Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Nhà văn Bùi Anh Tấn: Lịch sử như một mỏ vàng khổng lồ cho văn chương

Nhà văn Bùi Anh Tấn: Lịch sử như
một mỏ vàng khổng lồ cho văn chương

Sau các tác phẩm Nguyễn Trãi (2 tập), Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng, Bí mật hậu cung, nhà văn Bùi Anh Tấn đã tiếp tục trở lại với đề tài lịch sử bằng tiểu thuyết Bảo kiếm và giai nhân, do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành. 
Văn học chưa xứng tầm với lịch sử 
* Anh vừa góp thêm vào gia tài văn chương của mình bằng một cuốn tiểu thuyết đề tài lịch sử. Lý do của sự tha thiết với đề này là gì, thưa anh? 
– Nhà văn Bùi Anh Tấn: Nước mình có mấy ngàn năm lịch sử với rất nhiều trang sử bi hùng, kể cả góc khuất. Tất cả những điều đó đều trở thành chất liệu tốt cho nhà văn. Từ đam mê, tôi bắt đầu nghiên cứu về lịch sử và viết. Những tiểu thuyết trước và mới đây là Bảo kiếm và giai nhân được ra đời xuất phát từ đam mê đó.
Viết về lịch sử đòi hỏi sự lao động cao độ của nhà văn. Khi viết về lịch sử của giai đoạn nào, tôi phải am hiểu lịch sử của giai đoạn đó giống như một chuyên gia. Không chỉ am hiểu những diễn biến trước mà còn phải am hiểu cả những sự kiện ngay thời điểm đó, thậm chí là sau này, khi các hậu bối đánh giá về giai đoạn lịch sử đó. Tôi nghĩ rằng, để có được nguồn tư liệu về lịch sử, việc đầu tiên là phải đọc, xử lý một khối lượng thông tin khổng lồ. Đọc, xử lý và chắt lọc những gì cần thiết cho mình chứ không phải cái gì cũng ôm hết. Từ ba nguồn tài liệu đó, mình phải chọn lọc kỹ lưỡng, giống như cách mà bầy ong chiết lấy mật, lúc đó mới viết được.
* Lịch sử Việt Nam có bề dày qua rất nhiều thăng trầm. Với một nền lịch sử như thế, theo anh, chúng ta đã có những tác phẩm văn học xứng tầm hay chưa? 
– Tôi cho rằng, chưa có tác phẩm văn học xứng tầm với lịch sử. Dường như mãi đến thế kỷ 17, 18 mới có tác phẩm Nam triều diễn nghĩa gọi là tác phẩm văn học về lịch sử; còn trước đó, hầu như chưa thấy tác phẩm do tiền nhân viết. Sau này, đến thời hiện đại, các nhà văn cũng bắt tay vào viết lịch sử nhưng khách quan mà nói, vẫn chưa có những tác phẩm xứng tầm.
Với thực tế như thế, khi anh và các tác giả sau này viết về lịch sử, là một cơ hội hay thách thức?
Cả hai. Nó vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức với người viết. Còn tác phẩm thành công đến đâu, điều đó phụ thuộc vào tài năng của nhà văn.
Nhà văn phải có trách nhiệm với ngòi bút 
* Tiểu thuyết mới nhất của anh viết về những con người, những sự kiện mang tính chính sử. Nhưng vì sao anh lại định dạng cho “đứa con” của mình là tiểu thuyết dã sử. Đây có phải là một lựa chọn an toàn?  
– Đây vừa là lựa chọn của người viết, vừa là lựa chọn của NXB. Mặc dù dựa trên diễn tiến của lịch sử, nhưng rõ ràng có nhiều cái vẫn nằm trong ý chủ quan của người viết. Chính sử là những ghi chép lại lịch sử của các nhà sử học theo thời gian và sự kiện. Nhưng một cuốn tiểu thuyết nếu chỉ dừng lại như vậy thì đọc tiểu thuyết lịch sử làm gì! Nhà văn viết bao giờ cũng phải vận dụng sự tưởng tượng của mình, giúp câu chuyện trở nên sinh động hơn. Có như vậy mới là văn chương.
Tiểu thuyết “Bảo kiếm và giai nhân” của Bùi Anh Tấn
Bản thân tôi là người viết khá nhiều tiểu thuyết về lịch sử, tôi cũng rất mơ hồ về câu hỏi: thế nào là tiểu thuyết chính sử, thế nào là tiểu thuyết dã sử. Nhiều người tự nhận tiểu thuyết của họ là chính sử, nhưng tôi không hiểu chính sử theo kiểu gì. Tôi cho rằng, việc định danh cho thể loại không quan trọng và nó cũng rất mơ hồ. Bởi vì khi nhà văn viết về lịch sử, tất cả đều được xử lý qua cảm quan của nhà văn đó. Nếu anh bám sát lịch sử thì bảo là chính sử, nhưng ai chắc chắn lịch sử diễn ra như vậy!
* Thực tế, đã có những phản ứng gay gắt khi nhà văn viết về lịch sử mà không giống “chuẩn” của người đọc. Theo anh, giữa văn chương và lịch sử cần có ranh giới như thế nào để không xảy ra bất đồng ấy? 
– Văn chương là hư cấu, mà đã là hư cấu thì nó vốn không có giới hạn về không gian, thời gian hay ranh giới. Một tác giả đang sống ở Việt Nam hoàn toàn có thể viết về một ông vua hay lịch sử của một quốc gia nào đó. Tuy nhiên, khi viết, nhà văn phải có trách nhiệm với ngòi bút của mình. Quan trọng hơn là trách nhiệm với lịch sử bằng việc tôn trọng lịch sử, câu chuyện không có thì không nên dựng lên. Ngoài ra, là trách nhiệm với bạn đọc thông qua thông điệp mà bạn muốn gửi tới họ.
Văn chương là sự hư cấu theo cảm quan của nhà văn. Tất nhiên, tôi cũng không đồng tình với một số người khi cho rằng, mình là nhà văn, mình có quyền năng thì mình nói gì cũng được.
* Từ kinh nghiệm cá nhân, theo anh, khi viết về lịch sử, nhà văn sẽ phải đối diện với những áp lực nào? 
– Trước hết là thời gian đầu tư rất dài và lâu, đòi hỏi ở nhà văn sự kiên nhẫn vô cùng trong việc nghiên cứu tài liệu, thẩm thấu nó, rồi kiên nhẫn viết. Khó khăn cho người viết sử Việt Nam là sách sử, những bộ sử lớn để lại rất ít, chỉ có Đại Việt sử ký toàn thư, Nam triều diễn nghĩa, một số tác phẩm của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên…, chúng ta không có những tác phẩm lớn như Sử ký Tư Mã Thiên, Tam quốc diễn nghĩa… như ở Trung Quốc. Tác phẩm viết về sử để lại ít là một hạn chế lớn cho nhà văn. Thành thử, khi nhà văn viết sử rất khó, đòi hỏi phải kiên nhẫn, biết chắt chiu nguồn tài liệu ít ỏi.
* Anh có điều gì gửi gắm tới các bạn trẻ đang lựa chọn văn chương, nhất là về đề tài lịch sử?
– Lịch sử Việt Nam như một mỏ vàng khổng lồ mà các nhà văn khai thác chưa tới. Thành thử, bạn trẻ nào viết lịch sử, tôi rất hoan nghênh. Lời khuyên duy nhất là hãy kiên nhẫn vì thực sự đây không phải là “món ăn” dễ xơi, phải kiên nhẫn và lao động cực khổ.
Trong văn học nghệ thuật nói chung hay văn chương nói riêng, mỗi nhà văn phải tự đi tìm một con đường riêng. Bởi vì văn chương phải có bản sắc riêng, không mang tính chung. Nếu anh viết cái chung, đó chỉ là sao chép vụng về. Với các nhà văn trẻ, trước hết là sự trải nghiệm cuộc đời, thứ hai là đọc thật nhiều để có kiến thức và nên tự đi tìm con đường riêng. Bạn tìm được thì bạn thành công, trở thành nhà văn nổi tiếng; không tìm được, bạn chỉ là cây bút làng nhàng, dù bạn có là hội viên hội nhà văn hay đạt những giải thưởng này nọ.
* Đã là tác giả của nhiều tác phẩm, chủ nhân của nhiều giải thưởng uy tín, bây giờ với anh văn chương là gì? 
– Với một người cầm bút 30 năm, viết mòn tay rồi, mỗi khi nhận được câu hỏi viết văn vì cái gì, tôi lười trả lời những câu sáo rỗng, hoa mỹ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là vì yêu và thích. Mình chỉ hơn một số người là mình có khả năng bày tỏ những điều yêu, ghét, thích và không thích lên trang viết. Đó là hạnh phúc của mình, vì có những người không có khả năng nên không thể bày tỏ. Sau tất cả và sau 30 năm gắn bó, tôi thấy rằng văn chương chỉ là niềm vui, niềm đam mê giúp mình được giải tỏa căng thẳng, gửi đến bạn đọc những điều mà mình yêu, ghét. Chỉ vậy thôi!.
17/11/2020
Hồ Sơn
Nguồn: SGGP 10.2018
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...