sự kiện quan trọng trong quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam: Hiệp
định thương mại song phương được tròn ba tuổi và lần đầu tiên một hãng hàng
không Hoa Kỳ, United Airlines, mở tuyến bay San Francisco - Ho Chi Minh City.
Một Việt kiều làm việc tại tòa thị chính San Francisco, thành phố kết nghĩa với
Thành Phố Hồ Chí Minh, đã vận động các thương gia trong vùng thực hiện một chuyến
đi lịch sử với chương trình tham quan Việt Nam một tuần lễ bằng chuyến bay đầu
tiên của United Airlines vào Việt Nam, khởi hành tại San Francisco trưa ngày 9
tháng 12. Tốn phí cho chuyến đi là 2000 đô một người. Trong danh sách khách
tham dự có một số thương gia, nhà đầu tư địa ốc, đầu tư điện tử, phóng viên báo
chí từ San Jose và San Francisco.
Cũng dịp này, từ ngày 13 đến 15 tháng Mười Hai, tại khách sạn New World Hotel ở
Sài Gòn sẽ có một cuộc hội thảo về đầu tư công nghệ điện tử tại Việt Nam do
nhóm Việt kiều San Jose, Vietnamese Silicon Valley Network (VSVN), phối hợp
cùng nhà nước tổ chức.
Một Việt kiều vùng Vịnh San Francisco, ông Phan, cho biết ông tham gia chuyến
đi để xem cách phục vụ khách hàng của hãng máy bay Mỹ như thế nào vì trong những
năm qua ông thường đi Việt Nam với những hãng hàng không Châu Á. Nếu phục vụ tốt,
ông sẽ dùng United Airlines trong tương lai.
Về cuộc hội thảo, ông Phan nói ông có nhận được giấy mời và thấy chương trình nặng
thuyết trình hơn thảo luận nên ông sẽ không tham dự. "Ở đó chỉ có hội mà
không có thảo. Tôi đã nghe quan chức nhà nước nói ở nhiều nơi. Ở đâu thì họ
cũng nói như thế." Ông Phan dẫn chứng khu chế xuất điện tử Saigon High
Tech Park mà nhà nước nói có dự án phát triển từ hơn hai năm nay, nhưng đến nay
vẫn còn là vùng đất hoang sơ dù tiền đổ vào đã lên đến 5, 6 chục triệu đô la.
Nhiều nhà đầu tư và thành phần trí thức hải ngoại cũng muốn đóng góp cho sự
phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng nhìn quanh chưa thấy có những thành công nổi
bật mà trái lại là nhiều thất bại chua cay dù nhà nước đã và đang có những
chính sách mời gọi Việt kiều đầu tư. Một Nguyễn Trung Trực, nhà đầu tư đồ gia dụng
được coi là thành công nhất, mười năm trước từng tổ chức hội nghị đầu tư và đưa
phó thủ tướng Trần Ðức Lương qua Mỹ, giờ cũng đã bỏ Việt Nam sau một thời gian
bị giam lỏng ở đó. Một Trịnh Vĩnh Bình đầu tư nhà đất, một Nguyễn Gia Thiều đầu
tư điện thoại cũng mất hết.
Bà Ngô Bá Thành, cựu đại biểu trong ủy ban luật pháp quốc hội từng phát biểu:
"Nước ta có cả rừng luật, nhưng lại chuyên xài luật rừng".
Nhiều Việt kiều muốn đầu tư vào Việt Nam là những người làm ăn lương thiện, muốn
đóng góp cho đất nước phát triển, nhưng với tình trạng luật lệ như thế, họ lo sợ
cuối cùng lại trở thành những tội phạm, những kẻ bất lương.
7/12/2004Bùi Văn Phú
Ảnh Bùi Văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét