Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

Sân trường ngày cuối

Sân trường ngày cuối

Một buổi sáng mùa Xuân năm 1965, khi hương vị của ba ngày Tết vẫn còn phản phất trong lòng người dân xã Nghĩa Thành (Hành Thịnh), những đám học trò lũ lượt kéo nhau đến trường.
Từ trong những lũy tre, những mái đầu xanh, áo sơ mi trắng, quần sọt lần lượt đổ ra cửa ngọ môn đầu làng để đến trường tiểu học Nghĩa Thành. Ngôi trường làng nằm bên lề đường cái quan, cách ngôi làng bằng một cánh đồng. Đối diện ngôi trường, bên kia đường cái quan, là cơ quan Hội đồng Xã, và phía sau trường là những thửa ruộng chạy dài đến gò Rú, một ngọn đồi thấp, có nhiều sỏi đá và gai móc mèo, nằm dưới chân núi Giàng của rặng Trường Sơn.
Từ bảy giờ sáng thầy Trần Chư đã qua bên kia bến đò An Chỉ để vào xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Người thầy khả úy, phụ trách lớp Ba, thân gầy gò như cành củi khô lúc nào cũng nghiêm nghị, đạp chiếc xe đạp đòn dông xuyên qua làng Ba Bình mỗi buổi sáng để đến trường. Ít khi nào người ta thấy nụ cười nở trên môi thầy Chư. Qua khỏi ngôi làng thầy Chư quẹo trái vào đường cái quan để đến trường. Và cũng trên đường cái quan này, từng lớp những mái đầu xanh cắp sách cùng nhau đến trường. Trong những mái đầu xanh đó có Hùng, Chín, Diễn và Dĩnh. Bốn đứa trẻ cùng làng.
Trời vẫn còn mùa Xuân và những thửa ruộng hai bên đường cái quan đã được dâm mạ từ mấy tuần trước. Những cây lúa con mơn mởn đùa giỡn trước làn gió như tâm hồn ngây thơ của tuổi học trò, không phiền không muộn vì ai. Khi đến cổng ngọ môn Đồng Xuân là xuất hiện những tà áo dài bay phất phơ trước gió của Cô Hạnh (vợ thầy Tương) dạy lớp Tư (lớp Hai) và Cô Lộc dạy lớp Năm (lớp Một). Hai người cô xinh xắn và duyên dáng của ngôi trường làng.
Ngôi trường làng đơn sơ chỉ có năm lớp, lớp Năm đến lớp Nhất, làm thành một dãy. Trường xây bằng gạch, quét vôi, mái ngói. Trước sân trường là trụ cờ nằm giữa vòng tròn, mà chung quanh là những viên gạch được xếp nghiêng nghiêng thành hình răng cưa. Từ cổng trường, hai hàng cây so đũa chạy ngay tắp vào trường và giữa là lối đi rợp bóng mát. Khi qua khỏi cột cờ hai hàng so đũa tách ra thành hai ngã chạy song song với năm lớp học.
Những cây so đũa thân hình mảnh khảnh, cành lá xum xê. Mùa Xuân hoa so đũa nở rộ, những bông so đủa màu trắng tinh nằm chi chít trên cành đu đưa trước gió như tâm hồn những người trinh nữ ngây thơ. Dưới chân hàng so đũa là những chậu hoa mười giờ.
Những buổi sáng khi mặt trời lên khỏi ngọn so đũa, mang theo những tia sáng bang mai sưởi ấm những cánh hoa là những bông mười giờ, màu đỏ tím, cũng bắt đầu nở hoa, bẻn lẻn khoe sắc như những cô nữ sinh thẹn thùng trước những con mắt đa tình của những chàng trai cùng lớp. Rồi vài ba giờ sau, khi mặt trời ngã về xế chiều, những bông hoa mười giờ kia cũng từ từ khép kín như những mối tình kín đáo của cô gái miền Trung.
Bên trái những lớp học là căn nhà của thầy Hiệu Trưởng (Thầy Anh), và một cái giếng nước nằm bên cạnh. Ngày xưa người ta thường ví “Yếu đuối như học trò, cột gà không nổi,” cho nên ngôi trường dành một ngân quỹ để có một sân “vận động” phía sau cho học sinh nô đùa, chạy nhảy và đá banh cho môn thể dục.
Hôm đó là ngày thứ Hai. Những khuôn mặt vô tư của lũ học trò hớn hở, nô đùa kéo nhau vào sân trường. Những lớp học đã được mở cửa, tập vở nằm ngăn nắp trong từng hộc bàn, và đám học trò đang trò chuyện, đùa giỡn trong sân trường.
Giữa tiếng reo hò của lũ học trò, thầy giám thị gióng ba hồi trống. Khi tiếng trống cuối cùng vừa ngưng là những bàn chân non lật đật kéo nhau chạy về hàng ngũ của lớp, xếp thành từng hàng ngay thẳng để chào cờ trước khi vào lớp học. Sau khi đã vào hàng ngũ ngay thẳng, người học sinh trưởng lớp của lớp Nhất nghiêm trang hô:
“Tất cả nghiêm. Lễ chào cờ bắt đầu.”
Những tiếng rù rì tự nhiên im bặt. Những bàn tay tháy máy khèo người này móc người kia cũng xui thẳng, đứng nghiêm trang nhìn về lá quốc kỳ. Rồi từ chiếc máy phóng thanh bên mái hiên trường vọng lên bài quốc ca:
“Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng.
Ðồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống…”
Và lá quốc kỳ được kéo lên chầm chậm, bay phất phới trước gió trong một buổi bình minh nắng ấm của ngày đầu trong tuần. Những tâm hồn non trong miệng mấp máy theo nhịp bài quốc ca, mắt sáng ngời nhìn lá quốc kỳ lồng lộng trong gió mà lòng mơ ước một ngày kia sẽ thành người hữu ích cho xã hội.
Hàng trăm mái đầu xanh đang nghiêm trang hướng về linh hồn của tổ quốc, thì, cắc, cắc, bùm…
Những tiếng AK chát chúa từ những đám ruộng sau trường nổi lên bắn xả về ngôi trường giữa lúc những bàn chân non đang nghiêng mình chào cờ. Hai mái đầu xanh đang nắm giây kéo cờ vội vã buông tay, bỏ chạy giữa tiếng súng đạn chát chúa bên tai. Lá cờ ngừng lại, nằm ủ rũ, lơ lững giữa cột cờ. Và ba mái đầu xanh, một nam hai nữ, nằm xuống, nằm xuống vĩnh viễn với sân trường, với hàng so đũa với những hoa mười giờ chưa kịp nở để khoe sắc!
Như bầy ong vỡ tổ, những bàn chân non tan rả hàng ngũ ùa chạy tứ phía. Sân trường trở nên náo loạn. Trong nháy mắt những con người xa lạ, đầu bịt khăn đỏ, bận quần đùi ùa vào sân trường và lùa đàn học trò như lùa vịt về hướng cơ quan hội đồng xã. Những người “giải phóng” đang dùng những bàn chân non làm bia đở đạn để tấn công Hội đồng xã. Họ lẫn lộn trong hàng trăm học trò đang vỡ tổ chạy ra đường cái quan trước trụ sở cơ quan hội đồng xã.
Rồi những tiếng la xung phong, những tràn AK liên tục xé tan không khí nả vào trụ sở cơ quan Hội đồng xã với không một tiếng súng chống cự! Tiếng la ré, khóc than của đám con nít trước những tiếng súng AK chát chúa làm cho những đám con nít đã bấn loạn lại càng thêm sợ hãi. Những người Dân Vệ thất thủ, trụ sở hội đồng xã thất bại một cách ê chề! Những báng súng nằm trơ trơ trên tay mà không thể nhả được nửa viên đạn!
Chiến thắng! Họ chiến thắng vẽ vang! Những người “giải phóng” hoàn toàn chiếm lấy cơ quan hội đồng xã mà không mất lấy một nghoe, ngoại trừ xác chết của ba mái đầu xanh!
Trong những tiếng reo hò của đám quân “giải phóng” những người Dân Vệ đã biến mất. Và trên đường cái quan chỉ còn hình bóng những người học trò nhỏ hất hãi chạy về hướng Nghĩa Lập, nơi đó không có bóng dáng của tiếng súng.
Bốn đứa trẻ Hùng, Chín, Diễn, Dĩnh may mắn chạy theo đoàn học trò kia. Đám học trò như đàn vịt không đầu ùa nhau chạy trên đường cái quan. Khi qua khỏi đập Bến Thóc tiếng súng thưa dần và đám học trò chia tay nhau mỗi người một ngã đi tìm gia đình. Bốn đứa bé đi dọc theo đường rầy xe lửa quanh ra hướng bến đò Đề An. Khi đến Đề An bốn đứa bé lội qua bên kia bờ sông Vệ (vì con đò hôm nay không người lái) và lần mò đi lên bến đò An Chỉ. Mãi đến trưa gia đình bốn đứa bé mới lội sông tản cư qua bên kia làng, và gia đình được đoàn tụ.
Từ đó Dĩnh theo gia đình tạm cư nơi nhà người Dì bên An Chỉ. Những buổi chiều không còn đi học Dĩnh ra bờ tre bên nầy bờ sông Vệ nhìn về bên kia, nơi hằng ngày Dĩnh cùng bạn bè nô đùa trên sân trường. Dĩnh nhớ trong lớp Tư của Dĩnh có người con gái tên Huyền, quê Mỹ Hưng. Huyền đẹp nhất lớp, mà có lẽ đẹp nhất cả trường. Cho nên biết bao nhiêu chàng trai nhỏ bé bắt đầu yêu đương đã nhỏ to bàn tán đến Huyền mỗi lần tụm năm tụm ba bên cột cờ. Nhưng hôm đó Huyền đã nằm xuống. Một bông hoa xinh đẹp đang trong tuổi mộng mơ, bây giờ Huyền đã nằm xuống, nằm bên cạnh những bông mười giờ đỏ thắm và những bông so đũa trắng tinh nguyên. Không biết những người ôm súng nả vào những mái đầu xanh kia, có khi nào chạnh lòng trước những đóa hoa mười giờ mới vừa chớm nở chăng!
Dĩnh bước đi, rời những cụm tre già bên bờ sông mà lòng thoáng nghe bên tai những lời ghen tương của đám con trai:
“Sá gì một nãi chuối xanh,
Kẻ giựt người giành, mũ dính đầy tay.”
Từ đó ngôi trường làng vắng bóng học trò. Và hoa mười giờ cũng không buồn khoe sắc mỗi lần ánh nắng rọi về trên cành so đũa.
1/1/2001
Đồng Sa Băng
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...