Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

Hóm như bác Tô Hoài

Hóm như bác Tô Hoài

Ngày nào cũng vậy, đúng giờ, bác ăn mặc chỉnh tề như chuẩn bị đón khách đến chơi, nhưng là để ngồi vào bàn và cần mẫn làm việc. Không viết gì thì cũng cứ ngồi vào bàn, một thói quen không dễ với người nổi tiếng, nhiều thành tựu, có thể cho phép mình tạm nghỉ ngơi hoặc mềm lòng trước những chèo kéo hấp dẫn của đời sống.
Tôi quen chị Sông Thao từ khi chị mới ra trường, lấy chồng, làm việc tại văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, bấy giờ ở 65 Nguyễn Du; sau đó chuyển qua nhà xuất bản Kim Đồng cho tới lúc về hưu. Chị Sông Thao nom xinh, thật, hiền. Chị là con gái rượu bác Tô Hoài. Mỗi khi nghe ai nói đùa, một lúc sau mới hiểu ra, chị cười ha ha, đập tay bồm bộp xuống vai người bên cạnh. Anh Tân chồng chị là hải quan, ngày tôi còn làm công ty, anh giúp đỡ tôi rất nhiều.
Nhà văn Tô Hoài (1920-2014)
Năm 1994, Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ hai tổ chức tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Đại diện những người viết trẻ đến từ khắp nơi, sau màn thảo luận loanh quanh, khá tẻ nhạt, thì được nghe nhà văn Tô Hoài nói chuyện. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, dí dỏm bác kể về sự đọc của mình. Hàng ngày bác đọc tất cả các báo, từ truyện ngắn, phóng sự, tin tức… cho đến mục Nhắn tin cũng đọc, không bỏ mục nào. Đặc biệt, bác rất chăm đọc thơ. Nhưng thói quen của bác cũng lạ, bác thích đọc những bài thơ… dở trước. “Thơ càng dở tôi càng đọc kỹ.” Rồi bác trễ mục kỉnh nhìn xuống hàng ghế đại biểu bên dưới, tủm tỉm: “Ai chứ thơ của ông Huy Cận tôi phải đọc đầu tiên!” Nhà thơ Huy Cận ngồi bên dưới, cười rung cả ghế, có vẻ đã biết tính bạn mình hay nói bỡn. Cả hội trường Cung Thiếu nhi bấy giờ mới dám ồ lên. Nhưng thú thật khi ấy, tôi vẫn nghĩ bác Tô Hoài chỉ nói đùa về sự đọc.
Lần khác vào quán bia hơi Trâm Bầu trên đường Trần Quốc Toản, bây giờ là sườn phía sau của Nhà triển lãm VCCI Expo (Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô), ngẫu nhiên gặp bác Tô Hoài. Hóa ra đây là quán quen của bác, vì nhà bác ở phố Đoàn Nhữ Hài, chỉ cách chừng mươi bước chân. Bác ngồi từ trước khi chúng tôi vào, chắc đã uống kha khá. Khi chúng tôi ngỏ ý được đãi bác một chầu, bác không khách khí, nhận lời ngay.
Bác có cách uống thủng thẳng, từ tốn, nhưng không bỏ một lượt nào so với cánh thanh niên. Sợ bác say, chúng tôi xin phép gọi thêm món nhậu, nhưng bác xua tay, tủm tỉm cười: “Nếu được, thì gọi thêm cho mình… cốc bia.”
Đám chúng tôi bấy giờ toàn vô danh tiểu tốt, viết văn, làm thơ, làm báo đều còn làng nhàng. Hình như bác không quen, cũng không biết hết cái đám thanh niên xin được đãi bác. Nhưng lúc nhắc đến tên ai thì gần như ngay lập tức, bác tủm tỉm đưa ra những nhận xét nhỏ, hóm hỉnh mà chính xác, chứng tỏ bác đã từng đọc qua một cái gì đó của người ấy. Vậy ra câu chuyện về sự đọc bác kể trong Hội nghị viết văn trẻ là sự thật, sức đọc như thế quả là phi thường. Bác nói, nhiều người bảo tôi đọc thượng vàng hạ cám, nhưng đọc chính là cách tìm hiểu, cập nhật ngôn ngữ đời sống. (Bây giờ người ta lười đọc quá, đặc biệt là các nhà văn thì lại càng lười đọc của nhau như tâm sự của chính họ! Theo tôi, rất cần tham khảo việc đọc của bác Tô Hoài).
Còn nhớ lần ấy bác nhắc tôi: “Cậu viết báo, viết phóng sự, làm thơ… tớ có đọc cả. Nhưng ngoài 30 rồi, định làm cái gì cho ra tấm ra món thì làm đi. Không thì có khi… không kịp.” Lời nhắc nhở này tôi luôn ghi nhớ như một cảnh báo, nhưng làm thì cho đến bây giờ vẫn chưa được bao nhiêu. Mấy ai theo được cụ “Dế mèn”!
Ngày nào cũng vậy, đúng giờ, bác ăn mặc chỉnh tề như chuẩn bị đón khách đến chơi, nhưng là để ngồi vào bàn và cần mẫn làm việc. Không viết gì thì cũng cứ ngồi vào bàn, một thói quen không dễ với người nổi tiếng, nhiều thành tựu, có thể cho phép mình tạm nghỉ ngơi hoặc mềm lòng trước những chèo kéo hấp dẫn của đời sống. Nhà văn Cao Duy Thảo từng nói với tôi về hiện tượng “bàn tay vô hình”. Có những trang viết, trước đó ta không nghĩ gì đến nó cả, nhưng khi ngồi vào bàn thì chữ tự nhiên tuôn trào trên trang giấy. Đôi khi trở thành những trang viết đắc ý, sau này có muốn cũng không viết lại được. Có một bàn tay vô hình nào dẫn dắt ta chăng? Hình như bác Tô Hoài cũng làm việc theo cách này, mà bây giờ người ta hay gọi là chuyên nghiệp.
Nhà thơ Lê Đạt từng nhiều lần nói, đại ý: Viết văn, làm thơ, nói chung là lao động sáng tạo hoàn toàn không phải công việc cho người ưa ngẫu hứng, tài tử. Bởi, nó sẽ chỉ là vật trang sức, ai có tài thì lấp lánh được một lúc, nhưng nó cũng có thể vụt tắt ngay sau đó. “Cái gì của trời cho thì ông trời cũng sẽ đòi lại bất cứ lúc nào.”
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi khi đọc tập thơ Chân dung nhà văn của Xuân Sách cũng chịu là giỏi. Nhưng ông bảo Xuân Sách nên dùng cái tài ấy mà viết những cái lớn hơn, chứ chỉ thế này thôi thì phí cái tài đi.
Với bác Tô Hoài bây giờ khó gọi ra con số chính xác số đầu sách của bác đã xuất bản, nhưng ước chừng không dưới 150 cuốn! Đặc biệt, Dế mèn phiêu lưu ký đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, và được coi là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, in với số lượng lớn nhất ở nước ngoài, một kỷ lục chưa biết bao giờ mới bị xô đổ.
Một trong những đề tài bác Tô Hoài tâm huyết là viết cho thiếu nhi. Ngoài cụ Dế mèn quá nổi tiếng, còn cần phải kể ra đây: O chuột, Đảo hoang và vô số truyện cổ tích cho các em.
Trong một hội thảo về văn học thiếu nhi cách đây đã lâu tôi được dự và được nghe bác Tô Hoài “cảnh báo” bằng cách bày tỏ sự không hài lòng khi trẻ em Việt Nam đang phải “ăn” quá nhiều sản phẩm văn học nhập ngoại, đặc biệt là các loại truyện tranh. Bồi dưỡng tâm hồn cho một công dân Việt Nam tương lai thì phải là những tác phẩm văn học thuần Việt mang văn hóa Việt, truyền thống Việt, lịch sử Việt… Bây giờ ngẫm lại, thấy quá đúng. Đã đành là thời buổi hội nhập, chúng ta không đóng cửa với bất cứ ai, nhưng nếu bánh mì, xúc xích, kim chi, sushi… thay thế hoàn toàn cơm tẻ, cá kho, bát canh rau muống, quả cà dầm tương… thì trong tương lai liệu có còn nhận diện được một bữa ăn gia đình Việt?
Nói đi thì cũng phải nói lại, trách nhiệm, tâm huyết của những người cầm bút với đề tài văn học thiếu nhi ở đâu? Liệu họ có tự ti, yếm thế, thiếu khát vọng, thậm chí “khiếp sợ” trước làn sóng nhập ngoại ồ ạt các tác phẩm văn học nước ngoài đang được các độc giả nhí hào hứng đón nhận, đọc đến mức kính mắt ngày càng dày lên? Cứ theo ý của riêng tôi thì hiện nay ngoài Nguyễn Nhật Ánh ra, thật khó gọi thêm tên các nhà văn viết cho thiếu nhi thực sự tạo được dấu ấn ở sự chuyên nghiệp và chuyên tâm trong lĩnh vực này.
Thế mới biết những trang viết cặm cụi cho các em của bác Tô Hoài thật đáng khâm phục, bên cạnh những tác phẩm để đời khác như Truyện Tây Bắc, Miền Tây, Mười năm, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác v.v…
Ở tuổi chín mươi, bác Tô Hoài mới lên nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái, giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội, phần thưởng đặc biệt dành cho người công dân lão thành của Thủ đô.
Bỗng thấy tiếc nhớ về một thế hệ nhà văn đã để lại trong lòng nhiều công chúng và giới cầm bút dấu ấn về tài năng, nhân cách và cả sức làm việc bền bỉ, cùng với đó là những bài học nhỏ mà sâu sắc. Nhưng nhớ nhất là nét hóm hỉnh của bác Tô Hoài trong nụ cười đã đa phần sương khói.
15/5/2022
Trần Hữu Việt
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dây tơ đồng

Dây tơ đồng 1. Cún Ngày mới chào đời, tôi cũng có tên Tây tên Mỹ như ai, nếu tôi nhớ không lầm tên tôi là “Cool”, thế mà từ ngày ông chủ M...