Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

Nhà thơ Nguyệt Phạm: Những giấc mơ chỉ để dành cho điều tốt đẹp

Nhà thơ Nguyệt Phạm: Những giấc mơ
chỉ để dành cho điều tốt đẹp

Đi qua nhiều biến cố trong cuộc sống, tưởng rằng Nguyệt Phạm không còn tâm tưởng để dành cho thơ, nhưng thực tế, chị vẫn gắn bó với thơ như một niềm tha thiết khó dứt lìa.
Không xuất hiện nhiều, nhưng Nguyệt Phạm là giọng thơ riêng, cá tính trong số những gương mặt thơ nữ của thành phố hiện nay. Những ngày đầu tháng 10.2019, chị vừa ra mắt tập thơ thứ hai, Phơi riêng tư, do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
1. Một buổi ra mắt thơ không phông nền, không cả sân khấu, loa đài rình rang; nơi tổ chức lại không phải ở đường sách hay một địa điểm nào đó gần trung tâm TPHCM.
Ấy vậy mà lại đầm ấm và đông vui, khi tề tựu rất nhiều tình thân của tác giả. Từ những người trong giới nghiên cứu, những đàn anh, đàn chị đi trước như: PGS-TS Võ Văn Nhơn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, TS Nguyễn Thị Hậu, TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, nhà văn Bích Ngân, nhà thơ Lê Thị Kim; cho đến những người của thế hệ sau như: nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà thơ Trần Lê Sơn Ý, nhà văn Trương Huỳnh Như Trân, nhà thơ Du Nguyên… Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy Nguyệt Phạm hay thơ của chị được yêu quý đến nhường nào.
Mắt giấy là tập thơ riêng đầu tiên của Nguyệt Phạm, ra mắt vào năm 2008. Hầu hết được làm theo thể tự do, những bài thơ lúc đó gây ấn tượng cho độc giả bởi cảm xúc mạnh mẽ, táo bạo. Và họ chờ đợi những tác phẩm tiếp theo của Nguyệt Phạm. Nhưng phải đến 11 năm sau, chị mới cho ra mắt tập thơ tiếp theo.
11 năm là khoảng thời gian khá dài, nhất là trong thời buổi hiện nay, trong lúc ai cũng sống gấp gáp, ai cũng có những mối bận tâm riêng. Khi đó, dù thơ có ấn tượng đến mấy cũng rất dễ bị lãng quên. Nhưng Nguyệt Phạm có lý do của mình: “Tôi không sốt ruột vì thơ đâu thể viết hời hợt, cảm xúc giả tạo và cũng không thể đẩy nhanh hoặc lập kế hoạch được. Làm thơ là công việc cả đời, cứ làm, chậm cũng được miễn là không xao nhãng”.
Nguyệt Phạm nói, trong 11 năm đó, chị vẫn nuôi nấng cảm xúc và viết, dù chậm nhưng chị luôn ý thức rằng mình là một người viết, một người sáng tạo dựa trên cảm xúc và nhu cầu chia sẻ của chính mình.
“Tại sao tôi không ra mắt tập thơ sớm hơn là do tôi chưa tìm thấy một lý do để xuất hiện. Hay nói đúng hơn, khi người ta chưa cảm thấy thỏa mãn, chưa thật sự hài lòng thì người ta mới phải tìm lý do. Đến nay, tôi cảm thấy mọi thứ đã chín, về thời điểm lẫn lý do. Tôi hài lòng với bản thảo và tôi tự tin với những bài thơ riêng tư ấy, cho nên tôi đủ dũng khí để Phơi riêng tư”, Nguyệt Phạm bày tỏ.
Giống như nhan đề, các bài thơ trong tập thơ mới nhất của Nguyệt Phạm thuần túy là những tỏ bày cảm xúc mang tính riêng tư mà Nguyệt Phạm từ tốn bảo: chỉ quẩn quanh với những buồn vui bé mọn, đàn bà.
Tập thơ Phơi riêng tư của Nguyệt Phạm
2. Ở Phơi riêng tư, Nguyệt Phạm nói nhiều đến những mộng mơ. Đó dường như là cách để chị đến với thơ và cũng để vượt qua những khắc nghiệt mà cuộc sống luôn sắp bày. “Những giấc mơ chỉ để dành cho điều tốt đẹp/Tình yêu, và nụ hôn phớt nhẹ, và tạm dừng bất chừng/Sao em không cười đi/Sao em lại khóc/Đừng nức nở” (Nước mắt phù phiếm). Và nữa, “Những mộng mơ xa như chưa từng đi qua/Chỉ là thoáng trong cơn mơ của một người khác/Em viết tên mình lên những khóc cười sân khấu/Dạo quanh ngày vội vã đến vỡ hơi” (Chia ly nỗi nhớ).
Sau biến cố hôn nhân, cách đây 3 năm, Nguyệt Phạm không may gặp tai nạn khiến chị gần như phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt hàng ngày cần đến sự hỗ trợ của người thân. Nguyệt Phạm kể, trong vài năm đó, chị đã nhiều lần khóc vì ngay cả những điều đơn giản nhất là nằm đọc sách mà đối với chị quá khó khăn, cuốn sách cứ rơi úp vào mặt vì tay yếu, không thể giữ được.
Và cũng trong thời gian đó, những bài thơ chính là người bạn lắng nghe những tâm tình yếu đuối của Nguyệt Phạm, những điều mà chị không thể nói với ai, vì không nỡ để những muộn phiền của mình làm họ lo lắng.
Nguyệt Phạm âm thầm buồn, âm thầm hân hoan với những cảm xúc của mình: “Đừng nói về những điều lớn lao/Giây phút này em ước tự mình có thể lật bàn tay mình lại/Dù nặng nề và vụng về như trẻ nhỏ tập cầm chiếc ly nhựa/Thế cũng đủ reo ca bằng vạn lần khám phá những cung đường” (Tập đi).
Nguyệt Phạm là người tinh tế, yêu cái đẹp, nói năng nhỏ nhẹ. Bước chân ra khỏi nhà, dù đi cà phê với bạn hay dự một buổi ra mắt sách của ai đó, như thuộc về bản tính, chị luôn xuất hiện với cách ăn vận giản đơn nhưng nhã nhặn, đủ để những tiếng “ồ, à” vang lên từ những người đối diện.
Nguyệt Phạm cũng là người mạnh mẽ và giàu lạc quan. Chị từng khóc vì cảm thấy bực bội nhưng trong lòng luôn nuôi hy vọng sau 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm, 3 năm và hiện tại đang là 5 năm mình sẽ ổn. Mỗi một giai đoạn, khi kết thúc thời gian tự đặt ra, chị sẽ tự đánh giá sức khỏe mình đã tiến triển so với trước như thế nào, để vui mừng và lấy đó làm động lực bước tiếp.
Dù đi lại vẫn còn khó khăn, cánh tay phải mất khá nhiều thời gian nữa mới trở lại bình thường, nhưng Nguyệt Phạm nói, biến cố và nghịch cảnh đã ở lại sau lưng. Bây giờ, chị nhìn cuộc sống đơn giản và cố gắng thu vén đơn giản nhất những nhu cầu của mình, không lo nghĩ quá xa về tương lai.
“Trước đây, tôi rất chủ quan, tôi nghĩ chuyện gì mình cũng tính được, điều khiển được chỉ cần mình muốn. Nhưng rồi, khi đi qua từng đó năm với sự cố gắng có lúc nóng nảy, có lúc thất vọng, buồn bã… cuối cùng tôi học được một điều hãy cố gắng tìm cách xoay xở và thư giãn, vui thích trong khả năng có thể của mình, đừng chờ đợi hoàn cảnh hoàn hảo. Có thể nó chẳng đến bao giờ đâu!”, Nguyệt Phạm chia sẻ.
11/11/2019
Hồ Sơn
Nguồn: SGGP
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...