Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Nhà văn Tô Hoài, người cho đã không nhớ

Nhà văn Tô Hoài,
người cho đã không nhớ

Các cụ xưa dạy người cho hay nhớ, nhưng với  nhà văn ông Tô Hoài thì ngược lại. Người cho đã không nhớ. Cái sự cho đi này còn ám ảnh rất lâu trong tình bạn và cái nghiệp văn chương…
Nhà văn Tô Hoài
Cuộc sống của mỗi đời người, thường được nhận và thường cho đi với nhiều cách ứng xử văn hóa khác nhau. Nhưng có người cho đi rồi không nhớ, đó là cách cho rất lạ đời của nhà văn Tô Hoài. Việc đời có người cho thì nhớ,  hay kể lể, loại người này lủn mủn rất đáng sợ, nếu va chạm thì cần phải tránh. Nhưng có người cho đi thì quên ngay, thậm chí không nhớ một tí  gì, ai nhắc đến, người đó cho còn khó chịu. Người cho đi, chẳng màng ai hàm ơn, và cũng không coi đó là việc làm phúc hay là hạnh phúc của riêng mình.Người hay cho này coi như việc giúp người như nhiên tự nhiên vậy. Nói như cách nghĩ của nhà văn Hồ Anh Thái thì gọi sự cho đi, là “cách đáp đền nối tiếp”. Nhưng cũng những người được cho, rồi quên, đén khi ông mất đi rồi, bồi hồi nhớ lại, nghĩ ngợi về cách sống  rất ấm áp và cách hành xử của ông thật đáng nể trọng. Ông là nhà văn Tô Hoài, người sống ít so đo và đặc biệt giản dị, sự giản dị đến nỗi, phải khi ông đi xa, sang thế giới khác, mới thấy ông đã  sống vì người xiết bao độ  lượng, và xem nhẹ mọi việc đời luôn nhẹ thênh.
Cách đây mấy chục năm trên phố Nguyễn Đình Chiểu, hồi đó phố chưa đổi thay, và lắm hàng quán  như bây giờ. Hội Nhà văn Việt Nam những năm đó yên tĩnh lắm.Có một bà bán trà chén, khi còn với giá năm xu một chén một cốc trà,  hỏi tôi rằng cháu có biết ông viết cuốn “Dế mèn” không?, ông ấy làm gì ở bên cơ quan nhiều chữ ấy, ông ấy rất hay ra đây trả nợ tiền rượu cho ông Trọng Hứa hàng xóm nhà tôi. Tiền rượu chỉ đáng mấy hào, nhưng cách đối đãi với bạn như vậy thật qu‎í hóa. Tình bạn không phải vì chén rượu mấy xu nữa mà thấy ông Hoài cứ lẽo đẽo trả tiền rượu chịu cho bạn,ở đời có mấy người sống được như vậy? Nếu bà bán trà chèn không nói, khi tôi hay đi mua rượu cho bố tôi. Nhà văn Trọng Hứa sống rất nghèo. Hay ốm đau. Nghe ông Hứa kể thì tình bạn của hai người còn hay như cuốn chuyện cổ tích. Sau này tới năm 1980 tôi được giải thưởng truyện ngắn Hà Nội, mới được tận biết nhà văn Tô Hoài.
Tôi nhớ tới nhà thơ Anh Thơ trước khi mất, bà sống ở căn hộ nhỏ và hẹp trên khu tập thể Văn Chương, căn hộ hơn chục mét vuông toàn sách là sách.Bà kể với tôi rằng: “Ông Tô Hoài sống thật hay cháu ạ. Cô sống ngần này tuổi mới thấy  cách cho của ông cũng lạ. Những năm còn bao cấp. Cô bị mất chiếc xe đạp, nên không có xe đi làm. Thế là ông Tô Hoài cho cô vay tiền mua xe, ông ấy viết báo giỏi lắm!”nhưng lạ là rất lâu sau  đó, ông ấy không đòi tiền nợ mà còn bảo “Tôi tặng Anh Thơ chiếc xe đạp để đi làm”. Cô Anh Thơ biết ông nghèo nên để dành dụm mãi món tiền, khi  đủ 300 ngàn đồng thời ấy, mới gửi lại cho ông. Có vẻ như ông rất giận cô, rồi sau đó cũng không nhắc lại nữa. Nhớ đận cô Anh Thơ sang Liên Xô cũ, từng nghe mấy cây bút viết văn trẻ cứ hỏi thăm ông Tô Hoài, hình như để nói lời cảm ơn ông đã từng giúp đỡ tiền tàu xe khi đi lại học hành ở Mát, vì học sinh du học, xa nhà xa tổ quốc, thiếu thốn đủ bề. Bên trời tây ấy, nào mấy ai hay. Nhưng người nhận đã nhớ và bồi hồi kể lại. Biết  tính ông Tô Hoài, cô Anh Thơ khuyên nhủ: “Cháu hãy viết văn cho hay, cũng là một cách biết ơn lặng lẽ, hoặc tặng lại ông cuốn sách cháu viết, chứ đừng nhắc đến tiền nong, ông ấy không thích nhắc lại đâu.”
Rồi những năm sau đó, đi lấy nhuận bút, ông Hoài tìm đến ngôi  nhà ở phố Nguyễn Thượng Hiền, rất hay đưa nhà văn Nguyễn Văn Bổng đi uống bia. Khi ấy, nhà văn Nguyễn Văn Bổng mắt đã lòa, ông  Bổng đặt tay lên vai nhà văn Tô Hoài, hai ông đi bộ, chậm chạp ra quán trò chuyện. Hàn huyên xong, Tô Hoài lại đưa bạn về. Thời đó nhà văn Nguyễn Văn Bổng tật bệnh, không đi đâu xa, ông lặng lẽ giúp  bạn, mà đâu cần ai biết.
Không phải ai cũng biết cách cho và cách nhận như tình bạn của nghề văn. Lại có một câu chuyện mà nhiều năm sau tôi  mới biết. Số là khi nhà văn Triệu Bôn khi còn sống, ông nói với vợ rằng: “Anh tổng kết lại thời đi làm công chức, nhà văn đi làm báo  được cộng sự với ông Tô Hoài ở báo Người Hà Nội, mới thấy mình hạnh phúc nhất. Không gì bằng “thủ trưởng” Tô Hoài thấu hiểu, hai người chỉ nói nửa ý là hiểu nhau.Tin nhau. Sau này anh Triệu Bôn chuyển sang lĩnh vực du lịch, anh thường dằn vặt, đau khổ khi gặp  thủ trưởng “kém” tới nỗi chẳng buồn nói ra. Mới hay sự thấu hiểu là một hạnh phúc vô giá. Nó giống như tìm thấy bạn tri kỷ của mình.
Ở một đoạn khác, năm 1970, nhà văn Triệu Bôn đi chiến trường B2, anh  từng kí thác bản thảo Đường chân trời cho nhà văn Tô Hoài giữ hộ. Ông Tô Hoài đã biên tập rất kỹ, gửi đi in xong rồi còn gửi nhuận bút, gửi thuốc chữa sốt rét cho nhà văn Triệu Bôn, tận chiến trường. Ông còn dặn dò từng dòng khi dùng thuốc. Nhà văn Triệu Bôn vẫn cất giữ dưới đáy ba lô, lá thư của nhà văn Tô Hoài, như  một báu vật. Nhờ vậy tôi mới vỡ lẽ hiểu ra cách sống vì người viết trẻ của nhà văn Tô Hoài.
Từng trân trọng kỉ niệm, nâng niu ký ức chẳng phải ai cũng gìn giữ được. Nay, thời @ người đời sống gấp hơn, chẳng phải ai cũng cúi xuống những kỷ niệm xưa.
Bảo tàng của đời người cũng ở những hiện vật cũ kĩ ấy, những lá thư mực nhòe, nhờ vậy mà tôi đọc lại để thấm, để hiểu sự cho đi vô bờ bến ấy của các nhà văn bậc thầy Việt Nam đối với  nhà văn mơi bước vào nghề.
Cũng trong bài phỏng vấn của một tờ báo, khi đọc lại, thấy ông Tô Hoài đã trân trọng giới thiệu truyện ngắn Đường chân trời của nhà văn Triệu Bôn, dù giờ đây, hai người đã ở thế giới bên kia, xa lắc, nhiều chuyện trong dương gian như đã bị lãng quên.
Còn chuyện nghề biên tập nữa, có một lần Tô Hoài biên tập truyện ngắn Nghề thầy cho Triệu Bôn, biên tập xong, ông còn hỏi: “Tôi biên tập, Triệu Bôn xem lại, đồng ý thì hãy đưa nhà  in”. Khi ấy ông là Tổng biên tập, Triệu Bôn là trưởng ban văn xuôi. Tô Hoài là người thầy. Triệu Bôn là trò, vậy mà ông vẫn tôn trọng người viết kỹ lưỡng như vậy. Nhà văn Triệu Bôn cảm động lắm, chính anh cũng học ở người thầy cách ghi chép từ ngữ và cách lao động văn xuôi  thành một nề nếp, nghiêm  cẩn, nghiêm khắc. Chính anh Triệu Bôn cũng cười hiền kể lại với vợ: “Hôm được tin hai đứa chúng mình cưới nhau, ông Tô Hoài dặn anh điều gì em biết không?” – Tôi hỏi: “Điều gì?”. Là cụ dặn thế này: “cậu phải kèm cặp câu chữ cho vợ, cô ấy viết được, nhưng chữ nghĩa thì như cóc nhảy trời mưa, nhớ, bảo vợ đấy!” Triệu Bôn cười đỏ mặt. “Là anh mừng quà cưới cho em theo cách này đây ạ, vâng!em xin nghe anh?”
Bao nhiêu năm dài, nhà văn Tô Hoài vẫn viết trên chiếc bàn cũ kỹ, vẫn sống đạm bạc ở căn nhà mua bằng nhuận bút truyện Vợ chồng A Phủ ở ngõ Đoàn Nhữ Hài. Ông từng  đi nhiều nước, các châu lục, xuất bản  gần hai trăm đầu sách, nếm trải đủ mùi vị trong nghề văn. Xem ra cái sự cho của ông còn  rất nhiều chuyện  thú vị và cảm động.
Các cụ xưa dạy người cho hay nhớ, nhưng với  nhà văn ông Tô Hoài thì ngược lại. Người cho đã không nhớ. Cái sự cho đi này còn ám ảnh rất lâu trong tình bạn và cái nghiệp văn chương.
Trong nhiều nghề trên đời thì cách cho của nghề văn cũng lạ lắm. Có nhà văn nghèo viết sách ký tên bạn lấy tiền mua thuốc đỡ bạn. Có người in cho bạn đầu sách, biên tập rất công phu thấy bạn hạnh phúc là vui như chính mình ra sách, vui. Họ thường ngượng khi ai đó nhắc lại chuyện cho đi.
Ông Tô Hoài rất hay nhãng đi, có thể ông vẫn nhớ, có thể như ông vờ không nghe thấy cũng nên. Bà Cúc, vợ ông bảo: “Nhà tôi hay giúp người nhưng không thích nhắc lạị, tính khí vậy thì để vậy chứ biết làm sao?”. “Nhà tôi vẫn thính tai tinh mắt, nhưng cứ nhắc đến chuyện cho và nhận, là ông ấy nhãng tai ngay”. Bà Cúc cười: “Đất ở ngay dưới chân rồi còn kể nỗi gì?”.
16/11/2020
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...