Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Ðọc sách Biển điên của Túy HồngXXXX

Ðọc sách Biển điên
của Túy Hồng

Hơn một nửa dân số Việt Nam và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỷ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Phạm Thị Tuyết, một thanh niên Mỹ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California. Talawas
Các nhân vật chính:
Vy - người con gái từ Huế vào Nam;
Quân - người yêu của Vy ở Huế;
Thái Mai - người văn sĩ mà Vy đã gặp ở Sài Gòn;
Các nhân vật phụ
Bà Phục - mẹ Vy;
Tuyết và Mai – hai em gái của Vy, đã có gia đình và định cư tại Sài Gòn;
Châu, Mai, Gấm, Thương - các chị, em gái khác của Vy;
Khoa- chồng của Tuyết;
Cúc Mai, Phát… - các bạn của Quân;
Ngọc, Thanh Thanh: bạn của Thái Mai và Vy;
Phúc, bạn của Khoa mà Tuyết muốn giới thiệu cho Vy, và nhiều nhân vật phụ như các con của Tuyết, những người bạn của Vy, vợ chồng Cúc, những người làm chung sở, v.v.

Mở đầu
Quân đến nhà thăm Vy, nhưng cô đã lặng lẽ bỏ vào Sài Gòn. Quân bỡ ngỡ khi nghe Gấm báo tin “chị Vy đi Sài Gòn.” Anh ra về và hồi tưởng lại những kỷ niệm với Vy.

Nội dung truyện
Vy người Huế. Cô chơi thân với Quân được bốn năm, và đã đến tuổi lấy chồng, nhưng Quân vẫn rong chơi, không bàn tính chuyện tương lai. Quân vốn đào hoa. Anh từng có nhiều người bạn gái và đã “biến” họ thành người yêu, nhưng chưa biến ai trở thành vợ. Mọi người, kể cả chính Vy, đều nghĩ họ sẽ thành đôi, nhưng sau bốn năm chờ đợi vẫn chưa có gì. Vy nhận ra Quân không phải là chỗ để cô nương tựa cả đời, vì Quân vốn đào hoa, và đã bỏ rơi nhiều cô bạn gái trước đây của anh. Có đôi lần Quân hứa sẽ cho người làm mai qua, nhưng hôm sau anh lại tỉnh bơ như chưa hề nói điều gì. Vy thất vọng về Quân. Cô bỏ vào Sài Gòn sống chung với gia đình riêng của Tuyết, em Vy.
Quân vào Sài Gòn để bày tỏ tình cảm của mình và khuyên Vy trở lại Huế, nhưng Vy từ chối. Quân cũng không vì Vy mà ở lại Sài Gòn vì Huế là tất cả tuổi thơ của anh. Chồng Tuyết khá giả nên họ ở biệt thự khá đẹp. Tuyết hay tìm cách để giới thiệu những người đàn ông tốt cho chị mình, nhưng không thành công. Vy đi dạy đàn piano kiếm tiền, nên cuộc sống đỡ hơn hồi còn ở Huế. Vy gặp Thái Mai ở chỗ làm nơi cô đánh đàn cho ca sĩ, còn Thái Mai viết chương trình cho buổi diễn. Từ đó họ trở thành tình nhân, thường xuyên cùng nhau đi phố. Thái Mai quê ở ngoài bắc, bỏ vào Sài Gòn sau năm 54. Tính anh vốn không tiếc tiền nên làm được bao nhiêu là tiêu hết vào phòng trà, ăn uống, và sòng bạc. Tuy Thái Mai không đẹp trai, mặt dài, già và không có tài sản gì hết, Vy vẫn thương Thái Mai. Họ đi phố thường xuyên. Lần đầu tiên anh dẫn cô đi chơi đã không về nhà kịp giờ giới nghiêm (12giờ đêm), nên họ bị cảnh sát bắt về đồn và phải ngủ lại đó. Tuy Vy rất giận Thái Mai, nhưng rồi cô thấy việc ngủ lại ở đồn cũng thú vị và muốn quay trở lại. Cặp với Thái Mai, Vy ngỡ lần này cô đã tìm được chỗ nương tựa cả đời, nhưng chuyện không may lại đến với cô.
Một lần, Thái Mai rủ chị em Vy đi ăn, có cả Tuyết, Châu, Vy và Thái Mai. Lần đó, Ngọc, một cô ca sĩ nổi tiếng, bạn của Thái Mai, đã đến chào Vy và Thái Mai. Tuyết tỏ ra không thích Vy chơi với Ngọc, vì có thời cô đó bắt cá hai tay, làm vợ hai người đàn ông Mỹ cùng một lúc. Từ đó, Thái Mai bắt đầu chê các chị em của Vy ngu dốt, quê mùa, tham tiền, v.v… Chị em Vy vốn thương nhau nên cô không chịu được lời phê bình của Thái Mai về họ mình. Cuộc cãi cọ giữa cô và Thái Mai càng ngày càng lớn. Cuối cùng hai người chia tay.
Sau cuộc chia tay giữa cô và Thái Mai, năm 1970, Vy trở về Huế ăn tết cùng gia đình, và gặp lại Quân. Sau một năm Vy ở Sài Gòn về, Quân vẫn yêu cô và ngỏ ý cầu hôn. Anh viết thư xin lỗi vì đã làm phí bốn năm cuộc đời con gái của Vy. Anh xin lỗi vì đã cướp mất tất cả cơ hội Vy có thể tìm hiểu những người đàn ông khác. Anh xin lỗi vì đã vô tình đuổi đi tất cả đàn ông muốn tìm hiểu Vy. Những người đàn ông đó rút lui, dành trọng trách chăm sóc Vy lại cho Quân, nhưng rồi Quân lại ngu dốt, không hoàn thành trách nhiệm họ đặt ra cho anh. Anh hối hận vô cùng và thấy đời vô vị khi đã mất Vy. Nhận được thư Quân, nhưng Vy giả vờ không nhận được. Cô đã mất lòng tin nơi Quân, nên cô thấy những gì anh đang làm không thể tin tưởng được. Tuy gia đình Vy ai cũng đồng ý và chấp nhận lời cầu hôn của Quân, nhưng trước mặt Quân, Vy “không cảm động, không bối rối xúc cảm, không chi hết cả, mình trơ trơ như củ khoai sượng, lạnh như nước để lắng trong lu.” (tr. 486).

Kết thúc
Vy cùng mẹ và các em đi chùa xin quẻ đầu năm. Nhà sư giải quẻ săm của Vy không được tốt lắm. “…Việc hôn nhân cứ tưởng đã cầm chắc trong tay lại vuột bay bất cứ lúc nào. Số này trông đào hoa mà hóa ra cô đơn… Trong chuyện tình cảm người ở xa thì vẫn ở xa và người ở gần rồi cũng đi xa…” (tr. 491). Những điều khác cũng rất xấu. Mẹ Vy nhắc nhở, trong gia đình ai cũng đã chấp nhận Quân và anh đã nhờ người qua hỏi cưới Vy. Bây giờ chỉ cần sự đồng ý của Vy thôi. Nước mắt ràn rụa, Vy lắc đầu: “…Không.” Bà Phục hỏi “Răng rứa?” Vy lắc đầu: “Con đi ngoại quốc, con đi Mỹ.” (tr.492).
Truyện này không hề đề cập tới biển nên tôi nghĩ biển điên là nghĩa bóng tả cuộc đời đầy sóng gió của Vy. Chúng ta thấy biển hay có sóng gió, và biển điên thì càng sóng gió nhiều hơn. Cũng như cuộc đời trôi nổi của Vy. Cô đã để tình yêu đẩy đưa cô bốn năm thời con gái, nhưng rồi sóng gió cứ mãi đẩy đưa không bờ bến. Cô muốn tự mình nắm lấy số phận của mình bằng cách bỏ vào Sài Gòn tìm cuộc sống mới, nhưng rồi cũng thất vọng. Sóng gió vẫn không rời bỏ cô và ngược lại còn đẩy cô tới nơi khác. Nhà sư đã giải thích quẻ săm của Vy rằng cuộc sống cô còn nhiều phong ba bão tố, cô không nên cầu nhiều để rồi thất vọng. Vì “biển điên,” nên sóng gió có thể ập đến bất cứ lúc nào. Cuộc đời Vy ví như biển điên, ngập tràn bão tố phong ba . Những chuyện không may mắn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thình lình như đêm Tết Mậu Thân ở Huế.
Truyện này xảy ra đầu năm 1969 và ở Huế. Có đoạn Vy ngồi xem truyền hình chương trình tao đàn dành riêng cho Huế, cô nhớ lại Huế. Tết Mậu Thân năm ấy vẫn còn trong trí óc cô.
“Huế đã kéo dài một thời gian khủng khiếp trong tiếng súng AK, tiếng bom đạn B40 và những chiếc huyệt tập thể. Thành phố Huế đi trong cơn động đất kinh hoàng, cầu Trường Tiền gãy nhịp, chợ Đông Ba nát tan. Đất đau đớn! Trời đau đớn! Thương tiếc đại nội một thời oanh liệt của thành quách vàng son cung điện đã bị xóa nhòa dưới làn mưa đạn… Hết rồi nét đẹp cổ xưa. Hết thật rồi. Huế cúi đầu bâng khuâng dằn vặt không nguôi! Hàng kẽm gai chằng chịt hết ý con người… Không một định nghĩa nào sót lại ở quê hương nhỏ bé đó. Nếu có chăng thì chẳng làm gì được ngoài sự lặng câm nhìn máu đổ thây phơi của những người dân Huế vô tội. Lúc này thật chẳng còn có nghĩa gì với một kẻ chết hay người sống. Người Huế khóc người Huế chết rồi ngậm ngùi cho quê hương tả tơi ‘sống thêm một ngày là nhận 24 giờ chua xót!’ Huế bây giờ chỉ còn là một Huế buồn bã! Một Huế bất động. Lớp học mất linh hồn! Phiên chợ ngơ ngẩn! Tấc rau đất quê nhà hãi hùng!” (tr.354-355).
Đoạn văn trên miêu tả thành phố Huế thơ mộng biến thành một bãi đổ nát không còn sự sống. Linh hồn của người dân Huế như bị ai cướp mất. Mọi người đều não nề như không thể tiếp tục sống được vì sự mất mát to lớn sau cuộc chiến.
Tuy đang chiến tranh nhưng sự di chuyển giữa Huế và Sài Gòn không có gì khó khăn. Bằng chứng là có rất nhiều người di tản vào Sài Gòn. Dân Sài Gòn chỉ chịu một ảnh hưởng chiến tranh nhỏ, đó là đi chơi không được quá 12 giờ đêm, nếu không sẽ bị cảnh sát bắt về đồn ngủ lại. Trong khi đó, những người dân Huế đã chứng kiến đêm Tết Mậu Thân, luôn bị tiếng súng nổ làm hoảng hốt. Vào dịp Tết Tây năm 1971, lúc giao thừa, lính Mỹ đã bắn súng ăn mừng, gây nên những tiếng nổ thật lớn và kéo dài một thời gian lâu. Chị em Vy nhớ lại tiếng súng đêm Tết Mậu Thân và hoảng sợ. Điều này một lần cho thấy mức độ khủng khiếp của cuộc chiến Tết Mậu Thân, làm người chứng kiến không thể quên được. Khoa, chồng Tuyết, là người ở Sài Gòn nên rất bình thản, biết những tiếng nổ kia là do súng của lính Mỹ bắn ăn mừng Tết.
Tôi, một cô gái sống ở Huế 13 năm trời, chưa bao giờ được nghe về lịch sử Huế. Cùng tâm trạng với Vy, tôi thấy thương Huế vô cùng. Có lẽ sau cuộc chiến đó, nhiều người Huế không chịu được cảnh tan nát của Huế, nên đã di cư vào Sài Gòn. Cuộc sống trong Nam khá giả hơn và dễ làm ăn hơn, vì vậy rất nhiều người bạn của Vy, cũng như hai em Tuyết và Mai, đã bỏ vào Sài Gòn làm ăn. Họ thích thành phố Sài Gòn đầy đủ tiện nghi và vật chất hơn. Vy cũng muốn rời xa Huế. Huế đã mất hết sự sống, cần một thời gian khá dài để xây dựng lại thành phố thơ mộng ấy. Có lẽ vì sự phát triển chậm chạp sau cái tết Mậu Thân khủng khiếp đó, có những người dân Huế đến nay vẫn còn sống trong khổ cực và thiếu thốn. Tuy cầu Tràng Tiền đã được nối nhịp, Thành Nội cổ kính đứng trơ trơ, chợ Đông Ba vẫn tấp nập như ngày ấy, nhưng có lẽ bọn trẻ mới lớn như tôi rồi sẽ ít có ai biết đến có lần Tết Mậu Thân, Huế đã bị vùi dập dưới bom đạn.
Trong truyện còn có thêm một chi tiết nhỏ nữa là lúc chồng Cúc về thăm nhà và bắt gặp vợ mình đang xới cơm cho Quân. Ông tưởng vợ đã phải bội mình. Tuy vậy, ông lại đồng ý cho Cúc và Quân thành đôi nếu họ thương nhau thật tình. Vì thương vợ và biết mình có thể mất mạng bất cứ lúc nào, ông không những đã không trách vợ, mà còn đồng ý cho vợ mình theo người khác. Hành động này phản ảnh lên nỗi niềm riêng của nhiều người lính trong chiến tranh. Chiến tranh làm họ yếu lòng, khi biết số mạng sống chết của mình không còn tùy thuộc vào mình nữa; đành chấp nhận xuôi theo cơn sóng của biển đời. 
6/5/2005
Phạm Thị Tuyết
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm c...