Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Người văn dạo bến sông thơ

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng:
Người văn dạo bến sông thơ

Những ngày này cái rét đầu đông đã ùa về với phố phường Hà Nội, nhiều tuyến đường trở nên hanh hao theo những tàng cây lá đỏ, bước chân người, vòng xe lăn dường như cũng trầm chùng lại. Nhưng làng facebook thì đang dần nóng lên khi nhà văn Nguyễn Thế Hùng ra mắt tập thơ đầu tay Mượn lửa mặt trời. Không ít bạn văn, độc giả lại ngỡ ngàng với một ca văn sĩ “đốc chứng” làm thơ, in thơ. Bởi hơn hai mươi năm qua, trên văn đàn, Nguyễn Thế Hùng đã được mặc định là nhà văn của những trang viết đau đáu về quê hương, người lính, về những khát khao, trỗi thúc bản năng rất con người và cả những tác phẩm mang phong vị humour mà chua chát, sâu cay.
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng
Cách đây hơn mười năm, tôi gặp Nguyễn Thế Hùng ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Khi ấy, tôi khá ấn tượng chất giọng miền Trung, phong thái đường bệ và vẻ điển trai của anh. Nói về nhan sắc của các nam nhân ở Nhà số 4 Lý Nam Đế ngày ấy, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý luôn bầu chọn mình… số 1, nhưng kể từ khi Nguyễn Thế Hùng về ngôi đền văn chương này công tác thì nhà thơ bị “soán ngôi”. Biết người biết ta, nhà thơ tự nhận Á vương và tấn phong nhan sắc Nguyễn Thế Hùng lên ngôi Nam vương Nhà số 4. Còn nhà văn Phạm Duy Nghĩa vốn rất kỹ tính cũng phải công nhận Nguyễn Thế Hùng là một tay “đẹp trai lẫm liệt tình trường”. Thế nên, mỗi khi gặp lại Nguyễn Thế Hùng, tôi cứ nghĩ có lẽ ông này rồi sẽ trở thành một ông quan văn chương, quân hàm có khi lên… tướng, như các bậc tiền bối Dũng Hà, Hồ Phương, Nguyễn Chí Trung! Nhưng rồi, sau bao năm đi qua, Nguyễn Thế Hùng vẫn vậy, khảng khái, kiên ngạnh, dù ở đâu, anh luôn yêu, gắn bó với công việc biên tập, trăn trở, vật vã với từng số báo, kết nối, cổ vũ, thu hút cộng tác viên để làm đầy, làm hay cho báo.
Nguyễn Thế Hùng đam mê và tập tành viết văn khá sớm, khi anh mới là chàng lính non tơ có nhiệm vụ chăm nuôi đàn cá trong mấy cái ao của đơn vị. Rồi niềm đam mê ấy lớn dần theo những trải nghiệm lúc học tập tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 hay khi ra các đơn vị cơ sở công tác. Văn chương của anh bước ra từ đời sống quân ngũ gian khổ mà tươi xanh và những ký ức làng quê nghèo khó, nghĩa tình ngân vọng. Hùng âm thầm viết, in rải rác trên một số báo. Năm 2000, anh đoạt giải thưởng truyện ngắn Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Một ngày kia, chàng sĩ quan trẻ lọt vào mắt xanh của Phòng Văn hóa – Văn nghệ, Tổng Cục Chính trị, Hùng được đốc thúc tức tốc ra Hà Nội thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Ở lại đơn vị để được quấn quýt bên cô vợ đẹp như hoa đang mang trong mình một thiên thần nhỏ, gắn bó với công tác chỉ huy rồi sau này lên… tướng? Hay biền biệt bốn năm ròng theo nghiệp chữ, mà liệu rồi bắt được bóng hay được hình những con chữ khổ ải, xa xăm? Những câu hỏi ấy tựa ngàn lớp sóng dập dồn vào tâm can chàng sĩ quan trẻ. Nhưng rồi, phu xướng phụ tùy, đôi uyên ương Hùng – Hằng (vợ nhà văn Nguyễn Thế Hùng) dằn lòng chịu cảnh vợ chồng Ngâu bốn năm để chờ ngày chàng nên công trạng chốn kinh kỳ. Năm ấy, quân đội có hai cây bút trẻ là Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy cùng thi vào trường và thật oách là cả hai đều đỗ điểm cao, rồi trở thành những “cước sắc” quyền lực của lớp Viết văn khóa 7: Hùng – lớp trưởng, Thụy – lớp phó học tập.
Mượn lửa mặt trời – tập thơ Nguyễn Thế Hùng
Nhưng đường văn vốn khổ ải, gập ghềnh, Thần Chữ hình như muốn thử lòng người. Vào trường được hấp thu tinh hoa văn học nhân loại, lại được chỉ dạy những kỹ năng nghề nghiệp quý giá từ các bậc tiền bối đình đám của làng văn, Nguyễn Thế Hùng hăm hở lao vào cày xới chữ như kẻ tìm vàng gặp mỏ quặng quý. Nhưng hỡi ơi, dăm cái truyện gửi đi các báo càng phập phồng, thấp thỏm càng biệt vô âm tín. Một lần, Hùng đánh bạo đến Văn nghệ quân đội hỏi cho ra ngô ra khoai thì được nhà văn Sương Nguyệt Minh phán: “già ký, non truyện”! Nguyễn Thế Hùng bắt đầu cảm thấy hoang mang, có những lúc anh muốn xách ba lô trở về đơn vị cũ. Nhưng sâu thẳm, bản tính kiên cường của người miền Trung được tôi luyện trong môi trường quân ngũ không cho phép Nguyễn Thế Hùng bỏ cuộc. Và trại viết Văn nghệ quân đội năm 2004 mở ra thực sự là bước ngoặt đối với những sáng tác của anh. Cả sáu truyện ngắn Nguyễn Thế Hùng viết trong, sau trại đều được in đầy đặn. Ở cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ quân đội năm ấy, Nguyễn Thế Hùng giữ kỷ lục là tác giả in nhiều truyện nhất. Lộc trời đoạt giải Ba thực sự là một truyện ngắn “chẳng lẫn với ai”, hội tủ đầy đủ những yếu tố của một truyện ngắn hay: “cốt truyện độc đáo, cảnh sắc sinh động, chi tiết đắt” – như ông bạn đồng môn Đỗ Tiến Thụy của anh từng nhận xét. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Thế Hùng còn đoạt giải Nhất truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long với tác phẩm Người giữ cồn, sau này được chuyển thể thành kịch bản phim Ngọn đèn bốn mặt đoạt giải thưởng Bộ Quốc Phòng, giải bút ký văn học đồng bằng sông Cửu Long.
Theo dõi quá trình sáng tác của Nguyễn Thế Hùng tôi tạm chia văn chương của anh thành hai giai đoạn (dĩ nhiên việc này chỉ mang tính tương đối). Giai đoạn đầu từ khi mới cầm bút đến tiểu thuyết Họ vẫn chưa về (Giải thưởng Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thủ đô, 2009), tác phẩm của anh phơi mở những câu chuyện đầy ám ảnh, day dứt về làng quê, tiêu biểu như các truyện ngắn: Đàn chim về sau bão, Ngược ngàn, Đêm sang mùa, Những con sóng dồn đuổi, Lộc trời… và tiểu thuyết nêu trên. Sức hấp dẫn trong tác phẩm của Nguyễn Thế Hùng là sự vững vàng về cốt truyện, tình tiết đắt, có khi rất độc đáo, đan cài thắt mở, luôn phải giải quyết sự vênh lệch giữa cái cái cũ – cái mới, cái tốt đẹp – cái xấu xa, yêu thương – thù hận, ý chí – bản năng… với một giọng văn bên ngoài có vẻ khách quan, “lạnh lùng” nhưng bên trong trĩu nặng tâm tư, gọi niềm xa xót. Nhiều truyện ngắn của Hùng dung chứa yếu tố dục tính, nhưng không phải sự gợi dục tầm thường, mà nó chuyên chở một thông điệp nhân bản: tình dục ở con người vốn đẹp đẽ, (thậm chí thiêng liêng), vì thế cần suy nghĩ, hành xử với nó một cách nhân văn.
Đi lên từ người lính binh nhì, Nguyễn Thế Hùng cũng có nhiều day trở về những cuộc chiến của dân tộc, về đời sống quân ngũ mà anh đã cùng đồng đội bước vào để tôi luyện và làm sáng lên những phẩm cách của người lính. Người giữ cồn là truyện ngắn gây xúc động cho bạn đọc bởi sự hi sinh thầm lặng của thế hệ cha anh vì độc lập, tự do của dân tộc. Khu độc thân lại minh chứng những mất mát, đớn đau trong chiến tranh vẫn còn đeo bám và cả sự thiệt thòi, hy sinh về đời sống tinh thần của người lính giữa thời bình. Nhưng hơn hết, dư âm của nó trong lòng bạn đọc đấy là tin yêu ở cuộc đời, ở người lính. Giai đoạn thứ hai từ sau tiểu thuyết Họ vẫn chưa về đến nay. Biên độ đề tài của Nguyễn Thế Hùng rộng hơn, từ chuyện vùng sông nước miền Tây, làng quê nơi khúc ruột miền Trung nắng gió, làng Việt đồng bằng Bắc Bộ, đến chuyện phố phường, giới công chức – văn phòng và cao hơn là vấn đề dân tộc, thời đại… Tất những câu chuyện đó được “vi phẫu” bởi tài nghệ của một nhà văn ưa lối sống thâm trầm, suy tư. Trong mớ bòng bong cái cũ chưa thoát xác, cái mới còn chông chênh, mọi giá trị dường như đảo lộn, rác rởm, xấu xa có lúc lên ngôi, đẹp đẽ, thanh cao lắm khi bị chà đạp… Con người sẽ đi về đâu? làng quê sẽ đi về đâu? và cả dân tộc này sẽ đi về đâu? Đấy là những câu hỏi lớn mà Nguyễn Thế Hùng với lương tâm, trách nhiệm của một công dân, nhà văn – chiến sĩ đặt ra trong tác phẩm của mình. Giai đoạn này, chất humour, tiếng cười trào lộng mà chua chát, sâu cay ngày càng đậm trong truyện ngắn của Nguyễn Thế Hùng, nổi bật là các truyện ngắn Trả hiếu, Socola màu đất, Người về làng Lòi, Chuyện làng chưa cũ… và tiểu thuyết Lối nho nhỏ.
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng với các đồng nghiệp tại Đại hội Hội Nhà văn VN lần thứ X – Hà Nội 11.2020
Nguyễn Thế Hùng quan niệm “viết văn là một nghề lặng lẽ và cô độc” và anh cho rằng “văn như rượu quý, phải làm sao càng để lâu càng thấy ngon. Vì vậy nhà văn như là sự tổng hòa của: Tài nghệ người ủ mấu, men, nước, khí trời, gạo… nơi sinh ra thứ rượu ngon đó”. Với anh, một tác phẩm văn học phải có một điều gì đó, chứ không chỉ giải trí đơn thuần. Vậy nên Hùng chỉ viết khi có điều gì đó hối thúc, khi cảm xúc đã căng đầy để dẫn nhập đến thăng hoa. So với một số bạn bè văn chương thuộc thế hệ 7x, anh ra sách không nhiều, vài năm mới công bố một cuốn. Nhưng điều tôi thấy ở anh chính là luôn biết làm mới mình, mới từ sự chuyển dịch vùng thẩm mĩ của câu chuyện đến nghệ thuật dựng truyện, không khí, giọng điệu.
Nguyễn Thế Hùng đến với nàng thơ là quãng ngưng nghỉ sau những cuộc vật vã với văn xuôi, quay cuồng với báo chăng? Tư duy của nhà văn nên thơ Nguyễn Thế Hùng dù viết về quê hương, đất nước, người lính hay tình yêu luôn “có chuyện” và mang thông điệp rõ ràng. Anh không câu nệ hình thức, không cố tỏ ra “cách tân”, “bí hiểm” với thơ, nhưng cảm xúc tự nhiên, chân thành của tác giả đã gợi mở, nâng đôi cánh tưởng tượng của bạn đọc đến với những vùng thẩm mĩ mới lạ. Đây là những suy nghiệm của Nguyễn Thế Hùng về đất nước, về chiến tranh: “Sông không hiểm chỉ lòng người rất hiểm/ Núi luôn hiền núi vốn bao dung/ Đã bao lần bóng giặc từ hướng biển/ Sông mọc lên cọc nhọn đợi quân thù… Lịch sử ông cha ta đã thuộc bao lần/ Những ngấn đỏ phù sa luôn có pha thêm máu/ Vạn cốt khô làm cao thềm Tổ quốc/ Để truy phong nhất tướng công đồn” (Nếu thương dân hãy cho con ra trận). Còn đây là một người con tha hương, bùi ngùi, ran rát lòng với mảnh đất cố hương: “Tháng ba tôi về/ hoa gạo đỏ như bát hương vừa hóa/ Cầu gì lên trời xanh/ khấn gì ở đất/ đất lành thế sao chim không đậu/ Đừng thổi nữa gió mùa giáp hạt/ thổi chi nhiều, bạc phếch râu cha” (Tháng ba), “Hà Tĩnh gầy như cái cần cầu/ một đầu cắm vào bờ thành Vinh/ Một đầu câu vào đèo Ngang đang nghèo/ Dân quê tôi ước đèo Ngang thành đèo Nghếch/ Để gió Lào bớt thổi rát đồi khe” (Mưa trên bến Giang Đình). Và khi hóa thân vào nhân vật trữ tình để giãi bày tâm sự thầm kín, cả những điều khó nói lại là một Nguyễn Thế Hùng đầy tinh tế, thấu cảm: “Đã bao giờ dám trách nhau đâu/ em mượn anh từ người đàn bà khác/ mượn trong bóng đêm và âm thầm nước mắt/ mượn một chút của người để mình đỡ chơi vơi” (Mượn). Còn thật nhiều nữa những cung bậc cảm xúc mà Mượn lửa mặt trời sẽ dẫn gợi khi bạn đọc mở ra từng trang sách.
Mừng mỹ cảm của nhà văn đã trổ hoa trên những ký tự. Mừng người văn Nguyễn Thế Hùng có lộc chữ ở những lần dạo chơi bến sông thơ.
7/12/2020
Nguyễn Phú
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...