Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

Dặm dài ký ức của Phạm Trung Tín

Dặm dài ký ức của Phạm Trung Tín

Thi ca như một phép màu kéo con người lên từ vực thẳm khổ đau. Và người thơ Phạm Trung Tín lại thấy mình như “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”…
Phạm Trung Tín đến với Hội thơ Sao Khuê bằng hành trang thơ của một thời gian khổ ác liệt vừa đi qua và những ký ức, hoài niệm trong mấy chục năm đất nước hòa bình xây dựng và phát triển trên con đường hội nhập thế giới.
Vốn là một người lính ra đi từ vùng quê Vĩnh Bảo của thành phố Cảng, thành phố hoa phượng đỏ, anh dấn thân vào vào trận mạc của cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Trở về đời thường, anh đem tất cả vốn liếng những gì có được của riêng mình… vào thơ một cách tự nhiên, bình dị.
Tập bản thảo thơ mà Phạm Trung Tín tích tụ đuợc hàng mấy chục năm, mang tên “Dặm dài ký ức” ngót một trăm bài, phần nào giãi bày tâm tư, tình cảm của anh trong cuộc hành trình đầy thăng trầm qua gần nửa thế kỷ. Đây là những bài thơ chứa chan tình cảm, những vui buồn, mất mát của anh, được rút ra  từ một tập thơ chép tay thật cần mẫn công phu như muốn giữ nguyên cả quãng đời mà anh đã đi qua.
Tôi làm thơ đã mấy chục năm, phải rứt ruột bỏ đi rất nhiều đứa con tinh thần, chọn cái tinh bỏ cái thô, nên càng trân trọng những bài thơ đang ở dạng mộc mạc của Tín, không muốn lược đi bài nào vì nó là một phần “máu thịt”của anh. Tập thơ in ra chắc sẽ dầy dặn, bề thế, là đứa con tinh thần đầu lòng mà anh chăm chút hứng khởi ghi lại cả một dặm dài ký ức; làm sao thiếu đuợc những bài thơ đau đáu về quê hương đồng chua nước lợ, bạt ngàn xanh lúa nhìn ra hướng biển bao la; tình cốt nhục ông cháu, cha mẹ, anh chị em ruột rà và đồng đội thân thương bước vào tuổi xế chiều hay đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.
Những câu thơ dẫu còn mộc mạc chân quê gieo vào người đọc những ấn tượng khó quên:
Qua đò Đống đến chợ Lầy
Tháng hai phiên chợ gánh đầy oằn vai
Bữa cơm độn nửa sắn khoai
Mẹ đơm đầy bát - con trai ăn nhiều
(Quê hương)
Từ nay gác lại bao mơ ước
Mái trường, bè bạn, những người thân
Ruộng cao, mẹ gọi em tát nước
Đồng xa, mình bố kéo xe phân
(Vào quân ngũ)
Dường như cả tập thơ, Phạm Trung Tín ghi lại cảm xúc của mình qua những sự kiện, dấu ấn thời gian không thể phai nhòa. Những tình cảm dạt dào, tình thương day dứt, nhung nhớ khôn nguôi cứ trào ra không dứt:
Cháu về ông đã khuất xa rồi
Nấm mộ cỏ xanh một góc trời
Ông đã đi xa về thiên cổ
Để lại lòng đau nỗi xót xa
(Nhớ ông)
Đêm khuya trằn trọc mấy lần
hương cha mẹ, xót anh thân khốn cùng
Dù cho nặng nỗi nhớ nhung
Con luôn vững chí bước cùng anh em
(Nỗi lòng)
Và thương anh trai bệnh tật ốm đau, anh lại xót thương em gái bị tai nạn nơi hậu phương xa xôi:
Nghe tin em bỏng nửa cánh tay
Đau lắm hả em tuột da rồi
Bảy tuổi thơ ngây sao chịu nổi
Nắng hè nung… nhức nhối Tuyết ơi
(Xót thương em gái)
Với em trai, anh chẳng cầm lòng:
Thư em viết mấy dòng da diết
Mà lòng anh man mác nỗi niềm
Em trai đang tuổi mười lăm
Ốm đau tàn tật tháng năm tủi sầu…
(Thương về em trai)
Nỗi đau cứ thế kéo dài từ Tin anh lâm bệnh” cho đến “Nỗi đau vĩnh biệt”, tâm tình của người chiến sĩ như trải hết vào khoảng thời gian dài đi qua chiến trận và cả những tháng năm đi tìm đồng đội, khắc phục hậu quả những tồn đọng của chiến tranh. Tâm can của tác giả như dồn hết những bài thơ mang nặng nghĩa tình và cả nỗi đau, niềm trắc ẩn với người thân và đồng đội:
Bàn thờ anh cơm canh mỗi bữa
Các em mời, anh nhớ về ăn
Thắp nhang mẹ khóc bao lần
Nghẹn ngào em gọi tên anh sớm chiều
(Nỗi đau vĩnh biệt)
Nhà thơ Phạm Trung Tín đọc thơ Nguyên tiêu 2017
Thơ Phạm Trung Tín chân chất giản dị như con người anh, không hoa mỹ, cầu kỳ mà bằng phương pháp tả thực nên anh đã nói được hầu hết nội tâm trong các bài thơ tự sự. Đây là cách biểu đạt thơ ở thời đất nước ta có nhiều biến động và trải qua những khủng hoảng, khó khăn. Ngày nay thơ không còn  dàn trải như thế, đã ngắn gọn hàm súc rất nhiều, nhưng ta trọng cái tình của anh, cái tâm trong sáng của người viết. Mặc dù vậy, thơ anh cũng mang dáng dấp trữ tình lãng mạn khi nói về tình yêu, tình bạn, tình quê hương… dẫu còn đôi khi hoài cổ:
Bài thơ này em thầm viết tặng anh
Xuyên nỗi nhớ tám năm trời thao thức
Lòng như mơ giở từng trang ký ức
Qua những chặng đường anh cùng đồng đội xông pha
(Nỗi nhớ)
Trong bài “Yêu”, gửi Ngọc Mỹ - người bạn đời yêu quý, Trung Tín gửi gắm lòng mình vào những vần thơ tha thiết nồng say:
Anh say đắm uống đầy ánh mắt
Em trinh nguyên dịu ngọt bờ môi
Đừng trách lính vụng về em nhé
Thương nhau xin chỉ khóc ít thôi
Ta theo tiếng gọi của lòng
Yêu nhau được sống trong vòng tay nhau
(Yêu)
Qua bao hạnh phúc tròn đầy viên mãn trong tình chung thủy yêu thương, tưởng như mãi mãi nuôi dưỡng nguồn sáng cuộc đời, thì nỗi đau “tim vỡ” đến với anh. Định mệnh khắc nghiệt của tạo hóa khiến anh hụt hẫng quặn lòng khi người vợ vĩnh viễn ra đi:
Bốn mươi tám năm, mới non nửa cuộc đời
Hai mươi năm xuân, chưa trọn tình chồng vợ
Mười một năm bạo bệnh, chồng cõng vợ chạy chữa tứ phương
Hai chín ngày hôn mê, con bồng mẹ cầu xin tám hướng
Tận cùng của bất hạnh là cái chết
Một sáng đau buồn - em mãi mãi biệt ly;
Mười năm biến đổi
Cạn nỗi u buồn
Tóc đã điểm sương đường vạn lý
Tri âm tri kỷ biết tìm ai?
Bâng khuâng buồn khôn tả
Ai mãi còn trong ai?
(Kỷ niệm mười năm em đi xa)
Bài thơ dài như một lời ai điếu khép lại niềm đau vô hạn của Phạm Trung Tín. Vĩ thanh của nó còn vắt qua thời gian gập ghềnh trôi… vòng quay nhân thế sẽ chuyển lưu với mỗi đời người, Phạm Trung Tín đã vượt lên số phận bằng nghị lực và khả năng của mình. Hạnh phúc lại đến với anh làm dịu vợi nỗi đau năm tháng. Niềm đam mê như ngọn lửa trong tim anh lại cháy lên những vần thơ lạc quan trong sáng, mang hơi thở của thời đại mới. Thi ca như một phép màu kéo con người lên từ vực thẳm khổ đau. Và người thơ lại thấy mình như “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”. Xin chúc anh có những niềm vui mới trong cuộc sống và ngọn bút cầm tay trào chảy những dòng thơ mới đầy yêu thương vì hạnh phúc và phẩm giá con người.
6/11/2019
Lam Giang
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lần Tính Toán Sau Cùng Gã ngồi lặng bên khung cửa, lắng nghe từng cơn đau xé da thịt. Gã tính khoảng cách giữa các cơn đau, gã nhớ lần...