Thượng lưu Trung Quốc tập
phô trương, nông dân mất đất khóc
Lâu đài Zhang Laffitte không phải là một phiên bản tầm thường,
nó là anh em sinh đôi phương Đông của Lâu đài Maison-Laffitte, danh lam bên bờ
sông Seine do kiến trúc sư Pháp Francois Mansart xây năm 1650. Mặt tiền đối xứng
và mái nhà đá phiến vút lên của nó được làm dựa theo các bản vẽ lịch sử cùng mười
nghìn bức ảnh, và bằng loại đá trắng Chantily, như trong nguyên bản.
Nhưng chủ nhân của nó, ông Zhang Yuchen, một người phát triển bất động sản ở Bắc
Kinh, còn muốn nữa. Ông thêm vào một vườn cây cắt tỉa, hai cánh nhà theo kiểu
cung điện Fontainebleau. Cùng với đội lính canh mặc đồng phục và hàng rào nhọn,
ông còn đào một cái hào rộng và sâu để bảo vệ lâu đài.Ông Zhang Yuchen rập khuôn một lâu đài Pháp
thế kỷ 17 để cho giới thượng lưu mới của Trung Quốc
thuê phòng và mua những biệt thự nằm giữa lối
cưỡi ngựa và sân golf. Lâu đài làm 800
nông dân mất đất trồng trọt.
“Tôi tốn mất 50 triệu đô la”, ông Zhang nói. “Thế là vì so với nguyên bản thì
chúng tôi cải tiến rất nhiều.”
Nổi trên phong cảnh cằn cỗi mùa đông của ngoại ô Bắc Kinh như một bóng ma
Go-loa, tòa lâu đài là một trò ngông cuồng nhằm bắt mắt giới mới phất của Trung
Quốc. Họ có thể thuê phòng ở đây, và sau này có thể mua những căn nhà nằm bên hồ,
gần lối cưỡi ngựa và sân golf trong khuôn viên rộng 4 km vuông của ông Zhang.
Trong con mắt của 800 nông dân trước vẫn trồng lúa mạch ở nơi mà bây giờ đã trở
thành những thảm cỏ đắt tiền, tòa lâu đài càng chướng hơn nữa. Chỉ trong một thế
hệ, xã hội Trung Quốc bình quân và khắc khổ đã tích lũy trong mình những cạm bẫy
và xung đột xã hội của nước Mỹ thời kỳ tư bản ăn cướp. Một chủ nghĩa tư bản thô
thiển đang quét sạch những gì còn lại của chủ nghĩa xã hội. Những kẻ thắng cuộc
của cuộc cải cách sống sát nách với những người thua cuộc, chỉ cách nhau bới một
hàng rào hoa văn bằng sắt và Đảng Cộng sản.
Chính quyền không cho phép nông dân được quản lý đất đai mà họ dùng để trồng trọt,
thực tế tước đi miếng bánh của họ trong nền kinh tế thị trường mới. Trong lúc
đó, nhóm người có vây cánh thì kiếm lời qua sự bùng nổ của xuất khẩu, qua thị
trường đất đai đô thị, và đôi lúc qua hậu thuẫn của chính phủ. Một số quan chức
còn cho rằng một tình trạng chênh lệch thu nhập tương tự như ở Mỹ hay Anh vào
cuối thế kỷ 19 là một điều không tránh được, thậm chí là một nghi lễ cần thiết
trong quá trình phát triển.
Ngày nay Trung Quốc có hàng chục ngàn triệu phú, không phải ai cũng tuân theo lối
sống khổ hạnh của đạo Khổng hay của chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, thay vì
muốn giấu mình đi như trước kia, ngày nay người ta chịu áp lực phải phô trương
mình.
Ông Zhang 57 tuổi, là đảng viên Đảng Cộng sản và trước kia là một viên chức cao
cấp của văn phòng xây dựng của thành phố Bắc Kinh. Ông phất lên qua việc xây
nhà tư nhân, rồi ông xin được quyền sử dụng các ruộng lúa mạch kia. Việc đầu
tiên ông làm trong dự án mới là nhân bản tòa lâu đài và lấy tên mình đặt cho
nó.
Ông thừa hiểu cái mặt chính trị trong câu chuyện này. Từ thái độ tự tin vui vẻ
ông chuyển sang xã giao cầm chừng khi được hỏi ý kiến về phân cách giầu nghèo.
Ông bảo vệ sự xa xỉ của ông, rằng đó là một cú đầu tư tuyệt vời. “Bắc Kinh giờ
đây đầy rẫy những dự án nhà ở cao cấp, vì vậy tôi phải làm một cái gì đó đặc biệt”.
Ông phát biểu trong một buổi chiều, khi dẫn khách viếng thăm đi qua sảnh đá hoa
của lâu đài. “Người mua muốn có một môi trường hợp lý để họ có cảm giác họ có
thể chứng minh mình.”
Sự phô trương gây chú ý, tuy không phải hoàn toàn loại chú ý mà ông Zhang muốn.
Kể từ khi ông Zhang thuyết phục chính quyền địa phương cho phép ông sử dụng đất,
dân làng Yangge đã tranh đấu không mệt mỏi đòi được bồi thường cao hơn. Công ty
của ông Zhang cấp cho những người cao tuổi 45 đô-la tiền phụ cấp hàng tháng.
Người trẻ có sức lao động thì có thể nộp đơn xin chăm sóc thảm cỏ, kênh rạch,
hay hái nho trong khuôn viên của ông. Họ được trả 2 đô-la một ngày.
Đối với họ, cái công trình Pháp của ông Zhang sặc mùi phong kiến. “Trước đây đó
là đất đai của chúng tôi, vậy mà bây giờ chúng tôi phải làm đơn xin làm việc ở
đó.” Li Chang, một người nông dân của làng nói. “Nhìn nó mà tôi muốn phát khóc.”
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội ước chừng Trung Quốc có khoảng 10 000 doanh nhân với
tàn sản trên 10 triệu đô-la Mỹ. Nhiều người trong số họ xuất thân từ nông dân
hay công nhân, làm việc cật lực, tiết kiệm, và vượt qua mọi khó khăn để trở nên
giầu có. Nhiều người khác thì giống ông Zhang. Xuất thân từ một gia đình nông
dân ở Shandong, số phận của ông may mắn nhờ vào Đảng Cộng sản. Ông học đại học ở
thủ đô. Vào thời kỳ Cách mạng Văn hoá, khi những người khác bị tống xuống nông
thôn để làm ruộng thì Zhang gia nhập một đội xây dựng, và rất nhanh trở thành
người quản lý. Sau đại học, ông leo lên ghế cao của Phòng xây dựng, kiểm tra
các dự án xây dựng lớn ở thủ đô.
Ông Zhang nhảy vào thương trường năm 1991. Ông tìm được một đối tác ở miền Nam
đang cần người giúp họ thoát được sự kiểm tra nhà nước. Là người trong cuộc,
ông Zhang biết cách luồn lách trong bộ máy quan liêu. Dự án đầu tiên của họ,
tên là Biệt thự Baxian, không phải là không rủi ro. Họ tìm thấy một khu đất giữa
các làng mạc ở gần đỉnh phía Bắc của thành phố. Thời bấy giờ Bắc Kinh còn ít những
biệt thự một hộ Cali như kiểu ông Zhang xây. Tới cuối thập kỷ 90, Baxian bán được
hơn 500 biệt thự, giá mỗi ngôi mấy trăm ngàn đô-la. Tiền mua đất chỉ là tí ti.
Ông Zhang trúng to.
Năm 1995, ông đặt một họa sĩ Trung Quốc vẽ ông cùng vợ, con trai và con gái.
Ông bảo hoạ sĩ vẽ theo kiểu chân dung cung đình của Velazquez mà ông nhìn thấy
trong một chuyến đi châu Âu. Tranh vẽ gia đìng ông Zhang lấy tư thế thoải mái ở
chính giữa sảnh kiến trúc kiểu Tân Cổ điển, các bức tường chung quanh treo hình
các biệt thự do ông thiết kế. Bức tranh phủ kín cả một bức tường của phòng dạ hội
trong biệt thự Baxian của ông.
Thế rồi ông Zhang bắt đầu để ý tới một mảnh đất rộng hơn nhiều, gần 400 hectar,
đang được 800 nông dân của làng Yangge dùng để trồng lúa mạch. Miếng đất có một
dòng sông chảy qua, và giáp với một khu rừng bảo tồn. Theo chuẩn của người Bắc
Kinh thì phong cảnh ở đây thật là điền viên.
Chính quyền Bắc Kinh cố gắng làm chậm quá trình mất đất nông nghiệp, nhưng quận
Changping lại ký một hợp đồng không bình thường với ông Zhang. Khu đất mà ông
nhắm tới được chuyển từ dạng đất nông nghiệp sang dạng bảo tồn. Ông được phép
thuê khu này, giá là 750 đô-la một hectar một năm, với điều kiện là phần lớn diện
tích phải để xanh. Chính quyền địa phương thông báo với nông dân trong làng như
vậy.
Sau này, ông được cấp giấy phép để xây lâu đài, rồi một giấy phép nữa để xây một
cộng đồng với khoảng 1000 biệt thự xa xỉ trên mặt bằng 70 hectar. Cho việc thay
đổi hợp đồng này, ông trả đứt 9.7 triệu đô-la, hay là 140 000 đô-la một hectar,
theo lời dân làng. Ông Zhang không muốn bàn tới những con số này.
Ông Zhang không phải là một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Danh sách
giới thượng lưu giàu có của Forbes hay Asiamoney không nhắc tới tên ông. Chỉ
riêng Bắc Kinh thôi đã có tới mấy chục công ty địa ốc nắm trong tay nhiều đất
hơn. Nhưng bất động sản này cho ông một cơ hội để đạt được một điều độc đáo.
“Tôi muốn chỉ ra rằng Bắc Kinh đang vươn ra gặp thế giới. Chúng tôi có Cấm
Thành, chúng tôi có nhà nông thôn truyền thống. Tôi muốn cái gì đó mang tính
toàn cầu”.
Khi ông Zhang nung nấu về dự án mới của mình, ông đâm ra thích du lịch. Ông
thăm Úc, nơi con ông đang học đại học. Sau đó ông nghiên cứu công nghiệp làm rượu
nho và quyết định sang Pháp.
Tại một hội nghị ở Bắc Kinh ông gặp Francoise Onillon, một chuyên gia kiến trúc
làm việc tại Paris, và ông thuê cô làm cố vấn. Mùa hè năm 2000, cô định tổ chức
một chuyến đi hai tuần qua vùng Bordeaux, Burgundy và Beaujolais để thăm các hầm
rượu lịch sử. Nhưng khi ông Zhang hạ cánh ở Paris, ông muốn bắt đầu ngay lập tức.
Thế là cô dẫn ông tới Château Maison-Liffitte, chỉ cách Paris có 12 dặm.
René de Longueil, một quý tộc giàu có, xây lâu đài này vào giữa thế kỷ 17 để
làm nơi săn bắn. Ông thuê Mansart, người sau này thiết kế Versailles, cung điện
đã trở thành biểu tượng cho kiến trúc cổ điển Pháp.
“Ông ấy yên lặng ngắm trong năm phút,” cô Onillon nhớ lại chuyến viếng thăm của
ông Zhang. “Sau đó ông ấy nói, ‘Tôi đã xem đủ rồi. Chính nó đấy.’”
Ông Zhang sử dụng bản vẽ của lâu đài, và chụp khoảng 10 000 bức ảnh. Họ còn tìm
ra được loại đá Chantily dùng cho mặt tiền nguyên bản.
Cuối cùng, ông Zhang quyết định ông muốn một cái gì đó vĩ đại hơn. Thế là ông
trở lại Pháp nhiều lần. Ông thiết kế một khu vườn trông giống cái vườn ở
Versailles, kể cả những bức tượng thần thoại Hy Lạp của nó. Ông bắt chước những
căn hộ vua chúa ở Fontainebleau khi cất hai cánh nhà hai bên dành cho khách.
Sau một chuyến đi Rome, ông thêm vào một hàng cột bán nguyệt chạy ôm lấy sân.
Ông Zhang nói ông thờ phụng các chi tiết. Ông trang bị cho cánh bảo vệ của ông
đồng phục kiểu Pháp, đầy đủ cả áo choàng không tay và mũ kepi. Ông chọn thần rượu
Bacchus làm chủ đề nghệ thuật chính của lâu đài, lấy những cảnh tiệc tùng say
sưa làm chủ đề cho đài phun nước trong vườn, cho những bức tranh tường của mặt
tiền và bên trong mái vòm.
Về mặt tài chính, vụ này có vẻ thành công lớn. Từ khi chính thức mở cửa hồi
tháng 10 năm 2004, đã có một show thời trang lớn được tổ chức ở phòng dạ hội thếp
vàng của lâu đài. Uỷ ban Olympics tổ chức một bữa tiệc quyên góp sang trọng. Thậm
chí Đài truyền hình Trung Quốc, cánh tay tuyên truyền của nhà nước, cũng đã thu
hình một Dạ hội Năm mới bên trong lâu đài.
Khi có khách quan trọng viếng thăm, ông Zhang được chở tới từ văn phòng của ông
ở khu Villa Baxian lân cận trong một chiếc Mercedes hòm 12 xy-lanh. Tóc ông
bóng mượt hất ra sau, một nụ cười giữ khoảng cách làm tôn thêm sự lịch sự nghi
lễ.
Mùa hè này sẽ là một thử thách lớn, khi ông Zhang bắt đầu bán 1000 căn nhà sang
trọng của mình. Ngoại ô phía bắc Bắc Kinh giờ đây kín đặc các dự án bất động sản
cao cấp, đôi khi mời chào các biệt thự kiểu Mỹ giá 1 triệu đô-la hay cao hơn.
Ông Zhang nói ông tin tưởng rằng mình sẽ đạt được giá cao nhất. “Không ai có thể
đọ được với môi trường của chúng tôi”, ông nói.
Ngoài ông Zhang ra, có lẽ không ai biết rõ vùng này như Li Chang. Li Chang sinh
trưởng ở làng Yangge và phần lớn 77 năm của mình ông cày cấy mảnh đất nay thuộc
về lâu đài Zhang Laffitte. Khi ông Zhang làm chủ đất, ông dựng rào sắt cấm mọi
người vào trừ khách và người làm thuê. Ông Li đã quá già để có thể làm thuê.
Ông lẻn vào khu bất động sản để đo đạc kích thước của nó. Ông phủ kín một cuốn
vở bọc vải mềm với chữ viết li ty và những hình vẽ của mình. Lâu đài nằm trên
14 585 m2, gấp ba lần diện tích cho phép trong hợp đồng của ông Zhang. Kênh rạch
chạy dài hơn một dặm, mặc dù không có giấy phép. Để san phẳng đất và đào kênh,
ông Zhang đã phải di chuyển gần 6.79 triệu mét khối đất, ông Li tính toán. Ông
kêu đây là một sự mất mát đất hoa màu lớn.Ông nông dân Li Chang phẫn nộ về tòa lâu đài.
“Trước đây đó là đất đai của chúng tôi, vậy mà
bây giờ chúng tôi phải làm đơn xin làm việc ở đó”.
Ông Li và các dân làng khác cho rằng ông Zhang đã làm mất giá trị trồng trọt của
khu đất nông nghiệp, vi phạm quy định rằng khu này chỉ được dùng cho nông nghiệp
và bảo tồn. “Đây là một vi phạm lớn về chính sách đất đai của nhà nước”, ông Li
nóng lên trong căn nhà không sưởi lạnh căm căm của mình. “Và nó xẩy ra ngay ở
giữa Bắc Kinh.”
Ông Zhang chối bỏ những buộc tội của ông Li, nói rằng ông tuân theo hợp đồng.
Ông Li không có bằng chứng gì ngoài những đo đạc a-ma-tơ của mình. Ông Li và những
người trong làng kiện lên làng, quận, thành phố, và cuối cùng văn phòng đất đai
trung ương, tới nay chưa nhận được một câu trả lời, chưa nói tới một sự điều
tra nào. Họ tập trung vào những sai phạm kỹ thuật mà theo họ dễ được các nhà chức
trách kiểm tra hơn. Tuy nhiên mối quan tâm của họ rộng hơn.
Ở Trung Quốc đất canh tác không được phép mua hay bán, mà chỉ được thuê. Để có
thể sử dụng cho mục đích kinh doanh, chính phủ sẽ thu đất lại. Các nhà chức
trách sẽ theo dõi việc phát triển hay bán bất động sản. Thường thì nông dân
không có tiếng nói, và không được hưởng chút lãi nào trong quá trình này. Những
người dân làng Yangge nói sự bồi thường duy nhất họ nhận được là số tiền 45
đô-la hàng tháng ông Zhang đồng ý trả cho người cao tuổi, cũng như lời ông hứa
sẽ mướn nhân công. Họ nói rằng họ còn nghèo hơn trước kia. Trước kia họ tự trồng
được lúa mạch, rau quả, và nuôi súc vật, còn bây giờ họ phải mua thức ăn ở các
cửa hàng. “Chúng tôi phải trả giá như ở thành phố cho thực phẩm mặc dù chúng
tôi vẫn tiếp tục chỉ có thu nhập từ nông nghiệp”, bà Li nói.
Dân làng cho rằng số tiền 9.7 triệu đô-la của ông Zhang thấp hơn giá đất thị
trường nhiều. Họ cũng kêu là số tiền của ông Zhang đã biến mất tăm. Chính quyền
địa phương hứa sẽ dùng số tiền đó để lập các công ty và chia cổ phần cho nông
dân. Nhưng họ nói không thấy có công ty nào cả mà cũng chả có cổ phần gì. Họ đã
nhiều lần yêu cầu phòng địa chính của làng và của huyện điều tra về toà lâu
đài, nhưng không có kết quả. “Hay là chỉ có Ban chấp hành Trung ương mới biết
là số tiền đã biến đi đâu.” Ông Li tiếu lâm.
Trong cuộc đối thoại về lâu đài của mình, thái độ của ông Zhang dè dặt. Khi được
hỏi về phân cách giàu nghèo ở Trung Quốc, và về những kiện cáo của những người
nông dân láng giềng, mặt ông sắt lại. Trong một cuộc phỏng vấn trong phòng tiếp
tân sơn son thếp vàng trên tầng chót của tòa lâu đài, ông giải thích rằng đó là
những đề tài nhạy cảm, và ông không muốn một bài báo nào nói về ông lại nhắc tới
những căng thẳng trong xã hội hiện nay.
Và rồi, ông bày tỏ rằng, ông, khác với những người láng giềng kia, đặt hoàn
toàn lòng tin của mình vào chính phủ. “Triết lý cơ bản của tôi là: Là một công
ty tư nhân, tôi phải tuyệt đối tuân theo những chính sách nhà nước hiện thời”,
ông nói. “Các nhà lãnh đạo hiểu rất rõ phải xử lý những vấn đề này như thế
nào.” Ông nói, những nông dân địa phương đang kiện cáo kia không đại diện cho
ai. Ông nói, ông sẽ tạo ra 600 việc làm nông nghiệp trên khu bất động sản để
chăm sóc một vườn rau không lai tạo gien, một vườn trồng hoa lan và một vườn
nho. “Đó sẽ là một ân huệ cho nông dân, họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn là nếu họ
tự trồng trọt trên khu đất này”, ông nói. “Toàn bộ dự án tuân thủ hoàn toàn những
chính sách do Bắc Kinh đề ra, nghĩa là giữ xanh vùng đất này.”
Tới nay, chính phủ có vẻ ủng hộ ông rất mạnh, và ông còn có những mối quen thuộc
cao cấp nữa. Sau khi lâu đài mở cửa, ông Zhang đã đón tiếp ông Jia Qingling,
thành viên Ban Thường trực của Bộ Chính trị, người đứng thứ tư trong bộ máy quyền
lực Trung Quốc. Hai bức ảnh chụp ông Jia đang thăm lâu đài được phóng to quá khổ
treo ở quầy rượu.
Một số người có thể hiểu nhầm dự án của ông, ông Zhang nói. Ông không có chủ ý
biến nó thành sân chơi cho người giầu có, mà thành một viện bảo tàng cho đông đảo
công chúng. “Nó dành cho toàn bộ người dân Bắc Kinh, kể cả những người bình dân
không có điều kiện đi chơi châu Âu”, ông nói. “Tôi muốn tất cả mọi người đều có
cơ hội nếm mùi vị văn hóa châu Âu tinh tế nhất”.
4/2/2005
Joseph Kahn
Mai Chi dịch
Nguồn: New York Times, 25.12.2004
Theo http://www.talawas.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét