Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Gặp gỡ đêm ba mươi

Gặp gỡ đêm ba mươi

“Khùng quá, Tết nhứt tới nơi, rảnh đâu mà họp với hành”.
1. – Bậy, lúc đó mới rảnh á bà. Chiều ba mươi tất niên với gia đình, mấy ngày Tết lo hiếu hỷ với dòng họ, tối ba mươi là thời gian thích hợp nhất để bạn bè tán gẫu. Giao thừa có mặt ở nhà là OK. Địa điểm hả? Cứ đến nhà Bằng.
Tôi còn chưa kịp phản ứng thì Bằng đã nhân danh lớp trưởng hiệu triệu C3 gặp gỡ đêm ba mươi. Tôi không nghĩ sẽ được ủng hộ nhiều, vậy mà vui hơn mong đợi. Đang tự do – cuối năm tất cả đều rảnh nên hô đâu có đó. Cười toàn tập. Vài ly bia, nồng nồng lâng lâng, hưng phấn, nói mãi không chán.
Còn hai mươi phút là đến giao thừa, gia chủ tuyên bố đuổi. Mấy đứa nấn ná, tuổi trẻ mà, ai chẳng muốn ngụp mình trong những cuộc vui sôi nổi. Nhưng Bằng kiên quyết, bạn bè gặp nhau là chuyện nhỏ, giờ khắc chuyển mùa, gia đình là ưu tiên số 1. Công nhận cái thằng hay, hồi xưa học dở dở mà giờ luôn đưa những lời khuyên khôn ngoan và chính xác. Chúng tôi ngoan ngoãn về.
Nhà văn Nguyễn Thị Bích Nhàn
Được chẵn bốn năm. Năm sau, hết nhộn. Bạn bè tứ tán theo tiếng gọi của hoài bão, bận bịu với hạnh phúc riêng, vướng nợ cơm áo. Con Diệu lộ vẻ thất vọng, nói cộc lốc:
– Giải tán đi, chứ họp hành gì mấy mống nấu canh không ngọt!
Họp lớp chỉ còn ba “ông Táo” là tôi, Diệu và Bằng. Ba đứa đóng đô đất quê, ra chợ, đổ xăng, đi chợ, lơ mơ là táng đầu bôm bốp – chưa kể những lần kéo nhau tới quán cà phê trụ, giờ lại họp lớp, hình như có gì sai sai. Diệu bảo đừng dồn tâm sức cho tình bạn, cuộc đời ngó vậy mà tàn nhẫn lắm, đứa bạn tốt nhất là đứa bạn vừa chết. Triết lý bi quan về tình bạn thể hiện trên khuôn mặt lạnh lùng của nó. Vậy đấy, mãn 12, thằng Phụng vào phố, du học và định cư bên Nhật, nó trở nên trái tính trái nết.
Năm sau, Diệu làm thêm công việc bán hoa Tết. Lần đầu làm mà trúng mánh. Nàng ngân nga như con nít, vui ơi vui, giây phút giao mùa, người ta nô nức đi chợ hoa, mình cũng rạo rực. Điều quan trọng hơn là kiếm được một túi tiền chặt khừ. Chỉ cần có tiền, Tết sẽ vui hơn bao giờ hết. Khuôn mặt đang sáng sủa bỗng tối sầm khi nói:
– Mình hối hận vì đã phí mấy đêm ba mươi cho những cuộc họp lớp vô thưởng vô phạt – thằng Bằng đáp lời bằng đôi mắt hờ hững rồi nhìn qua tôi, cười như mếu.
Tôi hiểu tâm trạng của thằng bạn chí tử. Ra trường, Bằng là hậu phương của bạn bè trong lớp. Tội lắm. Bạn bè ở thành phố, chuẩn bị đám cưới, chỉ cần về nhà nó quăng một đống thiệp là nó te te đi giao tận tay. Mấy đứa đang làm ở nước ngoài như An, Phụng mà cần gì bên này thì nó quáng quàng chạy. Giờ thấy khuôn mặt chán chường của bạn, tôi nghe trong ruột đau điếng.
2. Tết năm ngoái.
Bằng vẫn nhẫn nại đăng trên tài khoản cá nhân, thông báo họp lớp, tôi hưởng ứng bằng cách chia sẻ dòng trạng thái. Tôi không thuộc tạng người nghiện internet, không cố tìm bông hồng cuộc sống ở thế giới ảo đó nhưng vẫn gật gù công nhận những tiện ích lớn lao của nó. Chỉ bằng một tài khoản, chúng tôi dễ dàng tìm lại những người bạn tuổi thơ. Nhưng Diệu thì khác, nhỏ đồng tình quan điểm Facebook chỉ dành cho mấy người rỗi hơi. Tôi đưa cả ngàn lý do chính đáng. Vô tác dụng. Vẫn cái giọng thua buồn, tụi mày làm cán bộ biết đó biết đây, biết ăn biết nói, chứ làm thân “Hai Lúa” chen chi chỗ đông người! Bó tay.com! Sặc mùi tự ti và bảo thủ. Ca này đúng khó!
Trước, Diệu là một trong năm đứa học khá nhất C3. Trắng trẻo, không quá xinh nhưng đến lũ con gái cũng phải mê mẩn làn da trứng gà bóc của nó. Nhà khổ, học xong trung cấp, chưa kịp xin việc, đùng đùng đi ném thiệp. C3 tá hỏa – mấy đứa đổ tại thằng Phụng xuất ngoại, Diệu không giải thích. Chồng nó là thợ hồ. Lấy chồng, sinh liên tiếp ba thằng con trai. Chồng đi làm xa, chỉ giỗ chạp, Tết nhứt mới về. Nó lầm lũi với vòng tuần hoàn, từ chợ về nhà ra đồng, không váy đầm xanh đỏ, người khô đét. Năm đó, tôi phải đứng cửa nhà nó kiên quyết bảo mày không đi thì tao cũng ở nhà, nó mới chịu đi. Bộ dạng khép nép, co rúm giữa bạn bè. Tôi bảo tự tin lên, cứ y như hồi đi học, cá là mấy đứa đều nể tài học môn hóa của mày. Nhưng nhỏ vẫn rất miễn cưỡng, tâm tình có vẻ không ổn. Giờ Diệu xin rút, tôi không nài nữa. Nó bảo ba đứa mình thì hồi nào rảnh chơi không được, nhất định gì tối ba mươi. Nghe cũng có lý.
Một lần nữa lại cảm ơn Facebook đã làm chiếc cầu nối hiệu quả. Gom cũng được hai bàn. Vui nhất là thằng Phụng về. Chúng tôi tranh nhau nói chuyện. Vẫn cái giọng têu tếu, cà xốc cà nai của mấy con quỷ C3. Bỗng Phụng hỏi:
– Sao Diệu vẫn chưa tới, nhà gần đây mà?
Tôi im lặng, một khoảng lặng lúng túng. Thằng Bằng nói:
– Nó đang ngoài chợ hoa.
Phụng bối rối:
– Trời ơi, dẫy (vậy) mà nãy giờ hông (không) chịu nói! Gần tới giao thừa rồi, mau, mau!
Tôi mỉm cười trước câu nói của Phụng. Xa quê chừng ấy năm mà giọng quê không đổi. Hồi đi học, nó với Diệu được gọi là đôi bạn cùng tiến, thân khiếp lắm. Phụng già sớm, lõi đời, có biệt tài dễ dàng nắm thóp ý nghĩ của người khác, dù thầm kín tận đáy lòng. Hồi nó đi học, lu bu sao đó không thư về, vẻ như con Diệu tổn thương trầm trọng.
Phụng rồ xe, cả bọn rục rịch theo sau. Thằng Bằng chạy nhanh dẫn đường, theo sau một bầy rồng rắn.
Chúng tôi đến nơi, cảnh tượng đang diễn ra trước mắt thật xót xa. Diệu ngồi thừ, mặt trắng bệch, mắt đỏ hoe, cặp môi dày như cánh đào trở nên mỏng manh, nhợt nhạt dưới ánh sáng lờ nhờ của điện đường. Chúng tôi đứng trước mặt, Diệu cũng không nhúc nhích, vẫn là đôi mắt u ám, sầu thảm. Y như con ngựa chịu nhiều roi vọt, chẳng điều gì khiến nó kinh động nữa. Nhìn nhỏ mà không khỏi đau lòng, trạng thái yếu mềm nhất của người đàn bà giỏi che giấu bị bóc trần.
Phụng chạy lại chỗ con trai của Diệu hỏi chuyện. Hai mẹ con bán được phân nửa thì có người lại hỏi mua tới ba chậu, không trả treo, nói nhiêu đưa nhiêu. Người đó đưa tiền chẵn để Diệu móc túi thối. Đang lui cui với túi tiền, bỗng có ai đó chen ào qua giữa Diệu và khách. Y như có phép mầu. Người đó đi qua, túi tiền bốc hơi, người khách cũng biến mất. Ngơ ngác. Mất tiền, cũng là lúc hết khách. Những chậu cúc đại đóa đứng trơ trọi. Mất túi tiền, tồn đọng phân nửa hoa với gia cảnh của Diệu thì đúng… vỡ nợ. Phụng đứng nhìn cô bạn một thời hoa mộng, nét mặt không giấu được xót xa, đưa mắt nhìn qua Bằng, nhay nháy đầy ẩn ý.
Mấy đứa chia nhau số hoa còn lại cộ về. Tôi và thằng Bằng xốc con Diệu lên xe. Về tới nhà, giọng nó ướt sũng:
– Dưới trần gian này, không gì trọn vẹn bằng khổ hạnh.
– Đừng bi quan nữa. Yên tâm Tết đi, ra Tết tui sẽ tìm cái gì đó lâu dài và bền vững mà làm.
– Làm gì là làm gì ? Ông lo thân ông còn chưa xong.
– A, cái bà này khinh người dữ! Tui làm cán bộ tèng tèng nhưng vợ tui buôn bán giỏi, ngó vậy mà của chìm của nổi lắm nghen bà.
3. Ăn Tết xong, ngay tại lô đất gần cổng chợ quê, nay xây cái tiệm tạp hóa tương đối lớn, có người bảo sẽ na ná siêu thị mini. Tôi đàn bà, cũng sính chuyện mua sắm nên nghe có cái siêu thị gần nhà cũng thấy nôn nao, tò mò hỏi thì bảo của thằng bạn chí cốt. Trời, làm ăn đại sự hổng thèm nói con bạn tiếng nào luôn. Tôi gọi điện liền. Bằng phân bua:
– Tui đứng tên trên danh nghĩa thôi, chủ thực sự là người khác.
Tôi hình dung được nét mặt chứa đựng điều bí mật khủng khiếp của hắn nên hét:
– Gì mà úp úp mở mở, nói rõ nghe coi!
Hắn nói lí nhí như sợ tai vách mạch rừng, bảo thằng Phụng chuyển tiền về, yêu cầu đứng ra làm công trình, rồi đề nghị Diệu cùng làm, đứa có của, người có công cùng hợp tác. Tôi hỏi lỡ sau này con Diệu biết chuyện? Sẽ là bí mật trời không biết, đất không hay. Ừ, thứ tình cảm được biểu hiện kín đáo nhất là thứ tình đẹp nhất.
Lại Tết. Nhanh gớm. Đến một tuổi nào đó, tự dưng có cảm giác Tết ập đến mà không kịp trở tay.
Mới nửa tháng chạp, Diệu đã đưa trên trang cá nhân thư mời họp lớp, địa điểm tại nhà Bằng. Tôi thấy dòng trạng thái này trước tiên, like mạnh rồi chia sẻ cho Bằng, Phụng. Hai đứa nó cùng bỏ cái mặt cười hưởng ứng…
9/2/2021
Nguyễn Thị Bích Nhàn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...