Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Mùa bông dừa nước

Mùa bông dừa nước

1. Tướng Tôn Thất Hòa dừng quân giữa đôi bờ Bắc - Nam sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên lúc trời về chiều. Để phòng ngừa quân Tây Sơn từ Long Hồ có thể bất thình lình tấn công, ông chọn Chợ Lách làm mũi tên, Cái Mơn làm hòn đạn; hòng tạm thời giữ an nguy cho Mục Vương Nguyễn Phúc Dương đang ngự ở Ba Vát.
Khuya chưa tàn canh!
Đêm Ba Vát dật dờ theo tiếng lá dừa nước xạc xào, Mục Vương ngồi chong đèn bên án thư trong căn chòi dựng gấp gáp ở bến Hàm Luông. Có lẽ, Người đang ôn lại những gì đã xảy ra và nó, đã xảy ra tàn khốc trong dòng tộc Nguyễn. Võ Vương mất, Trương Phúc Loan đổi di chiếu, tùy tiện tôn Nguyễn Phúc Thuần là con thứ 16 của Võ Vương lên cương vị Chúa đời thứ 9 (1). Lúc đó, Nguyễn Phúc Thuần mới mười hai tuổi, Trương Phúc Loan nắm trọn quyền hành. Kỷ cương phép nước nát bởi loạn thần, dân đói khổ lầm than bởi bọn thamquan ô lại và lần hồi, lòng người ly tán chẳng còn biết tin cậy vào ai. Tây Sơn nổi dậy hợp ‘’Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa’’; quân Trịnh vây hãm Phú Xuân. Nửa đêm, chú cháu (2) rời kinh thành trốn chạy và chú, lặng lẽ dong buồm vô Gia Định, bỏ cháu ở lại Quảng Nam.
Nhà văn Trần Bảo Định
– Bẩm Vương! Thiên nhiên ban tặng cá tôm, dân chúng chung lo lúa gạo; việc ăn để sống thần không lo, chỉ lo dù có sống để ăn cũng không ăn nổi vì dạo nầy, giặc Huệ đã chuyển quân hàn bít cả bốn mặt sông; quan binh dưới trướng của thần lòng rúng động và hầu như, ai nấy cũng đều muốn giải binh.
Chưởng cơ Thiêm bất chấp phép tắc, ý tứ sỗ sàng, báo nội tình quân cơ cho Vương nắm bắt lúc nửa đêm.
Vương tì tay chống cằm, ngồi bất động: ”Chả lẽ, dòng tộc chúa Nguyễn tới đời ta là chấm hết?”. Kể từ ngày, Vương rút lui Trà Lọt (3) theo Chưởng cơ Thiêm lùi về Ba Vát, lòng Vương đã không yên. Khẽ khàng Vương đứng dậy, hỏi Chưởng cơ Thiêm:
– Tống Phước Hựu còn giữ được phòng tuyến Mỹ Lồng không?
Chưởng cơ Thiêm buồn bã, đáp:
– Bẩm Vương! Quân Tây Sơn đã chọc thủng phòng tuyến đó vào đầu giờ chiều hôm qua. Và…
– Và, Hựu tướng quân đã đền xong nợ chúa!
Vương nói thay lời Chưởng cơ.
Bàn tay mở, bàn tay nắm, hai tay Vương đấm vào nhau lúc gà Ba Vát gáy rộ sóc; chẳng rõ vì người giận quân thù hay giận mình vì không giữ nổi cơ nghiệp!
Bốn dòng sông Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên đã cùng bồi lắng phù sa tạo thành miền châu thổ trù phú cho ba cù lao Minh, Bảo và An Hóa. Đất Ba Vát thuộc cù lao Minh và nơi đây, từng có một thời là phố thị và cảng thị sầm uất nhất vùng. Vương chọn Ba Vát làm cứ địa chống Tây Sơn có lẽ, do hậu cần đảm bảo và hơn thế, địa hình hiểm trở được bao bọc bởi những rừng dừa nước bạt ngàn che chắn.
Vương từng chiêm nghiệm về loài cây thô mộc nầy nếu không muốn nói là quê mùa, nhưng nó sống trọn nghĩa chí tình và hữu dụng. Dân binh chằm lá dừa nước lợp doanh trại đồn Ba Vát, đan rổ rá dùng làm vật dụng hàng ngày cho quân sĩ. Cây cỏ còn có ích cho người, ta đường đường một Tân Chánh Vương mà chẳng có ích gì cho ai; có khi hại đồ than sinh linh sinh linh!
Mưa lâm thâm trên tường đồn đất. Vương động viên, dặn dò Chưởng cơ Thiêm cố giữ cho kỳ được mặt trận Hương Đôi và còn gì gì đi nữa, Vương sẽ tính. Trời sáng quắc, Chưởng cơ lầm lũi băng mình trong mưa, Vương ứa lệ nhìn theo bóng người bạn chinh chiến và chẳng biết, ngày mai có trở về!
– Bẩm Vương! Nội tả Nguyễn Mẫn vừa qua đời sau một cơn bạo bịnh đột ngột.
Nét mặt buồn xo, danh y trình tấu lên Vương. Mưa càng lúc càng nặng hạt, Ba Vát mây đen kịt, mù trời.
Mấy hôm sau, Vương bàng hoàng nhận tin dữ Tôn Thất Chất Quận công đương khỏe mạnh bỗng ngã lăn ra chết. Tới nước nầy, Vương chẳng còn hơi sức nào để khóc. ”Bước đường cùng rồi chăng?”, Vương tự nghĩ và không lời đáp; người hầu dâng cơm, Vương chẳng buồn ăn. Vương lên vọng đài, bốn phương chìm trong màn mưa và rừng dừa nước bọc quanh thành, oằn mình theo từng cơn lốc gió đồng bằng.
2. Mắm trước, đước sau, tràm theo sát
Sau hàng dừa nước mái nhà ai!
(Câu hò sông nước miền Nam)
Trên dòng sông Ba Vát, những đêm trăng thu vào mùa, càng làm Vương nhớ sông Hương thời thơ ấu, nhớ câu hò Huế giọng Mái nhì lúc trầm lúc bổng làm xao xuyến lòng người, da diết đêm thâu. ”Sau hàng dừa nước mái nhà ai!”, hình như lúc nầy, Vương muốn làm dân hơn làm Vương!? Tận đáy tâm hồn, Vương mơ có ngày trở lại Phú Xuân và được ngủ một đêm dưới mái nhà xưa, trong hương cỏ hoa và hơi thở của từng thớ đất Thuận Hóa.
Vương hiểu, với đồn Ba Vát tường đất, mái lá dừa nước thì, chẳng thể nào chịu nổi sức công phá của quân Tây Sơn từ bốn phía. Vấn đề chỉ là thời gian. Chú của Vương là Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần đang phiêu dạt ở Long Xuyên. Hai cánh quân chú cháu chẳng những không thể phối hợp nhau mà còn phân rã. Sự phân rã đó, không phải bây giờ, nó bùng phát sau khi Võ Vương mất. Rồi, trong cuộc bôn tẩu vào đất Gia Định, hai chú cháu tiếp tục hục hặc nhau khiến lòng quân ly tán. Chú có phe Đỗ Thành Nhân, cháu có phe Lý Tài. Dân Gia Định mỉm cười giữa tình thế chú cháu đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng.
Người xưa nói: ”Bó đũa khó bẻ gãy”, dòng tộc chúa Nguyễn đang không là bó đũa; Tây Sơn thủ đắc.
Mắm, đước, tràm chắn sóng gió biển giữ đất bãi bồi. Cây dừa nước giữ nước chở phù sa bồi đất. Nó bám nước để giữ sinh mạng và bám nước để cho đời hương hoa, cho người nghèo khó có mái nhà che mưa che nắng. Vương ngậm ngùi phát hiện trên thế gian, không có giống cây nào bì kịp sự bao dung và đoàn kết như cây dừa nước. Rễ nó cắm sâu vào lòng đất, thân che chắn và ken san sát nhau không chừa khe trống để con sóng có cơ hội đánh rã hàng cây. Vương tặc lưỡi thở dài: ”Nhà Nguyễn ta, không được như vậy”!
Vương vạch kế hoạch và truyền lịnh lão tướng Tống Phước Hòa, âm thầm chuẩn bị cuộc vượt thoát ra Bình Thuận cầu cứu Đại tướng quân Châu Văn Tiếp.
Cơ mưu chưa kịp thực hiện thì, quân thủy bộ Tây Sơn đã ùn ùn kéo đến vây kín bốn mặt sông (4). Ba Vát lúc đó, là lỵ sở hành chánh của huyện Tân An, về sau là huyện Mỏ Cày. Tình thế bấy giờ rất ngặt nghèo, tiến thoái lưỡng nan; Vương bối rối.
– Bẩm Vương! Chớ lo, thần nguyện đem hết sức bình sinh chống giặc.
Người tướng già Tống Phước Hòa nói với Vương lời chắc cứng. Có phần nào Vương an lòng.
Quân Tây Sơn mạn Cái Mơn và phía sườn Bắc sông Hàm Luông bị thủy binh Tống Phước Hòa đẩy dạt ra mấy bận. Duy chỉ mặt trận Sông Cái Cấm thì, quân Tân Chánh Vương thúc thủ.
Quân Tây Sơn bẻ mũi tên Chợ Lách, cắt đứt dây cung lìa hòn đạn Cái Mơn. Lão tướng Tống Phước Hòa bị cô lập và mất liên lạc với Tân Chánh Vương ở đồn Ba Vát.
– Vận mạng Tân Chánh Vương nằm cả trong bức mật thư nầy. Ta hoàn toàn tin ở cụ…
Lão tướng thi lễ tạ ơn cụ Thử, người có uy tín nhứt trong làng Vĩnh Thành và rành rẽ đường đi nước bước xuống Ba Vát. Tránh tai mắt quân Tây Sơn, cụ Thử vo tròn bức mật thư đút vô ruột cây sào tre; rồi ngay trong đêm, cụ cùng con gái chèo xuồng chở mấy chục quày dừa nước xuống chợ Ba Vát giao mối bạn hàng.
Thực hiện lời dặn của lão tướng họ Tống, Tân Chánh Vương tin dùng cụ Thử và làm theo kế sách lấy ít địch nhiều. Tân Chánh Vương băn khoăn hỏi cụ Thử:
– Tình thế của ta bây giờ có khác chi chỉ mành treo chuông, thì làm sao lấy ít địch nhiều?
Cụ Thử bẩm với Vương, rằng:
– Thời Tam Quốc, có ba trận áp dụng chiến thuật lấy ít địch nhiều và đã thành công. Đó là, trận Quan Độ xảy ra giữa 7 vạn quân của Tào Tháo đối địch 70 vạn quân của Viên Thiệu vào mùa xuân năm 200; trận Xích Bích xảy ra giữa 50.000 quân của liên quân Tôn-Lưu đối địch với trên 200.000 quân của Tào Tháo vào mùa Đông năm 208; trận Tiêu Giao Tân tướng Trương Liêu chỉ có 800 quân vậy mà đã đẩy lui gần 100.000 quân của Tôn Quyền vào mùa thu năm 215.
Mắt Tân Chánh Vương ánh lên tia hy vọng. Cụ Thử bày Vương phân tán lực lượng thành từng nhóm nhỏ, dựa địa hình Ba Vát sông rạch chằng chịt lập chốt điểm chiến đấu; dù Tây Sơn có binh hùng tướng mạnh cũng khó bề mở trận địa đánh dứt điểm.
Tùy con nước, cụ Thử cùng con gái đi đi về về buôn bán dừa nước quày; riết rồi các trạm gác của quân Tây Sơn quen mặt nên việc đi lại của hai cha con có phần dễ dãi.
Một hôm, Vương mời cụ dùng trà đàm đạo việc quân. Cụ nói:
– Bẩm Vương! Vương có biết tại sao thân cây dừa nước mọc ngang lòng đất, còn lá và cuốn bông thì ngoi lên khỏi mặt nước?
Bầy chim sáo nhảy nhót trước sân đồn, Vương lúng túng.
Cụ Thử dâng trà mời Vương, rồi từ tốn nói:
– Cây dừa nước mọc ngang lòng đất là cốt cho thân vững chắc, thân có vững chắc mới giữ được nước chặn sóng đánh sạt lở đất và đồng thời, tạo điều kiện cho hương sắc bông dừa nước lan tỏa, từ tháng Tám tới tháng Mười âm lịch hàng năm.
Rồi cụ bình thản buông lời:
– Dân như đất, Vương như cây dừa nước và cây dừa nước, phải biết cách mọc ngang lòng đất thì họa hoằn, mới có thể tồn tại trước những cơn sóng dữ.
Thấm thía biết bao lời nói của cụ, Vương hiểu rằng: ”Từng trái dừa nước liên kết lại và quấn quít nhau thành hình quả cầu, người đời thường gọi là quày dừa”. Vương nắm bàn tay lam lũ, khô đét của cụ rồi nói:
– Nghe lời cụ dạy, Vương ta đây như mở tấm lòng. Mai nầy, ta biết chung lưng cùng dân thì lo gì, không có ngày quay lại Phú Xuân!
3. Tư Noãn (5) – tên gọi chúa Nguyễn Phúc Ánh thời nhỏ – kết thân nhiều bạn đồng trang lứa con dân trong vùng Ba Vát và cũng từ đó, chúng bạn tập Tư Noãn bơi lội, chỉ Tư Noãn leo trèo dừa cạn; đồng thời, bày vẽ Tư Noãn chèo xuồng giỏi giang chẳng kém gì người tại chỗ. Chưa bao giờ Tư Noãn sống theo cung cách của một công tử được sinh ra ở phủ Chúa. Có lẽ, bao biến động thời cuộc đã hun đúc, rèn luyện chàng thiếu niên có một tư chất gần dân, thương người với một nghị lực phi thường và can trường giũa đôi bờ sinh tử. Tuổi thơ Tư Noãn từng hứng chịu bao những cơn địa chấn tinh thần rất tang thương: Năm ba tuổi, cha Nguyễn Phúc Luân chết trong ngục; năm chín tuổi, khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ ở Quy Nhơn; năm mười ba tuổi, vượt đèo Hải Vân chạy trốn vô Quảng Nam và cuối cùng, lưu lạc đất Gia Định.
Nơi xứ lạ quê người, chàng thiếu niên đó không nương nhờ ở chú Nguyễn Phúc Thuần hoặc em con nhà chú Nguyễn Phúc Dương mà đến với quân Đông Sơ trú đất Ba Giồng. Khi quân Tây Sơn đánh Gia Định truy cùng diệt tận thì, chú chạy đường chú, cháu chạy đường cháu; Tư Noãn không chạy theo chú Nguyễn Phúc Thuần về Long Xuyên mà chạy cùng em Nguyễn Phúc Dương xuống Vĩnh Long.
Vào đầu trăng, con nước nhảy khỏi bờ làm cảnh vật tươi mát nhưng, lòng người Ba Vát gánh nỗi điêu linh do cuộc chiến giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn. Đã gần bốn tháng Tây Sơn vây hãm đồn Ba Vát, cảng thị và phố xá một thời phồn thịnh, nay lần hồi điêu tàn, dân tình ngao ngán. Tây Sơn thêm quân, quyết đánh sập chiến thuật lấy ít đánh nhiều của Tân Chánh Vương. Phòng tuyến Hương Đôi vỡ từ cuối tháng Bảy, toàn bộ áp lực của Tây Sơn lúc bấy giờ đè nặng lên đồn Ba Vát. Lương thực trong đồn mỗi ngày một cạn kiệt, tử sĩ và thương binh ở hoàn cảnh ngặt nghèo nầy đã khiến mùi xú uế lẫn tiếng than khóc dậy trời, rung đất.
Vương biết dân binh đang rã rời và mình thì, cũng đang tới hồi đuối sức. Tử thủ, hai tiếng đó cứ chờn vờn trong đầu của Vương. Nhưng, với sức cùng lực kiệt, dù cố tử thủ thì đồn vẫn mất, máu sẽ chảy thành sông và nếu có được, ta được tiếng để đời thành tan tướng mất nhưng, đánh đổi biết bao xương cốt dân binh nằm dưới gót chân ta! Ta không thể!
Rằm tháng Bảy mưa Ngâu sụt sùi về cố xứ, những sợi tơ vàng lát sáng mặt sông Ba Vát, một chi lưu sông Hàm Luông. Vương thắp nhang vái bốn phương và lạy liệt tổ liệt tông. Vương quyết định tự bẻ gãy thanh kiếm chinh chiến để chấm dứt binh đao trên xứ Ba Vát (6).
Mọi ngả đường thủy bộ dẫn tới đồn Ba Vát đều bị quân Tây Sơn kiểm soát gắt gao. Tình thế cấp bách, lão Thử phải đưa Tư Noãn rời khỏi Ba Vát trước lúc trời tảng sáng. Lão hối con gái tát nước xuống, Tư Noãn vã mồ hôi phụ chất ba thứ bánh kẹo, đường đậu linh linh chẳng khác người trong gia đình đi chợ Ba Vát bổ hàng hóa mua bán. Con gái lão chèo lái, Tư Noãn chèo mũi và lão cẩn thận dặn Tư Noãn nhớ kêu lão bằng ông nội.
Xuồng vừa bo cua ra vàm định chèo về hướng đình Khao, quân Tây Sơn chốt chặn buộc xuồng quay vô trạm xét.
– Em nè!
Con gái lão cất tiếng nhưng, chẳng nghe tiếng cười giỡn chọc ghẹo đáp lại, như thường khi của đám lính Tây Sơn canh gác trạm. Chột dạ, con gái lão nói lớn:
– Xuồng em chở dừa nước quày đem bán chợ Ba Vát, bộ các anh quên sao?
Không gian im ắng trong bầu không khí nghiêm trọng.
– Lão! Thằng nhỏ nầy con nhà ai, ở đâu?
Viên Đội lạnh lùng hỏi.
– Dạ! Bẩm quan, nó cháu nội và ở chung nhà với tía con tui.
Lão trả lời rành rọt.
– Sao lâu nay thằng nhỏ không đi buôn bán với lão?
– Dạ! Bẩm quan, cháu nó mắc đi đốn dừa nước quày, trèo dừa cạn lặt trái.
Viên Đội quát sắc lẹm.
– Thằng nhỏ, bước lên biểu!
Noãn bình tĩnh cắm sào không có động tác thừa, rất thông thạo; chậm rãi bước lên cầu trạm.
Viên Đội mở mắt cú vọ.
– Ngửa bàn tay, ta coi!
– Lật bàn chân, ta xem!
Thình lình, y chộp vai thằng nhỏ. Noãn đứng im chịu trận, không phản xạ.
Viên Đội gốc người Tam Quan, quê hắn dừa thành rừng bạt ngàn chẳng thua gì xứ Ba Vát, hồi nhỏ hắn cũng từng cơ cực trèo dừa hái mướn. Nhìn bàn tay, ngó bàn chân chai sạm, viên Đội biết thằng nhỏ thuộc dân trèo dừa, nghĩa là dân gốc gác địa phương. Bởi, con cháu, dòng tộc Tân Chánh Vương mần chi tay chân thô kệch. Vả lại, bị chộp vai cực mạnh bất ngờ, thằng nhỏ không phản xạ, nghĩa là nó không biết võ.
Đột nhiên, nét mặt viên Đội thôi căng thẳng, da mặt dần dần dãn ra và hắn cười giả lả:
– Thằng nhỏ! Đưa nội xuống xuồng, cùng chèo với cô về nhà cho kịp con nước.
Tư Noãn lễ phép chào viên Đội, rồi nhún chưn đẩy sào gie xuồng rời bến. Viên Đội nói nhóng theo:
– Cô Hai, đừng buồn, nha!
4. Ba Vát, mùa bông dừa nước trổ!
Bông dừa nước trổ mắt tròn mắt dẹp thành chùm, màu vàng nghệ tươi, hương nhè nhẹ giấu kín thơm tho nên bướm ong ít khi để ý.
Ngửa mặt nhìn trời ban mai, lão Thử thầm nghĩ:
– Tư Noãn biết đâu là hiện thân bông dừa nước trổ đã đạt được điều kỳ diệu nên kẻ thù không phát hiện hương thơm. Và, cũng biết đâu Tây Sơn là hiện thân trái dừa nước nhưng, lại là trái dừa nước bụng không có nước mà chỉ có cơm dừa, dân gian gọi là cùi dừa. Cùi dừa không nước trở nên cứng, dù nhai bã miệng chẳng có vị, uổng công dã tràng!
Trời tỏ dần dù sương khói vẫn còn đeo bám là đà khắp mặt sông. Lão ngồi giữa khoang xuồng vấn thuốc hút, ngắm chàng thiếu niên Tư Noãn dày dạn phong trần, cật lực chèo nước ngược, và in bóng dáng của mình lên nền trời hồng rực buổi bình minh.
Bất giác, lão buông lời:
– Ngày mai… ngày mai, hương bông kia sẽ là đại họa của cùi dừa!.
Chú thích:
(1) Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa (Chúa đời thứ 1), tới Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, 1765 là Chúa đời thứ 8).
(2) Nguyễn Phúc Dương gọi Nguyễn Phúc Thuần bằng chú. Năm 1774, Chúa Nguyễn đời thứ 9 bỏ Phú Xuân.
(3) Sông Hòa Khánh, Cái Bè,Tiền Giang.
(4) Sông Cái Mơn, Cái Cấm, Hàm Luông, Mỏ Cày.
(5) Nguyễn Phúc Ánh còn có tên khác là Nguyễn Phúc Chủng. Nguyễn Ánh có 5 anh em trai, ông thứ tư theo cách gọi thứ của người trong Nam.
(6) ”… Nếu các ngươi dung tha tính mạng cho quân dân trong đồn của ta, ta sẽ tự tới chỗ các ngươi” (trích), Đại Nam liệt truyện tiền biên.
13/2/2021
Trần Bảo Định
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...