Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc: Con chữ thương đời thợ lấm láp

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc:
Con chữ thương đời thợ lấm láp

Lúc nào trong văn của Vũ Thảo Ngọc cũng chất chứa nỗi đời, đặc biệt là hình ảnh người thợ lò làm việc dưới những hầm lò khai thác than. Chị tâm sự thật lòng, dù có lúc muốn “trốn” theo một đề tài khác, nhưng cuối cùng văn vẫn xoáy sâu vào đề tài đã làm nên giọng điệu và văn nghiệp của chị như một cái duyên không thể nào đổi khác.
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc
Cuộc sống… đẻ ra văn
Vũ Thảo Ngọc sinh năm 1965 tại đất học Mộ Trạch (Bình Giang – Hải Dương). Học hết cấp III trường huyện, nguyện vọng thi đại học của chị là vào trường Tổng hợp Văn với ước mơ sẽ làm nhà báo sau này, nhưng thi trượt, và  chị đã xin vào học khoa Điện mặt bằng tại trường Công nhân Cơ điện Chí Linh (Hải Hưng) nay là trường ĐH Sao Đỏ (Hải Dương).
Ra trường năm 1987, chị được nhận vào làm công nhân tại Mỏ than Cọc Sáu (Cẩm Phả – Quảng Ninh). Là phụ nữ, học một ngành mà người khác nhìn vào hẳn sẽ thấy khô cứng, chị bảo học nghề điện nhưng… luôn sợ điện!  Nhưng chị đã nhanh chóng nhập cuộc, nhập vào đời sống bình dị cùng những người công nhân mỏ lộ thiên Cọc Sáu xa xôi ấy.
Và chị nhận ra, ở mỏ, đời sống công nhân ngành than, ngoài công việc nặng nhọc vất vả, đối mặt với hiểm nguy ra, đời sống của họ cũng khá sôi động, nhiều người đam mê văn nghệ, lãng mạn lắm.
Làm việc ở mỏ than Cọc Sáu chị đã biết đến những nhà văn trưởng thành từ đây như Võ Khắc Nghiên, Nguyễn Sơn Hà, vì thế, như một sự khích lệ để cứ lúc nào nghỉ là chị đến thư viện mỏ để đọc sách. Và từng nuôi ước mơ làm một nhà báo, nên khi biết ở mỏ có Đài truyền thanh, chị đã  thường xuyên viết tin, bài cho Đài truyền thanh của Mỏ than Cọc Sáu và trở thành cộng tác viên tích cực của đài, báo tỉnh Quảng Ninh…
Đó là báo, còn chuyện viết văn thì sao? Vũ Thảo Ngọc trả lời rằng, cuộc sống của người công nhân, công việc của chị, đặc biệt là quãng thời gian vận hành bơm moong khá vất vả, từ những cái tin, bài nhỏ bé ấy đã tiếp thêm hứng khởi để chị cặm cụi sáng tác văn học.
Chính cuộc sống của đời người thợ với vô vàn khó khăn ấy đã thôi thúc chị niềm đam mê… viết! Tôi cũng là người sáng tác, đồng cảm với tâm sự ấy của chị. Mỗi người viết có một cái tạng, một thể tài hay một vùng đất để khai thác. Người khai thác về biển đảo, người vùng núi cao, lại có tác giả chỉ khai thác truyện ngôn tình.
Còn với Vũ Thảo Ngọc, hơn chục tác phẩm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu, sưu tầm, thơ, bút ký… đều đi sâu khai thác về đời sống, sự hy sinh, khát vọng và tình yêu người thợ, tiêu biểu như “Ánh đèn lò”, “Ba người đàn ông”, “Được là đàn bà”, bút ký “Từ lòng mỏ đến những chân trời khác”, “Khúc hát người thợ mỏ”…
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc với thợ mỏ. Ảnh: Mạnh Hùng
Cái duyên với đời thợ
Vũ Thảo Ngọc tâm sự, truyện ngắn đầu tay có tên “Chị tôi” được in Báo Hạ Long của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh năm 1991, nhân vật chính trong truyện đã gây xúc động cho bao người, đặc biệt là nhà văn, nhà báo Tô Ngọc Hiến, người đã giúp biên tập truyện ngắn. Do tôi quên không ghi địa chỉ bên dưới truyện, nên khi in xong, cơ quan báo không biết gửi báo biếu về đâu.
Rất may nhà báo Tô Ngọc Hiến có dịp đi công tác ở mỏ than Cọc Sáu. Ông có nói với cán bộ văn phòng rằng, mình muốn tìm tác giả truyện ngắn “Chị tôi” tên là Vũ Thảo Ngọc mà về Cẩm Phả đi mấy nơi rồi mà không tìm được, có cả nhuận bút và báo biếu mang cho tác giả ấy đây. Anh cán bộ văn phòng mỏ nghe thế thì thốt lên,  thế thì đúng là cô Vũ Thảo Ngọc nhà tôi rồi, cô ấy là người thường xuyên viết tin, bài cho đài truyền thanh mỏ.
Tôi đã được gặp nhà văn Tô Ngọc Hiến dịp đó. Ông trao tờ báo và nhuận bút cho tôi. Đó là niềm vui vô bờ bến đối với tôi bởi được gặp một nhà văn lớn không chỉ riêng của vùng mỏ ngày đó, mà bởi nhà văn đã mang đến cho tôi thêm chất xúc tác để tôi theo đuổi  đam mê viết văn…
Sau truyện ngắn đầu tay “Chị tôi” ấy, Vũ Thảo Ngọc viết như lên đồng. Ngoài công việc chuyên môn, chị luôn tự nhủ mình phải viết ngày càng sâu sắc hơn về đời sống lao động và tinh thần của người thợ mỏ và chị đã gặt hái được không ít thành công. Năm 1997, chị xuất bản tập truyện ngắn đầu tay có tên “Đêm chuyển mùa”, mà tất cả gần 20 truyện ngắn đều xoay quanh vấn đề vùng mỏ, trong đó truyện được lấy tên chung của tập là “Đêm chuyển mùa” viết về những người làm việc dưới moong sâu đầy ý chí, nghị lực phải lăn xả với công việc vất vả, nhất là khi mùa cốc vũ về. Tập truyện cũng là hành trang để chị thi vào Trường viết văn Nguyễn Du, khóa 6.
Phải khẳng định, từ khi bước vào địa hạt văn chương, thì ước mơ của Vũ Thảo Ngọc là được học về chuyên ngành văn chương, mà đích đến là Trường viết văn Nguyễn Du. Bởi thế, khi chị báo cáo lãnh đạo mỏ than Cọc Sáu về việc đã thi đỗ vào Trường viết văn Nguyễn Du (hệ đại học) đã gặng hỏi, rằng bao nhiêu trường tại chức đang mở ở đây có thể đi học như các ngành Cơ điện, kinh tế mỏ, sao dứt khoát phải đi học văn chương? Chị bảo, ước mơ của mình là ở đó, và chỉ môi trường đó mới giúp chị có nền tảng kiến thức để chị theo đuổi khát vọng là được viết nhiều hơn! Vậy là chị xách ba lô lên và đi.
Và mỏ than Cọc Sáu vẫn… mở rộng cửa, để sau 4  năm học đại học, chị vẫn có thể quay về công tác. Lúc vui, nữ nhà văn không ngại chia sẻ: “Thú thực lúc đó tôi có ý định thoát ly vùng mỏ, không viết về công nhân nữa. Ấy thế rồi, 4 năm học tập và viết lách kiếm sống, đề tài công nhân mỏ vẫn ám vào tôi, gương mặt người công nhân mỏ vẫn xuất hiện đều trong văn của tôi, mà  hình như  không viết về họ, tôi chẳng còn cảm hứng nào khác”.
Sau 4 năm học, năm 2003 tốt nghiệp ra trường, Vũ Thảo Ngọc đã có lưng vốn văn chương kha khá. Chị chuẩn bị để trở lại mỏ than Cọc Sáu công tác, nhưng khi ấy Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh đã về mỏ than Cọc Sáu “xin” lãnh đạo mỏ cho Vũ Thảo Ngọc về làm biên tập viên văn xuôi tại Báo Hạ Long (ấn phẩm của Hội). Chị chỉ còn có lựa chọn là đồng ý nhận nhiệm vụ mới thôi, vì lãnh đạo mỏ đã nhất trí với Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh rồi!
Sau thời gian ngắn chị làm biên tập viên văn xuôi, rồi chị nhận nhiệm vụ chăm lo tờ Báo Hạ Long với vai trò Thư ký tòa soạn, rồi  tiếp theo được đề bạt làm Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh… Năm 2007, do điều kiện gia đình riêng chị chuyển về Hà Nội làm cán bộ ở Ban truyền thông của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Dù cơ quan ở Hà Nội, nhưng chị lại sống nhiều ở vùng mỏ Quảng Ninh. Chị vẫn đùa với bạn bè rằng “Ở Hà Nội, lội Quảng Ninh”. Vì công việc của chị vẫn đi về giữa hai miền thương nhớ ấy, và đề tài về đất và người vùng mỏ… như cái duyên trời định không thể dứt ra.
9/12/2020
Nguyễn Văn Học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đẹp Phần Thứ Nhất - I - Thôi, Loan ạ chờ Nam vào hãy hay. – Ngọc cứ để mặc em. Thu xếp trước đi thì vẫn hơn. Để bề bộn, anh ấy vào a...