Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Tư duy khoa học trong "An trú miền đọc" của Mai Thị Liên Giang

Tư duy khoa học trong "An trú
miền đọc" của Mai Thị Liên Giang

Từ “Chủ thể tiếp nhận và Lịch sử tiếp nhận Thơ mới” đến “An trú miền đọc”, Mai Thị Liên Giang đã khẳng định tiếng nói của một nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp. Nếu “Chủ thể tiếp nhận và Lịch sử tiếp nhận Thơ mới” cho chúng ta cái nhìn rõ nét, trọn vẹn về phong trào Thơ mới thì “An trú miền đọc” lại mang đến nhiều sắc thái khúc xạ từ sự đa dạng các đối tượng: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình,… Sự kết hợp giữa tư duy khoa học lý luận chặt chẽ, sắc sảo cùng với văn phong chỉn chu nhưng không kém phần tinh tế, nữ tính, “An trú miền đọc” hoàn thành khá tốt chức năng nghiên cứu phê bình, thẩm định, tránh được lối diễn giải chủ quan cá nhân cực đoan.
“An trú miền đọc” gồm 26 bài. Trong đó có: 8 phê bình thơ, 1 phê bình truyện thơ nước ngoài, 6 phê bình văn xuôi (3 văn xuôi Việt Nam và 3 văn xuôi nước ngoài), 3 nghiên cứu phê bình lý thuyết văn học, 7 phê bình tác phẩm lý luận, phê bình, 2 phê bình về sự kiện văn học. Chỉ ra như vậy để thấy đối tượng nghiên cứu phê bình của chị khá rộng. Nhưng tựu trung ở hai dạng: phê bình tác phẩm và nghiên cứu phê bình lý thuyết; ở hai hướng tiếp cận: tiếp cận tác phẩm văn học từ văn bản và từ người tiếp nhận.
TS. Mai Thị Liên Giang
Xem văn bản là trung tâm luận giải, xác thực, Mai Thị Liên Giang dễ dàng gọi tên và chỉ ra trò chơi của những con chữ mà các nhà thơ, nhà văn đã dựng nên trong tác phẩm nhằm gia tăng tính đa nghĩa. Cách chị khảo sát và phân tích cấu trúc ngôn từ, hệ thống và ý nghĩa của các biểu tượng, âm thanh, không gian, thời gian, tính liên văn bản, trò chơi hội thoại, lạ hóa, ẩn dụ kép,… trong thơ của Trương Đăng Dung, Hồ Thế Hà, Hoàng Vũ Thuật, Phan Hoàng, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Hoan,… cho thấy một khả năng đọc kỹ lưỡng và diễn giải hết sức thấu đáo. Bản chất của thơ là sự quyến rũ, mê hoặc, hài hòa giữa cảm xúc và ngôn từ. Tìm ra điểm tương hợp ấy trên cơ sở khơi thông ngôn từ, Mai Thị Liên Giang chỉ ra hấp lực riêng của mỗi nhà thơ. Các hình thức nghệ thuật mà chị vận dụng không hề cứng nhắc, khiên cưỡng, hay áp đặt, ngược lại, nó làm tỏa sáng tính thơ. Trong trò chơi ngôn ngữ, Trương Đăng Dung “như đang tìm kiếm ý nghĩa sự tồn tại của chính mình, như một cách để tạo nghĩa cho chính thế giới mà con người tồn tại trong đó”. Đọc thơ Hồ Thế Hà, chúng ta “như được tham gia vào một trò chơi với đầy đủ mọi cung bậc trạng thái hỷ nộ ai ố”. Nguyễn Quang Thiều lại khá sâu sắc trong “Nhịp điệu châu thổ mới”. Ông biết đẩy vào đó “những dự phóng, một số kiến tạo trước như thể nhà thơ đã từng có mong đợi về một thế hệ người đọc với tầm đọc mới”,…
Với phê bình văn xuôi, hướng phê bình của Mai Thị Liên Giang cũng bắt đầu từ tác phẩm, tác động trực tiếp đến tác phẩm thông qua các thủ pháp nghệ thuật như: nghệ thuật xây dựng nhân vật theo kiểu mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Hữu Phương, tính đối thoại tập thể trong sáng tác của Tô Hoài trước năm 1945, cấu trúc song hành trong giọng điệu thánh ca ở tiểu thuyết “Đứa trẻ mồ côi” của Mórizs Zsigmond,… Kỹ năng đọc có phương pháp đã giúp chị thâm nhập sâu vào tác phẩm, tiếp cận được giá trị nghệ thuật và dấu ấn của nhà văn. Nhắc đến Franz Kafka, chúng ta luôn thấy những trở trăn, băn khoăn về phận người, về “sự tha hoá, nỗi lo âu, sự lưu đày, và cái chết” mà nhà văn trao gửi trong tác phẩm. Diễn giải nỗi cô đơn thời gian trong ‘Lâu đài’, Mai Thị Liên Giang nhận định cốt lõi thế giới phi lý của Franz Kafka là “niềm khao khát luôn nỗ lực đi tìm sự thật về thế giới và mong muốn con người được sống như kiếp người, được hoà hợp với gia đình, xã hội và tìm được bản thân mình trong một thế giới có ý nghĩa”.
Tác phẩm “An trú miền đọc” của Mai Thị Liên Giang
Ở các bài phê bình tác phẩm lý luận, phê bình, với hệ thống lý luận vững vàng, chị chỉ ra các phương pháp đọc phê bình của Hoàng Thụy Anh, Trần Huyền Sâm, Lý Hoài Thu, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Phạm Ngọc Hiền,… Vận dụng thi pháp học, kí hiệu học, văn hóa học, phê bình nữ quyền, mỹ học tiếp nhận,… chị xác tín bút pháp phê bình của Hoàng Thụy Anh thiên về phê bình ngôn ngữ học. Lý thuyết và phê bình nữ quyền là góc nhìn để chị khẳng quyết: “Trần Huyền Sâm đã viết phê bình theo lối viết thân thể mà các nhà nữ quyền đã cổ xúy như Antoinette Fouque, Heslène Cixous, Julia Kristeva và luôn có sự suy xét sáng tạo riêng của một nhà phê bình nữ Việt Nam”. Phát hiện phương pháp pháp phê bình truyền thống và hiện đại trong “Văn nhân quân đội” từ kiểu phê bình ấn tượng, thi pháp học, kí hiệu học, văn hóa học, tường giải học, mỹ học tiếp nhận, chị đưa ra nhận xét: “Lý Hoài Thu vừa đi sâu vào bản tính nhà văn để tìm ra bản chất văn học quân đội vừa tìm đến những điều kiện tiên nghiệm từ xã hội mang tính chất thực hành của văn học, đến chủ trương ngôn ngữ khách quan của mỗi tác giả, vừa có xu hướng nhấn mạnh tới vai trò của nhà văn trong quá trình tạo nên tác phẩm”. Bàn luận về công trình “Gabriel García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại”, chị chỉ ra kĩ thuật và hiệu ứng ứng dụng các lý thuyết trong tư duy phê bình đối thoại của cây bút phê bình trẻ, đầy tài năng – Phan Tuấn Anh và đi đến kết luận: “Những kiến giải sinh động của Phan Tuấn Anh có giá trị khơi mở những con đường nghiên cứu khoa học mới cho những người yêu văn học Mỹ Latin. Đó là điểm tư duy “cùng tiến” mới trong bút pháp phê bình của các nhà phê bình trẻ hiện nay trên thế giới, khác với một số nhà phê bình lí luận khác trong lịch sử chỉ luôn cho mình là đúng”. Ở mô hình nghiên cứu phê bình lý thuyết, chị bàn về thuật ngữ chủ thể tiếp nhận, quan điểm tiếp nhận, quan niệm về sự đọc,… giúp người đọc có cái nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận. Nghiên cứu phê bình lý thuyết tiếp nhận của các nhà văn tên tuổi như Hans Robert Jauss, Claudio Magris, Jacque Derrida, chị vừa giới thuyết vừa chỉ ra phương pháp khám phá, áp dụng tối ưu nhất vào nghiên cứu văn học Việt Nam: “Việc áp dụng những thành tựu lí luận văn học vào nghiên cứu văn học Việt Nam là quá trình tìm tòi góp phần hoàn thiện hệ thống quan điểm về tác phẩm văn học và phương thức tồn tại của nó. Bởi trên con đường nghiên cứu tác phẩm chúng ta vẫn phải luôn dừng lại trước không ít những vấn đề cơ bản,… những vấn đề còn đang bỏ ngỏ, những cuộc đối thoại không có giới hạn… của một hệ thống quan điểm phức tạp, khó thuần nhất của lí luận văn học”. Như thế, chúng ta thấy có tính liên thông, phụ trợ giữa hai hướng phê bình (tác phẩm và lý thuyết) ngay trong các bài viết của chị. Các bài nghiên cứu phê bình lý thuyết của chị đã làm sáng tỏ nhận định văn bản tác phẩm văn học luôn vận động bởi chủ thể tiếp nhận. Văn bản tác phẩm văn học là văn bản mở. Bàn về công trình lý luận “Tác phẩm văn học như là quá trình” của Trương Đăng Dung, chị đã nhấn mạnh: “Quá trình văn học là quá trình tác động tương hỗ với hai yếu tố: ảnh hưởng thông qua văn bản và sự tiếp nhận thông qua người đọc. Văn bản là mối quan hệ giao tiếp, sự đọc là quan hệ đối thoại… Tác phẩm văn học được hình thành từ quá trình mở về phía chủ thể tiếp nhận”. Do đó, đối với hướng phê bình tác phẩm, chúng ta thấy chị luôn đặt mình trong tâm thế của người đọc “hàn lâm”, chủ động tìm những cách đọc tối ưu nhất, bật lên được điểm sáng của tác phẩm một cách thuyết phục. Cách chị tiếp cận tác phẩm dưới góc độ văn hóa học là một ví dụ. Ngôn ngữ là sản phẩm chung của xã hội, nhưng một khi nằm trong tay nhà văn, ngôn ngữ sẽ bị chi phối bởi phông văn hóa của riêng anh ta. Theo chị, hành trình tìm đặc trưng diễn ngôn văn hóa của nhà văn cũng chính là hành trình giải mã quan điểm, tư tưởng của nhà văn: “Trong quá trình đọc tác phẩm văn học, không có gì thông thường hơn bằng sự thể nghiệm các mã kí hiệu và văn hóa ẩn trong ngôn ngữ”. Đó là lý do để Mai Thị Liên Giang quy chiếu góc nhìn văn hóa vào sáng tác của Hoàng Vũ Thuật và cho rằng: “Văn hóa có mặt trong thơ Hoàng Vũ Thuật như một yếu tố tự nhiên chi phối tác giả trong việc lựa chọn ngôn từ và kiến tạo văn bản”. Và chị cũng đã tìm ra phương pháp phê bình của Lý Hoài Thu dựa trên nền tảng này: “Văn hóa trong văn học quân đội chính là môi trường sống của con người, của các nhân vật về cả mặt tinh thần và vật chất. Sức sống văn hóa trong văn học quân đội chính là ở chỗ nó chấp nhận cộng sinh văn hóa, tiếp biến văn hóa để đi đến giao thoa, hội nhập. Văn học quân đội như vậy… cũng đã góp phần bảo lưu và sáng tạo văn hóa dân tộc”.
Có thể nói, rất nhiều lý thuyết lý luận văn học được chị vận dụng trong “An trú miền đọc” như: thi pháp học, tự sự học, cấu trúc luận, lý thuyết chấn thương, lý thuyết hậu hiện đại, mỹ học tiếp nhận, hiện tượng học, phê bình sinh thái, phê bình nữ quyền,… Trong tay chị, các lý thuyết không phải là bản sao, áp đặt, quy chụp lên tác phẩm, mà được “tiêu hóa”, “giãn mạch” rất khéo léo, nhờ đó, chị dễ dàng thám mã tác phẩm, gọi hồn tác phẩm và bổ sung hướng tiếp cận mới.
Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh
Sự đọc đòi hỏi một quá trình kiên trì, thường xuyên, không có điểm dừng. Trong ngôi nhà văn chương, mỗi bạn đọc đều tự tìm một “miền an trú” hợp với cái “gu” thẩm mỹ của mình. Trước bộn bề tác phẩm giả (kém chất lượng) – thật (chất lượng) như hiện nay thì việc phân biệt, lựa chọn sản phẩm văn chương đích thực không hề dễ chút nào. Lúc này, trách nhiệm hướng dẫn, định hướng các giá trị thuộc về các nhà phê bình. Nhưng, đánh thức năng lượng của tác phẩm là việc làm không hề dễ. Nó đòi hỏi nhiều yếu tố cần có của một nhà phê bình chuyên nghiệp. Ngoài ra, bên cạnh việc luận bàn, đánh giá, thẩm định tác phẩm một cách thấu đáo, khách quan, khoa học, người viết phê bình cần thể hiện cá tính, lối viết riêng ngay trong sản phẩm mà mình tạo ra. Bởi lẽ, người viết phê bình cũng là người sáng tác. Anh ta sáng tạo lại tác phẩm bằng những định vị mang “tính lưỡng thê” (Đỗ Lai Thúy). “An trú miền đọc” của Mai Thị Liên Giang thực hiện khá đảm đang vai trò này. Chị đã bày tỏ chính kiến của mình ngay trong tác phẩm: “…thực tế, ở nước ta trong các hiện tượng văn học, các công trình nghiên cứu thường có hiện tượng cộng sinh giữa các phương pháp. Đây là điều tất yếu cho sự phát triển của quá trình lí giải tác phẩm văn học nếu đi từ cội nguồn của triết học, lí luận văn học và mỹ học”. Có lẽ xuất phát từ quan niệm này mà những bài viết của chị đều chú ý đến tính chất giản nở của ngôn ngữ thơ, tính văn học và cấu trúc tác phẩm, từ đó, xác định cá tính sáng tạo của nhà văn và phương pháp nghiên cứu phê bình của các cây bút nghiên cứu phê bình. “An trú miền đọc” được trình bày trên tinh thần đối thoại, phản biện, khước từ lối phê bình xã hội học cực đoan, cho thấy tư duy khoa học, bản lĩnh vững vàng trước các vấn đề chị đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhận diện được bóng dáng một bút pháp mềm mại, nhẹ nhàng, nữ tính ngay trong “An trú miền đọc”. Đặc điểm của phê bình là sự tranh luận. Tranh luận là điều cần thiết để bồi đắp nghĩa cho một tác phẩm, một thể loại, một giai đoạn hay một trào lưu. Khi chỉ ra những mặt hạn chế, bao giờ chị cũng trình bày hết sức khéo léo, vừa đủ. Thơ Nguyễn Quang Thiều có nhiều luồng tranh cãi. Chị không luận bàn về chủ thể tiếp nhận trong thơ Nguyễn Quang Thiều, nhưng cách chị đưa ra vấn đề để giải quyết xem ra hợp lý, ổn: “Điều quan trọng là cách nhà thơ ứng xử với những lời khen chê đó không phải bằng tranh luận ồn ào để khẳng định đúng sai mà bằng những thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật. Chúng ta hiểu rằng ‘đấy reo vang của vải’ và ‘đấy bệnh câm của vải’ vẫn luôn phải tồn tại cạnh nhau. Và chúng ta cũng sẽ bất hạnh nếu không có được một nhịp điệu sống đa dạng như nhịp điệu châu thổ mới, nhịp điệu sống của loài người”. Và điều này hoàn toàn đúng với những thành quả mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đạt được hôm nay. Ngoài những ghi nhận đóng góp của Trần Huyền Sâm ở chuyên luận “Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại”, xuất phát từ cảm quan của phận nữ, chị cũng chia sẻ và gửi gắm những đồng cảm của mình với tác giả trước diễn ngôn nam quyền: “Thực chất, nhà văn nam giới ít viết về tuổi dậy thì, kinh nguyệt, trinh tiết, tình dục, mang thai, nạo thai, đau đẻ… nhưng họ cũng là người luôn phải quan tâm đến các vấn đề này”. Phê bình sinh thái đang là hướng nghiên cứu có sức lôi cuốn rất mạnh mẽ. Không chỉ luận bàn về những đóng góp của chuyên luận “Rừng khô, suối cạn, biển độc và văn chương”, mà chị còn đồng hành với Nguyễn Thị Tịnh Thy trước những khiếm khuyết của hướng nghiên cứu phê bình sinh thái hiện nay. Cốt lõi của phê bình sinh thái là tinh thần nhân văn. Tinh thần nhân văn này đã se duyên, kết nối cuộc gặp gỡ, tri âm giữa Nguyễn Thị Tịnh Thy và Mai Thị Liên Giang về ý nghĩa sinh thái. Chỉ có thái độ hòa hợp, trân quý với sinh thái thì mới tạo dựng nền móng bền vững về một ngôi nhà chung: “Nhà phê bình hay nhà văn luôn phải có ý thức rồi mai này ai cũng sẽ sống trong thân cây, bên cạnh thế giới loài vật như sống trong cơ thể mình vậy!”. Không có sự cắt nghĩa nào tuyệt đối, bởi mỗi một góc nhìn đều cấp ý nghĩa mới cho văn bản. Như chị đã khiêm tốn trần tình ngay trong “An trú miền đọc”: “Chúng tôi cũng chỉ từ góc độ của tính thỏa thuận để đối thoại với văn bản. Có lẽ sự đọc theo kiểu này còn tạo thêm những khoảng trống ngôn ngữ luôn chờ đợi những cuộc đối thoại mới hơn…”. Do vậy, sự xuyên thấm giữa tư duy lí luận sắc sảo và cảm xúc tinh tế của người nghệ sĩ trong “An trú miền đọc” được thể hiện rất rõ qua văn hóa tranh luận, đối thoại và tính dự báo. Đây là nét riêng, làm nên bút pháp phê bình của Mai Thị Liên Giang.
Đồng hành với những nữ phê bình như Bích Thu, Tôn Phương Lan, Lưu Khánh Thơ, Lý Hoài Thu, Trần Huyền Sâm, Thái Phan Vàng Anh, Lê Hồ Quang, Lê Thị Bích Hồng, Cao Thị Hồng, Hỏa Diệu Thúy, Cao Kim Lan,… Mai Thị Liên Giang đã chứng minh được bút lực và phong cách của mình. Nội lực mà “An trú miền đọc” có được khởi từ một quá trình lao động miệt mài, nghiêm túc và tận tụy của chị. Dừng chân trước “An trú miền đọc”, đó là phương cách tối ưu để mỗi người đọc mã hóa và phát huy vai trò chủ thể đồng sáng tạo.
29/2/2020
Hoàng Thụy Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...