Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Chiếc đồng hồ MaoXXX

Chiếc đồng hồ Mao

Mao đứng. Vẫy tay. Có thể vẫy như thế trong nhiều ngày, cho đến khi những bánh răng cưa phía sau Mao dừng lại. Ngôi sao đỏ ở đầu kim giây chạy vòng quanh. Tuy thế, tại Trung Quốc, cái hành tinh sao đỏ này chưa phải là biểu tượng của chính thể chuyên chế. Trước mắt còn là thế, vì tuy rằng chế độ đang phồn thịnh, lăng Mao Trạch Đông đang mở rộng cửa đón khách du lịch, nhưng kinh tế cá thể cũng góp vào tổng sản lượng một tỷ lệ tương đương với kinh tế quốc dân và hợp tác xã. Đến ngành hàng không cũng có sự hiện diện của tư nhân - chính xác ra, tư nhân sử dụng ngân khố nhà nước.
Trung Quốc thay đổi. Nhiều năm qua, không ít các phái đoàn Trung Hoa sang các nước khác, trong đó có Hung, để nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm về quá trình tư hữu hoá - không phải về nền dân chủ nhân dân. Chắc chắn Trung Quốc sẽ ứng dụng những kinh nghiệm thu được khi thời gian đến. Bởi vì trên đất nước của một tỷ ba trăm triệu người này không có gì vội vàng. Cường quốc "trung tâm thế giới" này có năm nghìn năm lịch sử. Một vài năm không đáng kể.
Nói theo cách quản trị kinh doanh: nguồn nhân công không có giới hạn. Theo thống kê: một tỷ ba trăm triệu người sống tại Trung Quốc. Theo một số cơ quan chức năng: phải hơn tỷ rưỡi, nhưng nhà nước Trung Hoa giữ bí mật. Tại Bắc Kinh, với diện tích khoảng ba tỉnh lớn của Hung gộp lại, mười bốn triệu người sống. Người ta nói: thủ đô Bắc Kinh thuộc loại "còn thở được" so với thành phố Trùng Khánh, với số dân 31 triệu trên diện tích 82 nghìn cây số vuông.
Giai thoại: Cựu thủ tướng Hung, Horn Gyula, khi còn đương chức, sang thăm Bắc Kinh, chủ nhà thân mật hỏi: "Các ngài bao nhiêu người tất cả?", "Mười triệu.", "Ồ, thế các ngài ở khách sạn nào?". Đoạn kết "b" của câu chuyện là: "Thế thì tuyệt vời quá! Chắc chắn mọi người đều biết nhau!"
Vừa rồi, một trăm công dân của chúng ta, với lòng lo lắng dân tộc đã biểu tình trước đại sứ quán Trung Hoa, phản đối những người Trung Quốc đang sống trên đất Hung. Điều này báo hiệu sức mạnh của Trung Quốc. Nạn da vàng. Nếu họ có nghe thấy rằng: năm 1900, những đội quân của tám nước đồng minh - trong đó nền quân chủ Áo-Hung cũng cử đại diện là vài ba kỵ sĩ râu xoắn - đã kéo vào Bắc Kinh, thì có lẽ số chí sĩ Hung biểu tình sẽ lên một trăm lẻ hai người. Có thể việc "Hungary là quốc gia có nhiều kiều dân Trung Hoa sống nhất ở vùng Đông Âu" đã khơi dậy tinh thần biểu dương lực lượng trong lòng một số dân Hung, những người dị ứng với món thịt gà xào dứa và đồng nhất Trung Quốc với chợ Bốn con hổ [1].
Cách đây không lâu, Trung tâm Châu Á (Asia Center) và Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) được khánh thành trên địa bàn Budapest, thủ đô của chúng ta. Và nếu chúng ta không cẩu thả, nước Hung có thể trở thành trụ cầu Châu Âu chính cho một trong những nền kinh tế không chỉ đang phát triển mạnh mẽ nhất toàn cầu, mà còn xuất khẩu hàng tỷ đô-la đầu tư trong tương lai không xa.
Trung Quốc có cái để "phình" tiếp. Thời gian qua, mỗi năm có hơn 50 tỷ đô-la đầu tư đổ vào đất nước của Vạn lý Trường thành. Vượt cả Hoa Kỳ trên phương diện này. Hiện nay, quốc gia sản xuất ra cái đồng hồ đeo tay dây bằng da lợn mang hình Mao Chủ tịch đứng vẫy tay và ngôi sao đỏ chỉ giây chạy quanh, có lượng ngoại tệ dự trữ lớn nhất thế giới. Từ năm 96, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc là 8%, của công nghiệp là 13%. Phương Tây sẽ không biết bán thứ gì cho người Tàu trong vài năm nữa. Không chỉ những con gấu túi bằng nhung xốp, những chùm đèn trang trí cây thông Noel, giầy thể thao, mà cả phần mềm máy tính, mẫu mã, cùng công nghệ tân tiến nhất. Vì đến lúc đó thì tất cả - thậm chí ngay hiện giờ đã có một phần - được làm ra tại những khu công nghiệp nằm bên cạnh những bức tường thành dài nhất thế giới này.
Và ngày nay, Trung Quốc - người ta nói với các doanh nhân - là vùng đất của những khả năng vô tận. Vô tận cả với chúng tôi nữa, những nhà báo. Thử hỏi, nơi nào có thể sắm Rolex, Schaffhausen, Patek Philip cùng mã số xuất xưởng của "đồ xịn" với giá 50 nhân dân tệ (khoảng 2 đô-la), hoặc đồng hồ Mao giá 30 nhân dân tệ? Và nói chung, ngoài Trung Quốc ra, ở đâu có thể mua được Tổng bí thư đang vẫy chào từ cổ tay?
Thêm nữa, có thể mục kích cả nơi Mao Chủ tịch đứng vẫy: Thiên An Môn. Quảng trường rộng nhất thế giới với diện tích 550 mét nhân 800 mét. Phía nam của Thiên An Môn chồi cao lên lăng Mao đã nhắc ở trên. Một hàng dài trước nó, không phải của những người "đóng phim" trước du khách quốc tế. Nơi đây, người dân nghiêm túc với việc viếng lăng Mao Trạch Đông. Phía tây là Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản và Nhà Quốc hội - hai trong một. Phía đông là Nhà bảo tàng lịch sử và cách mạng Trung Quốc. Một cái đồng hồ digital đang "ngốn" từng giây một đến ngày khai mạc Thế vận hội Olimpic 2008. Những khu nhà lụp xụp bị ủi bằng. Thay vào đó là những công trình hiện đại đẹp đẽ. Công việc xây dựng lại thành phố Bắc Kinh đã được tiến hành cách đây nhiều năm, khi Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào tháng Mười năm 1999.
Cổng Thiên An khép quảng trường Thiên An Môn ở phía bắc. Phía sau cổng là Cấm thành với 800 Vương cung, 24 Hoàng lầu. Cấm thành ngày nay là một phần di sản thế giới.
Người dân đen không thể vào Cấm thành. Nơi này chỉ dành cho vua trị vì, hoàng gia, đám tôi thần và bầy cung phi của nhà vua. Hàng năm bầy cung phi được "bổ sung" bởi những nữ nhi 15-16 tuổi. Những người phụ nữ này, họ phải ở biệt trong Cấm thành đến hết đời. Trừ những người đến 27 tuổi mà vẫn chưa được nhà vua "chạm" đến. Với lý do bảo mật, thỉnh thoảng nhà vua mới hạ lệnh cho thận cần biết là sẽ ngủ với cung phi nào và tại đâu. Trong những Hoàng lầu còn lại, giờ cũng có nhà vua ngủ, nhưng đó là những hình nộm giống nhà vua làm bằng rơm.
Những người đàn ông Trung Quốc giàu có ngày nay không dùng vệ sĩ bảo vệ người tình của mình nữa. Theo thống kê thăm dò dư luận của một tạp chí, thì ở thế kỉ 21 này, những người tình "bề ngoài" được nhận một chiếc xe hơi Volkswagen Polo, trong khi đó các "thân thể giàu có", những doanh nhân thành đạt, có thể "vi vu" trên những chiếc Mercedes, BMW mới cóng. Tôi đã thấy vài chiếc Ferrari đời mới.
Có khoảng 2 triệu triệu phú đô-la và - cũng không phải điều xấu cho một xã hội mà "mọi người đều bằng nhau" - khoảng 10 triệu "vài chục vạn" phú đô-la. Có một sự khác biệt khá lớn trong thu nhập của người dân Trung Quốc. Một người công nhân bảo vệ kiếm 50 đô-la một tháng. Bồi bàn, công nhân nhà máy nhận được gấp đôi. Luật sư, có người trong một tháng có thể "cãi" ra 4-5 ngàn Mỹ kim. Đời sống, chủ yếu là ở nông thôn, rất rẻ. Tuy vậy, những ai muốn hưởng mức sống Phương Tây trên đất Trung Hoa - có rất nhiều nơi đáp ứng - cũng phải bỏ tiền trả những cái giá "Phương Tây".
Ở nông thôn Trung Quốc ngày nay, người ta vẫn làm ruộng với những con trâu, con bò, vốn được coi là thành viên gia đình. Và có thể nhận thấy cách những thửa ruộng vài ki-lô-mét là những sân golf được xây dựng với trang thiết bị đầy đủ và cao cấp.
Tại đất nước này, thất nghiệp không được biết tới, ít ra là về khái niệm. Thay vào đấy là chính sách "giảm biên chế tạm thời". Số người trong dạng chính sách này có thể lên tới hàng trăm triệu. Dĩ nhiên, để sống, họ nhận "đài thọ dưỡng nghỉ" chứ không phải "trợ cấp thất nghiệp".
Những vấn đề xã hội tương tự không tồn tại trong thời Tần Thuỷ Hoàng, ông vua đầu tiên bắt dân Trung Hoa xây Vạn lý Trường thành. Ban đầu, thợ xây là tù phạm, nô lệ, và binh lính. Sau đó, một phần sáu dân số thời đó, một triệu người dân khác được huy động thêm để xây thành. Khởi thuỷ, Vạn lý trường Thành là những cụm đất sét đã đổ khuôn. Những tảng đá thấy ngày nay tại Trường thành có tuổi thọ chỉ 500-600 năm. Vạn lý Trường thành chưa bao giờ phát huy được chức năng của nó trong lịch sử. Kẻ thù hoặc đột nhập bằng đường vòng, hoặc có "hậu thuẫn" từ bên trong. Công trình rộng sáu mét và dài sáu nghìn mét này - trái với dư luận chung - không nhìn thấy được từ vũ trụ.
Một vài phần của Trường thành được nâng khỏi vị trí với mục đích du lịch. Nơi chúng tôi tham quan, chỉ còn một đoạn ngắn. Một tấm biển lớn ở cuối đường: cấm đi tiếp. Chúng tôi nhìn qua biển ra phía sau. Đúng là không có gì. Những năm gần đây, người dân đã tự ý khuân gạch Trường thành về xây nhà, hoặc chế thành đồ "xú-vơ-nia" cho khách du lịch trên khắp thế giới.
Không còn lấy một hòn sỏi cho đoàn nhà báo chúng tôi. Với lại, chúng tôi không phải kiểu người với phong cách "phòng ngủ của chúng mình sẽ rất đẹp nếu bên cạnh những con san hô Atlantic, những mẩu đá Kim tự tháp là những mẩu thép vụn của WTC từ New York, anh à".
Niềm an ủi là chiếc đồng hồ Mao Chủ tịch. Sau cái choáng hình tượng, chúng tôi phát hiện ra: mỗi ngày vị chủ tịch đảng chậm một trăm phút. Tại Budapest thì dừng hẳn. Người thợ chữa đồng hồ quen thuộc ở quảng trường Jaszai Mari, sau khi phì cười chán chê, khuyên chúng tôi thay bộ ruột mới cho cái đồng hồ. Như vậy, giữ nguyên cái mẽ "cộng sản" bề ngoài cùng cái dây đeo bằng da lợn. Đồng hồ được "hiện đại hóa". Và hoạt động.
Chú thích:
[1] Chợ Bốn con hổ: khu chợ trời lớn nhất nước Hung. Những người buôn bán tại đây phần lớn là người Tàu. Cộng đồng đông thứ hai là người Việt Nam. Số còn lại là người Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Rumani, Mông Cổ...
14/6/2005
Nagy József
Trương Đức dịch
Nguồn: Tuần báo 168 Óra/168 giờ, 
Hungary, số 49, ra 9/12/2004
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...