Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Một người đi xe đạp ở Hà Nội

Một người đi xe đạp ở Hà Nội

Không biết ông có mang chiếc xe đạp đó vào Thành phố Hồ Chí Minh không. Và nếu có mang vào thì ông cũng chẳng có điều kiện mà đạp xe nữa. Tôi nghe nói ông ở trong ngôi nhà có thang máy. Nhưng hình ảnh ông đạp xe dọc phố Nguyễn Du mãi mãi là hình ảnh đầy ấn tượng và thật đẹp. Hình ảnh đó làm cho Hà Nội trở nên thảnh thơi.  Không biết Bảo tàng Nhà văn Việt Nam có biết mà giữ chiếc xe đạp của ông lại không…
Nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008)
Trong rất nhiều người Việt Nam có lẽ tôi là một người may mắn đã trở thành nhân vật trong ít nhất một bài viết ngắn của ông. Đó là bài ông viết về mấy anh em chúng tôi thuở còn đang làm tờ Văn Nghệ Trẻ của Hội Nhà văn.
Ngày ấy, hơn mười năm trước, trụ sở Văn Nghệ Trẻ nằm trong một căn phòng chừng 6 mét vuông ở 17 phố Trần Quốc Toản, Hà Nội. Ông tả tôi có hai mắt to như hai cái chén Tống, giọng nói khào khào… và thức suốt đêm để làm báo.
Khi Nguyễn Khải còn sống, tôi gặp ông không nhiều và chỉ là những lần ông ra Hà Nội. Hồi đó, hầu hết những lần ra Hà Nội ông đều ở trụ sở Báo Văn Nghệ số 17 phố Trần Quốc Toản. Chả là ngày ấy, trong cái trụ sở chật chội nhưng vẫn có một cái phòng khách của báo. Thi thoảng đến cơ quan sớm, tôi lại thấy một nhà văn hoặc một nhà thơ ở xa về ngụ ở báo qua đêm đang lững thững cầm khăn mặt đi vào nhà vệ sinh.
Nguyễn Khải đã nhiều lần ngụ tại báo Văn Nghệ khi ông ra Hà Nội. Không chỉ vì báo có phòng khách mà bên cạnh phòng khách là phòng ở của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma. Nguyễn Khắc Trường rất thân với Nguyễn Khải. Hai ông từng làm việc ở một cơ quan: Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hồi đó nhà văn Nguyễn Khắc Trường cũng đã chuyển từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội về báo Văn Nghệ. Thế là Nguyễn Khải ở luôn cái phòng khách của báo vừa tự do lại vừa có bạn. Nhiều lúc đi qua tôi chỉ thấy hai người ngồi rủ rỉ rù rì những chuyện gì đó với nhau. Hai ông đều là những người không có tính ồn ào vồn vã như nhiều nhà văn khác. Nhưng cả hai ông cứ xuất bản cuốn sách nào là thiên hạ lại ”loạn” cả lên.
Ngày đó, trong một phòng khá rộng của toà soạn để xe ô tô của ông tổng biên tập, tôi thường nhìn thấy một chiếc xe đạp. Tôi đoán là xe đạp Trung Quốc. Yên xe rất cao. Chiếc xe trông rất cũ và tôi chưa nhìn thấy loại xe đạp như thế ở Hà Nội. Hỏi ra mới biết đó là xe của Nguyễn Khải. Ông gửi chiếc xe đạp ở đó để mỗi lần ra Hà Nội thì lấy đó làm phương tiện đi lại. Một lần tôi ngồi thử lên chiếc xe đạp đó và suýt ngã vì tôi là một người có chiều cao hơi khiêm tốn. Chiếc xe đạp ấy cao là vì Nguyễn Khải là một người được coi là rất cao so với các nhà văn Việt Nam thường thấp bé dị dạng. Ví dụ như Tố Hữu, Nguyên Ngọc, Trần Đăng Khoa, Đỗ Trung Quân… Toàn là mấy ông thấp bé nhưng đều “ghê gớm” cả.
Buổi sáng Nguyễn Khải lững thững đi ăn sáng ở một phố gần đó. Ông ăn uống nhỏ nhẹ như một thục nữ. Ông nói năng cũng nhỏ nhẹ. Tôi có cảm giác ông không có khả năng cáu giận. Nhưng cái giọng nhỏ nhẹ của ông luôn luôn chứa sự hài hước và thâm thuý. Có người nghe Nguyễn Khải nói về mình nhưng phải về đến nhà, ăn uống xong, nằm xuống ghế, xuống giường nghỉ ngơi ngẫm nghĩ. Và đến lúc đó họ mới hiểu ra ý Nguyễn Khải nói gì. Ăn sáng xong ông về uống trà trong phòng Nguyễn Khắc Trường rồi lững thững dắt chiếc xe cao ngất ngưởng ra phố và thủng thẳng đạp đi.
Tôi đã nhìn ông đạp xe dọc đường Nguyễn Du, Hà Nội.
Ngày ấy Hà Nội chưa rồ dại vì xe máy như bây giờ. Bởi thế mà hình ảnh một người cao lêu đêu thong thả đạp xe tự nhiên thấy cả Hà Nội thảnh thơi lạ lùng. Cuối chiều lại thấy ông đạp xe về. Ông dựng chiếc xe vào một góc, khoá lại và thủng thẳng đi lên tầng 3 toà soạn báo Văn Nghệ. Phong thái đi đứng và đạp xe của Nguyễn Khải làm tôi lý giải vì sao ông có thể biết được nhiều chuyện như thế. Tôi thấy ông thường tĩnh lặng đến mức có thể để thu hết mọi gương mặt, mọi giọng nói và mọi câu chuyện của đời sống ông đi qua vào trong con người ông. Để rồi trở về, ngồi xuống, nhớ lại và viết ra. Văn phong của ông cũng vậy. Cứ thủng thẳng “chết người” như những lúc ông ngồi nói chuyện với người quen.
Một buổi chiều, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và tôi ngồi làm số báo Tết Văn Nghệ Trẻ ở cái phòng 6 mét vuông ở tầng ba báo Văn Nghệ thì thấy Nguyễn Khải đi qua. Ông nhìn chúng tôi và hỏi: “Chỉ có hai ông làm thôi à? ”. Đúng là ngày đó chỉ có tôi và Ngọc làm. Tôi phụ trách nội dung và Ngọc làm họa sĩ trình bày. Nguyễn Lương Ngọc là người đã cùng nhà văn Hòa Vang đi bộ dọc đất nước. Một lần từ nhà của nhà thơ Trần Quốc Thực về, Ngọc ngã xe máy. Ngã nhẹ thôi nhưng đầu đập xuống đường và bị chấn thương. Thế là bại liệt, là không nói được nữa. Ngọc cứ nằm trên giường bất động mấy năm sau thì mất. Giá ngày ấy có mũ bảo hiểm như bây giờ thì chắc Ngọc còn sống. Hoà Vang cũng đã mất vì ung thư. Trần Quốc Thực cũng vừa mới mất đầu năm nay. Và bấy giờ đến Nguyễn Khải. Phải bình tĩnh nếu không sẽ hoảng hốt khi những người quanh mình cứ lặng lẽ biến mất khỏi mặt đất này như chẳng có lý do gì xác đáng.
Đến tối ngày hôm đó, Nguyễn Khải đi qua, thấy chúng tôi vẫn làm báo, ông thò đầu vào hỏi: “Hai ông chưa nghỉ à?”. Mười giờ đêm, ông đi tiểu, lại ngó vào và nhạc nhiên vì thấy hai tay nhà văn trẻ vẫn ngồi giữa mịt mùng bản thảo, tranh ảnh, bút chì, thước kẻ, dao kéo và khói thuốc lá. Mười hai giờ đêm vẫn vậy. Hai giờ sáng, ông dậy đi tiểu, tròn mắt nhìn chúng tôi: “Hai ông làm gì thế này?”. Bốn giờ sáng đi tiểu vẫn thấy chúng tôi ngồi hì hục làm. Ông đứng nhìn chúng tôi rất lâu và không nói gì, chỉ khẽ lắc đầu và bỏ đi. Sáu giờ sáng, ông đứng trước cửa phòng chúng tôi. Ông hỏi chúng tôi với một giọng hoang mang và ngờ vực: “Hai ông cứ ngồi đây từ chiều qua đến giờ à?”.
Đúng là chúng tôi đã ngồi như thế từ chiều hôm trước. Tất nhiên có đi ăn một bát phở đêm. Lúc đó, Nguyễn Khải không hiểu chúng tôi thuộc loại người nào. Tiền thù lao làm báo Tết ngày ấy là không có. Tất cả chỉ là sự say đắm. Năm đó, tôi 40 tuổi. Bây giờ đã 50. Nhưng vẫn dại dột và say đắm như thế. Sau này ông viết trên tờ Thế Giới Mới về chuyện chúng tôi đã làm báo như thế nào.
Nhiều năm tôi không gặp ông. Có lẽ do sức khoẻ mà ông ít ra Hà Nội. Mà ra thì ông cũng không đến ở báo Văn Nghệ nữa. Vì báo chẳng còn một chỗ hở nào để làm phòng khách. Tuy nhiên, trụ sở cũ đã được đập đi mấy tháng trước để xây một toà nhà tám, chín tầng gì đó. Không biết ông có mang chiếc xe đạp đó vào Thành phố Hồ Chí Minh không. Và nếu có mang vào thì ông cũng chẳng có điều kiện mà đạp xe nữa. Tôi nghe nói ông ở trong ngôi nhà có thang máy. Nhưng hình ảnh ông đạp xe dọc phố Nguyễn Du mãi mãi là hình ảnh đầy ấn tượng và thật đẹp. Hình ảnh đó làm cho Hà Nội trở nên thảnh thơi.  Không biết Bảo tàng Nhà văn Việt Nam có biết mà giữ chiếc xe đạp của ông lại không.
Một sáng nghe tin ông mất, hình ảnh đầu tiên tôi nhớ về ông là hình ảnh ông đạp xe trên một đường phố Hà Nội hơn mười năm trước. Bây giờ đang là những ngày cuối năm âm lịch. Người Hà Nội đã bắt đầu thấy những làn mưa bụi của mùa xuân trở về. Và tôi nghĩ, không phải ông rời bỏ chúng ta đi về chốn nào đó mù xa. Ông chỉ đạp xe lên vùng Nghi Tàm, Quảng Bá để thăm một người quen hay một nhân vật nào đó của ông hoặc có thể ông đạp xe lên đó xem người Nghi Tàm, Quảng Bá chăm chút những cây đào cho một mùa xuân đang tới gần. 
16/12/2020
Nguyễn Quang Thiều
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...