Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

Cơn mưa chạy qua thành phố

Cơn mưa chạy qua thành phố

Người ta đồn rằng, đây chính là xóm ven thành cổ. Từ lâu lắm rồi, chả ai trong xóm xác định được là mấy trăm năm nữa. Có ai ở đây mấy trăm năm đâu, chỉ nghe truyền miệng dưới lòng đất này có nhiều sắt: Gươm, giáo, vũ khí từ  xa xưa… giờ chôn chặt với đất, tạo nên một khối hỗn hợp lớn. Trên cái dải đất hỗn hợp ấy là người người sinh cơ lập nghiệp. Hễ mưa to gió lớn, có sấm sét thì sét đánh chẻ đôi một cây to,  khi thì sét đánh vào trạm điện, khi lại cháy tan cột đăng-ten, đánh vỡ một bức tường vây… còn có những vụ sét đánh chết người giữa ruộng nữa cơ. Ngoài phía đồng mênh mông bên kia đang chờ dự án xây thành kiểu phục dựng.
Ngày bình thường, nhà nào cũng đi từ tơ mơ đến tối mới về. Đẩy được cánh cổng ra là lăn uỵch vào bếp, vào bữa tối, rồi quát tháo con cái học hành. Khi bóng tối dồn tất cả vào yên tĩnh, tiếng tivi lại vang vang tin tức ở tận bên kia đại dương, tiếng gươm dáo khua loảng xoảng từ phim kiếm hiệp, tiếng uỵch hự vang ra từ  phim hình sự… Hàng chục kênh truyền hình, vô tư nhấn nút chọn. Ngõ lờ mờ bóng đèn công cộng đỏ quạch không đủ làm người ta có cảm hứng đi dạo nữa, nên ngõ thường vắng vẻ và hun hút sâu.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà ở Bắc Giang
Nhưng từ ngày nghe phong thanh rằng: Mảnh đất này sẽ được thu hồi, đền bù để xây di tích lịch sử, chẳng ai có ý định xây cất nhà cửa. Họ chờ đợi. Những trận mưa đi qua năm này đến năm khác, đến mái ngói thâm nâu cổ kính không chịu nổi đã sụp xuống từng mảng. Người ta đã sửa tạm, nhưng hễ mưa là nước vẫn ngấm tường rơi tong tong xuống những cái chậu trong lòng nhà. Có nhà cứ định xây sửa là người trong xóm lại gàn: Sắp được đền bù rồi, xây lên rồi phá đi lại phí. Không biết cái tin được đền bù ấy từ đâu lan ra, nhưng ai cũng phấp phỏng.
Cũng biết, xóm này hễ mưa gió có sấm chớp là người ta tắt tivi, cảnh giác cao với ông giời. Nhưng cái lần này thì khác. Một nhà chủ quan đã đành, đằng này những hai mươi nhà chủ quan mới khiếp. Sét giời giáng một đòn trúng những 20 cái tivi chết cứng. Cái nặng thì bốc khói khét lẹt, cái nhẹ thì cháy cầu chì… Khiếp thật!
Trời quang mây tạnh. Buổi chiều lại rơi trúng vào ngày chủ nhật. Mọi người họp nhau ở con ngõ. Đường ngõ ngấm mưa lâu trở thành cái hành lang loang lổ rêu trên tường gạch. Mặc mùi cống rãnh bốc mùi lên trước nắng mới. Tất cả rôm rả trình bày lý do vì sao nhà mình lại không rút phích điện, tắt tivi. Mỗi nhà một kiểu. Tóm lại người vui nhất sẽ là nhà Điện lạnh Tuần Chi. Nhà gã tha hồ mà kiêu nhá.
Thiếu ti-vi một hôm mới thấy giá trị của sự văn minh.
Giời đất vần vũ thế này không biết đêm mưa không? Một bà chép miệng, mắt ngước lên hỏi giời. Xung quanh những người đàn bà khác. Người nhặt rau, người nhổ tóc sâu cũng dừng lại, chẹp miệng phán đoán. Rồi chốt lại rằng:
– Mưa hay nắng là chuyện của giời, có giời mới biết được!
–  Ôi, tối nay không biết, con Hinri có biết là thằng chồng có bồ không. Trời ơi, xem mà tức anh ách…Tôi mà thế thì …chết mới tôi.
Thế là mấy ông chồng khệ nệ bê cái tivi ra khỏi cổng. Những gã đàn ông bụng bia mới chợt nhận ra mình đang cồng kềnh như con ếch ôm cái bụng mất rồi.
Cứ như hẹn nhau cả ấy. Hơn mười cái bụng khệ nệ rồng rắn xếp hàng tivi sang nhà Tuần Chi. Lâu lắm rồi mới có buổi gặp gỡ. Anh em quyết định mời nhau trận bia. Tưởng nhà Tuần Chi cười được mùa thì nó ra vẻ nghiêm trọng như bác sĩ khám bệnh, gõ từng cái tivi một, phán mỗi cái vài trăm. Cũ mới như nhau.  Nó bắt nạt ai, chứ đừng hòng bắt nạt cái mặt gã chồng này. Gã đã tháo mảnh áo nhựa ra, xem xét kỹ lưỡng,  phán: “Cái ti vi nhà anh chỉ cháy có cầu chì thôi, tuỳ chú đấy!”.  Hắn cười: “Bác thì! Ai dám?”
Tiếng điện thoại trong túi từng gã đàn ông rung rung, vang vang theo nhiều âm điệu khác nhau. Họ thi nhau rút điện thoại ra nghe. Vài cái ria mép còn dính nguyên bọt bia tựa như loài cua sùi bọt thèm khí, có cùng một đáp số: “Ừ, về bây giờ!”
Họ nhất loạt đứng dậy ra về.
Họ ra về cả đấy. Bữa tiệc ấy bỏ lại những vụn bánh đa rơi, vỏ lạc luộc tơi tả dưới chân bàn và mấy cái ca nhựa hết nhẵn bia. Bữa nhậu đơn giản này làm lòng dạ những người đàn ông phải suy nghĩ về chí làm trai. Làm trai mà chỉ nhắm mấy củ lạc luộc này thì phí. Làm trai mà chỉ sáng ra ăn bát mì tôm, rồi vợ đưa tiền cho đủ đổ xăng trong tuần thì phí. Lương thì phải dành nuôi con nhỏ… Làm trai trăm cái lý không bằng một chữ Chí treo lửng lơ trên đầu. Tất cả đám này ai cũng tranh nhau nói thương vợ thương con phải ở trong cái con ngõ tối tăm không ngẩng mặt lên với thiên hạ được. Và họ đã tìm ra cách làm giầu. Bởi vì một câu chuyện vu vơ và bản tin thông báo đấu giá đất sắp diễn ra. Họ lôi ra đâu lắm ví dụ để chứng minh rằng, thời nào thì địa chủ vẫn là nhất.
Vợ gã đêm nay lại thao thức, ra vẻ trằn trọc lắm, tuy trời không mưa, nhà không dột. Gã trộm nghĩ chắc là vợ sắp đến tuổi hồi xuân. Đàn bà ở tuổi như thế khiếp lắm, còn hơn cả bão giông – ấy là nghe nói thế, chứ vợ gã mới ngoài 30 một tẽo, chưa vấn đề gì. Dẫu gì hôm nay gã vẫn cảnh giác, quay mặt vào tường giả đò gáy vài tiếng thăm dò. Động cựa một cái là dát giường kêu cót két, thằng con bên kia lại tỉnh như sáo: Cái gì thế hả bố mẹ?
Vợ gã nói khẽ nhưng gã vẫn giật mình: Ngủ gì mà gáy khiếp thế! Nghe người ta bảo này!
– Gì?
– Người ta tính đi đấu đất như Lý béo bên kia đường mình ạ!
Gã ừ, nhưng đầu óc đang phân vân định hình vợ định làm cái gì. Không cần đáp lời, vợ đã đưa ra một kế hoạch. Gã vừa ngủ vừa nghe lơ tơ mơ. Nhưng đến cái đoạn, mượn sổ đỏ của nhà bố mẹ cắm vào ngân hàng thì gã giãy nảy lên. “Điên à, nhỡ mà … thôi ngủ mai tính tiếp”. Lần này thì gã ngủ thật. Ngủ thật say và gáy thật vang rền.
Sáng ra, như mọi khi, gã ngồi vào bàn kéo bát mì tôm về phía mình. Một sự lạ là riêng bát gã thiếu hai quả trứng ốp. Nhìn mặt vợ biết là sự khiêu khích. Gã ăn soàn soạt, thiếu trứng cũng chả sao nhưng sáng ra cãi nhau với đàn bà xui cả ngày. Chả tội gì. Gã lên xe và đi làm.
Đầu giờ chiều, mẹ vợ gọi cho gã hỏi vợ chồng làm gì hỏi mượn sổ đỏ cắm ngân hàng lấy mấy trăm triệu đồng? Gã ú ớ nói không biết.
Buổi trưa gã trở về. Nhà vắng tanh. Ngõ cũng vắng tanh người. Sao lại có một trưa im lặng thế. Có gì đó rất lạ trong căn nhà. Có gì đó lạ trong cái ngõ này nữa. Thôi kệ. Lạ gì thì cũng phải ăn bữa trưa. Bếp vắng tanh.
Có tiếng nhí nhéo ngoài cổng. Những tận mấy mụ đàn bà trong xóm cùng kéo về nhà một lúc. Con ngõ lại chật ních tiếng người. Họ không tản về nhà như mọi lần. Họ kéo cả vào nhà gã. Nhà gã ở đầu xóm. Gã ẩn mình vào buồng trong coi như ngủ trưa tít lự. Bọn đàn bà ấy cũng không thèm để ý đến gã. Bọn họ trút bỏ bộ áo đi nắng  rồi đặt lung tung ở ngoài hiên như kiểu thiên nga trút đám lông tả tơi để hóa thành người. Bọn họ uống nước ì oạp, ừng ực cho thỏa cơn khát. Xong, họ ngồi xúm lại với nhau và trải ra nền nhà một tấm bản đồ to. Những cái đầu chụm vào xem xét. Hình như họ đang có tay bản đồ kho báu thì phải. Gã nằm trong nhà tò mò muốn bật dậy nhưng lại kiềm chế. Họ cười ha hả. Bàn nhau đặt giá khoảng chừng nào đó. Khoảng một giờ sau thì họ giải tán. Gã khẽ khàng dậy và rón rén đi ra nhà ngoài. Mụ vợ gã đã nằm thiêm thiếp trên ghế sopha. Trên bàn là một tập hồ sơ màu nâu đất. Gã nhón chân nhòm vào. Hồ sơ đấu thầu đất. Gã giật mình. Bọn đàn bà xóm này quyết làm ăn lớn hay sao ấy. Trên bàn bia hôm trước, gã cũng mông lung nghĩ đến việc này. Nhưng chưa dám quyết. Thế mà đội nữ phụ-nữ phu này kinh thật!
Dạo này, gã cũng nghe mấy thằng trong cơ quan kể chuyện vợ đi đấu đất, lướt ván được mấy chục triệu một lô đất ngon lắm. Bọn chúng hỉ hả. Mặt mũi nở ra vì có những bà vợ đảm đang. Không những biết đẻ mà còn biết dùng tiền của chồng đẻ ra tiền nữa cơ. Gã băn khoăn, rồi ngậm ngùi nghĩ thân đàn ông như mình chỉ biết chăm chỉ sáng đi tối về, cuối tháng đưa đủ cho vợ mấy triệu tiền lương.
Không phải chỉ mình gã mới có cảm giác tủi hờn ấy. Buổi chiều mấy gã đàn ông trong xóm đã tìm được niềm đồng cảm với nhau. Bọn họ cảm thấy cần có nhau hơn bao giờ hết bởi giờ đây họ bị xua về cùng một phe. Năm bà vợ  yêu cầu chồng đi vay tiền để hùn vốn với nhau đấu mấy lô đất. Cái bài vay tiền rồi tham gia đấu đất, lướt ván được vài chục, hoặc thậm chí lãi được vài trăm để chia nhau.
Lại một buổi chiều xôn xao trong ngõ nhỏ. Đúng là mấy mụ đang chia tiền nhau thật!  Lòng gã hơi quặn lại bởi cái sĩ diện của chí làm trai đang bị bóp nghẹt. Vợ gã thì vui ra mặt. Cái nét mặt vợ  xuất hiện cả cái vẻ sĩ diện của kẻ kiếm ra tiền. Nhưng mấy bà vui thì mấy ông chồng cũng vui vì ít ra vợ họ đang vui, không khí trong nhà cũng vui vui.
Rồi cái bữa không vui cũng đến. Bọn họ – nữ phu (gã gọi thế cho nhanh) rì rầm, thay nhau cắt cử đến chờ chực ở trên khu đất cách nhà vài chục cây số để chờ khách đến mua. Họ gọi điện cho nhau để cùng quyết. Họ bàn nhau, phân tích thời giá léo nhéo như một cái chợ. Vợ hắn bắt đầu khó ngủ và cằn nhằn vì bà A và bà B không đồng ý bán giá đó, chờ nài thêm vài giá nữa. Bà C và bà D thì nóng ruột quá rồi vì tiền phải trả lãi ngân hàng. Vợ hắn thì muốn rút chân ra cho đỡ mệt. Có tí chút kiếm được nhưng cũng phờ cả người ra. Công việc ở cơ quan mấy ngày nay sếp tỏ ra khó chịu, cứ trả lại hồ sơ, báo cáo bắt làm lại liên tục. Xin nghỉ đi trực đất cũng khó khăn. Vợ hắn lại còn nghĩ hay là người ta ghen với mình nên mới làm khó mình ra như thế!
Mẹ hắn ở quê gọi lên: Con à, dạo này có người lạ ở đâu đến xã mình hỏi mua đất giá cao lắm. Trước đây cho không chẳng ai lấy, giờ trả mấy trăm một lô đất rồi đấy. Các con chưa có nhà ở thành phố, bố mẹ tính bán lấy một góc rồi cho mua lấy cái nhà nho nhỏ chứ chờ dự án cấp đất, phân nhà cho người thu nhập thấp đến bao giờ…
Gã bỗng cảm thấy có gì  lăn tăn, hụt hẫng. Cái mảnh đất ở quê bao đời nhà hắn rộng thật. Nhưng giờ xẻo khoảng chừng hai trăm mét bán mới được một ngôi nhà nhỏ chưa đầy 60 mét vuông ở thành phố thì thấy tội làm sao. Gã bảo mẹ: Thôi mẹ cứ từ từ đã! Vợ hắn từ đâu chõ miệng vào: “Mẹ ơi đừng bán vội, chờ đấu giá xong đất tăng lên thì bán.” Gớm sao mà mụ vợ khiếp thế chứ. Tính toán như thần ấy.
Quả đúng là vậy. Đợt đấu giá vừa dứt, đất quê bỗng vút lên trên cả tỷ bạc. Người dân quê ngẩn ngơ vì miếng đất mới san nằm trên những thửa ruộng cũ nhà mình có giá như trong mơ. Nhưng toàn người ở đâu đứng tên trúng giá. Toàn người ở đâu kéo cả dàn oto về trao nhau những cục tiền to lông lốc bảo là đặt cọc.
Những người lạ thưa dần. Những mảnh đất bắt đầu mọc cỏ lên. Những tấm biển cắm vào ghi số điện thoại bán đất bắt đầu mờ dần hoặc đổ nghiêng ngả trên bãi đất.
Ở nhà, mẹ cũng rao bán đất theo giá người ta bán. Cái mảnh hai trăm mét giờ sau gần một năm leo tới tiền tỷ, nhưng rao mãi chưa ai mua vì dự án xây nhà máy lắp ráp điện tử đã dịch chuyển sang huyện khác, chưa thấy về đến xã.
Vợ hắn bắt đầu hốc hác và gầy hơn. Gã ôm vợ vào lòng mà xót xa: Thôi mình đừng mơ làm giàu nữa. Giàu nó có số. Giàu kiểu lướt ván thế này có ngày gặp sóng to là lật thuyền đó!
Vợ gã thở dài: May quá, mấy chị em đã rút được hết vốn trả ngân hàng rồi. Bán vội bán tháo được lô đất cuối đủ tiền trang trải hết nợ. Thôi từ nay, giàu có số rồi anh ạ! Em mệt quá! Ngủ thôi!
Tiếng mưa rả rích bên hiên nhà. Hắn định khoe vợ rằng: Chiều nay họp đền bù giải phóng khu đất thành cổ làm di tích, nhà hắn được một căn chung cư hoặc lấy đất ở chỗ khác. Hắn định hỏi vợ xem quyết theo hướng nào vì đằng nào cũng chỉ cần một mái nhà yên ấm mà thôi. Cũng biết lấy bình an làm thế phòng thủ là hèn so với thiên hạ nhưng chờ cơn mưa đi qua chứ không làm anh hùng trong loạn lạc! Chả dại đâu nhé vợ nhỉ! Trên tivi bật lên bản tin chống dịch Covid-19 là trận chiến không được chủ quan.
11/1/2023
Nguyễn Thị Thu Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...