Vì sao văn học ta
"Chưa ngang tầm thời đại"?
Lời tác giả: Bài tham luận này tôi đã chuẩn bị để đọc
trước Đại hội nhà văn lần thứ 7 vừa qua. Tuy nhiên, vì thời gian hạn chế và vì
nhiều lý do khác, tôi chỉ trình bày bằng miệng trước Đại hội những nội dung
chính của phần 1. Sau khi tôi phát biểu, nhiều người muốn đọc bằng văn bản nên
tôi đã bổ sung những ý đã nói thêm trên diễn đàn và gửi đăng toàn văn bài viết
trên talawas.
Từ nhiều năm nay, trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và
các bài xã luận, tổng kết, báo cáo thường kỳ của nhiều hội nghị thường xuất hiện
mệnh đề “Văn học nghệ thuật của ta chưa có tác phẩm ngang tầm thời đại” hoặc
“chưa có tác phẩm xứng tầm thời đại”. Mệnh đề đó như một câu kinh buồn, một lời
xưng tội, một định mệnh kém cỏi, một lời tự thú, người ta cứ cứ lặp đi lặp lại
như một chân lý hiển nhiên. Nhưng mệnh đề “văn học của ta chưa ngang/xứng tầm
thời đại” có thể hiểu thế nào? Phải chăng, cứu cánh của văn chương nghệ thuật
chỉ là vươn tới ngang tầm thời đại hay còn có một cứu cánh nào cao cả, lớn lao
hơn?
1. Thế nào là một nền văn nghệ “ngang tầm thời đại”?
Ngày xưa, thời chiến tranh, ta có thể hiểu “tầm thời đại” là tầm lý tưởng, tầm
anh hùng, tầm của những hy sinh, chiến thắng. Ngày nay, thời kinh tế thị trường,
hội nhập, toàn cầu hoá, với rất nhiều những biến động đổi thay phức tạp trong đời
sống xã hội. Phải chăng, giờ đây, khi nói “văn học của ta chưa ngang tầm thời đại”
là muốn nói văn học nghệ thuật chưa phản ánh hết tầm của suy thoái, tụt hậu và
tham nhũng, nghĩa là chưa mổ xẻ hết tầm những tấn bi kịch của nhân dân và dân tộc
trong thời buổi hôm nay, chưa phanh phui hết tầm những thủ đoạn lưu manh, những
mưu mô tàn bạo và những vỏ bọc tinh vi của đám người tham nhũng, con buôn, ăn
gian và đầu cơ các kiểu trong thời đại mới? Trong văn kiện đại hội nhà văn lần
này có nhận định rằng văn học của chúng ta “luôn luôn xa hoặc gần, trực tiếp
hay gián tiếp gắn với tư tưởng thời đại.” Xin hỏi, tư tưởng thời đại ở đây là
tư tưởng gì? Chủ nghĩa hậu hiện đại là một trong những tư tưởng thẩm mỹ của thời
đại, nhưng chúng ta đã phê phán, giễu cợt chê bai nó, “đánh đập” nó tơi bời
trong nhiều bài báo, công trình của các nhà văn và các giáo sư. Như vậy, đâu phải
là chúng ta muốn vươn tới sánh ngang tầm tư tưởng của thời đại?
Cách đây không lâu, khi còn đang làm phim Ký ức Điện Biên, hoạ sĩ Vũ Huy
và tôi có việc phải vào Bộ Văn hoá. Chúng tôi mặc quần soóc, nên người bảo vệ
kiên quyết không cho vào, nói rằng chúng tôi phải ăn mặc cho nghiêm chỉnh khi đến
các cơ quan nhà nước. Chúng tôi giải thích rằng cả hai vừa từ trường quay đến
thẳng đây vì cần gặp Bộ trưởng có việc gấp, nhưng họ vẫn kiên quyết không cho.
Hoạ sĩ Vũ Huy liền rút mô-bai ra tìm bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc quần soóc
đứng cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp mặc com-lê thắt cà-vạt chỉnh tề bật cho nhân
viên bảo vệ xem và hỏi: “Theo anh thì hai ông này ông nào nghiêm chỉnh hơn?”.
Người bảo vệ bật cười rồi cho chúng tôi vào.
Kể câu chuyện này để thấy, chỉ một khái niệm“nghiêm chỉnh” thôi mà cũng mỗi
người hiểu một cách khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, tuỳ theo hệ quy chiếu,
điểm nhìn, thói quen và trình độ. Thế mà, trong các văn bản pháp quy hay trong
sách báo của chúng ta lại đầy rẫy những cụm từ chung chung, những khái niệm mơ
hồ, những định đề cảm tính, những cụm từ hoá thạch tư duy như một bãi tha ma những
hài cốt tinh thần, chữ nghĩa kiểu như “chưa ngang tầm thời đại”. Nhìn chung,
người ta vẫn quen để những cụm từ sáo mòn, vô nghĩa như vậy trôi trượt qua tai,
qua mắt trong suốt cuộc đời giống như vẫn để những người ăn mày, những người tiếp
thị lướt qua cửa nhà mình, không đón tiếp những cũng không gây sự. Nhưng nếu ta
chăm chú nhìn kỹ vào những cụm từ tù mù, hiển nhiên, trôi trượt vẫn vật vờ chễm
chệ trong các không gian tinh thần công cộng đó thì ta sẽ thấy chúng là sản phẩm
của một kiểu văn hoá ước lệ, bất minh bạch và bình quân chủ nghĩa, trong đó các
sản phẩm tinh thần phải có một phẩm chất công cộng mang tính co dãn, bất định để
thích nghi với mọi quan hệ, mọi thời đại. Đôi khi chúng cho phép mỗi người có
thể chiếm hữu chúng theo cách riêng, giống như con thú treo lủng lẳng trong lều
của những thợ săn để ai cũng có thể xẻo một miếng mà luộc, nướng, nấu, xào hay
ăn gỏi tuỳ theo ý của mình.
Khi mỗi người hiểu mệnh đề, khái niệm theo một cách khác nhau thì sẽ dẫn đến những
lý lẽ và hành động trái chiều, đối nghịch là lẽ đương nhiên. Nhưng trong đời sống
văn học nghệ thuật của chúng ta lại xuất hiện những kẻ độc quyền diễn giải các
khái niệm tù mù, đầu cơ trên sự mơ hồ, mòn sáo của các chủ trương, chỉ thị hay
nghị quyết. Bí quyết để những kẻ này giành thế thượng phong trên văn đàn là
luôn diễn giải các khái niệm có tính công quyền một cách đơn giản, nôm na, theo
logic đời thường, dễ hiểu với đám đông và những cách diễn giải đó được công quyền
chấp thuận cổ vũ và bảo vệ như là những phát ngôn chính thống. Trần Mạnh Hảo là
nhân vật điển hình cho kiểu lý luận đầu cơ trên lẽ phải thông thường, quy giản
các quan hệ văn hoá học thuật thành quan hệ chính trị và đạo đức để quy chụp nặng
nề những người có cách tiếp cận khác từ phía chuyên môn, hoặc có cách viết khác
với những gì được anh ta coi là bút pháp chính thống. Từ năm 1995 đến nay, Trần
Mạnh Hảo đã viết nhiều bài viết xuyên tạc, bóp méo, bôi bẩn, quy kết đạo đức
chính trị hàng loạt tác phẩm có tìm tòi về thi pháp như các tập thơ Mùa sạch của
Trần Dần, Bóng chữ của Lê Đạt, 99 tình khúc của Hoàng Cầm, Người
đi tìm mặt của Hoàng Hưng, Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang
Thiều, tiểu thuyết Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà… Những bài viết
của Trần Mạnh Hảo gây rất nhiều thiệt thòi cho các tác phẩm và tác giả.
Báo Văn nghệ đang chuẩn bị hội thảo về tiểu thuyết Cơ hội của
Chúa thì ngừng lại vì bài phê phán của Trần Mạnh Hảo in trên báo Nhân
dân được coi là ý kiến của Đảng. Những bài viết của Trần Mạnh Hảo bôi bẩn,
thoá mạ thơ Hoàng Cầm, thơ Trần Dần hay xuyên tạc cuốn sách Ngày văn học
lên ngôi của tôi đều bị tôi viết bài đối thoại, bác bỏ từ góc độ học thuật
mà Trần Mạnh Hảo không thể nói lại được. Trong các bài Kẻ lục soát đền thơ in
trên Người Hà Nội và Giải mã bí quyết của mấy nhà phê phán in
trên Văn nghệ quân đội tôi đã giải mã những thủ đoạn học thuật cơ bản
của Trần Mạnh Hảo. Đó là các trò cắt xén, xáo trộn thứ tự, đảo lộn cấp độ, đánh
tráo chủ thể, xuyên tạc về tư tưởng, quy giản các logic nghệ thuật và học thuật
thành logic đời thường, lắp ghép ý kiến của người khác thành hệ thống mới theo
ý mình rồi đo đạc hệ thống mới đó bằng các thước đo chính trị và đạo đức. Nhiều
nhà văn bị Trần Mạnh Hảo vu cáo xúc phạm cũng đã viết bài nói lại, chỉ ra những
sai lầm về tri thức và nguỵ biện về lập luận của Trần Mạnh Hảo qua các bài viết
của anh ta, nhưng đa số không được in ra. Đến khi NXB Hải Phòng tập hợp lại các
bài viết về Trần Mạnh Hảo trong cuốn sách Về một hiện tượng phê bình dày
hơn 600 trang thì Ban Tư tưởng-Văn hoá và Bộ Văn hoá-Thông tin đã ra lệnh cấm
cuốn sách này. Chính vì có những o bế bất công như thế, nên những phản ứng của
xã hội phải được xả ra dưới hình thức dân gian. Năm 1998 tôi đã phải viết một
thư ngỏ chuyền tay gọi Trần Mạnh Hảo là cái ca-pôt rách của Đảng, giữ vệ
sinh cho Đảng trong quá trình giao lưu văn hoá làm bạn với tất cả thế gian.
Phê bình, thẩm định văn chương là quyền tự do của mỗi người, bản thân những bài
viết, những nhận định phản ánh trình độ và nhân cách của tác giả. Nhưng
cái cách phê bình kiểu Trần Mạnh Hảo và sự o bế của những người lãnh đạo văn
hoá văn nghệ với lối phê bình ấy đã biến anh ta trở thành một vấn đề xã hội bức
xúc trong giới cầm bút vì nó đã gián tiếp hạn chế tự do sáng tác một cách tinh
vi và có hiệu quả khi nó tạo ra một môi trường văn hoá phê bình cộng sinh giữa
những thái độ chính trị văn hoá bảo thủ thâm sâu và cái suồng sã hồn nhiên trơ
tráo của một thứ văn chương cai lệ. Cái mới trong sáng tác có cội nguồn
sâu thẳm từ cảm hứng mới mẻ và nhận thức tinh tế của nhà văn. Khi Trần Mạnh Hảo
quy kết chính trị và đạo đức, bôi bẩn về thẩm mỹ, xúc phạm thô bạo những tác phẩm
có những tìm tòi đổi mới về thi pháp, anh ta đã làm thui chột nhiều cảm hứng
sáng tạo của nhà văn. Làm cho những người viết có tài chán nản, cụt hứng, đó là
cái hiệu quả khống chế tự do sáng tác một cách sâu xa mà Trần Mạnh Hảo đã gây
ra trong đời sống văn nghệ Việt Nam một thập kỷ qua. Nếu như cây roi của các
nhà chính trị bảo thủ trước đây chỉ quất vào mông văn nghệ sĩ như Tự Đức đòi
đánh đòn Nguyễn Du, thì ngọn roi của Trần Mạnh Hảo lại quất vào tim những người
cầm bút. Nằm trong chăn biết chăn có rận, là nhà thơ có chút tinh tế, tài hoa,
sắc sảo, Trần Mạnh Hảo đã đem những phẩm chất thi nhân của mình len lỏi vào
thâm cung chữ nghĩa trong tâm hồn người viết để thăm dò, tâu báo và khủng bố.
Đó là cái cách lợi hại khiến anh ta được phái bảo thủ bất tài trọng dụng để vừa
hạn chế tự do sáng tác của các nhà văn, vừa đẩy nhà văn vào những chuyện ngoài
lề chữ nghĩa. Những người cầm bút phải dành thời gian tâm trí cho việc thanh
minh, tự vệ truy lĩnh lại thanh danh đã bị bôi bẩn và vì thế không còn tâm trí
nghĩ về những chuyện lớn lao có tầm vóc toàn xã hội như tự do, dân chủ. Trần Mạnh
Hảo là kẻ cướp đi nhiều tự do sáng tác của nhà văn, là cái roi ai đó đã dùng quất
vào tâm hồn trí tuệ tự do của người nghệ sĩ, nay bỗng dưng anh ta lại la lối
kêu ca về tự do sáng tác có khác nào vừa ăn cướp vừa la làng, đổ vấy tội lỗi của
mình cho ai đó! Trên diễn đàn đại hội nhà văn lần 7 vừa qua, Trần Mạnh Hảo lại
lớn tiếng đấu tranh đòi tự do sáng tác. Thật chẳng khác gì Chí Phèo lại có ngày
la làng chửi bới những kẻ du côn đái vào miếu Thành Hoàng. Trần Mạnh Hảo nói rằng
văn nghệ sĩ là những người thấp cổ bé họng trong xã hội mà lẽ ra họ phải là Thượng
đế trong chân trời sáng tạo của mình, nhưng hỡi ôi, trước đó không lâu cái kẻ
văn nhân thấp cổ bé họng đó đã bị “anh gác chợ” Trần Mạnh Hảo cậy quyền cậy thế
hoạnh hoẹ, lục soát văn thơ, sờ nắn khám xét từng dòng chữ, từng dấu phảy để
đong đếm từng tiếng cười tiếng khóc mà tri hô với Đảng về tư cách khả nghi của
họ. Sau khi dùng những bài viết thô bạo và nguỵ biện để cướp đoạt được miếng đất
tự do sáng tác, Trần Mạnh Hảo lại lớn tiếng bảo vệ miếng đất anh ta vừa cướp được,
đó là cái cách thể hiện chủ quyền công khai để phi tang những hành vi cướp đoạt,
tiến tới làm “sổ đỏ” cho miếng đất “bốn mặt tiền” anh ta có được sau ba lần trở
cờ trắng trợn. Trên diễn đàn Đại hội, Trần Mạnh Hảo cũng phi tang việc anh ta sử
dụng báo chí của công an làm nơi khủng bố văn nghệ sĩ bằng việc la lối về công
an văn hoá khiến ông Khổng Minh Dụ phải bước lên trên bục để thanh minh.
Khi một bài viết đăng trên một tờ báo, người ta không chỉ nghĩ về một tác giả
mà người ta nghĩ đến một thế lực đằng sau - thế lực chính trị, thế lực kinh tế,
thế lực văn chương. Dù trên các văn kiện chính thức Đảng và nhà nước vẫn tỏ ra
mở rộng tự do sáng tác, nhưng việc Trần Mạnh Hảo và một số người viết khác sử dụng
các diễn đàn của các báo công an quân đội để quy kết chính trị bôi bẩn vu cáo
văn nghệ sĩ cũng vô tình phản ảnh một động thái chính trị khiến văn nghệ sĩ
không tin tưởng vào chế độ. Tôi rất băn khoăn về việc các báo Quân đội
nhân dân, Văn nghệ quân đội và Công an TP Hồ Chí Minh liên tục
cho đăng những bài đánh tôi trong nhiều năm nay, đánh từ văn học đánh sang điện
ảnh, quy kết chính trị nặng nề, toàn những tội tày đình, có thể bị bỏ tù chung
thân theo luật pháp: bài ký Nguyễn Thành Lân trên báo Quân đội nhân dân kết
tội tôi chống lại khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chủ tịch,
bài ký tên Đặng Thành Nam trên báo Công an TP Hồ Chí Minh quy kết tôi là móc nối
với những người chống cộng, tiếp tay cho những kẻ chuyển lửa về quê hương. Điều
đáng nói là những bài đánh nặng tính vùi dập quy kết chính trị đó hoàn toàn
không đúng, nên có bài về sau chính tác giả cũng thấy ân hận. Chẳng hạn, năm
1988, nhà thơ Nam Hà có viết một bài dài in trên hai số báo quy kết và thoá mạ
nặng nề xung quanh bài viết của tôi về văn học hải ngoại in trên tờ Việt (Australia).
Một thời gian sau, trong một cuộc hội thảo ở Văn nghệ Quân đội, một người
bạn tôi là anh Trần Ngọc Vương có nói: “Anh Nam Hà có bài thơ rất hay mà thế hệ
chúng tôi rất nhớ, đó là bài ‘Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam
ơi’. Nhưng chúng ta chiến đấu để cho Người sống mãi chứ không phải chiến đấu để
cho Người phải chết. Vì thế không nên có những bài như bài đánh Đỗ Minh Tuấn
trên báo Công an TP thì hơn”. Sau buổi hội thảo, anh Nam Hà có thanh minh với
Trần Ngọc Vương rằng: “Nhờ Vương nói với Tuấn là bài ấy của mình bị toà soạn họ
cắt xén thêm bớt nhiều, rồi đặt lại đầu đề. Chứ mình viết không đến nỗi nặng nề
như thế”. Sau này, khi tôi làm phim về Điện Biên Phủ chiếu cho hơn hai triệu
người xem trong cả nước, gần hai chục tờ báo có bài khẳng định phim hoành
tráng, chân thực và xúc động vượt lên tất cả những phim chiến tranh và phim đặt
hàng từ trước tới nay, nhưng riêng các báo của công an liên tục có bài bôi nhọ.
Điều đó khiên tôi không khỏi suy nghĩ, phải chăng tôi đã chạm vào một vấn đề nhạy
cảm “có tầm thời đại” trong mối quan hệ quân đội công an, nên tác phẩm của tôi
bị đối xử bất công?
Qua trải nghiệm của bản thân và qua quan sát, tôi nhận thấy các bài viết phê
bình lý luận và các sáng tác nào thể hiện một nỗ lực vươn tới “ngang tầm thời đại”
- nhắm tới những vấn đề của thời đại, vận dụng những phương pháp, những tri thức
và những kỹ năng của thời đại - đều chịu số phận không may, bị những kẻ cơ hội
nhân danh Đảng xuyên tạc, bôi bẩn và xúc phạm. Những nỗ lực đối thoại, trao đổi
học thuật để đi đến một sự đồng cảm, đồng điệu đều bị chặn lại vì một tập quán
mini họa trong đời sống học thuật và báo chí của chúng ta. Ở nước ngoài hay ở
chính nước ta trước đây đã có những cuộc tranh luận kéo dài hàng năm, thậm chí
vài năm xung quanh một vấn đề. Nhưng giờ đây, những cuộc trao đổi như vậy không
có nữa, hoặc là chỉ trói lại để đánh, hoặc là bị Ban Tư tưởng-Văn hoá stop giữa
chừng. Tôi đề nghị Ban TTVH không stop các cuộc trao đổi, tranh luận học thuật
nữa. Nếu thấy cần khẳng định một quan điểm nào đó, thì hãy đặt hoặc thuê người
giỏi viết bài đáp lại các quan điểm trái ngược, nếu trong nước không có người đủ
trình độ giúp Đảng chiến thắng thì bỏ tiền ra thuê học giả nước ngoài, chứ
không nên dùng quyền để stop các cuộc tranh luận mà quan điểm được coi là chính
thống đang yếu thế. Có như thế mới làm cho nền văn học nghệ thuật của chúng ta
ngày càng phát triển ngang tầm thời đại.
2. Vì sao văn nghệ ta chưa ngang tầm thời đại?
Nếu làm một cuộc khảo cổ về tinh thần, ta có thể thấy cụm từ, cái ý tưởng coi
văn học luôn luôn đi chậm hơn thời đại, luôn luôn không xứng với thời đại chỉ
xuất hiện ở nước ta vài thập kỷ gần đây. Đó là cái ý tưởng xây dựng trên một
tiên đề ngầm định rằng văn nghệ là công cụ phục vụ cách mạng, luôn luôn đi sau
để phản ánh hiện thực cách mạng mà tầm vóc của nó được đo bằng tầm ảnh hưởng
chính trị trong phạm vi xã hội. Khái niệm “thời đại” trong các văn bản nghị quyết,
chỉ thị và sách báo của ta phải hiểu là thời đại cách mạng, khái niệm “tầm thời
đại” phải hiểu là tầm tư tưởng chính trị của Đảng, tầm xả thân cho lẽ sống mà
cách mạng đã giáo dục, tầm những chiến công, sáng tạo gây ảnh hưởng lớn trên thế
giới. Nghĩa là chữ thời đại ở đây chủ yếu chỉ là thời đại của những gì xảy ra
trong nội địa, không có nhiều nội dung và ý nghĩa toàn cầu. Nếu không giới hạn
khái niệm như vậy, thì sẽ dẫn đến những băn khoăn, bối rối khi nhìn vào những sự
kiện và những chuẩn mực cũng có tầm thời đại khác trong kỷ nguyên toàn cầu hoá
với phong trào dân chủ đang ngày càng lan rộng sau cuộc cách mạng nhung ở Đông
Âu như vấn đề sự lên ngôi của đồng tiền trong thời đổi mới, bản chất văn hoá của
tham nhũng và mafia, sức ép đổi mới chính trị khi gia nhập các tổ chức quốc tế
như WTO, vấn đề độc đảng và đa đảng, vấn đề chủ quyền biên giới và lãnh hải
trong thời đại mới v.v. Bản thân những vấn đề có tầm thời đại này gần như là cấm
kỵ trong sáng tác văn nghệ trong nước, vậy thì đòi hỏi văn nghệ có tác phẩm
ngang/xứng tầm thời đại là một đòi hỏi phi lý và vô lối.
Không tính đến những gì bị hạn chế và cấm kỵ, nếu chỉ so với những gì mà cách mạng
đã làm được trong lịch sử dân tộc thì văn học nghệ thuật cách mạng quả cũng
“chưa xứng tầm thời đại”. Nhưng cái tầm vóc lùn tịt ấy của văn nghệ không phải
do tài năng của nghệ sĩ không đủ, mà chính là do cái tư cách công cụ mà
cách mạng đã định ra cho nó và cái phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa mà nó
phải đeo mang như một vũ khí chỉ định trong cuộc so gươm với văn nghệ toàn cầu
là thứ văn nghệ tự do chọn vũ khí trong các cuộc giao tranh. Nếu cách mạng quả
thực là một giá trị văn hoá tư tưởng cao nhất của thời đại, thì tên hề đồng văn
học cách mạng theo hầu ông chủ tất cũng phải được hưởng tầm cao đó, như đứng
trên vai người khổng lồ vậy. Theo logic ấy thì một tác phẩm văn nghệ cách mạng
dở cũng phải có tầm thời đại hơn những tác phẩm khác không phải là công cụ của
cách mạng. Nhưng khi mắng mỏ chê bai văn học nghệ thuật của ta còn “chưa xứng tầm
thời đại”, những người định giá văn học cách mạng đã không so sánh giá trị của
văn nghệ cách mạng với văn nghệ thế giới, mà so sánh nó với chính tác phẩm của
Đảng là hiện thực cách mạng của đất nước hôm nay. Cách nhìn nhận đó, cách
so sánh đó sẽ vĩnh viễn đặt văn nghệ sĩ vào thế vĩnh viễn thua cuộc trong cuộc
chạy đua với các nhà chính trị, trong đó, các nhà chính trị được tự do sáng tác
ra hiện thực còn các nhà văn phải tái tạo lại cái hiện thực mà các nhà chính trị
đã sáng tạo ra. Bên cạnh đó, các tác phẩm văn nghệ của ta còn bị đo đạc bởi những
thước đo hổ lốn khác của thời đại như: tinh thần duy lý khoa học của thế kỷ 19
mà nhân loại đang rũ bỏ nhưng vừa mới được du nhập bổ sung vào dân trí; chủ
nghĩa thực dụng và văn hoá đại chúng tân kỳ chộp giật và ăn xổi từ các phương
tiện truyền thông; tinh thần vọng ngoại tiềm tàng trong cơ chế tổ chức và hoạt
động của ngành văn hoá; thị hiếu tân thời của công chúng như là sản phẩm hình
thành từ phim hành động Mỹ, phim tình cảm Hàn Quốc và những vụ án ly kỳ xen những
lời răn dạy đạo lý kiểu cải lương trên báo chí công an.
Có lẽ cái tội danh “chưa ngang/chưa xứng tầm thời đại” chỉ có trong đời sống
văn học của riêng nước ta. Trong lịch sử văn học nghệ thuật thế giới, văn nghệ
luôn luôn đi trước thời đại, đứng trên tầm thời đại để tự do dự đoán, tiên tri
và mơ mộng về những quyền năng mới của loài người và những cách thức chung sống,
yêu thương, sáng tạo, đấu tranh. Các nhà văn và các nghệ sĩ điện ảnh ở nhiều xứ
sở luôn là những người có những ý tưởng vạch hướng cho khoa học tự nhiên và
khoa học xã hội, trong đó có khoa học chính trị. Các nhà viết tiểu thuyết khoa
học viễn tưởng như nhà văn Lucian (Thổ Nhĩ Kỳ) đã có ý tưởng về một con thuyền
bay lên mặt trăng từ cách đây 20 thế kỷ; Savinien Cyrano de Bergerac (Pháp) đã
tưởng tượng ra chuyện du hành lên mặt trăng và mặt trời bằng tên lửa trong bộ
tiểu thuyết Du hành đến Mặt trăng và Mặt trời (Voyages to the Moon
and Sun) viết từ thế kỷ 17; Junes Verne (Pháp) và Herbert George Well (Mỹ)
trong các bộ sách viết từ thế kỷ 19 như: Hai vạn dặm dưới đáy biển, Năm tuần
trên khinh khí cầu, Từ trái đất tới mặt trăng, Người vô hình, Cỗ máy thời gian,
Chiến tranh giữa các hành tinh… đã đưa ra nhiều ý tưởng khoa học táo bạo,
vượt tầm thời đại, tiên đoán sự ra đời của tàu ngầm, máy phát điện, máy phá
băng, điều hoà nhiệt độ, băng đĩa lưu giữ hình ảnh, âm thanh, các thiết bị giúp
tổ chức hội nghị từ xa và nhiều phương tiện kỹ thuật tân tiến khác. Không chỉ
tiên đoán về khoa học kỹ thuật, các nhà văn và các nghệ sĩ điện ảnh còn tiên
đoán về các hiện tượng tự nhiên và các trào lưu xã hội, các lối sống và thủ đoạn
hành động của con người như nhà văn Anh Arthur C. Clarke đã từng mô tả sóng thần
đổ vào bờ biển Sri Lanka trước khi chuyện đó xảy ra nhiều năm; nhà văn Isaac
Asimov trong loạt truyện về người máy và đạo diễn Steven Spielberg trong bộ
phim Trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence) đã tiên đoán về
chuyện những robot ngày càng trở nên thông minh hoàn thiện theo hình mẫu con
người, ngày càng can thiệp sâu vào đời sống xã hội và có nguy cơ chống lại nhân
loại; các nhà viết truyện tranh Nhật Bản thuộc làn sống mới shojo manga dự
báo về đồng tính luyến ái từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20, v.v...
Phải chăng, các văn nghệ sĩ của chúng ta không có khả năng vượt tầm thời đại
như văn nghệ sĩ trên thế giới? Không, chúng ta đã có Vũ Trọng Phụng tiên cảm về
một xã hội vô thường trong Số đỏ viết từ đầu thế kỷ trước, có Nam Cao
hình dung về một kiểu quyền lực của kẻ cùng đinh trong mô hình nhân cách văn
hoá đặc thù của Chí Phèo, dự cảm về cái nhạt nhẽo hiện sinh của cuộc đời trí thức
khi mất đi lẽ sống trong Sống mòn. Đó là những nhà văn ngang tầm thời đại,
vượt tầm thời đại nhờ có được tự do sáng tác và tác phẩm của họ được đo đạc bằng
những tiêu chí văn hoá, thẩm mỹ có tầm nhân loại rộng hơn nhiệm vụ của một người
chiến sĩ cách mạng.
Nhiều văn nghệ sĩ của chúng ta hôm nay mặc dù chẳng sáng tác được tác phẩm nào
thực sự có giá trị vẫn chân thành ấp ủ niềm tự hào với tư cách một chiến sĩ
cách mạng “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”, thậm chí họ sẵn sàng đánh đổi niềm
kiêu hãnh văn chương lấy niềm kiêu hãnh của người chiến sĩ. Sự xa lánh một số
phương pháp sáng tác khác ngoài phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa và sự tự
“thiến hoạn” trí tưởng tượng tự do sáng tạo được họ ý thức như một sự hy sinh
vì đại nghĩa. Nếu hiểu được đó là một kiểu phẩm giá do cách mạng đào luyện thì
không nên mắng mỏ, chê bai họ là “chưa xứng tầm thời đại”, vì đó là cách đánh
giá ăn gian theo kiểu đo một sự vật bằng hai cây thước có giá trị ngược chiều
nhau. Bởi lẽ, nếu muốn làm cái gì “xứng tầm thời đại” thì các văn nghệ sĩ của
ta khó có thể giữ nguyên tư cách người chiến sĩ trung kiên trong đội ngũ cách mạng
để biến văn nghệ thành công cụ tuyên truyền giáo dục và đấu tranh chính trị như
nửa thế kỷ qua. Nên trân trọng sự dấn thân của họ, sự hy sinh tự do của họ, sự
có mặt thầm lặng của họ trong đội ngũ những đoàn quân cách mạng.
Hy vọng rằng với những đổi mới trong đời sống chính trị xã hội, trong quan niệm
văn học nghệ thuật và trong lãnh đạo văn hoá nói chung, văn nghệ sĩ của ta sẽ
ngày càng có tự do sáng tác để cho ra đời những tác phẩm vượt tầm thời đại như
văn nghệ sĩ của các xứ người.
5/5/2005 Đỗ Minh Tuấn
5/5/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét