Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Thiết trí tương laiXXX

Thiết trí tương lai

Trong chuỗi phỏng vấn mới, Newsweek trò chuyện với một kiến trúc sư sinh thái hàng đầu, người có mục tiêu hoàn toàn loại bỏ rác và ô nhiễm.
Số báo ngày 16 tháng Năm - Hãy tưởng tượng những tòa nhà sản sinh ra nhiều năng lượng hơn chúng tiêu thụ và những xưởng máy mà nước thải đủ sạch để uống. William McDonough đã hoàn thành các nhiệm vụ này và còn hơn vậy nữa. Kiến trúc sư, nhà thiết trí công nghiệp và người sáng lập ra công ty McDonough Braungart Design Chemistry ở Charlottville, VA., ông không phải là một nhà môi trường học truyền thống kiểu bạn nghĩ. Những người khác có thể dồn năng lượng chiến đấu cho những luật lệ môi trường chặt hơn, và lặp đi lặp lại câu tụng niệm “tái giảm, tái dụng, và tái chế.” Viễn cảnh tương lai của McDonough bao gồm các nhà máy sạch tới mức chúng không cần tới luật lệ điều tiết, và những vật liệu an toàn, mới lạ, có thể được hoàn toàn tái xử lý thành những phẩm vật mới, vì vậy không có lý do gì để tiết giảm tiêu dùng (hay là mất việc). Tóm lại, ông muốn tu chỉnh lại cuộc Cách mạng Công nghiệp – nghe có vẻ điên khùng nếu ông đã không làm việc với các công ty có tên trong bảng sắp hạng Fortune 500 và chính phủ Trung Quốc để khiến nó xảy ra. Là người nhận hai bằng danh dự từ Tổng thống Mỹ và Giải thưởng Thiết trí Quốc gia, McDonough trước đây là hiệu trưởng trường kiến trúc của viện đại học Virginia và đồng chủ tịch của Trung tâm Phát triển Bền vững Mỹ-Trung. Gần đây ông đã nói chuyện ở New York với Anne Underwood của Newsweek.
Underwood: Tại sao chúng ta lại cần một cuộc cách mạng công nghiệp mới?
McDonough: Cuộc cách mạng công nghiệp nói chung đã không được thiết kế. Nó thành hình dần dần khi các nhà công nghệ và các kỹ sư hình dung ra làm thế nào để tạo nhiều thứ đồ vật. Kết quả là hàng năm chúng ta thẩy hàng tỉ cân Anh những vật liệu độc hại vào không khí, nước, và đất đai và sản sinh ra một khối lượng rác khổng lồ. Nếu mục tiêu của chúng ta là hủy diệt thế giới - tạo nên sự gia nhiệt toàn cầu, sự nhiễm độc và sự gián đoạn nội tiết – chúng ta đang làm điều đó hết xảy. Nhưng nếu mục tiêu không phải là gia nhiệt toàn cầu, nó phải là gì? Tôi muốn khởi động bánh xe công nghệ theo một hướng khác, để tạo nên một thế giới của sự phong phú và của thiết kế tốt - một thế giới an toàn và vui tươi mà con cái chúng ta có thể vui đùa trong đó.
Underwood:Ông nói rằng tái chế, như đang được thực hành hiện thời, là “giáng chế (downcycling).”
McDonough: Những gì chúng ta gọi là tái chế chỉ tiêu biểu là sản phẩm đánh mất phẩm chất của nó. Giấy bị trộn với các loại giấy khác, tẩy lại và nhiễm bẩn với các loại mực độc hại. Chiều dài sợi giấy ngắn đi, cho phép nhiều bụi hơn bị cà vào không khí, nơi mà chúng có đường vào phổi và khoang mũi của bạn, và gây khó chịu. Và kết cục bạn sài những thứ xám mờ mà chẳng thực sự hữu dụng. Ðó là giáng chế.
[Người hướng dẫn và cũng là đồng nghiệp] Michael Braungart và tôi đã tạo ra từ thăng chế (upcycling), nghĩa là sản phẩm trở nên thực sự tốt hơn khi chúng đi qua hệ thống. Ví dụ, vài loại chai nhựa có chứa cặn xúc tác kim loại nặng. Chúng ta có thể loại bỏ những chất cặn đó khi chai nhựa trở lại để được thăng chế.
Underwood: Không phải sản phẩm nào cũng được như vậy.
McDonough: Phần lớn các nhà sản xuất lấy tài nguyên ra khỏi lòng đất và biến chúng thành những sản phẩm được thiết kế để bỏ đi hoặc thiêu hủy trong vòng vài tháng. Chúng tôi gọi cách này là lưu trình sản phẩm “sinh - diệt.” Câu trả lời của chúng tôi với vấn đề đó là thiết kế “sinh - sinh.” Mọi thứ đều được dùng lại - hoặc là được đưa trở lại đất như “dưỡng chất sinh học” không độc hại mà sẽ phân hủy sinh học một cách an toàn, hoặc là được đưa trở lại công nghiệp như “dưỡng chất kỹ thuật” mà có thể được tái chế vô tận. Nhôm là một dưỡng chất kỹ thuật. Cần một lượng năng lượng khổng lồ để tạo ra nó, nhưng dễ dàng thu hồi và dùng lại. Từ năm 1880, loài người đã tạo được 660 triệu tấn nhôm. Ngày nay chúng ta vẫn biết được 440 triệu tấn đó nằm ở đâu.
Underwood: Có sản phẩm nào đạt mục tiêu sinh - sinh chưa? Nếu có, làm sao tìm chúng?
McDonough: Trong tháng này, chúng tôi sẽ dán nhãn sinh - sinh. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của chúng tôi về dưỡng chất sinh học và kỹ thuật có thể được chứng nhận để sử dụng biểu tượng của chúng tôi. Một chú thích trên bao bì sẽ chỉ cho bạn biết làm sao để tái chế nó. Bạn sẽ biết: cái này sẽ đi xuống ruộng cà chua của mình khi dùng xong hay cái này sẽ trở lại công nghiệp mãi mãi. Chúng tôi đã chấp thuận một loại ni-lông, vài loại vải tổng hợp, đường chạy, chớp cửa sổ, ghế của hãng Herman Miller và Steelcase, và thảm của hãng Shaw - một bộ phận của hãng Bershire Hathaway. Cái đầu tiên là một loại vải của Steelcase mà có thể đưa trở lại đất. Chúng tôi hiện giờ đang làm việc trên những sản phẩm điện tử ở quy mô toàn cầu.
Underwood: Các sản phẩm giấy như tạp chí khớp vào bức tranh này ra sao?
McDonough: Tại sao phải lấy những thứ đẹp đẽ như cây cối và đốn nó đi? Cây cối tạo ôxy, hấp thụ carbon, lọc nước, gây đất, chuyển hóa năng lượng mặt trời thành nhiên liệu, thay đổi màu sắc theo mùa, tạo vi khí hậu và cung cấp sinh quyển.
Cuốn sách Sinh - Sinh, tôi viết chung với Michael Braungart, được in trên giấy làm từ nhựa dẻo và vật liệu nhồi vô cơ có thể tái chế vô tận. Chúng còn nặng quá mức, nhưng chúng tôi đang làm việc với một số công ty để phát triển những loại giấy nhựa nhẹ. Chúng tôi có các loại mực nhẹ, an toàn, được thiết kế để trôi khỏi giấy khi rửa ở 180 độ - nóng hơn mức chúng ta có lẽ gặp trong những điều kiện thông thường. Chúng ta có thể thu hồi mực và sử dụng lại chúng mà không thêm một chút chlorine và dioxin nào vô môi trường. Và những trang giấy thì sạch, láng và trắng.
Underwood: Như vậy chúng ta có thể giữ cả cây cối lẫn báo chí.
McDonough: Phần lớn các nhà môi trường học cảm thấy tội lỗi về cách xã hội cư xử [với môi trường – ND], vì thế họ nói chúng ta nên tạo ra những sản phẩm tồn tại lâu hơn – ví dụ, một chiếc xe hơi sài được tới 25 năm. Chiếc xe hơi đó vẫn sử dụng keo tổng hợp và các chất dán độc hại, nhưng vết hằn lên sinh thái được giảm đi vì bạn trả góp lâu hơn. Nhưng kết quả là gì? Bạn mất công ăn việc làm vì người ta không còn mua bán nhiều nữa, và bạn phải sử dụng thứ kỹ thuật sai lầm đó lâu hơn. Tôi muốn những chiếc xe chỉ sài 5 năm thôi. Khi đó bạn luôn có chiếc xe mới nhất – dùng nhiều năng lượng mặt trời hơn, sạch hơn, với những chiếc gối hơi và những đặc tính an toàn mới nhất. Chiếc xe cũ được thăng chế thành những chiếc xe mới, vì thế vẫn có nhiều công việc. Và bạn không cảm thấy tội lỗi khi bỏ chiếc xe cũ. Người ta luôn muốn sài kỹ thuật mới. Bạn không còn đánh máy bằng bàn máy Underwood nữa, nếu bạn hiểu tôi muốn nói gì.
Underwood: Như vậy tăng trưởng là tốt?
McDonough: Ðúng vậy, nếu bạn dùng thiên nhiên như một biểu mẫu và người hướng dẫn, nếu bạn dùng các loại thiết kế và hóa chất hiện đại an toàn. Tăng trưởng sẽ có tính hủy diệt nếu bạn sử dụng năng lượng không phải từ mặt trời mà lại từ một hệ thống hóa chất độc hại, vì thế nó chống lại đời sống.
Underwood: Cứ cho là công nghiệp hôm nay khớp với định nghĩa về chống lại đời sống của ông, tại sao ông không chiến đấu cho các luật lệ môi trường chặt chẽ hơn?
McDonough: Nếu các nhà máy chạy than phóng thích thủy ngân - và thủy ngân là một chất độc làm tổn thương não bộ của con nít – thì giảm lượng thủy ngân trong khí thải không làm ngưng hẳn chuyện đó. Nó chỉ nói rằng “chúng tôi sẽ cho biết bạn có thể phân phối cái chết ở mức nào.” Ðỡ tệ hơn không có nghĩa là tốt. Ý tưởng của chúng tôi là khiến cho sản xuất trở nên sạch đến mức không có gì tệ hại còn sót lại để điều tiết. Ðiều này hết sức thú vị với người của mọi khuynh hướng chính trị - cả người yêu môi trường lẫn người muốn thương mại không bị điều tiết.
Underwood: Có thể thực sự có công nghiệp sạch đến mức không đòi hỏi phải kiểm soát nữa?
McDonough: [Tại nhà máy sợi Rohner ở Thụy Sĩ] chúng tôi thiết kế một loại vải đủ an toàn để ăn. Tiến trình sản xuất không sử dụng tới những chất gây đột biến, chất gây ung thư, chất gây gián đoạn nội tiết, chất bẩn kim loại nặng hoặc hóa chất làm cạn kiệt tầng ozôn, gây dị ứng, làm mất nhạy cảm da hoặc làm nhiễm độc cá và cây trồng. Chúng tôi đã sàng lọc 8000 hóa chất thường được dùng và kết cục chỉ chọn được 38. Khi kiểm tra viên đo lường nước thải ra, họ nghĩ là dụng cụ bị hỏng. Nước sạch như nước uống Thụy Sĩ. Một câu lạc bộ làm vườn đã bắt đầu sử dụng vụn rác làm mùn. Công nhân không còn phải mặc áo quần bảo hộ. Và nó loại bỏ luôn công việc hành chính liên quan tới luật lệ điều tiết, vì vậy họ giảm giá thành sản xuất được 20 phần trăm. Tại sao phải chi tiền cho công việc giấy tờ, trong khi bạn có thể chi nó cho việc cung cấp dịch vụ hoặc trả lương cho công nhân?
Underwood: Tôi sẽ tìm thấy loại vải này ở đâu?
McDonough: Nó được chọn làm vải bọc trên những chiếc Airbus 380 mới. Nó được làm bằng len worsted để giữ bạn ở nhiệt độ thích hợp – mát khi trời nóng và ấm khi trời lạnh – và [một loại sợi thực vật gọi là] ramie để hút ẩm. Nó là một sản phẩm thiết kế-hiệu-suất-cao. Ði theo hướng sinh thái không có nghĩa là hạ thấp tiêu chuẩn hiệu suất.
Underwood: Ông làm sao để nhiều ngành công nghiệp hơn chấp nhận các lý tưởng này?
McDonough: Công nghiệp không thay đổi trừ phi họ phải thay đổi hoặc có vài lợi ích thương mại. Ở Herman Miller [một công ty đồ đạc nội thất], chúng tôi đã thiết kế một nhà máy tràn ngập ánh sáng ban ngày và không khí trong lành. Năng suất tăng vọt. Và nhờ ánh sáng tự nhiên, họ cắt giảm được 50 phần trăm chi phí chiếu sáng - giảm năng lượng tổng cộng tới 30 phần trăm. Chúng ta đã làm điều này trong một thời gian dài. Nhưng giờ đây Trung Quốc đang đón nhận nó, nó báo hiệu nhiều lý thú.
Underwood: Ông đang làm gì ở Trung Quốc?
McDonough: Hiệp hội Công nghiệp Nhà ở Trung Quốc có trách nhiệm xây dựng nhà ở cho 400 triệu người trong vòng 12 năm tới. Chúng tôi đang làm việc với họ để thiết kế bảy thành phố mới. Chúng tôi đang nhận dạng các vật liệu xây dựng tương lai, chẳng hạn như một loại nhựa polysteren mới của BASF [không có hóa chất độc]. Nó có thể được dùng để xây các bức tường cứng, nhẹ, và siêu cách [âm, nhiệt – ND]. Tòa nhà có thể được sưởi hoặc làm mát mà chẳng tốn bao nhiêu. Và nó rất yên tĩnh. Nếu có 13 người ở căn phía trên, bạn sẽ không nghe thấy họ.
Chúng tôi đang thiết kế một loại toa lét mới tiện nghi. Cái bồn thì như một chiếc lá sen - láng tới mức, mỡ trục máy trôi liền. Không có gì bám lên nó được, kể cả vi khuẩn. Một luồng hơi mỏng khi bạn dùng xong cũng đủ để dội cầu, vì vậy bạn không cần phải dùng nhiều nước. Chúng ta cũng sẽ có các ruộng tre cận kề để làm sạch chất thải - và những cây tre, mọc thêm ba tấc mỗi ngày, có thể được thu hoạch để dùng làm gỗ.
Người Trung Hoa đang lo ngại đô thị hóa sẽ làm giảm lượng đất canh tác, vì vậy chúng tôi đưa ruộng vườn lên mái. Ít ra, đó là những gì tôi đang đề nghị. Nông dân có thể sống ở những tầng dưới. Và khi bạn nhìn về thành phố từ xa, nó trông như một phần của phong cảnh.
Underwood: Có làm được chuyện đưa ruộng vườn lên mái không?
McDonough: Những kiểu mái truyền thống không làm được điều đó. Chúng sẽ xuống cấp do sốc nhiệt và bức xạ cực tím, và phải được thay thế trong 20 năm. Ðối với trụ sở của Gap ở San Bruno, Calif., chúng tôi trồng một cái “mái xanh” dùng cỏ cổ. Cái mái giờ cản tiếng ồn của phi cơ phản lực từ phi trường San Francisco. Nó hấp thụ nước mưa bão, rất quan trọng vì họ gặp những vấn đề nghiêm trọng với nước mưa bão ở đó. Nó tạo ô xy, cung cấp sinh quyển, và nó đẹp. Chúng tôi cũng đã làm một mái xanh cho nhà máy River Rouge của hãng xe hơi Ford. Nó tiết kiệm cho Ford hàng triệu đô la thiết bị chống nước mưa bão.
Underwood: Ông sẽ làm sao để cung cấp nhiên liệu cho các thành phố Trung Quốc?

McDonough: Tôi muốn thấy năng lượng mặt trời rẻ hơn than, nhưng để có được tốc độ và quy mô làm điều đó nhanh chóng, chúng ta cần một nơi như Trung Quốc. Chúng tôi không nói về những tấm thu năng lượng mặt trời nhỏ xíu trên mái. Hãy nghĩ về nhiều dặm vuông Anh đất xấu được bao phủ bởi các tấm thu năng lượng mặt trời. Ðiều này có thể làm rớt giá năng lượng mặt trời đáng kể. Và với mỗi công việc chế tạo tấm thu năng lượng mặt trời, sẽ cần bốn công việc để lắp đặt và bảo trì. Chúng ta có thể nhập khẩu các tấm thu này, và với mỗi công việc mà người Trung Hoa có cho bản thân họ, chúng ta có bốn. Ðúng là một món quà. Và tôi bảo đảm với bạn, Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể lấy được một phô tôn nào của Mỹ. Chúng ta sẽ có một nguồn năng lượng bản địa và an ninh năng lượng. Và chúng ta sẽ không ném tiền của mình xuống hố.
Underwood: Và chúng ta sẽ không cần năng lượng hạt nhân.
McDonough: Tôi yêu năng lượng hạt nhân. Tôi chỉ muốn thấy chắc là nó ở yên nơi Thượng đế đặt nó - cách đây 93 triệu dặm Anh, trong mặt trời.
Underwood: Các ý tưởng của ông rất bắt.
McDonough: Nó là một thời điểm đáng kinh ngạc trong lịch sử. Chúng tôi cũng có hai dự án khổng lồ mới ở Anh quốc - làm việc với hai thành phố Greenwich và Wembley. Nhà phát triển Adrian Wyatt đã yêu cầu chúng tôi tưởng tượng ra một siêu khung ý niệm cho đồ án.
Chúng tôi sẽ không khiến mọi thứ đúng được ngay từ đầu. Thay đổi đòi hỏi thực nghiệm. Nhưng không phải vấn đề nào cũng có thể được làm sáng tỏ bằng chính ý thức đã tạo nên nó. Công việc của chúng tôi là mơ - và khiến các giấc mơ đó xảy ra.
15/6/2005
William McDonough
Khiêm dịch
Anne Underwood thực hiện
Nguồn: http://www.msnbc.msn.com/
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...