Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

Phạm Hữu Hoàng: Trăng lạnh

Phạm Hữu Hoàng: Trăng lạnh

Cuối canh hai, người trong hoàng cung đều say ngủ. Không gian im ắng, bóng tối bao trùm. Quan hộ giá Ngô Trung đi qua những dãy hành lang hun hút thâm u trong Tử cấm thành. Đến trước ngự thư phòng, quan dừng lại, khẽ đẩy cửa bước vào. Dưới vòm sáng đèn nến, một người ngồi chỗ án thư, nét mặt dàu dàu. Đó là Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc. Vương đang lo lắng. Quang Trung mất, Vương sai người đem thư gửi triều đình Phú Xuân xin được ra viếng tang. Nhưng vẫn bặt vô âm tín. Vương đang nóng lòng chờ tin. Ngô Trung tới gần, vòng tay cung kính:
– Bẩm đại vương, thần đã đến theo khẩu dụ.
Nguyễn Nhạc ngước lên, vầng trán rộng đã hằn mấy nếp nhăn, gò má chảy xệ, chòm râu lốm đốm bạc. Tây Sơn Vương hỏi:
– Có tin từ triều đình Phú Xuân chưa?
Ngô Trung đáp:
Thưa đại vương, vẫn chưa.
– Theo ông, họ có ý gì chăng?
Ngô Trung thưa:
– Theo thần nghĩ, triều đình Phú Xuân luôn hiềm nghi đại vương. Hiện giờ, ngoài ấy rối ren, bè phái chia rẽ. Thủ lĩnh Tây Sơn chỉ còn mình ngài. Những văn thần võ tướng bất mãn với triều Phú Xuân không trông vào ngài thì còn biết cậy vào ai? Bởi vậy, họ không muốn sự hiện diện của ngài lúc này.
Nguyễn Nhạc ngậm ngùi:
– Ta từ bỏ đế hiệu, giao việc nước cho hoàng đệ, lui về một góc Tây Sơn, an phận thủ thường, đâu còn bụng dạ nào khác. Nay hoàng đệ thác mệnh trời mà ta không được ra viếng, thắp nén hương tiễn vong linh về với tổ tiên, mai sau thác xuống suối vàng, mặt mũi nào mà gặp chú ấy.
Quan hộ giá khuyên giải:
– Xin đại vương bớt muộn phiền. Không phải lỗi ở người.
Tây Sơn Vương vẫn ấm ức:
– Cứ như thế này, nay mai quân Gia Định tiến ra, ta chết không có đất chôn. Mọi chuyện cũng tại hắn mà ra.
Nhà văn Phạm Hữu Hoàng ở Bình Định
Kẻ mà Tây Sơn Vương nói tới là Quốc cữu Bùi Đắc Tuyên. Quang Toản lên ngôi chí tôn nhưng còn quá non trẻ. Bùi Đắc Tuyên chễm chệ ngồi vào ngôi vị Thái sư thao túng triều chính. Hắn như loài diều quạ từ bóng tối bay ra vỗ cánh dương oai che phủ bệ rồng, sai khiến triều thần, hãm hại tôi trung. Nguyễn Nhạc đi đi lại lại trong phòng, tay chắp về phía sau, đầu hơi cúi xuống. Thói quen gần đây của Vương khi gặp chuyện khó xử. Nhìn quan hộ giá, Vương nói:
– Từ xưa đến nay, hễ ngoại thích chuyên quyền tất sinh biến loạn. Gương triều Nguyễn Phúc Khoát còn rành rành ra đó. Nhưng ta làm gì gỡ được nỗi lo ấy đây?
Quan Hộ giá là người luôn được Nguyễn Nhạc tin dùng, ông cầm gươm theo hầu từ buổi khởi nghiệp. Dù ngày hay đêm, khi có việc, Tây Sơn Vương thường gọi ông tới ngự thư phòng bàn riêng. Ngô Trung thấu hiểu được nỗi lo lắng của Tây Sơn Vương. Tin từ Gia Định báo về, Nguyễn Ánh chuẩn bị ra đánh Quy Nhơn. Thân cô, thế cô, tướng ít, binh yếu làm sao có thể chống cự nổi? Nhưng tình thế cũng không tới nỗi bi quan, Ngô Trung mạnh dạn bày tỏ ý kiến:
– Xin đại vương suy xét kĩ, Quy Nhơn mất, rồi Phú Xuân cũng khốn. Môi hở răng lạnh. Quân Nguyễn kéo đến, vua Cảnh Thịnh không thể khoanh tay bỏ mặc. Với lại, ngoài ấy các trụ cột trung thành với nhà Tây Sơn vẫn còn. Chẳng lẽ họ nhắm mắt làm ngơ để Quốc cữu mặc sức lộng hành mãi?
Tây Sơn Vương chua chát:
– Ta cũng mong được như thế. Nhưng còn ở ý trời nữa.
Gần đây, Nguyễn Nhạc thường thao thức về lẽ thịnh suy của cuộc đời. Những năm tháng dựng cờ khởi nghĩa, xông pha trận mạc, lập nên nghiệp đế, uy quyền tột đỉnh. Thành Hoàng Đế với những cột rồng sơn son thiếp vàng, ngai vàng kiêu hãnh trên bệ cao trong điện Bát Giác, quần thần văn võ ngày ngày làm lễ triều bái, tâu bàn việc nước, lúc nghỉ ngơi dạo bên hòn Giả Sơn, ngắm hồ bán nguyệt nước trong vắt… Nhưng giờ bề tôi cũ người đã mất, người về vui thú ruộng vườn, kẻ theo Phú Xuân, nay còn được mấy ai? Cảnh huy hoàng đã phôi pha, nhiều thứ đang vuột khỏi tay Vương, không thể níu giữ được. Có còn chăng là sự luyến tiếc trong mắt những bề tôi trung thành. Và cả trong cõi lòng băng giá của Vương…
Mấy ngày liền, Ngô Trung ở luôn trong Tử cấm thành. Phạm Kiều, vợ ông bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên. Tình hình hết sức nguy ngập. Thủy quân Nguyễn đã đổ bộ xuống cửa Thị Nại. Bộ binh từ Phú Yên kéo ra. Thế rất mạnh. Quân Tây Sơn chống không nổi rút về thành Hoàng Đế. Ngoài thành, dân tình nhốn nháo gồng gánh, bồng bế chạy loạn. Trong thành, binh lính gấp rút sửa sang hào lũy, tích trữ lương thực chuẩn bị chiến đấu. Sáng ngày thứ tư, Ngô Trung mới về. Vừa thấy vợ, ông lên tiếng:
– Ta biết phu nhân nóng lòng mong đợi. Nhưng đại vương lâm trọng bệnh, ta phải ở lại hầu cận ngài. Giờ ta phải đi ngay.
– Phu quân đi đâu mà vội thế?
– Lệnh của đại vương, ta phải lên rừng Mộ Điểu đón Thứ phi Ya Dố về thành. Đại vương có lời muốn gửi gắm Thứ phi.
Nhắc tới Ya Dố, lòng Phạm Kiều rộn lên niềm vui. Bà sắp gặp lại người mà lòng luôn yêu kính. Cũng đã gần mười năm cách biệt rồi còn gì, không biết Thứ phi bây giờ như thế nào?…
Thay bộ võ phục, Ngô Trung từ biệt vợ. Ra tới cửa, như chợt nhớ ra điều gì, Ngô Trung quay lại nói:
– À! Đại huynh đã được triều đình Phú Xuân phong tước Quận công, bổ nhiệm chức Thái úy. Giờ huynh ấy đã vinh hiển tột cùng đấy!
Đó là Phạm Công Hưng, người bà kính trọng nhất. Hồi niên thiếu, Phạm Công Hưng đã bộc lộ tư chất thông minh, có chí lớn. Thân phụ không tiếc công của cho huynh muội bà theo thầy giỏi học cả văn lẫn võ. Phạm Kiều tuy phận nữ nhi nhưng cũng thích tập tành võ nghệ. Huynh muội bà thường luyện kiếm, uống trà, thưởng hoa, luận bàn thế sự rất tương đắc. Bấy giờ, Nguyễn Nhạc khởi binh ở đất Tây Sơn, trừng trị bọn quan lại gian tham, lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, người khắp nơi nô nức tụ nghĩa. Một hôm, Phạm Công Hưng bảo:
– Ta xem muội không khác gì nam tử. Nếu có chí tiến thân tất sẽ lập được công danh. Hay muội cùng ta gia nhập nghĩa quân Tây Sơn nhé.
Không chút do dự, Phạm Kiều đáp:
– Đó cũng là ý muội. Nhưng việc này rất hệ trọng, đại huynh phải lựa lời khéo léo xin cha chấp thuận mới được.
Nghe hai con thưa chuyện, người cha đắn đo một lúc rồi nói:
– Các con đã quyết, cha không ngăn cản. Chỉ mong trời phật thương tình phù hộ che chở bình yên, để ngày già cha mẹ còn có nơi nương tựa.
Rồi dặn riêng Phạm Kiều:
– Con là nữ nhi, đến chỗ binh cách càng phải bảo trọng đấy.
Cả hai cúi lạy tạ cha, gói ghém hành trang, từ biệt song thân lên đường. Vào nghĩa quân, Phạm Công Hưng không màng nguy hiểm, xông pha trận mạc, lập không ít chiến công. Khi xưng đế, Nguyễn Nhạc ban thưởng quan tước bổng lộc rất hậu. Sau Phạm Công Hưng theo Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ chinh chiến vào Nam ra Bắc rồi ở lại Phú Xuân. Còn Phạm Kiều thành thân với quan Hộ giá Ngô Trung, cùng chồng phò tá Nguyễn Nhạc ở thành Hoàng Đế. Vật đổi sao dời, Phú Xuân với Quy Nhơn gần đó mà xa cách muôn trùng, mấy năm rồi huynh muội bà không gặp nhau.
Thứ phi Ya Dố về kinh đã được ba ngày. Chiều hôm đó, Thứ phi cùng mấy người tùy tùng ghé thăm nhà quan Hộ giá. Hai vợ chồng Ngô Trung ra cổng đón. Trông Thứ Phi trẻ trung với áo váy thổ cẩm đường viền sặc sỡ, cổ đeo chuỗi hạt cườm trắng, đầu chít khăn đen. Vai khoác chiếc áo choàng cũng được trang trí bằng những hoa văn họa tiết tinh xảo. Thứ phi gật đầu chào Ngô Trung rồi ôm chầm lấy Phạm Kiều. Nén xúc động, Phạm Kiều gỡ tay Thứ phi ra, giữ lễ:
– Thưa Thứ phi, thật vinh hạnh khi được người ghé thăm tệ xá.
Ya Dố tỏ ý không bằng lòng:
– Không thưa Thứ phi, gọi như ngày xưa thôi. Cái bụng mình thích thế.
Thứ Phi nắm tay Phạm Kiều cùng đi vào nhà. Ya Dố là con gái yêu của một Tộc trưởng Ba Na. Khi còn ở căn cứ Tây Sơn Thượng Đạo, Phạm Kiều được dự đám cưới Ya Dố với Nguyễn Nhạc ở làng Cổ Yêm trong rừng Mộ Điểu. Đêm ấy, dưới ánh đuốc bập bùng, mọi người xúm xít quanh những ché rượu cần đặt trước sân, từng người vít cong cần uống, men rượu bừng bừng, ăn uống, nhảy múa tới khuya. Trong tiệc cưới, bà bắt gặp ánh mắt thân thiện của Ya Dố. Đôi mắt màu nâu đồng trong veo, chân chất, có sức cuốn hút lạ kì. Tình cảm bắt đầu từ đó và ngày thêm gắn bó. Buổi đầu khởi nghĩa, tất bật công việc, cả hai lo việc khai khẩn, trồng trọt, sản xuất lương thực nuôi quân trên cánh đồng Mộ Điểu, hoặc tháp tùng Nguyễn Nhạc băng rừng vượt suối tìm đến kết giao với các bộ tộc người Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai để phát triển lực lượng. Đói ăn rau rừng, cơm vắt, khát uống nước suối mà nghĩa tình luôn ăm ắp…
Khi đã lên ngôi vua, Nguyễn Nhạc rước Ya Dố về thành Hoàng Đế phong làm Thứ phi. Sống trong cung, được vua sủng ái, nuông chìu, nhưng Ya Dố không quen điện ngọc, lầu son, lụa là gấm vóc, kẻ hầu người hạ. Thứ phi nhớ buôn làng, nhớ tiếng chim Pơ Sô hót líu lo vang động cả bình minh. Nhớ tiếng thác Lơ Bna ngày đêm ầm ầm vỗ vào vách núi như nhịp thở hào sảng của đất trời. Nhớ cuộc sống mộc mạc chân chất ở núi rừng Mộ Điểu… Nỗi buồn nhớ càng lúc càng lớn. Gương mặt xinh đẹp của nàng sơn nữ ngày thêm ủ sầu. Vua Thái Đức cho gọi Phạm Kiều vào cung bầu bạn với Thứ phi. Nhưng dù đã tìm mọi cách, Phạm Kiều cũng không làm nguôi ngoai nỗi buồn nhớ của Thứ phi. Vua Thái Đức đành ngậm ngùi cho nàng về với núi rừng…
Quan Hộ giá bảo người nhà dọn lên mấy món đặc sản miền xuôi mà Thứ phi rất thích. Ya Dố và Phạm Kiều trò chuyện vui vẻ, nhắc kỉ niệm xưa, kể chuyện thời gian xa cách… Bỗng nhiên, Ya Dố thở dài, mắt đượm buồn. Phạm Kiều hỏi nguyên cớ. Thứ Phi đáp:
– Thấy vua Trời buồn phiền lâm bệnh, vóc dáng tiều tụy, mình thương quá, nhưng không biết phải làm sao. Mình muốn ở lại bên cạnh sớm hôm chăm sóc. Nhưng vua Trời không cho, bảo mình về Mộ Điểu lo liệu mọi thứ để phòng chuyện bất trắc sau này. Mình thuộc về vua Trời. Núi rừng Mộ Điểu là của vua Trời. Chim Pơ Sô luôn nhớ, thác Lơ Bna ngày ngóng đêm trông. Một mai vua Trời trở về, mình vui lắm. Người làng của mình cũng vui lắm.
Ngừng lại một lúc, Thứ phi nói tiếp:
– Sáng mai, mình phải về rồi. Ở lại mạnh giỏi. Có dịp, nhớ lên Mộ Điểu thăm mình.
Phạm Kiều hứa:
– Thưa Thứ phi, tôi sẽ lên ạ!
Ya Dố mỉm cười hồn hậu:
– Lại Thứ phi nữa. Nói không nghe, mình giận đấy. Mình chờ. Nhờ ơn vua Trời, Mộ Điểu bây giờ khác trước nhiều lắm, không còn thiếu thốn như xưa.
Với Thứ phi, nói một lời là chắc một lời, không hề thay đổi. Thứ phi nán lại một lúc nữa rồi từ biệt về cung. Hai người bịn rịn chia tay…
***
Quân Nguyễn hàng hàng lớp lớp vây hãm thành Hoàng Đế. Nguyễn Nhạc sai con là Nguyễn Bảo chỉ huy quan quân giữ thành chống trả. Thành vẫn đứng vững song sức người cũng sắp kiệt. Tây Sơn Vương bệnh tình càng nặng, nằm trong hậu cung. Ngày ngày quan Hộ giá đi thị sát về báo lại tình hình cho Vương. Như mọi hôm, vừa thấy Ngô Trung, Vương hỏi ngay:
– Quân giặc thế nào?
– Bẩm đại vương, chúng tập trung ở mặt đông thành, chuẩn bị công kích.
Thấy vẻ mặt lo âu của Tây Sơn Vương, Ngô Trung nói tiếp:
– Sáng sớm hôm nay, người của ta vượt vòng vây về báo, Phú Xuân đã phái đại binh vào cứu viện. Hai đạo quân thủy bộ đã xuất phát, chỉ nay mai là đến. Quan Thái úy Phạm Công Hưng chỉ huy, ngoài ra còn có Tư mã Ngô Văn Sở, Hộ giá Nguyễn Văn Huấn…
Nếp nhăn trên trán Vương giãn ra:
– Toàn những người cũ. Chỉ tiếc là ngày trước, ta tài hèn đức mỏng không giữ chân họ được. Nay gặp lại thẹn lắm thay.
Ngô Trung an ủi:
– Xin đại vương đừng lo nghĩ nhiều. Việc cần kíp trước mắt là đánh lui được quân giặc. Mọi chuyện khác sẽ tính sau.
Từ Tử cấm thành về tới nhà, Ngô Trung liền sai người hầu gọi phu nhân đến gặp. Phạm Kiều bận chăm sóc những người lính bị thương trong trại quân. Ngô Trung hớn hở:
– Phu nhân biết tin gì chưa?
– Quân cứu viện Phú Xuân sắp đến chứ gì? Từ sáng đến giờ, tin đó đã lan truyền khắp thành.
– Ta muốn nói chuyện khác, Ngô Trung ra vẻ quan trọng, người chỉ huy quân cứu viện là Phạm huynh của chúng ta đấy.
– Ôi! Đại huynh ư? Phạm Kiều reo lên.
Không còn gì vui hơn! Ngay cả trong mơ bà cũng không nghĩ tới điều kỳ diệu đó. Tây Sơn Vương sẽ xúc động biết bao khi người bề tôi cũ vào bệ kiến. Người bề tôi kiêu hùng đem binh về cứu giá người. Phạm Kiều mong mỏi thời khắc đó nhanh đến để gỡ mối lo buồn cho Tây Sơn Vương và huynh muội bà lại được sum họp.
***
Trước đội quân cứu viện hùng hậu của Phú Xuân, quân Nguyễn không dám giao chiến, phải rút lui. Thái úy Phạm Công Hưng cùng các tướng lĩnh dẫn quân nhập thành. Ngồi trên mình ngựa ngất ngưởng tiến vào giữa muôn người hân hoan chào đón, Phạm Công Hưng dương dương tự đắc. Vì Thái úy chưa từng nghĩ tới có ngày vinh quang như thế này kể từ lúc dứt áo ra đi…
Phạm Kiều nhấp nhỏm đứng ngồi không yên. Quan thái úy vào thành mấy hôm rồi, sao không thấy gọi tới bà? Chẳng lẽ huynh ấy đã quên bà rồi sao? Bà không tin như vậy. Chắc là việc công bề bộn nên chưa sắp xếp được cho việc riêng. Còn phu quân của bà nữa. Mỗi lần phu quân vào cung ở riết mấy hôm không về là chắc chắn có tin không vui. Giặc đã tan, hiểm họa đã qua, còn chuyện gì xảy ra với Tây Sơn Vương nữa đây?
Ngô Trung lê bước về với nét mặt u sầu. Không kịp tháo lễ phục, ông gieo mình xuống tràng kỉ, nằm vắt tay lên trán, miệng lẩm bẩm:
– Ta không ngờ Thái úy là kẻ tồi tệ đến thế!
Phạm Kiều hốt hoảng:
– Huynh ấy đã gây ra chuyện gì?
– Tây Sơn Vương sai mang vàng bạc tạ ơn nhưng hắn không nhận. Hắn giải giáp quân sĩ giữ thành, bãi chức các quan lại, kê biên các kho tàng… Hắn tuyên bố thành Hoàng Đế từ nay do hắn cai quản. Tây Sơn Vương uất hận thổ huyết rồi mê man bất tỉnh. Theo chẩn đoán của quan ngự y, chắc ngài không qua khỏi.
Phạm Kiều điếng người kêu lên:
– Trời ơi! Lẽ nào lại như thế!
– Biết thế này, thà sống chết với quân Nguyễn còn hơn. Thật là đuổi hổ cửa trước rước sói cửa sau.
– Huynh ấy đang ở đâu?
– Chúng đang hả hê tổ chức tiệc tùng ở điện Bát Giác.
Phạm Kiều bức xúc:
– Thiếp muốn gặp huynh ấy hỏi cho ra lẽ.
– Phu nhân đừng đi, hắn không còn là đại huynh của ngày xưa, coi chừng nguy hiểm đó.
– Vì Tây Sơn Vương, thiếp chấp nhận tất cả.
Phạm Kiều đi nhanh ra cửa. Ngô Trung cản không được, đành thở dài nhìn theo…
***
Phạm Công Hưng bày tiệc lớn trong điện Bát Giác. Trên bàn, rượu thịt ê hề. Ngồi chễm chệ chính giữa là quan Thái úy. Bên phải là Ngô Văn Sở, bên trái là Nguyễn Văn Huấn. Cả ba trò chuyện tâng bốc nhau cười nói rôm rả. Phạm Công Hưng rất hí hửng. Mọi chuyện đều đúng theo kế hoạch, nhất là việc giải vây thành Hoàng Đế mà không phải tốn hao binh mã. Tiệc đang vui, bỗng tên lính gác chạy vào báo:
– Bẩm Thái úy, có một nữ nhân đứng ngoài cửa, xưng là người thân, nằng nặc xin vào gặp Thái úy.
– Ả tên gì?
– Dạ bẩm, tên là Phạm Kiều.
– Cho vào ngay, quan Thái úy nói với Sở và Huấn, đây là hiền muội của tôi. Cũng là người nhà cả.
Phạm Kiều từ ngoài bước vào. Bà dừng chân dưới thềm. Phạm Công Hưng vênh mặt nhìn:
– Ta đã gặp phu quân của muội. Hắn thật tăm tối, cứ khư khư bảo vệ cho lão Tây Sơn Vương bệnh tật vô tích sự. Nếu hắn không phải là em rể, ta đã trị tội rồi. Nhưng vì muội, ta sẽ cho hắn một cơ hội. Muội phải khuyên bảo hắn theo ta về với Thái sư, có vậy phu thê muội mới được tận hưởng an nhàn phú quí.
Có cái gì chẹn nơi cổ, Phạm Kiều nghèn nghẹn đáp:
– Muội không cần cuộc sống nhung lụa đáng khinh đó.
Ngô Văn Sở và Nguyễn Văn Huấn lặng nhìn nhau. Quan Thái úy cố kiềm chế:
– Sao lại thế? Có gì ấm ức, muội cứ nói ra đi.
Phạm Kiều không chút e dè:
– Sao đại huynh nỡ cướp đoạt cơ nghiệp của Tây Sơn Vương?
Phạm Công Hưng vẫn cố dịu giọng:
– Thân làm bề tôi, ta chỉ biết vâng lệnh vua. Không được vì tình riêng mà xem thường phép công.
Phạm Kiều căm tức:
– Phép công cũng có lúc quyền biến, đâu phải nhẫn tâm đến vậy. Ngày trước, tại sân chầu này, trước vua Thái Đức, đại huynh đã từng tung hô vạn tuế, thề thốt trung thành. Giờ sao đại huynh rắp tâm hãm hại vua cũ, quên hết ân nghĩa ngày xưa?
Quan Thái úy đỏ mặt tía tai:
– Đó là việc của ta. Muội còn mồm mép như thế thì đừng trách ta vô tình đấy.
Ngô Văn Sở lên tiếng:
– Thưa Thái úy, hay là ta tạm để Tây Sơn Vương yên vị, rồi tìm cách bẩm báo về triều nói đỡ cho ông ấy, chờ chiếu chỉ của vua rồi liệu bề tính tiếp.
– Không được, Nguyễn Văn Huấn chen vào, ngài quên lời căn dặn của Thái sư lúc xuất binh rồi sao?
Phạm Công Hưng trừng mắt ngó Ngô Văn Sở, gằn giọng:
– Làm lỡ việc lớn của Thái sư, ông biết mình mang tội gì không? Coi chừng mất cái mũ ô sa trên đầu đó.
Ngô Văn Sở nín ngay. Phạm Kiều tái mặt, phẫn uất:
– Thì ra, chỉ vì cái mũ ô sa đó mà đại huynh đã khom lưng uốn gối nịnh nọt bạo quyền. Không ngờ, đại huynh lại trở thành đớn hèn, thảm hại đến thế, thật không xứng là bậc trượng phu hiên ngang đứng giữa đất trời này nữa.
Phạm Công Hưng điên tiết xô đổ bàn tiệc, đứng phắt dậy quát:
– Ngươi thật to gan, dám phỉ báng xúc phạm Quận công Thái úy đương triều. Tội ấy không thể tha. Quân đâu, lôi nó ra ngoài chém đầu cho ta.
Một toán lính dạ ran, cầm gươm giáo xồng xộc chạy vào. Phạm Kiều thản nhiên:
– Không cần chúng mày phải nhọc công đâu, Phạm Kiều ta xin lấy cái chết báo đền ân đức Tây Sơn Vương.
Phạm Kiều lao thẳng vào cột rồng, đập đầu tự vẫn. Trán đầm đìa máu, bà nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng. Mặt Phạm Công Hưng tái nhợt. Những người trong điện chứng kiến ai nấy sững sờ…
Ngô Trung ngậm ngùi đứng một mình trước nấm mồ hiền phụ trên một gò đất cao ở ngoại thành. Ông đến từ biệt vợ vì ngày mai sẽ đưa vương hậu, các vương tử và vương tôn của Tây Sơn Vương về núi rừng Mộ Điểu theo di nguyện của người. Ở đó, Thứ phi Ya Dố đang chờ đón. Thứ phi sẽ che chở bảo bọc vương hậu và hậu duệ của vua Trời. Chỉ có tấm lòng Thứ phi là mãi mãi son sắt, thủy chung như như núi rừng Mộ Điểu ngàn đời xanh lá… Ngô Trung bất chợt nhìn về thành Hoàng Đế. Tòa thành sừng sững đang say ngủ im lìm dưới trăng. Từ lúc nào, vầng trăng trên bầu trời tĩnh lặng sáng gầy guộc, nhợt nhạt, xanh xao trên những bức tường xám ngắt. Ánh trăng run rẩy trong tiếng kêu rỉ rả não lòng của các loài vật náu mình trong đêm. Chưa bao giờ, quan Hộ giá thấy vầng trăng trên thành Hoàng Đế lạnh lẽo, thê thiết như vậy… Ngô Trung thắp mấy nén hương trước mộ phần vợ, mắt nhòa lệ, lòng dâng trào nỗi xót xa, ông bồi hồi thổn thức: “Hiền thê ơi, ta không thể đưa hiền thê về Mộ Điểu như lời hứa với Thứ phi. Thôi thì hiền thê hãy yên nghỉ. Về Mộ Điểu, ta sẽ nói với Thứ phi rằng hiền thê luôn nhớ về người, luôn luôn xứng đáng với ân tình của người, trọn một kiếp đời không phai nhạt”.
Quan Hộ giá quay gót. Bỗng ông có cảm giác trong bóng trăng lạnh, từ một nơi ẩn khuất nào đó, đôi mắt dịu dàng, ấm áp của người hiền phụ đăm đắm theo ông, suốt chặng đường về…
21/1/2022
Phạm Hữu Hoàng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...