Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Vũ Quần Phương và nỗi buồn người làm thơ

Vũ Quần Phương và
nỗi buồn người làm thơ

“Sự phát triển của văn chương nói chung, thơ ca nói riêng thời gian gần đây có những điều rất bất thường…” - nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nguyên là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội; nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn chương Việt Nam bằng tiếng Pháp. Ông nổi danh với những bài thơ được xếp hạng trong 100 bài thơ hay thế kỷ XX, như: Đợi, Áo đỏ, Chiều, Trước biển… Các tập sách đã xuất bản: Cỏ mùa xuân (1966), Hoa trong cây (1977), Những điều cùng đến (1983), Vầng trăng trong xe bò (1988), Đợi (1988), Vết thời gian (1996) – Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Quên chữ, quên câu (năm 2000), Giấy mênh mông trắng (2003), Chỗ ấy sóng (2008).
Nhà thơ Vũ Quần Phương
Nhắc đến nhà thơ Vũ Quần Phương, người yêu thơ sẽ nhớ ngay những vần thơ giản dị nhưng triết lý, có chiều sâu suy tưởng của ông. Áo đỏ là một trong những bài thơ rất đặc biệt của Vũ Quần Phương mà nhiều người đọc đã thuộc vanh vách.
Không còn háo hức như xưa
Nhà thơ bồi hồi chia sẻ về kỷ niệm ra đời tác phẩm này, năm 1973, khi Hà Nội vừa trải qua 12 ngày đêm khói lửa. Trong thời chiến, nhiều người dân đều mặc áo màu xanh công nhân hoặc màu cỏ úa, nữ thì thêm màu xanh da trời, màu lòng tôm, màu da bò… bỗng ở giữa phố Khâm Thiên xuất hiện một cô gái mặc áo đỏ, cái sắc đỏ rực rỡ một góc phố khiến ai cũng phải chú ý, ngoái nhìn. Áo đỏ em đi giữa phố đông/Cây xanh như cũng ánh theo hồng/Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh đứng thành tro em biết không…  Bài thơ chỉ có 4 câu, có phải vì nó ngắn nên dễ thuộc hay còn vì ý nghĩa sâu sắc của màu đỏ mạnh mẽ ấy đã lan tỏa mãi theo thời gian. Màu áo đỏ như dấu hiệu đầu tiên của đời sống yên bình, như một khát khao về cuộc sống hòa bình và no đủ.
Dù tuổi cao nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương chưa một lần thấy mệt mỏi hay xuống dốc tinh thần; hễ nhắc chuyện thơ ca, trong đôi mắt tinh tường của ông lại ánh lên ngọn lửa đam mê. Có điều, ở ông bây giờ không còn vui vẻ và háo hức như thuở xưa, người  đọc thơ ông sẽ dễ dàng cảm nhận được nét buồn nhè nhẹ len vào từng câu chữ trong những tập thơ mới của ông với toàn những Quên chữ, quên câu (năm 2000), Giấy mênh mông trắng (2003), Chỗ ấy sóng (2008)…
“Ngộ độc” thơ
Nhà thơ thở dài kể về tình trạng người làm thơ bây giờ rất đông, thường là đến tuổi về hưu quay ra làm văn chương, đặc biệt là làm thơ. Chưa bao giờ các CLB thơ phát triển rầm rộ như hiện nay: Thơ Facebook, hội thơ lục bát, hội thơ thất ngôn tứ tuyệt… Điều rất buồn cười là tiêu chuẩn của các “hội” này là yêu thơ chứ chưa cần phải viết được những bài thơ hay, cho nên rất nhiều thành phần có thể tham gia và đóng góp cho các CLB này hoạt động. Tất nhiên, không phủ nhận rằng hình thức CLB như thế cũng có thể góp phần kích thích sự phát triển của thơ và biết đâu, nhờ quan tâm đến thú chơi thơ cũng tao nhã sẽ khiến cho người ta sống kỹ hơn, sống tử tế hơn.
Thế nhưng, “Số lượng các câu lạc bộ thơ phát triển nhiều như hiện tại, tôi thấy đây là hiện tượng bất thường, lo nhiều hơn mừng. Mỗi năm, trên cả nước có tới cả ngàn tập thơ được xuất bản, tôi được tặng nhiều lắm, đọc xong cuốn nào, tôi phải lấy sổ ghi, khi tác giả hỏi đến còn biết giở sổ ra mà thưa. Tập dở rất nhiều, lấn át và che khuất tập hay” – nhà thơ Vũ Quần Phương nói.
“Tình trạng ranh giới giữa thơ chuyên nghiệp và thơ nghiệp dư ngày càng không rõ nét. Rất đông các tác giả nghiệp dư nhưng cũng dùng những thao tác chuyên nghiệp để xuất bản và phát hành: trình bày ấn tượng, in sang trọng, quảng cáo giới thiệu rầm rộ… Người đọc chọn sách không thể căn cứ vào nhà xuất bản vì đã lâu rồi không hề có sự phân chia lĩnh vực nào. Nghe theo nhà phê bình thì người phê bình thật sự rất ít viết, bạn bè viết để giới thiệu giúp nhau thì lại không chuẩn mực. Hơn nữa, quá nhiều những người ban đầu chỉ định chơi thơ thôi nhưng sau khi in và giới thiệu một số tập thơ, lại nhất định xin gia nhập Hội Nhà văn” – nhà thơ ưu tư.
Mua danh nhà thơ
Là một trong những nhân vật chủ chốt nhiều năm làm trưởng Hội đồng thơ Hội Nhà văn, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết năm nào hội này cũng có tới gần ngàn lá đơn xin gia nhập khiến cho hội đồng vô cùng vất vả trong việc xét duyệt.
“Sự hăng hái đó đã trở thành một áp lực rất lớn đối với chúng tôi” – nhà thơ Vũ Quần Phương than thở. Ông cũng thẳng thắn phê phán hiện tượng mua danh: “Thậm chí, thời buổi dư bạc thừa tiền, rất nhiều người cần thêm cái danh. Thế nên, họ tấn công ghê lắm. Họ mời mọc nhiều nơi làm hội thảo thơ cho mình, thuê khách sạn hạng sang, thuê người đến dự, thuê viết tham luận và phát biểu… Rồi sau vài cuộc như thế là họ gửi đơn xin vào Hội Nhà văn. Nhiều người đưa đơn rồi chỉ nhăm nhăm mang quà cáp, “đi cửa sau” tới nhà các thành viên hội đồng xét duyệt, hy vọng được vào hội. Đáng sợ hơn là trong số đó, nhiều người có rất ít hy vọng làm được thơ. Còn có cả những tờ đơn viết sai chính tả: “Đơn xin ra nhập hội” nữa”.
Ông kể thời ông vào hội giản dị lắm, cứ gửi tác phẩm rồi hội đồng đọc xong thông báo với ban chấp hành, họ gửi thư mời các tác giả có triển vọng làm đơn vào hội. Mọi chuyện diễn ra rất âm thầm, chẳng ai biết, hội cũng chẳng đăng báo tên những hội viên mới.
“Đối với xã hội, thực sự tôi chả hiểu háo hức vào Hội Nhà văn và in ấn, xuất bản nhiều tập thơ như thế để làm gì?” – nhà thơ lại thở dài. “Và khổ nỗi, đa phần toàn là những tác phẩm chất lượng kém, phải đọc chúng, đối với cá nhân mình tôi không phiền nhưng với xã hội thì tôi nghĩ chắc chắn sẽ làm người đọc bị nhiễu loạn các hệ thống giá trị và làm thẩm mỹ về thơ bị biến dạng” - ông phân tích.
12/11/2020
Hòa Bình
Nguồn: NLĐ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...