Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Liệu thế giới này rồi sẽ thành Tàu cảXXX

Liệu thế giới này
rồi sẽ thành Tàu cả?

Lần đầu tiên một xã hội kỹ nghệ đã phát triển đến mức làm phương Tây phải lo sợ cho vai trò bá chủ về kinh tế và văn hóa của mình.
Thật là chuyện mà toàn thế giới chưa từng chứng kiến! Lenovo mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM. Một xí nghiệp Trung Quốc - trước đây không lâu chẳng ai thèm biết đến tên tuổi - đã nuốt chửng một phần của cơ sở kỹ nghệ khổng lồ phương Tây. Ta thử mường tượng như thể Mercedes-Benz đem bán phắt ngạch chế tạo động cơ của họ cho một doanh nghiệp Trung Quốc và chỉ còn chú tâm đến phần tạo mẫu dáng và khâu phân phối. Biết đâu chẳng bao lâu nữa, chuyện đó cũng sẽ thành sự thật.
Yang Yuan Qing, một người đàn ông thon thả, đã đưa ra một viễn tượng mới cho nền kinh tế thế giới: hình ảnh Trung Quốc như một quốc gia công nghệ cao. Từ hơn 10 năm nay, người đàn ông 40 tuổi này đã đứng đầu tập đoàn Lenovo, biến một cơ sở kinh doanh nhỏ trở thành một tập đoàn sản xuất máy tính đồ sộ bậc nhất châu Á. Từ khi Levono mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM với giá 1,25 tỉ đô-la vào tháng 5, tập đoàn này đã vọt lên vị trí thứ 3 trên thế giới, sau hai cơ sở đầu ngành là Dell và Hewlett-Packard. “Lenovo không còn là một doanh nghiệp thuần túy Trung Quốc nữa, mà đã trở thành một công ty đa quốc gia”, ông Yang hãnh diện phát biểu khi lần đầu tiên tiếp một ký giả tại văn phòng làm việc của mình tại Bắc Kinh.
Yang mặc sơ-mi xám, cổ đeo tòn teng thẻ nhân viên công ty. Nhìn xuyên qua cửa sổ văn phòng là một Bắc Kinh cũ kỹ với những căn nhà bằng đá và gỗ tồi tàn từ thời Mao. Yang đã vượt thoát được quá khứ, một con người cuồng nhiệt về tổ chức và kỹ thuật, chẳng bao giờ chịu chấp nhận bị hạn chế bởi bất cứ một ranh giới nào. Ông ta không thích bàn đến chuyện đạo đức: “Trong công ty, người ta chỉ nói đến chuyện làm ăn”. Cho dù các nhà chính trị ở Bắc Kinh, Hoa Thịnh Đốn và Brussel đang nỗ lực tìm các quy định thương mại cho ngành may mặc đến đâu đi nữa thì đối với ông ta, Trung Quốc đã không còn là đất nước của tơ lụa, mà đã trở thành một phương Đông hoang dã của thế kỷ 21, một đất nước của những khả năng vô giới hạn. “Mẫu mã và chất lượng sản phẩm của chúng tôi đã thuộc đẳng cấp thế giới”, ông Yang nhận định về vị thế của Lenovo. “Tương lai sẽ phụ thuộc vào canh tân. Canh tân có thể sẽ tốn kém hoặc có hiệu quả. Chúng tôi sẽ canh tân có hiệu quả“.
Giai đoạn đổi mới gần đây nhất của Trung Quốc là giai đoạn của những người như Yang: Dưới sự bao che của cán bộ cộng sản các cấp, những nhà quản lý, doanh nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, nghệ sĩ và các nhà tạo mẫu đã thay đổi đất nước. Họ đã làm cho Trung Quốc không còn là một tổ hợp công cụ sản xuất cho thế giới, được quản lý bởi một liên minh bóc lột thành hình từ tư bản phương Tây và cộng sản phương Đông, như nhiều người ở phương Tây xa xôi vẫn thường hình dung.
Trong thực tế, Trung Quốc đang trải qua một cuộc đổi mới trên nhiều bình diện. Nếu quan sát kỹ, sẽ không chỉ thấy lương lậu rẻ mạt mà còn thấy những khái niệm hiệu quả mới, khác xa loại hiệu quả ngắn hạn của giá trị cổ phần. Đây không chỉ là một thị trường cực kì năng động, mà cũng còn là một hệ thống giá trị truyền thống với những quan niệm riêng của nó về quan hệ nhân bản và giáo dục. Như thế là chủ nghĩa tư bản và Khổng giáo đã tỏ ra tương thích. Lần đầu tiên trong lịch sử, một xã hội kỹ nghệ khổng lồ đã tự hình thành và có thể cạnh tranh với phương Tây, đặc biệt với Hoa Kỳ, kể cả về mặt văn hoá. Hiện nay hầu như không có một liên hoan phim quốc tế nào mà phim của Trung Quốc không đoạt giải thưởng.
„Chúng tôi là những mẫu người mới. Chúng tôi là tương lai“, Giám đốc Yang của Lenovo đã quảng cáo tại Đức cho máy tính IBM mới của Trung Quốc như thế. Câu quảng cáo này rõ ràng hàm chứa một cốt lõi của sự thật. Phương Tây sẽ lâm nguy nếu vẫn khư khư với hình ảnh cũ về một Trung Quốc cộng sản dễ lường trước, thay vì phải sửa soạn để thích nghi với tiến trình Hán hoá.
Chắc chắn trong tương lai, Trung Hoa vẫn sẽ tràn vào thị trường phương Tây qua các sản phẩm rẻ tiền. Nhưng không phải chỉ có thế! Trước kia thì nước giàu sản xuất những loại hàng công nghệ cao, cần đầu tư mạnh về nghiên cứu, còn nước nghèo thì chăm chú làm các mặt hàng đại trà cần nhiều sức lao động. Nhưng nay lần đầu tiên, sự phân bố lao động toàn cầu bị đặt lại. „Đặc điểm của Trung Quốc là: từ một nước khổng lồ nghèo nàn bỗng trở thành một quốc gia có thể cạnh tranh cả về nhân công rẻ lẫn các lãnh vực công nghệ cao“, kinh tế gia Richard Freeman, xuất thân từ Harvard, phát biểu.
Ông John Stolte ở Villingen-Schwenningen, một thành phố nhỏ ven Rừng Đen (Schwarzwald) cũng cảm thấy điều ấy. Ông là kỹ sư gốc Hà Lan đang điều hành bộ phận phát triển công nghệ tại Đức của hãng sản xuất máy truyền hình lớn nhất thế giới TCL của Trung Quốc. Năm vừa qua, TCL đã mua lại ngạch sản xuất máy truyền hình của đại công ty Thompson của Pháp để leo lên hàng số một trên thị trường thế giới và nhân đó đã mua luôn bộ phận nghiên cứu và phát triển tại Villingen-Schwenningen ở Đức. Chẳng phải cả đôi bên đều lấy làm mừng, vì 50 trong số 150 chuyên viên Đức có trình độ cao đã buộc phải từ giã xí nghiệp bởi những công việc đó giải quyết tại Trung Quốc sẽ rẻ hơn. Ông Stolte được phép ở lại và phải tập làm quen với việc cộng tác với một giám đốc ngang quyền tên là Forest Luo thuộc trung tâm nghiên cứu truyền hình ở Thâm Quyến, nam Trung Quốc. Hàng ngày Stolte viết email cho Luo và những bức điện thư này sẽ hiện lên màn hình của Luo tại trụ sở chính mới toanh của TCL ở Thâm Quyến.
Luo đọc – và không hiếm khi bực mình. „Ở Trung Quốc, ai có sáng kiến là họ muốn thực hiện ngay. Người châu Âu lại cứ phải chờ nghiên cứu trước đã“, nhà nghiên cứu trẻ tuổi của TCL trong bộ com-lê sọc thở dài. Ai chứ ông ta thì được phép tuyên bố những câu đại loại như vậy. Trong lúc TCL cắt giảm chỗ làm ở các phòng nghiên cứu tốn kém tại Đức và Mỹ sau khi mua lại Thompson, công ty lại tăng số lượng chuyên viên nghiên cứu tại Thâm Quyến, từ 400 lên đến 600 người. Toàn bộ số kỹ sư và kỹ thuật viên này đều nói trôi chảy tiếng Anh. „Rất nhiều thứ ở Thâm Quyến thuận tiện và rẻ hơn: một phần lớn của việc thiết kế mẫu mã, thử nghiệm thành phẩm và kiểm tra chất lượng“, giám đốc Luo tuyên bố. Quanh văn phòng của ông trong cao ốc của TCL còn rất nhiều phòng trống vì đã được dự tính cho hàng trăm nhân viên mới.
Cơ sở sản xuất máy tính Lenovo đã dời trụ sở chính sang New York và cũng đang - như TCL - tìm cách khắc phục những vấn đề hội nhập của một đại công ty liên kết. Thật ra Lenovo và TCL chỉ là một khởi đầu không hơn không kém. „Mọi nhà quản trị Trung Quốc đều biết rằng, ngày nay không còn những cơ sở đầu ngành của riêng từng quốc gia nữa. Mọi người đều hướng theo đối thủ cạnh tranh ở phương Tây“, giáo sư Zhang Wie Ying thuộc khoa quản trị Quang Hoa của đại học Bắc Kinh đã tuyên bố như thế. Ông Zhang nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không muốn phát minh ra thế giới mới và sinh viên của ông cũng không quan tâm đến chính trị. Ông nói: „Sứ mạng của chúng tôi là khả năng cạnh tranh quốc tế“.
Nhiều năm trời, sự bùng nổ phát triển của Trung Quốc đã nâng đỡ cho các ngành kinh tế trên mọi châu lục. Nguời Hoa đã nhập khẩu dầu hoả, sắt thép và đậu nành, còn thế giới thì sản xuất và ăn lãi. Ông T. J. Bond, nhà phân tích tình hình Trung Quốc của ngân hàng đầu tư Merrill Lynch đã cảnh báo: „Sắp tới, sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bớt dễ chịu hơn cho nước ngoài“. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ nhập khẩu ít hơn mức chờ đợi, sự bùng nổ về đầu tư sẽ giảm đi, các doanh nhân Trung Quốc sẽ càng tập trung nhiều vào thị trường thế giới và tận dụng đồng Nhân dân tệ luôn bị đánh giá thấp.
Thế là bỗng nhiên Trung Quốc xuất hiện như một đối thủ cạnh tranh trên những địa bàn kinh doanh vốn là sở trường của các doanh nghiệp phương Tây. Nhà cung cấp phụ tùng ô tô Đức ZF ở Friedrichshafen mới đây cảm thấy bị buộc phải đầu tư vào Trung Quốc để không bị những đối thủ Tầu qua mặt mình nơi khách hàng chính là hãng xe Volkswagen – dĩ nhiên là qua mặt trước tiên ở Viễn đông và sau đó sẽ ở mọi nơi khác. ZF tuyển kỹ sư Trung Quốc thành thạo tiếng Đức với mức lương thấp – và trong tương lai có lẽ sẽ sản xuất được nhiều mặt hàng ở Trung Quốc rẻ hơn tại Đức. Trong nhiều xí nghiệp của ZF, cạnh những cỗ máy công cụ Đức đã có những thiết bị của Trung Quốc đủ sức cho ra lò những phụ tùng ô tô y như của Đức. Một đối thủ cạnh tranh mới cho các nhà sản xuất máy công nghiệp của Đức.
Tình trạng này cũng đe doạ các nhà sản xuất xe hơi phương Tây từng thu những lợi nhuận kếch sù qua các liên doanh Đức-Trung. Nhưng về lâu dài, những đầu tư bạc tỉ của VW, BMW và Daimler Chrysler có thể sẽ đều thành gậy ông đập lưng ông cả. Người Đức đang vỗ béo những đối thủ cạnh tranh tương lai của họ, tức các đối tác liên doanh hiện tại. Mới đây Liên doanh kỹ nghệ xe hơi Thượng Hải SAIC đã tuyên bố sẽ tự lực sản xuất xe hơi từ năm 2007. Công ty này – một cơ sở đã hợp tác với Volkswagen từ 20 năm nay - sẽ tung mẫu mới ra thị trường để cạnh tranh trực tiếp với người Đức, điều mà các doanh nhân ở Wolfsburg (Volkswagen) cho đến nay đã luôn muốn ngăn cản.
Nhưng cản bằng cách nào đây? Luật pháp của Trung Quốc bắt buộc các nhà sản xuất xe ngoại quốc phải liên doanh với các doanh nghiệp bản địa. Mọi người đều biết, điều gì sẽ xảy ra khi công nghệ phương Tây du nhập vào Trung Quốc bằng con đường đó và lực lượng chuyên môn người Hoa sẽ được đào tạo hàng loạt - nhất là khi đại xí nghiệp quốc doanh SAIC lại từng được bình chọn là đầu tầu trong ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc với tham vọng toàn cầu. Hiện nay SAIC đã mua lại SangYong, nhà sản xuất xe hơi lớn thứ tư của Nam Hàn, và mua đứt bản quyền xe Rover 75 và Rover 25 của hãng MG Rover đang nợ đầm đìa ở Anh. Volkswagen phải phản ứng bằng cách tuyển chuyên viên nghiên cứu và quản lý người Hoa vào làm, với phương châm: „Dùng người Hoa trong mọi lãnh vực“.
Tình hình đó, với Đức nói chung, là khá đáng lo ngại. Từ 1995 đến nay, giá trị tổng sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc so với thế giới đã tăng từ 5% lên 12%. Tỉ lệ này của Đức vẫn nằm ở mức 8%.
Một hiệu ứng gậy ông đập lưng ông khác đang đe doạ Daimler Chrysler. Lý do là nhà máy sản xuất xe hơi Mercedes được xây dựng tại Bắc Kinh nhắm vào thời bùng nổ phát triển, mà thị trường xe hơi tại Trung Quốc hiện nay chỉ còn tăng 15% hàng năm thay vì 75% như trước đây, vì thế chẳng bao lâu nữa sẽ có thể dẫn đến tình trạng sản xuất dư thừa. Thế là Daimler Chrysler tuyên bố ngay rằng trong tương lai cũng sẽ xuất khẩu xe limousine sản xuất tại Trung Quốc. Nói cách khác: Thế là Daimler Chrysler đã chấp nhận cạnh tranh trong nội bộ hãng trên cơ sở lợi thế địa bàn: Daimler Chrysler ở Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh của Daimler Chrysler tại Đức. Đây chính là điểm mà cho đến nay, giới lãnh đạo tập đoàn này luôn cố tránh. Giờ đây họ cũng không còn cách nào khác.
Theo dự đoán, vào năm 2010 Trung Quốc sẽ sản xuất 20% xe hơi nhiều hơn nhu cầu trong nước. Volkswagen thì đã xây riêng một trung tâm nghiên cứu tại Bắc Kinh và chẳng bao lâu nữa, những kỹ sư và chuyên viên thiết kế mẫu mã người Hoa sẽ đóng vai chủ chốt tại đó. Rồi điều gì sẽ xẩy ra, một khi trong tương lai những sáng kiến tốt hơn lại được đẻ ra từ Bắc Kinh? Hiện nay, chi nhánh nghiên cứu tại Bắc Kinh của tập đoàn sản xuất phần mềm khổng lồ Microsoft của Hoa Kỳ đã được xem là chi nhánh hoạt động có hiệu quả nhất trên thế giới.
Chủ tịch hội đồng quản trị Heinrich von Pierer của công ty Siemens đã giải thích đúng rằng, hễ cứ tạo được 4 chỗ lao động mới trong một liên doanh với Trung Quốc, thì sẽ bảo đảm được một chỗ làm tại Đức. Hiện nay các hoạt động kinh tế của Trung Quốc, xét theo hạch toán cuối cùng, còn tạo được công ăn việc làm chứ chưa gây thất nghiệp tại Đức. Nhưng câu hỏi đặt ra là tình hình liệu có còn như thế được không, nếu đến năm 2020 số kỹ sư tại Trung Quốc sẽ tăng gấp 3, theo dự tính của Viện Hàn lâm Kinh tế Bắc Kinh? Hiện tại, Trung Quốc đã có số lượng sinh viên đông nhất thế giới và số lượng nhà nghiên cứu đứng thứ nhì toàn cầu.
Thế lực mới của Trung Quốc hiện diện khắp mọi nơi. Những thoả thuận về tiền tệ tại các nước G-7 còn nghĩa lý gì, khi vấn đề lớn nhất vẫn là việc đồng Nhân dân tệ tiếp tục bị kìm tỷ giá? Gây áp lực với Bắc Kinh hoàn toàn không phải là điều đơn giản, vì việc Trung Quốc mua ngoại tệ ở quy mô lớn đã góp phần cơ bản vào việc thanh toán thâm hụt ngân sách quốc gia Hoa Kỳ. Nouriel Roubini, giáo sư tại Stern School of Business, Đại học New York đã phải thốt lên: „Trung Quốc bây giờ lại dám xấc xược tố cáo Hoa Kỳ chính là nguyên nhân gây ra sự mất cân đối trong cán cân kinh tế toàn cầu“. „Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, hiện nay Trung Quốc đã quan trọng hơn Hoa Kỳ“. Nhà nghiên cứu này không chỉ nghĩ đến các nước Đông Nam Á hay Úc, mà còn muốn nói đến những quốc gia châu Mỹ La Tinh đã được chính phủ Trung Quốc hứa sẽ đầu tư trên 100 tỉ đô-la trong vòng 10 năm tới, chẳng hạn để xây dựng những tuyến đường tầu hoả mới ở Brasil. Những tuyến đường sắt ấy sẽ giúp cho việc khai thác nguồn nguyên liệu của châu Mỹ La Tinh, là những thứ mà Trung Quốc đang rất cần.
Năng lượng và nguyên liệu là những thí dụ điển hình về sự đảo lộn trật tự kinh tế toàn cầu dưới áp lực tăng trưởng của Trung Quốc. Một bộ phận ngày càng gia tăng trong dân số 1,3 tỉ của Trung Quốc muốn gia nhập vào đội ngũ những người tiêu thụ xăng. Hiện nay Trung Quốc đã chịu nửa phần trách nhiệm trong việc tiêu thụ dầu hoả tăng vọt trên toàn thế giới. Riêng Tổng công ty dầu hoả Trung Quốc Petrochina đã đầu tư 5 tỉ đô-la ở nước ngoài, gần một nửa trong số đó đã đổ vào Sudan, một quốc gia có nền chính trị thiếu ổn định. Hầu như mỗi vụ đầu tư mới về năng lượng của Trung Quốc đều đi kèm theo một động thái chính trị: chẳng hạn việc Trung Quốc dùng quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để ủng hộ Sudan [1] , hay vụ tranh chấp với Nhật Bản về đường ống dẫn dầu của Nga và về các điểm khoan khí đốt ở khu vực biển Đông Trung Quốc, hoặc vụ giằng co với Ấn Độ trong việc Trung Quốc tài trợ nâng cấp các cảng ở Pakistan. Không một quốc gia nào còn tự nguyện thừa nhận những yêu sách của Trung Quốc nữa. Nhất là Hoa Kỳ. Bộ trưởng quốc phòng Ronald Rumsfeld đã công khai chỉ trích Trung Quốc về việc „liên tục và ngày càng tăng cường mua vũ khí“. Ngược lại, Bắc Kinh dẫn chứng rằng Hoa Kỳ đã chi cho quân sự nhiều hơn Trung Quốc 10 đến 20 lần và mỗi người dân Hoa Kỳ trung bình tiêu thụ năng lượng gấp 8 lần người Trung Quốc. Quả là bây giờ chẳng ai ở Bắc Kinh chịu nhường nhịn nữa.
Hiện nay nền kinh tế quốc dân Trung Hoa đã đứng hàng thứ 6 trên thế giới – và về thương mại, quốc gia này đang đứng hàng thứ 3. Chỉ trong vòng 4 năm kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng doanh số thương mại đã tăng gấp đôi, từ 510 tỉ lên 1100 tỉ đô-la. Zhou Qiren của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Bắc Kinh đã tuyên bố: „Ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới tăng lên từng ngày, vì trong kinh tế thị trường không có đường một chiều“. Tuy Liên minh châu Âu (EU) vừa sử dụng quyền được WTO bảo đảm để lập hàng rào thuế quan với các mặt hàng vải sợ rẻ tiền của Trung Quốc, nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện đến năm 2008. Sau đó sẽ là mậu dịch tự do.
Vào tháng 12 năm ngoái, Uỷ ban tình báo quốc gia Hoa kỳ (NIC) trực thuộc CIA và tổng thống Mỹ đã lên tiếng lưu ý khi so sánh sự cất cánh của Trung Quốc với sự bùng phát của Hoa Kỳ ở thế kỷ 20 và cảnh báo trước những „hậu quả rất có khả năng nghiêm trọng tương tự“. Cho đến nay, các nhà sử học thường chỉ so sánh Trung Quốc với những quốc gia phát triển muộn của thế kỷ 20 là Đức và Nhật Bản. Nay thì Trung Quốc đã xuất hiện dưới ánh sáng khác. Khác Nhật ngày xưa, thị trường khổng lồ của Trung Quốc ngày nay hoàn toàn mở cửa - đương nhiên trong chừng mực còn nằm trong ý muốn của giới cầm quyền. Bởi thế, một „Liên minh bài Hoa“ khó có thể xuất hiện. NIC nhận thấy „sự bành trướng nhanh chóng về thế lực chính trị và kinh tế của Trung Quốc bắt rễ từ sức mạnh tổng hợp của tốc độ tăng trưởng cao, những khả năng quân sự ngày càng lớn mạnh, chính sách khuyến khích phát triển các công nghệ hiện đại, và một dân số khổng lồ“. Theo NIC, chỉ có một „sự đảo ngược hẳn quá trình toàn cầu hoá hoặc một cuộc nổi dậy mạnh mẽ“, mới có khả năng ngăn cản được đà tiến của Trung Quốc.
Nhưng tình hình sẽ ra sao, nếu một biến cố như thế - tuy trái với mong đợi – xảy ra? Thực tế thì nguy cơ của một khủng hoảng kinh tế lớn tại Trung Quốc ngày càng có khả năng trở thành hiện thực. Trong một quốc gia độc đảng xơ cứng thì bản chất của hệ thống ắt dẫn đến sự gia tăng của tệ nạn tham nhũng và những căng thẳng xã hội. Kinh tế đã phát triển trên lưng của môi trường vì ba phần tư nhu cầu năng lượng của Trung Quốc dựa vào than đá. Sự phát triển đô thị không kiềm chế và quá nhanh đã gây khan hiếm nước trên tòan lãnh thổ. Giàu và nghèo đã cách xa nhau hàng vạn dặm. Từ nhiều năm nay, mỗi năm có hàng trăm ngàn vụ đình công và chống đối quy mô nhỏ của những người cảm thấy bị thiệt thòi qua chính sách cải cách. Tình thế sẽ ra sao, khi các doanh nghiệp Trung Quốc bỗng buộc phải nhận ra rằng, trong cơn bùng nổ phát triển tưởng như vô tận ấy, sản xuất đã vượt quá xa khả năng tiêu thụ? Sẽ ra sao, khi các doanh nghiệp bỗng buộc phải sa thải, thay vì liên tục tuyển thêm nhân công?
Trong mười năm vừa qua, cùng với việc kết liễu nền kinh tế quy hoạch, chính phủ Trung Quốc cũng đã triệt tiêu mạng lưới xã hội vốn gắn liền với nền kinh tế ấy. Việc xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội theo luật pháp mới vừa manh nha. Ngày nay ở Trung Quốc, ai thất nghiệp là dễ rơi ngay vào tình trạng không còn khả năng tồn tại. Điều gì sẽ xảy ra, nếu hàng triệu người đùng một cái cùng rơi vào số phận này? Sẽ nổ ra một cuộc nổi dậy lan rộng trên toàn quốc, như một số nhà quan sát phương Tây phỏng đoán chăng?
Chắc là không! Khả năng hiện thực hơn có thể là, một lần nữa người Hoa sẽ lại tuân theo số mệnh. Kiên trì, nhẫn nại và chăm chỉ đã từ lâu là những đức hạnh của dân tộc này mà trước đó không lâu dưới thời Mao Trạch Đông đã phải trải qua những nạn đói khủng khiếp, và so với chúng thì tác hại của mọi cơn khủng hoảng hiện nay chẳng thấm vào đâu.
Mà đa số người Trung Quốc đều đồng tình với Đảng Cộng sản, chính vì trong những năm qua Đảng đã ngăn ngừa được những thảm hoạ kiểu thời Mao. Hệ thống này thật không dễ sụp đổ! Kế tiếp những cải cách thị trường bắt nguồn từ thời Đặng Tiểu Bình, nhà nước cộng sản này đã chứng tỏ được mình là „người môi giới và trung gian cho công cuộc toàn cầu hoá“. Đó là lập luận của Zhang Yonglin, Giám đốc Khoa nghiên cứu châu Á, trường Đại học Auckland Tân Tây Lan. Ở điểm này, ông đặc biệt lưu ý đến việc Trung Quốc cấm xuất vốn ra nước ngoài và những biện pháp khác nhằm vô hiệu hóa những ảnh hưởng bất thường của các đại công ty tài chính và công nghiệp quốc tế đối với Trung Quốc.
Các triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc lại càng hoành tráng, nhìn từ khía cạnh liên quan đến dân số khổng lồ. Kể từ năm 1980, 400 triệu người Hoa đã thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực. Ngày nay còn 80 triệu người sống dưới mức 1 đô-la/ngày. 260 triệu người có sở hữu tài sản gia đình trên 20.000 đô-la, họ là thành viên của một giai cấp trung lưu mới và đang phát triển nhanh chóng.

60% người Hoa, 800 triệu, hiện còn sinh sống ở nông thôn, 10 triệu trong số đó hàng năm đổ về thành thị - điều này sẽ là nền tảng cho sự phát triển lâu dài ở Trung Quốc, bởi vì „đô thị hoá sẽ đẻ ra nhu cầu“, như nhà kinh tế Thượng Hải Yin Xingmin đã tiên liệu.
Đó chính là điều mới mẻ của sự hiện đại hoá Trung Quốc: hai quá trình đô thị hoá và toàn cầu hoá diễn ra cùng một lúc, không cách nhau ít nhất một thế kỷ như ở Châu Âu hay Hoa Kỳ. Đô thị hoá cũng là một quá trình chuyển đổi văn hoá. Ở Trung Quốc, tiểu gia đình thành thị dựa trên những giá trị hoàn toàn khác hẳn những đại gia đình ở nông thôn, chẳng hạn về vai trò của người phụ nữ. Toàn cầu hoá thúc đẩy sự chuyển đổi hệ thống giá trị và không còn con đường nào để quay trở về nền văn hoá phong kiến cố hữu nữa. Nhưng ngay cả một chủ nghĩa dân tộc mới, hình thành với quá trình công nghiệp hoá như đã từng diễn ra ở Đức hay ở Nhật, và đang được Đảng Cộng sản tuyên truyền một cách hệ thống, cũng không dễ mà toàn thắng, bởi tất cả những gì làm nên nền văn hoá mới ở thành thị Trung Quốc hôm nay đều đậm nét quốc tế. Nhà bếp tân thời ở Bắc Kinh được Nhật hoá, lối kiến trúc ở Thượng Hải thì Mỹ hoá, y phục thời trang trong cả nước thì Âu hoá, văn chương thì ảnh hưởng lối viết trên Internet. Từ đó tự hình thành một nền văn hoá tổng hòa, kết dệt những yếu tố của Trung Quốc và nước ngoài.
Theo ông Wei, sang đến thế kỷ 20 mà ở Trung Quốc người ta vẫn còn bác bỏ tiền đề rằng con người là kẻ chế ngự thiên nhiên. Ngay cả Mao Trạch Đông cũng đã củng cố cái tiền đề „nhất thể“ theo cách của Mao. Mãi sau này, triết học phương Tây mới chinh phục được Trung Quốc, nhưng bây giờ sẽ lại bị đẩy lùi một bước xa. „Trong cái hoàn hảo tuyệt đối của một chiếc bình Tàu có điều gì đó huyền bí, phi lý mà lại không tưởng, rất xa lạ với phương Tây“, ông Wei nhận định. Bỗng nhiên di sản văn hoá không còn là gánh nặng mà lại trở thành kho báu.
Chỉ báo đáng tin cậy về tiến trình Hán hoá ngày nay là sự thành công của phim ảnh Trung Quốc. Thí dụ, trong bộ phim Peacock, đoạt giải LHP Berlin, nhà đạo diễn trẻ Gu Changwei đã miêu tả chân dung một mối quan hệ phức tạp giữa cha mẹ và con cái trong giai đoạn Cách mạng Văn hoá. Tương phản với tình yêu lãng mạn, tình yêu cha mẹ và chữ hiếu là những cột trụ đạo đức của Khổng giáo. Trong giáo dục con cái, người Trung Quốc đã đặt những ưu tiên khác hẳn phương Tây, và căn cứ vào kết quả của chương trình quốc tế PISA (Program for International Student Assessment) đánh giá năng lực học sinh tại nhiều quốc gia trên thế giới, có thể thấy tính thời sự rất cao của vấn đề này.
Nhà tạo mẫu Feng Ling ở Bắc Kinh lại kết hợp giữa truyền thống và tiến bộ qua những hình thức và phong cách hoàn toàn khác. Bà vừa phác hoạ xong trang phục sân khấu mới cho ngôi sao nhạc rock Cui Jian, người hùng của phong trào dân chủ tại Trung Quốc năm 1989: Vải lanh mầu xanh lá cây, lót bằng lụa đỏ, theo tinh thần cách mạng thập niên 60. Tuy biết rõ những mặt khủng khiếp của cuộc Cách mạng Văn hoá nhưng bà Feng không hề ngần ngại khui ra cả những truyền thống không lấy gì là đẹp đẽ. Bà tuyên bố: "Cho đến thời gian gần đây, mọi mẫu thời trang đều được nhập cảng và do phương Tây chế tạo“. „Nhưng bây giờ, chúng tôi hỏi người Trung Quốc: Phong cách riêng của chúng ta là thế nào? Có thể kết hợp toàn bộ những cái mới của phương Tây với những đặc thù của chúng ta ra sao? Ngày nay, thế nào là mang bản sắc Trung Hoa?“. Thế nào thì thế, cái gì phát xuất từ Trung Quốc rồi cũng sẽ lan ra toàn thế giới.

Những thành công về kinh tế của Trung Quốc đã cho phép những gì có thể thương mại hoá và toàn cầu hoá của văn hoá Trung Hoa được hiện rõ. „Hiện nay, chúng tôi được chắp cánh bằng sự sinh động, sức sống và niềm hy vọng tràn trề“, Cao Kefei, nữ đạo diễn sân khấu trẻ tuổi ở Bắc Kinh, cho biết. Nhưng niềm lạc quan ở Trung Quốc đối với Cao có lẽ hơi quá đà, nên thỉnh thoảng cô lại sang Đức, và gần đây, đã ngạc nhiên về cuộc tranh luận lại mới nổ ra về chủ nghĩa tư bản. Cao thán phục nhiệt tình tranh luận của người Đức. „Ở Trung Quốc thì không thể có một cuộc tranh luận như thế được“. Ở đó chỉ có vài ba nhà thơ và hoạ sĩ đặt vấn đề về toàn cầu hoá, và những luận điểm của họ được phương Tây biết đến nhiều hơn ở chính Trung Quốc.
Cứ thế mà Trung Quốc tiến bước trên con đường toàn cầu hoá, trong sự pha trộn giữa lòng tự tin và sự thiếu vắng tinh thần phê phán, và làm thế giới mỗi ngày một thêm Tàu hơn.
Chú thích:
[1] Trong vụ khủng hoảng Darfur tại Sudan năm 2003, Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại HĐBALHQ để cản trở việc LHQ can thiệp vào Sudan (ND).
20/7/2005
Georg Blume
T.M. dịch
T.L. hiệu đính
Nguồn: Die Zeit, 16.6.2005 
http://www.zeit.de/
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dăm phía đời, gác lại…  Phương nói về lão tình nhân người Úc của mình gần hết một buổi tối. Phương nói nó đòi cưới, cả lũ lao nhao phản ...