Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Thị trường sách báo và truyền thông Trung Quốc mở cửa cho đầu tư nước ngoài

Thị trường sách báo và
truyền thông Trung Quốc mở cửa
cho đầu tư nước ngoài

Con thú cuối cùng trong khu rừng mang tên "Sở hữu quốc dân“ của Trung Quốc là sách báo và truyền thông. Cho đến nay, do tầm quan trọng của nó trong lãnh vực tư tưởng, nó vẫn chưa được thả nổi cho cuộc săn tự do. Vì vậy, khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cuối năm 2001, Trung Quốc đã khăng khăng đòi toàn quyền quyết định thời điểm và cách thức mở cửa khu vực này theo ý mình.

Trung Quốc đã chấp nhận điều kiện là sau khi gia nhập WTO phải cho phép các công ty liên doanh (joint ventures) hoạt động trong ngành công nghiệp in ấn, nhưng với một hạn chế rằng các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép tham gia như những đối tác liên doanh với số vốn ít hơn phía đối tác Trung Quốc. Cách đây một năm, Trung Quốc tiếp tục thực thi bổn phận tiếp theo: tại các thị xã thuộc các tỉnh ở địa phương, ngành phát hành sách và báo chí (bán lẻ) Trung Quốc đã mở cửa cho vốn đầu tư nước ngoài.

Thiếu hiệu quả và quá cồng kềnh
Tất nhiên mọi nhà đầu tư nước ngoài đều phải có giấy phép của Bộ ngoại thương, ngoài ra phải được Tổng cục Thông tin và Xuất bản tại Bắc Kinh, cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc, cho phép. Mới đây, phó cục trưởng Yu Yongzhan đã tuyên bố rằng cuối năm nay ngành phát hành sách và báo chí trung ương (bán sỉ) cũng sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy là ông Yu đã thổi còi, dù là một tiếng còi rất khẽ, hầu như không nghe rõ, báo hiệu cuộc săn trong khu vực sách báo và truyền thông đã mở màn. Dây chuyền phát hành của nhà sách Xinhua, cơ quan bán lẻ sách báo lớn nhất Trung Quốc, chiếm hơn hai phần ba thị trường, sẽ được thả nổi đầu tiên. Tiếp đó, đáng ngạc nhiên thay, là ngành xuất bản. Cả hai ngành này, xuất bản và phát hành, xưa nay vốn là những thiết chế của nhà nước, do những cán bộ không thể bị cho về vườn nắm giữ, và tất nhiên chế độ ấy đẻ ra bệnh thiếu hiệu quả và quá cồng kềnh. Đảng chấp nhận trả cái giá này, để đổi lấy sự kiểm soát toàn triệt. Nhưng sau khi gia nhập WTO, sớm muộn thì các cơ quan sách báo và truyền thông Trung Quốc cũng phải đương đầu với những hãng nước ngoài khổng lồ như Bertelsmann. Trong ngạch bán lẻ sách báo, nhà sách Xinhua hiện nay đã phải đối mặt với sự cạnh tranh ráo riết của cả các hãng nội địa khác và các hãng ngoại quốc. Để giữ vững quyền kiểm soát tối cao trong lãnh vực tư tưởng, cuối những năm 90 Bắc Kinh đã cho gộp các hãng báo chí và truyền thông thành một số tập đoàn xuất bản khổng lồ, được gọi là những "hạm đội“. Nhưng thực tế cho thấy bước cải cách đó chỉ là việc giả danh, không có thực chất.
Che giấu tiến trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước
Sự lỗ vốn và thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc đã nổi tiếng từ lâu. Giữa những năm 90, Chu Dung Cơ - khi đó còn là phó thủ tướng - đã tìm cách tháo gỡ cái gánh nặng này. Ông đã thản nhiên cho một số xí nghiệp tại vùng Đông Bắc, nơi tập trung các doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất thuộc công nghiệp nặng, tuyên bố phá sản, kéo theo làn sóng phản đối kéo dài của tầng lớp công nhân cao tuổi đã suốt đời phục vụ trong các nhà máy quốc doanh. E rằng điều đó có thể dẫn đến mất ổn định xã hội, dự án "Phá sản“ này sau một thời gian ngắn lập tức bị đình chỉ. Năm 1998, Chu trở thành thủ tướng. Và có một sáng kiến hay hơn.
Công thức mầu nhiệm lần này tên là "Cải chế“ (Gaizhi). Có nghĩa là: đầu tiên thì doanh nghiệp nhà nước, tức sở hữu toàn dân, biến thành một công ty trách nhiệm hữu hạn, và tiếp theo thì công ty trách nhiệm hữu hạn biến thành công ty cổ phần. Mục đích của trò chơi rắc rối này là che giấu tiến trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, khiến các nhân viên và công nhân mãi đến phút cuối, khi doanh nghiệp được đem bán hay bị tuyên bố phá sản, mới biết rằng họ không liên quan gì đến nhà nước nữa.
Doanh nhân mới: Cơ sở quyền lực của Đảng
Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu toàn dân trở thành những con thú hoang. Nhưng chỉ những ai có mặt đúng lúc và đúng chỗ mới được phép gia nhập cuộc săn. Đó chỉ có thể là những quan chức trong Đảng và trong hàng ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc khi những người này mắc việc khác thì đó là anh chị em, dâu, rể, họ hàng của họ. Cuộc hóa giá và chuyển giao diễn ra theo hai bước. Bước 1: doanh nghiệp bị dìm giá tới mức cùng tận, sao cho cuối cùng chỉ còn lại một cái giá tượng trưng. Bước 2: vốn bỏ ra để mua các doanh nghiệp rẻ như bèo này cũng được vay từ các chương trình tín dụng của nhà nước với lãi xuất cực thấp. Thế là các giám đốc ngân hàng cũng có mặt trong cuộc săn. Kết quả: cách đây vài năm, hàng đống triệu phú Trung Quốc bỗng nhiên xuất hiện như từ trên trời rơi xuống.
Nhưng Đảng cũng được phần của Đảng trong công cuộc tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước này. Tuy ngày nay những kẻ mới phát - thường được gọi là các doanh nhân quàng khăn đỏ vì quan hệ gần gũi với Đảng - cũng thỉnh thoảng kêu ca to mồm về những tệ nạn trong Đảng, nhưng sâu trong thâm tâm thì họ vô cùng gắn bó với Đảng, vì toàn bộ của cải mà họ vơ vét được là nhờ Đảng. Sự gắn bó keo sơn của tầng lớp tư sản mới này với Đảng chính là một trong những lý do căn bản nhất, khiến Đảng cộng sản Trung Quốc bất chấp mọi vấn nạn xã hội vẫn tiếp tục ổn định trong cơ cấu quyền lực của mình. Bởi lẽ, những doanh nhân này là những mẫu người hùng của thời đại, và họ cấu thành nền tảng quyền lực cho Đảng. Chính đó là điều mà Trung Quốc cũng đang mong thực thi trong khu vực sách báo và truyền thông.
Phương thức hoạt động của kiểm duyệt
Sau nhiều mô hình thử nghiệm năm ngoái tại các tỉnh ven biển, Trung Quốc cho biết là từ năm 2005 trở đi, trong vòng 5 năm, tất cả 1011 nhà xuất bản Trung Quốc, trong đó có 570 nhà xuất bản chuyên xuất bản sách và tạp chí, chỉ trừ một ngoại lệ duy nhất, sẽ đồng loạt chuyển thành các công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong thời gian năm năm này, tất cả đều được hưởng chính sách ưu tiên về thuế. Sau thời hạn đó, tất cả sẽ chuyển thành các công ti cổ phần, mở rộng cửa cho các nhà đầu tư tư nhân, nhưng nhà nước sẽ giữ phần cổ phiếu đa số.
Hệ thống phân phối chỉ tiêu sẽ tiếp tục được duy trì, nhưng sẽ linh động hơn. Cho đến nay, mỗi nhà xuất bản đều được phân một số chỉ tiêu nhất định. Ở Trung Quốc, để xuất bản mỗi ấn phẩm đều buộc phải có một chỉ tiêu. Kiểm duyệt sẽ tiếp tục hoạt động theo phương thức này. Trong tương lai, nhà xuất bản nào làm ăn hợp ý Đảng sẽ được phân cho nhiều chỉ tiêu hơn, tức sẽ được nhiều lợi nhuận hơn. Cái đó, dân gian gọi là vừa cho roi, vừa cho kẹo.
16/9/1994
Zhou Derong
Thùy Yên dịch
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Đức, 
nhật báo FAZ24.8.2004
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...