Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Nghĩ quanh một vấn đềXXX

Nghĩ quanh một vấn đề

Tôi tình cờ được đọc bài "Công nghiệp phần mềm không đứng nổi" (19/08/2004 6:28:37 AM GMT +7) trên báo điện tử Người Lao Động, qua giới thiệu của talawas/spectrum. Tựa đề khiến tôi quan tâm, trong quan tâm chung chung về các vấn đề phát triển của Việt Nam, cộng với quan tâm của một người làm ăn kiếm sống trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Mỹ.
Đọc xong bài báo, thú thật, tôi thất vọng. Không phải thất vọng vì các sự kiện chính được trình bày, mà về khung tư duy của nhiều vị trong bài báo ấy (và nhất là của người viết báo). Sự kiện thì đơn giản (dù không dễ giải quyết): chuyện chép "lậu" và sử dụng bừa bãi các sản phẩm phần mềm, bất chấp các luật về tài sản trí tuệ. Một chuyện thuộc diện "khổ lắm biết rồi...", không phải chuyện mới. Việc đáp ứng và bàn chuyện giải quyết tệ nạn "ăn cướp" (pirate) phần mềm không phải là mới. Tôi muốn nói tới cách đặt vấn đề, một vấn đề lớn: Công nghiệp phần mềm của Việt Nam, như trong tựa đề bài viết. Một vài câu hỏi được đặt ra:
- Nếu việc đánh cắp sản phẩm phần mềm vẫn là một tệ nạn chưa có dấu hiệu được giải quyết, thì tiếp tục tạo ra sản phẩm phần mềm thương mại, như kiểu hiện nay, tất nhiên sẽ chỉ lặp lại chuyện đã thừa biết. Có gì là lạ, cần phải nói ra? Nếu những người "làm CNTT VN" không có cách nào khác hơn là làm ra những sản phẩm để nhìn chúng bị ăn cắp, thì họ khó lòng trách cứ ai (ở tư cách người làm ăn, kinh tế). Và cũng khó mà có một nền "công nghiệp" bằng cách đó.
- Từ câu hỏi trên, ta có thể đi tới một câu hỏi khác: Như vậy CNTT VN có gì khác để làm? Đây lại là câu hỏi lớn, rất lớn, có nhiều cách và nhiều cỡ để tiếp cận (và gần như 85% nằm trong trách nhiệm của những người trong cuộc, muốn tạo ra một "nền công nghiệp phần mềm Việt Nam"). Một vài cuộc động não lớn may ra dẫn tới gần câu trả lời hơn.
- Dựa theo tiêu đề bài báo, và để gợi suy nghĩ, tôi xin phép hỏi thêm: Như thế, một nền công nghiệp phần mềm là cái gì? Danh xưng nghe có vẻ xôm tụ đó, trong nội dung phát triển của Việt Nam, là cái gì vậy?
Trước hết, có lẽ một nền công nghiệp phải là một cái gì nghiêm chỉnh. Tôi xin nói ngay, tôi không hề mảy may ám chỉ là các đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam không nghiêm chỉnh. Ngàn lần không. Những danh xưng và nhãn hiệu không nhất thiết là sản phẩm "trí tuệ" của những người hành nghề CNTT VN. Xã hội (hay nói đúng hơn, những người quản lí xã hội -công và tư) trách nhiệm về các loại danh xưng như thế (họ hô hào hay hứa hẹn, mơ mộng hay hoạch định - hay cóp nhặt? - ra các thứ danh xưng, và đôi khi, hình mẫu cho các danh xưng ấy).
Nôm na, một nền công nghiệp là một sinh hoạt kinh tế có tổ chức và qui mô. Tối thiểu, nó có (1) các sản phẩm để cung ứng cho (2) một cộng đồng khách hàng (địa phương, quốc nội hoặc/và toàn cầu) nhất định nào đó. Thiếu một trong hai thì khó lòng có được một nền công nghiệp. Phần công nghệ và nhân sự (đa ngành) cho nền công nghiệp ấy tất nhiên là quan trọng, quan trọng đến độ không cần nhắc đến mới nhớ; nhưng dù quan trọng đến đâu, công nghệ và nhân sự chỉ hỗ trợ cho hai yếu tố cơ bản ở trên.
Làm ra bộ CD, trong chứa một tập hợp phầm mềm nào đó, ta có thể tạm coi là sản phẩm, nhưng nếu cái cộng đồng khách hàng kia quá nhỏ, quá yếu, quá "vô tư" để người bán sản phẩm sống được thì làm sao có một cửa tiệm bán CD (không lậu) xứng đáng, nói gì chuyện công nghiệp. Như vậy, bảo rằng đem chuyện ăn cắp "phầm mềm" ra nói trong nội dung "công nghiệp phần mềm" là vô ích có quá đáng chăng? Nói khác hơn, làm phần mềm bỏ vào CD đem bán (trong bối cảnh VN) có thể không (chưa) là một việc đáng xếp vào tầm cỡ công nghiệp CNTT mà nay đã trở thành một ngành khá đa dạng (về độ phức tạp nói chung, và về các "loại hình sản phẩm" nói riêng). Thâm nhập vào xã hội, vai trò của CNTT cũng trở nên rất phong phú. Nhưng dù đa dạng thế nào, CNTT cũng không ra khỏi cái khung phát triển xã hội trong đó nó được vận dụng. Ngay cả khi CNTT được xem là một tác nhân đối với phát triển xã hội (một yếu tố mang lại không ít hi vọng - kể cả huyễn tưởng - cho khá nhiều người), CNTT cũng phải dựa vào cái môi trường xã hội có thật để có thể phát huy vai trò của mình.
Muốn tạo dựng một nền công nghiệp lấy CNTT làm công nghệ nền tảng, lấy nhân sự hành nghề CNTT (lại cũng rất đa dạng) làm nguồn tài nguyên nhân lực cốt lõi, tất nhiên những người chủ xướng phải có trong tay một số điều kiện ban đầu. Ta lại phải trở về với (1) các sản phẩm, và (2) cộng đồng khách hàng của các sản phẩm ấy. Hai thành tố này, qua hỗ trợ và tương tác của nhiều thành phần sinh hoạt kinh tế khác, tạo ra một chu trình (kín) tất yếu của sự vận hành một nền công nghiệp.
Tôi vừa làm một trò chơi với (sự mơ hồ của) chữ nghĩa. Nói khơi khơi,"lấy CNTT làm công nghệ nền tảng" mới chỉ là nói bâng quơ thôi. Và đặt (1) và (2) theo thứ tự ở trên (cho nó thuận một cách nói), lại là nói ngược. Nói ngược vì quan hệ khách hàng - sản phẩm không đi theo cái thứ tự (1) - (2) đơn giản ấy. Trong thực tế, qui trình xác định khách hàng và sản phẩm là một qui trình liên tục lập lại cặp (2)-(1), đòi hỏi rất nhiều kĩ năng, phương tiện và thời gian để thực hiện (không loại trừ cả phương pháp 'thử và sai'). Khi máy điện thoại ra đời, không ít những bậc "danh tài" thời ấy đã hết sức hoài nghi về công dụng (và do đó giá trị xã hội-kinh tế) của phát minh ấy.
Xin tạm thời tóm lại ở đây: Việc xem cái tệ nạn xâm phạm tác quyền phần mềm thương mại là một vấn đề lớn của nền công nghiệp phần mềm VN đưa tới nhiều ngộ nhận hơn là chỉ đích danh vấn đề và góp phần giải quyết vấn đề. Vì lẽ:
- Làm ra và bán sản phẩm phần mềm như trình bày qua bài báo là một mô hình kinh doanh CNTT không thoả mãn điều kiện (cụ thể của VN) để trở thành một thành phần quan trọng của một nền công nghiệp. Tìm cách giải quyết tệ nạn đó có nhiều nguy cơ thất bại hơn thành công. Đi tìm một mô hình kinh doanh khác có khi lại có lợi hơn chăng?
- Tự thân cụm từ "công nghiệp phần mềm"dùng (và tin) ở đây có thể không tương xứng (nếu không nói là thiếu cơ sở). Nếu thật sự quan tâm đến việc gầy dựng một công nghiệp như mong muốn, có lẽ những người trong cuộc cần xác định được cho mình một số yếu tố căn bản khả dĩ xác định tính khả thi cho nền công nghiệp ấy. Ở đây, tôi tạm thời "lơ là" việc xác định ai là những người trong cuộc; vì nếu phải nói nghiêm chỉnh hơn trong nội dung hoạch định và thiết kế, việc xác định cho được các "stakeholders" là một khâu hết sức quan trọng. Trong các thảo luận về một nền công nghiệp phần mềm cho Việt Nam, cho đến giờ, tôi có nhận xét là thành phần người tham dự còn yếu và lệch lạc.
Đưa ra một vấn đề giả (dù... rất thật) của một nền "công nghiệp" không rõ định nghĩa (do đó, có thể bị ngộ nhận về chức năng), dù có chuyên tâm vào đó để giải quyết, tôi e cũng không ích lợi gì.
26/8/2004
Anh Nguyễn
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...