Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Từ Mã A Lềnh đến Mã Anh Lâm

Từ Mã A Lềnh đến Mã Anh Lâm

Nhà văn Mã A Lềnh và con trai - nhà thơ Mã Anh Lâm nổi tiếng trong làng văn Lào Cai nói riêng và văn chương cả nước nói chung. Sự nổi tiếng còn bởi sự “quý hiếm” của họ, bởi nhà văn người dân tộc Mông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chỉ có ba người, trong đó có cha con Mã A Lềnh và Mã Anh Lâm. Sự tiếp nối truyền thống văn hóa, yêu quê hương, dân tộc từ cha đến con khiến cho mỗi ai tiếp xúc đều thấy nể phục.
Nhà văn Mã A Lềnh
Cây pơ mu trên đỉnh Hoàng Liên
PGS-TS Trần Thị Việt Trung đã nhận xét như thế khi tiếp cận hơn 40 đầu sách trong gia tài của lão nhà văn Mã A Lềnh. Gia tài của ông chưa thật sự đồ sộ, nhưng ông nói mình đã cố gắng nhiều và sẽ còn cố gắng đến hơi thở cuối cùng. Nhìn cả cuộc đời hoạt động văn học nghệ thuật của Mã A Lềnh, bạn đọc luôn thấy sự cố gắng, học hỏi, vươn lên, thấy một lòng tự tôn về văn hóa Mông.
Suốt những năm tháng trải nghiệm, sống và viết, ông không hướng ngòi bút tới những bi kịch của dân tộc mình, mà luôn muốn trồng thêm những cái cây văn hóa ở trên đó. Ông cố gắng miêu tả cảnh sắc, con người núi non với những đặc điểm riêng biệt, cá tính riêng biệt.
Từ những ngày Tết, những sắc áo chàm, hoa chàm, chợ vùng cao đến cả những âm vang của sông suối, núi rừng khi ở trong văn ông đều cất lên những giai điệu. Văn của ông nồng nàn hơi thở dân tộc, mạch lạc, dứt khoát, ngắn gọn nhưng vẫn phóng túng.
Ấy thế nhưng, thi thoảng ông vẫn nhắc đến cái mặc cảm, rằng mình chỉ là chiếc lá nhỏ nhoi, là giọt sương rơi, như thể ông còn chưa thỏa mãn với những gì mình đã làm được, còn thấy mắc nợ quê hương. Có lúc dường như thấy bất lực trước sự trầm hùng sâu lắng của nền văn hóa dân tộc mà mình chưa đủ tâm lực để theo đuổi đến cùng.
Tôi hỏi Mã A Lềnh rằng thế mạnh của ông là ở đâu? Ông trả lời, vẫn là vốn văn hóa, được đặc tả trong những bút ký. Đúng rồi. Ông hiểu văn hóa vùng cao một cách sâu sắc, bao gồm cả ngôn ngữ dân tộc, điều đó sẽ tạo nên sự phong phú về ngôn ngữ trong diễn đạt, có tác dụng nâng tầm, làm bệ phóng cho những bút ký chân thực, giản dị nhưng vẫn thấm đẫm tình đời.
Mã A Lềnh cũng nói, thế mạnh của mình còn là ở cậu con trai Mã Anh Lâm. Mã Anh Lâm giờ đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Một nhà văn trẻ năng động, đã tiếp nối được truyền thống cha ông.
Ghi nhận về con trai như thế, tôi biết, nhà văn Mã A Lềnh rất hiểu thế mạnh và tin ở con. Lần gặp gần đây nhất tại nhà riêng, nhà văn Mã A Lềnh vẫn giữ được phong thái giản dị, điềm tĩnh của một người con dân tộc Mông cần cù, khiêm nhường và vẫn chưa nguôi những dự định, dù tuổi cao và bệnh tật.
Nói về cha con nhà văn Mã A Lềnh, không thể không nhắc đến cụ thân sinh ra lão nhà văn. Cụ là người trầm tính, ít nói, nhưng có một tình yêu thương vô bờ đối với gia đình và trách nhiệm với quê hương, đất nước. Với gia đình, ông cụ có thiệt thòi là bà cụ mất sớm khi tuổi còn trẻ, nhưng cụ đã “gà trống nuôi con”, tức là nuôi dạy Mã A Lềnh ăn học, nên người. Với quê hương đất nước, cụ đã tham gia chống thực dân Pháp, tiễu phỉ, góp phần giải phóng quê hương vùng cao Sa Pa.
Nhà văn Mã A Lềnh (bên trái) và con trai – nhà văn Mã Anh Lâm (bên phải) trong một hội thảo văn chương.
Cụ ông không sáng tác văn chương nhưng trong cụ là cả một dòng chảy lớn của văn hóa dân gian, truyền đời theo phương thức kỳ diệu của tri thức dân gian; trong đó có cổ tích, có dân ca, có những truyện ngụ ngôn mang hàm lượng truyền bá kiến thức và giáo dục rất lớn, có tác dụng xây dựng tâm hồn, nhân cách con người trước hết là tại cộng đồng làng bản.
Với những hành trang đó, Mã A Lềnh đã lên đường, đi học tại trường thiếu nhi dân tộc huyện, rồi từ những kiến thức được học, những cuốn sách được đọc, những say mê với chữ nghĩa và một quyết tâm lớn, nên ông đã trở thành một nhà văn.
Tất cả những điều từ ông nội, từ cha tác động tới nhà văn trẻ Mã Anh Lâm, làm cho anh cũng say mê học hỏi và say mê viết. Càng học hỏi, Lâm càng thấy kiến thức mênh mông trong chính vốn văn hóa truyền thống của người Mông. Mã Anh Lâm bảo: “Muốn gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc thì trước hết là học hỏi, tiếp theo là phải có hành động cụ thể để bảo tồn, phát huy, trong những hành động có thể, thì viết là phương án thuận tiện nhất với điều kiện, hoàn cảnh của tôi. Nhưng cũng là việc làm vừa dễ nhất lại vừa khó nhất”.
Yêu cha và thoát khỏi cái bóng của cha
Là con của một nhà văn, lại là nhà văn thuộc dân tộc ít người, Mã Anh Lâm tự hào và thấy mình còn có trách nhiệm lớn lao là phải tiếp bước. Hiện nay cả nước có hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chỉ có ba nhà văn người dân tộc Mông, đó là cha con Mã A Lềnh (Lào Cai) và Hùng Đình Quý (Hà Giang). Lâm vẫn đùa với bạn bè văn chương rằng: “Tôi là loại quý hiếm, anh em phải chăm sóc tôi cho tốt không là tuyệt chủng đấy”.
Để tiếp nối được cha, Lâm đã phải học, phải đọc thật nhiều (tất nhiên có chọn lọc) và phải viết, xác định viết là lao động sáng tạo. Anh tranh thủ mọi thời gian để viết, trong quá trình viết lại phải chắt lọc, những dòng văn vừa phải mang hơi thở cuộc sống, vừa phải tiếp dẫn được truyền thống bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Đặc biệt khi khai thác đề tài miền núi, phải am tường lối nghĩ, cách nói của người dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có lối nghĩ, cách nói khác nhau, không thể đánh đồng, không thể đứng nhìn từ xa rồi viết đại, dân tộc nào cũng “Giàng ơi”, dân tộc nào cũng “cái bụng mình”… như vậy làm sai lệch tác phẩm của mình, dẫn đến sai lệch nhận thức của người đọc và vùng xã hội mà tác phẩm có tác động tới. Mã Anh Lâm bảo: “Tôi tự hào về cha tôi, về những lao động sáng tạo và thành quả của nhà văn, nhưng tôi không e ngại câu chuyện về cái bóng ấy. Tôi thoát ra khỏi bóng cha, bởi tôi có cách đi riêng”.
Vậy cái “chất” độc đáo nhất trong sáng tác của Mã Anh Lâm là gì? Trong văn và thơ, Lâm đã kết hợp giữa dân gian, cổ truyền với hiện đại, cùng kịch bản khó đoán trước, đưa ra thông điệp mang tầm nhìn thời đại, có cảnh báo. Trước đây Lâm đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành tiểu thuyết “Đối mặt phía nửa đêm”. Đó cũng là một trong những tác phẩm mang “sức nặng” để được xét kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong tiểu thuyết đó, Lâm khai thác vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc Mông và một số dân tộc thiểu số anh em khác, cùng với nhịp sống hiện đại của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hai lĩnh vực đó cùng vận động, tiếp biến, song hành trong bối cảnh đất nước đang đổi mới và phát triển.
Tiểu thuyết có biên độ thời gian từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tiễu phỉ cho đến thời kỳ công nghệ 3.0. Người dân tộc thiểu số biết ơn Bác Hồ, ơn Đảng đã đưa ánh sáng cách mạng về tập hợp, giải phóng cuộc sống nô lệ lầm than; người Kinh cũng giúp cho bà con người thiểu số phân biệt được đúng sai, phân biệt được những kẻ xấu ngụy trang dưới cái áo lợi dụng tôn giáo.
Tuy nhiên, trong khi có người nhân vật thiểu số đang tiến bộ, thì lại có nhân vật tráo trở, cơ hội người Kinh bị suy đồi, phạm pháp, phải đưa ra xét xử… Đó là sự bất ngờ trong mạch truyện, là kịch bản khó đoán của tiểu thuyết, không chỉ một chiều, và có cả tính cảnh báo.
Lâm cũng viết truyện ngắn. Nếu tập hợp lại thì có lẽ đã được một tập truyện ngắn khá dày. “Truyện ngắn của tôi chủ yếu bật ra từ những tình huống trong cuộc sống. Tình huống không chỉ có thông tin một hay hai chiều mà còn nhiều chiều. Cụ thể là cùng một sự kiện, phải nghe bằng ba, bốn kênh thông tin khác nhau, mới nắm rõ được bản chất của sự kiện ấy”.
Mã Anh Lâm nói, cũng như cha mình, anh may mắn được sinh ra ở vùng đất văn hóa. Sau này, Lâm được các bậc cha anh quan tâm bảo ban, dạy dỗ, tạo điều kiện cho trải nghiệm, tác nghiệp và thử thách. Song anh vẫn thấy mình còn thiếu. Thiếu nhất chính là tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nội dung nghệ thuật, xứng tầm với công cuộc xây dựng và phát triển của quê hương, đất nước.
“Hiện nay tôi không chú trọng về số lượng, mà chú trọng vào chất lượng, vậy nên có sự chững lại, không ra mắt nhiều tác phẩm chính là như vậy. Mặt khác, làm công tác quản lý, tham mưu với tỉnh về các chủ trương, chính sách để văn học nghệ thuật được đảm bảo hoạt động và được coi trọng trong đời sống kinh tế xã hội; duy trì và đảm bảo hoạt động của đội ngũ hội viên các chuyên ngành hàng trăm người… cũng là việc đòi hỏi rất nhiều thời gian. Vậy nên, đôi khi ý tưởng về một truyện ngắn xuất hiện, nhưng tôi chỉ kịp ghi vắn tắt vào sổ tay, để lúc nào sẽ tranh thủ viết thành tác phẩm” - Mã Anh Lâm chia sẻ.
13/11/2020
Nguyễn Văn Học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...