Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Đi chỗ khác chơi

"Đi chỗ khác chơi"

Hồi năm 45 thế kỷ 20, qua vội lua ba hột cơm cho vững bụng, coi giờ sợ trễ cùng anh em làm cuộc Cách mạnh tháng Tám ở quê nhà. Qua không chơi được với bọn cường hào, cò bót… nên xếp bút nghiêng ”đi chỗ khác chơi”. Bây giờ, ở tuổi 91 và nếu tính tuổi mụ là 92, chú xịt đèn pin coi giờ để ”đi chỗ khác chơi” (1)…
Phải nói ngay rằng, hồi trai trẻ, tôi không thích giới văn chương, chỉ thích giới văn nghệ. Chẳng hiểu vì sao. Nhưng, có lẽ cái chữ ”chương” với tôi, hình như nó chứa nội hàm buộc và ràng còn chữ ”nghệ” với tôi, thì nó cởi và mở theo dòng cảm xúc cũng nên. Ngày đó, tôi vậy, không biết đúng không? Có điều, biết chắc là, tôi khoái nghe vọng cổ ”Sầu vương biên ải” của soạn giả Viễn Châu, do Út Trà Ôn hát, từ cái máy hát lên dây thiều hơn coi phim Âu – Mỹ ở rạp chớp bóng.
Một hôm, ông anh họ mang tặng tôi tập truyện ngắn ”Nắng đẹp miền quê ngoại” của tác giả Trang Thế Hy vào khoảng năm sáu lăm.(2) Tôi đọc lai rai suốt mùa hè năm đó. Và rồi, qua chữ nghĩa trên trang sách, tôi mến ông.
Khi trí của tôi bắt đầu trở chứng: Không khoái mần việc nữa. Ông nhà nước đồng ý cho cái trí của tôi nghỉ, tên chữ gọi là ”hưu trí”. Vợ tôi thường cằn nhằn, nói:
– ”Hưu trí” nghĩa là, cái trí của ông ”ngưng hoạt động”. Chờ đến nước nầy, nhà nước cho về, tôi thuộc ”nhà cái” hốt trọn ổ!
Nghe vợ nói, nhột quá! Tôi phang bừa:
– Thì, bà cứ bảo cái trí của tôi giờ đã ngu, đừng xía vô chuyện của nhà cái mà hư bột hư đường.
Sợ lâu ngày dài tháng, sinh giặc ”cơm không lành, canh không ngọt”, tôi kiếm cớ dông tuốt về quê chẳng ”cắm câu”, cũng không ”ở ẩn, chiêm nghiệm” mà, thiệt tình ”sợ vợ sai, vợ bắt nộp thuế…” hằng đêm thì, toi sinh mạng chớ chẳng phải chơi.
Thời gian thừa thải, rảnh rỗi tôi đi ”ta bà thế giới ”bằng con ngựa sắt của vợ sắm cho. Nhờ vậy, thỉnh thoảng tôi gặp tác giả ”Nắng đẹp miền quê ngoại”, sống lặng lẽ trong căn nhà đơn sơ ẩm thấp, bên dòng kinh quê che bởi những tán dừa xanh. Tôi gọi tác giả ”Nắng đẹp miền quê ngoại” bằng chú: Chú Tư Xâm!
Thiệt ra, tôi gọi chú Tư là chú Tư Sâm chớ chẳng phải gọi là Xâm.
“Cái thằng nầy, dốt đặc!”. Rồi, chú nói một hơi bằng một hơi rít thuốc lá cháy đỏ đầu:
“Đời tau đâu là củ sâm dâng bề trên hưởng thụ mà chú mầy, gọi tau là Sâm?”.
“Vậy, thưa chú…”.
Tôi chưa kịp thưa, chú Tư nghiêm sắc mặt:
“Tau là Xâm! Nghĩa là Đỏ…”.
Chú bỏ lửng câu nói.
Ngoài vườn, gió miền quê xạc xào lá dừa và đâu đó, có tiếng chim kêu chiều lạc bầy không tìm được đường về tổ.
Tôi gọi ông bằng chú Tư Xâm là, gọi theo người bạn kết nghĩa tên Hoàng An. Hồi nẫm, chú Tư Xâm cùng anh Hoàng An và một số các anh, như: anh Thảo (3), Lý Văn Sâm, Phan Lạc Tuyên, Thủy Thủ (4), Xuân Bắc (Cà Mau), Vân Lam (hy sinh cùng nhạc sĩ Hoàng Việt ngày 31.12.1967 trên đường đi công tác ở quận Cái Bè thuộc tỉnh Định Tường)… trên dưới áng chừng 40 học viên, có nhà văn Anh Đức (dự thính, vì đã học khóa viết văn ở miền Bắc)… học Khóa 2, lớp Viết văn ở miền Nam, gọi ”Tiêu Tương” đóng Xóm Rẫy, phía trên là Xóm Giữa (Tây Ninh) do nhà văn Nguyễn Văn Bổng(5) làm hiệu trưởng.
Anh Hoàng An, nói:
– Học viên từ các nơi tụ về, xúm nhau lo cất trường, lo đủ mọi thứ để kịp ngày khai giảng. Và, anh chị em Khóa 2 lớp Viết văn ngày đó, không ai không nhớ anh Thảo: Một tay guitar có hạng, một kiện tướng đào đất ”số zách” và, chỉ cần độc chiếc cái quần xà lỏn, anh ngồi bệt xuống đất với đôi tay điêu luyện… nghĩa là, một cái ”lò Hoàng Cầm”ra đời, một tay cật lực lao động cất trường, một tay cuốc đất trồng khoai… dẫu anh xuất thân từ cựu sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn. Anh là, mẫu người ”tranh nhau mần việc hết mình”. Tuy rằng, tính anh rất kiệm lời nhưng, không hẳn là người không tình cảm.
Ở xóm Rẫy có cái chợ, gọi là chợ xóm Rẫy. Gọi tiếng chợ cho nó oách, chớ chỉ là hàng quán lèo tèo kiểu nhà quê tuy cũng có: Hủ tiếu, cà phê, trà, thuốc lá, bánh kẹo… Vì, toàn ”văn sĩ”nên học viên được sinh hoạt thỏa mái hơn những lớp học ngành nghề khác. Đôi lần, tôi định lân la hỏi anh Thảo cho ra môn ra khoai. Tiếc rằng chưa có dịp.
Lớp học khai giảng năm 1964, lúc trời đổ mưa sa dông và dân bắt đầu vào vụ sạ lúa Hè – Thu trên đất gò biên giới.
Phòng lưu niệm của nhà văn Trang Thế Hy ở quê nhà Bến Tre. Ảnh: PH
– Chú Tư, cháu mạo muội muốn hỏi chú một chuyện.
Tôi vừa nói lối chưa vô câu vọng cổ để xuống xề. Chú Tư nhướng cặp chưn mày, rít một hơi thuốc lá, buông một câu gọn lỏn:
– Đi chỗ khác chơi!
Tôi không để tâm câu nói của chú nên, chẳng cớ gì tự ái. Tôi thoáng nghĩ: ”Đi chỗ khác chơi” là tôi đi hay chú đi? Mà xin lỗi, ai đi rồi cũng được. Tôi nhón ké điếu thuốc, cười vả lả cầu tài:
– Thưa chú, cháu ”thỉnh ý” chú chuyện nầy không thể ”đi chỗ khác chơi”.
– Tại sao không?
Miệng dẫu nói vậy, nhưng dường như chú ”đánh hơi” có điều lạ ở ”thằng nhỏ” không dính dáng đến chuyện ”văn nghệ, văn gừng”.
– Đâu, chú em nói thử, qua nghe!
Ngày đó, giữa lớp học Khóa 2 Viết văn, chú ”trình làng” một tiểu phẩm(6).Trong tiểu phẩm nầy, chú đặc tả ”nét đẹp ngũ sắc lộng lẫy của những cái bong bóng xà bông dưới ánh mặt trời, nhưng dễ bễ…” Và, chú ”còn nợ cái xe đạp như lời hứa đối với đứa con trai lúc chú ra đi kháng chiến…”
Tiểu phẩm của chú được học viên lớp học đóng góp và phê phán. Ông Tám Nhàn, phân tích có tình có lý, rất chân tình và thuyết phục, chớ ”không dùng đao to búa lớn”. Hồi ấy, anh chị em giới nhà văn thường đối xử nhau đúng mực ”kẻ cầm bút”, hiếm khi ”liệng đá” hoặc báng bổ nặng lời.
Chú nhận ra điều cần nhận của một nhà văn từng là nhà thơ, nhà báo. Gần 20 ngày sau, truyện ”Anh Thơm râu rồng” ra đời. Cả lớp học thích thú, ông Tám Nhàn khen đáo khen để! Và, ”Anh Thơm râu rồng” sau đó nhận Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam (1960-1965).
– Việc đó, thực hư thế nào chú Tư?
Tôi hỏi.
Chú Tư im lặng, hút thuốc, mắt ngó ra bờ kinh.
Buổi chiều dùng dằng trải nắng qua xóm nhỏ.
Chú bỏ chốn kinh kỳ, qua phà Rạch Miễu, về sống bên cạnh ”người vợ cực khổ sơn trường” với mình ở quê nhà. Thường thì, người ta cực mà không khổ hoặc khổ mà không cực. Đằng nầy, thiếm Tư gánh cả hai cái cực và khổ trên đôi vai gầy yếu. Thiếm Tư đi về trời trước chú. Chú nuối, chưa hẳn là tiếc trần gian. Song, cố ở lại ngóng coi mọi sự rõ ràng mà, không phải ”lộng giả thành chân”. Ngóng cổ chờ miết, chẳng thấy mưa rào, ngày một cứ tăm tăm, mù mù… Chú thở dài, một mình buông một câu: “Đi chỗ khác chơi!”. Chuyện đời đâu phải dễ. Chẳng chơi được chỗ nầy thì, chỗ khác có gì chơi?
Sức yếu, tuổi cao… chú dựa vào anh hai Lê, nương nhờ vợ chồng Ái Thy (7) chống chọi bịnh tật và cái già. Hai năm cuối cuộc sống, gần như chú buông bút. Tôi lứa tuổi thuộc hàng con cháu, không ngồi ”mâm chiếu” dùng ”đũa văn chương” gắp ”chữ nghĩa”. Tôi thương mến chú, không là những tác phẩm chú để lại cho đời. Chưa chắc chú viết thiệt lòng và tôi, cũng chưa chắc đọc mà hiểu mà thấm hết những gì chú đã viết? Tôi thương mến chú từ thân phận con người trong cái cõi nhân gian: Hiền-Dữ! Biết sao hiền sao dữ? Không có dữ, chắc gì ló cái hiền?
Có điều chắc nuột, chú yêu liếp dừa, mương nước. Chú không thể nào quên tàu cau, tàu dừa lả lơi dưới ánh trăng quê thời thơ ấu. Từng lón phù sa Ba Lai, Hàm Luông làm nên vùng đất Hữu Định và, cái làng nghèo Hữu Định đã hun đúc nên một nhà văn yêu đất yêu người. Chú rời mái gia đình từ rất sớm, ”đi vào cách mạng như đi vào ngày hội lớn” như ai đó từng viết. Chú không thuộc tiếp người ”ham vui” đi vào cách mạng như đi vào ”ngày hội lớn”, chú đi vào cách mạng như một sứ mạng làm trai, một nghĩa vụ cứu nước giành Độc Lập, cứu dân thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than!
Chú Tư, chàng trai làng Hữu Định đã đáp lời cụ Đồ Chiểu: ”Hỡi trang tuấn kiệt rày đâu vắng/Nỡ để dân đen mãi thế nầy?” và ”Tuyên ngôn Độc Lập” ngày 2.9.1945 tại Ba Đình của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Chú nhớ lại, ngày đó: Người người giành hy sinh, nhà nhà giành cống hiến. Nếu, phải tự tay mình đập nát căn nhà do mồ hôi nước mắt của mình làm ra, vợ chồng, con cái sẵn sàng đập vì, công cuộc ”Tiêu thổ kháng chiến”. Gia đình ba má chú thuộc gia đình có cái ăn cái để, giàu có trong vùng. Vậy mà, chú bỏ tất cả lại sau lưng, nốp với giáo lên vai đi vào khói lửa.
Chú Tư là một người yêu nước, đúng nguyên chất yêu nước của người Nam Bộ.
Tôi đến viếng chú Tư ngay ngày hôm sau lễ ”Mở cửa mả”. Nghĩa là, lúc ”con gà”chạy vòng quanh nắm mồ kêu những tiếng kêu báo thức. Và, chắc là chú giựt mình thức dậy trong một cảnh giới khác. Cái cảnh giới chỉ có ma, thiếu vắng người. Chú biết mình rời dương thế. Tôi tin ở thời khắc không dài lắm, chú sẽ gặp lại ”bằng hữu” và những ”cố nhân” mà, khi sống chú mong gặp. Thượng đế rất sòng phẳng và công bằng trong việc ân oán cõi thế gian.
Ngồi thềm mả chú, thợ hồ đương xây mộ dở dang. Tôi vin cây mía lau túm ngọn chao nghiêng gió sớm, ngó cái thang làm bằng sống lưng bẹ chuối, cái thang để đêm đêm chú trèo lên đứng ngó trời sao, nghĩ thế sự man man… Tôi thắp nhang, thầm vái:
– ”Thằng nhỏ cà khịa” đến thăm chú Tư đây! Không phải ”ké, bón” chụp ảnh, dựa hơi hồn ma bóng quế ”Người hiền Nam Bộ” để đánh bóng bộ mặt nhà quê ”bùn sình” của mình. Đến để coi chú có nói gì với thằng nhỏ hay ”tò mò tọc mạch” lúc chú còn thở khí trời, lúc Thân-Tâm đoàn kết từ Thở, tạo thành sự sống con người. Tắt thở, Thân-Tâm chia lìa vĩnh viễn. Đến để nghe chú nói: Chú chẳng thèm trách oán ai bởi, Trang Thế Hy không bầm và dập thì, không có một Trang Thế Hy đích thực Trang Thế Hy!
Thương cảnh vợ chồng Ái Thy, đứa con gái mà lúc sống, chú rất mực yêu thương. Vợ chồng ăn ở với nhau nhiều năm, không có con. Chú mất, Ái Thy hụt hẫng tinh thần. Gặp tôi, em nó lơ mơ như người đãng trí. Một cảm xúc xót xa chạy rần rật trong tôi.
Hằng giờ, tôi ngồi bên mộ chú. Ngôi mộ khang trang nằm im lìm dưới những hàng dừa mượt mà trên 5 công đất. Nghe chồng con Út Thy nói, lễ Thanh minh sang năm, anh hai Lê dời phần mộ của thiếm Tư từ ngoài mép lộ vào nằm cận kề chú Tư.
Ngó cái ảnh của chú trên bia mộ, tôi có cái cảm giác chú mỉm cười với thằng tôi. Cái thằng nhỏ ngịch ngợm, bạ đâu nói đó, tính thẳng ruột ngựa. Có lần, tôi tưởng đâu chú nghỉ chơi với tôi. Vì, tôi vượt qua vai vế. Tôi nhớ, tôi nói với chú khi chú hỏi:
– Thằng nhỏ, đọc ”Anh Thơm râu rồng” thấy sao?
Tôi bậm trợn trả lời đại.
– Thưa chú, hay thì có hay vào cái thời đó. Cái thời quất sụm bà chè địa chủ. Nhưng, theo cháu địa chủ Nam Bộ không ác như địa chủ Bắc Bộ.
Chú nhỏm đít, xoay người trở bộ tư thế ngồi nghe tôi lý sự.
Tôi như được chú khuyến khích, nói tiếp:
– Gần như toàn bộ địa chủ Nam Bộ vào dân Tây, hấp thụ nền văn hóa Tây… moa, toa… tá lả. Tinh thần khoáng đạt, sẵn lòng tự nguyện ”Địa chủ kháng chiến”, góp công góp sức cho phong trào Việt Minh; kể cả gả con cho cốt cán, lãnh tụ phong trào. Thậm chí, sau mùa lúa, địa chủ còn mướn thầy giáo về dạy chữ cho con tá điền… Điều đó, khó có thể xảy ra ở Bắc Bộ bởi, tàn dư phong kiến kềm tỏa và nhuộm đen đầu óc địa chủ.  Địa chủ Bắc Bộ mần gì biết ”moa, toa… nhảy đầm…” là cái quỷ quái gì? Nếu có biết chăng, là biết cái ”bàn đèn”, nói ”hoa hòe hoa sói” là nàng tiên nâu hoặc cùng lắm đi hát ả đào… xin lỗi, được vậy đã là thuộc hạng chảnh… Nên, truyện ”Anh Thơm râu rồng”, thưa thiệt với chú, cháu đọc không thấy đã và nghĩ nó sao sao ấy…!
Tưởng chú giận mà không. Đôi mắt chú buồn… buồn rất xa. Tôi ân hận vì đã lỡ lời. Chú hút thuốc, nói lảng sang chuyện khác.
Bàn thờ chú – một nhà văn đại thụ, một người hiền Nam Bộ – rất đơn sơ hơn cả sự đơn sơ của người nghèo khó. Tôi ngậm ngùi trong cái bồi hồi của kẻ hậu sinh: ”Đi chỗ khác chơi”! Tôi lần mối ra mới hiểu, ”Đi chỗ khác chơi” vừa là câu thiệu khởi đầu, cũng là câu khẳng định cho một sự kết thúc. Có thể, đuổi bọn ”giá áo túi cơm”, đồng thời cũng là câu ”thấy chơi không được, đi chỗ khác chơi”. Đơn giản như tướt lá dừa mần chổi quét sân, quét bồ hống…
Tự dưng, tôi nghĩ đến thời khắc ra đi của chú. Chồng Út Thy kể với tôi:
– Buổi chiều, ba vẫn bình thường: Ăn cơm, uống sữa… khoảng tối, ba bảo khó chịu có lẽ hơi cảm, em đòi quậy sữa hoặc vắt cam cho ba uống, ba bảo khỏi. Lát khuya, ba tuột quần và lòm còm đứng dậy. Em hỏi: Ba mần gì vậy ba? Ba nói: Ba tiểu ướt cả quần, ba vắt chỗ quạt máy cho mau khô. Em nói, để con lấy cái quần khác cho ba mặc, kẻo lạnh. Ba không cho, ba bảo đắp mền lại cho ba. Em nhắm mắt thiu thiu nhưng, không ngủ được. Bất chợt, em thấy ba nhá nhá đèn pin lên cái đồng hồ… Em ngồi bật dậy, nghe tiếng ba thở rất nhẹ 2 cái… em chạy đến bên giường, hỏi: Có sao không ba? Ba em đã đi. Lúc đó, kim dồng hồ chỉ 0 giờ 50 phút rạng sáng ngày 8.12.2015.
Đời chú Tư đã trải qua hai lần coi giờ để đi.
Hồi năm 45 thế kỷ 20, qua vội lua ba hột cơm cho vững bụng, coi giờ sợ trễ cùng anh em làm cuộc Cách mạnh tháng Tám ở quê nhà. Qua không chơi được với bọn cường hào, cò bót… nên xếp bút nghiêng ”đi chỗ khác chơi”. Bây giờ, ở tuổi 91 và nếu tính tuổi mụ là 92, chú xịt đèn pin coi giờ để ”đi chỗ khác chơi”. Tiếc là, thằng nhỏ cà khịa của chú chưa kịp hỏi:
– Thưa chú Tư! Cuộc chơi còn biết bao điều bất ngờ và thú vị. Vì sao, chú không ở lại chơi cuộc chơi… mà lại, vội vã cuốn tượng ”đi chỗ khác chơi” vậy, chú Tư!?.
Chú thích:
(1) Câu nói thường khi của nhà văn Trang Thế Hy
(2) ”Nắng đẹp miền quê ngoại”, tập truyện ngắn 1964.
(3) Nhà văn Lê Văn Thảo
(4) Phan Lạc Tuyên, Đại úy VNCH, Thiếu úy Hải quân VNCH
(5) Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, bút danh Trần Hiếu Minh, bí danh Tám Nhàn
(6) Thời đó, không gọi tác phẩm.
(7) Anh hai Lê (con trai). Ái Thy (con gái), Chín Hy (Trần Văn Hy, con rể).
Bến Tre, 13/12/2015
Trần Bảo Định
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...