Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Bàn về ba cái tản mạnXXX

Bàn về ba cái tản mạn

Vào một tối chẳng lấy gì làm đẹp trời tôi lên mạng, vào talawas, gặp Hoằng Danh tiên sinh với bài viết Tản mạn cùng “Vết dầu loang” của lương. Cách đây không lâu, ngày 10.8 chúng ta cũng đã được đọc một bài viết dài của tác giả này, có tựa Tản mạn với điều khó hiểu của lương, nhân đọc Một góc nhìn về lương và cải cách lương của Lê Tuấn Huy. Như thế, có thể tạm kết luận rằng Hoằng tiên sinh rất thích tản mạn và thích nói về chuyện lương. Ta hãy xem ông tản mạn những gì. Xin hầu tiên sinh theo đúng các mục của người.
1. Nước không mạnh nhưng dân giàu. Ðiều này nhìn tổng thể thì có vẻ đúng. Nói có thể là vì có một bộ phận không nhỏ còn không giàu, vì cái sự không giàu vốn dĩ của họ, và còn vì cái giàu lên đến chóng mặt của nhóm người trục lợi từ nhà nước, mà thực chất là trục lợi từ sức còm của dân, vì tất cả tiền của của nhà nước cho dù là từ nguồn viện trợ, thì cuối cùng dân vẫn è lưng ra gánh.
Vậy là tiên sinh đọc không kỹ rồi, xin thưa lại rằng tôi viết: Nước thì ắt là chưa mạnh nhưng dân thì có vẻ giàu, hay đúng hơn một bộ phận không nhỏ thì có vẻ giàu, mà giàu thật. Riêng về phần diễn đạt tiếng Việt xin mạo muội sửa lại phần in nghiêng và đậm như thế này: vì tất cả tiền của của nhà nước về thực chất là của dân, nên rốt cuộc dân là người è lưng ra gánh. Tiên sinh thấy có nên không?
Nhìn sâu hơn, đó không phải là chuyện trốn thuế hay thu đủ thuế để tăng lương, mà vấn đề là ở chỗ chính sách thuế của quốc gia như thế nào để trở thành công cụ thúc đẩy nền kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế dân doanh.
Hoằng tiên sinh đã mâu thuẫn với chính mình, nếu ta liên hệ đến những gì ông phán ở cuối bài: mục 5. cần đặt các giải pháp, chính sách trong bối cảnh toàn thể chung ở thời điểm làm chính sách... mục 6. Giải pháp của tác giả NTN không phải là không có giá trị, và cũng đáng để ai đó có thẩm quyền quan tâm đến. Nhưng cho đến hiện nay, giá trị đó chỉ có thể có khi nó được đặt trong bối cảnh chung của công cuộc cải cách dân chủ, cải cách xã hội... Tiên sinh đã tự cho phép mình có đặc quyền tách khỏi bối cảnh chung của công cuộc cải cách dân chủ, cải cách xã hội sao? Chính sách thuế của quốc gia và Giải pháp vết dầu loang hoàn toàn bình đẳng với nhau, cớ sao tiên sinh không buộc chính sách thuế của quốc gia đặt trong bối cảnh chung ấy? Như thế các cụ ngày xưa nói sao nhỉ? Phải rồi: nhất bên trọng, nhất bên khinh. Cứ theo lập luận của tiên sinh thì làm gì có cái chuyện chính sách thuế của quốc gia trở thành công cụ thúc đẩy nền kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế dân doanh nếu chưa nói đến cải cách dân chủ, cải cách xã hội?
2. Sẽ đề cập ở mục 4
3. “một đất nước có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao vào hàng top của thế giới lại không thể điều tiết tăng trưởng đó vào lương”. Người viết bài này vốn chẳng được học hành gì về kinh tế, thấy Hoằng tiên sinh thích bàn về chuyện tiền lương, cứ tưởng bở rằng sẽ học thêm được chút gì ngõ hầu bổ sung cho cái mớ kiến thức kinh tế có phần lỗ mỗ của mình, ai dè tiên sinh cũng chẳng khá gì hơn, nếu không muốn nói là... hơi bị tệ. Có một câu hỏi khí không phải mong tiên sinh thể tất cho: ngài có hiểu gì về tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế không vậy? Hỏi chơi vậy thôi chứ cứ theo những gì tiên sinh viết thì tại hạ cũng đã rõ cả rồi. Bởi thế cho nên mới phải nói nhỏ vào tai xếnh xáng như thế này: vào một ngày đẹp trời nào đó, Hoằng tiên sinh bỗng nổi hứng, đập cái nhà đang ở, xây nhà mới, vậy là ngài đã có công lớn làm kinh tế quốc gia tăng trưởng đấy! Ðể cho dễ hiểu chỉ xin nêu thêm vài ba cái gần gũi với tiên sinh: con đường trước nhà của tiên sinh vừa được ông giao thông trải nhựa rất đẹp chẳng hạn. Thế rồi vài ba hôm sau, ông thoát nước xuống đào lên đặt cống, lấp lại và cán nhựa; tuần sau đến lượt ông bưu điện lại đào lên đặt cáp ngầm, lấp lại và cán nhựa. Làm như thế kinh tế tăng trưởng nhiều hơn là cả ba ông cùng phối hợp làm đấy, thưa tiên sinh! Có điều này nữa xin kể nốt để hầu tiên sinh cho trọn vẹn nghĩa tình: chẳng làm gì cả mà kinh tế vẫn tăng trưởng mới lạ, ngài có tin không? Vâng! Ðấy là trường hợp tăng trưởng kinh tế do nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn viện trợ chảy vào. Chính vì vậy, ngoài chỉ số tốc độ tăng trưởng kinh tế, để đánh giá chính xác hơn, các nhà kinh tế học còn dựa vào nhiều chỉ số khác.
Trở lên là vài ba điều tủn mủn tại hạ gom góp đây đó trên báo chí, nếu muốn hiểu sâu hơn, chính xác hơn ngài có thể xin thỉnh giáo một chuyên gia nào đó, tiên sinh nhé. Trước khi nói sang chuyện khác, xin nói thêm một chút, một chút thôi. Ấy là cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, người ta thường phải nhấn mạnh thêm về chất lượng tăng trưởng. Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 24-8-2004, trong bài Tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững, viết: kinh tế công nghiệp tăng trưởng nhưng một phần quan trọng là dựa vào gia công, giá trị gia tăng tạo ra rất ít. Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM ví dụ: một KCN-KCX có doanh thu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD nhưng trong đó hết 820 triệu USD đã là nguyên liệu nhập. Do đó phần giá trị tạo ra chưa chắc đã bù đắp được cho vấn nạn đô thị phải gánh cho hàng ngàn nhân công. Nói cách khác, trong trường hợp đang xét, 1 tỷ USD kia góp phần tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên chất lượng tăng trưởng lại rất thấp – giá trị gia tăng tạo ra rất ít. Bài báo này ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Trân: Chất lượng tăng trưởng là điều quan trọng. Ðây là cái gốc của vấn đề. Thưa tiên sinh, cái anh chất lượng tăng trưởng này quan trọng lắm đấy, nếu không nói đến nó thì tốc độ tăng trưởng, trong một số trường hợp, chưa là cái đinh gì! Cũng vì lý do này mà ông Phan Văn Khải đã không ít lần thú nhận: đất nước có tốc độ tăng trưởng khá nhưng chất lượng tăng trưởng còn thấp. Cũng chỉ thấy nói khơi khơi vậy thôi, một anh thì khá anh kia thì lại thấp, chẳng hiểu có nên cơm cháo gì không mà Hoằng tiên sinh cứ tưởng rằng có thể điều tiết tăng trưởng đó vào lương. Thế mới hay cái lời phán: “Câu hỏi đó (Tiền đâu? - NTN) thể hiện một năng lực không được cao lắm của người điều hành vĩ mô” có vẻ như... hơi bị kiêu.
Hoằng tiên sinh đã đúng 100% khi ông khẳng định chắc nịch: không một lần giảm biên chế nào được làm đến nơi đến chốn, tuy nhiên điều này thì lại thuộc khâu thực hiện. Chẳng lẽ vì vậy mà tiên sinh nỡ lòng nào không cho phép tại hạ sử dụng chiêu thức này trong giải pháp của mình sao?
4. “Vết dầu loang” như nội dung và bước đi đã được trình bày, liệu có “loang”?
Có, nó có loang, và đã loang, nhưng không phải là loang cái mà mọi người mong muốn, mà là cái loang của sự băng hoại đạo đức của cả một xã hội... nội dung và bước đi như vậy chỉ là nửa vời vá víu.
Viết như vậy, tiên sinh đã làm cho người khác, nói như người Anh, get a great surprise! Tôi cứ ngẩn tò te mãi, đọc đi đọc lại những lời châu ngọc của tiên sinh mà chẳng hiểu gì sất. Nếu chỉ nói về thực trạng xã hội hiện thời không thôi thì hình như... tôi viết dài hơn, đầy đủ hơn (có hay hơn không thì chỉ có ... trời biết, đất biết, bạn đọc biết), tiên sinh có thể tìm đọc các bài viết của tôi đã đăng trên talawas. Cái loang của cái sự băng hoại chi chi đó đâu có liên quan đến Tiền lương và giải pháp vết dầu loang? Vì đâu xếnh xáng lại viết Có, nó có loang, và đã loang? Tiên sinh khẳng định như đinh đóng cột rằng: nội dung và bước đi như vậy chỉ là nửa vời, vá víu. Sao tiên sinh không bớt chút thời gian vàng ngọc để làm cho nhận định của mình tường minh hơn thì có phải là hay hơn không? Nói cách khác, xin vui lòng chỉ giùm giải pháp ấy nửa vời ra sao, vá víu ra sao?
Trong bối cảnh đó, đối với những thành phần được đề nghị tăng lương trước, thì như vậy cũng chỉ là tăng khoản tiêu vặt so với những đặc quyền đặc lợi về kinh tế đã có mà thôi (thậm chí chưa xứng đáng với chữ “tiêu vặt”)
Ðiều khẳng định trên của tiên sinh đúng hoàn toàn với hải quan, thuế vụ và một số hạn chế các quan chức cao cấp có công việc liên quan trực tiếp đến việc lập, phê duyệt, thực thi các dự án lớn, các công trình xây dựng cơ bản có vốn đầu tư lớn; đúng một phần với lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát. Tuy nhiên nếu theo đúng tinh thần của giải pháp đã nêu, buộc phải chọn: hoặc bằng lòng với cái gọi là khoản tiêu vặt – mức lương ao ước của biết bao người (ngoài các khoản chi tiêu cho ăn uống, điện nước, vui chơi giải trí, mua sắm cho nhu cầu thiết yếu, tiền học hành cho con, trợ cấp bố mẹ, tiền lương còn dư một khoản để mua xe, nhà trả góp) và làm đúng chức năng của mình hoặc ra khỏi ngành (nếu không muốn làm tiếp) hoặc làm trái để vào nhà đá thì tiên sinh chọn cái nào nhỉ?
Ðó là còn chưa nói khi nhìn vào những thành phần được đề nghị ưu tiên tăng lương trước, đó chính là những bộ phận được mệnh danh là lực lượng hàng đầu của chuyên chính vô sản, là thành phần chủ chốt của “đầy tớ nhân dân”. Rốt lại đó cũng chỉ là ưu tiên lo cho thân phận của “đầy tớ” mà thôi!
Có thể khẳng định rằng Hoằng Danh tiên sinh có định kiến nặng với chế độ. Việc có hay không có định kiến là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu không vượt qua được chính mình, vượt qua và đứng cao hơn định kiến ấy thì khó có thể nên người. Vì những người như thế thường có xu hướng sổ toẹt tất cả. Họ luôn không khách quan trong nhận định (Nếu tiên sinh muốn biết người viết bài này đứng ở đâu, xin hãy đọc Vài suy nghĩ quanh một định đề, Mái chùa cong phía trăng lên, Lý thuyết tổ chức xã hội, Những tác động của hội nhập và toàn cầu hoá xét ở góc độ kinh tế - chính trị). Cùng một vấn đề, người có thiện tâm suy nghĩ sao cho điều tiết được thu nhập, sao cho thu đủ thuế, bảo vệ được tiền thuế dân đóng, tránh thất thoát thiệt hại tiền thuế do dân đóng và đưa ra giải pháp xoay quanh một chữ thuế, để không có bất kỳ một ai giàu lên bất thường, giàu trên sự nghèo khó của người khác (như ba nhóm người giàu đã nêu trong bài Tiền lương và giải pháp vết dầu loang), kẻ có định kiến thì cho rằng cách đi như thế chỉ là ưu tiên lo cho thân phận của “đầy tớ” mà thôi!
Có thể xem ba nhóm công chức trên là toàn bộ đầy tớ của nhân dân để mà kết luận như trên? Vì định kiến, Hoằng tiên sinh đã lại nói quàng nói xiên mất rồi! Ðành rằng Hồ Chí Minh có nói: cán bộ phải là người đầy tớ của nhân dân, nhưng xin thưa cùng tiên sinh rằng: trong tiếng Việt của những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 này, chữ “đầy tớ” cần phải và chỉ có thể hiểu đó là giới có chức quyền. Tiên sinh thì cứ một mực tưởng rằng đi làm trong công sở nhà nước là đầy tớ của nhân dân cả đấy! Việc đánh đồng công nhân viên nhà nước trong các ngành thuế vụ, hải quan; công an, tòa án, viện kiểm sát; một số hạn chế các quan chức cao cấp có công việc liên quan trực tiếp đến việc lập, phê duyệt, thực thi các dự án lớn, các công trình xây dựng cơ bản có vốn đầu tư lớn với giới chức quyền bộc lộ vốn hiểu biết xã hội rất đáng ngờ!
Chính vì hiểu vấn đề như ở trên nên Hoằng tiên sinh đã viết ở mục 2 như sau: ưu thế và ưu tiên phải là ưu thế và ưu tiên đương nhiên dành cho công quyền! Ở đây không phải là ưu tiên, mà là bước đi bắt buộc trong hoàn cảnh hiện tại nhằm tạo sự chuyển biến đủ để lột xác một bộ phận công chức có liên quan đến tiền THUẾ, trên cơ sở đó, vừa có tiền để thực hiện lương mới cho số đông còn lại, vừa nhân rộng được những gì đã tạo dựng được trong các ngành, nhóm công chức kể trên.
5. Cần đặt các giải pháp, chính sách trong bối cảnh toàn thể chung ở chính thời điểm làm chính sách - Ðã bàn ở mục 2.
6. Ðọc đến mục này tôi lại phát hiện ra một sở thích khác của tiên sinh họ Hoằng: ông cũng rất thích nói về cải cách dân chủ, cải cách xã hội. Chỉ có điều, ngón võ này tiên sinh cứ dùng hoài, bạn đọc có thể bắt gặp ý tưởng tuyệt vời này cả trong bài Tản mạn với điều khó hiểu của lương. Nói cho công bằng thì tiên sinh cũng đã nhìn thấy được vấn đề, có điều ông cứ ngỡ chỉ có mình ông thấy nên gặp ai người cũng dạy dỗ bảo ban: Này! Nhất thiết phải có cái món cải cách dân chủ, cái cách xã hội đó nghe! Xin thưa cùng xếnh xáng rằng ở đây có hai điểm ngài cần phải hiểu:
- Ðã là giải pháp và ở mức độ của một giải pháp giải quyết một nan vấn cụ thể thì điều quan trọng đầu tiên là chỉ được phép đưa ra những đề xuất, đề nghị những bước đi có tính chiến thuật khả dĩ thực hiện được, xoay quanh vấn đề đang bàn, cùng lắm thì cũng chỉ kéo theo một vài lĩnh vực liên quan. Nay tiên sinh cứ khăng khăng đòi làm chuyện lớn, có tầm chiến lược và một mực quả quyết rằng tất tần tật phải gắn với cải cách dân chủ, cải cách xã hội. Cứ theo lập luận của tiên sinh thì chính phủ đã chẳng thể nào cấm đốt pháo được hay sao? Tiên sinh đã bao giờ đi xe lửa chưa nhỉ? Xe lửa bây giờ và xe lửa của những năm 80 (TK20) khác nhau lắm lắm. Không lẽ cũng nhờ cải cách dân chủ, cải cách xã hội sao?
- Ai sẽ thực hiện cải cách dân chủ, cải cách xã hội? Thực hiện như nào, theo cách thức ra sao? Ðâu là cơ sở lý luận? Thời điểm có thể thực hiện? Nếu muốn hiểu những điều này mời tiên sinh đọc các bài: Lý thuyết tổ chức xã hội, Những tác động của hội nhập và toàn cầu hóa xét ở góc độ kinh tế - chính trị.
1/9/2004
Nguyễn Thục Nhi
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...