Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Ảnh hưởng của việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) và nạn nghèo đói ở nông thôn Việt Nam

Ảnh hưởng của việc gia nhập tổ chức
thương mại thế giới (WTO) và nạn
nghèo đói ở nông thôn Việt Nam

Bài phân tích này được khai triển từ cuộc phỏng vấn tóm tắt do phóng viên Duy Ái của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) thực hiện vào sáng ngày 5/8/2005 tại Washington, DC. Cuộc phỏng vấn này đã được phát thanh về Việt Nam vào sáng ngày 8.8.2005, giờ Việt Nam.

Sau khi kết thúc cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về việc gia nhập WTO hồi cuối tháng 7, giới hữu trách Hà Nội hiện đang ra sức hoàn tất những cuộc đàm phán song phương và đa phương còn lại, để có thể trở thành hội viên trước cuối năm nay hoặc trong năm 2006. Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết, ở Trung Quốc, sau hơn 3 năm rưỡi gia nhập tổ chức thương mại toàn cầu này, mức thu nhập của người dân nông thôn chẳng những không gia tăng mà lại còn bị sút giảm. Việc gia nhập WTO sẽ có những tác động nào đối với đời sống của nông dân Việt nam? Liệu tình trạng tương tự có diễn ra ở nước ta hay không? Nhà nước có những nỗ lực nào nhằm bảo vệ cho quyền lợi của nông dân và người nghèo ở Việt Nam? Đó là những câu hỏi dành cho bài phân tích này.
1. Những tác động của việc gia nhập WTO đối với đời sống của nông dân và giới nghèo ở Việt Nam
Việc gia nhập WTO mang lại nhiều cơ hội cũng như nhiều thử thách cho Việt Nam. Những thử thách này liên hệ đến mọi khu vực kinh tế, nhưng đáng ngại nhất là đối với khu vực nông thôn nói chung và nông nghiệp nói riêng. Việt Nam đã và đang bị thử thách bởi Hiệp định Thương mại Mỹ Việt (US-VN Bilateral Trade Agreement), gọi tắt là BTA, và Khu vực Thương mại Tự do Đông Nam Á (ASEAN Free Trade Area), gọi tắt là AFTA. Nhưng ảnh hưởng của WTO sẽ mạnh mẽ hơn nhiều vì hai lý do chính: (1) Luật lệ của WTO đòi hỏi nhiều hơn AFTA và BTA, và áp dụng chung cho tất cả các nước hội viên buôn bán với Việt Nam; (2) Những nước hội viên đã gia nhập WTO có quyền áp đặt những điều kiện khắt khe hơn đối với những quốc gia đang thương lượng xin vào. Thí dụ Trung Quốc mới vào WTO hơn 3 năm trước, đã gây một vài khó khăn cho Việt Nam. Khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ rất có thể phải chấm dứt mọi hình thức bao cấp nông dân, trong khi đó, những nước Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu Châu và Nhật Bản, là những nước hội viên ngay từ khi WTO thành lập vào năm 1995 vẫn có quyền chi tiêu khoảng 300 tỉ đô la để tài trợ nông dân của họ hàng năm. [1]
Khu vực nông thôn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất vì kỹ thuật nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn thô sơ. Năng suất tương đối thấp, giá sản suất lại cao. Thí dụ giá bắp và đậu nành nội địa lần lượt vào khoảng trên US$140/tấn và US$350/tấn, so với giá trên thị trường quốc tế vào khoảng US$80/ tấn và US$180/ tấn vào năm 2001. [2]
Ngoài ra, hạ tầng cơ sở ở nông thôn Việt Nam vẫn còn lạc hậu, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong vài năm qua. Đường xá và hải cảng thiếu phát triển làm gia tăng thời gian và chi phí chuyên chở. Theo ước tính, đưa một tấn gạo lên tàu tại hải cảng Việt Nam tốn gấp hai lần tại hải cảng Thái Lan [3]. Trong tình trạng như vậy, khu vực nông thôn và nông nghiệp của Việt Nam sẽ bị đe dọa bởi ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng toàn cầu hóa, đặc biệt đối với những nông phẩm sản xuất với số lượng lớn như bắp, đậu nành, đường, và bông gòn.
Toàn cầu hóa có khuynh hướng biến đổi một nền nông nghiệp tự túc, đa canh và ở mức độ gia đình của một nước chậm tiến như Việt Nam thành một nền nông nghiệp doanh thương, hướng về xuất cảng và đơn canh. Như vậy, toàn cầu hóa trong trường hợp này đe dọa đến an ninh thực phẩm quốc gia.
Những cuộc cải tổ và phát triển kinh tế, nhất là những dự án đầu tư ngoại quốc vào công nghệ, thường tập trung tại các khu vực thành thị, do đó nông thôn không được hưởng sự phát triển kinh tế đồng đều. Lợi tức không tăng bằng khu vực thành thị. Khác biệt giàu nghèo ngày càng lớn. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, lợi tức trung bình của một người ở nông thôn thấp hơn thành thị khoảng 3.7 lần, cách xa mức nghèo tối thiểu là US$1/ngày. Kết quả của cuộc điều nghiên của Tổng cục Thống kê Việt Nam vào năm 2002 cho thấy lợi tức của nhóm người thuộc 10% giàu nhất gấp 12.5 lợi tức của nhóm người thuộc 10% nghèo nhất ở Việt Nam. [4]
Nếu không có những biện pháp đặc biệt nâng đỡ nông thôn và giới dân nghèo, ảnh hưởng của WTO sẽ làm tăng thêm khoảng cách giữa thành thị và thôn quê một cách đáng kể. Lý do là phần lớn đầu tư mới của nước ngoài sẽ đổ vào vùng thành thị, đặc biệt là khu vực mới được mở cửa như các ngành dịch vụ bao gồm bảo hiểm, ngân hàng, bán lẻ và bán sỉ, xuất nhập cảng, phân phối, chuyên chở, giải trí, pháp lý, xây cất, địa ốc, viễn thông, v.v...
Trong khi đó mức tiêu thụ của giới giàu có sẽ làm gia tăng giá cả. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra xáo trộn trong xã hội, như chúng ta thấy nổi loạn đã xảy ra ở vài nơi tại Việt Nam cũng như tại Trung Quốc. Lợi tức của nông dân tăng ít hơn lợi tức ở thành thị và chậm hơn tốc độ tăng của giá cả. Vì vậy, mãi lực và mức sống của nông dân sẽ giảm. Đó là trường hợp đã xảy ra tại Trung Quốc và rất có thể xảy ra tại Việt Nam như nhiều phân tách gia đã tiên đoán. [5]
2. Chính sách phát triển nhắm vào nông thôn và người nghèo
Như chúng ta được biết, nhiều tổ chức và cơ quan viện trợ quốc tế - như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) - ra sức hối thúc các nước đang phát triển trên thế giới áp dụng một sách lược phát triển gọi là “pro-poor growth” hay tăng trưởng nhắm vào giới dân nghèo. Chính phủ Hà Nội cũng đã đồng ý thực hiện một chính sách phát triển như vậy. Trong bối cảnh này, Việt Nam đã có những nỗ lực nào trong những cuộc đàm phán WTO để bảo vệ cho quyền lợi của nông dân hay không?
Câu hỏi này có hai phần. Phần 1 là phát triển nhắm vào người nghèo. Phần 2 về những biện pháp bảo vệ người nghèo của chính phủ Việt Nam trong tiến trình gia nhập WTO. Bài phân tích này sẽ bàn về phần 1 ở đây và phần 2 ở đoạn kế tiếp.
GS C. Peter Timmer đã từng nhận định rằng một chính sách phát triển kinh tế có thể không mang lợi lộc gì cho người nghèo, trừ phi chính sách này sử dụng một cách hữu ích nguồn tích sản dồi dào của giới nghèo - đó là nhân công - và cung cấp dịch vụ an sinh xã hội cho họ. Giới nghèo phải được tham dự vào suốt tiến trình phát triển kinh tế. Cách hiệu quả nhất để thực hiện những mục tiêu này là gia tăng năng suất của nông thôn và nông nghiệp. [6]
Thật vậy, có nhiều kế hoạch để gia tăng năng xuất của nông thôn và nông nghiệp, như khuyến khích đầu tư với nguồn vốn của tư nhân và chính phủ vào nông thôn và nông nghiệp trong những lãnh vực như khảo cứu canh nông, phát triển thủy lợi, đường xá, điện nước, và viễn thông. Theo ước tính, nếu nhà nước dành 1% GDP vào các chương trình đầu tư công cộng, mức nghèo đói sẽ giảm bớt xuống 0.5%. Cuộc nghiên cứu này cũng cho thấy có sự chênh lệch giữa các vùng. Đầu tư của nhà nước đổ vào các tỉnh giàu nhiều hơn các vùng nghèo. Trong khi đó, đầu tư của nhà nước vào những vùng nghèo mang lại nhiều kết quả hơn gấp 2-3 lần. [7]
Đã từ lâu, nông dân biết rằng đa canh và luân canh là những cách để tránh rủi ro và tăng gia lợi tức của nông dân. Ngoài ra, phát triển những ngành chăn nuôi hải sản, đánh cá, tiểu công nghệ và công nghiệp nhẹ như biến chế nông phẩm và sản xuất đồ gỗ là những phương cách tạo nhiều việc làm ngoài lãnh vực nông nghiệp và gia tăng lợi tức cho những người ở nông thôn. Đây là sở trường của Việt Nam và là giải pháp trực tiếp chính để giải quyết nạn nghèo đói ở thôn quê. Hai thí dụ sau đây liên quan đến công nghiệp nhẹ là ngành sản xuất muối và đồ gỗ.
Việt Nam hiện nay sản xuất khoảng 1.5 triệu tấn muối hàng năm, trị giá khoảng US$60 triệu. Tuy nhiên số lượng này không đủ để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất cảng. Do đó Việt Nam có thể bành trướng ngành sản xuất muối. Một số quốc gia ở trong đất liền có nhu cầu nhập cảng muối. Hàng năm, Việt Nam xuất cảng khoảng 60.000-80.000 tấn muối sang Lào và Kampuchea. Miến Điện và Nhật Bản cũng là khách hàng của Việt Nam. [8]
Kỹ nghệ sản xuất đồ gỗ là một thành công nhanh chóng của Việt Nam. Chỉ sau vài năm khởi sự, Việt Nam đã xuất cảng được một số đồ gỗ trị giá khoảng US$400 triệu vào năm 2001, US$567 triệu vào năm 2003, và US$1.054 tỉ vào năm 2004. Bốn khách hàng chính của Việt Nam là Liên hiệp Âu châu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan. Hầu như gần hết những cơ xưởng sản xuất đồ gỗ tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Ðắc Lắc, Bình Dương, Đồng Nai, và Sài Gòn. Một vài trở ngại lớn của Việt Nam trong ngành sản xuất đồ gỗ là thiếu nguyên liệu, thợ chuyên môn và kỹ thuật. Việt Nam phải nhập cảng 80% vật liệu gỗ từ Lào, Kampuchea, Nam Dương, Mã Lai, Tân Tây Lan, Úc, và một số quốc gia xa xôi như Nga, Ukraine, Hoa Kỳ, Canada, và Nam Phi. [9]
Một lãnh vực khác là phát triển con người qua chương trình đầu tư vào ngành giáo dục và y tế tại nông thôn. Đây là những chương trình đầu tư dài hạn và rất có hiệu quả. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng trình độ học vấn của gia chủ có ảnh hưởng rất rõ rệt vào mức sống của gia đình. Tỷ lệ chủ gia đình thất học giảm từ 62.6% vào năm 1993 xuống còn 55% vào năm 1998 và 37.01% vào năm 2002. Trong khi đó mức nghèo của Việt Nam cũng giảm lần lượt trong ba năm kể trên từ 58.1%, 37.4%, xuống còn 28.9%. [10] Kể từ năm 1989, Việt Nam bắt buộc học sinh đóng học phí trong các trường công. Hiện nay, hệ thống giáo dục Việt Nam bị xếp vào một trong những hạng thấp kém nhất so với những nước khác trong vùng Á châu. Điều bất hạnh này sẽ có ảnh hưởng xấu lâu dài cho tương lai của Việt Nam, và sẽ tiếp tục làm cho Việt Nam thua kém các nước láng giềng.

Ở Việt Nam, tình trạng y tế của người nghèo có dấu hiệu đi xuống so với người giàu vì người nghèo ít có cơ hội được hưởng những dịch vụ y tế. Một phần vì tệ trạng tham nhũng tại các cơ sở y tế công cộng. Nhà nước thành lập Quỹ Y tế cho người nghèo ở cấp tỉnh vào năm 2002 để nhắm thay đổi tình trạng trên. Quỹ này bắt buộc mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo hoặc trả phí tổn trực tiếp cho các cơ sở y tế.
Phát triển khu vực tư cũng là một biện pháp chính yếu và hiệu quả để xóa đói giảm nghèo. Việt Nam tăng trưởng thụt lùi -3.7% vào năm 1980 nhưng nhảy vọt lên 5.1% vào năm sau nhờ kế hoạch khoán sản phẩm. Bị nạn đói đe dọa, nhà nước buộc phải theo sáng kiến của nông dân và phải công nhận vai trò sản xuất của gia đình nông dân với việc ban hành Chỉ thị Số 100/CT/TU vào tháng 1/1981 của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN. Đây là một quyết định quan trọng, đánh dấu một bước rẽ đầu tiên tách ra khỏi chính sách kinh tế chỉ huy cổ điển. [11] Vào năm 1986, với chính sách “Cởi trói” (Đổi mới), nhà nước chính thức công nhận một nền kinh tế nhiều khu vực bao gồm nhà nước, hợp tác xã, tư nhân và ngoại quốc. Hai năm sau, chế độ tập thể hóa nông nghiệp chính thức được chấm dứt. Chẳng bao lâu sau đó, Việt Nam xuất cảng gạo. Hơn ai hết, Việt Nam phải nhận thức được vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Kinh nghiệm ở những nước trong vùng Đông Á cho thấy những xí nghiệp tư nhân cỡ nhỏ và trung bình đã và đang đóng góp một phần lớn vào việc tạo công ăn việc làm.
Nhưng khu vực tư nhân, đặc biệt ở thành thị, chỉ thực sự phát triển sau cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu, tức là hơn một thập niên sau. Vào cuối năm 1999, Việt Nam ban hành Luật Doanh nghiệp. Luật này bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2000. Riêng trong 2 năm đầu 2000 2001, đã có 26,000 công ty nhỏ và trung bình ghi danh và sử dụng khoảng 500.000 công nhân. Khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh và đóng góp nhiều hơn vào tổng sản phẩm nội địa (GDP - gross domestic product).
3. Những nỗ lực nhằm bảo vệ cho quyền lợi của nông dân và người nghèo ở Việt Nam
Tổng số dân Việt Nam là 83 triệu, với lợi tức trung bình mỗi người là US$530 tính theo GDP vào năm 2004. [12] Nếu tính theo mại lực bình quân (purchasing Power parity), lợi tức đầu người là US$2,700. [13] Khoảng 75% số này ở nông thôn, tức là khoảng 62 triệu. Khoảng 40% số người ở nông thôn phải sống trong cảnh nghèo túng. Dù có gia nhập WTO hay không thì Việt Nam vẫn cần phải thi hành chính sách phát triển nâng đỡ người nghèo. Trong năm 2004, GDP của Việt Nam tăng 7.7%. Ngành công nghiệp tập trung tại thành thị tăng 16% so với nông nghiệp là 3.5%. Do đó, kinh tế phát triển không có nghĩa là đương nhiên có sự phát triển cân bằng, và không có nghĩa là đương nhiên đời sống của giới nghèo sẽ khá hơn một cách tương xứng.
Kinh nghiệm cho thấy ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước khác, trong 20 năm vừa qua, nhờ chính sách cởi trói, mở cửa buôn bán với thế giới, và gia tăng xuất cảng nông phẩm, khoáng sản và kim loại, số người nghèo đã giảm từ 70% vào năm 1986 xuống còn 29% vào năm 2002. [14] Con số mới nhất là 11% trong năm 2003. [15] Nhưng khoảng cách sai biệt giữa giai cấp giàu và nghèo trong xã hội mỗi ngày một gia tăng. Bởi vì những dự án phát triển và đầu tư tập trung vào các khu vực thành thị, trong khi đó đa số người nghèo sống ở nông thôn. Theo tiêu chuẩn mới áp dụng từ năm 2005, tỉ lệ nghèo ở thành thị trong năm 2005 là 8.4%, so với nông thôn là 23.2% và vùng núi là 45.9%. [16]
Những chi tiết của những cuộc đàm phán song phương và đa phương trong khuôn khổ WTO không được phổ biến. Nhưng qua những tin tức nhận được thì nhà nước cố gắng làm một số việc: (1) thương thuyết để xin kéo dài thời gian chuyển tiếp, hầu có thêm thì giờ để thực hiện những biện pháp cải tiến nông thôn và giúp đỡ nông dân đối phó với cạnh tranh của những nông phẩm nhập cảng; (2) duy trì một mức thuế nhập cảng tối thiểu hầu bảo vệ nông dân; (3) hướng dẫn nông dân chuyển qua những ngành sản xuất nông sản có ưu thế hơn hoặc công nghiệp nhẹ ở nông thôn; và (4) phát triển thị trường xuất cảng nông phẩm.
Kinh nghiệm của Kampuchea là một bài học cho Việt Nam. Là một nước chậm tiến gia nhập WTO, không kể 29 nước khác gồm cả Bangladesh và Miến Điện, tự động chuyển từ GATT (General Agreement on Tariffs and Trade) sang WTO vào năm 1995, Kampuchea đã không được tăng thuế nhập cảng nông phẩm lên quá 60% trong khi Liên hiệp Âu châu áp dụng thuế nhập cảng lên đến 262%, Hoa Kỳ 121% và Canada 120%. Cũng tương tự như Việt Nam, nông nghiệp nuôi sống 80% dân số của Kampuchea. Việc mở cửa thị trường nông phẩm quá sớm và hạ mức thuế nhập cảng quá nhiều sẽ có hại nhiều hơn là lợi so với số vốn đầu tư nước ngoài gia tăng. [17] Các chương trình an sinh xã hội có thể bị xáo trộn ít nhất trong ngắn hạn, nếu ngân sách của chính phủ thiếu hụt vì lợi tức từ thuế nhập cảng giảm đáng kể.
Với sự trợ giúp của những cơ quan viện trợ và tư vấn quốc tế, Việt Nam đã tổ chức những cuộc hội thảo, những cơ xưởng làm việc để trao đổi tin tức và ý kiến về việc gia nhập WTO, giữa các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân, các tổ chức dân sự của nhà nước ở trung ương và địa phương. Thêm vào đó, Việt Nam đặt kế hoạch về an sinh xã hội để bảo vệ giới nghèo trong trường hợp mức sống của họ bị đe dọa. Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng sự nghèo đói bị chi phối bởi những yếu tố liên quan đến kinh tế và xã hội như địa dư, sắc tộc và gia đình, v.v... Do đó đây là những lãnh vực ngoài phạm vi ngoại thương mà nhà nước cần có những chính sách thích hợp để giảm nghèo đói. [18]
Nhà nước có một số kế hoạch. Nhưng việc thực hiện tỏ ra rất chậm chạp. Việt Nam nộp đơn gia nhập WTO ngay từ năm 1995 khi cơ quan này thành lập. Nhưng mãi đến năm 2001 Đảng CSVN mới chính thức chấp thuận chính sách hội nhập vào nền kinh tế thế giới (Nghị Quyết 7 của Bộ Chính trị), và Việt Nam mới đệ trình WTO một chính sách đầu tiên về việc mua bán hàng hóa và dịch vụ. Vào năm 2002, Đảng CSVN mới ấn định thời gian gia nhập WTO vào tháng 1, 2005. [19] Thực tế cho thấy Việt Nam có rất ít hy vọng trở thành hội viên của WTO trong năm 2005, nhưng triển vọng cho năm 2006 sáng sủa hơn.
Kế hoạch cải tổ những doanh nghiệp nhà nước và khu vực dịch vụ rất cần thiết để gia tăng khả năng cạnh tranh, nhưng việc thực hiện tiến hành rất chậm và luôn luôn trễ hạn quá nhiều. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ở những ngành công nghệ dùng nhiều nhân công và nhằm vào thị trường xuất cảng như kỹ nghệ quần áo, giầy dép, v.v... Những công việc của những ngành này sẽ giúp giải quyết nạn nghèo đói ở nông thôn và thành thị.
Không những thế, việc cải tổ chậm trễ các doanh nghiệp nhà nước còn làm cản trở sự phát triển khu vực tư nhân vì nhà nước chủ trương dành tài nguyên quốc gia ưu tiên cho các doanh nghiệp này. Kinh nghiệm của các nước Đông Á cho thấy, những doanh nghiệp tư nhân nhỏ và trung bình là nguồn chính cung cấp việc làm cho thành thị cũng như nông thôn, nơi đa số dân nghèo sinh sống. Hy vọng rằng khi Luật Doanh nghiệp Thống nhất và Luật Đầu tư Thống nhất ra đời theo tiêu chuẩn của WTO, việc phân biệt đối xử giữa nhà nước và tư nhân, và giữa nội địa và nước ngoài, sẽ chấm dứt.
Trong dài hạn, việc gia nhập WTO sẽ giúp gia tăng công ăn việc làm ở Việt Nam và mức nghèo đói sẽ giảm. Nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp, Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn. Ngân hàng Thế giới tiên đoán rằng khoảng 400,000 (khoảng 25% của tổng số) công nhân sẽ mất việc làm tại các doanh nghiệp nhà nước do việc cải tổ [20]. Nhưng Việt Nam có thể giảm thiểu sự thiệt hại này bằng những kế hoạch an sinh xã hội, huấn luyện những người mất việc làm. Tuy nhiên, số việc làm ở Việt Nam sẽ tăng 4.7% sau khi cải tổ thuế nhập cảng theo WTO [21]. Các khu vực dịch vụ, thương mại, và nông nghiệp sẽ lần lượt đóng góp khoảng 50%, 20%, và 35% vào sự gia tăng số công ăn việc làm này.
Những ảnh hưởng tích cực của những cải tổ mậu dịch trong khuôn khổ AFTA, BTA, và WTO sẽ biến mất nếu Việt Nam không thi hành những biện pháp sâu rộng để sớm trở thành một nền kinh tế thị trường thật sự. Trong điều kiện như vậy mới có sự trao đổi tự do và nhanh chóng về hàng hóa và nhân công giữa các vùng thành thị phát triển với vùng nông thôn chậm tiến. Kết quả là sự cách biệt giàu nghèo giữa các vùng sẽ bớt đi.
Một cách giảm bớt mức nghèo đói hiệu quả ở nông thôn là đẩy mạnh các chương trình giáo dục và y tế tại đây. Đầu tư vào con người là một cách phát triển dài hạn. Về hai lãnh vực này, Việt Nam chưa đạt được những thành quả nào đáng kể, không những ở nông thôn mà ở ngay cả thành thị. Điều này gây nguy hại trực tiếp cho lớp người đang sống và vài thế hệ đang lớn lên ở Việt Nam. Một điều bất hạnh là những nguy hại này tác dụng vào trí óc và cơ thể của chúng ta, và sẽ tiếp tục ảnh hưởng vĩnh viễn vào tất cả những thế hệ mai sau.
Kế hoạch di dân nội địa có tổ chức là một cách hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo. Trong quá khứ, chính sách hộ khẩu có tác dụng kiểm soát và hạn chế di dân đã làm gia tăng nạn nghèo đói. Để làm cho tình trạng xấu trở nên tồi tệ hơn, nhà nước chủ trương độc quyền thu mua nông phẩm, cấm không cho hàng hóa di chuyển tự do. Chính sách này tiêu diệt sự phát triển và làm cho dân nghèo đói thêm. Từ ngày “Cởi trói” đến nay, chính sách hộ khẩu chấm dứt. Nhưng vì nhà nước không có một chính sách di dân có trật tự và hợp lý, những cuộc di dân lớn đã tạo gánh nặng cho khu vực thành thị. Kết quả là nạn nghèo đói tràn về thành thị, khiến nhà nước phải đặt ra những biện pháp mới để hạn chế.
Bốn bộ chịu trách nhiệm về việc di dân là Bộ Nông nghiệp và Xây dựng Nông thôn, Bộ Lao động, Bộ Công an và Bộ Xây dựng. Bộ Nông nghiệp và Xây dựng Nông thôn phụ trách về phát triển các Khu Kinh tế Mới. Bộ Lao động phụ trách việc làm và huấn luyện. Bộ Công an phụ trách về đăng ký gia đình. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về việc thiết kế nông thôn và thành thị. Đấy là trên lý thuyết. Về mặt thực tế, không có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng và không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ.
Chính sách hộ khẩu cáo chung từ ngày “Cởi trói”, nhưng chính sách thu mua của nhà nước chưa chấm dứt mà chỉ giảm bớt. Việc thu mua của nhà nước xuống tới cấp quận huyện. Từ quận huyện xuống tới xóm làng do trung gian tư nhân khai thác. Nông dân vẫn là nạn nhân của nạn dìm giá. Do ảnh hưởng của WTO, BTA, và AFTA, hy vọng rằng tình trạng áp bức nông dân này sẽ bớt đi.
Hiện nay, nhờ sự trợ giúp của các cơ quan quốc tế, Việt Nam đã có những chương trình giúp đỡ người nghèo như Chương trình Xóa Đói Giảm Nghèo (The Special Program for Hunger Eradication and Poverty Reduction), Chương trình Đầu tư Làng Xã 135 (Program 135 for Commune-Level Investments), và những chương trình đặc biệt dành cho đồng bào thiểu số. Một bất hạnh là mức nghèo của hầu hết các nhóm thiểu số đã cao, còn tiếp tục tăng. Phần lớn quỹ dành cho đồng bào thiểu số lại rơi vào tay người Kinh ở chung trong vùng thiểu số. Cách mưu sinh của hai sắc dân Kinh và Thượng khác nhau. Do đó, kế hoạch trợ giúp đồng bào thiểu số sẽ không có hiệu quả nhiều nếu nhà nước không cứu xét về sự khác biệt này.
Chương trình 135 được bắt đầu thi hành từ năm 1998, chú trọng đặc biệt đến việc giúp đỡ những dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở như dẫn thủy, trường học, và xây cất những trung tâm làng xã ở những nơi nghèo, đặc biệt tại những vùng núi xa xôi hẻo lánh. Trên thực tế chương trình này đã bị lạm dụng. Phần lớn số tiền của quỹ này dùng vào sản xuất canh nông và chỉ một phần nhỏ được chi tiêu vào những dự án khác [22].
Những người trong Chương trình Xóa Đói Giảm Nghèo thành lập vào năm 1998 được cấp chứng chỉ nghèo và thẻ bảo hiểm sức khỏe, để không phải trả chi phí bệnh viện. Ngoài ra họ còn được vay tiền bao cấp tại Ngân hàng Chính sách Xã hội và con cái của họ không phải trả học phí hay chỉ trả một phần.
Những chương trình an sinh kể trên phải được cải thiện và tăng cường mới mong trợ giúp nông dân và giới nghèo một cách hiệu quả hơn, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam chuyển tiếp hội nhập vào thị trường thế giới. Ngân sách quốc gia thiếu hụt và các tệ nạn tham nhũng, lạm dụng quyền thế, và quan liêu là những trở ngại lớn cho việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
4. Kết luận
Dân nghèo ở nông thôn, và cả ở thành thị, là lớp người sau cùng trong xã hội được hưởng ít nhất những lợi ích của sự phát triển kinh tế, nhưng lại là lớp người đầu tiên bị thiệt thòi nhiều nhất khi có những cuộc khủng hoảng, vì họ không có khả năng tiết kiệm hầu có số vốn phòng thân khi trái gió trở trời. Trong giai đoạn chuyển tiếp hội nhập vào nền kinh tế thị trường thế giới qua WTO, lớp dân nghèo ở nông thôn và thành thị sẽ một lần nữa bị đặt vào một hoàn cảnh khiến đời sống của họ đã vất vả lại có thể khốn đốn thêm.
Rất không may là nhà nước CSVN đã bàn cãi rất nhiều trong 3 năm qua, nhưng xem ra không chuẩn bị kịp, và không đủ khả năng về ngân sách và nhân lực để đối phó với trận cuồng phong WTO sắp ào tới, một biến cố quá lớn đối với giới cầm quyền Hà Nội, một phần vì kinh nghiệm về kinh tế thị trường và WTO của họ rất giới hạn. Lớp nông dân và dân nghèo nói chung một lần nữa lại bị phó mặc cho rủi ro như trong thời kỳ 1975-1990. Trong giai đoạn đặc biệt khẩn trương này, dân nghèo cần được bảo vệ, nhưng mỉa mai thay “xã hội chủ nghĩa” chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch của một dĩ vãng tang thương và không có một ý nghĩa gì ngay cả cho những dân nghèo hiện nay.
Phát triển nông thôn không những để xóa đói giảm nghèo mà còn giúp cho ngành công nghệ của Việt Nam phát triển. Nông thôn là một thị trường tiêu thụ nội địa khổng lồ với 75% dân số cho các sản phẩm công nghệ sản xuất trong nước.
Gia nhập WTO mang lại nhiều ích lợi cho Việt Nam như mở rộng thị trường xuất cảng, thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài, được luật lệ WTO bảo vệ, và cơ hội cải tổ kinh tế nội địa. Nhưng đồng thời Việt Nam sẽ phải đối phó với nhiều thử thách như cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, hàng hóa Việt Nam không được bảo vệ như trước, hàng nhập cảng sẽ xâm nhập thị trường nội địa nhiều hơn, khu vực dịch vụ và canh nông sẽ mở rộng hơn cho đầu tư nước ngoài, v.v... WTO chỉ là công cụ không hoàn hảo. Nó xấu hay tốt tùy thuộc phần lớn vào người sử dụng. Vai trò của nhà nước sẽ định đoạt lời lỗ tổng kết của cuộc hội nhập này.
Chú thích:

[1] Khai Q. Nguyen, “Vietnam - Global integration and Economic Development”, Paper presented at the Vietnam Update 2004 Conference in Singapore, November 25-26, 2004.
[2] Le Van Lai and Phi Van Ky, "Challenge to the Vietnamese Agriculture", People's Army of Vietnam newspaper, 2001.
[3] Ministry of Agriculture and Rural Development, “Vietnam’s Agriculture: A Strategy Toward WTO,” Paper presented at the Forum on Vietnam’s Accession to the WTO, Hanoi: May 3rd 2003.
[4] The Laborer, “Mức chênh lệch giàu nghèo ở Việt-Nam là 12.5 lần” (the Rich-Poor Gap in Vietnam is 12.5), reported by the News Forum on 1.5.2003.
[5] Peter S. Goodman, “Rural Poor Aren’t Sharing in Spoils of China’s Changes,” Washington Post, July 12, 2005.
[6] C. Peter Timmer, “Agriculture and Economic Growth in Vietnam,” Research in Domestic and International Agribusiness Management, Volume 12, JAI Press: 1996, 161-203.
[7] Rainer Klump and Thomas Bonschab, “Operationalising Pro-Poor Growth, A Country Case Study on Vietnam,” AFD, BMZ, DFID, and the World Bank, October 2004.
[8] Vietnam News Brief, “Vietnam To Promote Salt Exports to Japan, ASEAN,” November 13, 2003.
[9] Vietnam Brief Review, “Vietnam’s Wood Exports Surpassed US$1 Billion in 2004,” January 14, 2005.
[10] Rainer Klump and Thomas Bonschab, “Operationalising Pro-Poor Growth, A Country Case Study on Vietnam,” AFD, BMZ, DFID, and the World Bank, October 2004.
[11] Vo Nhan Tri, “Vietnam’s Economic Policy Since 1975,” Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1990.
[12] IMF, “Vietnam: 2004 Article IV Consultation - Staff Report,” IMF Country Report No. 05/148, May 2005.
[13] Central Intelligence Agency, “The World Fact Book,” www.odci.gov, July 28. 2005.
[14] Khai Q. Nguyen, “Towards a Sustainable Rural Development Policy For Vietnam”, Harvard Asia Quarterly, Fall 2003, Vol. Vii, No. 4. and IMF, “Vietnam 2003 Aticle IV Consultation - Staff Report,” Washington, DC August 28, 2003.
[15] Vietnam News Briefs, “Vietnam To Raise Poverty Line,” September 13, 2004.
[16] Vietnam News Briefs, “Vietnam To Raise Poverty Line,” September 13, 2004. Theo đó mức nghèo ở thành thị là 211,000VNĐ/người/tháng (US$134.4) và ở nông thôn là 183,000 VNĐ (US$116.6).
[17] Alan Boyd, “The Heavy Price of the WTO Membership,” Asia Times, September 30, 2003.
[18] John Thoburn, Richard Jones, “Globalization and Poverty in Vietnam,” The UK Department for International Development (DfID), Globalization and Poverty Research Program, October 30, 2002.
[19] Khai Q. Nguyen, “Vietnam’s WTO Accession,” in the forthcoming book "Vietnam: Development Futures and Globalization,” The Edwin Mellen Press, New York: 2006.
[20] Patrick Belser and Martin Rama, "State Ownership and Labor Redundancy." World Bank, Washington DC, May 2001.
[21] World Bank, “Vietnam Development Report 2002”, Washington, DC December 4, 2001.
[22] Rainer Klump and Thomas Bonschab, “Operationalising Pro-Poor Growth, A Country Case Study on Vietnam,” AFD, BMZ, DFID, and the World Bank, October 2004.

7/8/2005
Nguyễn Quốc Khải
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình Tôi đọc tập thơ Nhớ sông của Huỳnh Văn Quốc lần thứ nhất ở nơi l...