Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Khúc nhạc thời gian

Khúc nhạc thời gian

Ông Vi Hoài Kham sống tại ngôi nhà hai tầng nằm trong một ngõ nhỏ giữa thị trấn yên bình nhưng cũng không kém phồn hoa của huyện Thường Xuân. Đã bước qua cái tuổi lục tuần, cái tuổi về dốc cuộc đời, nhưng ông vẫn giữ được vẻ rắn rỏi, phong trần của người đàn ông dân tộc Thái.
Dường như đã thành thói quen, sau khi đưa cháu đến trường với những lời dặn dò yêu thương, ông Vi Hoài Kham lại trở về ngôi nhà của mình, để rồi nào bình nước, nào cây kéo, ông tự tay cắt tỉa, chăm chút cho những khóm hoa lan. Cái công việc tưởng chừng như đơn giản ấy là niềm đam mê, là thú vui của ông vào mỗi buổi sáng. Khi ngơi tay, ông lặng lẽ ngồi bên ấm chè nóng, theo dõi tin tức thời sự qua những trang báo, rồi thư thái thả tầm mắt ngắm nhìn hoa lá, chim chóc, nhìn những người hàng xóm, bạn đồng niên đi qua cổng nhà. Tiếng cười, tiếng chuyện trò cứ rôm rả cả không gian nơi phố nhỏ. Quãng thời gian này dường như được ông dành để nghĩ suy, để sống với những kỷ niệm của những ngày tháng gian khó không bao giờ nguôi ngoai trong lòng ông.
Nhà văn trẻ Ngân Hằng
Ông Vi Hoài Kham sinh năm 1949, tại làng Thông, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Làng Thông khi đó là một trong những làng nghèo đói, lạc hậu nhất ở miền Tây xứ Thanh. Để mưu sinh, những người trong họ Vi phải đi làm phu phen, làm đầy tớ phục dịch cho nhà giầu quanh vùng. Nghèo đói, vất vả, nhưng nhiều người trong dòng họ Vi vẫn can trường đi theo cách mạng. Dù gia cảnh gieo neo, vợ yếu, hai con còn thơ dại, nhưng người cha của Vi Hoài Kham là ông Vi Văn Luận đã tham gia du kích chống thực dân Pháp và phong kiến tại địa phương, rồi trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bố thường xuyên vắng nhà, thương chị gái và người mẹ vất vả, lam lũ, cậu bé Kham tuy còn nhỏ nhưng đã biết phụ việc cho gia đình. Cậu từng phải lên rừng kiếm củi khô, hái măng, đào củ mài, từng gắng gượng đi qua những mùa đông khắc nghiệt ở miền sơn cước, lạnh thấu xương, nhói buốt từng thớ thịt.
Đến tận bây giờ, ông Vi Hoài Kham vẫn không thể quên cảm xúc bàng hoàng của mình, khi mẹ ông, bà Hoàng Thị Cảng đột ngột qua đời vào năm 1956. Mẹ ông vốn quê ở làng Cả Soi, xã Xuân Lẹ, cũng là một vùng đất khô cằn, nghèo khó. Lấy chồng sinh được hai con, một gái và một trai, cuộc đời không được ngày nào nhàn hạ, người mẹ ấy tối ngày còng lưng trên nương rẫy, chăm lo mọi việc của gia đình, dòng họ, để chồng yên tâm công tác. Những kỷ niệm về mẹ cứ in hằn trong tâm trí non nớt của cậu. Nhất là mỗi khi đêm về, ba bố lại ngậm ngùi trong căn nhà tuyền toàng thiếu vắng bàn tay của người phụ nữ. Từ ngày mẹ mất, công việc của bố bận hơn, hai chị em phải tự lo cho nhau miếng cơm manh áo. Mọi việc trong gia đình giờ đây dồn vào bàn tay chị gái ông là bà Vi Thị Khiêm. Chị thức khuya dậy sớm quán xuyến mọi việc đồng án, lợn gà, gắng bù đắp tình cảm cho em trai bị thiếu thốn. Cậu bé Vi Hoài Kham cũng cố gắng phụ việc nhà với chị, đỡ đần cho bố, mà lòng vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ thương mẹ. Cũng may, hai chị em vẫn còn bóng bà nội để nương nhờ và được những người dân ở làng Thông giúp đỡ. Người cho lương thực, người bảo ban hai chị em công việc nương rẫy, chăm nom nhà cửa… Thế nhưng, khi nỗi đau mất mẹ chưa khuây khỏa, thì hai năm sau, năm 1958, bà nội cậu bé Kham lại mất.
Mới chỉ 8 tuổi đầu, nhưng Vi Hoài Kham đã phải chịu sự hụt hẫng tình cảm thương yêu của mẹ, của bà. Không nỡ để hai con còn nhỏ phải sống trong cô quạnh, ông Vi Văn Luận lấy vợ hai, để có người đỡ đần, nuôi dạy con cái, cho ông yên tâm tham gia công việc xã hội. Thế nhưng, từ khi bố lấy vợ hai, các em lần lượt ra đời, nhà đã nghèo nay lại đông miệng ăn, có những năm cái đói đeo bám dai dẳng từ 3 đến 6 tháng. Cả tuổi thơ của cậu bé Kham không có một bữa no, không được mặc manh áo lành. Khi đó tại những bản làng xa xôi hẻo lánh, trẻ con thường không biết đến mặt chữ. Trong vùng chỉ có nhà ông Ngân, một trong những nhà giàu, nuôi thầy đồ. Nhà ở gần lớp học, hễ nghe thấy tiếng thầy giảng bài, cậu bé Kham lại bế em ngấp nghé đứng bên ngoài, “học mót” từng con chữ. Thương cậu bé nghèo ham học, thầy đồ đã chạy tiền cho cậu bé Kham được vào học trong lớp của mình. Dù học sau, nhưng do thông minh, chăm chỉ chẳng mấy chốc cậu đã theo kịp chương trình với chúng bạn. Sau lớp học đó, Vi Hoài Kham tiếp tục vượt qua bao gian nan, hoàn thành xong chương trình học cấp 1 (tức lớp 4 hiện nay) vào năm 1964. Cũng trong năm này, khi đi chỉ đạo dân công hỏa tuyến tại biên giới Việt Lào, bố ông bị tai nạn và mất, theo đó, Vi Hoài Kham mất đi chỗ dựa về tinh thần, mất đi bóng dáng của người cha mà anh hằng khâm phục. Anh tự nhủ lòng: phải tự đứng lên bằng sức mình, gác lại mọi chuyện để tiếp tục công việc học hành, bởi chỉ có học, có văn hóa mới giúp mình thoát nghèo khó.
Tháng 9 năm 1964 nhân có đợt tuyển sinh của trường Bổ túc Công Nông miền núi tại huyện Ngọc Lặc, anh nộp đơn và trúng tuyển. Nhà nghèo, lại đông anh em, bố mẹ mất sớm, nên việc ăn học đối với anh gặp muôn vàn trắc trở. Vì không có người chu cấp, vào mỗi kỳ nghỉ học, anh lại vào rừng chặt luồng, chặt nứa, chặt củi đem bán, phải tần tiện từng bữa ăn, tính toán kỹ càng cho từng đồng tiền ít ỏi của mình. Tháng 8 năm 1969 anh hoàn thành chương trình lớp 10/10 bổ túc Công Nông, sau đó, anh thi vào trường đại học Nông nghiệp II – Hà Bắc, tiếp tục theo đuổi niềm trăn trở, hoài bão có đủ kiến thức để tìm cách thoát nghèo cho người dân quê mình, giúp cho những bông lúa nặng hạt trên nương, giúp cho lợn gà, trâu bò tránh được bệnh tật, để những đứa trẻ được ăn no mặc ấm, được đến trường biết chữ, được sống trong mái nhà yên bình không lo mưa gió.
Năm 1971- 1972, miền Nam đang thời kỳ sục sôi của cuộc chiến tranh, các các trường đại học ở thủ đô bừng lên khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Theo tiếng gọi của tổ quốc, của quê hương, Vi Hoài Kham đã tạm dừng chương trình học, tình nguyện lên đường vào miền Nam đánh Mỹ.
Cứ tưởng vào Nam anh sẽ được trực tiếp cầm súng đánh giặc, nhưng do hoàn cảnh gia đình đã có 2 liệt sỹ, bố lại hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Nên dù năm lần bẩy lượt xin được đi chiến đấu, nhưng trong bốn năm phục vụ trong quân ngũ, cấp trên chỉ bố trí anh làm quân lực trong đơn vị, hàng ngày tiếp nhận quân nhân từ các trại giam, nhà tù của Mỹ, Ngụy trở về sau hiệp định Pari năm 1973. Hơn một năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chàng thanh niên Vi Hoài Kham mới được đơn vị cho xuất ngũ chuyển ngành về học nốt chương trình đại học nông nghiệp. Những năm tháng xa nhà, xa quê hương, hằng đêm anh vẫn nghe đâu đó bên tai tiếng róc rách của con suối, tiếng chim lảnh lót sớm mai, vẫn bị ảm ảnh bởi cảnh đói nghèo, bệnh tật của những người dân quê và những gương mặt gầy gò, yếu ớt của trẻ em trong bản. Năm 1978, với tấm bằng tốt nghiệp đại học, thay vì chọn cho mình một công việc ở nơi phố thị, Vi Hoài Kham lại hăm hở trở về với núi rừng, với những người dân Thường Xuân.
Về nhận công tác tại phòng Nông nghiệp huyện, anh được phân công phụ trách mảng hợp tác xã, chuyên theo dõi phong trào hợp tác hóa và mở các lớp huấn luyện kế toán. Anh đã giúp cho huyện tạo dựng được một bộ máy ban quản lý hợp tác xã ổn định và đi vào hoạt động có hiệu quả. Anh cùng đồng nghiệp có nhiều sáng kiến thiết thực nâng cao được năng xuất của cây trồng và vật nuôi, cải thiện đời sống của nhân dân. Từ việc nhỏ đến việc lớn cấp trên giao, anh đều hoàn thành một cách xuất sắc, ai cần đến anh và muốn anh giúp đỡ để phát triển sản xuất trên đồng ruộng của mình, anh đều vui vẻ, hồ hởi giúp đỡ tận tình. Năm 1989, được sự tín nhiệm của cấp ủy, anh đã được bầu vào ban thường vụ huyện ủy. Để củng cố, nâng cao kiến thức, Vi Hoài Kham lại tiếp tục việc học thêm trong thời gian 2 năm. Năm 1990 anh đảm nhận cương vị phó Chủ tịch huyện, cùng với ban lãnh đạo và nhân dân trong huyện thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, đưa đường nhựa, đưa điện lưới xuống hầu hết các xã trong huyện. Năm 2000, Vi Hoài Kham được bổ nhiệm làm Chủ tịch huyện Thường Xuân. Hồi đó, dự án thủy điện Hồ Cửa Đặt là dự án lớn thu hút các nhà đầu tư. Là người “đứng mũi chịu sào”, ông Chủ tịch huyện phải đến từng xã, đến từng hộ dân làm công tác tư tưởng và thuyết phục để người dân hiểu và di dời khỏi vùng lòng hồ. Ông đã cùng với ban khảo sát của tỉnh tạo mọi điều kiện ăn ở tốt nhất cho nhân dân ở nơi tái định cư. Cũng thời gian làm Chủ tịch huyện, ông dày công đi vào Huế tìm lại văn bản thời vua Minh Mạng về việc thành lập huyện Thường Xuân, tìm lại cái tên “Quế Ngọc Châu Thường” cho huyện. Giờ đây, mọi người vẫn hay đùa rằng, ông là người đã tìm lại “giấy khai sinh” cho huyện nhà. Điều đó làm ông thấy ấm lòng rất nhiều.
Năm 2010, sau một chặng đường dài cống hiến trong công việc, ông Vi Hoài Kham được nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội. Trở về cuộc sống đời thường không khỏi những bỡ ngỡ, chênh vênh, nhưng lúc nào ông cũng luôn có người vợ hiền bên cạnh. Trong mọi gian khó, mọi thử thách, ông luôn tự hào và vững tâm vượt qua, bởi ông biết lúc nào ông cũng luôn có một hậu phương vững chắc, có người vợ thương yêu và những đứa con chăm ngoan biết chia sẻ, biết cảm thông, động viên ông. Năm 1972 ông xây dựng gia đình với cô gái Thái nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, quê ở Ná Mén, xã Vạn Xuân. Bà Cầm Thị Niên, vợ ông, tuy có bố là Cầm Bá Én, nguyên Bí thư huyện ủy huyện Thường Xuân, một người lãnh đạo có uy tín thời bấy giờ, nhưng cuộc sống phải trải quá nhiều gian truân, vất vả. Mẹ mất sớm, rồi đến cha bị bệnh hiểm nghèo cũng qua đời, bà là con đầu phải lo liệu cho 4 đứa em còn thơ dại. Cùng tuổi, cùng cảnh ngộ, nên khi gặp nhau, ông bà đều thấu hiểu và cảm thông lẫn nhau. Khi thành vợ thành chồng, cả hai chỉ có hai bàn tay trắng và tình yêu thương nhau chân thành sâu sắc, gia đình ông phải sống nhờ ở khu tập thể bệnh viện huyện. Tưởng rằng sau khi nhận công tác ở huyện nhà, vợ chồng sẽ có nhiều điều kiện gần gũi nhau hơn, nhưng cũng như bố mình, ông Vi Hoài Kham là người chuyên chú với công việc. Ông thường xuyên phải xa nhà, nên vợ ông thay chồng, vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi dạy, bảo ban các con, vừa làm tròn bổn phận con dâu của dòng họ Vi mà không một lời than thở với chồng. Bây giờ, trong ngôi nhà vợ chồng ông khó khăn lắm mới làm được vào năm 1998, luôn đầy ắp tiếng cười. Nhìn các con thành đạt, khôn lớn, có cháu nội cháu ngoại vui đùa, ông bà cảm thấy như được đền đáp. Ông thích nhất cảnh cả gia đình ông xum vầy bên mâm cơm chiều ngày cuối tuần.
Đã hơn 40 năm trôi qua, làng Thông, nơi chôn rau cắt rốn của ông đã đổi khác rất nhiều. Vẫn là rừng núi, những lá cọ, lá kè xòe rộng, tre luồng vươn mình kiêu hãnh trong gió với tiếng mõ lóc cóc của đàn trâu, bò thủng thẳng bước đi, nhưng nhà ai cũng đã có ti vi, xe máy, trẻ con được học hành trong những ngôi trường khang trang. Mỗi lần về thăm quê, lòng ông không khỏi xốn xang, khôn nguôi nỗi nhớ về những ngày còn cơ cực. Vẫn còn đó cọn nước rúc rắc quay đều, còn đó dòng sông êm nhẹ, chiều chiều người dân quăng chài, trên bờ đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ. Tất cả vẫn nguyên sơ như ngày ông còn là một cậu bé. Lần nào cũng vậy, hễ thấy bóng nguyên chủ tịch huyện Vi Hoài Kham về quê, người dân lại náo nức đến chuyện trò, hàn huyên. Không còn lạ lẫm với hình ảnh ông tay bắt mặt mừng khi bất chợt trên đường gặp một cụ ông trong làng đi quăng lưới, hình ảnh ông thân tình đến bên người dân hỏi han chuyện làm ăn, chuyện gia đình, chuyện làng, chuyện nước, hay ân cần, vỗ về những trẻ nhỏ ríu rít vây quanh… Ở đâu, làm gì, ông cũng không bao giờ quên mình là người con của làng Thông, không bao giờ quên những tình cảm mà người dân nơi đây từng đùm bọc lúc gia đình ông túng thiếu, đói nghèo.
Lần nào về quê cũng vậy, ông đi thăm khắp họ hàng, đến từng nhà để biết tình hình mọi người trong họ Vi sinh sống và làm ăn thế nào. Hễ ai cần đến ông, là ông không ngại khó, không ngại khổ, sẵn lòng làm đến cùng. Đối với các gia đình con cháu còn nghèo trong họ, ông tận tình bảo ban, khích lệ, đem những kiến thức, kinh nghiệm của mình giúp con cháu biết cách thoát nghèo, làm giàu. Vì thế, họ Vi từ một dòng họ nghèo khó, giờ đã khác rất nhiều, cuộc sống khá giả, con cháu thành đạt, có chỗ đứng vững vàng trong làng xã.
Những tình cảm dành cho quê hương, ông gửi gắm trong những câu thơ. Ông làm thơ khi cảm xúc chợt đến và cũng đã có những bài thơ được nhạc sỹ phổ nhạc. Ca từ dung dị, mộc mạc quyện lấy giai điệu sâu lắng, ân tình càng dễ đi vào lòng người. Ông gửi gắm ở đó nỗi niềm, tâm tư của mình. Với ông, hồi ức về những chặng đường đời mà ông đã đi qua, giờ đây đã trở thành những khúc nhạc êm đềm, lắng đọng theo thời gian.
4/3/2021
Ngân Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...